Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Quĩ giáo dục Việt Nam: Thành quả 11 năm hoạt động

Quĩ giáo dục Việt Nam: Thành quả 11 năm hoạt động

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-02-27
Group-picture-with-Dai-hoc-Bach-Khoa-Ha-Noi-305.jpg
Cô Nguyễn Phúc Anh Lan (trái) tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2013.
Hình do Cô Anh Lan cung cấp


VEF Vietnam Education Foundation Quĩ Giáo Dục Việt Nam, một cơ quan độc lập của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, khởi sự hoạt động tại Việt Nam từ năm 2003 nhằm tăng cường mối quan hệ Việt Mỹ thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục.

Giúp sinh viên du học

Trên nguyên tắc, Quĩ giáo dục Việt Nam tập trung vào những ngành thuộc lãnh vực STEMM như Khoa Học (bao gồm khoa học tự nhiên, vật chất, môi trường), Công Nghệ (gồm công nghệ thông tin, điện toán), kế đó là Kỹ Thuật, Toán và Y Khoa.
Các hoạt động trao đổi giáo dục của VEF gồm ba chương trình. Thứ nhất là đưa sinh viên Việt Nam sang Mỹ theo các chương trình đào tạo sau đại học. Thứ hai, Chương Trình Học Giả, tài trợ cho các công dân Việt Nam đã có bằng tiến sĩ được cơ hội phát triển chuyên môn thông qua các khóa học, các hoạt động về nghiên cứu. Thứ ba, Chương Trình Thỉnh Giảng, hỗ trợ các giáo sư Hoa Kỳ sang giảng dạy tại các đại học hoặc các viên nghiên cứu ở Việt Nam.
Tính đến lúc này, Quĩ giáo dục Việt Nam đã cấp học bổng và hỗ trợ học vấn cho 466 sinh viên từ trong nước sang Hoa Kỳ.
Hiện tại, giám đốc điều hành của VEF là tiến sĩ Lynn McNamara, các thành viên người Mỹ gốc Việt trong Hội Đồng Quản Trị VEF đều do tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm.
Năm 2013, VEF tổ chức một buổi gặp gỡ và tiếp xúc đầu tiên với cộng đồng Mỹ gốc Việt tại Houston, Texas, để chia sẻ thông tin về các chương trình của VEF. Tháng Ba năm nay, cũng với mục đích tương tự, hai buổi gặp gỡ và nói chuyện sẽ diễn ra ngày 8 ở Quận Cam, Nam California và ngày 9 ở San Jose, Bắc California:
Quĩ giáo dục Việt Nam sẽ chấm dứt năm 2018, nhưng mà tiền quĩ khi nhận một em vào thì mình phải chắc cho em học hết tiến sĩ.
-Nguyễn Phúc Anh Lan
“Cá nhân chúng tôi, khi tham dự vào Quĩ giáo dục Việt Nam, đã tình nguyện đứng ra dẫn đầu một ủy ban gọi là Ủy Ban Tiếp Cận Quần Chúng (Outreach Committee) để vận động và phổ biến tin tức của quĩ học bổng này ngay cả trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ này. Bởi vì chúng ta có đến gần hai triệu người Mỹ gốc Việt sinh sống tại đây, thì trong số đó chắc chắn có rất nhiều mối liên hệ với đồng bào ở quê nhà, cho nên họ cũng trở thành một phương tiện rất tốt để chuyển tải những thông tin về chương trình học bổng này về Việt Nam theo một hướng rộng rãi hơn.”
Được biết tham gia trình bày thông tin trong hai buổi nói chuyện và tiếp xúc với cộng đồng ở Nam và Bắc California gồm giám đốc điều hành VEF, tiến sĩ Lynn McNamara, tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, đại diện Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, ông David Dương, Chủ tịch công ty Xử Lý Chất Thải California, cô Vương Ngọc Quyên, giám đốc điều hành hội thiện nguyên ICAN ở Bắc California, cô Nguyễn Phúc Anh Lan, Quản lý IT thuộc Trung Tâm Ung Thư MD Anderson, Đại Học Texas:
“Quĩ Giáo Dục Việt Nam sẽ chấm dứt năm 2018, nhưng mà tiền quĩ khi nhận một em vào thì mình phải chắc cho em học hết tiến sĩ. Thành ra niên học cuối cùng mà VEF sẽ nhận là niên khóa 2016. Tức là chúng ta chỉ còn hai chương trình học bổng nữa mà thôi. Chương trình học bổng dành cho các em bắt đầu từ 2015 thì hiện nay website của Quĩ Giáo Dục Việt Nam đang nhận đơn, hạn chót là ngày 10 tháng Tư. Vì vậy chúng tôi rất cảm tạ quí đài cho chúng tôi có cơ hội để là thông báo cho các em sinh viên ở Việt Nam có đủ điều kiện và thì giờ nộp đơn online.
Tất cả mọi thủ tục đều có thể thấy trên website Quĩ Giáo Dục Việt Nam www.vef.gov. Năm 2016 là niên khóa cuối cùng mà chúng tôi sẽ tuyển sinh, sau đó số tiền còn lại chỉ vừa đủ để cho các em đang ở trong VEF có thể hoàn tất chương trình hoặc là thạc sĩ hoặc là tiến sĩ của mình mà thôi.”
jul-250.jpg
Giáo sư David Wilson phỏng vấn các ứng viên cho các chương trình của VEF tại Đại học Quốc gia Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2012. VEF PHOTO.
Đó là lời trình bày của cô Nguyễn Phúc Anh Lan, một trong những người được tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào Hội Đồng Quản Trị VEF năm 2012, rồi được tái bổ nhiệm tháng Mười Hai 2013. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của những cuộc gặp gỡ để trao đổi thông tin như vậy, cô Nguyễn Phúc Anh Lan cho biết các thành viên Mỹ gốc Việt trong Hội Đồng Quản Trị sẽ trả lời bất cứ những câu hỏi nào liên quan đến công việc của VEF 11 năm qua:
“Mùa hè vừa qua chúng tôi có dịp tháp tùng khoảng 12 vị giáo sư Hoa Kỳ đến Việt Nam để tham dự cuộc phỏng vấn trực tiếp các em thí sinh Việt Nam cho học bổng niên khóa 2014 . Tổng cộng phái đoàn đã phỏng vấn 103 em và chọn ra 40 em cho niên học 2014.”
Con số này có thể thay đổi, cô Nguyễn Phúc Anh Lan nói, bởi sau khi được nhận thì Quĩ Giáo Dục Việt Nam giúp cho các em nộp đơn vào các trường đại học. Đây là các em có khả năng nhưng chưa được nhận vào các đại học ở Hoa Kỳ, nhưng nếu có thư giới thiệu của hai vị giáo sư uy tín đã phỏng vấn em trong mùa hè vừa qua thì thông thường cac trường đại học đều nhận hết.
“Thường các em vượt qua được vòng phỏng vấn đều là những em xuất sắc, tuy nhiên hoặc là vì thay đổi hoàn cảnh hay là vì một lý do nào đó lại không tiếp tục được thì khi đó chúng tôi dùng đến danh sách trừ bị. Hiện giờ chúng tôi được biết có khoảng 40 em đã được Quĩ Giáo Dục Việt Nam thông báo đang làm thủ tục xin nhập học trong các trường Đại Học đã chọn. Hiện Quĩ Giáo Dục Việt Nam đang tuyển sinh cho niên khóa 2015.”

Chính quyền VN không trực tiếp tuyển sinh

Việc tiếp xúc, nộp đơn và đặc biệt quá trình tuyển sinh của Quĩ Giáo Dục Việt Nam vốn là câu hỏi được cộng đồng ở ngoài quan tâm nhiều nhất. Dựa vào kinh nghiệm làm việc trong Hội Đồng Quản Trị VEF, cô Nguyễn Phúc Anh Lan giải thích:
Vấn để tuyển lựa em nào có khả năng thi 90% là do nhân viên cũng như các vị giáo sư người Mỹ quyết định. Chính quyền VN không trực tiếp liên hệ đến vấn đề tuyển sinh.
-Nguyễn Phúc Anh Lan
“Sau hai năm làm việc với VEF thì chúng tôi có thể khẳng định một điều là quá trình nộp đơn tuyển sinh hoàn toàn mở, vấn để tuyển lựa em nào có khả năng thi 90% là do nhân viên cũng như các vị giáo sư người Hoa Kỳ quyết định. Chính quyền Việt Nam không trực tiếp liên hệ đến vấn đề tuyển sinh ngoài chuyện cung cấp cho Quĩ Giáo Dục Việt Nam những phương tiện để có thể tiếp cận và thông báo về quĩ này.
Nhân viên Quĩ Giáo Dục Việt Nam cũng được chỉ thị phải phổ biến rất rộng rãi, càng nhiều người biết đến càng tốt. Có một điều là Quĩ Giáo Dục Việt Nam nhận đơn không qua một cá nhân nào mà nhận đơn trực tiếp trên mạng lưới Internet. Vì vậy cho nên người vào được mạng lưới thì đều có thể nộp đơn được cả, không có một giới hạn nào trong chuyện nộp đơn. Quá trình tuyển sinh phải nói là rất minh bạch và rõ ràng.”
Điều kiện bắt buộc đối với ứng viên khi nộp đơn và ra phỏng vấn là điểm TOEFL( điểm kiểm tra tiếng Anh như một ngoại ngữ) phải cao, tức từ 500 điểm trở lên.
Thế nhưng, theo cô Nguyễn Phúc Anh Lan, dù như điểm TOEFL cao nhưng khả năng nghe và hiểu khi đàm thoại không được khá thì khó có thể vượt qua phần phỏng vấn:
“Đó là trở ngại có thể ảnh hưởng cho các em sinh viên ở vùng sâu vùng xa. Nếu không đủ khả năng anh văn thì không thể qua được vòng phỏng vấn của những vị giáo sư Hoa Kỳ. Điều kiện thứ hai cũng rất quan trọng là niềm đam mê và tài năng trong ngành nghề các em đang tham dự.
Nếu một em hơi yếu về Anh ngữ nhưng thông minh và có khả năng nghiên cứu về một đề tài chuyên biệt chẳng hạn, thì các em đó vẫn có thể có một cơ hội. Chúng tôi thấy trở ngại nhất vẫn là Anh ngữ, tức cần phải hiểu người ta hỏi mình cái gì, mình trả lời phải đúng ngay câu hỏi chứ không trả lời ở ngoài đề.”
Kỷ niệm mà cô Anh Lan nhớ nhất, và tự nhủ lòng sẽ kể cho mọi người nghe, là cô từng chứng kiến những trường hợp của nhiều sinh viên trong nước có CV(resume) tức sơ yếu lý lịch rất khá :
Group-picture-with-Dai-Hoc-Quoc-Te-HCM-City-250.jpg
Phái đoàn VEF cùng các sinh viên Đại học Quốc tế TPHCM.
“Nhưng mà dường như các em chỉ tập để nói một số điểm về công trình nghiên cứu của mình, thành không để ý người ta hỏi câu gì và cứ trả lời trở lại phần mình đã tập nói trước rồi. Đó là điều mà những vị giáo sư rất là không thích và đó là khuyết điểm rất nhiều em vấp phải.
Theo chúng tôi được biết thì nhân viên của Quĩ Giáo Dục Việt Nam có tổ chức những buổi hướng dẫn để chuẩn bị cho ngày mà các giao sư qua phỏng vấn.”
Bên cạnh đó, không ít những trường hợp khiến cô xúc động và hãnh diện trước một số tài năng trẻ hiếu học của Việt Nam:
“Điều chúng tôi thấy được an ủi là có một số em phải nói rất có tài năng, các  em có những công trình nghiên cứu sẵn. Khi nộp đơn vào chương trình hậu đại học thì các em phải xong đại học rồi hoặc đã xong thạc sĩ tức mà Masrer rồi, thành ra các em đã có hướng nghiên cứu. Ví dụ khi phỏng vấn về Toán chẳng hạn, có hai vị giáo sư của hai trường nổi tiếng của Hoa Kỳ phỏng vấn một em đang học tiến sĩ về Toán. Ông ấy đưa ra một bài toán thì em chưa hiểu lắm vì tiếng Anh của em hơi yếu. Ông kiên nhẫn giải thích thêm một lần nữa, bài toán rất khó mà trong vòng 5 phút em ấy đã giải được. Ông thầy rất phục, bảo là học trò của ông đang làm luận án tiến sĩ mà giải bài này cả hai tháng mới ra, còn em này chỉ trong vòng 5 phút đã làm được rồi. Cuối cùng em đó vẫn được nhận vào chương trình học nhưng họ đề nghị đi học thêm hai khóa Anh văn.
Chuyên môn thì có em giỏi về nông nghiệp, có em về cầu đường, về xây dựng, có em về môi trường vân vân… Dù trong lãnh vực nào đi chăng nữa điều quan trọng nhất vẫn là kiến thức, nắm vững được vấn đề trong chuyên môn của mình vì người ta sẽ hỏi rất sâu về chuyên môn, nhưng quan trọng nhất vẫn là Anh ngữ và khả năng hiểu người ta hỏi cái gì. Mình không cần nói hay nhưng phải nói làm sao cho người ta hiểu được và người ta nói thì minh hiểu được câu nói của người ta. Năm nào chúng tôi cũng nhận được ba mươi mấy đến bốn chục em, chắc chắn đều là những em giỏi.”
Từ năm 2003 đến nay, Quĩ Giáo Dục Việt Nam đã có đối tác làm việc chung với khoảng 92 trường Đại Học danh tiếng ở Hoa Kỳ như đại học Stanford, đại học Princeton, đại học Yale, đại học Cornell vân vân…
Trong số 466 sinh viên Việt Nam được VEF đưa sang Mỹ học chương trình hậu đại học và nghiên cứu thì 28 là nghiên cứu sinh tại các đại học hàng đầu của tiểu bang California như UC Berkeley, UC Davis, UC Los Angeles, UC San Diego, UC Santa Barbara và University Of Southern California.
Để ghi danh thi tuyển vào các chương trình học bổng của Quĩ Giáo Dục Việt Nam VEF, bạn trẻ trong nước có thể truy cập vào website www.vef.gov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét