Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Một ngày của tháng 5-1975



         MỘT NGÀY CỦA THÁNG NĂM/75


                 Tân Khóa Sinh
        Mưa tháng năm vội đến,làm rung chuyển những hàng cao su .Mưa rơi ,gió gào thét cuốn phăng cành rơi ầm xuống đất.Tôi kéo vợ tôi tìm chỗ trú mưa.Cành lá uốn mình theo gió.Sấm xét bủa giăng.Tôi cảm thấy bé nhỏ bọt bèo , Nước mưa vừa thấm lạnh,ướt cái áo ka ki vàng , cái quần dân sự.Vợ tôi tóc ướt sũng nước mưa,bờ môi lập bập run .
       Tôi đang ở bìa lô cao su,ngoài hàng rào của Ủy Hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến  nằm phía sau nhà chủ Xa Cam ,An Lộc.Vợ chồng tôi và đứa em tính vào trong khu vực này.Lòng hồi hộp, dặn dò :
- "Theo sau anh ,cẩn thận coi chừng mìn bẫy".
-"Em sợ lắm".
-"Cũng liều thôi em ạ"
      Cỏ rậm mọc cao khỏi người,mưa nhẹ hạt,Chúng tôi lần mò qua mấy hàng rào kẽm gai vào trong,cẩn thận từng bước đi.
      Mấy tháng trước còn tấp nập, trang nghiêm mà nay sao hoang phế tiêu điều,còn trơ lại những cái hấm nổi kiên cố.vài dẫy nhà tiền chế vách, nóc tháo bung chỉ còn lại khung .Vài cái tủ  sắt đựng hồ sơ méo mó, cái tủ lạnh hư hỏng, vung vải giấy tờ ,ngổn ngang …
       Tôi quan sát căn hầm nổi,xem có thứ gì đang cần không ?Thận trọng hất tung những bao cát trên nóc hầm.Tôi phát giác một lớp tôn lót dưới mấy lớp bao cát ,có chiều ngang khoảng tám tấc dài khoảng bốn ,năm thước.Mừng quá la toáng lên. vợ và em tôi vui mừng lộ trên mặt.Thế là có tôn làm cái nhà nhỏ . Ý nghĩ đến nhanh trong đầu ,phải làm sao moi móc cho nhanh,nếu bị quân giải phóng phát hiện thì khốn.Tôi quay qua nói với vợ tôi:
      -"Anh moi được tấm tôn nào, hai em mang đi dấu chỗ kín đáo ngoài hàng rào ngay.Rồi chuyển về nhà sau"
       Thế là tôi mặc sức kéo tung bốn năm lớp bao cát để lấy những tấm tôn sáng choang. (Chỗ ở của Ủy Hội Quốc Tế có khác.)Bộ quần áo ướt ,bây giờ đã khô,mồ hôi nhuễ nhoãi,không khí oi nồng . Mặt trời mỗi lúc một cao từ từ khuất dần ngọn cao su.
       Bỗng nghe tiếng xe từ ngoài vọng vào,thoáng thấy mấy khẩu AK.Chúng tôi vội biến sau những lùm cỏ cao.Chiếc xe chạy nhanh vào trong thắng gấp,vài người nhảy xuống xe, xục xạo, dáo dác nhìn quanh ,rồi hối hả thoắt nhảy lên xe dọt.
      Tôi thở nhẹ,chờ một lúc ,không thấy động tịnh ,lại tiếp tục công việc moi móc,dường như  quên cả đói ,quên mệt nhọc ,Bởi lâm vào cảnh trắng tay,không nhà cửa ,nghề nghiệp.
      Hôm nay vợ chồng tôi đã trúng mánh,vì kiếm tôn đủ lợp cho một căn nhà.Tôi không bới móc thêm nữa,còn phải chừa thời gian mang về .Trời  đã về chiều.Tôi vội vàng lấy chiếc xe đẩy  vừa làm xong mấy ngày qua .Hai vợ chồng chất tôn lên đầy xe. Hai mươi mấy tấm tôn nặng quá ,tôi  ráng chất hết vì trời đã tối ,bỏ lại tới ngày mai thì sợ mất .Vả lại, đoạn đường  chỉ xuống dốc , một đoạn ngắn lên dốc , đường đất khó đi và hẹp.Tôi ở phía trước kéo, vợ và em ở phía sau đẩy .Khốn khổ thật, chiếc xe nặng quá.Chiếc xe tôi phải bỏ rất nhiều công mới có được:
     ‘’ Nguyên mấy ngày hôm trước.Hai ông bạn ghé thăm , ông bạn lái thiết giáp M113 rủ rê :
     -"Hai đứa mày theo tao tháo bánh xe thiết giáp không?" 
     -"Tôi hỏi tháo về làm gì ?"
 -"Làm xe kéo mày ạ . Tao thấy nó nằm trên quôc lộ13."
   Thằng thứ ba trỏ miệng vào:
-"Có biết tháo không  cha nội ?Tao nghi quá" .
-"Mẹ kiếp,mày chê tao dữ vậy! Mày chỉ cần theo tao làm thợ vịn…"
      Cái tật hễ gặp mặt là gây,mà cãi hoài cũng chẳng có đứa nào hơn đứa nào ! Đời cũng bầm dập như nhau.Tôi vội hối:
    - "Có đi thì đi sớm chứ lý sự hoài ".
 - "Hôm nay tha mày, thôi lên xe đi."
 Ba đứa đèo nhau trên chiếc Honda, lấy dụng cụ tháo gỡ ,rồi đi tìm xe thiết giáp,Vất vả cả  ngày mới tháo được sáu cái bánh,mỗi đứa lấy hai .
   Riêng tôi,có được hai bánh xe, khi vào nhà máy mủ Xa Cam, thấy cái xườn xe mủ chén của đồn điền tháo mang về biến chế thành chiếc xe đẩy mà tôi đang xử dụng.
      Thế là chiếc xe đẩy của tôi có hai bánh của Mỹ để chạy, để lăn,Có cái thân của Pháp đã rệu rạo. Chất đầy tôn được moi ra từ nóc hầm của Ủy Hôi Quốc Tế kiểm soát đình chiến. Vợ chồng người lính thua trận,phải ra sức kéo về, dựng lại mái nhà trên nền cũ hoang tàn đổ nát ; Vài ý nghĩ mỉa mai thoáng về , người lính thua trận lầm bầm :
    -Hãy è cổ và uốn cong người lên mà kéo !hỡi kẻ thua trận.Cái xe đẩy quá nặng. Nhờ nó mà bớt khổ,Cám ơn người bạn.Cám ơn đất trời  cho tôi còn sống sau cuộc chiến… .
     Người lính và chiếc xe làm từ vật bỏ rơi (Mỹ ,Pháp ).Nhưng vật bị bỏ rơi có cái giá trị nhất định của nó. Mà con người như mình thì không !
-"Anh làm cái gì vậy ? Không chịu kéo.Em phải chịu bằng hai đùi nặng muốn đứt hơi "
Xe đang kéo lên dốc mà cứ muốn tuột.(Hôm sau hai đùi của vợ tôi in rỏ lằn máu bầm ) Tôi giựt mình quay về thực tế.Vôi vàng ra sức kéo, đẩy càng xe như hình chữ u.Tôi lấy sức:cố lên ...cố lên..Chiếc xe nhích từ từ lên hết dốc.Tôi thở hổn hển:
-"Nghỉ chút đã em."
 Vợ tôi nói:
-"Ừ.Trời sắp tối rồi ,xem có ai ở đây không ,Chúng mình gởi họ mai lấy đi anh ?
-"Đúng thế ".
      Bóng chiều ùa vào cảnh cô tịch,sương giăng mờ trắng cỏ cây hoang dã dưới thung lũng. êm ả đến rờn rợn.Gần tháng qua,tôi không còn là tôi nữa,là tôi của lứa tuổi đôi mươi:trong sáng và nhiều nghị lực,hiến dâng đời mình cho lẽ phải,cho tự do,cho dân tộc.Nhưng bây giờ tôi cảm thấy cô đơn quá.Tôi nhớ những ngày hành quân suôi ngược,nhớ đồng đội ... Chúng tôi đã thua,quê hương tôi đã yên tiếng súng, đã hòa bình.Nhưng có biết bao nhiêu người  như tôi đang bị dằn vặt, đau lịm ,lo lắng cho thân phận mình.Ngày mai sẽ ra sao ?Tôi đang đứng trên đầu dốc trước nhà thầy Trinh,Nhà bà Phước ,dưới là Thầy Khôi,Ông Đội Khắc....,Người xưa đâu rồi, tất cả nhà cửa thành bình địa cỏ cây um tùm...Tôi quay qua vợ :
  -"Em ngồi đây nghỉ,anh đi vòng vòng may ra có người đã về đây ở."
        Quả nhiên tôi tìm gặp người quen cùng xóm ngày xưa: Chị Ngọc ,chị của Phúc,chị lợp vội vài tấm tôn trên nền nhà cũ của Ông Đội Giữa .Tôi nhờ chị trông dùm mấy tấm tôn,chi mừng rở gặp lại tôi và nhận lời . Tôi tất bật quay trở lại và đẩy xe tôn tới chỗ của chị,Khiêng tôn xuống xếp ngay ngắn và đếm cẩn thận.Vợ chồng tôi cũng vả lả thăm hỏi.rồi rối rích dặn dò ,cám ơn,chào từ biệt.
         Trên đường trở về khu chợ Bình Long,bóng chiều ở đây,” không thắm không vàng vọt “ sao hằn nét quầng thâm nơi khóe mắt vợ tôi .Nụ cười ngày nao thay bằng sự trầm tư. Chiếc cổ trắng ngần trở thành đen đúa, dọc ngang những vết trầy.Tôi cầm tay vợ,dắt nhau về bàn tay không còn " mềm mại nên thơ quá”mà cam chịu theo số phận của chồng.Cưới nhau được một năm,chẳng đặng bao ngày gần gủi ,công danh sự nghiệp nửa chừng xuân thoắt gẩy.
     Tôi dắt vợ tôi dần đi vào trong bóng tối…Không gian yên tịnh chỉ có hai người,hai trái tim rộn rã trong cảnh yên nhiên, tuyệt vời của tạo hóa,làm tan đi những nhọc mệt trong ngày. Đường quốc lộ 13 thênh thang lộng gió.Trăng đã có tự bao giờ,bàng bạc đồi gió núi xa, sương khuya quyện theo ánh trăng như giăng mắc nối liền  hai bờ  thung lũng.Người dân Bình Long cũng đều như tôi, bơi móc những tấm tôn lũng,cây kèo, cột gẫy, chấp nối che tạm một mái nhà .Phá rừng, phá rẩy để trồng lúa cho kịp vụ mùa. Đèn nhà ai nhà đó đốt. Hòa bình rồi mà ai cũng sợ đói…
    Trăng mờ soi chiếc cổng sắt vào thị xã ,có mấy hàng chữ : "Bình Long Anh Dũng,Chào Mừng Quý Khách"và hai câu đối hai bên cột:
Chiến Tích Bình Long Vang Bốn Biển
Địa Đầu An Lộc Dội Năm Châu
 . Bên cạnh cổng này bao anh hùng tử sĩ đã hy sinh cho An Lộc.Những ngưòi dân vô tội chết dưới đạn pháo của việt Công..Nằm yên giấc ngàn thu bên cạnh gốc cỏ, bụi le.Con đường tôi đang đi, bao nhiêu người đã chết cho quê hương tôi..Bao nhiêu cặp trai tài gái sắc hẹn ước yêu nhau cho đến trọn đời .Bỗng một mai ôm xác ngươì yêu lệ đẫm,thét gào.Thế mà sự hy sinh ấy thật vô nghĩa với hiện tại.Và phủ phàng trong tương lai.(Vài năm sau, xe máy cầy ủi khu đất cạnh QL 13  san bằng, phơi nhiền xương người .).
      Tôi rảo bước đi nhanh,bụng tôi cũng bắt đầu thấy đói,quanh đây vắng lặng,không hiểu sao tôi hay thích ngắm trăng;nhìn trăng thì bao những vết thương lòng, lo âu trong cuộc sống như tan biến .Tôi tha hồ bềnh bồng theo những bến mơ,những  ước vọng mà trong đời tôi muốn cũng không có đuợc.
      Đây là mồ chôn tập thể,nằm cạnh bờ đường Trường Trung Học Bình Long và Bịnh Viện Bình Long.Những ngày An Lộc chìm trong trận pháo của Việt Cộng.Bệnh viện Bình Long chật cứng những người bị thương cả dân sự lẫn quân sự.Bịnh viện không kịp cứu người nhưng vẫn nằm trong mục tiêu và tầm pháo của Việt Cộng .Nên số người chết nằm đầy trên sân bịnh viện không kịp mang chôn, Người chết từ khắp nơi chuyển về, Khoảng ba ngàn người được chôn bằng ba cái hố do máy cầy ủi..Lúc đầu còn mang từng người chết xếp lớp và rải vôi. Nhưng sau áp lực của trận chiến, những trận công kích, trận địa pháo của Việt cộng Nên cứ từng xe chở người chết tới là quăng  xuống hố rồi lấp ,Dân Bình Long ai cũng biết khoảng ba ngàn ngưòi chết là vì đạn pháo của Cộng Sản va hai bên giao chiến.Thế mà Cộng sản lại đổ thừa là chết bởi bom đạn của Mỹ.(Ngày nay,mồ chôn tập thể này được Việt Cộng  sửa sang quét vôi,trên mặt đổ cát, làm khu Di Tích Lịch Sử được chính quyền Cộng Sản công nhận ,"Khu di tích lịch sử đồng bào chết do bom đạn của  MỸ').Ngày nay người biết chuyện chỉ cười thầm.
      Nói đến An Lộc Dân Bình Long Ai cũng mang ơn những vị anh hùng Biệt Cách Dù.Chính vợ tôi nếu không có họ thì không có lương khô ,đủ áo quần để thay đổi trong những ngày cố thủ..Đơn vị này chiến đấu với Việt Cộng từng giờ từng phút, chiếm từng tấc đất ,từng căn nhà, đẩy lui từng đợt tấn công,Giữ vững An Lộc,
     Không ai không biết đến khu nghĩa trang của các anh hùng biệt cách ở chợ mới.Từ ngoài nhìn vào bên trái có hàng chữ
” Túy ngọa sa trường quân mạc Tiếu” :bên phải: 
”Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”
Ở giửa dưới tượng đài nhỏ có ghi :
           “An lộc Địa sử ghi chiến tích
         Biệt Cách dù vị quốc vong thân”(Câu đối của chị Pha vợ Đại úy Kiên nhân viên Tòa Hành Chánh Bình Long)
  (   Ngày nay nghĩa trang biệt kích này không còn nữa.Biến thành nơi bán rau.  )
   Cho tôi đốt vội nén hương lòng,Những hồn vô chủ chưa vơi hận. Đang giởn cùng trăng với gió đêm.,Có biết quê hương giờ đổi chủ. Trong những ngôi mộ này có biết bao người tôi quen biết.Chiến tranh có chừa một ai, chết trong nỗi kinh hoàng mà cũng không biết chết cho những tham vọng nào.
    Đầu óc tôi đang tản mạn,trách cứ những ai gián tiếp và trực tiếp để Miền Nam lọt vào tay cộng sản.Người dân Bình Long trở  thành nạn nhân của tham vọng.Phận đời của họ thì có làm  mới có ăn, sống giữa sự giằng co của hai thế lực.(Ngày nay Viêt Nam đổi mới,Chỉ có Tư Bản Đỏ đổi mới.. những người dân lành không có thân nhân là Cộng Sản,Không có thân nhân sống ở nước ngoài: đời sống khó khăn.)
 Tôi còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng đỏ như màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu
   Dường như mấy câu thơ trên của Hàn Mặc Tử.(Tôi không nhớ rõ lắm).Bởi từ dạo ấy trở đi,tôi dám đâu còn thơ thẩn,Tôi còn dám đâu bàn chuyện văn chương, chính sự.Nỗi ám ảnh tôi bị bỏ dưới trời sâu,tôi muốn quên đi mà nào dễ quên được và màu đỏ kia đã giết lần mòn đời trai trẻ của tôi.Phải, tôi phải tự đứng dậy,và lê tấm thân mệt mòi này trở về....Bầu trời trong sáng mênh mang,huyền ảo dưới ánh trăng mờ.Như rọi vào hồn tôi những u uất phả đầy trong không gian vô tận.Trong nỗi tận cùng lòng tôi như thanh thản,tin yêu hơn vào cuộc sống ,vì không phải chỉ có riêng mình tôi mà còn có vợ, người thân ,bạn bè và những người cùng cảnh ngộ.
    Một ngày có sáng,có nắng, có mưa,có trưa ,có tối. Nguyên sơ vẫn thường hằng .Sao tôi lại lấy nỗi buồn của mình làm lây lan sự yên nhiên đang có.Tôi đang trở về tổ ấm nhỏ của tôi .Bữa cơm với dĩa cá khô đang chờ .Bên ngọn đèn dầu leo loét .….
   
   TÂN KHÓA SINH (25/4/06)  
     
     
     

      
 






                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét