Trung Quốc đã và đang hối hả đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện mưu đồ thôn tính biển Đông. Tuy nhiên, đây là một hành động không “danh chính ngôn thuận”, do đó, Trung Quốc không thể khuất phục được các nước khác để đạt được mục đích của mình. Không “chính danh”- đó chính là “tử huyệt” của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc tuyên bố chính thức đưa biển Đông, cùng với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vào danh sách các “lợi ích cốt lõi” của mình. Điều đó đã đặt biển Đông ngang với các mối quan tâm truyền thống có tầm quan trọng đặc biệt đe doạ thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc như Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng. Nó thể hiện một thông điệp cứng rắn mang tính chất áp đặt trong ứng xử quốc tế của Trung Quốc là “không khoan nhượng, không thương thuyết”.

Khu vực biển Đông

Tử huyệt: Không “danh chính ngôn thuận”

Khu vực biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố có “lợi ích cốt lõi” không chỉ gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà gồm vùng biển lớn chiếm đến 80% diện tích biển Đông, thể hiện trong yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã gửi cho Liên Hiệp Quốc vào tháng 5/2009.


“Đường lưỡi bò” theo yêu sách của Trung Quốc và
các vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm trong khu vực


Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được Việt Nam liên tục thực hiện chủ quyền đầy đủ từ nhiều thế kỷ qua. Hiện tại, quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc dùng bạo lực chiếm giữ hoàn toàn từ tháng 4/1974, còn tranh chấp chủ quyền- một phần hay toàn bộ- cũng đã diễn ra tại quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan.

Bao quanh biển Đông không chỉ có Trung Quốc mà còn có các nước và vùng lãnh thổ, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan. Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 cho phép các nước có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) không vượt quá 200 dặm. Do đó các nước quanh biển Đông đều có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền trên vùng biển thuộc lãnh thổ của mình. Mặt khác, dễ thấy rằng phần lớn các khu vực trong ranh giới “đường lưỡi bò” nằm trong vùng biển Đông đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền các quốc gia khác trong khu vực, nơi xa nhất cách thềm lục địa Trung Quốc tới hàng ngàn dặm. Điều đó chứng tỏ rằng Trung Quốc không có danh nghĩa để mà yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông.

Danh ngôn Trung Quốc xưa có câu “Danh bất chính, ngôn bất thuận, sự bất thành”- danh phận không chính đáng thì nói chẳng ai nghe và việc làm tất thất bại. Nhớ lại truyện Tam Quốc xưa, các phe phái tranh giành lãnh thổ và quyền lực như Tào Tháo, Lưu Bị… đều tìm cách dựa trên một danh nghĩa “chính thống” là phò nhà Hán để thu phục lòng người và tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng khác. Có chính danh mới có chính nghĩa và đó chính là một điều kiện tiên quyết cho thành công. Vì vậy mà Tào Tháo giữ được quyền lực, Lưu Bị lập được nước. Trung Quốc không có “chính danh” tại biển Đông, họ không thể khuất phục được các nước khác để giành quyền bá chủ vùng biển này. Đó chính là tử huyệt của Trung Quốc trong mưu đồ biển Đông của mình.

Gây tâm lý “sự đã rồi”, ngụy tạo danh nghĩa

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn ngang ngược thực hiện hàng loạt các hoạt động trên mọi phương diện nhằm tiến tới thôn tính biển Đông. Còn nhớ, một trong các hành động pháp lý mạnh mẽ đầu tiên của Bắc Kinh trong việc tranh giành chủ quyền ở biển Đông là việc tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, và Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa trong đó bao gồm cả 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam vào cuối năm 2007.

Các hành động trên thực tế cho thấy dường như Trung Quốc đã mặc nhiên coi mình là chủ nhân ông của biển Đông. Họ ỷ mạnh để tiến hành các hoạt động đánh bắt hải sản, thăm dò tài nguyên, ngăn cản việc làm ăn đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam, cản trở giao thông hàng hải quốc tế, tăng cường sức mạnh quân sự, tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập hải quân, không quân bắn đạn thật. Họ ráo riết củng cố, xây dựng quần đảo Hoàng Sa trở thành căn cứ quân sự quan trọng, làm bàn đạp tiến xuống phía Nam. Vào giữa tháng 6 gần đây, Trung Quốc đã xây dựng Cương lĩnh quy hoạch phát triển đảo “Tầm nhìn 2020″ – trong đó “quy hoạch” cả các vùng biển và hải đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Dư luận cho rằng, bản chất “Tầm nhìn 2020″ của Trung Quốc là, bất chấp luật pháp quốc tế, từng bước thôn tính biển Đông. Những hành động trong một thời gian dài đó còn nham hiểm ở chỗ nó định hướng tâm lý rằng đó là “sự đã rồi”, rằng Trung Quốc có danh phận và do đó có quyền giành chủ quyền của mình trên các vùng biển đã nêu.

Các hành động đó của Trung Quốc hoàn toàn trái với cam kết về ứng xử trên biển Đông năm 2002 mà Trung Quốc đã ký và cam kết với các nước ASEAN, trái với Công ước LHQ về luật biển năm 1982, cũng như đang tỏ thái độ thách thức coi thường các nước, trong đó có cả Mỹ.

Các vùng biển theo qui ước của UNCLOS 1982

Lời nói và việc làm của Trung Quốc gây lo ngại và lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của của các nước trong khu vực và quốc tế. Đã nhiều lần, Việt Nam lên tiếng kịch liệt phản đối các hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trên biển Đông. Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa và Trường Sa với những bằng chứng pháp lý, thực tiễn, lịch sử và khoa học xác đáng. Các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định rằng, với tư cách nhà nước, trong suốt chiều dài hơn 400 năm, từ thế kỷ XVII đến 1974 (đối với Hoàng Sa) và sau này, Việt Nam đã chiếm hữu thực sự, hòa bình, theo đúng nguyên tắc quốc tế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời gian đó, nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã liên tục quản lý về mặt hành chính, bảo vệ, khai thác nguồn lợi kinh tế của 2 quần đảo này qua các hành động như đặt đơn vị hành chính, lập đồn binh, thành lập các đội dân binh khai thác sản vật, đào giếng, trồng cây, lập trạm khí tượng, vẽ bản đồ, khảo sát thủy văn, biên chép vào chính sử và các tài liệu pháp lý chính thức… Nhiều tài liệu trong số đó còn lại tới ngày nay. Nhiều nhà nghiên cứu và các tài liệu phương Tây từ xưa cũng đã công nhận các hành động thực thi chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa…

Trong một hành động thể hiện sự tôn trọng sự thật trên đây, một cơ quan lớn và có uy tín bậc nhất trên thế giới, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (US National Geographic), trên bản đồ biển Đông, đã cho sửa chữ Xisha (Tây Sa – theo tiếng Trung Quốc đặt cho Hoàng Sa) thành Paracels (tên quốc tế của Hoàng Sa) và bỏ đi những chữ Hán bị chú. Điều đó phần nào phản ánh những quan điểm của Chính phủ Mỹ và của giới khoa học trên thế giới.

Trước vấn đề biển Đông ngày càng nóng bỏng, Mỹ đã vào cuộc và ngày càng tỏ thái độ quyết liệt hơn. Được biết, trong đối thoại Shangri-La hồi tháng 6/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước bất cứ hành động nào gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ trên biển Đông. Trong một diễn biến có liên quan, ngày 23/7, tại Diễn đàn ARF, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ có “lợi ích quốc gia” trong việc duy trì giao thương đường biển trên biển Đông, đồng thời cho rằng tranh chấp cần và có thể giải quyết bằng thương lượng hòa bình, song phương và đa phương.

Không chỉ có thế, trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ đầu tháng 8/2010, tàu sân bay USS Geoge Washington đã cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt Nam. Trước đó, Mỹ đã có hành động được cho là tham gia an ninh hải quân trong những vùng biển xung quanh Trung Quốc là tập trận chung hải quân và không quân với Hàn Quốc bên bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. Sự kiện này truyền đi tín hiệu rằng Trung Quốc không phải là một đại quốc duy nhất hiện diện trong vùng.


Tàu sân bay USS George Washington đến Việt Nam


Phản đối quan điểm của Mỹ, ngày 30/7/2010, Trung Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy cách giải quyết khác nhau về Biển Đông với “các nước có liên quan” thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời bác bỏ quốc tế hóa vấn đề này. Được biết, cho đến nay, vì đuối lý, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng trọng tài hoặc trước toà án quốc tế.

Không chỉ mưu đồ thâu tóm biển Đông, Trung Quốc còn có tham vọng xa hơn, thể hiện qua những tuyên bố bóng bẩy đầy ngụ ý về vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay đảm bảo tài nguyên ở những nơi xa xôi, như trong Sách trắng quân sự 2008 của Trung Quốc đã khẳng định: “cuộc đấu tranh cho tài nguyên chiến lược, các vị trí chiến lược, và ưu thế chiến lược phải được tăng cường”.

Được biết Trung Quốc đang có các tranh chấp với Nhật Bản về việc khai thác mỏ khí đốt và cách phân định khu vực đặc quyền kinh tế ở vùng biển đông Trung Hoa, yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư (hay Điếu Ngư Đài)… Cách phản ứng của Nhật Bản là thể hiện những động thái mạnh mẽ, không để Trung Quốc lấn lướt. Dư luận cho biết, gần đây nhất, vào ngày 21/8/2010, chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ “quốc gia hóa”, tức là tuyên bố chủ quyền, 25 đảo nhỏ rải rác vào tháng 3/2011, bao gồm cả quần đảo Điếu Ngư mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đã tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau. Trước các hành động dứt khoát, cụ thể, rõ ràng như vậy, Trung Quốc không thể biến quần đảo Senkaku thành “đài câu cá” của họ được!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong cuộc gặp gỡ với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara tháng 6/1997, đã nói: “Không có nước nào có thể áp đặt được ý định của mình cho các dân tộc khác, nhất là với Việt Nam. Phải tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.

NVC (Tổng hợp)
Nguồn tin của VITINFO