Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Diễn hành Tết Nhâm Thìn tại LA

Hình ảnh Diễn hành Tết Nhâm Thìn trên đại lộ Bolsa
Sunday, January 29, 2012 1:40:56 PM



Nhìn lại 36 mùa Xuân qua
Tuesday, January 31, 2012 6:21:28 PM

Nguyên Huy/Người Việt

Tính đến Xuân Nhâm Thìn 2012 thì người Việt hải ngoại đã “ăn” được 36 cái Tết ở hải ngoại. Nhớ lại cái Tết đầu tiên 1976, nhạc sĩ Nam Lộc có lần kể: “Khi ấy chúng tôi đang ở Los Angeles sau khi được chuyển về từ đảo Guam.

Một đêm thắp nến đấu tranh cho tự do tôn giáo của cộng đồng người Việt tại miền Nam California. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trong một tâm trạng quá chán chường cộng thêm với những lo lắng cho một tương lai bất định và trong một hoàn cảnh cô đơn lại nhìn về trong nước mà lòng rối bời, ai còn ai mất, ai vào tù thật là hoang mang vô định. Cố gắng, chúng tôi đã hội tụ được một số anh em cùng qua một giao thừa trong một nhà hàng của người Ðại Hàn. Chúng tôi đã khóc mà nhìn nhau không nói được lời gì trong cái đêm giao thừa đầu tiên ấy...”

Từ sau cái Tết tha hương vô định ấy, người Việt tị nạn đã dần tạm được ổn định, như lời thi sĩ Ngọc Hoài Phương kể: “Anh em nghệ sĩ chúng tôi mới bàn nhau tổ chức một nhạc hội nhân dịp Xuân về trên xứ người. Lần tổ chức ấy khá là thành công với sự tham dự của đồng bào mình từ nhiều nơi kéo về.”

Rồi từ đó, anh chị em sinh viên người Việt tại những đại học ở Nam California cũng tổ chức đón Xuân. Mới đầu thì chỉ trong nội bộ sinh viên của trường, sau kết hợp với nhau làm chung tại một chỗ. Ðại Học GoldenWest là nơi được chọn để tổ chức Hội Xuân Sinh Viên trong nhiều năm. Nội dung của những Hội Xuân ấy cứ phong phú dần lên theo mỗi năm với những sinh hoạt truyền thống Tết của dân tộc Việt Nam. Bao nhiêu tâm trí của những người Việt tha hương từ trẻ tới già đã đóng góp vào những Hội Xuân này để đến nay hằng năm Hội Tết Sinh Viên Việt Nam Nam California đã trở thành Hội Xuân chung của cộng đồng với số lượt người tham gia lên tới hàng trăm ngàn người vào mỗi dịp sinh viên mở hội.

Khi những đợt “thuyền nhân” được nhận vào Hoa Kỳ và khi những đợt đoàn tụ gia đình trong những chương trình bảo lãnh, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, con lai đến Mỹ dồn dập vào đầu thập niên 1990 thì người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ đã trở thành một cộng đồng khá vững mạnh trong cộng đồng đa văn hóa của Hoa Kỳ. Khác với các cộng đồng gốc Châu Á khác, cộng đồng người Việt đã nổi bật lên tính chất chính trị. Ngay từ những năm đầu tị nạn, người Việt đã sôi nổi dấy lên những phong trào phục quốc. Những mùa Xuân trong thời gian ấy là những mùa Xuân của những Kinh Kha. Những mùa Xuân ấy cũng là những mùa Xuân tràn đầy hy vọng một ngày về vinh quang. Người ta không tổ chức Hội Xuân để khuây đi niềm cố quốc mà tổ chức Hội Xuân để làm sục sôi ý chí trở về.

Nhưng vận nước vẫn chưa đến nên những phong trào phục quốc cứ tan dần trong sự mòn mỏi đợi chờ, trong sự thất vọng khi cơ quan FBI của Hoa Kỳ nhúng tay vào việc thuế má của hệ thống kinh tài một tổ chức phục quốc.

Lòng tưởng nhớ cố quốc không vì thế mà suy giảm, trái lại nó càng tha thiết hơn. Không một nơi nào có người Việt quần cư, dù chỉ có vài ba ngàn người, là không có những lễ hội xuân cho mình. Lớn thì có ở California, Texas, Louisiana, vừa vừa thì có ở Virginia, Chicago, Florida và nhỏ thì có ở New York, Idaho... quây quần nhau trong khuôn viên một vài gia đình.

Xuân đến, người Việt vui Xuân đón Tết ở hải ngoại nay thì không thiếu một thứ gì từ bánh chưng, bánh tét, giò thủ, dưa hành, câu đối đỏ và cả pháo nữa. Người trong nước du lịch qua California cũng phải thốt lên “hàng Tết ở Cali còn nhiều hơn cả trong nước.”

Nhưng đó chỉ là một cái nhìn phiến diện. Người Việt 36 năm qua đã không chỉ hình thành có như thế mà trên nhiều phương diện, người Việt tị nạn như đã kéo dài được một Việt Nam Cộng Hòa tốt đẹp hơn. Tuy không có chính quyền cụ thể, người Việt vẫn có một thứ chính quyền mà dù muốn hay không mọi người đều tôn trọng. Ðó là ý thức tự do, dân chủ được cụ thể hóa qua ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ và bài quốc ca. Ngọn Cờ Vàng thì đã có đến trên ba chục thành phố, quận hạt và tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều nước tự do công nhận là biểu tượng của người Việt tự do. Tuy không có các cơ cấu chính quyền nhưng phải nói rằng báo chí, truyền thông của người Việt hải ngoại đã hoạt động hữu hiệu hơn cả bất cứ bộ thông tin tuyên truyền nào của các chính phủ VNCH thời Ðệ I cũng như Ðệ II Cộng Hòa. Hàng chục đài truyền hình, hàng trăm tờ báo lớn nhỏ của người Việt hải ngoại đã làm cái công việc thông tin và tuyên truyền cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Cái lý thú là cái mạng lưới truyền thông ấy lại không phải nằm trong một hệ thống chính trị nào mà cái mạng lưới ấy tự ý thức được công việc mình đang làm đối với đất nước và dân tộc. Cũng lý thú nữa là cái mạng lưới ấy cũng tự nguyện đặt dưới quyền vô hình của người đọc, người xem là những người dân Việt tị nạn cộng sản.

Cộng đồng người Việt hải ngoại tuy không có bộ ngoại giao, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ, Quốc Hội Âu Châu vẫn được nghe tiếng nói tranh đấu cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Ðôi khi tiếng nói ấy còn ảnh hưởng được đến chính sách của các nước tự do như mới đây Trung Quốc đã phải cho rằng Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng của cộng đồng người Việt trong chính sách của Hoa Kỳ về tranh chấp Biển Ðông (bài nghiên cứu đăng trong tạp chí “Quan Hệ Quốc Tế Hiện Ðại” của Trung Quốc, nhật báo Người Việt đã đăng lại bài này được dịch sang tiếng Việt trong các số ra ngày 22, 23 và 24 Tháng Giêng, 2012).

Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh (trái) được phóng viên Diệu Quyên của đài SBTN-TV phỏng vấn trong buổi gây quĩ cứu trợ thương phế binh VNCH. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cộng đồng người Việt tuy không có bộ xã hội, nhưng biết bao công cuộc cứu trợ trong nước kể cả việc xây cất đình chùa, nhà thờ, trường học, đường sá... đã được thực hiện trong nhiều năm qua.

Cộng đồng người Việt hải ngoại tuy không có bộ văn hóa, nhưng nỗ lực của những người làm văn làm báo hải ngoại đã duy trì được cái dòng văn hóa đích thực của dân tộc, bảo tồn được nếp sống văn hóa của người Việt trước những “đồ thư” đốt sách vở, sản phẩm văn học ở miền Nam để các thế hệ sau này còn có cơ sở để nhận định về dân tộc và đất nước cội nguồn của mình.

Tóm lại, cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại đã làm được một công việc như duy trì được một nước Việt trong thể chế tự do, dân chủ. Ðó là một đối lực với nhà cầm quyền cộng sản mà nếu như người cộng sản thực sự còn là người Việt Nam thì phải tôn trọng cái đối lực ấy chứ không phải cứ cố gắng hoài công để “thu phục” cộng đồng người Việt hải ngoại về dưới trướng của mình.

––

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com


nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=143763&z=3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét