Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ


Trịnh Thanh Thuỷ

Vấn đề ngôn ngữ là vấn đề của muôn thuở, không riêng gì của người Việt. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về một thực trạng của tiếng Việt mà đã đến lúc, chúng ta không thể không suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Đó là nguy cơ diệt vong của một thứ tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước năm 1975 hay còn được gọi là tiếng Việt Sài Gòn cũ. Thứ tiếng Việt đó đang mất dần trong đời sống hàng ngày của người dân trong nước và chẳng chóng thì chầy, nó sẽ biến thành cổ ngữ, hoặc chỉ còn tìm thấy trong tự điển, không còn ai biết và nhắc tới nữa. Điều tôi đang lo lắng là nó đang chết dần ngay chính trong nước chứ không phải ở ngoài nước. Người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết theo. Nhìn tiếng Việt Sài Gòn cũ từ từ biến mất, lòng tôi bỗng gợn một nỗi cảm hoài. Điều tôi thấy, có lẽ nhiều người cũng thấy, thấy để mà thấy, không làm gì được. Sự ra đi của nó âm thầm giống như những dấu tích của nền văn hoá đệ nhất, đệ nhị cộng hoà VN vậy. Người ta không thể tìm ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Cổ Thành Quảng Trị, nghĩa trang Quận Đội, trường võ bị Thủ Đức, v.v... Tất cả đã thay đổi, bị phá huỷ hoặc biến đi như một sắp xếp của định mệnh hay một định luật của tạo hoá.

Nhắc đến tiếng Việt Sài Gòn cũ là nhắc tới miền Nam Việt Nam trước 1975. Vì cuộc đấu tranh ý thức hệ mà Nam, Bắc Việt Nam trước đó bị phân đôi. Sau ngày Việt Nam thống nhất năm 75, miền Nam thực sự bước vào sự thay đổi toàn diện. Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng chịu chung một số phận. Miền Bắc thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một số ít ngữ vựng miền Nam. Ngược lại, miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp sự chi phối của ngôn ngữ miền Bắc trong mọi lãnh vực. Nguời dân miền Nam tập làm quen và dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới. Những: đề xuất, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo, quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc, doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực công, nền công nghiệp âm nhạc, chùm ảnh, chùm thơ, nhà cao tầng, đáp án, phồn thực, sinh thực khí, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v...dần dà đã trở thành những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.

Có những từ ngữ miền Nam và miền Bắc trước 75 đồng nghĩa và cách dùng giống nhau. Có những từ cùng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau. Tỷ như chữ "quản lý" là trông nom, coi sóc. Miền Nam chỉ dùng từ này trong lãnh vực thương mại trong khi miền Bắc dùng rộng hơn trong cả lãnh vực cá nhân như một người con trai cầu hôn một người con gái bằng câu: "Anh xin quản lý đời em". Hoặc từ "chế độ" cũng vậy, miền Nam chỉ dùng trong môi trường chính trị như "chế độ dân chủ". Miền Bắc dùng bao quát hơn trong nhiều lãnh vực như "chế độ xem", "chế độ bao cấp". Có những từ miền Bắc dùng đảo ngược lại như đơn giản - giản đơn; bảo đảm - đảm bảo; dãi dầu - dầu dãi; vùi dập - dập vùi. v.v...

Song song với việc thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam đã thống nhất hoá tiếng Việt và gọi đó là "tiếng Việt toàn dân". Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Tiếng Việt Sài Gòn cũ, gồm những từ ngữ mà tiếng Việt miền Bắc đã có từ ngữ thay thế, sẽ bị quên đi hoặc bị đào thải. Những từ ngữ thông dụng cho cuộc chiến trước đó sẽ biến mất trước tiên. Những: trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức(hữu) trách, dứt điểm, phi tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành, gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… hầu như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại. Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như:sổ gia đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ, tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học, giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới nghiêm, thiết quân luật, v.v...

Ở hải ngoại, khi bắt đầu cầm bút, trong tâm thức một người lưu vong, viết, đối với tôi, là một động tác mở để vỡ ra một con đường: Đường hoài hương. Nhiều người viết hải ngoại cũng tìm đến con đường về cố hương nhanh nhất này như tôi. Hơn nữa, để đối đầu với cơn chấn động văn hóa thường tạo nhiều áp lực, tôi xem viết như một phương pháp giải toả và trám đầy nỗi hụt hẫng, rỗng không của một người vừa ly dị với quê hương đất tổ sau một hôn phối dài. Tôi không bao giờ để ý đến việc mình viết cho ai, loại độc giả nào, trong hay ngoài nước, và họ có hiểu thứ ngôn ngữ mình đang dùng hay không vì lúc đó, chỉ có một vài tờ báo điện tử liên mạng mới bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại. Sau này, nhờ kỹ thuật điện toán ngày một phát triển, cầu giao lưu giữa trong và ngoài nước được nối lại, độc giả trong và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc, thảo luận, đọc và viết cho nhau gần như trong gang tấc. Đó là lúc tôi được tiếp xúc với dòng văn học trong nước và làm quen với nhiều từ ngữ mới lạ chưa từng được nghe và dùng. Ngược lại, trong nước cũng vậy, số người lên mạng để đọc những gì được viết bởi người cầm bút ngoài nước cũng không ít.

Thế hệ chúng tôi được người ta âu yếm gọi là thế hệ một rưỡi, thế hệ ba rọi hay nửa nạc nửa mỡ, cái gì cũng một nửa. Nửa trong nửa ngoài, nửa tây nửa ta, nửa nam nửa bắc, nửa nọ nửa kia, cái gì cũng một nửa.

Do đó, nhiều lúc tôi phân vân không biết mình nên dùng nửa nào để viết cho thích hợp nữa. Nửa của những từ ngữ Sài Gòn cũ hay nửa của tiếng Việt thông dụng trong nước? Mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi và cuối cùng, mỗi người có một lựa chọn riêng. Không chỉ trong lãnh vực văn chương, thi phú mà ở các lãnh vực phổ thông khác như giáo dục và truyền thông cũng va phải vấn đề gay go này. Việc sử dụng nhiều từ ngữ thông dụng của quốc nội ở hải ngoại đã gặp nhiều chống đối và tạo ra những cuộc tranh luận liên miên, dai dẳng.

Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình thường xuyên bị chỉ trích và phản đối khi họ sử dụng những từ trong nước bị coi là "chữ của Việt Cộng" và được yêu cầu không nên tiếp tục dùng. Nhất là ở Nam Cali, báo chí và giới truyền thông rất dễ bị chụp mũ "cộng sản" nếu không khéo léo trong việc đăng tải và sử dụng từ ngữ. Chiếc mũ vô hình này, một khi bị chụp, thì nạn nhân xem như bị cộng đồng tẩy chay mà đi vào tuyệt lộ, hết làm ăn vì địa bàn hoạt động chính là cộng đồng địa phương đó.

Trong cuốn DVD chủ đề 30 năm viễn xứ của Thúy Nga Paris, chúng ta được xem nhiều hình ảnh cộng đồng người Việt hải ngoại cố gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam bằng cách mở các lớp dạy Việt ngữ cho các con em. Khắp nơi trên thế giới, từ nơi ít người Việt định cư nhất cho tới nơi đông nhất như ở Mỹ, đều có trường dạy tiếng Việt. Riêng ở Nam California, Mỹ, hoạt động này đang có sự khởi sắc. Ngoài những trung tâm Việt ngữ đáng kể ở Little Saigon và San José, các nhà thờ và chùa chiền hầu hết đều mở lớp dạy Việt ngữ cho các em, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Nhà thờ Việt Nam ở Cali của Mỹ thì rất nhiều, mỗi quận hạt, khu, xứ đều có một nhà thờ và có lớp dạy Việt ngữ. Chùa Việt Nam ở Cali bây giờ cũng không ít. Riêng vùng Westminster, Quận Cam, Cali, đi vài con đường lại có một ngôi chùa, có khi trên cùng một con đường mà người ta thấy có tới 3, 4 ngôi chùa khác nhau. Việc bảo tồn văn hoá Việt Nam được các vị hướng dẫn tôn giáo như linh mục, thượng tọa, ni sư nhắc nhở giáo dân, đại chúng mỗi ngày. Lớp học tiếng Việt càng ngày càng đông và việc học tiếng Việt đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng lưu vong. "Tại Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng, năm nay số học sinh nhập học tiếng Việt lên tới 700 em. Những thầy cô dạy tiếng Việt đều làm việc thiện nguyện hoàn toàn, đã hết lòng chỉ dạy cho các em, nhất là các em vừa vào lớp mẫu giáo tiếng Việt" (trích Việt báo, Chủ nhật, 9/24/2006)

Về vấn đề giáo trình thì mỗi nơi dạy theo một lối riêng, không thống nhất. Sách giáo khoa, có nơi soạn và in riêng để dạy hoặc đặt mua ở các trung tâm Việt ngữ. Còn ở đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên, sách thường được đặt mua ở Úc. Một giảng sư dạy tiếng Việt tâm sự với tôi: "Khi nào gặp những từ ngữ trong nước thì mình tránh đi, không dùng hoặc dùng từ thông dụng của Sài gòn cũ trước 75 vì nếu dùng cha mẹ của sinh viên, học sinh biết được, phản đối hoặc kiện cáo, lúc ấy phải đổi sách thì phiền chết."

Sự dị ứng và khước từ việc sử dụng tiếng Việt trong nước của người Việt hải ngoại có thể đưa tiếng Việt ở hải ngoại đến tình trạng tự mình cô lập. Thêm nữa, với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật điện toán và thế giới liên mạng, báo chí, truyền thông của chính người Việt hải ngoại đến với mọi người quá dễ dàng và tiện lợi. Độc giả cứ lên mạng là đọc được tiếng Việt Sài Gòn cũ nên họ dường như không có nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt trong nước. Kết quả là tiếng Việt trong và ngoài nước chê nhau!!!

Việc người Việt hải ngoại chống đối và tẩy chay ngôn ngữ Việt Nam đang dùng ở trong nước có vài nguyên do:

Thứ nhất là do sự khác biệt của ý thức hệ. Những người Việt Nam lưu vong phần lớn là người tị nạn chính trị. Họ đã từ bỏ tất cả để ra đi chỉ vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên từ chối dùng tiếng Việt trong nước là gián tiếp từ chối chế độ cộng sản.

Thứ hai, sự khác biệt của từ ngữ được dùng trong cả hai lãnh vực ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây là một thí dụ điển hình. Trong cùng một bản tin được dịch từ một hãng thông tấn ngoại quốc, nhà báo ở trong nước và ngoài nước dịch thành hai văn bản khác nhau:

Trong nước:

Tàu ngầm hạt nhân Nga bốc cháy

Interfax dẫn một nguồn tin Hải quân Nga cho hay ngọn lửa bắt nguồn từ phòng điện hóa và dụng cụ bảo vệ lò hạt nhân đã được kích hoạt, do đó không có đe dọa về nhiễm phóng xạ. Phát ngôn viên hạm đội này cho hay: "Lửa bốc lên do chập điện ở hệ thống cấp năng lượng phần mũi tàu.


(http://vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/09/3B9EDF89/)

Ngoài nước:

Hỏa hoạn trên tàu ngầm Nga

Hải quân Nga nói rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu Daniil Moskovsky đã tự động đóng lại và không có nguy cơ phóng xạ xảy ra. Chiếc tàu đã được kéo về căn cứ Vidyayevo. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do chạm dây điện.


(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm...p?a=48362&z=75)

Một người Việt hải ngoại khi đọc văn bản thứ nhất sẽ gặp những chữ lạ tai, không hiểu nghĩa rõ ràng vì sự khác biệt như những chữ: phòng điện hoá, được kích hoạt, chập điện, hệ thống cấp năng lượng...

Hơn thế nữa, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa thông thương giao dịch với quốc tế; những từ ngữ mới về điện toán, kỹ thuật, y khoa, chính trị, kinh tế, xã hội, ồ ạt đổ vào. Có nhiều từ ngữ rất khó dịch sát nghĩa và thích hợp nên mạnh ai nấy dịch. Ngoài nước dịch hai ba kiểu, trong nước bốn năm kiểu khác nhau, người đọc cứ tha hồ mà đoán nghĩa. Có chữ thà để ở dạng nguyên bản, người đọc nhiều khi còn nhận ra và hiểu nghĩa nó nhanh hơn là phiên dịch.

Trong việc phiên dịch, theo tôi, địa danh, đường phố, tên người nên giữ nguyên hơn là phiên dịch hay phiên âm. Nếu có thể, xin chú thích từ nguyên bản ngay bên cạnh hay đâu đó bên dưới bài viết sẽ giúp người đọc dễ theo dõi hay nhận biết mặt chữ. Tỷ như việc phiên âm các địa danh trên bản đồ trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục trong nước là việc đáng khen nhưng tôi nghĩ, nếu đặt từ nguyên thủy lên trên từ phiên âm thì các em học sinh chưa học tiếng Anh hoặc đã học tiếng An sẽ dễ nhận ra hơn. Xin lấy tỉ dụ là những địa điểm được ghi trên tấm bản đồ này. (http://i12.photobucket.com/albums/a2...hualuonJPG.jpg)

Tôi thấy một hai địa danh nghe rất lạ tai như Cu dơ Bây, Ben dơ mà không biết tiếng Mỹ nó là cái gì, ngồi ngẫm nghĩ mãi mới tìm ra: đó là hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mỹ!

Ngôn ngữ chuyển động, từ ngữ mới được sinh ra, từ cũ sẽ mất đi như sự đào thải của định luật cung cầu. Tiếng Việt Sài Gòn cũ ở trong nước thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không được sử dụng hay chuyển động để phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi thời và không còn thích ứng trong hoạt động giao tiếp nữa. Dần dà, nó sẽ bị thay thế bằng tiếng Việt trong nước. Nhất là trong những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen dần với những gì người ta đã phản đối ngày xưa. Tạp chí, sách, báo đã đăng tải và phổ biến các bản tin cũng như những văn bản trong nước. Người ta tìm được nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách nhạc quốc nội được bày bán trong các tiệm sách. Các đài truyền thanh phỏng vấn, đối thoại với những nhà văn, nhà báo, chính trị gia và thường dân trong nước thường xuyên. Đặc biệt, giới ca sĩ, nhiều người nổi tiếng ra hải ngoại lưu diễn, đi đi về về như cơm bữa. Giới truyền thông bây giờ sử dụng từ ngữ trong nước rất nhiều, có người mặc cho thiên hạ chỉ trích, không còn ngại ngùng gì khi dùng từ nữa. Khán thính giả có khó chịu và chê trách, họ chỉ giải thích là thói quen đã ăn vào trong máu rồi, không chịu thì phải ráng mà chịu.

Sự ra đi của một chế độ kéo theo nhiều thứ: con người, tài sản, nhà cửa, vườn tược, lịch sử… nhưng có cái bị lôi theo mà người ta không ngờ nhất lại là "cái chết của một ngôn ngữ". Đau lòng lắm thay!

© 2006 talawas

Mời các bạn nghe Audio Cái chết của một ngôn ngữ
__________________
Anything done without Love is Evil


Bài đọc thêm


Việt Nam có hay không một ngôn ngữ thuần chất?

Trịnh Thanh Thủy

Đã có người từng thắc mắc không biết tiếng Việt có phải là một ngôn ngữ thuần chất hay không? Còn có người cho rằng người Việt vì sống tha hương nên ngôn ngữ VN họ dùng để nói và viết theo thời gian sẽ mất dần đi tính thuần chất. Tiện đây, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem "Có hay không có một ngôn ngữ VN thuần chất?".


Trước tiên, tôi xin nói sơ về định nghĩa của ngôn ngữ.


Theo bách khoa tự điển Wikipedia, ngôn ngữ là một phương pháp nói hay viết mà con người dùng để giao tiếp, cảm thông nhau. Ngôn ngữ được diễn tả như một hệ thống những ký hiệu và những ngữ pháp (grammar). Ngày nay trên thế giới có khoảng từ 5,000 tới 6,000 ngôn ngữ khác nhau.


Có người hiểu một cách đơn giản, ngôn ngữ là tiếng nói. Không phải vậy, tiếng nói là một từ ngữ có nghĩa rộng ám chỉ hành động "nói" theo một khuôn mẫu, của một người. Ngược lại, ngôn ngữ là một loạt luật lệ dành cho tiếng nói. Tiếng địa phương (dialect) hay thổ ngữ hoặc phương ngữ là những dạng khác nhau của ngôn ngữ. Tiếng địa phương thay đổi theo từng cộng đồng ở mỗi hoàn cảnh, mỗi địa dư khác nhau.


Không có một lằn ranh rõ rệt nào giữa ngôn ngữ và tiếng địa phương. Có vào khoảng 200 ngôn ngữ trên thế giới được nói bởi hàng triệu tiếng địa phương khác nhau. Tiếng Tàu và tiếng Anh là một điển hình.


Thông thường, nếu có hai người nói chuyện với nhau mà người này không hiểu lời nói của người kia, họ thường nghĩ rằng họ đang nói hai ngôn ngữ khác biệt. Thực ra có thể họ đang nói cùng một ngôn ngữ nhưng nói hai thứ tiếng địa phương hoặc người này không hiểu người kia vì trình độ, tư tưởng, văn hóa, chính trị hay môi trường xã hội khác hẳn nhau.


Từ hay chữ là một đơn âm (tiếng Việt đơn âm) hoặc đa âm có mang ý nghĩa và loại từ (danh từ, động từ, túc từ). Ý nghĩa của một từ có thể có sức mạnh giết người hay thúc đẩy một người hy sinh mạng sống của mình. Tỷ như những từ dùng để nhiếc móc, lăng nhục, chửi rủa, hạ phẩm giá một người như "đồ mọi rợ", "đồ súc sinh", "con đĩ", "con heo". Nghĩa của những từ này có tác động gia tăng và kích thích cảm xúc của người nghe hoặc đối tượng.

Cái tiện lợi chính trong hệ thống ký hiệu ngôn ngữ là tính bất định và mềm dẻo của nó. Người ta có thể tạo ra nhiều ký hiệu, nhiều ngữ nghĩa mới và nó cũng có thể đổi thay.


Ngôn ngữ tiến hoá để đáp ứng điều kiện lịch sử và xã hội. Có những ngôn ngữ sau một hay nhiều thế hệ xảy ra sự biến dạng. Chuyện ngôn ngữ này bị ảnh hưởng hay vay mượn ngôn ngữ kia là chuyện thường. Tỷ như tiếng Hà Lan (Dutch) đã mượn tiếng Đức (German) trong nhiều từ ngữ. Khi tình trạng này xảy ra, tính thuần chất của tiếng Hà Lan nguyên thủy có còn không? Và ai có thể biết được tiếng Đức mà Hà Lan đi mượn có phải là tiếng Đức thuần chất không hay nó cũng là một kết hợp của một ngôn ngữ khác? Tiếng Anh cũng vậy. Tiếng Anh có khoảng 60% tiếng Pháp và tiếng Latin trong đó. Ngoài ra nó còn là kết hợp của tiếng Hà Lan, Scandinavian, Brittonic, Goidelic Celtic, Anglo-Saxon. Đến nỗi Lars Hendrik Mathiesen đã có câu: "Anh Ngữ là một con điếm".


Có lẽ hệ thống chữ viết phức tạp nhất thế giới là chữ viết của Nhật. Nó bao gồm những ký hiệu của nhiều loại chữ viết khác nhau. Đôi khi chỉ trong một câu có đến 4 loại chữ được dùng như chữ Kanji, Katakana, Hiragana và tiếng Latin. Một người Nhật trí thức cần nhận biết ít nhất khoảng 2000 ký hiệu chữ Kanji. Sự phức tạp trong hệ thống chữ viết này giúp người Nhật rất nhiều trong việc dễ dàng đáp ứng trước sự thay đổi của ngôn ngữ. Nhất là những từ ngữ mới về kỹ thuật đang được sản sinh và ồ ạt chảy tràn trên khắp thế giới do sự hưng thịnh của kỹ nghệ điện toán.


Kết quả là người già ở Nhật, những người có giáo dục vài thập niên trước đây, bây giờ bỗng gặp khó khăn trong việc đọc những tạp chí, sách báo truyền thông nhất là sách báo dành cho giới trẻ ngày nay.


Việt Nam từ ngày lập quốc đến nay đã chịu sự đô hộ của Trung Hoa một thời gian quá dài. Hơn nữa người Hoa vốn chủ trương đồng hoá người Việt nên họ dùng đủ mọi cách để tiếng Hán thâm nhập sâu xa vào văn hoá, đời sống dân tộc Việt. Theo tài liệu phổ thông, tính tới nay tiếng Việt có khoảng 60% từ ngữ Hán-Việt hay hơn. Con số thống kê này chỉ là một phỏng đoán vì chưa có cơ quan hay tổ chức nào đứng ra nghiên cứu và xét nghiệm cả.

Theo Taberd (1838):

“tiếng Việt chỉ là một nhánh bị thoái hoá của tiếng Hán”. Cơ sở để Taberd đưa ra ý kiến này là trong vốn từ của tiếng Việt hiện nay thì từ vựng có nguồn gốc Hán chiếm đa số. Tuy nhiên, mặc dù có tới 75% từ vựng tiếng Việt có gốc Hán nhưng đại đa số những từ đó đều là những từ văn hoá (những từ thể hiện trình độ phát triển của xã hội). Do đó, chúng phải là những từ vay mượn, chứ không phải là những từ mang tính nguồn gốc. Và theo Maspéro (1912): Bất cứ từ Hán nào vào tiếng Việt đều phải chịu sự chi phối của cơ cấu tiếng Việt" (trích "Cơ Sở Xác Định Nguồn Gốc Tiếng Việt"/qua 2 bài báo của A.G. Haudricourt)

Ngoài ra Trung Quốc là một nước đa văn hoá, đa ngôn ngữ, ngay chính tiếng Hán cũng có nhiều sự pha trộn ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau. Khác đến nỗi hai người Hoa không thể hiểu nhau được phải dùng bút đàm trong khi giao tiếp. Như vậy những từ Hán Việt mà chúng ta vay mượn từ Trung Hoa cũng chưa chắc là một loại Hán tự thuần chất.

Khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, đã dùng chính sách chia để trị, phân nước ta làm ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Họ cố tình chia rẽ và rạch ròi sự khác biệt trong tiếng địa phương của ba miền để người dân ba miền chế riễu, kỳ thị, ghen ghét lẫn nhau. Tiếng Pháp từ từ được Việt hoá như Pomp thành bơm, manchon thành đèn măng-xông, savon là xà-bông. Tiếng Việt bị ảnh hưởng Pháp ngữ không ít qua một trăm năm thân phận thuộc địa.


Việt Nam là một nước đa ngôn ngữ, đa văn hoá. Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ chính, còn có các ngôn ngữ khác của dân tộc thiểu số (DTTS) như: Thái, Chăm, Khmer, Ê Đê. Ở vùng núi phía Bắc VN còn có 5 ngôn ngữ của DTTS chưa có chữ viết như Dao, Hà-Nhì, Ksing Mul, La Chí, Xá Phó. Vì quá trình giao tiếp của Tiếng Việt và ngôn ngữ của DTTS, tiếng Việt ở địa phương nơi DTTS sinh sống đã bị xáo trộn và biến dạng.


Trong " Nguồn Gốc Và Diễn Tiến Ngôn Ngữ" của Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến có nhắc đến điều này

....tiếp xúc ngôn ngữ dẫn đến pha trộn ngôn ngữ và thậm chí có thể làm nảy sinh một ngôn ngữ mới. .......Lối tiếp xúc, ảnh hưởng như thế, ngay gần đây, người ta vẫn còn có thể kiểm chứng được trong không hiếm ngôn ngữ hiện đang tồn tại. Ví dụ:



1. Tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc lâu đời với tiếng Hán, đã vay mượn vào vốn từ của mình một khối lượng rất lớn các từ và yếu tố tạo từ cùng với một số ảnh hưởng khác về mặt ngữ pháp; nhưng không vì thế mà nó thuộc cùng một nhóm gần gũi về cội nguồn với tiếng Hán.

Ở Châu Âu, quan hệ giữa tiếng Anh với tiếng Pháp; tiếng Rumani với các ngôn ngữ Slave và tiếng Hy Lạp, tiếng Hung, người ta cũng thấy những tình hình tương tự: Tiếng Anh vẫn thuộc số các ngôn ngữ Giecman, còn tiếng Pháp, tiếng Rumani vẫn thuộc về các ngôn ngữ Roman.



2. Theo A.G. Haudricourt, người Sán Chấy ở Việt Nam vốn là người Dao gốc Quý Châu (Trung Quốc), di cư đến Quảng Đông rồi di cư sang Việt Nam sống chung với người Tày, Nùng. Tại đây, ngôn ngữ của họ, tiếng Sán Chấy, là một ngôn ngữ pha trộn gồm cơ tầng Dao với tiếng Tày Nùng.

Như vậy, điểm nổi rõ về mặt ngôn ngữ trong thời kỳ công xã nguyên thuỷ, thời kỳ của các thị tộc, bộ lạc là luôn luôn diễn ra quá trình chia tách và liên minh, tiếp xúc. Một mặt, sự chia tách làm gia tăng số lượng các ngôn ngữ khác nhau hoặc các phương ngữ, thổ ngữ khác nhau trong một ngôn ngữ; mặt khác, sự tiếp xúc lại dẫn đến tình trạng gần nhau, tới một mức nào đó sẽ dẫn đến pha trộn ngôn ngữ (trích Nguồn Gốc Và Diễn Tiến Ngôn Ngữ/Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến)

Cuốn sách lịch sử ngôn ngữ VN không ngừng sang trang. Vì định mệnh khắc nghiệt, VN bị phân đôi thành hai miền Nam, Bắc, mỗi miền theo một ý thức hệ khác nhau: Cộng Hoà và Cộng Sản. Tiếng Việt lần nữa chịu thêm sự pha trộn do sự tiếp xúc với ngoại ngữ. Miền Nam chịu ảnh hưởng tiếng Anh do người Mỹ làm đồng minh và miền Bắc với tiếng Nga, Tàu và Đông Âu do lực lượng liên minh này đứng sau ủng hộ. Trong suốt giai đoạn từ 1945 tới 1975 tiếng ngoại quốc thâm nhập miền Bắc qua sự phiên âm, phiên chuyển, chuyển tự và Việt hoá như Mát-xcơ-va (đọc tắt là Mát), Anh-xtanh, Lép Tônstôi, Bo-côn-sky, Xô Viết Nghệ Tĩnh, xla-vơ, vôn-ga..v..v...

Miền Nam thì tiếng Anh cũng góp phần làm giàu vốn từ vựng VN qua: cao-bồi (cow-boy), tiếng bồi(boy), ti-vi (viết tắt của television: máy truyền hình), năm-bờ-oăn( number one: số 1), máy ra-da (radar), vi-xi(giọng đọc tiếng Anh của vc, viết tắt của việt cộng), oẳn tù tì (trò chơi one-two-three), ô-kê salem (ok)...v...v..



Ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp và là công cụ của tư duy.


Sau năm 1975, sự thống nhất đất nước đã khiến một số người Việt đáng kể phải ra hải ngoại sinh sống. Những người này mang theo loại ngôn ngữ đã dùng ở miền Nam VN trước 1975, tôi tạm gọi là phương ngữ. Kế đến là làn sóng vượt biển rồi chương trình H.O., đoàn tụ gia đình, làm gia tăng dân số người tị nạn. Những người qua sau đã sống và quen với cách dùng phương ngữ trong nước một thời gian dài sẽ tiếp tục dùng nó nơi họ mới định cư. Sự thâm nhập ngôn ngữ này có tác dụng làm thay đổi và ảnh hưởng những phương ngữ của người Việt hải ngoại đang dùng.

Ngược lại vì sự mở rộng cánh cửa giao thương, VN đón ngoại kiều và Việt kiều vào nước đã và đang đối diện với ngoại ngữ đang ào ào theo gió tràn vào. Người dân trong nước giờ rất thích học, nói và dùng Anh ngữ trong sinh hoạt thường ngày nhất là giới trẻ. Cộng thêm với sự chạy đua cho kịp đà tiến hóa văn minh kỹ thuật thế giới, tiếng Việt cần phải cập nhật hoá các từ ngữ y khoa, kỹ thuật, tin học, khiến tiếng Việt thay đổi rất nhiều.

Đây là vài thí dụ điển hình của sự khác biệt trong cách dùng từ ngữ của người trong và ngoài nước:

Trong nước Hải ngoại

Đăng ký Ghi tên, ghi danh

Tham quan Đi thăm, đi xem

Khẩn trương Nhanh lên

Chảnh Làm cao, kênh kiệu

v..v....



Hiện Thư Viện Toàn Cầu (thuvienvietnam.com) có nhã ý sưu tầm, đưa lên mạng những phương ngữ và cách dùng khác biệt của cả trong và ngoài nước. Mục đích để giúp người Việt cập nhật hoá vốn từ vựng mà họ không hiểu hoặc khiếm khuyết do cách trở địa dư. Nó còn là một nhịp cầu cảm thông giúp người Việt trong và ngoài nước hiểu rõ nhau qua phương ngữ. Đây là địa chỉ truy cập: http://tvvn.org/f82/announcements.html


Qua những dẫn chứng trên tôi có thể đi đến một kết luận "Việt Nam không có một ngôn ngữ thuần chất". Có hay chăng chỉ có thể là ngôn ngữ đầu tiên được nói bởi loài người. Nếu có, câu hỏi kế tiếp sẽ được đặt ra là "Có một ngôn ngữ đầu tiên hay không?" hay "Có một hay nhiều ngôn ngữ đầu tiên?" Và làm sao thứ ngôn ngữ đầu tiên này không bị ảnh hưởng hay thâm nhập bởi một ngôn ngữ khác khi giao tiếp giữa giống người này với giống người khác, bộ lạc này với bộ lạc kia khi thế giới rất là rộng lớn.


Tiếng Việt hải ngoại có mất đi tính thuần chất hay không?


Khi có sự giao tiếp ngôn ngữ chuyển động. Nhờ chuyển động nên nó bất tử.

Nguời viết hải ngoại hàng ngày phải dùng và tiếp xúc với ngoại ngữ. Do lòng yêu nước và yêu tiếng Việt thúc đẩy, họ, những người chưa bao giờ cầm viết bắt đầu cầm viết, người đã cầm viết, tiếp tục viết. Viết, đối với họ là một nhu cầu để bày tỏ những cảm nghĩ, tư duy, tình cảm về đời sống tha hương.


Người viết hải ngoại có cái lợi là tiếp xúc được với văn học thế giới nhờ thế giới liên mạng Internet. Hơn nữa nhờ điều kiện địa dư, định cư khắp nơi trên thế giới, họ có nhiều cơ hội để tìm tòi và khai phá cái hay cái lạ của ngôn ngữ, văn hoá xứ người hơn người Việt trong nước. Một khi văn bản của người viết có ảnh hưởng chất “đặc thù” của các ngôn ngữ và văn hoá địa phương, nó không những không làm mất đi cái hay của tiếng Việt, mà nó còn đánh thức tiềm năng sẵn có của tiếng Việt, tạo thêm nhiều chiều kích mới cho ngôn ngữ Việt Nam.


Có người viết với mục đích thổi về quê mẹ những luồng gió hay lạ của văn học, văn hoá thế giới, bổ xung cái khiếm khuyết mà vì điều kiện điạ dư, hoàn cảnh gắt gao của chủ nghĩa, người dân trong nước chưa từng hay chưa bao giờ được đọc, được thưởng thức.


Có người viết để khơi mở, khai phá, đổi mới nền văn học quá cũ kỹ, bảo thủ, thành kiến, từ chương ở trong nước.


Có thể lấy ví dụ là:


- Những bài thơ rất lạ và mới có nội dung sâu xa, súc tích của Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Đăng Thường, Thường Quán., Đỗ Kh..v..v..

- Những công trình sáng tác, dịch thuật, văn chương của Hoàng Ngọc Tuấn, Diễm Châu, Phạm Thị Hoài, Hoàng Ngọc Biên, Dũng Vũ, và của rất nhiều tác giả khác nhau trên sách báo, tạp chí, các websites văn học nghệ thuật như Tiền Vệ, hoặc diễn đàn Talawas..v..v...

- Những bài tiểu luận nhận định, phân tích và phê bình văn học của Nguyễn Hưng Quốc đã là chiếc chìa khoá phê bình đầu tiên khai mở lý thuyết văn học VN. Nó xác định được vị trí của nền văn học VN đang đứng ở chỗ nào so với nền văn học thế giới.


Nền văn học hải ngoại là một nhánh khác của nền văn học VN, là hiện thân của tiếng Việt, là tiếng điạ phương hay phương ngữ của tiếng Việt. Nền văn học hải ngoại tự nó phát sinh, tự nó tồn tại và sẽ còn tồn tại khi còn người Việt ở hải ngoại.


Người Việt hải ngoại vì sự trớ trêu của lịch sử đã phải viết và nói một thứ tiếng Việt có đôi khi khác với thứ tiếng Việt ở trong nước nhưng sự khác biệt ấy chỉ tạo nên nét đa dạng, sự phong phú, tính đa văn hoá của ngôn ngữ. Tính đa văn hoá này lại phù hợp với nét đặc thù của văn chương nghệ thuật toàn cầu thời hậu hiện đại. Nó không những làm giàu mà còn làm mới cho tiếng Việt từ lâu quá cũ kỹ, nằm yên trong chiến tranh bao nhiêu năm và vì sự bó buộc của ý thức hệ đến nỗi ù lì, chậm lớn không thể phát triển.


Bây giờ nó bắt đầu được tháp cánh, chuyển sinh giàu có thêm nhờ sự kết hợp của hai dòng chảy văn hoá trong và ngoài nước. Nếu chúng ta đừng vì đầu óc kỳ thị trong ngoài, bỏ đi những ý tưởng bảo thủ, tư kiến chủ nghĩa, biết khéo léo kết nối hai dòng chảy vào nhau chắc chắn tiếng Việt của chúng ta sẽ có một tương lai phong phú, giàu có và xúc tích.





Trịnh Thanh Thủy



_____________________________



Tài liệu tham khảo



-Bách khoa tự điển Wikipedia

http://en.wikipedia.org/wiki/Main_Page

-Nguồn Gốc Và Diễn Tiến Ngôn Ngữ/Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ Sở Ngôn Ngữ Học Và Tiếng Việt. Nxb Giáo Dục, H., 1997, trang 38–44.

(http://ngonngu.net/index.php?fld=nnh...oc_dientien_02)

- Thư Viện Toàn Cầu (Thư Viện Việt Nam): http://tvvn.org/f82/announcements.html
-Taberd (1838)/Cơ Sở Xác Đ ịnh Nguồn Gốc Tiếng Việt (qua 2 bài báo của A.G. Haudricourt) http://ngonngu.net/index.php?fld=tie...udricourt_csxd

-Trao đổi với Đoàn Tiểu Long/Hoà Nguyễn

(Theo tài liệu (loại phổ thông), ngày nay tiếng Hàn có 52% gốc từ chữ Hán, Nhật có từ 60 đến 70% gốc Hán, và tiếng Việt có 60% hoặc nhiều hơn từ ngữ Hán Việt.)

http://www.talawas.org/talaDB/showFi...res=7576&rb=06

-Tình Hình Và Chính Sách Xây Dựng Và Phổ Cập Chữ Viết Các Dân Tộc Thiểu Số Ở Việt Nam/ Hoàng Thị Châu

http://ngonngu.net/index.php?fld=nnh...cv_dtts_htchau
__________________
Anything done without Love is Evil



Một Ý kiến khác:

Nỗi Buồn Tiếng Việt

Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội. Mỗi ngày, từ những đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền với hoàn cảnh sinh hoạ xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại những áng văn thơ cách đây chừng năm mươi năm trở lại, ta thấy nhiều cách nói, nhiều chữ khá xa lạ, vì không còn được dùng hàng ngày. Những thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn, tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi. Ban đầu những thay đổi này chi giới hạn trong phạm vi Bắc vĩ tuyến 17, nhưng từ sau ngày cộng sản toàn chiếm Việt Nam, 30 tháng tư năm 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam. Rồi, đau đớn thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở hải ngoại. Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng ; Nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm.
Thế nhưng dựa vào đâu mà nói đó là những thay đổi xấu ?
Nếu sự thay đổi đưa lại một chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã quen dùng, thì đây là một thay đổi xấu, nếu dùng một chữ Hán Việt để thay một chữ Việt thì lại càng xấu hơn. Bởi vì nó sẽ làm cho câu nói tối đi. Người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt. Nhất là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở Trung Hoa bây giờ đang dùng chữ ấy. Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng. Hãy duyệt qua vài thay đổi xấu đã làm buồn tiếng Việt hôm nay :
1. Chất lượng :
Ðây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vụ. Người ta dùng chữ này để dịch chữ quality của tiếng Anh. Nhưng than ôi ! Lượng không phải là phẩm tính, không phải là quality. Lượng là số nhiều ít, là quantity. Theo Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu, thì lượng là : đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng cả. Vậy tại sao người ta lại cứ nhắm mắt nhắm mũi dùng một chữ sai và dở như thế. Không có gì bực mình hơn khi mở một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại rồi phải đọc thấy chữ dùng sai này trong các bài viết, trong các quảng cáo thương mãi. Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ phẩm. Bởi vì phẩm tính mới là quality. Mình đã có sẵn chữ phẩm chất rồi tại sao lại bỏ quên mà dùng chữ ‘chất lượng’. Tại sao lại phải bắt chước mấy anh cán ngố, cho thêm buồn tiếng nước ta.
2. Liên hệ :
Cũng từ miền Bắc, chữ này lan khắp nước và nay cũng tràn ra hải ngoại. Liên hệ là có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính. Người cộng sản Việt Nam dùng chữ liên hệ để tỏ ý nói chuyện, đàm thoại. Tại sao không dùng chữ Việt là ‘nói chuyện’ cho đúng và giản dị. Chữ liên hệ dịch sang tiếng Anh là ‘to relate to …’, chứ không phải là ‘to communicate to …’
3. Ðăng ký :
Ðây là một chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người Tầu của họ. Ðến khi toàn chiếm lãnh thổ, họ đã làm cho chữ này trở nên phổ thông ở khắp nước, Trước đây, ta đã có chữ ghi tên (và ghi danh) để chỉ cùng một nghĩa. Người Tầu dùng chữ đăng ký để dịch chữ ‘register’ từ tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ ghi tên hay ghi danh cho câu nói trở nên sáng sủa, rõ nghĩa. Dùng làm chi cái chữ Hán Việt kia để cho có ý nô lệ người Tầu ? !
4. Xuất khẩu, Cửa khẩu :
Người Tầu dùng chữ khẩu, người Việt dùng chữ cảng. Cho nên ta nói xuất cảng, nhập cảng, chứ không phải như cộng sản nhắm mắt theo Tầu gọ là xuất khẩu, nhập khẩu. Bởi vì ta vẫn thường nói phi trường Tân Sơn Nhất, phi cảng Tân Sơn Nhất, hải cảng Hải Phòng, giang cảng Sài Gòn, thương cảng Sài Gòn. Chứ không ai nói phi khẩu Tân Sơn Nhất, hải khẩu Hải Phòng, thương khẩu Sài Gòn trong tiếng Việt. Khi viết tin liên quan đến Việt Nam, ta đọc bản tin của họ để lấy dữ kiện, rồi khi viết lại bản tin đăng báo hay đọc trên đài phát thanh tại sao không chuyển chữ (xấu) của họ sang chữ (tốt) của mình, mà lại cứ copy y boong ?
5. Khả năng :
Chữ này tương đương với chữ ability trong tiếng Anh, và chỉ được dùng cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động động theo chủ ý. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam người ta dùng chữ khả năng trong bất kỳ trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói là ‘trời hôm nay có thể mưa’, thì người ta lại nói : ‘trời hôm nay có khả năng mưa’, nghe vừa nạng nề, vừa sai.
6. Tranh thủ :
Thay vì dùng một chữ vừa rõ ràng vừ giản dị là chữ ‘cố gắng’, từ cái tệ sính dúng chữ Hán Việt của người cộng sản, người ta lại dùng một chữ vừa nặng nề vừa tối nghĩa là chữ ‘tranh thủ’. Thay vì nói : ‘anh hãy cố làm cho xong việc này trước khi về’, thì người ta lại nói : ‘anh hãy tranh thủ làm cho xong việc này trước khi về’.
7. Khẩn trương :
Trước năm 1975 chúng ta đã cười những người lính cộng sản, khi họ dùng chữ này thay thế chữ ‘nhanh chóng’. Nhưng than ôi, ngày nay vẫn còn những người ở Việt Nam (và cả một số người sang Mỹ sau này) vẫn vô tình làm thoái hóa tiếng Việt bằng cách bỏ chữ ‘nhanh chóng’ để dùng chữ ‘khẩn trương’. Ðáng lẽ phải nói là : ‘Làm nhanh lên’ thì người ta nói là : ‘làm khẩn trương lên’.
8. Sự cố, sự cố kỹ thuật :
Tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông trước đây như ‘trở ngại’ hay ‘trở ngại kỹ thuật’ hay giản dị hơn là chữ ‘hỏng’ ? (Nói ‘xe tôi bị hỏng’ rõ ràng mà giản dị hơn là nói ‘xe tôi có sự cố’)
9. Tham quan :
Đi thăm, đi xem thì nói là đi thăm, đi xem cho rồi tại sao lại phải dùng cái chữ này của người Tầu ? ! Sao không nói là ‘Tôi đi Nha Trang chơi’, ‘tôi đi thăm lăng Minh Mạng’, mà lại phải nói là ‘tôi đi tham quan Nha Trang’, ‘tôi đi tham quan lăng Minh Mạng’.
10. Nghệ nhân :
Ta vốn gọi những người này là ‘nghệ sĩ’. Mặc dù đây cũng là tiếng Hán Việt, nhưng người Tầu không có chữ nghệ sĩ, họ dùng chữ nghệ nhân. Có những người tưởng rằng chữ nghệ nhân cao hơn chữ nghệ sĩ, họ đâu biết rằng nghĩa cũng như vậy, mà sở dĩ người cộng sản Việt Nam dùng chữ nghệ nhân là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa.
11. Chuyển ngữ :
Ðây là một chữ mới, xuất hiện trên báo chí Việt Nam ở hải ngoại trong vài năm gần đây. Trước đây chúng ta đã có một chữ giản dị hơn nhiều để tỏ ý này. Ðó là chữ dịch, hay dịch thuật. Dịch tức là chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Ðoàn Thị Ðiểm dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc của Ðặng Trần Côn Phan Huy Vịnh dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, Nguyễn Hiến Lê dịch Chiến Tranh Và Hòa Bình của Leon Tolstoi ... Người viết ở hải ngoại bây giờ hình như có một mặc cảm sai lầm là nếu dùng chữ dịch thì mình kém giá trị đi, nên họ đặt ra chữ 'chuyển ngữ' để thấy mình oai hơn. Chữ dịch không làm cho ai kém giá trị đi cả, chữ ‘chuyển ngữ’ cũng chẳng làm giá trị của ai tăng thêm chút nào. Tài của dịch giả hiện ra ở chỗ dịch hay, dịch đúng mà thôi. Chứ đặt ra chữ mới nghe cho kêu không làm tài năng tăng lên chút nào, hơn nữa nó còn cho thấy sự thiếu tự tin, sự cầu kỳ không cần thiết của người dịch.
12. Tư liệu :
Trước đây ta vốn dùng chữ tài liệu, rồi để làm cho khác miền nam, người miền bắc dùng chữ ‘tư liệu’ trong ý : ‘tài liệu riêng của người viết’. Bây giờ những người viết ở hải ngoại cũng ưa dùng chữ này mà bỏ chữ ‘tài liệu’ mặc dù nhiều khi tà liệu sử dụng lại là tài liệu đọc trong thư viện chứ chẳng phải là tài liệu riêng của ông ta.
13. Những danh từ kỹ thuật mới :
Thời đại của điện tử, của computer tạo ra nhiều danh từ kỹ thuật mới, hay mang ý nghĩa mới. Những danh từ này theo sự phổ biến rộng rãi của kỹ thuật đã trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Hầu hết những chữ này có gốc từ tiếng Anh, bởi vì Hoa Kỳ là nước đi trước các nước khác về kỹ thuật. Các ngôn ngữ có những chữ cùng gốc (tiếng Ðức, tiếng Pháp …) thì việc chuyển dịch trở nên tử nhiên và rõ ràng, những ngôn ngữ không cùng gốc, thì người ta địa phương hóa những chữ ấy mà dùng. Riêng Việt Nam thì làm chuyện kỳ cục là dịch những chữ ấy ra tiếng Việt (hay mượn những chữ dịch của người Tầu), tạo nên một mớ chữ ngây ngô, người Việt đọc cũng không thể hiểu nghĩa những chứ ấy là gì, mà nếu học cho hiểu nghĩa thì khi gặp những chữ ấy trong tiếng Anh thì vẫn không hiểu. Ta hãy nhớ rằng, ngay cả những người Mỹ không chuyên môn về điện toán, họ cũng không hiểu đích xác nghĩa của những danh từ này, nhưng họ vẫn cứ chỉ biết là chữ ấy dùng để chỉ các vật, các kỹ thuật ấy, và họ dùng một cách tự nhiên thôi. Vậy tại sao ta không Việt hóa các chữ ấy mà phải mất công dịch ra cho kỳ cục, cho tối nghĩa. Ông cha ta đã từng Việt hóa biết bao nhiêu chữ tương tự, khi tiếp xúc với kỹ thuật phương tây cơ mà. Ví dụ như ta Việt hóa chữ ‘pomp’ thành ‘bơm’ (bơm xe, bơm nước), chữ ‘soup’ thành ‘xúp’, chữ ‘phare’ thành ‘đèn pha’, chữ ‘cyclo’ thành ‘xe xích lô’, chữ ‘manggis’ (tiếng Mã Lai) thành ‘quả măng cụt’, chữ ‘durian’ thành ‘quả sầu riêng’, chữ ‘bougie’ thành ‘bu-gi, chữ ‘manchon’ thành ‘đèn măng xông’, chữ ‘boulon’ thành ‘bù-lon’, chữ ‘gare’ thành ‘nhà ga’, chữ ‘savon’ thành ‘xà bông’ … Bây giờ đọc báo, thấy những chữ dịch mới, thì dù đó là tiếng Việt, người đọc cũng vẫn không hiểu như thường. Hãy duyệt qua một vài danh từ kỹ thuật bị ép dịch qua tiếng Việt Nam, như :
a. Scanner dịch thành ‘máy quét’. Trời ơi ! ’máy quét’ đây, thế còn máy lau, máy rửa đâu ? ! Mới nghe cứ tưởng là máy quét nhà !
b. Data Communication dịch là ‘truyền dữ liệu’.
c. Digital camera dịch là ‘máy ảnh kỹ thuật số’.
d. Data base dịch là ‘cơ sở dữ liệu’. Những người Việt đã không biết data base là gì thì càng không biết ‘cơ sơ dữ liệu’ là gì luôn.
e. Software dịch là ‘phần mềm’, hardware dịch là ‘phần cứng’ mới nghe cứ tưởng nói về đàn ông, đàn bà. Chữ ‘hard’ trong tiếng Mỹ không luôn luôn có nghĩa là ‘khó’, hay ‘cứng’, mà còn là ‘vững chắc’ ví dụ như trong chữ ‘hard evident’ (bằng chứng xác đáng) … Chữ soft trong chự ‘soft benefit’ (quyền lợi phụ thuộc) chẳng lẽ họ lại dịch là ‘quyền lợi mềm’ sao ?
f. Network dịch là ‘mạng mạch’.
g. Cache memory dịch là ‘truy cập nhanh’.
h. Computer monitor dịch là ‘màn hình’ hay ‘điều phối’.
i. VCR dịch là ‘đầu máy’ (Như vậy thì đuôi máy đâu ? Như vậy những thứ máy khác không có đầu à ?). Sao không gọi là VCR như mình thường gọi TV (hay Ti-Vi). Nếu thế thì DVD, DVR thì họ dịch là cái gì ?
j. Radio dịch là ‘cái đài’. Trước đây mình đã Việt hóa chữ này thành ra-đi-ô hay ra-dô, hơặc dịch là ‘máy thu thanh’. Nay gọi là ‘cái đài’ vừa sai, vừa kỳ cục. Ðài phải là một cái tháp cao, trên một nền cao (ví dụ đài phát thanh), chứ không phải là cái vật nhỏ ta có thể mang đi khắp nơi được.
k. Chanel gọi là ‘kênh’. Trước đây để dịch chữ TV chanel, ta đã dùng chữ đài, như đài số 5, đài truyền hình Việt Nam … gọi là kênh nghe như đang nói về một con sông đào nào đó ở vùng Hậu Giang !
Ngoài ra, đối với chúng ta, Sài Gòn luôn luôn là Sài Gòn, hơn nữa người dân trong nước vẫn gọi đó là Sài Gòn. Các xe đò vẫn ghi bên hông là ‘Sài Gòn - Nha Trang’, ‘Sài Gòn - Cần Thơ’ … trên cuống vé máy bay Hàng Không Việt Nam người ta vẫn dùng 3 chữ SGN để chỉ thành phố Sài Gòn. Vậy khi làm tin đăng báo, tại sao người Việt ở hải ngoại cứ dùng tên của một tên (.........). để gọi thành phố thân yêu của chúng mình ? ! Ði về Việt Nam tìm đỏ mắt không thấy ai không gọi Sài Gòn là Sài Gòn, vậy mà chỉ cần đọc các bản tin, các truyện ngắn viết ở Hoa Kỳ ta thấy tên Sài Gòn không được dùng nữa. Tại sao ?
Ðây chỉ là một vài ví dụ để nói chơi thôi, chứ cứ theo cái đà này thì chẳng mấy chốc mà người Việt nói tiếng Tầu luôn mất ! Tất nhiên, vì đảng cộng sản độc quyền tất cả mọi sinh hoạt ở Việt Nam, nên ta khó có ảnh hưởng vào tiếng Việt đang dùng trong nước, nhưng tại sao các nhà truyền thông hải ngoại lại cứ nhắm mắt dùng theo những chữ kỳ cục như thế ? ! Cái khôi hài nhất là nhiều vị trong giới này vẫn thường nhận mình là giáo sư (thường chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp (chưa đỗ cử nhân) hay đệ nhị cấp ở Việt Nam ngày trước, chứ chẳng có bằng Ph.D. nào cả), hay là các người giữ chức này chức nọ trong các hội đoàn tự cho là có trách nhiệm về văn hóa Việt Nam ở ngoài nước !
Trước đây Phạm Quỳnh từng nói : ‘Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn’, bây giờ Truyện Kiều vẫn còn mà cả tiếng ta lẫn nước ta lại đang đi dần xuống hố sâu Bắc Thuộc. Than ôi !


Chu Đậu
lyhuong.org


Vài Ngôn Ngữ Việt Nam Trước và sau 75
Trước 75------------ Sau 75

- Bảo đảm----------- Đảm bảo
- Nói chuyện--------- Giao lưu
- Hưng phấn--------- Hứng khởi
- Đồng ý------------- Nhất trí
- Canh cải----------- Cải cách
- Chứng minh-------- minh chứng
-Liên lạc = Liên hệ
-Giá hời = bèo
-Tài tử super = siêu sao
-Suy nghĩ = động não
-Tư tưởng= chất xám
-Quảng cáo = khuyến mại
-Ghi danh= đăng ký
-Đại Hàn= Hàn Quốc
-Một trăm ngàn đồng= một trăm
-gọi phone= nhá phôn
-Nhiều chuyện = tám quá
-Nhà mặt tiền = nhà mặt bằng
-Cố gắng = sự cố
-Sáng kiến = phát huy
-Không rảnh = không quởn
- Nhạc sến----------- Nhạc quê hương
- Bắt đầu------------- Khởi động
- Bàn bạc------------ Thảo luận
- Tự nhiên-------------Vô tư
- Giật gân------------ Nóng bỏng
- Đá banh-------------Bóng đá
- Thay đổi-------------Biến động
- Hay thiệt là hay-----Tuyệt vời trên cả tuyệt vời
-Kẹt xe................................................ ............ Ùn tắc giao thông
-Mực nước........................................... ............ Triều cường
-Cướp giật............................................ ........... Trấn lột
-Máy bay riêng............................................ .... Chuyên cơ
-Dọn dẹp chỗ............................................. ..... Giải phóng mặt bằng
-Thăm viếng........................................... ......... Tham quan
-Long trọng........................................... .......... Trọng thị


Chữ trước 75 và Sau 75
- Ghi danh = Đăng Ký (sau 75 – lại còn có chỗ ghi là đăng kí)
- Cảnh sát = bò vàng = công an (chữ dùng trong nước.)
- Ban đêm = Buổi đêm
- Bực tức (bứt rứt, nóng nảy) = bức xúc
- Giá rẻ (giá hời) = Giá bèo
- Lựa chọn = bình chọn
- Bỏ phiếu = bình bầu
- Hồng thập tự = chữ thập đỏ
- Phạt vạ, Chế ngự = chế tài
- Nhóm, dãy, bó = cụm
- Nhóm chữ = cụm từ
- Dãy nhà vệ sinh = cụm nhà vệ sinh (thiệt tình)
- Bó hoa = cụm hoa
- Ở tù = cải tạo
- Cải thiện đời sống = cải tạo đời sống
- Phẩm chất = chất lượng
- Ấn tượng = dấu ấn
- Xuất cảng = Xuất khẩu.
- Nhập cảng = Nhập khẩu
- Tờ Khai Gia Đình = Sổ hộ khẩu
- Tiềm năng, tiềm chất, tài năng = Tố chất
Thí dụ: Một cán bộ đã viết: “Cô ấy không đẹp nhưng có tố chất”
Đúng ra phải viết: Cô ấy không đẹp nhưng có tài năng (tiềm chất nào đó)

- Ngôi nhà = Căn hộ
- Xã giao, Ngoại giao (trước 75) = Giao Lưu (sau 75)
- Điện toán, Điện tử = vi tính, vi ba
- Chia xẻ, San sẻ = Chia sẻ (kết lại từ 2 câu)
- Phần ăn = Khẩu phần
- Bất trắc, Trở ngại, Hư hỏng = Sự cố
(
Xe bị “sự cố” = xe bị hư , cầu Cần Thơ bị “sự cố” = cầu Cần Thơ bị sập, bị hư)

Nghiên cứu = Điều nghiên
Điều khiển chương trình = Điều hợp, điều phối chương trình
Liên lạc, Nói chuyện = Liên hệ
Tra cứu = Truy xuất
Cá nhân = Cá thể
Phẩm chất = Chất lượng (sau 75)
Khả năng = Công năng (sau 75 )
Cố gắng = Tranh thủ (sau 75
Nhanh lên = Khẩn trương lên
Viếng thăm = Tham quan
Nghệ sĩ = Nghệ nhân
Dịch thuật = Chuyển ngữ
Tài liệu = Tư liệu (sau 75 dùng tràn lan chứ không phải chỉ là tài liệu riêng)
Giải quyết, Đối phó = Xử lý
Database = Nơi trữ dữ liệu = (cs dịch là cơ sở dữ liệu)
Phân tâm = Chia trí
==================

” Scanner : dịch là “máy quét”. Trời ơi ! máy quét, thế còn máy lau, máy rửa đâu? Mới nghe tưởng là máy quét nhà !
Data Communication : dịch là ” truyền dữ liệu “. Sao không dịch là ” liên lạc dữ liệu ” vì liên lạc đây có thể là gởi hoặc nhận. Trong khi chữ “truyền ” chỉ có 1 chiều.
Digital camera : dịch là ” máy ảnh kỹ thuật số “. Nghe làm như có liên quan đến xe số tay hay xe số tự động vậy. Sao không Việt hoá gọi là “máy thu hình đi-di-tang” hay “máy ảnh đi-gi-tang”.
Database : dịch là ” cơ sở dữ liệu “. Sao không dịch là “nơi trữ dữ liệu “, nghe chữ “cơ sở ” cứ tưởng là cơ sỏ làm ăn buôn bán, hay cơ sở công cộng.
Software : dịch là “phần mềm “, hardware dich là ” phần cứng ” mới nghe cứ tưởng nói là đàn ông , đàn bà. Chữ “hard” trong tiếng Mỹ không luôn luôn có nghĩa ” khó “, hay ” cứng “, mà còn có nghĩa là “vững chắc ” ví dụ như trong chữ “hard evident ” (bằng chứng xác đáng…chữ “soft ” trong chũ ” soft benefit ” (quyền lợi phụ thuộc ) chẳng lẽ lại dịch là ” quyền lợi mềm” sao?
Network : dịch là “mạng mạch “. Mới nghe cứ tưởng liên quan đến ngành Nông Lâm Súc vì cứ tưởng dính dáng đến nghề nông vì có luá mạch, luá mì. Sao không Việt hoá gọi thẳng là “mạng nét “?
cache memory : dịch là ” truy cập nhanh “. Ở đây chữ “truy cập ” nghe khó hiểu. Sao không gọi là ” bộ nhớ ẩn ” hay ” bộ nhớ nhanh”?

computer monitor:
dịch là “điều phối ” hay “màn hinh “. Sao không gọi là “màn hình điện toán “? bởi vì màn hình có thể là màn hình không liên hệ với điện toán
VCR dịch là “đầu máy ” ( Như vậy đuôi máy đâu? Như vậy những thứ khác không có đầu?) Sao không gọi VCR như mình thuờng gọi tv (hay ti-vi) hay “máy truyền hình “. DVD hay DVR thì dịch là gì?

Radio : vc dịch là ” cái đài “. Trước đây trong miền nam dịch là “máy truyền thanh” hay Việt hoá chữ này thành ra-đi-ô hay ra-đô. Nay bắt chước vc gọi là “cái đài ” vừa sai, kỳ cục. Đài phải là cái tháp cao, trên một nền cao ( ví dụ đài phát thanh, đài truyền hình, đài thiên văn,vv …) chứ không phải là cái vật nhỏ ta có thể mang đi khắp nơi được.
Chanel : vc dịch là “kênh”. Trước đây trong miền nam đã dịch chữ “tv chanel” thành chữ “đài ” như đài số 5, đài truyền hình VN… gọi là kênh nghe như đang nói về 1 con sông đào nào đó ở vùng Hậu Giang. Thí dụ như kênh đào Suez hay đi đào kênh, thuỷ lợi
* trích “Nỗi Buồn Tiếng Việt” của Chu Dậu
——–



Di tản (trước 75) = Sơ tán (sau 75)
Đồng ý =
Nhất trí

Ký Giao kèo (công – tra = từ “contract” ) = Ký Hợp đồng
Tử sĩ = Liệt sĩ (*)
Vinh danh = Biểu dương
Phối hợp lại (Điều động hay Sắp xếp lại) = Tái phối trí
Nghỉ ngơi = Thư giãn

Biến cố bất ngờ, Sự kiện (sự việc) bất ngờ
= Đôt biến (sau 75)
Gấp gáp, nôn nóng, bức rức => “khẩn trương”
Phẫn nộ , Bực (tức) mình, Bực bội => “bức xúc”
Khởi hành, bắt đầu hành động, bắt đầu đi... => “xuất phát”
Học tiếng Hoa => học tiếng Trung (? – mới nghe qua tưởng muốn học tiếng Huế!)
———

(*) “Liệt sĩ” trước 75 miền Nam vẫn xử dụng tùy ngữ cảnh.


ĐƠN CHIẾC (gia đình đơn chiếc) = Neo đơn (gia đình neo đơn – sau 75)
SOFTWARE (NHU LIỆU) = Phần mềm
DỊCH TẢ = Tiêu chảy cấp
CỐ VẤN = Tư vấn
LAN TRÀN = phát tán

Điều động (trước 75) = Điều phối (sau 75)
Chán nản, suy nhược tinh thần = Trầm cảm (sau 75)
Phấn chấn = Hưng phấn (sau 75)

GHI DANH = đăng ký
CẦU CHỨNG
(một sản phẩm) = đăng ký
TRUẤT BẠ (nhà, đất), ĐĂNG BẠ (Xe cộ)
= đăng ký
CHẾ NGỰ (?), PHẠT VẠ
= chế tài
TỜ KHAI GIA ĐÌNH
= hộ khẩu
HÔN THÚ
= giấy chứng nhận kết hôn
XUẤT CẢNG
= xuất khẩu
QUY MÔ, PHỔ THÔNG
= đại trà
KHÔNG CHÍNH ĐÁNG, KHÔNG CHÍNH THỨC
= ngoài luồng
ĐÁP SỐ, LỜI GIẢI, KẾT QUẢ =
đáp án
MẤT CẢM TÌNH
= phản cảm
TỈNH NGỘ = phản tỉnh
Trước 75 => HƯ HỎNG / Sau 75 => XUỐNG CẤP
Trước 75 => PHỤC CHẾ, SỬA CHỮA / Sau 75 = > NÂNG CẤP
Trước 75 => TRỤY TIM / Sau 75 => NHỒI MÁU CƠ TIM
Trước 75 => KẸT XE / Sau 75 => ÙN TẮC
(Theo Diễn đàn Một góc phố)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét