Nếu tiếp tục 400 năm thời Lý Trần, thì Lý Thường Kiệt, Tôn Đản... đến Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng và muôn vàn hậu duệ... có thua gì các Shoguns và Samurais Nhật Bản. Các hiệp sĩ Việt cũng được đào tạo rất giống võ sĩ Nhật: họ được học với các nhà sư, không khoa bảng lý thuyết, họ Văn Ôn Vũ Luyện (Trần Hưng Đạo được đào luyện ở chùa từ năm lên 6). Vua quan đều là những người có đạo đức tu học, xã hội đồng tôn, đồng tiến, dân chủ như hội nghị Diên Hồng, trên dưới một lòng, phá Tống bình Chiêm, kháng Mông ba lần... chỉ với 3 triệu dân tự cường tự lực, trong khi Nhật Bản nhờ bão thần kamikaze mới kháng nổi quân Nguyên.
Thế kỷ XV với Lê Lợi, Lê Thánh Tôn là những bậc anh tài, kháng Minh, mở mang bờ cõi, xây đắp văn hoá, đặt luật lệ, đâu ra đó, một khối óc khai quốc như Nguyễn Trãi có viễn kiến về thuật trị nước, lấy nhân nghĩa làm đầu, làm sao cho dân đen hang cùng ngõ hẻm không còn tiếng oán than...
Tuy Tam giáo đồng tôn bị suy, nặng về khoa cử nhưng Nho học cũng đã tạo ra một tầng lớp Nho sĩ có uy tín :
Sĩ, Nông, Công, Thương - Sĩ đứng đầu được toàn dân kính trọng, quy củ tôn ty đúng với truyền thống văn hoá Hữu Lễ của dân tộc, trọng học, trọng hiền, trọng lão. Chưa bao giờ bọn cùng đinh xó chợ được nắm vận mệnh quốc gia như thời bát nháo đảo điên hiện tại.
Thế kỷ XV tới thế kỷ XVIII, xã hội Nhật cũng đầy can qua, tranh chấp sứ quân, dân chúng lâm vào cuộc chiến lãnh chúa lãnh địa... chẳng khác thời nhà Mạc, vua Lê chúa Trịnh và Trịnh Nguyễn phân tranh.
Nhật có Thần Đạo, ta cũng có Đạo nội Tứ Bất Tử (Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Liễu Hạnh), Nhật có Zen, ta cũng có Trúc Lâm Thiền phái...
Nhật cũng chẳng phải là một dân tộc đơn thuần không pha trộn: phía Bắc có giống Ainu gần với da trắng Âu châu, kết hợp nhiều bộ tộc, có pha Trung Hoa (từ đời Tiền Hán), Hàn, vùng Osaka có nét văn hoá riêng. Việt Nam có hợp chủng với Chiêm, Miên, Tầu... cũng không có gì là lạ, miễn là giữ tiếng nói Việt, hồn Việt vẫn nổi bật nhất.
Nhật có Judo, kiếm pháp... ta cũng có võ thuật cao từ đời Lý Trần Lê mới sang đánh Tầu, vây châu Khâm châu Liêm, bắt sống Ô Mã Nhi, chém Liễu Thăng, chẳng mảy may thua kém. Võ Tây Sơn/Bình Định là một thí dụ điển hình cho truyền thống thượng võ Việt.
Nhật bế quan toả cảng tới giữa thế kỷ 19, từng giết hại giáo dân còn hơn đời Nguyễn (năm 1637 giết 37000 tín đồ ở thành Shimbara, 1867 lưu đầy 4 vạn tín hữu Ky Tô, 1/3 bị chết), mãi tới khi tiếng đại bác hải quân Mỹ 1853 mới làm họ tỉnh ngộ để chuyển đổi... VN ta thua kém từ đấy, bị Pháp xâm lăng đô hộ trong khi Nhật ra sức canh tân, đổi mới mà vẫn giữ được truyền thống dân tộc.
Nhật Bản là một quần đảo, như Anh quốc, nên tránh được ngoại xâm và tránh được ảnh hưởng thủ cựu của đại lục: cũng Nho giáo nhưng Nho ở Nhật không phải là Tống Nho mà là Tri Hành hợp nhất của Vương Dương Minh (với Chu Di Du mang sang), cũng Phật giáo nhưng là những Thiền môn có thực hành đến nơi đến chốn, không hý luận xa vời, Suzuki đã phổ biến Thiền học sang Âu Mỹ từ đầu thế kỷ 20.
Việt Nam bị Tầu xâm lăng nhiều lần, nằm sát cạnh một chú lái buôn, đầu gần bụng, bụng gần đất, hiểu tôn giáo như tiệm chạp phô, hạ Phật Lão xuống mê tín dị đoan miếu đền đồng bóng, biến Nho thành khoa bảng từ chương giáo điều... thậm chí đến thế kỷ 19 khi bị Âu Tây áp chế, vẫn cố mò sang Huế phong vương!
TẠI SAO ẤN, THÁI, NHẬT không bị vướng CS Mác xít mà ba nước Tam giáo VIỆT, TẦU, HÀN lại bị mắc kẹt ?
Lý do chính : căn bản văn hoá Tâm linh.
Ấn giáo, ngoài khuyết điểm phân biệt đẳng cấp, vẫn mang lại một không gian tâm linh nối kết chặt chẽ dân chúng, dù nhiều bộ tộc, với một tầng đạo lý, triết lý cao thâm, khiến ngoại giáo, ý thức hệ non kém như Mácxít, không len vào được, chưa kể các vị Yogis đạt mức siêu nhân, chưa kể đạo Phật phóng thoát... tới thế kỷ XX mà Ấn vẫn sản ra những kỳ nhân hiền triết như Gandhi, Tagore... khiến Anh quốc cũng phải tâm phục ra đi, tuyên truyền Sô Viết-Mao... trở thành trò trẻ con kệch cỡm bên cạnh những đại thụ thâm viễn.
Ấn Độ đông dân ngang Tầu, nghèo khổ hơn Tầu, nhưng đời sống tâm linh cao vòi vọi, nên Thực dân cũng tự lùi mà Cộng sản cũng phải vái. Ấn Độ chưa bao giờ xâm lăng bành trướng bằng vũ lực, biết tương nhượng trong danh dự: họ chấp nhận Liên Hiệp Anh để cùng phát triển, chẳng mảy may thù oán tiểu nhân, họ là một dân tộc trưởng thành, không nông nổi nóng tính như Viêm Việt, ùn ùn nộ khí xung thiên đánh Tây mà quên CS Nga Tầu tệ hại gấp mười sau lưng!
Thái Lan là một nước ngang tầm cỡ Việt Nam, họ không hung hăng khoe khoang 4000 năm lịch sử, họ chính là dân Nam Chiếu (Âu Việt hay Điền Việt) bị Mông Cổ xâm lấn nên chạy sang phía bắc Thái, cùng dân bản địa, dựng thành Thái Lan ngày nay mới từ thế kỷ XIII (1253). Họ hiền hoà, biết tương nhượng, đạo Phật Nguyên thuỷ pha Ấn Độ giáo, nối kết dân chúng êm đẹp, dân tin vào khất sĩ, vua tin vào Phật Pháp Tăng, quần chúng biết sùng kính Tôn giáo, họ thân với Anh, Pháp để tồn tại, họ canh tân còn sớm hơn Nhật gần một thế hệ (1850 - Nhật 1870), họ giữ được hoà bình cả 244 năm nay (trận chiến lớn lần cuối xẩy ra vào 1767 khi Miến Điện đánh vùng Ayuthaya), họ không có Cộng Sản hung đồ lật vua để theo ma giáo của mấy triết gia cuồng tư loạn ý Do Thái Âu châu, họ biết sống thuận hoà với nhau, kính tăng, yêu vua. Họ là một lân bang của VN mà có lẽ, hậu CS, ta cũng phải mất ba thế hệ nữa may ra mới có được một xã hội tử tế như họ bây giờ.
Nhật Bản cũng vậy, không bị Thực dân, không bị Mácxít, nhờ có một nền văn hoá vững chãi dựa trên Thần Đạo và Thiền, Khổng, họ không chịu ảnh hưởng Tầu nặng như Việt Nam, nhờ 2000 năm keo sơn bền chặt, với Thiên Hoàng và Thái Dương Thần Nữ làm niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và danh dự gắn bó họ lại như một thỏi sắt. Họ học hỏi từ Tầu, võ thuật, y học, y phục (kimono là áo cung nữ đời Đường), đạo giáo... nhưng tu chỉnh, đạt cốt tuỷ và linh động thải bỏ cặn bã giáo điều, đọc thơ Haiku, sẽ thấy ngay mức đạt Thiền rất cao, phóng khoáng, phá chấp, giản dị.
LIỀU THUỐC TRỊ NƯỚC HAY CỦA HÀN QUỐC ?Tình trạng bán đảo Triều Tiên rất giống Việt Nam: nằm sát Tầu, bị Nhật đô hộ khắt khe cả 50 năm, tam giáo với Phật Đại thừa, kinh qua trận chiến Quốc Cộng Nam Bắc 1950, trước VN 10-15 năm.
Hàn quốc mang vài lợi điểm hơn ta: ba mặt là biển nên CS phương Bắc tràn xuống không dễ, không có rừng rú như Trường sơn để trốn tránh. Năm 1950 Trung Cộng còn rất yếu ớt, mới chiếm được Hoa lục năm 1949, lại gặp lão hổ tướng 5 sao Mac Arthur, quyết thắng, nên Bắc Hàn bị đẩy lùi về ổ.
Những năm sau, cho tới thập niên 1960, với Lý Thừa Vãn, Nam Hàn cũng chẳng hơn gì TT Ngô Đình Diệm, nhưng quân đội Hàn, cũng như Nam Dương, học hỏi được truyền thống kỷ luật của quân đội Nhật rất nhiều. Khi quân nhân lên cầm quyền với Phác Chính Hy, nhóm quân nhân có kỷ luật và chung lòng chống Cộng, yêu nước, trí thức không mấy ai mắc vào Mácxít, không có
thành phần thứ ba nối dáo cho giặc!
Từ những năm 1960-70 Hàn quốc ngày càng vững vàng: một mặt canh tân đất nước, kỹ nghệ hoá, biết vận động lobby quốc hội Mỹ qua ngả nổi và chìm, khu Georgetown ở Washington DC thời ấy có cả một club sang trọng Đại Hàn dành cho các giới chức... Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là họ phát triển mạnh Tin Lành-Công giáo, lên tới 50 % dân chúng (năm 1907 để cùng toàn dân chống Nhật, Tin Lành đưa ra kế hoạch Ky Tô hoá cả nước qua chiến dịch Great Revival và Million Movement- Năm 1994 Hàn có 35,000 nhà thờ, 50,000 mục sư, còn lại là Phật và đạo thờ vua Khai quốc Tan’gun giống như vua Hùng của ta). Nhờ căn bản tôn giáo đó, họ nắm chặt chẽ Mỹ và Âu, họ tạo được tín nhiệm quốc tế, trong khi Nam Việt Nam, nhờ Mỹ mà lòng thì theo tả phái Pháp chống Mỹ, chiến đấu mà thiếu hẳn một chất keo đoàn kết, chống khối CS mà lại không có khối dân nào đủ đông và mạnh để quân bình, Công giáo ở VN chỉ có khoảng 7%, Phật giáo đại thừa uyên bác hoá ra cao xa, lại có tông thiên lệch nghiêng ngả về vô thần!
TẠM KẾT : Xét ra thế giới còn lại 4 bồ CS Mácxít thì 3 bồ thuộc Viễn đông Tam giáo.
CS Mácxít rõ ràng bị khựng lại ở những nước có tôn giáo chặt chẽ như Hồi giáo, Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo, hoặc có văn hoá cao, thực tiễn như Nhật, các cựu thuộc địa Anh, các nước Âu Tây tân tiến.
Cho nên vấn đề xã hội của Ta, Tầu, bây giờ và mai hậu là vấn đề tôn giáo, tâm linh, không có tôn giáo thì dễ sa vào ma giáo, tà thuyết, mà tôn giáo ở đây phải là tôn giáo chặt chẽ,
nhân bản, nhân vị, làm cái phao đạo lý cho quần chúng bám trên dòng nước chảy xiết. Nhìn các nước Phật Nguyên thuỷ như Tích Lan, Miến, Thái... ta thấy rõ sự khác biệt giữa tu hành chân chính với triết lý viển vông hão huyền và tầm quan trọng của một tôn giáo/đạo lý
gió đáy qui hội được quần chúng.