Phạm Lê Vương Các - Sinh viên Đại học năm thứ 3
Tôi cứ ngỡ rằng, quý vị đã sống trong thời điểm
loạn lạc, giữa lúc khó khăn của sự xung đột trong ý thức hệ, mâu thuẫn
trong lý tưởng, và sự khủng hoảng của tình yêu thương đã làm cho quý vị
chắt lọc nên những kinh nghiệm giúp ích cho những người trẻ như chúng
tôi ngày hôm nay thoát ly khỏi những hệ lụy của nó.
Thế nhưng khi nghe qua những tiếng tâm lòng từ
bài ca mang tên “Để lại cho em” mà thế hệ như Thầy Nhất hạnh đã từng
“nhận tội” với quý vị, nửa thế kỷ sau vẫn còn nguyên nghĩa đối với thế
hệ trẻ như tôi.
Nhưng tôi nghĩ, thế hệ trẻ như tôi cũng không
oán trách và giận hờn quý vị. Bởi lẽ: Chúng tôi, cũng chỉ là là môt thế
hệ vô cảm, một thế hệ chỉ biết hưởng thụ. Chúng tôi, một thế hệ hèn
nhát, tham lam và cơ hội. Chúng tôi, một thế hệ ích kỷ và đê tiện. Chúng
tôi, một thế hệ nhu nhược và biếng nhác. Chúng tôi, một thế hệ không
đáp ứng được kỳ vọng của tổ tiên và đã không thực hiện được như ý muốn
của các vị. Chúng tôi là một thế hệ có tội với tương lai!
Rồi chúng tôi sẽ tiếp tục ca bài ca Để lại cho
em, “để lại cho thế hệ tương lai sẽ nối tiếp chúng tôi những cuộc chiến
thần thánh, để lại cho thế hệ tương lai những thành phố buồn trong đó
người Việt Nam đang tranh nhau từng đám bụi đen. Chúng tôi, để lại cho
thế hệ tương lai những đường đời quanh co kẹt lối. Chúng tôi tiếp tục để
lại cho thế hệ tương lai những hèn kém của chúng tôi”. Và bài ca Để lại
cho em sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như những bài
ca không bao giờ lụi tàn ở đất nước này.
Quí vị có thể coi chúng tôi là một thế hệ vứt
đi, một thế hệ không xứng đáng với trọng trách nối tiếp quý vị gánh vác
chuyện giang sơn xã tắc.
Quý vị có biết vì sao không? Do chúng tôi là
người thiếu năng lực hay do chính quý vị đã tạo nên cơ sự này? Quý vị có
thể đổ lỗi cho chúng tôi, nhưng xin quý vị cũng đừng quên rằng quý vị
đã từng dẫn dắt lịch sử này. Giữa thực tại và lịch sử đều là do mối quan
hệ nhân quả mà ra.
Để rồi ngày hôm nay:
Chúng tôi, một thế hệ phải xót xa mà nhìn sứ
giặc nghênh ngang giữa lòng biển Đông, lợn lờ như những con cá mập, hung
tợn và hiếu chiến, sẵn sàng lao vào cắn xé, biến ngư bào của chúng ta
thành một miếng mồi chỉ còn biết “vái lạy” xin tha.
Chúng tôi, một thế hệ được thừa hưởng một gia
tài là những món nợ nần trong một di chúc thừa kế mà phải chấp nhận một
cách miễn cưỡng như là một nghĩa vụ không thể chối từ.
Chúng tôi, một thế hệ may mắn đã được giã từ vũ
khí nhưng vẫn còn đó lòng hận thù từ lịch sử, để rồi chúng tôi bị cuốn
theo chiều gió…ngã theo chiều nắng.
Chúng tôi, một thế hệ giờ phải chứng kiến một
thân thể và hình hài tổ quốc trong cảnh tàn phá điêu tàn.. Rừng vàng
biển bạc giờ chỉ còn là trong giấc mơ. Này là lá phổi xanh Tây Nguyên
giờ đây là một màu xám xịt như một gã nghiện thuốc lá ở giai đoạn cuối.
Này là mạch máu sống ở con sông giờ đây là một màu đen kịt phải liên tục
được thanh lọc nhằm duy trì sự sống. Này là tài nguyên quốc gia được
bới móc để phục vụ cho nhu cầu trước mắt chẳng khác gì kiểu bán thận của
kẻ đường cùng.
Chúng tôi, một thế hệ đã thấy một lớp trí thức
không màng đến chuyện đấu tranh với những nhiễu nhương bất công từ trong
cuộc sống này.
Chúng tôi, một thế hệ đã đánh mất đi đạo đức và luân lý từ trong sự ban phát của quý vị.
Thế nhưng, tôi lại thường nghe nhiều vị bảo
rằng: “Đất nước như thế này là tốt lắm rồi, các bạn còn muốn gì nữa, đỏi
hỏi gì nữa, các bạn không thấy đất nước ta đang phát triển từng ngày đó
sao. Các bạn hãy thử sống như chúng tôi ở giai đoạn trước chiến tranh
rồi các bạn sẽ thấy”.
Đúng! Tôi thừa nhận rằng đất nước đang phát
triển từng ngày. Nhưng đó chỉ là sự phát triển so với…37 năm về trước.
Nếu đem sự phát triển này so sánh với các chiến lược dài hạn mang tính
bền vững và đột phá trong tương lai thì không có gì là sáng sủa. Đây
không phải là những hạn chế nhất thời, mà nó mang tính cốt lõi để đưa
một quốc gia phát triển phú cường.
…Để rồi ngày hôm nay chúng tôi vẫn là hiện thân
của quý vị như vài thập niên trước, vẫn lo lắng khi đứng trước ngưỡng
cửa của cuộc đời, hoài nghi trước cuộc sống, phải đối mặt với những
những bạo cường vênh váo ngạo mạn, phải đánh đổi tự do để được an toàn,
phải trả giá đắt cho lý tưởng của mình nếu muốn dấn thân. Để rồi chúng
tôi ngày hôm nay phải thành những kẻ đê tiện, phải biết luồn cúi nịnh bợ
để được hưởng chút bổng lộc và thăng tiến, phải biết ngó lơ với cái
xấu, cái ác để được yên thân…
Thế nhưng, thay vì tự thú như thế hệ trước đã
từng tự thú với quý vị, thì quý vị lại rao giảng cho chúng tôi phải có
niềm tin, biết ơn quý vị, lấy đó là lý tưởng, lấy đó là tấm gương để học
tập, lấy đó là nguồn cảm hứng để dấn thân phục vụ một cách hồn nhiên ư?
Không. Tôi đã trưởng thành! Tôi biết nhận ra được giữa cái chân lý và sự tuyên truyền, giữa điều lẽ phải và sự bất công!
Xin đừng trách những người như tôi là vô ơn, ăn
cháo đá bát. Mà hãy trách các vị đã chưa làm tròn bổn phận như những gì
đã hứa, đã không làm tròn trách nhiệm mà tổ quốc và nhân dân này kỳ
vọng, đã không thực hiện tốt nhiệm vụ dìu dắt thế hệ trẻ chúng tôi… Sự
đi trước và trải nghiệm của quý vị chỉ giúp cho quý vị đối phó một cách
khôn ngoan với những đòi hỏi cần có từ thế hệ chúng tôi, và có được kinh
nghiệm trừng phạt nếu chúng tôi muốn nổi loạn. Cách hành xử đó không
mang lại một viễn cảnh tươi đẹp ở đất nước này trong tương lai đâu các
vị ạ.
Từ blog ABS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét