Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Chiến Tranh Tin Học

Tin tặc đột nhập nhiều trang web Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông

Bức ảnh được tin tặc đưa lên một trang web Trung Quốc
Bức ảnh được tin tặc đưa lên một trang web Trung Quốc
Thụy My

Từ khuya hôm qua cho đến hôm nay 2/6, tin tặc đã đột nhập vào nhiều trang web của Trung Quốc, để khẳng định “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Sự kiện này diễn ra sau vụ tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 và hàng loạt các vụ trấn áp ngư dân Việt ngay trên lãnh hải Việt Nam. Dù chính phủ Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối, nhưng trước các lời tố cáo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại hai lần ra tuyên bố lên án ngược lại, đòi Việt Nam phải dừng các hoạt động tại Biển Đông.

Thái độ này đã làm dấy lên cả một làn sóng công phẫn, đặc biệt là nơi cộng đồng mạng. Từ tối hôm qua, một số trang web của Trung Quốc đã bị tin tặc đột nhập, để lại các hình ảnh, tuyên ngôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Như trong trường hợp các vụ tấn công tin học, không thể xác định ngay lập tức nơi xuất phát của các “hacker”, nhưng rõ ràng là tất cả các dấu hiệu để lại đều nhằm bênh vực chủ quyền của Việt Nam.

Khi truy cập vào địa chỉ: http://jdk.gov.cn/jdkfq/, sẽ thấy trên trang chủ là hình ảnh một người lính hải quân Việt Nam đang cầm súng, trên nền bản đồ Biển Đông có ghi rõ vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phía dưới là dòng chữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Ở dưới nữa là câu “Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng trời, vùng biển và tổ quốc”, và một clip ca nhạc mời đến thăm đất nước Việt Nam. Tấm hình này cũng được trông thấy trên trang http://www.investhuadu.gov.china, hacker ký tên là K20. Còn trên trang http://slarts.com, tin tặc viết “Ai có súng dùng súng…ai có gươm dùng gươm…tôi không có những thứ đó, chỉ biết dùng bàn phím tấn công”.

Cho đến 11 giờ sáng 2/6 (giờ Paris), tức 16 giờ chiều Việt Nam, hai trang investhuadu và slarts vẫn còn bị tin tặc khống chế, trang http://jdk.gov.cn/jdkfq/ không thể truy cập được. Các trang khác như http://www.cnweapon.com, http://axgov.cn đã trở lại bình thường.

Trên Facebook, nhiều thành viên kêu gọi nhau cùng chọn ảnh biểu trưng (avatar) là tấm hình người lính hải quân đã nói trên đây. Còn trên Google, nếu gõ từ khóa Bình Minh 02 sẽ cho ra đến hơn 30 triệu kết quả trong vòng 0,07 giây.

( nguồn RFI)


Hoa Kỳ đe dọa trả đũa các vụ tấn công tin học bằng biện pháp quân sự

Hoa Kỳ “sẽ đáp trả những hành động thù địch trong không gian tin học tương tự như mọi mối đe dọa khác đối với đất nước”
Hoa Kỳ “sẽ đáp trả những hành động thù địch trong không gian tin học tương tự như mọi mối đe dọa khác đối với đất nước”
Nguồn: Internet
Đức Tâm

Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định lập trường của Nhà Trắng : “việc đáp trả một sự cố tin học hay một cuộc tấn công tin học nhằm vào nước Mỹ, không nhất thiết phải là một hành động tin học” và nếu Hoa Kỳ bị tấn công, cho dù đó là tấn công tin học, thì Mỹ không loại trừ giải pháp nào để trả đũa.

Ngày 01/06/2011, tập đoàn Google cho biết, hàng trăm hộp thư điện tử Gmail của các thành viên chính phủ Mỹ, các quan chức, sĩ quan cao cấp, nhà báo Hoa Kỳ, của giới ly khai Trung Quốc và lãnh đạo các nước châu Á đã bị tin tặc tấn công. Vẫn theo Google, thì đợt tấn công trên quy mô lớn này ban đầu xuất phát từ thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo về sự kiện này và Ngoại trưởng Mỹ bà Hillary bày tỏ thái độ, xin trích, “Chúng tôi rất lo ngại. Những cáo buộc này rất nghiêm trọng, chúng tôi sẽ xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này”.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh vào giữa tháng Năm vừa qua, bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tiết lộ một chiến lược mới không loại trừ khả năng dùng đến các biện pháp quân sự để trả đũa những vụ tấn công tin tặc, theo đó, Hoa Kỳ “sẽ đáp trả những hành động thù địch trong không gian tin học tương tự như mọi mối đe dọa khác đối với đất nước”. Cụ thể hơn, Mỹ “sẽ giành quyền sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết – ngoại giao, các phương tiện liên quan đến thông tin, quân sự và kinh tế - tùy theo nhu cầu” để bảo vệ đất nước, các đồng minh, đối tác và lợi ích của Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ, đại tá Dave Lapan khẳng định là lập trường của Nhà Trắng như sau: “việc đáp trả một sự cố tin học hay một cuộc tấn công tin học nhằm vào nước Mỹ, không nhất thiết phải là một hành động tin học” và nếu Hoa Kỳ bị tấn công, cho dù đó là tấn công tin học, thì Mỹ không loại trừ giải pháp nào để trả đũa.

Theo giới chuyên gia, trong thời đại tin học hiện nay, một quốc gia có thể bị đánh gục mà không cần bắn một phát súng nào. Trên tờ Wall Street Journal, một sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ, xin dấu tên, giải thích, bộ Quốc phòng Mỹ cho tiết lộ chiến lược mới này nhằm răn đe những kẻ tìm cách phá hoại mạng lưới điện tử của nước này vì nếu mạng lưới điện tử ngừng hoạt động thì kẻ thù có thể bắn tên lửa vào nước Mỹ.

Chính quyền Washington nhấn mạnh, chiến lược mới này tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực xung đột quân sự. Theo chiến lược mới này, bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có thể quyết định đáp trả bằng quân sự các vụ tấn công tin học, trên cơ sở khái niệm “tương đương”: Có nghĩa là Mỹ coi những thiệt hại của một vụ tấn công tin học tương đương như các tổn thất mà một hành động quân sự quy ước gây ra.

Hiện nay, bộ Quốc phòng Mỹ đang soạn thảo những quy định về cách ứng xử bằng các biện pháp quân sự khi đáp trả các vụ tấn công tin học. Tuy nhiên, việc quyết định trả đũa bằng quân sự như vậy không đơn giản, vì nó đòi hỏi phải xác định rõ được nguồn gốc của vụ tấn công và kẻ nào đứng đằng sau.

Hoa Kỳ đã quyết định đề ra chiến lược mới này sau vụ virus tin học Stuxnet, mùa thu năm ngoái, đã tấn công các máy tính phục vụ chương trình hạt nhân của Iran.

Vấn đề an ninh mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama. Năm 2009, Washington đã chỉ định ông Howard Schmidt, cựu cố vấn dưới thời tổng thống Bush, làm điều phối viên về tin học và an ninh mạng.

viet.rfi.fr

Các website VN vẫn liên tiếp bị tấn công

( 9:57 AM | 07/06/2011 )

Các thông tin mới nhất cho thấy nhiều website của VN vẫn đang bị tấn công không ngừng. Các hacker để lại nhiều lời nhắn bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh trên trang chủ.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, bắt đầu từ ngày 2-6 đã diễn ra các đợt tấn công quy mô lớn của hacker nước ngoài nhắm vào hàng loạt webite của VN mà không nêu rõ lý do tấn công.
Theo thống kê của diễn đàn bảo mật HVAOnline, trong những ngày qua đã có hàng trăm website của VN bị hacker nước ngoài tấn công.
Các website VN vẫn liên tiếp bị tấn công - Tin180.com (Ảnh 1)
Những lời nhắn tiếng Trung trên trang chủ của haiquan.baria-vungtau.gov.vn
Sau khi tấn công các website bằng cách thâm nhập qua các lỗ hổng, hacker còn để lại lời nhắn bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh trên trang chủ. Nhiều website bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) và bị tê liệt.
Cũng theo diễn đàn này, hiện nay tần suất tấn công vào các website VN có đuôi gov.vn (các cơ quan hành chính, công ty, xí nghiệp nhà nước…) đã giảm đi đôi chút. Tuy nhiên, nhiều website của VN có tên miền (domain) đuôi khác vẫn đang bị tấn công hoặc bị "thăm dò" để tấn công.
Hành động này khiến hàng loạt website VN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều website vẫn đang chưa thể khôi phục lại.
Các diễn đàn bảo mật có uy tín trong nước dự đoán các cuộc tấn công vẫn chưa dừng lại và cảnh báo quản trị của các website VN nên thường xuyên theo dõi trang web của mình, sao lưu dữ liệu và lên kế hoạch đối phó với các hacker.
Nếu đã bị tấn công, quản trị nên xoá các file txt mà hacker để lại, sử dụng các trình anti-virus mạnh để quét lai toàn bộ hệ thống đề phòng hacker cài lại spyware, trojan…. hoặc cài một DDoS tool để biến các website, máy tính bị tấn công thành hệ thống Botnet (mạng máy tính bị hacker điều khiển để tấn công vào các website khác).

(theo nld)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét