Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

NẤM ĐẤT LẠ

NẤM ĐẤT LẠ
Tác giả:Trần Mộng Hằng 21-7-2012

Sau nhiều lần bị delay cuối cùng tôi cũng rời khỏi căn cứ Long Bình trên chiếc máy bay Chinook. Nếu trước đây một tuần có ai đó nói với tôi rằng đến Bình Long phải đi từ căn cứ này chắc chắn tôi sẽ không tin.
Còn nhớ ngày lên chọn đơn vị khi tôi nhìn thấy dòng chữ Tiểu khu Bình Long trong người cứ thấy nôn nao, thấy chưa có ai chọn tôi mừng muốn reo lên. Ra trường ngày 25-12-1973 cho đến khi đi trình diện đơn vị tôi chỉ lo “ăn chơi nhảy múa!”. Rất nhiều lúc tôi còn nghĩ: “Không hiểu sao tụi nó ngu quá! BL gần xịch, hơn trăm cây số mà không thấy thằng nào chọn? Xe đò vù một phát là tới ngay, tha hồ mà về” …

10 ngày phép trôi qua rất nhanh và chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày trình diện. Tôi háo hức chuẩn bị mọi thứ để lên đường. Khi biết không thể đi bằng xe đò hay phương tiện đường bộ nào khác để đến Bình Long tôi cũng thấy buồn nhưng cái tính lạc quan giúp tôi lấy lại được cân bằng “Trời sinh voi sinh cỏ!” vả lại hai ông anh của tôi, một người là pilot lái máy bay phantom F- 4 người kia là sĩ quan tiền sát pháo binh từ những năm 67 mà có hề hấn gì đâu.
Chiếc Chinook CH- 47 hai lần định đáp xuống sân bay lộ thiên trên quốc lộ 13 nhưng không thành công vì cứ mỗi lần máy bay xuống thấp chuẩn bị hạ cánh là địch quân lại pháo kích mù trời. Sau đó máy bay phải quay về lại căn cứ Long Bình. Hai ngày sau vào lúc giữa trưa chiếc Chinook đang bay là đà trên mặt quốc lộ trong tiếng đạn bộc phá của cả hai bên. Sân bay dã chiến là con đường da beo chứa đầy những hố lớn nhỏ chạy dọc theo quốc lộ 13 nằm ở địa danh Xa Cát.
Máy bay không tiếp đất mà chỉ bay dọc theo đường quốc lộ. Chúng tôi cùng hướng ra cửa sau chuẩn bị tiếp đất. Chiếc Chinook cửa sau mở trống hoác trong lúc bay khiến những người bên trong phải dùng cả tay và chân đeo bám các sợi dây dù ở hai bên thành máy bay để không bị rơi ra ngoài.
Trong tiếng đạn rền vang như muốn xé rách màng nhĩ, tôi nghe có tiếng người lao xao: “nhảy xuống! nhảy xuống! …” Tôi di chuyển ra gần mép máy bay nhưng hơi chần chừ vì thấy khoảng cách từ máy bay xuống đất còn hơn một mét thì bỗng dưng bị ai đó xô mạnh về phía trước (?!) …
Cái ba lô đựng đầy bánh kẹo đồ hộp và túi hành lý cỡ lớn, còn có cả cây đàn guitar của tôi văng xa mỗi nơi một cái còn tôi thì choáng váng vì bị té úp mặt xuống đường, may mà được cái nón sắt thế mạng.
Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tôi lại nghe nhiều tiếng la: … xuống giao thông hào ngay!!!” … !!!??? … Tay nắm ba lô, tay kia nắm đàn vừa lôi tôi vừa bò loằng ngoằng đến giao thông hào nằm sát vệ đường. Tiếng súng đạn tiếng mìn bộc phá càng lúc càng dồn dập. Một ai đó đã giúp tôi lấy lại hành lý của mình. …
Khi bóng dáng chiếc Chinook mờ dần ở chân trời cũng là lúc tiếng đạn pháo thưa thớt rồi im bặt. Bầu trời phủ bụi đỏ au khói đen khét lẹt. Mùi thuốc súng tỏa ra tràn ngập không gian. Tôi và những người vừa đến nằm bẹp dí dưới giao thông hào chịu trận cơn giận dữ của lửa đạn. Thời gian nặng nề trôi qua, ý thức về thời gian không còn tồn tại.
Sau này nghĩ lại tôi thấm thía và thán phục cho cái người đã nghĩ ra cái trò đánh phủ đầu tân khóa sinh trong ngày đầu tiên trình diện quân trường Thủ Đức là phải chào Vũ đình trường. Ít ra thì tôi cũng đã trải qua cái không khí hừng hực tương tự như vậy.
Tôi đi trên con đường nhựa lỗ chỗ hố bom hai bên có giao thông hào và concertina chạy dài như vô tận về phía Tiểu khu. Trên đường có ai đó nói vài câu bâng quơ với tôi “Gặp pháo thì xuống giao thông hào”. Đường từ Xa Cát đến Tiểu khu nơi tôi trình diện phòng Tổng quản trị dài khoảng 4 km. Đi dưới cái hừng hực của nắng nóng và đạn pháo tỏa ra trong không gian. Bụi đỏ mù mịt khắp nơi- Những giọt mồ hôi vừa rơi xuống đất đã vón cục. Tôi đâu hay rằng được đi lại trên đường như một con người bình thường là thứ hạnh phúc mà về sau tôi không mấy khi được hưởng.
Tôi đã chứng kiến một thành phố điêu tàn đổ nát, hít thở cái mùi tử khí lãng đãng trong không khí. Cơ sở vật chất nhà cửa ở nơi này phần lớn đã biến mất cùng với chủ nhân của nó. Thị xã An Lộc có đến 3.000 người dân thiệt mạng, chưa kể đến số thương vong về nhân mạng của những người lính của cả hai bên. Những gì còn sót lại trông thật bàng hoàng, …
Tôi đứng lặng lẽ trước ngôi mộ tập thể của những người lính Biệt kích dù, ngắm nhìn dòng chữ màu máu chạy ngang bờ thành nghĩa trang: “An lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt cách dù vị quốc vong thân” và tôi đứng bất động trước ngôi mộ tập thể của những người lính Biệt động quân, ĐPQ chết trận ở Bình Long, thấy buồn tủi khi đọc dòng chữ: “Nấm đất lạ chôn thây thân bách chiến, máu anh hùng nhuộm đỏ lá cờ nam”. Mấy mươi năm qua rồi! Còn ai nhớ đến họ ngoài gia đình? …
Nhiều thế hệ HT sau khi ra trường đã tình nguyện đến An Lộc- Bình Long. Hai khóa anh em 3-4/73 có số người tình nguyện mà tôi biết là 9 người, con số thật có thể còn phải kiểm chứng. Những người còn sống hiện nay gồm: Nguyễn ngọc Đỉnh (Úc châu), Ngô hữu Đức,Trần minh Thung & Lê công Tỵ (Mỹ), Nguyễn văn Ngọc & Trần mộng Hằng (VN). Hai người chết trận đều của khóa 4/73 là Đặng Tài ĐĐ 15 chết năm 74, Lưu văn Thương ĐĐ 16 chết tháng 4-75 trên đường di tản từ An Lộc về Bình Dương.
Tôi được HT Trần minh Thung bổ sung thêm tên HT Ngô hữu Đức USA, từ HT Đức tôi lại biết thêm 3 HT ở Bình Long là HT Trần quốc Hùng 2/164 hiện đang ở Georgia USA, HT Nguyễn thanh Xuân 2/163 gốc ở Gò Công và HT Trần văn Long 2/154 (hậu cứ TK Bình Long) nhà ở Khánh Hội. HT Lưu văn Thương (tử trận) trước là trung đội trưởng- trung đội trinh sát tiểu khu Bình long. Các bạn gần xa khi đọc được bài viết này mà có biết điều gì mới hãy thông tin cho tôi. Xin thành thật cám ơn.
CUỘC DI TẢN BUỒN
“ Trời mưa lất phất dưới ánh trăng mờ tối, trên đường di tản từ Chơn Thành về Lai Khê, khi đi ngang qua bãi trực thăng đáp, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, các thi thể chưa kịp chôn cất nằm co quắp trên mặt đất, tiếng kêu khóc vang lên khắp nơi, khung cảnh thật là thê lương.
Những người lính của đủ binh chủng nằm rải rác trên bãi đất trống, có người đang hấp hối, cạnh đó là những người còn sống sót nhưng thương tích rất nặng hay chưa nặng lắm nhưng không thể tự mình di chuyển được, họ nghĩ rằng trước sau gì cũng chết vì những người đi ngang qua không ai có thể mang họ đi theo được. Họ van xin: bắn tui đi!, giết tui đi!, … Lòng nghẹn ngào, tôi cứ cúi mặt xuống đất mà đi, hai hàng nước mắt tuôn rơi không ngừng. …
Sáng hôm sau khi vô tới rừng thì đụng địch, lính Biệt động quân đi trước và toán ĐPQ đi sau dồn cục lại. Tình thế lúc đó hỗn loạn và phức tạp. Rừng thì rậm nên đoàn quân bị phân tán không kiểm soát được. VC từ chốt bên dưới bắn lên xối xả. Tôi được lệnh dẫn quân lên đối đầu, nhắm thẳng hướng địch tôi hô xung phong! Lính vừa ào lên thì TĐT 294 là đại úy Long ngăn lại không cho bắn và lệnh di chuyển sang hướng khác (?!) Lúc ấy, theo đánh giá của tôi thì phía bên phải không có địch nhưng đang bị pháo kích dữ dội, phía bên trái đi về hướng Phú Giáo im ắng không có địch nhưng hướng này phải đi qua một con sông và nhiều chướng ngại vật và nhất là ngang qua nhiều chiến khu của VC nên đi hướng đó rất là nguy hiểm,còn hướng trước mặt chỉ có cái chốt bé xíu, quân mình đông hơn chỉ cần tràn lên, …
Tôi cố thuyết phục đại úy Long nhưng không được, và trong tình thế hỗn loạn ấy ông ta dẫn quân đi về hướng đông tức là hướng Phú Giáo. Tôi không đi theo ông mà đi về hướng tây cùng với những người lính của mình, trước khi đi tôi nói với họ: “tao đi đâu tụi bay theo đó!”, trên đường đi về hướng tây có một số lính nữa nhập vào toán quân, rồi tôi gặp thằng Ngọc (chuẩn úy Nguyễn văn Ngọc 3/73) đang lang thang trong rừng. Tôi nói: “mày theo tao luôn đi!”…
Toán quân lúc này được khoảng 20 người. Đi được một lúc thì gặp pháo kích dữ dội phải nằm lại, chờ tới chiều tối chúng tôi chuyển sang hướng nam đi về hướng Lai Khê.
Gần tới Lai Khê, đang lúc di chuyển tới một con đường đất đỏ thì gặp địch, cách 2, 3 mét mình trông thấy nó nhưng nó không thấy mình: Khoảng 3 tên nhưng không rõ phía sau còn bao nhiêu tên? Tôi ém quân lại, chờ chúng đi qua rồi mới ngoắc cho từng người một băng qua đường. Khi toán quân còn khoảng 2, 3 người thì chúng nghe tiếng động nên quay lại bắn. Tôi là người chạy sau cùng và trong lúc chạy tôi bị vấp té, cũng may là ở bên này con đường cỏ tranh mọc dày và cao hơn đầu người nên tôi chui vào ẩn núp để tránh sự truy sát của chúng .
Tôi chạy mải miết đến một cánh đồng trống mới biết mình đã bị lạc, tôi đánh bạo hú lên nhưng không nghe tiếng ai đáp lại và lúc này tôi chỉ còn có một mình. Đi một lúc tôi gặp một người lính của đơn vị khác và cả 2 cùng đi tiếp.
Sau 3, 4 ngày băng rừng kể từ khi xuất phát, tôi đã về tới Lai Khê. Gặp lại nhau, những người lính của tôi rất mừng vì họ tưởng tôi đã chết, nhưng tôi không gặp lại Ngọc. Ở Lai Khê một thời gian, đơn vị của tôi di chuyển về Long Khánh thì gặp lại Ngọc. Tôi ở đây cho đến ngày tan hàng”.
LỜI TỰ SỰ CỦA HT LÊ CÔNG TỴ- ÂN TÌNH KHÔNG PHAI
Chọn TK Bình Long, con đường binh nghiệp của Lê công Tỵ 3/73 từ một chuẩn úy mới ra trường cho đến khi nắm giữ chức vụ trung đội trưởng trinh sát, đến trưởng ban 2 tiểu đoàn là một thách thức mà tự thân anh vượt qua. Một ngày kia, sĩ quan đóng chốt bị VC bắn chết, TĐT lệnh cho đại đội đưa sĩ quan khác xuống thay thế không để mất chốt. Chuẩn úy mới ra trường Lê công Tỵ nhận lệnh dẫn lính đi tăng viện cho chốt. Đó là lần đầu tiên Tỵ mang các bài học về chiến thuật học được trong trường áp dụng vào thực tế. Lần đầu cảm nhận được chiến tranh không qua phim ảnh và cái chết của những đồng đội càng làm Tỵ quyết tâm hơn. …
Tỵ về tiểu đoàn 364 được một thời gian thì sĩ quan trưởng ban 2 thuyên chuyển sang đơn vị khác, chức vụ trưởng ban 2 để trống. Vị TĐT, thiếu tá Đặng văn Quang, người rất thích sử dụng những sĩ quan trẻ và có lẽ ông cũng đã nhìn thấy trước tiềm năng của Tỵ đã cho điều anh lên. Tỵ nhận được lệnh tuyển chọn vài lính trinh sát ở ban 2 rồi dẫn họ qua vùng VC thu lượm tin tức. Thị xã An Lộc khi ấy diện tích chỉ còn trên dưới 10 km tính theo chiều dọc quốc lộ, chiều ngang thì bao la nhưng chung quanh chỗ nào cũng bị địch phong tỏa. Tuyến đầu có khoảng cách chỉ từ vài chục đến trăm mét, có nơi khoảng cách chỉ chừng 20 mét hay cách nhau một con suối, …
Lần thu lượm tin tức đầu tiên có được chiến lợi phẩm mang về từ vùng địch là một quả mìn TH-10 nặng khoảng 10 kg còn nguyên kíp nổ bên cạnh chỗ ẩn nấp mà toán trinh sát khi trông thấy VC đã nằm xuống núp. Lần đó Tỵ và đồng đội còn đi sâu vào đất địch 1, 2 cây số mới quay trở về.
Sau nhiều lần thử thách, vị tiểu đoàn trưởng điều Tỵ lên và thật bất ngờ ông cho Tỵ được phép chọn 1 trong 2 chức vụ đại đội phó hoặc trưởng ban 2. Tỵ xin nhận ban 2.
Chốt C luôn bị địch tấn công, những sĩ quan và binh lính thường chỉ giữ được chốt trong một thời gian ngắn, nếu không thương tật thì cũng chết. Trong tình hình đó chỉ huy đã điều Tỵ đến trấn giữ chốt C. Không hiểu sao trưởng ban 2 của một TĐ lại phải đi giữ chốt? “Thi hành trước khiếu nại sau!”. Đó là quân lệnh!
Và ai mà biết được! … Đến chốt C chẳng bao lâu Tỵ chẳng những xoay chuyển được tình thế mà còn là người thay đổi qui luật bất thành văn ở đây: “Trước giờ, quân ta chỉ có phòng thủ còn địch thì tiến công lấn chiếm!”. …
Về chốt vào buổi chiều thì sáng hôm sau Tỵ ngụy trang rồi leo lên cây cao su cao nhất từ lúc trời còn mờ tối cho đến khi trời sáng để quan sát phòng tuyến của địch. Hai bên phòng tuyến rất gần thậm chí chỉ cách nhau 4, 5 lô cao su tức là khoảng 20 mét. Trước mặt và hai bên hông đều có chốt của địch, giao thông hào của chúng đào từ đông sang tây và sâu lút đầu, có đường cắt ngang để rẽ vào các chốt.
Tỵ đề- lô cho pháo binh đánh phá và ngay lần đầu tiên đã cô lập được một chốt gần nhất chỉ cách phòng tuyến của Tỵ có 20 mét. Ngày hôm sau vào lúc tờ mờ sáng Tỵ cùng vài lính của mình đột nhập sang phòng tuyến của địch để quan sát căn hầm bị trúng pháo và thăm dò trận tuyến của địch. Từ thế bị động ta chuyển sang tấn công, liên tục quấy nhiễu, điều mà trước nay chưa ai làm. Tỵ đã khiến địch quân bối rối rồi sợ hãi, từ tấn công lấn chiếm chúng chuyển sang phòng thủ. Vì thế đơn vị của Tỵ đóng ở chốt C một thời gian dài cho tới lúc chuyển sang địa bàn khác mà không một người lính nào chết hay bị thương.
Nguyễn văn Ngọc 3/73 tình nguyện lên Bình Long và về đại đội biệt lập 3/255. Được ít lâu thì ra nắm giữ chốt C. Thời gian trấn giữ chốt C tưởng chừng rất dài vì không ngày nào Ngọc và lính của mình được yên ổn, ngày nào cũng có đánh nhau, tuần nào cũng có người bị thương hay chết nhưng rồi chuẩn úy Ngọc cũng đã dần quen thuộc với địa hình ở chốt, biết cách phòng thủ để chống lại sự tấn công của địch, …
ĐĐT thường hoán chuyển sĩ quan ở các chốt mỗi tháng một lần và thời gian một tháng đã hết, người đến thay thế cho Ngọc là thiếu úy Hùng, một HT khóa 8/72, HT này đã có trong tay sự vụ lệnh thuyên chuyển đến đơn vị khác.
Sau này, thiếu úy ĐĐT Phạm lan Chi nhớ lại ông nhận được điện của Ngọc đề nghị tìm người khác thay thiếu úy Hùng, nếu không Ngọc tình nguyện ở lại để Hùng được đi đơn vị mới. Và Ngọc đã giữ lời hứa tình nguyện ở lại, sau đó bị thương trong trận địa pháo của địch.
THAY CHO LỜI KẾT
Vào một buổi chiều tối, bên ly cà phê, bất ngờ anh bạn Phạm lan Chi lôi từ ví ra đưa cho tôi xem một tờ giấy cỡ bằng bàn tay. Nó đã úa màu thời gian nhưng vẫn còn phẳng phiu vì được gìn giữ cẩn thận. Đó là bản Báo cáo tổn thất.
Tờ giấy có hai mặt.
Mặt trước ghi: Tổn thất vì chiến trận / Nguyễn văn Ngọc số quân 74/144.085, cấp bậc chuẩn úy, đại đội TC3/255/ĐPQ. Ngày giờ tai nạn: 24-5-1974, địa điểm tai nạn: Đức Vinh 1, XT 754-808 / Di tản: Có / Bệnh viện TK- BL / Mẫu 30. 07. 66 / QĐ- 831.
Mặt sau ghi: Nhân chứng đã thấy tai nạn: Nguyễn văn Bình số quân 55/529069, cấp bậc: B/1, ĐĐ 255. Cước chú: Lúc 8H30 đêm 24/5/74 VC pháo kích và tấn công vào vị trí đóng quân của ta gây cho đương sự bị thương nặng bên chân phải. Xác nhận của chỉ huy trực tiếp: Phạm lan Chi, số quân 72/140.440, cấp bậc thiếu úy. Người thiết lập báo cáo: Nguyễn văn Ly, số quân 54/513.875, cấp bậc hạ sĩ, đơn vị ĐĐ 3/255, ngày 24-5-1974.
Ngày từ bệnh xá trở về đơn vị, Nguyễn văn Ngọc trả lại tờ giấy chuyển viện cho chỉ huy xem như không có chuyện gì xảy ra. Và người chỉ huy vì cảm động đã mang theo nó trong suốt cuộc chiến và cho mãi đến bây giờ. Đó là một chiến công đẹp của người lính, của những chiến binh quả cảm hi sinh bản thân dấn bước vào chốn hiểm nguy không lời phàn nàn oán trách. HT thiếu úy Nguyễn bá Hùng 8/72, người được Ngọc thế chỗ sau đó thuyên chuyển về tiểu khu Gia Định, trấn giữ cây xăng Nhà bè.
Bị đi cải tạo 6 năm 4 tháng, qua các trại tập trung Suối máu, Phú quốc, Trảng lớn, Đồng bang, Phước Long rồi trở về Suối máu. Trại cuối cùng là ở Xuyên mộc, Đồng nai. Năm 82 Lê công Tỵ được trở về nhà, đến năm 84 cưới vợ và năm 94 đi Mỹ. Bây giờ sống hạnh phúc cùng gia đình ở Texas. Các con đã lớn và thành đạt. Tỵ luôn hướng sự chú ý về quê nhà, muốn chia sẻ may mắn của mình với các đồng đội xưa, nhất là các TPB.
* Thời gian có thể giúp chúng ta quên đi nhiều thứ. Riêng đối với chuẩn úy Nguyễn văn Ngọc người từng hồn nhiên chia sẻ cuộc sống của mình cho người khác mà không hề nghĩ đến chuyện được đáp đền thì lại canh cánh trong lòng một thầm kín đã mấy mươi năm. … Tôi muốn dùng câu Ân tình không phai! thay cho lời cám ơn muộn màng của Ngọc gởi đến đồng đội Lê công Tỵ 3/73. Không có Tỵ chưa biết giờ này Ngọc ở đâu, hay có khi không còn tồn tại trên cõi đời này.
Theo hồi ức của Ngọc, một quân nhân đã được Tỵ hai lần dẫn dắt trên đường di tản. Ngọc là một chiến binh hoạt động trên tuyến đầu. Đã để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường nhưng người chiến binh ấy khi băng rừng lại cần một người như Tỵ, … Mặc cho Tỵ muốn nghĩ như thế nào, Ngọc cứ khẳng khái: Tao mang ơn nó 2 lần cứu mạng! … Phải rồi! Ân tình thì không bao giờ phai.
Thân tặng các đồng đội và đặc biệt tặng cho những người con của BL
Saigon ngày 21-7-2012
Hiệu chỉnh ngày 23-11-2013
Trần Mộng Hằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét