Ðỗ Dzũng/Người Việt - Tòa Bạch Ốc tiếp 200 đại diện cộng đồng: ‘130,000 chữ ký là một hiện tượng’
Ðỗ Dzũng/Người Việt (tường trình từ Washington, DC)
WASHINGTON, DC (NV) - Giới chức Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Hai tiếp 200 người Việt Nam đại diện cho hơn 130,000 người ký thỉnh nguyện thư đòi hỏi Hành pháp Hoa Kỳ không gia tăng thương mại với Việt Nam nếu quốc gia Cộng Sản này không cải thiện tình trạng nhân quyền hiện nay.
Lá cờ Việt Nam Cộng Hòa được đồng hương trưng trước Tòa Bạch Ốc, biểu dương sự ủng hộ đối với thỉnh nguyện thư nhân quyền, nay lên đến 130 ngàn chữ ký. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Sau khi làm xong thủ tục an ninh, phái đoàn được hướng dẫn vào tòa nhà Eisenhower Executive, thuộc văn phòng Tòa Bạch Ốc.
Ông Jon Carson, giám đốc Văn Phòng Tiếp Cận Cộng Ðồng (Office of Public Engagement), chào mừng mọi người và nói: “Hôm nay quý vị đến đây không chỉ để cung cấp thông tin cho chúng tôi qua cuộc vận động bằng thỉnh nguyện thư, mà quý vị còn cho mọi người biết về sự cam kết của quý vị. Với con số 130,000 chữ ký, quý vị đã tạo ra một hiện tượng.”
Ông cũng cho biết Tổng Thống Obama rất coi trọng nhân quyền. Ðây mới chỉ là sự bắt đầu, và đây là một vấn đề phức tạp.
Ðại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, từ trái: Ông George Selin (Vietnam Desk), ông Thomas Debass (Global Partnerships Initiative), ông Eric Barboriak (Văn Phòng Ðông Nam Á Sự Vụ) và ông Michael Posner (phụ tá ngoại trưởng đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Ðộng), tại buổi gặp cộng đồng VN tại Tòa Bạch Ốc. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Cô Tuyết Dương, cố vấn về dân quyền và di trú thuộc Sáng Kiến Tòa Bạch Ốc Về Người Mỹ Gốc Châu Á Thái Bình Dương, chúc mừng mọi người có mặt và hy vọng sau cuộc vận động này, cộng đồng Việt Nam sẽ còn nhiều cuộc vận động khác, nhất là cho những người chưa được đại diện, ví dụ như những người làm việc trong ngành nail, nạn nhân buôn người, người cao niên...
Về phía cộng đồng Việt Nam, giới chức Tòa Bạch Ốc mời ba người lên phát biểu. Ðó là ca sĩ Quốc Khanh, anh Billy Lê (chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên) và cô Cindy Ðinh (đại diện Hội Ðồng Nhân Quyền Cho Việt Nam). Cả ba người đều kêu gọi Tòa Bạch Ốc chú ý đến nhân quyền Việt Nam hơn nữa. Riêng ca sĩ Quốc Khanh mong mỏi Tổng Thống Barack Obama can thiệp cứu nhạc sĩ Việt Khang, người bị an ninh Việt Nam bắt vì sáng tác hai nhạc phẩm “Việt Nam Tôi Ðâu?” và “Anh Là Ai?”
Một số người cảm động sau lời phát biểu của ca sĩ Quốc Khanh.
Một cảnh bên trong phòng họp. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Cũng có mặt tại buổi tiếp cộng đồng Việt Nam là một số viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong đó có ông Michael Posner, phụ tá ngoại trưởng đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Ðộng.
Ông Posner cho biết chính quyền Mỹ đã lưu ý chính quyền Việt Nam trường hợp nhạc sĩ Việt Khang. Ông nói thêm Washington vẫn tiếp tục nêu vấn đề nhân quyền với Hà Nội, nhất là đối với các cá nhân như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, Blogger Ðiếu Cày và những trường hợp khác, cũng như điều 79 và điều 88 trong bộ luật hình sự của Việt Nam.
Ông nói: “Tôi sẽ tiếp tục nêu vấn đề nhân quyền và những vi phạm nhân quyền của Việt Nam để mọi người sống ở Hoa Kỳ chú ý hơn về vấn đề này.”
Ông Eric Barboriak, quyền giám đốc Văn Phòng Ðông Nam Á Sự Vụ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói thêm: “Chúng ta có nhiều vấn đề với Việt Nam trong quan hệ song phương, nhất là vấn đề nhân quyền. Hoa Kỳ tin rằng làm cho Việt Nam cam kết tôn trọng nhân quyền nghiêm túc hơn sẽ có lợi cho cả hai phía và đạt được kết quả tốt nhất.”
“Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa là song phương vừa là đa phương. Cam kết là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề nhân quyền,” ông Barboriak nói thêm.
Nhiều đồng hương Việt Nam rất háo hức trước giờ gặp gỡ giới chức Tòa Bạch Ốc, chỉ muốn làm một điều gì đó cho nhân quyền tại Việt Nam.
Hòa Thượng Thích Viên Lý, tổng thư ký Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kiêm viện chủ chùa Ðiều Ngự, Westminster, tiểu bang California, nói với nhật báo Người Việt rằng sự hưởng ứng của 130,000 chữ ký là “dấu chỉ cho thấy khát vọng nhân quyền của đồng bào rất cao, trong đó có nhiều người thầm lặng. Khi có sự kiện, họ sẵn sàng trong khả năng để tạo sự thay đổi với dân tộc.”
“Nếu gặp tổng thống, tôi sẽ yêu cầu ông giúp đỡ để dân tộc Việt Nam hưởng tự do như người dân Hoa Kỳ,” hòa thượng nói tiếp. “Tuy nhiên, tất cả đều tùy thuộc khả năng chúng ta, người Mỹ chỉ giúp thôi. Thay đổi phải xuất phát từ chúng ta. Nếu người Việt không làm thì khó lòng. Vì thế, nhanh hay chậm là do chúng ta.”
Chị Ðinh Ngọc Tuyết, hiện sống ở Louisville, tiểu bang Kentucky, cho rằng đấu tranh nhân quyền phải bền bỉ mới thành công.
Chị giải thích: “Tôi rất xúc động được Tòa Bạch Ốc mời. Vừa tự hào vừa cảm thấy vinh dự khi thấy thỉnh nguyện của đồng hương được tổng thống lắng nghe. Ðây làm một bước nhỏ, dù đường dài, vẫn phải đi. Phải bước những bước nhỏ mới tới đích được.”
Ông Trần Việt Ðông, cư dân Glen Burnie, tiểu bang Maryland, được vào Tòa Bạch Ốc, nói: “Ðược vào Tòa Bạch Ốc lần đầu tiên cảm thấy rất hồi hộp, không tả được. Dân tộc mình đang bị Cộng Sản gò bó đủ thứ, bắt người đấu tranh như nhạc sĩ Việt Khang. Nên buổi gặp gỡ hôm nay là dịp để chúng ta nói lên tiếng nói của người Việt Nam.”
“Nếu được gặp tổng thống hôm nay, tôi sẽ nói: ‘Thưa tổng thống, ông là đại diện của nước Mỹ, xin hãy nhìn vào Việt Nam. Ðừng để Việt Nam bị giống như Syria hiện nay, gây đau thương tang tóc cho người dân,'” ông Ðông nói tiếp.
Ông cho biết, trước khi đến Washington, DC, ông sắm một bộ quần áo complet mới, mua giày mới.
Ông chia sẻ: “Ðây là lần thứ nhì từ ngày qua Mỹ tôi sắm đồ mới. Lần trước là đám cưới con trai. Lần này là vào Tòa Bạch Ốc.”
Linh Mục Ðinh Xuân Long, chánh xứ nhà thờ St. Joseph of the Hills, Eden, tiểu bang North Carolina, nói với hơn 130,000 chữ ký, thỉnh nguyện thư này là một áp lực rất lớn đối với chính quyền Mỹ và muốn nhân dịp này nói lên vấn đề tự do tôn giáo tại quê nhà.
“Về mặt nổi, Việt Nam cho xây nhiều nhà thờ, cho tu sĩ xuất ngoại, làm cho có vẻ như có tự do tôn giáo, về mặt chìm, chính quyền thật sự kiểm soát bên trong. Tu sinh vẫn bị xét duyệt, thụ phong và thuyên chuyển linh mục phải có sự đồng ý của chính quyền và cuối cùng là họ cử cán bộ theo dõi các giám mục, gây chia rẽ trong hàng giáo phẩm,” Linh Mục Long nói tiếp.
Chị Trinh Nguyễn, cư dân Nashville, tiểu bang Tennessee, cũng được mời vào Tòa Bạch Ốc, nói chị muốn Việt Nam có bình đẳng cho con người, thả tù chính trị.
“Tôi là người ủng hộ ông Obama. Tôi sẽ nói thẳng đề nghị ông nhìn lại Việt Nam, một nơi rất cần có nhân quyền cho mọi người. Trước khi làm ăn với Mỹ, Việt Nam phải có nhân quyền trước,” chị Trinh nói.
Trong khi đó, bên ngoài Tòa Bạch Ốc, dù thời tiết giá lạnh, có lúc tuyết rơi lác đác, hàng trăm đồng hương thuộc các cộng đồng Việt Nam khắp nơi có mặt để biểu dương sự ủng hộ đối với thỉnh nguyện thư, do đài truyền hình SBTN phát động từ hôm 8 Tháng Hai đến nay.
Cụ Vũ Văn Phiên, 90 tuổi, sống ở Lake Mary, tiểu bang Florida, được mọi người trước Tòa Bạch Ốc chú ý vì là người lớn tuổi nhất trong những người có mặt.
Khi được hỏi vì sao đến Washington, DC, cụ vui vẻ nói: “Ðây là trách nhiệm của một người mang dòng máu tiên rồng, trước tổ quốc dân tộc. Ðối với tôi, bản thân là xong rồi, gia đình cũng xong rồi, giờ lo được cho đất nước cái gì thì lo. Nếu được gặp Obama, tôi sẽ nói với ông rằng con người còn đau khổ, nhất là ở Việt Nam, ông là người quyền lực nhất thế giới, ông phải làm điều gì đó.”
Cho tới sáng ngày Thứ Hai, thỉnh nguyện thư đã có hơn 130,000 chữ ký. Theo quy định của Tòa Bạch Ốc, trong vòng một tháng, nếu thỉnh nguyện thư đạt được 25,000 chữ ký, giới chức khối Hành pháp sẽ tiếp xúc với đại diện những người ký tên. Sau khi chiến dịch được đưa ra bốn ngày, thỉnh nguyện thư đã có hơn 25,000 người ký vào.
Hiện nay, đài truyền hình SBTN và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ kêu gọi mọi người tiếp tục ký thỉnh nguyện thư để có thể có con số cao nhất, hầu tạo sự chú ý cho chính giới Hoa Kỳ. Cuộc vận động ký thỉnh nguyện thư sẽ chấm dứt vào ngày 8 Tháng Ba tới đây.
Ngày hôm sau, Thứ Ba, theo dự trù, hàng trăm đồng hương Việt Nam được chia ra làm nhiều toán sẽ đến văn phòng các vị dân cử ở Quốc Hội tiếp tục vận động nhân quyền cho Việt Nam, qua chiến dịch ký thỉnh nguyện thư đang diễn ra.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt vận động Quốc hội Mỹ về tình trạng nhân quyền tại Việt nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét