Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Niềm tin của Trung Quốc


Tóm tắt: Nước VN hiện đang đứng trước 2 tai nạn khủng khiếp:  Tham nhũng dẫn tới kinh tế sụp đổ.  Kinh tế sụp đổ dẫn tới yếu kém quốc phòng.  Trung Quốc chỉ chờ có thế để áp đặt chủ nghĩa thực dân mới (néo-colonialism) tại nước này.  Hiện nay người Trung Hoa đang có mặt khai thác tài nguyên, kinh tế trên toàn khắp VN.

 Tại sao những năm 1945-1975 chiến tranh đánh Tây, đuổi Mỹ, diệt Ngụy, VN không có lực lượng kinh tế (zéro) mà lại có thể có lực lượng vũ trang hùng mạnh?  Họ nhờ hai thế lực CS hậu thuẫn:  Liên Xô và CHND Trung Hoa.  Nên nhớ sau chiến tranh, hết hậu thuẫn của CS quốc tế là thời bao cấp.
 Nhìn vào VN ngày nay ta thấy kinh tế có vẻ phồn vinh, nhưng chỉ là mặt ngoài giả tạo.  Tiền bạc là của ngoại nhân đem vào đầu tư, lợi nhuận bị các ngoại nhân chuyễn về nước họ.  Ngoài các đảng viên cấp cao thuộc giai cấp thống trị có đời sống vương giả, con cái du học nước ngoài, nhưng 98% thường dân rất đói khổ.  Quân-cán (gồm cả giáo sư, y tá ủng hộ sinh lý) thảy đều giựt gấu vá vai.
 Mời đọc bài dưới đây của tác giả Ngô Văn Lang
 
Ngô Văn Lang
imageLịch sử cho thấy, đôi khi có chuyện vua quan Việt Nam bán nước, nhưng nhân dân Việt Nam chưa bao giờ chịu mất nước.
Người Trung Quốc rất hiểu Việt Nam. Họ có mặt ở Việt Nam rất đông, với nhiều lí do: làm ăn buôn bán, hợp tác, và không loại trừ cả mục đích do thám. Gián điệp Trung Quốc đã có mặt ở Việt Nam từ thời An Dương Vương, chui vào tận nơi cao nhất của bộ máy cầm quyền. Không một người Việt nào lại không biết điều này. Thất bại của An Dương Vương đã mở đầu cho một ngàn năm Bắc thuộc đau khổ của cả dân tộc. Người Trung Quốc có thể nói tiếng Việt như người Việt. Kể cả những người không ở Việt Nam cũng rất hiểu Việt Nam vì họ nghiên cứu Việt Nam rất kỹ.
Trung Quốc hiểu rõ Việt Nam đương đại ở mấy điểm sau đây:
1. Việt Nam đang suy yếu về mọi phương diện. Biểu hiện dễ thấy nhất là về kinh tế: lạm phát tăng liên tục và chưa nhìn thấy khả năng kiềm chế và khắc phục. Nhiều vùng hiện nay đang lâm vào cảnh đói ăn.
2. Suy yếu về kinh tế tất yếu dẫn tới suy yếu về quân sự. Bởi lấy đâu ra ngân sách để đầu tư đúng mức cho quân sự. Trong khi đó thì thất thoát tài chính kinh hoàng diễn ra hàng ngày ở mọi lĩnh vực, mà một ví dụ điển hình giờ đây không ai còn có thể chối cãi là Vinashin.
3. Điều quan trọng là người Việt Nam đang suy yếu về tinh thần. Hiện nay chỉ có một bộ phận rất nhỏ trong tổng số hơn tám mươi lăm triệu người là còn dám phân tích, dám suy nghĩ, dám đối diện với thực tế và dám nắm bắt thực tế. Đại bộ phận hoặc bị tê liệt các khả năng ấy vì sợ hãi, hoặc các khả năng ấy bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, đầu óc chỉ còn có thể tiếp nhận các chỉ thị một chiều từ trên xuống và thực hiện chỉ thị một cách vô điều kiện. Đa số người dân Việt Nam không quan tâm đến thực trạng của đất nước mình, không quan tâm đến những gì đang đe dọa cuộc sống của mình và vận mệnh của đất nước mình. Đa số đều thực hành triết lí: sống ngày nào biết ngày đó. Chính quyền tưởng đã thành công khi làm cho dân chúng sợ mình, nhưng đó là một sai lầm trầm trọng, vì giờ đây, khi phải đối diện với sự suy thoái kinh tế, đối diện với sự đe dọa của ngoại xâm, thì những người dân đó không còn đủ khả năng để ứng phó với tình hình. Trung Quốc không mong gì hơn điều đó.
4. Trung Quốc hiểu rằng, với cơ chế và cách thức vận hành xã hội hiện tại, năng lực của người Việt Nam bị suy yếu. Các “năng lực”, “phẩm chất” hiện được đặc biệt phát triển ở người Việt Nam là:
- Khả năng lấy lòng người khác, làm hài lòng cấp trên.
- Khả năng chịu đựng, nhẫn nhục. Chữ “nhẫn” của Tàu được bày bán đầy ở Văn Miếu mỗi dịp xuân về, nhắc cho người Việt Nam biết rằng nhẫn nhục là con đường sống của họ. Họ tưởng rằng như vậy là khôn ngoan, nhưng kết cục là nhà nhà nhẫn nhục, người người nhẫn nhục sẽ có một quốc gia nhẫn nhục, hệ quả là sự suy yếu tập thể. Trung Quốc không mong gì hơn điều đó.
- “Năng lực” phục tùng, vâng lời. Đây là một “phẩm chất” được đánh giá cao trong hệ thống nhà nước. Những người thành công nhờ vâng lời tất yếu cũng muốn người khác phải vâng lời họ, họ sẽ kìm hãm những người có khuynh hướng hoạt động độc lập, có khả năng suy nghĩ độc lập. Vì thế, khi mà sự phục tùng được đề cao thì hiệu quả công việc bị sụt giảm, bộ máy nhà nước cồng kềnh và kìm hãm sự phát triển. Trung Quốc rất hài lòng trước hiện tượng này.
- Năng lực và nghệ thuật đưa hối lộ. Năng lực này được bồi dưỡng ngay từ khi thời thơ ấu, bắt đầu từ việc đưa phong bì cho giáo viên hay bác sĩ.
- Năng lực và nghệ thuật nhận hối lộ. Càng lên các cấp cao trong hệ thống quản lí thì năng lực này càng pháp triển. Trung Quốc hiểu rằng việc chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là nói cho có nói mà thôi, không bao giờ thực hiện được. Trung Quốc khuyến khích tham nhũng ở Việt Nam phát triển vì hiểu rằng nó sẽ thúc đẩy sự suy tàn nhanh chóng của đất nước này.
- Năng lực “ngu hóa”: tự làm cho mình ngu si, tự triệt tiêu khả năng suy nghĩ và khả năng nhận thức của mình. Phổ biến phương châm sống: “ngu si hưởng thái bình”. Hệ quả là nền kinh tế tuột dốc, giáo dục thảm hại. Nền giáo dục, thay vì giáo dục lòng can đảm, phát triển tư duy, thì lại gieo rắc nỗi sợ hãi và làm thui chột khả năng suy nghĩ độc lập của học sinh sinh viên. Và khi có chuyện xảy ra, đa số không còn có thể phân tích tình hình, không biết phải làm gì. Trung Quốc không mong gì hơn điều này.
5. Trung Quốc hoàn toàn hiểu rằng người Việt Nam suy yếu là do sợ hãi. Nỗi sợ hãi của người dân Việt Nam là điều kiện cho việc Trung Quốc thôn tính đất nước này. Người dân Việt Nam có thể không sợ Trung Quốc, nhưng lại rất sợ chính quyền của mình, không dám đi ngược lại các phán quyết của chính quyền. Một số rất ít người, đếm trên đầu ngón tay, dám hy sinh, dám chịu nguy hiểm để biểu hiện lòng yêu nước thì bị chính quyền đàn áp, bắt bớ, bỏ tù. Điều này khiến toàn bộ dân chúng còn lại càng thêm sợ hãi. Nỗi sợ hãi làm họ tê liệt đến mức họ không còn muốn tìm hiểu vì sao biểu tình chống Trung Quốc chiếm các hải đảo của mình mà lại bị ngăn cấm và bắt bớ. Họ không muốn, không dám tìm hiểu và họ để mặc cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Đó là những gì đã diễn ra sau những cuộc biểu tình năm 2007. Và triệt để hơn, người Việt Nam không muốn tìm hiểu về bất kỳ chuyện gì khác ngoài chuyện mưu sinh hàng ngày. Hoặc nếu có tìm hiểu thì cũng chỉ để bàn luận với nhau trong góc nhà, hay trong quán cà phê mà thôi, họ thụ động chấp nhận tất cả mọi thứ.
6. Trung Quốc cũng hiểu rõ rằng Việt Nam suy yếu là do những người có năng lực ở Việt Nam không được sử dụng, rằng nhiệt tình và năng lực, năng lượng của người Việt Nam đã bị tắt ngấm dưới làn sóng sợ hãi băng giá. Và chính quyền Việt Nam không tin ở công dân của họ. Mọi cố gắng phản biện nhằm gây dựng sự lớn mạnh cho quốc gia đều bị quy về tội chống phá nhà nước.
7. Vì thế Trung Quốc quyết định rằng đây là thời cơ ngàn vàng để thể hiện cho người láng giềng yếu kém Việt Nam thấy sức mạnh của mình. Và Trung Quốc đã chuẩn bị rất bài bản, rất cẩn thận cho quá trình thôn tính Việt Nam. Bắt đầu bằng sự thôn tính bộ phận: thuê hàng loạt rừng đầu nguồn ở những vị trí trọng yếu, nắm Tây Nguyên với cái cớ hợp pháp là khai thác bô xít, đầu tư nhiều công trình, nhiều cơ sở kinh doanh ở Việt Nam mà nhân công chủ yếu là người Trung Quốc. Thôn tính thị trường Việt Nam bằng hàng hóa Trung Quốc, và chủ yếu là hàng hóa chất lượng kém để đầu độc người Việt Nam, và với mục đích vô hiệu hóa nền sản xuất và kinh doanh của Việt Nam. Trung Quốc hiểu rằng hàng hóa không chỉ là hàng hóa, mà hàng hóa còn là văn hóa. Người Việt Nam hàng ngày dùng đồ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng một cách từ từ nhưng sâu đậm bởi văn hóa Trung Quốc. Trung Quốc thôn tính truyền hình Việt Nam bằng vô số phim Trung Quốc, và đã thành công kinh khủng khi khiến cho thanh niên Việt Nam thuộc sử Trung Quốc hơn là sử Việt Nam. Đây quả là một tính toán mang tầm chiến lược và rất đáng nể phục: khi Trung Quốc thôn tính xong Việt Nam thì người Việt Nam không bị xa lạ với văn hóa Trung Quốc, sẽ cảm thấy Trung Quốc gần gũi với họ, gần gũi từ trong tâm thức.
Câu hỏi mà người Việt Nam phải đặt ra là: “Tại sao Trung Quốc lại thành công được như vậy?”. Nếu mỗi người Việt Nam đều đặt câu hỏi đó thì Trung Quốc có tài giỏi đến mấy cũng không thành công được. Nhưng người Việt Nam đã bị tê liệt khả năng đặt câu hỏi, tê liệt khả năng tìm hiểu và nhận thức.Vì người Việt Nam từ lâu đã bị cấm đặt câu hỏi, bị cấm tìm hiểu và bị cấm nhận thức về những gì bị cho là “nhạy cảm”, tự do ngôn luận và tự do báo chí bị bóp nghẹt. Vì người Việt Nam bị trừng phạt khi dám thử tìm hiểu, thử nhận thức. Than ôi, có cái gì mà không nhạy cảm đây? Người Việt Nam chỉ biết than mà không dám hành động. Trung Quốc biết rõ như vậy. Cơ hội đang thuộc về Trung Quốc.
8. Trung Quốc hiểu rằng, không có thời cơ nào tốt hơn hiện nay, khi chính quyền và người dân Việt Nam sợ hãi lẫn nhau (chính quyền sợ nhân dân và nhân dân sợ chính quyền), khi thông tin bị bưng bít, người dân thờ ơ với vận mệnh đất nước, lãnh đạo bằng mọi giá bảo vệ quyền lợi cá nhân, tình trạng chung là không chịu suy nghĩ, không chịu hành động, không chịu thay đổi.
9. Trung Quốc hiểu rằng nhân dân Việt Nam đang mất lòng tin vào chính phủ. Bởi những biểu hiện hèn nhược của chính phủ và sự kém cỏi của chính phủ trong việc giải quyết tất cả mọi vấn đề. Vì thế mà Trung Quốc dám vào tận lãnh hải Việt Nam để tuyên bố rằng người Việt Nam xâm phạm chủ quyền của mình, dám hùng hồn tuyên bố điều dối trá đó trên báo chí quốc tế. Trung Quốc tin rằng sẽ thực hiện được giấc mộng thôn tính Việt Nam. Nếu ngư dân Việt Nam bị bắn chết mà chưa bao giờ Trung Quốc bị trừng phạt, nếu những người Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc giết chết mà chẳng có ai dám làm gì Trung Quốc, thì tại sao Trung Quốc không lấn tới?
10. Nhưng có một điều mà Trung Quốc không hiểu, hay chưa hiểu: những người Việt Nam mà Trung Quốc tưởng là hèn hạ và chỉ biết sợ hãi ấy, những người đó sẽ cho Trung Quốc biết thế nào là người Việt Nam thực sự. Vì đây cũng là thời cơ để người dân Việt Nam nhận thức, hiểu rõ chính mình, hiểu rõ chính phủ của mình, hiểu rõ “ông bạn” láng giềng. Thời cơ để người dân Việt Nam lấy lại sức mạnh của mình. Trung Quốc cứ thử xem, người Việt Nam sẽ chứng minh rằng mảnh đất này chính là linh hồn của họ. Lịch sử cho thấy, đôi khi có chuyện vua quan Việt Nam bán nước, nhưng nhân dân Việt Nam chưa bao giờ chịu mất nước.
28/5/2011
N. V. L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét