Chân không - diệu
hữu
-
PSN - 18.5.2013 | Nguyễn Tường Bách
Trong năm 2010 có hai biến cố đặc biệt thu hút sự chú ý của giới khoa
học. Tháng 9.2010, nhà vật lý học lừng danh Stephen Hawking luận giải một cách
chung cuộc rằng vũ trụ xuất phát từ chân không, vũ trụ phát sinh không cần đến
một đấng sáng tạo. Tháng 12.2010, Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian NASA
thông báo phát hiện của bà Felisa Wolfe-Simon, trong đó người ta tìm thấy một
hình thái mới của sự sống, không giống với cấu trúc mà con người biết
đến.
Hai
biến cố khoa học này làm những ai quan tâm không thể không liên tưởng đến những
luận đề cơ bản của Phật giáo trong vũ trụ và thế giới hiện
tượng.
Trong tác phẩm mới xuất bản The Grand Design, nhà vật lý 68 tuổi Stephen
Hawking viết rằng, các lý thuyết vật lý mới nhất cho thấy vũ trụ của chúng ta đã
tự hình thành. Trước khi vũ trụ thành hình thì chỉ là một sự trống rỗng, nhưng
tính sáng tạo nội tại trong cái “Không” đó đã hình thành vũ trụ. Hawking thấy
“không cần thiết” phải có một Thượng đế, một đấng sáng tạo để tạo dựng nên vũ
trụ.
Từ
một tình trạng không có gì, phi thời gian không gian, không cần một nguyên nhân
ngoại lai, có một sự bùng nổ, phát ra năng lượng và vật chất. Đó là hiệu ứng
được mệnh danh là “hiệu ứng lượng tử”, xuất phát từ sự tăng giảm không đều của
năng lượng. Nói tóm gọn, vũ trụ là kết quả của một sự sáng tạo mà không có người
sáng tạo.
Với
nhận thức này, Hawking đã từ chối có một đấng sáng tạo vũ trụ. Nhận thức này
không dễ chấp nhận tại phương Tây, kể cả trong giới khoa học vật lý. Lý do không
phải là các nhà vật lý kia tin mù quáng nơi một Thượng đế toàn năng mà họ có
những lý lẽ hết sức vững chắc khác. Đó là thế giới của chúng ta quá kỳ diệu, rõ
rệt là vũ trụ được cấu tạo dường như có chủ đích là sẽ có ý thức tồn tại trong
đó. Người ta đã xác định một loạt các thông số trong Thái dương hệ và thấy rằng
chỉ cần một thông số lệch đi một chút là đã không thể có đời sống loài người
trên trái đất. Mặt trời chỉ cần lớn hơn một chút, thành phần của các hành tinh
chỉ khác đi một chút, không có sự hiện diện của mặt trăng… là không thể có loài
người. Xác suất để ý thức xuất hiện là quá nhỏ, gần như bằng không. Thế mà vẫn
có ý thức cao cấp xuất hiện để chiêm nghiệm ngược lại về vũ
trụ.
Một
khi đã có một vũ trụ vân hành hoàn hảo như thế, khi có một sự sáng tạo tuyệt
diệu thì cần phải có người sáng tạo có ý thức, hay phải có “Thượng đế”. Thế
nhưng cũng chính các nhà khoa học theo quan niệm sáng tạo cũng phân vân, nếu có
Thượng đế toàn năng thì làm sao lý giải được những cảnh tàn bạo, bất công trong
thế giới của con người. Đó là một nan đề của môn bản thể học trong vật lý hiện
đại.
Nhận
thức của Hawking cho rằng vũ trụ xuất phát từ chân không bằng một sự vận động tự
thể. Có sự sáng tạo nhưng không có người sáng tạo. Nhận thức này phần nào lý
giải tính chất kỳ diệu của vũ trụ nhưng không dễ hiểu. Nó khó hiểu ở chỗ là nhận
thức này từ chối một tự ngã làm chủ cho một hành động. Có hành động nhưng không
có người hành động. Nhận thức này tuy xa lạ với phương Tây nhưng nó là một cách
phát biểu của thuyết vô ngã trong đạo Phật.
Biến
cố thứ hai trong năm 2010 là bài báo cáo của bà Felisa Wolfe-Simon1 (NASA
Astrobiology Institude, USA) và cộng sự về một cái nhìn khác về hình thái của sự
sống, nhân dịp khám phá một loại vi sinh vật được cấu tạo hoàn toàn khác với
quan niệm hiện nay. Theo các lý thuyết sinh học hiện nay, mọi hình thái hữu cơ
trên trái đất và cả ngoài trái đất chỉ được xây dựng với 6 nguyên tố: carbon,
hydro, nitrogen, oxy, sulfur (lưu huỳnh) và phosphorus (phốt pho). Từ những tế
bào giản đơn nhất, đơn bào, sống trong môi trường hiếm khí hay không có ánh sáng
cho đến chủng loại cao cấp loài người đều chỉ gồm 6 nguyên tố đó mà thôi. Nay
Wolfe-Simon chứng minh rằng đã có sinh vật không chứa phosphorus mà chứa arsenic
(thạch tín).Với arsenic, vi sinh vật này cũng tăng trưởng tương tự như các vi
sinh vật khác.
Phát
hiện này xem ra không quan trọng trong đời sống bình thường, nhưng trong ngành
sinh vật học địa cầu và ngoài địa cầu, nó gây “chấn động mãnh liệt”. Người ta
bừng tỉnh thấy rằng lâu nay ngành sinh học quan niệm về sự sống một cách hạn
hẹp, tự đưa ra hạn chế trong định nghĩa về hình thái của sự sống. Người ta thấy
rằng phải từ bỏ hạn chế đó và cần tìm hiểu lại sự sống ngay trên trái đất này.
Khi đó, với nghiên cứu về sự sống ngoài hành tinh, người ta hy vọng sẽ mở rộng
hơn tầm nhìn và khám phá những hình thái sống không thể ngờ tới. Thực tế là
arsenic hiện hữu nhiều trong những môi trường cực lạnh, “linh động” hơn
phosphorus và vì vậy dễ sinh ra sự sống hơn. Do đó khi xem arsenic là một nguyên
tố của sự sống hữu cơ, người ta có nhiều hy vọng hơn sẽ tìm thấy sự sống khác
trong vũ trụ.
Bài
báo cáo về vi sinh vật này tuy có tính chất rất chuyên môn nhưng thật ra đã tạo
nên một niềm triển vọng và phấn khích mới. Đó là con người chỉ thấy rằng mình
chỉ là một hình thái trong vô số hình thái của sự sống. Điều này làm ta nhớ tới
khái niệm “Diệu hữu” trong đạo Phật. Sự tồn tại (hữu) là vô tận, số lượng của
thế giới và của các loài sinh vật, từ đơn giản đến cao cấp, là vô tận. Có thể
con người một ngày kia sẽ đến chỗ thừa nhận là sự sống có những hình thái hoàn
toàn khác hẳn, không phải chỉ gồm 6 nguyên tố mà nhiều hơn hẳn. Cũng có thể
người ta sẽ đến với nhận thức là tư tưởng và tình cảm cũng là một dạng của sự
sống mà “thân” của chúng không phải là các yếu tố “vật chất” mà là những sóng
tương tự như những sóng điện từ. Cuối cùng khi con người nhận thấy đời sống là
nhất thể, và mọi hình thái của nó, từ vật chất đến phi vật chất, đều là những
“pháp” vô ngã, vô thường, khi đó khoa học tạm gọi là sẽ đồng quy với Phật
giáo.
Đồng
chủ biên cuộc khảo cứu, giáo sư Paul Davies thuộc Arizona State University và
Viện Sinh học Không gian của NASA, nói với BBC News2: “Vào lúc này chúng ta
không biết sự sống chỉ là một tai nạn ngẫu nhiên xảy ra trên trái đất, hay đó là
một phần của một tiến trình sinh hóa tự nhiên qua đó sự sống xuất hiện ở bất kỳ
đâu có điều kiện trên trái đất”. Davies ủng hộ quan niệm “… sự sống xuất hiện ở
bất kỳ đâu có điều kiện như trái đất” và điều này rất phù hợp với quan niệm
Duyên khởi của đạo Phật, tức là cho rằng hễ có điều kiện như nhau thì sự sống
phát sinh như nhau chứ một hiện tượng không thể xuất hiện “ngẫu nhiên” một lần
rồi thôi.
Hai
biến cố kể trên, một bên thuộc phạm vi vật lý lý thuyết, bên kia của vi sinh
vật, có một ý nghĩa thú vị ở đây. Nhận thức của Hawking trùng hợp với thuyết
“Chân không” và Vô ngã, còn phát hiện của Wolfe-Simon làm ta liên tưởng đến tính
“Diệu hữu” và duyên khởi của đạo Phật.
Chân
không-Diệu hữu vốn là vấn đề của vũ trụ quan của Phật giáo. Theo đó, mọi hiện
tượng đều xuất phát một cách nội tại từ “Không”, không do tác nhân bên ngoài.
Chúng xuất hiện trong thế gian và tuân thủ nguyên lý Duyên khởi, đủ điều kiện
thì sinh, đủ điều kiện thì diệt. Các hiện tượng đó không ai làm chủ nhân, chúng
làm tiền đề cho nhau để sinh và diệt. Khi sinh thì sinh từ chân không, khi diệt
thì không còn chút bóng hình lưu lại. Các hiện tượng, mà trong đạo Phật gọi là
“pháp”, không chịu sự hạn chế nào cả, không có ai lèo lái chúng cả. Khi đủ điều
kiện thì mọi hình thái của sự sống đều khả dĩ, khả năng xuất hiện của chúng là
vô tận, “bất khả tư nghì”. Diệu hữu bao trùm mọi hiện tượng, vật lý cũng như tâm
lý, nằm ngoài khả năng suy luận của con người chúng ta. Cụ thể, khi nói về con
người thì đó là một tổng thể gồm hai mặt tâm lý và vật lý với năm yếu tố mà ta
gọi là Ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức). Năm yếu tố đó vận hành vô
chủ.
Những phát hiện của khoa học làm chúng ta kinh ngạc về tri kiến của Phật
và các vị Tổ. Các vị đã phát hiện những quy luật của vũ trụ không bằng phép
nghiên cứu thực nghiệm mà bằng trực giác trong một dạng tâm thức phi thường của
thiền định. Qua thời gian, thực tế cho thấy các phát hiện của khoa học không hề
bác bỏ vũ trụ quan Phật giáo mà ngược lại, chúng trùng hợp một cách kỳ lạ. Tuy
nhiên chúng ta cần tránh một thái độ, đó là xem khoa học như thước đo đúng sai
đối với nhận thức luận Phật giáo. Lý do là Phật giáo chủ yếu nhận thức về hoạt
động của tâm, trong lúc khoa học vật lý hay sinh học thiên về vật chất. Tất
nhiên Phật giáo xem tâm-vật nằm chung trong một thể thống nhất và mặt khác, khoa
học vật lý hiện đại cũng phải thừa nhận vai trò của người quan sát (tức là vai
trò của tâm) trong mọi thí nghiệm. Nhưng phải nói phạm vi nhận thức giữa khoa
học và Phật giáo rất khác nhau. Một điều mà ta không quên nữa là Phật giáo nhận
thức thế giới với mục đích thoát khổ, thoát khỏi sự ràng buộc của nó bằng các
phương pháp tu dưỡng tâm. Còn nhà vật lý hay sinh học chỉ nhận lại ở sự nhận
thức. Vì vậy, khi so sánh Phật giáo và khoa học, tuy có nhiều thú vị và hứng
khởi, ta cần biết giới hạn của nó.
Chân
không-Diệu hữu là một chìa khóa để hiểu nhận thức luận về bản thể và hiện tượng
của Phật giáo. Vì mọi hiện tượng xuất phát từ “Không” nên nó không có một bản
chất trường tồn và riêng biệt, đó là thuyết Vô ngã. Chỉ có Ngũ uẩn đang vận
hành, không có người vận hành chúng. Tương tự, Hawking cho rằng có sự sáng tạo
nhưng không có ai sáng tạo cả. Thuyết Vô ngã khó hiểu cho những ai mới làm quen
với đạo Phật. Cũng thế, vũ trụ tự sáng tạo và sáng tạo một cách tuyệt diệu,
nhưng không có đấng sáng tạo. Đó là điều cũng khó hiểu cho nhiều người phương
Tây.
Hawking chứng minh vũ trụ xuất phát từ cái “Không”, ông bác bỏ sự cần
thiết của một Thượng đế nhưng có lẽ ông không biết “Không” là gì. Là một nhà vật
lý, ông khó có thể biết hơn. Thế nhưng lại đến phiên ta kinh ngạc về khoa học
vật lý. Dù tự hạn chế mình trong lĩnh vực vật chất, vật lý đã đi đến tận cùng
biên giới của vật chất, gõ cửa ngành bản thể học và gần như chạm đến “chân lý
tuyệt đối” của đạo Phật. Vị trí của Hawking làm ta nghĩ đến luận sư Long Thọ, cả
hai vị đều cho rằng “Không” là nguồn gốc của muôn vật, nhưng cả hai đến từ hai
chân trời khác nhau.
Phật
và các vị Tổ Phật giáo biết “Không” là gì bằng trực quan nhưng không miêu tả
nhận biết của mình.Tính Không thuộc về một lĩnh vực mà ngôn ngữ không diễn bày
được. Cũng như thế trong vật lý lượng tử, người ta thấy ngôn ngữ và cách suy
luận thông thường không còn thích hợp. Giữa Phật giáo và khoa học, sự trùng hợp
rất lớn mà sự khác biệt cũng rất lớn.
Nhà
vật lý tin rằng có một vụ “nổ ban đầu” (Big Bang) cách đây khoảng 14 tỉ năm để
sinh ra vũ trụ vật lý. Thiền giả thấy có một sự “bùng nổ” trong tâm xảy ra trong
từng sát-na. Đó là cách nói gọn nhất về sự khác biệt giữa Phật giáo và khoa
học.
Nguyễn Tường Bách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét