Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

vũ khí biển mới của Nga, Trung, Ấn

Công nghệ tên lửa chống hạm và ngư lôi của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... tiến triển khiến Mỹ và phương Tây lo ngại, dù đã có một số giải pháp đối phó.

Tên lửa siêu âm diệt hạm

Ngày 10/6, tờ The Economist đăng bài báo “Công nghệ tên lửa: Nguy hiểm trên biển cả” (Missile Technology: Peril on the sea) phân tích khả năng bảo vệ hạm tàu trước tên lửa chống hạm siêu âm, tên lửa đường đạn chống hạm và ngư lôi cao tốc.

Trong bài viết có đoạn: "Các tên lửa chống hạm siêu âm do Nga phát triển và sản xuất có tên gọi Club. Các tên lửa này có tầm bắn lớn hơn bất kỳ loại tên lửa chống hạm phương Tây nào. Trong hệ thống định danh của NATO, tên lửa này có tên SS-N-27 Sizzler.

Ở một số biến thể, trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa lên tới 450 kg, tầm bắn đến 300 km. Tên lửa có thể thực hành các thao tác cơ động phòng vệ, thậm chí có thể bay vòng tránh các mục tiêu, còn một số model có thể chơi trò ú tim chết người với đối phương - phần chiến đấu tách khỏi tên lửa khi cách mục tiêu mấy chục km và bay với tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh khoảng 3 lần".


Các tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M54E (trên) và 3M54E1 Club.

Phó đô đốc Hải quân Mỹ Tim Keating tại một phiên họp của Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ đầu năm 2009 đã tuyên bố, nước Mỹ không có khả năng đối phó với các tên lửa như vậy, bởi lẽ quân đội không đủ tiền để chế tạo một loại tên lửa bia phù hợp để thử nghiệm các hệ thống phòng thủ tên lửa chống hạm siêu âm. Hiện nay, loại bia mô phỏng tên lửa Club đang ở giai đoạn phát triển.

Trưởng nhóm nghiên cứu sự phát triển hải quân Dan McNamara nói, để đối phó với các mục tiêu đó, cần phải chế tạo loại bia bay siêu âm nhiều tầng, điều đó sẽ hỗ trợ cho việc phát triển hệ thống tiêu diệt các tên lửa “có tính cách mạng” Sizzler. Loại tên lửa bia đó sẽ sẵn sàng vào năm 2014.

Sizzler là ví dụ nổi bật cho sự phát triển của các tên lửa hành trình siêu âm không phải của phương Tây. Các tên lửa này và cả các đối thủ cạnh tranh của nó có thể phóng từ tàu ngầm, máy bay và bệ phóng cơ động trên bờ.

Tên lửa Yakhont có tốc độ nhỏ hơn, nhưng cũng có khả năng đưa tới mục tiêu một phần chiến đấu hạng nặng, đã được xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Indonesia và Việt Nam. Loại tên lửa liên doanh BrahMos của Nga - Ấn Độ về hiệu quả còn gần với Club hơn nữa.


Tên lửa Yakhont và biến thể Brahmos của nó.

Những tên lửa siêu âm không phải của phương Tây này đang làm thay đổi tư duy trong lĩnh vực bảo đảm chống tên lửa cho hạm tàu. Theo chuyên gia tên lửa của Nhóm tư vấn Teal Group là Steve Zaloga, Trung Quốc và Ấn Độ hiện đã có trong trang bị tên lửa Club, trong số các quốc gia đã tỏ ra quan tâm hoặc đã mua chúng có Algeria, Syria, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng, Iran có lẽ cũng có Club.

Đặc biệt đáng quan ngại là các kế hoạch trang bị những tên lửa này cho tàu thuyền dân sự. Công ty Mosinformsystem-AGAT của Nga đưa ra sáng kiến giấu trên các tàu thuyền dân sự các bệ phóng mang 4 tên lửa đặt trong các container chở hàng thương mại. Hệ thống tên lửa trong container Club-K có thể tạo ra tiềm lực nguy hiểm cho hải quân các quốc gia ‘cứng đầu’, một chuyên gia tư vấn thị trường vũ khí phương Tây đã đi thăm các cơ sở của nhà máy sản xuất Club-K ở Nga cho biết.

Khả năng phóng tên lửa Club-K từ các tàu chở container dân sự khiến Mỹ và Phương Tây thực sự hoang mang.

Đối phó với tình hình này, các hệ thống phòng thủ tên lửa cũng phát triển. Công ty quốc phòng Sofradr (Pháp) chuyên phát triển các hệ thống thăm dò từ xa, có kế hoạch trong năm này bắt đầu phát triển hệ thống phát hiện tên lửa “đa kênh” (các biến thể đầu của hệ thống này đang được thử nghiệm phục vụ lợi ích các khách hàng tiềm năng).

Bản chất của hệ thống này là hợp nhất các sensor radar, hồng ngoại và quang học thành một tổ hợp phát hiện. Phần mềm cho phép so sánh dữ liệu của một kênh với thông tin từ các sensor khác. Phương pháp thăm dò đó sẽ tạo thuận lợi cho việc phát hiện tên lửa, nhất là khi tên lửa chống hạm đang lấy độ cao để xác định vị trí của mục tiêu.

Nhưng vẫn còn những vấn đề bảo vệ chống ngư lôi, điều được thể hiện rõ rệt bởi vụ tàu corvette Cheonan của Hàn Quốc bị đánh đắm, được cho là bởi một tàu ngầm siêu nhỏ của Bắc Triều Tiên hoạt động ở vùng nước nông khiến cho sonar khó phát hiện ra. Dư luận cho rằng, Bắc Triều Tiên đã cung cấp những tàu ngầm như vậy cho Iran.

Ngư lôi “bong bóng’

Ngư lôi có thể đánh lừa bằng cách phóng các bộ tái tạo gải sóng âm giống như sóng âm phát ra từ các hạm tàu. Song vấn đề là ở chỗ, cả ngư lôi cũng ngày càng hoàn thiện, các hệ thống tự dẫn của chúng liên tục được cải tiến.

Nhiều loại ngư lôi được trang bị hệ dẫn sợi quang đặt trên tàu ngầm để giảm tối đa nhiễu bởi các mục tiêu giả. Một số loại ngư lôi có thể tự quay trở lại nếu không tìm thấy mục tiêu cần tiêu diệt. Các đại diện của công ty quốc phòng Rafaek của Israel cho rằng, trong 10 năm gần đây, hiệu quả của ngư lôi đã tăng gấp đội, một phần là nhờ những dự án phát triển đang được Nga tiến hành.

Ngư lôi bong bóng Shkval.

Ngư lôi có thể chạy với tốc độ hơn 100 km/h, việc tiếp tục tăng tham số tốc độ bị hạn chế bởi sự cọ xát của môi trường và sự chảy rối của nước, yếu tố có thể làm lệch hướng ngư lôi. Nhưng nay thì tốc độ của chúng có thể tăng gấp đôi hay thậm chí gấp 3 lần nhờ phát triển các ngư lôi phản lực tạo bong bóng. Điểm khác biệt của chúng là chiếc đĩa ở mũi có đường kính gần 10 cm, tạo ra bong bóng khí phía trước có tác dụng làm giảm lực cản của nước.

Tuy nhiên, sự phổ biến các ngư lôi tạo bong bóng vẫn còn hạ chến, một phần không nhỏ là bởi ở tốc độ cao, sẽ khó giải mã các tín hiệu thủy âm để điều khiển ngư lôi.

Bộ dẫn tiến của ngư lôi không phải chân vịt mà là động cơ tên lửa, điều đó gây khó khăn cho việc điều khiển: một số ngư lôi kiểu này chỉ có thể chạy theo đường thẳng. Áp lực cao của môi trường nước gây thêm những khó khăn, chính vì thế vào năm 2000 đã xảy ra thảm họa với tàu ngầm nguyên tử Kursk của Nga.

Tên lửa đường đạn chống hạm

Nhưng ở "chân trời" đang xuất hiện loại vũ khí ghê hồn hơn. Độ 5 năm trước, Lầu Năm góc biết được dự án của Trung Quốc chế tạo tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM), khi các chuyên gia Trung Quốc giải quyết bài toán dẫn tên lửa đường đạn vào mục tiêu di động trên biển bằng hệ tự dẫn radar. Chuẩn đô đốc về hưu Eriс McVadon cho biết, một số đồng sự của ông ‘dựng tóc gáy vì sợ’ khi biết được tin này.

Trung Quốc đang hiện đại hóa tên lửa đường đạn tầm trung DF-21 cho phép nó quay về khí quyển từ vũ trụ, rồi bổ nhào với tốc độ 2 km/giây và tiêu diệt mục tiêu tàu nổi bằng đầu đạn thông thường. Tên lửa này có thể được thử nghiệm vào năm 2012.

Tên lửa đạn đạo DF-21 được Trung Quốc hoán cải, thêm tính năng diệt hạm.

Minh họa khả năng các chiến hạm phòng thủ bằng vũ khí laser.

Một số chuyên gia cho rằng, tên lửa kiểu đó dễ bị tổn thương trước các hệ thống phòng thủ tên lửa hạm tàu AEGIS. Ngoài ra, còn có hệ thống phòng thủ laser. Mỹ và Pháp là hai trong số một số ít quốc gia đang phát triển các hệ thống như vậy.

Một cựu chỉ huy trưởng cụm tàu chiến đấu Mỹ nhận xét, một tàu sân bay nguyên tử tạo ra lượng điện đủ cho nhu cầu của cả một thành phố nhỏ, đừng nói đến tạo năng lượng cho một tia laser mạnh. “Vũ khí laser chính là loại đạn năng lượng định hướng”, ông nói. Không tên lửa nào có thể bay nhanh như tia laser.


Nam Xương (theo The Economist)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét