Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Thắng cuộc chiến tranh, mà chưa thắng Mỹ trận nào


John McCain for The Wall Street Journal - Việt-Long dịch thuật 

2013-10-07


mccain-75
John McCain III, phi công chiến đấu của hạm đội 7, 1965
Document photo
Thượng Nghị Sĩ John McCain là con trai của Đô đốc John McCain Jr., Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Ông là John McCain III, phi công chiến đấu của hạm đội 7, bị bắn rơi trên trời Hà Nội vào tháng 10 năm 1967, trải qua tù ngục, tra tấn, bệnh hoạn gần chết trong thời gian bị giam cầm làm tù binh chiến tranh tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Ông gặp tướng Võ Nguyên Giáp hai lần. Lần đầu tại một bệnh viện quân đội nơi ông được đưa tới điều trị sau khi bị bắn rơi (trước bị đưa vào tù). Thân phụ của ông là Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương nên nhiều nhân vật cao cấp của Việt Nam chú ý và đến xem ông, bên cạnh những lính gác đông đảo và các nhân viên thẩm vấn làm việc hằng ngày. Người mà ông nhận ra duy nhất là tướng Giáp, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Giáp chỉ nhìn ông, không nói gì, rồi rời đi sau chốc lát.
Lần thứ nhì ông McCain gặp ông Giáp là trong thập niên 1990, thời gian ông lui tới Việt Nam thảo luận vấn đề POW-MIA và tái lâp quan hệ ngoại giao song phương. Ông yêu cầu bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và thứ trưởng Lê Mai dàn xếp cho ông một cuộc phỏng vấn ngắn ngủi với nhân vật mà ông gọi là vị tướng huyền thoại, Tư lệnh quân đội nhân dân Bắc Việt. Hôm sau ông được đưa vào phòng khánh tiết Bắc bộ phủ, nơi tương Giáp tiếp đón ông nồng nhiệt. Ông mô tả tướng Giáp lúc đó người nhỏ nhắn, tươi cười, có tuổi nhưng nhanh nhẹn, mặc bộ veston màu xám thắt cra-vát, trông không giống như tăm tiếng được biết đến trong thời chiến như một chiến sĩ hung hãn và nóng tính.  Hai người vỗ vai nhau giống như những chiến hữu cũ gặp lại nhau hơn là những cựu thù.

general-giap
Tướng Võ Nguyên Giáp, khoảng thập niên 1960
- Photo courtesy cafebiz.com
Ông McCain đã hy vọng sẽ hỏi tướng Giáp về vai trò lịch sử của ông Giáp, vì từ khi về Mỹ năm 1973 ông đã đọc tất cả mọi sách vở có thể tìm được về chiến tranh Việt Pháp và Việt Mỹ, khởi đầu với cuốn  "Địa ngục chật chội" của ký giả Bernard Shaw viết về trận Điện Biên Phủ, biến cố quân sự đất dấu chấm hết cho chế độ thuộc địa của Pháp và làm lộ ra thiên tài của ông Giáp khiến thế giới sửng sốt.
Ông muốn nghe ông Giáp mô tả lại trận đánh gần hai tháng đó, giải thích làm cách nào đem được đại pháo xuyên núi cao vào chế ngự thung lũng Điện Biên khiến người Pháp kinh ngạc, cùng với một kỳ công khác là công cuộc tiếp vận qua đường mòn Hồ Chí Minh.  Ông McCain nói ông biết tướng Giáp tự hào với danh tiếng "Napoleon Đỏ" và đoán rằng ông Giáp sẽ vui lòng đáp ứng cơ hội thỏa mãn óc tò mò của ông McCain về chiến công của mình. Ông muốn hai người cư xử với nhau như hai sĩ quan cựu thù đã hưu trí, nhắc lại những sự kiện lịch sử mà trong đó ông Giáp đóng một vai trò chủ chốt, còn ông McCain chỉ có vai trò nhỏ bé.
Nhưng vị nghị sĩ Hoa Kỳ đã thất vọng khi tướng Giáp chỉ trả lời những câu hỏi của ông rất vắn tắt, nói thêm chút ít vào những điều ông đã biết, rồi vẫy tay tỏ vẻ không thích thú. Ông Giáp nói "Đó đã hoàn toàn là chuyện quá khứ, ông với tôi nên thảo luận một tương lai ở nơi đó hai nước chúng ta không là thù mà là bạn."  Thế là câu chuyện trở thành cuộc thảo luận giữa hai nhà chính trị, là đề tài đã đưa ông McCain đến Việt Nam.


Nghị sĩ McCain cho rằng tướng Giáp là bậc thầy về tiếp vận, hay "hậu cần", nhưng danh tiếng của ông vang xa hơn thế. Những chiến thắng của ông là nhờ chiến lược kiên trì mà ông Giáp và ông Hồ Chí Minh tin là sẽ thành công - với quyết tâm không lay chuyển khi hứng chịu những tổn thất khổng lồ và cả một đất nước gần như bị hủy diệt để chiến thắng mọi kẻ thù dù hùng mạnh đến đâu.
Ông Hồ từng nói với người Pháp "Các ông giết 10 người chúng tôi, chúng tôi chỉ giết 1 người các ông, nhưng rốt cuộc các ông sẽ chán nản bỏ cuộc trước". Tướng Giáp thi hành chiến lược đó với một nghị lực cứng rắn. Quân Pháp đẩy lui hết đợt tấn công trực diện này đến đợt khác ở Điện Biên Phủ. Trân công kích Tết 1968 là thảm họa quân sự tiêu diệt hết đạo quân Việt Cộng. Nhưng tướng Giáp kiên quyết, và rốt cuộc thắng thế.
Người Mỹ không hề thua một trận chiến nào trước quân Bắc  Việt, nhưng thua cả cuộc chiến. Khi thắng được cuộc chiến tranh là một nước chiến thắng, không phải quân đội của nước đó thắng. Ông Giáp hiểu điều đó.Hoa Kỳ không hiểu. Nước Mỹ chán ghét mệt mỏi vì cảnh chết chóc và bắn giết trước khi người Việt Nam bỏ cuộc. Khó lòng biện giải cho đạo nghĩa của chiến lược ấy. Nhưng chúng ta không thể chối bỏ sự thành công của nó, nghị sĩ McCain viết.
Gần cuối cuộc hội kiến, ông McCain lại cố trắc nghiệm tính chân thật của ông Giáp. Ông hỏi có đúng là ông Giáp đã phản đối cuộc xâm lăng Campuchia không. Ông Giáp bác bỏ điều đó bằng cách nói theo kiểu "Mọi quyết định của đảng đều luôn luôn đúng"
Cuộc gặp gỡ kết thúc với câu trả lời đó. Hai người bắt tay, và đúng lúc ông McCain quay bước, tướng Giáp nắm cánh tay ông, và nói nhẹ nhàng :"Ông đã là một kẻ địch đầy danh dự"
Nghị sĩ McCain kết luận, ông không biết tướng Giáp nói điều đó để so sánh Hoa Kỳ với những kẻ thù nghịch khác, Trung Quốc, Nhật Bản, hay người Pháp, là kẻ thù đã giết vợ ông, hay câu nói ngụ ý nhìn nhận người Mỹ đã chiến đấu vì lý tưởng hơn là vì đế quốc, và tinh thần nhân đạo cũng góp phần vào cuộc chiến bại.
Hay có thể ông Giáp chỉ muốn chiều lòng vị khách? Nhưng dù tướng Giáp có ý thế nào, nghị sĩ McCain cũng tán thưởng cảm nghĩ ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét