Bài
thứ 5 trong loạt bài Bình Long anh dũng.
Nhật ký An Lộc.
Giao
Chỉ, San Jose.
Cuốn nhật ký bỏ quên.
Cuốn sách 470 trang của bác sĩ giải phẫu tại mặt
trận viết về 86 ngày tại An Lộc quả thực là tác phẩm hay nhất mà tôi đọc lần
thứ hai trong năm 2011.
Giả thuyết đây là chuyện binh đoàn Mỹ
bị vây tại Khe Sanh hay lính Liên hiệp Pháp bị vây tại Điện Biên Phủ thì dù kết
quả ra sao, câu chuyện của một y sĩ giải phẫu duy nhất tại tiền tuyến như bác
sĩ Nguyễn văn Quý cũng làm cho tác phẩm trở thành một Best Seller trên thị
trường sách vở tây phương.
Bằng một giọng văn của một bác sĩ trẻ
tuổi, hết sức đơn giản, viết về những chuyện thực sự đã xẩy ra trong khoảng 3
tháng trên chiến trường Bình Long, tác phẩm đã làm cho độc giả hết sức xúc
động.
Bác sĩ Quý đã ghi lại dưới hình thức
hồi ký những chuyện xẩy ra đầu tháng 4-1972 tại An Lộc cho đến khi rời khỏi
Bình Long vào tháng 8-1972.
Sau đó những trang nhật ký dường như bị
bỏ quên cho đến khi tác giả ở lại Việt Nam, đi tù “cải tạo” rồi vượt biên. Khi
đoàn tụ tại Hoa Kỳ cô em gái giữ được các trang nhật ký đã trao lại cho anh.
Mãi đến năm 2002 cuốn sách mới được duyệt lại và do nhà Văn nghệ xuất bản.
Quả thực tôi không rõ năm 2002 tác phẩm
đã phát hành bao nhiêu cuốn. Được đáp ứng ra sao. Tuy nhiên hiện nay sách không
còn thấy trong các tiệm sách. Cuốn sách tôi mua và đọc gần 10 năm trước hiện đã
bị thất lạc.
Cuốn sách đọc lại để giới thiệu tôi mới
tìm thấy tại khu Việt ngữ của thư viện chính thành phố San Jose. Với nỗ lực tìm
hiểu về trận An Lộc để làm DVD, tôi hết sức vui mừng gặp lại Nhật ký An Lộc.
Những chương sách.
Khi soạn lại để xuất bản tại Hoa kỳ, tác giả đã bổ
túc và sắp xếp thành 32 chương sách. Mỗi chương sách viết về những giai đoạn
của cuộc chiến nhưng cũng hướng về một chủ đề.
Đọc
từng chương sách qua các chủ đề độc giả có thể hiểu được bao quát hoàn cảnh
chiến trường. Tôi xin nhắc lại vài chương chính thí dụ bắt đầu bằng Ngày 6
tháng 4-72 là ngày những trái pháo kích đầu tiên rớt xuống An Lộc mở đầu cho
cuộc tấn công. Rồi mất Lộc Ninh, Lương khô, Cứu trợ, Kho thuốc, Tản thương, Tù
binh, Thả dù, Tấn công đợt nhất. Địa ngục trần gian.Di chuyển, Tái lập phòng mổ,
Tấn công đợt II, Người ở lại, May rủi, Cô bé An Bình, Thăm chiến trường, Đi
phép, Giã từ, Chiến sĩ xuất sắc và 30 năm nhìn lại.
Khi tác giả viết 30 năm nhìn lại là
thời điểm duyệt lại tài liệu và phát hành sách lần đầu tiên năm 2002 tại Hoa
Kỳ.
Ngày nay qua Hồi Ký An Lộc, chúng ta
cùng nhìn lại thì chuyện Bình Long đã trải qua 40 năm.
Hậu phương ngay tại tiền tuyến.
Câu chuyện của bác sĩ Quý lôi cuốn và hấp dẫn ở chỗ
đã mô tả cuộc sống hàng ngày của một bác sĩ giải phẫu làm việc trong điều kiện
khó khăn. Thiếu phương tiện, thiếu tiếp liệu, thiếu nhân viên. Trong khi đó
thương binh cần giải phẫu quá nhiều. Bệnh nhân bao gồm cả dân cả quân và cả địch.
Những ca mỗ liên tiếp trong lúc pháo
kích vẫn dồn dập trên đầu. Trong lúc cấp thời, căn nhà rung chuyển vì bom đạn mưa
bụi rơi xuống, bác sĩ theo phản xạ, vội lấy tay che bụng bệnh nhân đang mở toác
ra giữa bàn mổ.
Các nhân viên y tế, cả nam lẫn nữ, cả
dân sự lẫn quân sự, cả dân y lẫn quân y tiếp tục làm việc vì các y sĩ vẫn làm
việc. Nhân viên của bệnh viện cũng chết vì pháo kích, cũng mất tinh thần cũng
cố gắng để tiếp tục công việc. Điều quan trọng nhất là nỗ lực chịu đựng trong
hoàn cảnh tệ hại nhất.
Một cách hết sức tình cờ, tác giả là
bác sĩ giải phẫu duy nhất tại mặt trận nên đã thực hiện tổng cộng 248 trường
hợp trong 86 ngày. Hầu hết đã được cứu sống. Một kỷ lục hiếm có.
Xem như cách tác giả trình bày, ông
chưa từng có nhiều kinh nghiệm về giải phẫu tại chiến trường trước khi lên An
Lộc.
Y sĩ tiền tuyến.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quý tốt nghiệp đại học y khoa Sài
Gòn năm 1967. Vì là con một nên có điều kiện hoãn dịch, nhưng ông đã tình
nguyện nhập ngũ. Sau khi học căn bản quân sự, bác sĩ Quý về làm đại đội trưởng
đại đội quân y của trung đoàn xung kích 43, sư đoàn 18 bộ binh.
Tại đơn vị này trung úy Quý có cơ hội tham
dự các cuộc hành quân tại miền Đông Nam Phần trong vai trò y sĩ tiền tuyến. Sau
ông về Saigon học giải phẫu một năm và xin đổi về làm y sĩ giải phẫu tại An Lộc
sau khi tốt nghiệp.
Thị xã An Lộc thuộc tỉnh Bình Long đầu
năm 1972 vẫn còn là một nơi bình yên và gần Sài Gòn.
Khi từ giã sư đoàn 18, bác sĩ Quý đã
từ giã cả vị trung đoàn trưởng là trung tá Trần Văn Nhật. Khi về Bình Long ông
lại có dịp gặp lại tiểu khu trưởng là đại tá Trần Văn Nhật. Ngày nay ông và
chuẩn tướng Nhật cùng cư ngụ tại Nam Cali. Khi về nhận việc tại Bình Long, bác
sĩ Quý có cấp bậc đại úy thực thụ. Từ giã Bình Long sau 86 ngày trong địa ngục
trần gian, ông trở thành chiến sĩ xuất sắc của ngành quân y với cấp bậc thiếu
tá.
Trong suốt 86 ngày An Lộc, bom đạn đã
tránh ông nhiều lần kể cả một lần pháo kích ban đêm ngay tại giường ngủ đúng
lúc ông đi ngủ lang chỗ khác. Còn đạn pháo kích rơi chung quanh là chuyện rất
thường.
Bên cạnh những thương binh và những xác
chết, không phải là vài chục vài trăm mà là hàng ngàn thương binh và hàng chục
ngàn tử sĩ cùng dân chúng, bác sĩ Quý không giải thích được ý nghĩa của chiến
tranh và đời sống. Sau cùng ông chỉ còn tin vào định mệnh và phần số của con
người.
Viết về nỗ lực làm tròn nhiệm vụ,
trong niềm hãnh diện kín đáo, người y sĩ giải phẫu của An Lộc luôn luôn cho
rằng chỉ cố làm bổn phận mà ai gặp hoàn cảnh đó cũng phải thi hành.
Người y sĩ trẻ tuổi đã lựa chọn cho
mình con đường nghĩa vụ của thanh niên thời chiến. Cũng như mọi người, ông muốn
về phục vụ đơn vị gần nhà trong thời gian tương đối ổn định, nhưng định mệnh đã
đưa ông vào An Lộc trong thời gian thị xã nhỏ bé này biến thành địa ngục.
Giây phút vinh quang.
Trong suốt 86
ngày chiến cuộc An Lộc, không phải toàn là những giây phút đen tối. Bên cạnh
súng nổ đạn bay cũng có những hạnh phúc nhỏ bé khi bữa ăn được dọn ra, những
lần được tắm rửa, những ca mổ thành công và sau cùng là những tấm lòng. Tình
nghĩa giữa cấp trên và bác sĩ. Giữa các chiến binh bằng hữu, đại tá Nhật, thiếu
tá Diệm và các y sĩ đồng nghiệp. Các cộng sự viên quân y và dân y. Các bệnh
nhân gồm dân, quân và cả địch. Thương binh cộng sản cũng được bên an ninh đem
đến cho bác sĩ giải phẫu. Chữa trị xong thì khóa vào giường sắt. Cả cô giao
liên và anh bộ đội. Kẻ thù sống hòa nhập tự nhiên vào thế giới của Việt Nam
Cộng Hòa tại khu bệnh viện.
Rồi nỗ lực của bác sĩ Quý được biết
đến để thế giới tán thưởng ngay tại chiến trường. Giây phút vinh quang là ông được
phóng viên báo Time vào hỏi chuyện ngay tại lúc An Lộc còn trong khói lửa. Rồi
phái đoàn quân y Mỹ liều mình vào thăm để chứng kiến ca mổ nhẹ nhàng và thành
công của y sĩ tiền tuyến Việt Nam ngay tại mặt trận. Vị y sĩ Hoa Kỳ đã xin đứng
mổ phụ với bác sĩ Quý trong niềm hào hứng và khâm phục.
Bên cạnh những phút vinh quang có những
niềm đau khi bác sĩ bất lực với những ca quá nặng. Đau đớn hơn cả là khi ông
phải cắt chân cắt tay các bệnh nhân, các chiến hữu, các anh hùng của quân đội
và cả những tay chân của các em bé.
Những chuyện bên lề.
Trong gần 500 trang sách hồi ký không hề thiếu những
chuyện bên lề. Hình ảnh những cô y tá cả dân lẫn quân y, các nhân viên bệnh
viện, trải qua bao nhiêu vất vả, mất ăn mất ngủ, dưới bom đạn, vẫn tận tụy làm
việc và giúp ông thầy giải phẫu ngay dưới ánh sáng của các ngọn đèn pin.
Những đối thoại trao đổi trong hoàn
cảnh nghiệt ngã của phòng giải phẫu cấp cứu và khu bệnh viện. Việc nhận tiếp tế
thả dù cũng là một chuyện hy hữu với con số bẩy tám người đã chết vì các kiện
hàng từ trên trời rơi xuống.
Tình chiến hữu thể hiện qua những
người lính đưa ông thầy vào cho bác sĩ cứu chữa. Khóc lóc xin bác sĩ cứu cho
đại úy của anh. Nhưng khi nằm dưỡng thương, ban đêm không có đèn, Việt cộng
pháo kích, mọi người chen nhau chạy xuống hầm đã đạp nhầm lên ông đại úy thương
binh, ông thầy của anh lính cần vụ nằm chết ngay bên cạnh.
Lại thêm một chuyện khác nữa, cũng như
mọi người bác sĩ Qúy nghe đồn bộ đội
cộng sản bị khóa chân vào chiến xa hay vũ khí nặng. Khi chiến trường tạm
ngưng tiếng súng, ông tò mò đến từng chiến xa để quan sát. Leo lên được một
chiến xa địch và ông thấy tận mắt xác bộ đội chỉ còn xương với giây xích khóa
vào chân dưới tay lái.
Trong lúc bị đạn, xe tăng cháy, các
bộ đội trong xe đã chạy khỏi chiến xa, chỉ còn lại anh lái nằm chết dần cùng
với ngọn lửa bùng cháy. Người chiến binh lái xe tăng trải qua ngàn dặm dọc
đường mòn Hồ chí Minh suốt 3 tháng, đưa chiến xa từ Vân Nam qua Hà Nội, qua Thanh
Nghệ Tĩnh, Hạ Lào, Cam Bốt để vào nằm chết cùng xe tại An Lộc. Tuổi thanh xuân
của anh không hề có lựa chọn.
Và cũng cay đắng không kém, anh bộ
đội tù binh được an ninh đưa đến cho bác sĩ Quý giải phẫu rồi sau đó bị khóa
vào giường sắt trong lúc nằm điều trị. Pháo kích của Việt cộng rơi vào khu bệnh
viện, các thương binh của ta bị chết. Cùng một lượt anh bộ đội bị khóa vào
giường cũng chết theo. Không ai biết anh đã chết ngay tại chỗ hay đã còn hấp
hồi với bàn tay bị khóa bên giường của kẻ thù đã từng cứu cho anh sống.
Chuyện
tản thương cũng hết sức phiền phức bắt đầu bằng quyết định ai đi ai ở. Những
người được chuẩn bị đưa đi gần như phải trốn tránh, giữ bí mật nhưng rồi chở ra
bãi đáp chờ cả ngày dài giữa cơn nắng hè và khói lửa pháo kích rồi lại trở về.
Những tin tức về phi cơ không xuống được hay bị bắn rớt đã xẩy ra hàng ngày.
Dường như điều may mắn không được kể
ra là bác sĩ Quý vẫn còn trong tình trạng độc thân, chỉ có mẹ già và em gái nên
những ngày đen tối ở An Lộc tương đối không bị ảnh hưởng gia đình.
Sau cùng, giá trị đáng kể của tác phẩm
là sự chân thực đã được viết ra. Tuyệt đối không có cường điệu, tuyên truyền
hay hận thù . Có thể sách này viết và xuất bản ngay thời gian cuối 1972 dù đáp
ứng được nhu cầu thời sự nhưng chưa chắc đã được kiểm duyệt giữ cho toàn vẹn.
Sách phát hành năm 2002 nên tác giả đã
có toàn quyền ghi nhận những cảm nghĩ thành thực hơn cho những hình ảnh đã trải
qua năm 1972.
Mong rằng câu chuyện của một bác sĩ
tiền tuyến tai An Lộc sẽ là phần quan trọng trong DVD Bình Long Anh Dũng để lại
cho thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, riêng tác phẩm Hồi ký An
Lộc nếu dịch ra Anh ngữ cũng dễ dàng được độc giả chấp nhận.
Đã có khá nhiều tác phẩm Anh ngữ do
các tác giả và chiến binh Hoa Kỳ viết về chiến tranh Việt Nam, nhưng chưa bác
sĩ Hoa kỳ nào trải qua các kinh nghiệm như bác sĩ Quý để có thể kể lại.
Hồi ký An Lộc rất cần được ra đời qua
ấn bản Anh ngữ, dù là đã muộn gần nửa thế kỷ.
Rất mong như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét