Tiểu Sử Ca Sĩ » Tiểu Sử Mai Lệ Huyền (Mai Lệ Huyền)
"Và cũng chính những tác giả Lệ Đá, Lạnh Lùng... đã đặt cho cô một
cái tên, mà danh hiệu này đã trở thành một hiện tượng thành công sáng
chói nhất đầu thập niên 70 kéo dài mãi cho đến nay tại hải ngoại, hào
quang tên tuổi đó vẫn còn lấp lánh rực rỡ trên 3 chữ nạm vàng: MAI LỆ
HUYỀN"
Đầu thập niên 60, trường trung học Bình Long (tỉnh Bình Long) có
dịp tổ chức một buổi ca nhạc gây quỹ từ thiện rất quy mô rầm rộ chưa
từng có, và điều đặc biệt nhất, là nhà trường đã mời được Tân Dân Nam - 1
ban văn nghệ nổi tiếng từ Sài Gòn xuống. Ban này đảm trách bởi những
nghệ sĩ tên tuổi Anh Lân, Tuý Phượng v.v... Đáng lý, hôm đó Tân Dân Nam
còn có sự hiện diện của nữ hoàng Yến Vỹ, nhưng người ca sĩ này bị bịnh
đột ngột không xuất hiện, nên trong phần văn nghệ, Tân Dân Nam cần có
thêm sự hổ trợ của những tiếng hát hay từ các học sinh nhà trường. Ban
văn nghệ trường Bình Long vui vẻ nhận lời ngay và cử 1 cô học trò vừa
đoạt giải Tiếng Hát Hay Nhất của trường là Nguyễn Thu Cúc ra hát trong
đêm này.
Đêm văn nghệ như dự đoán đã tràn ngập không còn một chỗ đứng cho
các phụ huynh, học sinh đến trễ. Ban Tân Dân Nam lúc bấy giờ quy tụ
toàn nhạc sĩ tên tuổi như Trần Trịnh (accordion, piano ...), Đinh Việt
Lang (guitar) ... đã gây sôi nổi ngay từ phút đầu tiên mở màn. Những
tràng pháo tay càng nổ lớn ròn rã hơn khi người giới thiệu chương trình
xướng tên cô ca sĩ học trò mang tên Nguyễn Thu Cúc. Cô bé có 2 giòng máu
Việt Lào, nước da bánh mật đen đen nên thường bị bạn bè và thầy giáo
lúc bấy giờ thường chọc ghẹo là Cúc "noir". Bài hát đầu tiên là Duyên
Quê - 1 bản nhạc trữ tình của Hoàng Thi Thơ, ca khúc mà Cúc đã đoạt giải
nhất văn nghệ mấy tuần vừa qua do nhà trường tổ chức. Bài này do Cúc
trình bày đã tạo một ấn tượng dễ thương cho ban Tân Dân Nam, nhưng phải
đợi tới ca khúc thứ 2 là một ca khúc Twist thật sống động của NS Khánh
Băng, cô ca sĩ học trò tên Cúc mới có dịp làm NS Trần Trịnh, Đinh Việt
Lang đi từ ngạc nhiên này đến say mê khác.
Sau khi học hết bậc Trung học, Cúc quyết định về Gia Định để học
tiếp và lúc này cô bé may mắn được sự hướng dẫn của các nhạc sĩ Trần
Trịnh, Đinh Việt Lang cũng là các người thầy dìu dắt cô ngay từ những
bước đầu tiên. Và cũng chính những tác giả Lệ Đá, Lạnh Lùng đã đặt cho
cô 1 cái tên, mà danh hiệu này đã trở thành một hiện tượng thành công
sáng chói nhất đầu thập niên 70 kéo dài mãi cho đến nay tại hải ngoại,
hào quang tên tuổi đó vẫn còn lấp lánh rực rỡ trên 3 chữ nạm vàng: Mai
Lệ Huyền.
Về Gia Định, vừa đi học, vừa có dịp trau dồi thêm về ca hát, lại
có may mắn được thầy Trần Trịnh hướng dẫn và giới thiệu khắp nơi, chẳng
bao lâu Mai Lệ Huyền trở thành một cái tên khá quen thuộc ở tại vũ
trường Melody, nơi cô hát đầu tiên khi bước chân vào nghề này. Sau đó,
Mai Lệ Huyền càng lúc càng được chú ý nhiều hơn khi được mời trình diễn
tại các Club Mỹ với các ban nhạc lừng lẫy như ban nhạc Huỳnh Háo, Huỳnh
Anh, Taming Piano, thầy Xuân, Đoàn Châu Nhi (guitar), Anh Trổ, Anh
Hạnh... Cô cũng từng nhiều lần với nhạc sĩ Trần Văn Trạch hát chung với
Khánh Hà, Elvis Phương trong các Club Mỹ... Sau biến cố Mậu Thân 68 bước
qua đầu 69, phong trào ca nhạc vũ trường phòng trà SG tương đối đã dần
khởi sắc trở lại... và lúc này tên tuổi của Mai Lệ Huyền đã bắt đầu đi
vào một quỹ đạo nổi tiếng đầy sức thu hút lạ thường. Y Vân (tác giả của
nhiều bài hát được ưa thích lúc bấy giờ như Ảo Ảnh, Lòng Mẹ, Thôi... )
thấy lối trình diễn của cô "bạo" quá nên vội vàng mời Mai Lệ Huyền thu
dĩa ngay và còn sáng tác nhiều bài hát theo thể điệu nhạc giựt để cô
trình bày. Phong trào nhạc Agogo, Twist tại Sài Gòn bước vào giai đoạn
"cao điểm" sau khi nhóm Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh & Nhật Ngân) tung
ra ca khúc Gặp Nhau Trên Phố do Mai Lệ Huyền hát cặp với Hùng Cường, 1
ngôi sao sáng chói và ăn khách nhất bên phía Nam lúc bấy giờ. Bài hát
này sau khi được ban nhạc Trần Trịnh hoà âm và cho hãng đĩa Việt Nam của
cô Sáu thu và tung ra ngoài thị trường kèm theo là hàng chục ngàn bản
nhạc rời với hình bìa thật sexy khiêu gợi của MLH đã được nhiều người
tiêu thụ nhanh như chớp. Sau Gặp Nhau Trên Phố, nhóm Trịnh Lâm Ngân viết
1 loạt tương tự khác như Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, Mắt
Xanh Con Gái, Làm Quen Với Lính... đều trở thành những bài ca phổ biến
nhất Sài Gòn đầu thập niên 70. Ngoài nhóm này, nhiều nhạc sĩ khác như
Khánh Băng, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Tuấn Lê, Giao Tiên... cũng sáng tác
nhiều ca khúc như Say, Lính Dù Trên Điểm, Người Lính Chung Tình, Ghét
Anh Lắm, Thiên Duyên Tiền Định, Túp Lều Lý Tưởng, Xây Nhà Bên Suối, Hờn
Anh Giận Em... dành riêng cho cặp sóng thần bốc lửa Hùng Cường & Mai
Lệ Huyền cũng đã tạo được nhiều thành công như ý. Nên nhắc thêm, với
những ca khúc trên... đôi song ca này đã trở thành những dấu ấn yêu
thương tròng lòng hàng triệu người lính khắp nơi. Hùng Cường trình diễn
phải mặc quần áo Treilli mới thật là một Hùng Cường oai hùng bên cạnh
một cô búp bê bằng... lửa. Không gọi là "lửa" sao được, với một Mai Lệ
Huyền quá ư là sexy, bộ ngực thì úp úp hở hở, còn bộ mini jupe thì được
may sát mông đầy quyến rũ khiêu khích. Nhiều tờ báo lớn ở Sài gòn từng
gọi Hùng Cường và Mai Lệ Huyền là cặp "đệ nhất sóng thần" chuyên "móc
mắt", "bức tóc"... có thể tạo nhiều cơn "cháy" khắp nơi. Mai Lệ Huyền
nóng bỏng đến nỗi, khi cô nhận lời các nghệ sĩ đàn anh đồng nghiệp như
Nhật Trường, Duy Khánh, Hùng Cường... đến hát tại các tiểu đoàn đóng
quân ở các tiền đồn xa xôi, Nhật Trường phải nhiều lần đứng "bảo vệ" cô
em bé nhỏ đang được hàng trăm anh lính chen lấn ủng hộ. Điều đó cũng rất
dễ hiểu cho những người lính xa nhà lâu năm. Sự chen lấn để mong được
gần người ca sĩ này như tấm lòng ái mộ nhiệt liệt dành đến Mai Lệ Huyền
khi họ trước đây chỉ được nghe tiếng hát cô qua làn sóng điện hay chỉ
được nhìn thấy người ca sĩ trẻ thần tượng này trên đài truyền hình, và
nay được dịp nhìn Mai Lệ Huyền bằng xương bằng thịt... thì chỉ có thánh
mới có thể đứng yên như tượng được. Sự yêu chuộng của Lính dành cho cô
đến nỗi tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ngày xưa còn nói: "Lính mà chưa
biết Mai Lệ Huyền thì chưa thực sự là ... lính". Câu nói dí dỏm đó một
phần cho thấy người ca sĩ này đã là một "thần tượng", một "hiện tượng"
của hàng triệu quân nhân miền Nam lúc bấy giờ nói riêng và của giới yêu
nhạc ở miền Nam nói chung. Sự gần gũi và yêu mến Lính của cô đến nỗi,
Mai Lệ Huyền từng được một vài binh chủng thân ái gọi cô là "hạ sĩ nhất
danh dự".
Lúc này sự nghiệp danh vọng của Mai Lệ Huyền đã lên tới đỉnh cao
chót vót chạm mây. Cô "thầu" Đệ Nhất Khách Sạn để làm nơi trình diễn ca
nhạc hàng đêm với các nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Tuyền, Phương Dung,
Carol Kim, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Ngọc Hiếu, Mai Ly, đoàn vũ Ánh
Tuyết, đoàn vũ Lưu Hồng, Ngọc Phu (điều khiển chương trình) dĩ nhiên là
với ban nhạc lẫy lừng Trần Trịnh đóng trụ. Tại đây, cũng là nơi ca sĩ
Jeannie Mai được nhiều người bắt đầu biết đến. Và cũng chính Thái Châu
một lần tâm sự với người viết, cuộc đời ca hát của anh trong những ngày
mon men khởi đầu (trước khi được NS Ngọc Chánh biết tới) Thái Châu cũng
đã may mắn được Mai Lệ Huyền mời về cộng tác với Đệ Nhất Khách Sạn.
Lo xong việc vũ trường về đến nhà cũng đã quá khuya. Nhưng đó
cũng là thời điểm Mai Lệ Huyền bắt đầu cho một công việc khác là "thu
băng" mà trong ngày không có đủ thì giờ để làm. Cô thu rất nhiều hãng
băng nhạc lúc bấy giờ như Việt Nam, Shotguns, Sóng Nhạc, Continental,
Thanh Thúy, Thương Ca, Hoàng Thi Thơ, Trường Hải, Nhã Ca, Hoạ Mi...
v.v...
Ngoài việc đi hát cho các vũ trường, thu băng liên tục mỗi ngày
như thế... nhiều người còn biết đến những tài năng đa dạng khác của MLH
như đóng kịch, đóng phim v.v... Khuôn mặt xinh đẹp "mi nhon" của cô đã
được các hãng phim chú ý và mời mọc, từ đó MLH cũng dần dần trở nên 1
tài tử quen thuộc sau các bộ phim Gác Chuông Nhà Thờ, Mãnh Lực Đồng
Tiền, Nhà Tôi, Còn Gì Cho Nhau... hoặc trong các vở kịch lớn của các đại
ban trên ti vi như Thẩm Thuý Hằng, Kim Cương, 45 Phút Vui La Thoại Tân,
Mai Lệ Huyền's show...
Source: Trần Quốc Bảo, TruongViet
-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét