Kính
gởi ban tiếng Việt đài BBC bài viết của nhà văn Điệp Mỹ Linh nhận định,
phản bác bài viết Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974 của Bill Hayton đăng
trên BBC tiếng Việt. Xin quý đài BBC vui lòng phổ biến để rộng đường dư
luận. Đồng thời xin quý độc giả, thân hữu khắp nơi tiếp tay phổ biến.
Hội sử-học Việt-Nam ngày 09 tháng 06 năm 2015
Những Dòng Chữ Viết Vội Sau Khi Đọc Bài Dịch về Trận Hải Chiến Hoàng Sa, 19-01-1974, của Bill Hayton
ĐIỆP MỸ LINH
Tôi
không thích chính trị; vì không thích cho nên tôi không muốn tìm hiểu
về chính trị. Nhưng, hôm nay, bất ngờ, được website truclamyentu chuyển
đến một bài dịch từ bài viết của ông Bill Hayton, tôi nhận thấy có vài
điều tôi muốn viết để góp ý.
Tôi
nghĩ, khi đề cập đến một trận chiến – chứ không phải viết lịch sử –
người ta thường nhìn vào tinh thần chiến đấu của người lính tham gia
trận chiến đó và phản ứng thức thời, thích nghi của cấp chỉ huy của trận
chiến đó. Còn nếu chỉ nhìn cuộc chiến đó bằng kế hoạch hành quân và
những “tai nạn” khi khói lửa ngập trời mà không hề đề cập đến tinh thần
của binh sĩ thì đó là một cách nhìn thiếu công bằng.
Là
tác giả của cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng Hòa Ra Khơi,
1975 và cũng là một phụ nữ có chồng là một sĩ quan cao cấp Hải-Quân
Việt-Nam Cộng Hòa, tôi hiểu rằng: Kế hoạch hoặc phương án hành quân và
lệnh hành quân lúc nào cũng được bảo mật; sĩ quan thuộc cấp có thể biết
một vài phần nhưng hạ sĩ quan và lính thì không được phép biết.
Vì
lẽ đó, những Người Lính V.N.C.H. đã tham chiến trận Hải Chiến Hoàng Sa
ngày 19 tháng 01 năm 1974 – cả Địa Phương Quân lẫn Hải-Quân và Thủy Quân
Lục Chiến – khi trở về đất liền được chào đón như những vị anh hùng là
hoàn toàn hợp lý; bởi vì, Người Lính chỉ biết tuân lệnh, xã thân vào
trận chiến vì tinh thần yêu nước, muốn bảo vệ quê hương chứ Người Lính
không thể lựa chọn và cũng không cần biết ai phát họa phương án hoặc kế
hoạch hành quân; phương án hoặc kế hoạch hành quân đó tốt hay xấu, có
lợi hay bất lợi; phương án hoặc kế hoạch hành quân đó là một thảm họa
hay là một khúc khải hoàn ca!
Cả
thế giới đều biết, cuộc Hải Chiến giữa Hải-Quân V.N.C.H. và Hải-Quân
Trung Cộng là một cuộc chiến không cân sức, như là “châu chấu đá xe”.
Thế mà Hải-Quân V.N.C.H. vẫn chấp nhận chiến đấu để quân cướp Trung Cộng
biết rằng Việt-Nam Cộng Hòa là chủ của Hoàng Sa – nghĩa là Hải-Quân
V.N.C.H. cũng như Chính Phủ V.N.C.H. tự “rước” thảm họa (chữ của người
nào dịch bài báo của Bill Hayton). Đó là tinh thần dũng cảm của Quân Lực
V.N.C.H., tác giả và mọi người – nhất là người Việt-Nam – cần phải ghi
nhận một cách trân trọng và nêu cao.
Tôi
không hiểu tại sao lại căn cứ vào nhận xét của một người ngoại quốc –
mà người ngoại quốc này, Bill Hayton, không tham dự trận chiến Hoàng Sa –
để đánh giá một trận chiến do “1/2 nước Việt Nam này” dám ngang nhiên
chống Tàu Cộng cướp đảo, trong khi – cùng thời điểm – “1/2 nước Việt Nam
kia” lại tận dụng thời cơ, xua quân thực hiện chiến thuật biển người,
do Đại Tướng Cộng Sản Việt-Nam Võ Nguyên Giáp học được từ Trung Cộng, để
ào ạt tấn công “1/2 nước Việt-Nam này” bằng vũ khí của chính quân cướp
Trung Cộng!
Bill
Hayton này là ai mà dám phê phán một cuộc chiến trong lãnh hải của “1/2
nước Việt-Nam này” – miền Nam Việt-Nam? Nhân vật ngoại quốc này không
có tư cách gì để bảo rằng những Người Lính sống sót từ Hoàng Sa trở về
được “thêu dệt một cách ly kỳ như huyền thoại” và được “chào đón như
những anh hùng”!
Tôi,
Điệp Mỹ Linh, đại gia đình tôi và toàn thể người Việt sống dưới vĩ
tuyến 17, là công dân Việt-Nam – vào thời điểm Hải-Quân V.N.C.H. chống
Tàu Cộng cướp Hoàng Sa – luôn luôn tôn vinh những Người Lính đã tử trận
tại Hoàng Sa cũng như những Người Lính sống sót từ Hoàng Sa trở về là
Những Vị Anh Hùng!
Tại
sao – cùng thời điểm đó – Bill Hayton không lên án quân cướp Trung Cộng
và quân Bắc Việt xâm lăng Nam Việt đã “cõng rắn” Trung Cộng “cắn gà
nhà” Nam Việt-Nam? Tại sao không ai nghĩ Bill Hayton viết bài đó vì Bill
Hayton không có cảm tình với Nam Việt-Nam?
Cũng
may, Bill Hayton là một nhà báo chứ không phải là một người viết lịch
sử. Người viết lịch sử là một người chỉ trình bày những dữ kiện có thật
của lịch sử chứ người viết sử không bao giờ góp lời phê phán hoặc đưa
vào những trang sử lời bình phẩm của chính tác giả.
Bởi
vì, khi ta nhìn vào bất cứ vật thể gì, hay sự kiện nào, ta cũng chỉ
thấy được từ góc cạnh hạn hẹp của đôi mắt và quan niệm của ta chứ ta
không thể thấy được tổng thể của vật đó, sự việc đó. Vậy thì không thể
cho rằng Bill Hayton “đánh giá một cách khách quan” về trận Hải Chiến
Hoàng Sa được!
Từ
khi Trung Cộng ngang nhiên xâm lược và xây dựng nhiều đảo nhân tạo
trong vùng lãnh hải của nước Việt-Nam “trọn vẹn” – chứ không phải chỉ
“1/2 nước Việt-Nam” như năm 1974 – Chính Phủ Cộng Sản Việt-Nam có dám hé
môi hay không? Chính Phủ C.S.V.N. đã hèn với Trung Cộng mà khi sinh
viên và người dân Việt-Nam biểu tình chống đối Trung Cộng cướp đảo của
Việt-Nam thì Chính Quyền C.S.V.N. lại thẳng tay đàn áp, bắt tất cả bỏ
tù!
Xin
ông nhà báo Bill Hayton thử “đánh giá một cách khách quan” về thái độ
hèn hạ của Chính Phủ Cộng SảnViệt-Nam cũng như người lính của quân đội
cụ Hồ đi.
Nhân đây tôi cũng xin nêu lên hai điều trong bài của Bill Hayton:
1-*Bill Hayton viết rằng: “Cuối cùng, ông Kiểm là người ra lệnh nổ súng”.
Tôi được biết chính xác:
-* Hải-Quân Đại Tá Đỗ Kiểm là Tham Mưu Phó Hành Quân, Bộ Tư Lệnh Hải-Quân.
-* Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là Tư Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên Hải.
-* Hoàng Sa thuộc hải phận Vùng I Duyên Hải.
Tôi
đề nghị Bill Hayton nên liên lạc trực tiếp với Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ
Thoại – nguyên Tư Lệnh Hải-Quân V.N.C.H. Vùng I Duyên Hải – để phối
kiểm và được xác nhận, làm sáng tỏ chi tiết này.
2-*Bill Hayton viết rằng: “…chính quyền Sài Gòn phải tham chiến với một nền kinh tế hầu như bị tê liệt…”
Đúng!
Vào thời điểm Hải Chiến Hoàng Sa, Chính Phủ V.N.C.H. với nền kinh tế
hầu như bị tê liệt (chữ của Bill Hayton) và Người Lính V.N.C.H. chiến
đấu trong điều kiện cạn kiệt vũ khí (chữ của Điệp Mỹ Linh); vì Hoa Kỳ
không còn viện trợ vũ khí cho miền Nam Việt-Nam nữa! Thế mà Chính Quyền
V.N.C.H. và Người Lính V.N.C.H. vẫn “…Thù nước lấy máu đào đem báo…”(1)
Tư cách như vậy, tác phong như vậy và tinh thần yêu nước như vậy phải
được ghi nhận một cách công bằng và trang trọng, thưa ông Bill Hayton!
Bill
Hayton chỉ nêu ra những chi tiết tiêu cực như: Chiến Hạm của Hải-Quân
Việt-Nam Cộng Hòa đụng vào nhau trong chiến trận Hoàng Sa! Tôi không
biết Bill Hayton là công dân nước nào. Nhưng tôi đề nghị Bill Hayton hãy
lật những trang sử chiến tranh của đất nước Ông, xem có bao nhiêu “tai
nạn” xảy ra khi quân của quê hương ông “đụng trận” với quân nước khác?
Ngay như một quân đội tinh nhuệ nhất hành tinh là Quân Đội Hoa Kỳ mà
thỉnh thoảng báo chí vẫn đưa tin những tai nạn không thể tránh được, khi
lâm trận!
Nếu
Bill Hayton tìm không được trên sử sách của đất nước Ông về những tai
nạn xảy ra trong chiến tranh thì, tôi nghĩ, quân đội của đất nước Ông
quả là một quân đội … huyền thoại – chữ của Bill Hayton!
ĐIỆP MỸ LINH
công dân Hoa Kỳ
(1) Quốc Ca Việt-Nam Cộng Hòa.
Nguyên văn bài viết:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét