từ vị Cựu Hiệu trưởng Trung học ,
các vị cựu GS, tất cả các thân hữu
và các cựu học sinh Trung hoc,
Bình Long đối với tôi không phải chỉ là nhiệm sở đầu tiên trong đời làm việc mà còn là một thị trấn ghi lại trong trí nhớ của tôi những kỷ niệm, êm đềm có, hòa bình có, nguy hiểm có, bom đạn cũng có.
Trong tim tôi vẫn còn nhớ những giây phút thân thiện vui vẻ trò chuyện với các học sinh trong trường. Hàng ngày đứng trước nhà trọ (khu cư xá công chức) nhìn học sinh lũ lượt tới trường hay ra về hồn nhiên, mà thấy lòng nhẹ nhàng, cái vẻ nhẹ nhàng êm đềm trong thế giới chiến tranh, thấy những con chim bồ câu trắng đậu trên hàng rào kẽm gai của doanh trại quân đội.
Hình ảnh đó tuy đã qua đi quá lâu, gần nửa thế kỷ, nhưng tôi vẫn thấy như mới ngày nào.An lộc, Quản lợi, Bàu bàng, Bàu lòng của những năm xưa, đến nay chỉ còn nỗi nhớ.
Thân ái.
Trần đức Tiên.
(Monday, March 2, 2009 2:59:55 PM)
Thư gửi các em cựu học sinh THVT
GS Trần Đức Tiên
Thầy Tiên, thầy Minh, thầy Mão cùng các học trò cũ
Các em thân mến,
Tôi ra Vũng Tàu từ niên khoá 1968-69, phụ trách môn Anh văn; vì đi học thêm Luật nên nhà trường xếp cho dậy vài giờ Công dân. Thời gian ở Vũng Tàu thật thoải mái, được ở một nơi an ninh nhất nước, lại là một thành phố biển đẹp nhất miền Nam. Ngoài số giờ dậy tôi hay về Sài-gòn để lấy cours Luật hoặc rong chơi ở Sài-gòn, còn những tuần không về Sài-gòn thì lại xách vợt ra sân chơi vài độ tennis hoặc đi ăn uống tắm biển với vài đồng nghiệp, hoặc gặp gỡ các bạn bè học chung từ hồi Trung học nay đang làm ở các quân y viện Vũng Tàu. Lúc đó tôi còn trẻ, rất trẻ, lại đi làm có lương hàng tháng, có bạn bè nên cuộc sống thật vui vẻ và êm đềm. Rồi bừng tỉnh mới thấy mình cũng đã trưởng thành, nên tôi lập gia đình vào năm 1972, rồi về làm việc ở Sài-gòn vào năm 1973.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy mà đã 37 năm tôi rời THVũng Tàu. Mỗi người mỗi ngả, rồi cả hơn chục năm sau đó tình cờ cũng gặp được vài em cựu học sinh đang sinh sống ở vùng Đông Bắc Mỹ, chị em và gia đình Ngọc Nga. Vì phương tiện liên lạc còn ít, vì cơm áo, suốt ngày lo công việc nên thời gian cứ qua dần. Cho đến chỉ trong vòng mười năm nay thôi, nhờ có e-mail, rồi lần lượt hỏi han người này ra được người kia, tôi mới có dip liên lạc với các em ở vùng Nam Cali, như Tài-Phước, Ngọc Diện, Bạch Kim và gia đình Quốc, Thịnh, Tâm, Quỳnh Mai. Tôi cũng có dip liên lạc với vài em ở Âu châu, và Úc châu. Thật cảm động vô cùng, như những người thân đã quá lâu mất liên lạc, chẳng biết cuộc sống của nhau ra sao, nay liên lạc được, dù mấy chục năm qua đi mà như mới ngày nào, hình ảnh êm đềm xa xưa lại hiện ra, như thật như mơ... Rồi đến khoảng năm năm trước đây, các em ở Nam Cali tổ chức Hội ngộ, tôi được mời tham dự và được gặp lại không những chỉ các cựu học sinh mà còn đuợc gặp lại các vị phụ huynh học sinh mà tôi đã có dịp quen biết khi còn ở Vũng Tàu. Tôi đã gặp lại Anh Trâm, Anh Tuyết, hai cô học trò ngoan ngoãn và xinh xắn hồi nào mà nay đã là những thiếu phụ đảm đang, cô xướng ngôn viên của đại hội duyên dáng và lanh lợi. Đi một vòng quanh hội trường tôi còn gặp thân phụ hai em, người mà thỉnh thoảng tôi vẫn được gặp trên sân tennis của thị xã, những ngày cuối tuần. Tôi thật vui mừng và cảm động như trở lại một Vũng Tàu thu nhỏ xa cách cả nửa vòng trái đất, gặp lại được những khuôn mặt quen thuộc tưởng chừng như không bao giờ gặp lại nhau nữa. Vậy là có đến ngoài 30 năm tôi mới có dịp gặp lại các học sinh cũ và một số các vị đồng nghiệp cũ. Ngoài 30 năm mới gặp lại, chúng tôi đã là những bô lão về chiều mà các học sinh này cũng đã là ông nội ông ngoại cả rồi, ôi thời gian qua đi thật mau.
Các học sinh trong môi trường tự do phát triển trong vùng đất màu mỡ, nhiều em đã thành công, thực sự thành công. Khi gặp lại các em vẫn nhiều người nhận ra tôi, với những tình cảm chân thành, thăm hỏi thành thật. Điều đó làm tôi cảm động đến bỡ ngỡ: sau một thời gian quá dài, có lẽ gần mười lần thời gian được làm việc, hướng dẫn các em, mà mình còn nhận được những tình cảm chân thành đó sao? Lắm lúc tôi tự nhủ mình có đủ "Nhân" để được nhận lại những tấm lòng "Nhân" hậu đó không, có đủ "Lễ" "Nghĩa" để được nhận lại "Lễ" "Nghĩa" mà các em đối xử với mình không? Kẻ bất nghĩa không có quyền nói đến lễ nghĩa. Cũng may mà mình còn thấy lương tâm thật thanh thản.
Rồi khoảng năm năm trước, tôi cũng theo dòng người về thăm lại quê hương. Ra lại Vũng Tàu vào dịp các cựu học sinh tổ chức hội ngộ, tôi có dịp gặp lại vài đồng nghiệp cũ như Ông Thám, Ông Dự, Ông Bà Thủy, Cô Phi Yến, Ông Trần Hữu Độ, Cô Điệp, Cô Hoa, một điều làm tôi cảm động hết sức là các anh chị vẫn vui vẻ tha thiết như hơn 30 năm trước. Tôi đã gặp lại nhiều học sinh cũ, nhưng hơn 30 năm trôi qua đi rồi, thầy đã già mà các học sinh nay cũng mệt mỏi cả rồi, tuy nhiên các em đối xử rất chí tình, đón tiếp rất niềm nở. Tuy là học trò nhưng nhiều em bây giờ đã thành công rất lớn, trong mọi lãnh vực, từ quân đội, đến thương mại, kỹ nghệ và chính trị. Thực tình mà nói, tôi rất cảm phục ý chí của các em, ở bất cứ chân trời nào.
Trong những lần về thăm lại quê hương, tôi đã có dịp ra miền Bắc. Tuy tôi sinh ra ở miền Bắc nhưng vào Nam mới ở tuổi lên mười, hình ảnh và kỷ niệm miền Bắc quá ít, có chăng chỉ kiếm thấy trong sách vở, một vài địa danh có qua đi được một lần thì cũng chẳng còn nhớ được bao nhiêu. Tôi ra lại miền Bắc như một người khách lạ, hình ảnh phố phường cũng xa lạ với mình, đời sống dân chúng, cách sinh hoạt cũng thật xa lạ, tôi thấy lạc lõng, xa lạ ngay ở nơi sinh trưởng của mình. Tôi đã ghé lại căn nhà ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm mà gia đình tôi ở trước ngày phải tản cư khỏi Hànội, thì căn nhà nhỏ nhắn có tường và sân sỏi bên cạnh, nay đã trở thành nhiều nhà chồng chất lên nhau, căn nhà chính đã xé ra cho nhiều gia đình ở, đó chỉ còn là dấu tích của hơn sáu chục năm trước.
Vũng Tàu quê hương thứ ba của tôi, sau Sài-gòn, là nơi nhiều kỷ niệm nhất, kỷ niệm của tuổi trưởng thành, kỷ niệm của giai đoạn sống thanh thản. Vũng Tàu bây giờ cũng không còn khoảng trống nào của dĩ vãng êm đềm xa xưa, mà là một phố biển, ồn ào nhộn nhịp và kỹ nghệ hóa. Tôi ghé lại căn nhà mình ở cũ, cả khu phố cũ với hàng cây điều trước nhà, vắng lặng êm đềm, thì nay đã là khu phố nhộn nhịp nhất Vũng tàu bắt đầu từ khu chợ cũ đến tận Rạch dừa, băng ngang Khu Trường Quân Cảnh cũ. Tôi vẫn mơ được về lại Vũng Tàu sống những ngày cuối đời, trong một căn nhà nhỏ, có hàng bông giấy trước nhà, có cây điều tỏa bóng mát. Bỗng nhiên tôi nghĩ đến Al Pacino, The last God Father cả đời trôi nổi mưu lược hại người, đề cuối đời sống những ngày cuối đời cô độc ở Sicily, tôi mới thấy đời mình thật thanh thản, đến cuối đời chắc cũng không có ai thù ghét mà chỉ thấy được đón nhận những tình cảm chân thật của những người học trò cũ, những người bạn trẻ đã chia sẻ những tình cảm thành thật và tự nhiên.
Virginia tháng 6, 2010
Trần Đức Tiên
Thầy Tiên và các cựu học sinh tại Đại Hội THVT, Calif. 07/2005
Nguồn: http://www.trunghocvungtauhaingoai.com/
( Đăng trong "SÓNG BIỄN 2 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét