Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Nhìn Lại Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975


Mỗi năm cầm bút viết về 30 tháng 4, vết thương như còn mới và lòng vẫn thấy đau. Như những tiền lệ lịch sử khi chiến tranh kết thúc, kẻ thắng huênh hoang đúng là: “Lịch sử là hồ sơ ghi nhận những sự nói láo của kẻ thắng” còn người thua thì chỉ tay đổ lỗi.

Ba mươi bảy năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến thắng của chủ nghĩa tất thắng Marx Lenin chỉ là chiến thắng của Ðảng Cộng Sản Việt Nam trên dân tộc Việt. Về phía kẻ thất trận, lý do không giản dị như Tổng Thống Richard Nixon viết trong hồi ký: “Việt Nam Cộng Hòa thua vì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lãnh còn quân lực VNCH đã chiến đấu anh dũng.”

Những cuốn sách và tài liệu lịch sử như “Không hòa bình chẳng danh dự” của Larry Berman, “Nixon và Mao” của bà Margaret McMillan cùng những tài liệu về hiệp định Ba Lê và những bài viết về phía VNCH của các ông Bùi Diễm, Hoàng Ðức Nhã, Nguyễn Xuân Phong và Nguyễn Phú Ðức và gần đây “Về Trung Hoa” (On China) của Tiến Sĩ Henry Kissinger đã cho thấy ông Kissinger là một trong những nguyên nhân chính gây ra cái chết của VNCH trong bàn cờ thế giới vì những tư lợi, khác với những dư luận và quan điểm những năm trước như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh Mục Cao Văn Luận cho rằng Henry Kissinger đã đánh đổi VNCH để giữ Trung Ðông vì ông là người gốc Do Thái. Bà McMillan đã cho thấy ông Kissinger đã đạt được hai điều căn bản khi Nixon và Mao gặp nhau năm 1972: Hoa Kỳ không loại bỏ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và Bắc Việt được giữ quân ở lại miền Nam. Hoa Kỳ đã lầm lẫn đánh giá cao tiềm năng quân sự của Xô Viết và không biết quân Trung Hoa nằm lẫn trong quân Bắc Việt kể cả pháo thủ phòng không.

Tiến Sĩ Henry Kissinger đã bi quan về Việt Nam ngay ngày đầu tiên thăm viếng miền Nam giữa thập niên 1960. Trong khi đa số tướng lĩnh Hoa Kỳ tin trận chiến vì lý tưởng tự do như Tổng Thống John F. Kennedy tuyên bố khi gửi cố vấn quân sự qua giúp VNCH và trận chiến chống cộng sản có thể thắng thì Kissinger chỉ muốn rút quân. Kissinger là người phản bội chỉ biết lợi ích cá nhân, trước theo Tổng Thống Johnson sau chạy theo Tổng Thống Richard Nixon, ông phá hiệp định Paris của TT Johnson qua trung gian “Con Rồng Cái” bà Ann Chennault, để TT Nixon gặp Ðại Sứ Bùi Diễm vào tháng 7, 1968, sau đó đặt máy theo dõi tòa Ðại Sứ VNCH ở Hoa Thịnh Ðốn để biết chắc kế hoạch thành công khi bắt được điện tin ngày 23 tháng 10, 1968 của Ðại Sứ Bùi Diễm gởi TT Nguyễn Văn Thiệu: “Các bạn đảng Cộng Hòa đã tiếp xúc với tôi khuyến khích VNCH giữ vững quan điểm không ký hiệp định Paris.” Các cuộc dò xét điện tin đi thẳng về Cartha De Coach (Deke) làm việc cho giám đốc FBI Edgar Hoover.

Năm năm sau, TT Nguyễn Văn Thiệu ký hiệp định Paris, điều khoản vẫn thất lợi cho VNCH, Hoa Kỳ không giữ lời hứa ném bom khi Việt Cộng và Bắc Việt vi phạm Hiệp Ðịnh Paris.

TS Kissinger bán VNCH và giúp Trung Cộng giàu mạnh để chống lại Nga với giá cao cho cá nhân ông. Sáu năm sau khi ông Kissinger không còn giữ chức cố vấn tổng thống, Kissinger Associates ra đời, công ty tham vấn tư được nhiều khế ước với nhiều quốc gia, nhiều đại công ty và các chính quyền. Mỗi lần gặp Henry Kissinger, các công ty phải trả ít nhất 25,000 Mỹ kim, ông còn nắm ảnh hưởng cơ quan truyền thông, tham vấn cho đài truyền hình CBS và ABC.

Quyền lợi lớn nhất của Kissinger đến từ Trung Cộng qua các đại công ty American Express, Lehman, Daewoo, Heinz, Lockheed, Anheuser Busch, Coca Cola, v.v... Vì lợi ích cá nhân, TS Henry Kissinger đã làm hại đại cuộc, Hoa Kỳ bây giờ phải đối phó với con cọp Trung Cộng. Sáu tháng trước biến cố Thiên An Môn năm 1989, ông thành lập China Adventure, công ty trách nhiệm hữu hạn với các công ty đầu tư ở Trung Cộng, cho nên khi biến cố Thiên An Môn xảy ra, Henry Kissinger dửng dưng, theo Ðặng Tiểu Bình, chống chủ trương cấm vận của chính phủ George H. Bush vì “Trung Hoa giữ một vài trò quá quan trọng cho nền an ninh Hoa Kỳ.”

TS Henry Kissinger là kẻ thù của những người yêu chuộng tự do và dân chủ, ông ủng hộ Trung Cộng, tuyên bố, “Không một chính quyền nào trên thế giới có thể đứng yên nhìn hàng chục nghìn người chiếm quảng trường chính ở thủ đô trong hơn 8 tuần lễ.”

Tiền của Kissinger có máu của những nạn nhân Thiên An Môn và người Việt Nam vì vậy 30 tháng 4 năm 2011 ông đã từ chối dự hội thảo về Việt Nam ở Hoa Thịnh Ðốn và đã nói đùa “Nếu thấy tôi đến chắc người Việt Nam sẽ giết tôi!”

Ðại Tướng William Westmoreland
Hồi tháng 10 năm ngoái, cựu Ðại Sứ Bùi Diễm gửi cho tôi cuốn sách của Lewis Sorley “để tặng người bạn trẻ cất trong tủ sách.” Nhờ Giáo Sư Sorley, giảng dạy quân sử trường võ bị West Point, tôi lại tìm thấy một nguyên nhân chính khác gây ra thất trận ngày 30 tháng 4, 1975: Ðại Tướng William C. Westmoreland.

Giống như TT Richard Nixon, Giáo Sư Sorley đã ca tụng quân đội VNCH chiến đấu anh dũng nhưng vì những lỗi lầm của Tướng Westmoreland mà “thảm cảnh đã xảy ra cho quân đội Hoa Kỳ và nhất là cho cả miền Nam Việt Nam, những người đã hy sinh trong chiến tranh và mất tất cả.”

Tướng William Childs Westmoreland, dòng dõi nhà binh, sinh ngày 26 tháng 3 năm 1914 tại Saxon, South Carolina, thời chiến tranh Nam Bắc với Tướng Robert Lee, ông là con cưng trong gia đình, người con gương mẫu. Ở trường, ông là học sinh xuất sắc, năng động, nhiều tham vọng, có óc khôi hài, 15 tuổi hoạt động Hướng Ðạo được bằng Hướng Ðạo Ðại Bàng (Eagle Scout), chủ tịch học sinh trong trường trung học, thích đấu quyền Anh (sau dùng chiến thuật đánh võ này áp dụng vào chiến tranh Việt Nam và quân đội VNCH được khuyến khích học quyền Anh). Cuộc đời binh nghiệp của ông thăng tiến rất nhanh từ trường Cao Ðẳng Quân Sự ở South Carolina đi lên West Point, tốt nghiệp năm 1936 đã được bạn bè đặt biệt danh là “Sếp” (Chief) như đoán được tương lai ông sẽ là tham mưu trưởng quân đội. Người cao một thước tám, mũi lớn, lông mày rậm như sâu róm, ông được đồng đội và cấp chỉ huy kính nể. 28 tuổi ông chỉ huy tiểu đoàn pháo binh rồi tham dự chiến tranh thế giới thứ hai ở Casablanca, chịu ảnh hưởng của Tướng Maxwell Taylor, được ông tướng này đỡ đầu, sau đó qua Anh, đến Normandy 4 ngày sau ngày đổ bộ, thành công ở Ðức chỉ huy Sư Ðoàn Bộ Binh 71, về nhà chỉ huy Sư Ðoàn Dù 82. Năm 1950 ông tham dự chiến tranh Ðại Hàn, 13 lần nhảy dù gần sông Hàn, xâm nhập qua lằn ranh Bắc Hàn, qua Nhật sau về lại Ngũ Giác Ðài làm tổng thư ký cho Tướng Maxell Taylor tham mưu trưởng (tháng 7 năm 1955). Ông làm việc rất chăm chỉ, thất bại trong kế hoạch chia sư đoàn làm 5 nhóm mỗi nhóm được chỉ huy bởi đại tá, nhưng một năm rưỡi sau, 42 tuổi ông là thiếu tướng trẻ nhất trong quân đội. Tháng 4 năm 1958, sau bốn năm rưỡi ở Ngũ Giác Ðài ông chỉ huy Sư Ðoàn Dù khét tiếng 101.

Năm 1960, ông chỉ huy trưởng trường võ bị West Point, cải tổ trường, tăng con số sinh viên sĩ quan gấp đôi lên đến 4140. Thiếu trình độ đại học, ông chỉ huy trưởng chịu khó ngồi học lại các môn khoa học căn bản nhưng ông hoàn toàn thiếu sót không học một môn quan trọng trong chiến tranh: khí tượng học. Khuyết điểm này đã có hại về sau, qua những cuộc đụng độ với quân Việt Cộng ở các chiến trường Việt Nam.

Vào thời điểm này, TT John F. Kennedy đến West Point đọc diễn văn năm 1962, đã tiên liệu chiến tranh Việt Nam “chiến tranh du kích, chiến tranh phục kích, xâm nhập làm kẻ thù suy yếu hao mòn để chiến thắng thay vì chiến đấu mặt đối mặt.”

Ngày 3 tháng 12 năm 1963, vị trung tướng trẻ tuổi nhất trong quân đội Hoa Kỳ được Tham Mưu Trưởng Earle Wheeler gởi qua Việt Nam phục vụ dưới quyền Tướng Harkins chỉ huy trưởng quân đội Hoa Kỳ ở VN (COMVS MACV). Sau đó ông thay Tướng Harkins khi ông Cyrus Vance làm bộ trưởng Bộ Binh.

Thành công nhanh, con đường binh nghiệp thăng tiến không trở ngại đã biến Tướng Westmoreland thành một con người kiêu ngạo. Ngày qua Việt Nam, Thiếu Tướng William Yarborough chỉ huy trưởng trung tâm chiến tranh đặc nhiệm ở Fort Bragg đã dặn ông trung tướng, “Chỉ có hai chục phần trăm đụng độ trên chiến trường, tám chục phần trăm còn lại là chiến tranh ý thức hệ, không có gì vô ích hơn là đại hành quân qua vùng Việt Cộng.”

Lời khuyên ấy bị Tướng Westmoreland bỏ ngoài tai, ông đã có chủ đích khi phục vụ cho Tướng Maxwell Taylor. Khác với quan điểm của TT Kennedy, Tướng Taylor chủ trương đánh thẳng đối mặt với chiến tranh du kích bằng những cuộc chiến nhỏ. Gặp Tướng McArthur ở Nữu Ước, Tướng Westmoreland đã chủ trương đối xử với sĩ quan và tướng VNCH như là “sinh viên sĩ quan trường võ bị West Point”! Ông đến Saigon, không gặp Tổng Thống Lyndon Johnson ở Hoa Thịnh Ðốn, đặt tổng hành dinh trên lầu cao nhất của rạp Rex (vào ngày Tướng Nguyễn Khánh đảo chánh Tướng Dương Văn Minh) nhìn xuống Saigon “dùng miền Nam VN như phòng thí nghiệm không phải chỉ cho chiến tranh VN mà còn cho các trận chiến du kích khác” (ghi nhận của Trung Tướng Harrold Johnson).

Ngày 20 tháng 6, 1964, Tướng Harkins về Mỹ, Hoa Kỳ bỏ bom Hà Nội, Hoa Thịnh Ðốn không có chiến thuật cụ thể ở Việt Nam, để hoàn toàn cho Tướng Westmoreland quyết định. Ngày 1 tháng 8 năm 1964, Ðại Sứ Maxell Taylor gắn lon bốn sao cho Tướng Westmoreland. Kể từ ngày này, Tướng Westmoreland hoàn toàn không hỏi ý kiến VNCH, chủ trương tăng quân, làm xong nhiệm vụ, giao lại VNCH rồi rút quân về và tuyên bố chiến thắng. Tướng Westmoreland điều khiển chiến tranh Việt Nam theo kiểu Hoa Kỳ không cần biết chiến thuật chiến lược có phù hợp với điều kiện phức tạp ở Việt Nam hay không. Ðại sứ VNCH tại Hoa Kỳ, ông Bùi Diễm đã nhận định: “Hoa Kỳ chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh Việt Nam tức là trước đó chấp nhận Hoa Kỳ hóa chiến tranh Việt Nam.” Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ellsworth Bunker đã đồng ý hoàn toàn với câu chơi chữ của ông Bùi Diễm nhưng Tướng Westmoreland xem thường quân đội VNCH “các anh không thể chiến đấu, chúng tôi không muốn các anh cản đường!”

Tướng Richard Stitwell phê bình, “Tướng Westmoreland đã quên phải đánh Việt Cộng ở bất cứ nơi nào chứ không phải nơi trận địa chiến.” Lỗi lầm này của Tướng Westmoreland đưa đến kết quả là từ 1966, quân đội Hoa Kỳ chủ động, quân VNCH giữ vai trò phụ thuộc và bình định hóa nông thôn nhưng Hoa Kỳ không cung cấp vũ khí và tân trang cho quân đội VNCH.

Chiến dịch “lùng địch diệt địch” của Tướng Westmoreland chủ trương: “Không đánh bại quân Bắc Việt, chỉ áp lực kẻ thù để giới lãnh đạo Bắc Việt biết họ không thể thắng. Họ phải chấp nhận hai nước Việt Nam hoặc phải thương thuyết.”

Trận đánh đầu tiên mà Tướng Westmoreland muốn, đối đầu với quân Bắc Việt tháng 10 năm 1965 ở thung lũng Ia Drang mô tả trong sách nổi tiếng của Trung Tướng Hal Moore và Joe Gallaway “We were soldiers once... and young” sau thành phim với tài tử Mel Gibson và Ðơn Dương. Trung Tá Moore lúc ấy chỉ huy tiểu đoàn đã phàn nàn, “Westmoreland ra lệnh rút lui trước khi trận chiến kết thúc.” Tỷ lệ tử thương trong trận này là mười quân Bắc Việt trên một quân Mỹ (3,561/305 ). Chiến tranh VN thay đổi bộ mặt từ trận này với tinh thần của dân Mỹ đại diện qua Thượng Nghị Sĩ Fritz Hollings, South Carolina, cảnh cáo Tướng Westmoreland “người Mỹ không cần biết con số mười, họ chỉ quan tâm đến con số một.”

Ủng hộ và đứng về phe quân đội VNCH chỉ có thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Tướng Victor H. Krulak làm việc chặt chẽ với quân dân chính VNCH đã gây nhức đầu cho Tướng Westmoreland. Ðiển hình về việc xao lãng tân trang cho VNCH của Tướng Westmoreland là câu chuyện khẩu súng tiểu liên M16. Trong khi quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam được ưu tiên trang bị tiểu liên M16, đại liên M60, súng phóng lựu M79 và máy truyền tin tối tân thì quân đội VNCH vẫn còn trang bị với súng Carbine và khẩu súng cá nhân Garant M1 nặng chình chịch từ Thế Chiến Thứ II. Ưu tiên tân trang của quân đội Hoa Kỳ ở VN là ưu tiên một còn quân lực VNCH nằm trong ưu tiên sáu, trong khi đó quân Bắc Việt đã được trang bị vũ khí hiện đại với AK47. Sau trận Mậu Thân, Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và Trung Tướng Ðồng Văn Khuyên đã phàn nàn thẳng với Tướng Westmoreland. Chính giám đốc CIA, William Colby cũng phải nói “quân VNCH thiếu trang bị và tối tân hóa để tự vệ trong bốn năm Westmoreland ở VN.”

Chính sự ngạo mạn của Tướng Westmoreland đã làm mọi người chung quanh ông thất vọng. Một câu chuyện nhỏ cho thấy khuyết điểm lớn này của ông. Trong buổi lễ gắn huy chương cao quý Silver star cho Ðại Tá Nguyễn Văn Toàn (sau là trung tướng) có sự hiện diện của Ðại Tướng Cao Văn Viên và nhiều sĩ quan Việt Mỹ. Tướng Westmoreland sau khi mở rượu champagne đã vui miệng “nhiều người quá, chúng ta nên tổ chức thành một buổi họp” bỏ quên cả việc chia vui với Ðại Tá Toàn cho đến khi Champagne nóng không còn lạnh!

Tướng Westmoreland đã góp phần vào chiến thắng Mậu Thân 1968 của Cộng Sản. Trận chiến do Tổng Bí Thư Lê Duẩn chủ trương không được Tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý, đã hoàn toàn bị đánh bại nhưng vì ký giả Walter Conkrite đài CBS tường trình sai và sự tiếp xúc phách lối với báo chí của Tướng Westmoreland mà chiến thắng của VNCH và Hoa Kỳ trong trận Mậu thân trở thành chiến bại dưới cặp mắt của dân Mỹ. Báo chí thiên tả The New York Times ngày ấy hoàn toàn ủng hộ chiến tranh VN đã thất vọng. Tuần báo Time năm 1966 bầu Tướng Westmoreland là “Người trong năm” cũng đổi thái độ.

Sau bốn năm phục vụ tại VN, Tướng Westmoreland về Mỹ, lên làm tham mưu trưởng quân đội. Cuối tháng 4 năm 1968, có 543,400 quân Mỹ ở Việt Nam. Sau thời kỳ Westmoreland, Hoa Kỳ không tăng quân. Trong bốn năm Tướng Westmoreland làm tham mưu trưởng quân đội, tòa Bạch ốc không hề hỏi ý kiến ông về chiến tranh VN trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn! Các Tổng Thống Hoa Kỳ xem Tướng Westmoreland là một lỗi lầm chính trị.

Về hưu, Tướng Westmoreland bị các tướng lĩnh chê bai về thành tích của ông ở VN, từ Tướng Fred Weyland đến Tướng Norman Shwarzkoft (chỉ huy trận bão sa mạc) “VNCH đã thua vì thiếu tiếp viện và súng đạn” cho đến Ðại Sứ Maxwell Taylor “Hoa Kỳ hoàn toàn bỏ quên quân đội VNCH.” Sir Robert Thompson chuyên viên du kích người Anh nói “không phải Tướng Võ Nguyên Giáp đánh bại Tổng Thống Johnson mà chính Tướng Westmoreland!” Các sĩ quan cấp tá ở trường cao đẳng quốc phòng đứng lên đả đảo khi ông Westmoreland đến thăm, chưa có ông tướng tham mưu trưởng nào bị mất uy tín và bi thảm vào cuối đời như ông. Ông mất năm 2005, cuộc đời ông không may mắn như Henry Kissinger dù hai người cùng có lỗi nặng ở Việt Nam.

Ba mươi bảy năm qua, người Việt tị nạn hải ngoại mỗi năm vẫn tưởng nhớ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ở Việt Nam chính quyền Cộng sản không còn tổ chức kỷ niệm chiến thắng của chủ nghĩa Cộng sản, có lẽ vì Hoa Kỳ trở lại vùng Thái Bình Dương hoặc vì năm 2005 ông cựu Bộ Trưởng Hải Quân Jim Webb tuyên bố thẳng: “Nếu quý vị còn huênh hoang, chúng ta hãy dàn quân đánh một trận quyết định xem ai thắng ai thua?”

Việt Nguyên 4 tháng 4, 2012

The Westmoreland family (left to right, Rip, Stevie, Gen. and Mrs. Westmoreland, and Margaret) at the United States Military Academy, West Point, New York, circa 1960.
Click to expand image to full size (143.95 Kb)

(canhthep.com)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


 Trần Duy Huỳnh

37 năm thống nhất!
37 năm miền Nam có đảng!

“Đêm chong đèn, ngồi nhớ lại,
từng câu chuyện ngày xưa...” (*)
Trẻ em mồ côi ở miền Nam được
phi công Mỹ giúp di tản khỏi
Sàigòn trước ngày 30 tháng 4/75
Có cuộc chiến nào mà hai bên không bắn giết nhau, không thù hận nhau? Tại sao chiến tranh chấm dứt lâu rồi mà lòng thù hận vẫn chưa nguôi?
37 năm đã qua. Ngày ấy, người dân hai miền, người lính hai bên nghĩ rằng từ đây anh em thôi chém giết nhau, giả từ vũ khí, tiếng súng đã ngưng và thời chết chóc đã qua.

Ai không mơ ước thanh bình khi cuộc chiến dữ dội, đẫm máu đã chấm dứt? Người lính, dù đứng bất cứ bên nào thì cũng là người Việt Nam, họ chính là những người mơ ước cuộc sống thanh bình mãnh liệt nhất.
Phải chi ngày ấy, đảng làm đúng lời đảng nói “giữa chúng ta không có kẻ thắng người thua, chỉ có nhân dân là người chiến thắng” (**).

Phải chi ngày ấy, đảng hàn gắn vết thương trong lòng từng người, từng gia đình, cùng nhau xây dựng lại những tan vỡ trên hai miền đất nước.

Nhưng không, đảng đã say men “chiến thắng miền Nam” như thú say máu con mồi, đảng xây thêm nhà tù, dựng trại cải tạo và nhân danh kẻ chiến thắng, đập hết, phá hết, bất chấp đúng sai, hay dở.

Phải chi ngày ấy, đảng đừng lấy hận thù đối xử với nhau, đừng đẩy người thua cuộc đi cải tạo không biết ngày về, đừng buộc gia đình họ đi kinh tế mới để mặc sống chết; Đừng lấy cớ cải tạo xã hội, cải tạo tư tưởng, phân chia nhân dân ra thành phần này thành phần nọ để rồi dựng lên một xã hội, mà chung quy, trong đó chỉ có hai thành phần chính là “có công” và “có tội” với cách mạng - cuộc “cách mạng vô sản” do đảng CS tiến hành từ năm 1954.

37 năm đã trôi qua, quê hương Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn phải bị ngụp lặn trong vũng lầy ý thức hệ XHCN. Cùng bằng thời gian này, nước Nhật, một đất nước tan hoang sau đệ nhị thế chiến đã trở thành cường quốc thế giới. Cũng bằng thời gian này, nhiều nước ở Châu Á, nghèo hơn miền Nam Việt Nam năm 1975, đã vươn lên thành rồng.

Nếu dân tộc chúng ta đừng bị áp đặt phải theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cái chủ nghĩa mà ngày xưa, chính cha đẽ nó khi đến cuối đời đã muốn tìm cách chối bỏ vì tính mâu thuẫn của nó và ngày nay, bị loài người lên án là chủ nghĩa diệt chủng.

Nếu đất nước chúng ta không bị ép buộc phải xây dựng XHCN, cái xã hội mà ngày nay chỉ còn rất ít người theo mà ngay chính đảng CS cũng mơ hồ không biết nó như thế nào?

Nếu lời xin lỗi nhân dân của lãnh đạo đảng CS và những giọt nước mắt muộn màng của Hồ Chí Minh sau cuộc cải cách ruộng đất làm chết oan hàng trăm ngàn người miền Bắc năm 1954, đảng CS hiểu ra rằng xây dựng XH theo lối đấu tranh giai cấp và chuyên chính bạo lực của chủ nghĩa cộng sản chỉ đem đến đau thương, tan vỡ cho dân tộc thì ngày nay hiện tình đất nước có lẽ khác hơn chăng?

Đảng CS không phải là những con thú hoang man rợ mà tại sao lại đối xử bất nhân với người bại trận và với chính đồng bào mình? Chỉ vì đảng CS là những con người bệnh hoạn, bệnh hoạn đến mất nhân tính do tôn thờ lý tưởng cộng sản.

Lý tưởng CS đã làm cho lãnh đạo đảng CS có những suy nghĩ mê muội lệch lạc khác với suy nghĩ bình thường của con người, của dân tộc.

Chính vì cùng lý tưởng CS mà đảng thờ ơ khi Trung quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Sự bệnh hoạn đó càng tăng khi đảng ra tay đàn áp những người phản đối Trung Quốc ức hiếp ngư dân.

Hành động đàn áp những người yêu nước phản đối sự xâm lược của Trung quốc là hành động đàn áp truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Mà

ÔI NẤM MỒ
“Nhìn lại, cố quên để đi tới, nhưng vẫn còn những tồn đọng giữa người lính hai miền Nam-Bắc và ngay cả ở địa hạt văn chương.” Nhà văn Bảo Ninh.

góc rừng năm bảy ba (1973)
một tiểu đội quân giải phóng
một tiểu đội lính Việt Nam cộng hòa
trận đánh giáp lá cà
họ xiết cổ nhau cùng chết

hai bên quên lấy xác

hòa bình rồi
người gác rừng chôn cất
lẫn lộn xương cốt địch ta
vô danh bốn nấm đất

tôi đến thắp nhang
thương bốn nấm mồ hoang
của hai mươi ba người lính hai bên chiến tuyến
không được đưa vào nghĩa trang

những kẻ thù xưa
giờ ôm nhau ngủ
thân xác xưa sao Việt cộng, Cộng hòa 
để xương lính trộn vào cốt lính

không nén nhang nào chính
chẳng khói hương nào tà
ôi nấm mồ Việt Nam ta

Lộc Ninh 1975-Sài Gòn 2012
TRẦN MẠNH HẢO
Hai hình ảnh trên Đại Lộ Kinh Hoàng năm 1972: nhân dân chạy tránh cuộc tấn công vào Quảng trị của quân đội cộng sản

từ trước đến nay, thành tích của đảng không phải là phá vỡ truyền thống dân tộc hay sao?

Ngày 30/4/1975, đảng CS mới là kẻ chiến thắng chứ không phải nhân dân hay những người đã hy sinh xương máu cho sự chiến thắng đó.

Từ ngày ấy, đảng đã độc quyền thâu tóm mọi thứ vào tay đảng, từ tư tưởng, quyền lực chính trị đến quyền lợi kinh tế. Đảng tha hồ áp đặt, chia chác và ban bố cho những kẽ, kể cả tôn giáo mà đảng xem là thuốc phiện, nếu phục tùng đảng. Đảng có phục vụ nhân dân không? câu trả lời là KHÔNG.

Hãy nhìn hiện tình đất nước hiện nay thì rõ. Nền kinh tế lạc hậu chỉ có bề nỗi và gần như hoàn toàn lệ thuộc nước ngoài. Sau 37 năm, các mặt hàng sản xuất trong nước vẫn phải lệ thuộc 80% nguyên liệu nhập khẩu. Các tập đoàn kinh tế Nhà nước sử dụng tới 45% vốn toàn xã hội nhưng chỉ để chia chác với nhau quyền lợi và quyền lực, đóng góp rất ít cho xã hội.

Các tập đoàn kinh tế đó, con đẻ của đảng và nhà nước, đã thao túng nền kinh tế với sự giúp sức của cơ chế định hướng XHCN và sự che chở của lãnh đạo đảng CS, nó là nguồn tiền của lãnh đạo. Nhưng nó cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát làm cho đời sống nhân dân khốn đốn hiện nay mà chưa có cách nào khắc phục nỗi.

Ngân hàng được mở ra chủ yếu là để góp vốn phục vụ các tập đoàn này, là nguyên nhân gây thiếu thanh khoản, giết chết các doanh nghiệp tư nhân, gây ra nạn thất nghiệp trầm trọng trong xã hội và làm cho nông dân thấp cổ bé miệng chịu thiệt thòi, suốt đời thiếu nợ, không thoát ra khỏi cảnh nghèo đói.

Tham nhũng, nói láo và phong bì lót tay đã trở thành văn hóa giao lưu trong cuộc sống hàng ngày.

Nạn cướp đất của dân tràn lan từ Nam ra Bắc không có gì kiểm soát hay kiềm chế được vì nạn phe nhóm và tham nhũng.

Từ 30/4/1975, 37 năm đã trôi qua, người dân chuyển từ sống trong sợ hãi sang sống trong vừa bất an vừa sợ hãi. Bất an trong mọi lãnh vực, từ thời tiết, môi trường, văn hóa, đạo đức xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục, giao thông cho đến y tế. Người sống đã thế, người chết cũng không thoát ra được, những vụ cưỡng chiếm, san bằng đất nghĩa trang là một thí dụ.

Ngày nay đảng CS không còn có thể đỗ thừa cho “tàn dư Mỹ Ngụy”, cho “thực dân, đế quốc” cho “cấm vận kinh tế” được nữa vì đảng biết chính đảng là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, nghị quyết 4 về “chỉnh đốn đảng” vừa rồi là một minh chứng cụ thể nhất.

Ngày nay “cách mạng vô sản” không còn hiệu nghiệm vì đảng đã quá giàu rồi. Cái nghèo, cái khốn khổ của dân thì ai cũng biết, nhưng cái giàu của lãnh đạo đảng đang nằm ở đâu đó thì khó ai mà biết được.

Lá bùa đạo đức Hồ Chí Minh thì lại bị chính lãnh đạo và đảng viên cao cấp của đảng làm phá sản. Đảng bây giờ nhìn đâu cũng thấy “phản động”, cũng thấy “nguy cơ diễn biến hòa bình”, đảng chỉ còn biết dựa vào sự gian xảo, lưu manh của bọn Mafia xã hội đen và bạo lực của công an “nhân dân” để bảo vệ mình.

37 năm thống nhất cả nước dưới sự lãnh đạo của đảng CS, đất nước Việt Nam chỉ còn là những khẩu hiệu. Một trong những khẩu hiệu thể hiện rõ nét nhất bản chất của đảng CS là khẩu hiệu“Công An Nhân Dân Còn Đảng Còn Mình”.
21/04/2012
ÿ Trần Duy Huỳnh
(*) Trịnh Công Sơn - Huyền Thoại Mẹ
(**) Ngày 1.5.1975, khi gặp Đại tướng Dương Văn Minh, vị Tổng thống Việt Nam Cộng hoà cuối cùng, tại dinh Độc Lập, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố: “Giữa chúng ta không có kẻ thắng người thua, chỉ có nhân dân là người chiến thắng”.


to-quoc.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét