Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Đọc " Nhật ký An Lôc"


ĐỌC “NHẬT KÝ AN LỘC” CỦA BÁC SĨ NGUYỄN VĂN QUÝ

Đặng Trần Huân

Nhật Ký An Lộc của bác sĩ Nguyễn Văn Quý mới ra mắt thật sự là một cuốn nhật ký vì được viết từ 30 năm trước, ngay chính những ngày tác giả có mặt trong thời gian tử chiến 1972 ở Bình Long.

Nguyễn Văn Quý cho biết ông chỉ có ý định viết cho mẹ, các em ông và nếu có con để chúng biết về những gian khổ của ông tại Bình Long trong thời gian chiến cuộc đỏ lửa 1972 trên chiến trường Nam Việt Nam (trang 342). Nhật Ký An Lộc tuy không ghi từng ngày, tháng nhưng đầy đủ diễn tiến ba tháng tỉnh lỵ An Lộc bị bao vây, bị cô lập nhưng đã cầm cự quyết liệt và cuối cùng chiến thắng.
Nếu cuốn sách chỉ thuần túy là một cuốn nhật ký về đời riêng của mình từ lúc ấu thơ cho tới hiện tại thì cũng chả có gì đáng nói vì một bác sĩ tuy là một khuôn mặt cộng đồng nhưng Nguyễn Văn Quý không phải là một danh ca hay một siêu sao điện ảnh có đời tư sôi nổi, có những cuộc tình bốc cháy mà mà những người ái mộ tò mò muốn biết.


Mở trang đầu Nhật Ký An Lộc ta có thể tưởng như đang đi vào cuộc đời tác giả từ thuở ấu thơ. Nhưng phần này chi vỏn vẻn có vài dòng mà thôi. Sau đó nội dung sách cuốn hút ta từ khi lúc sinh viên Nguyễn Văn Quý tuy đã tốt nghiệp bác sĩ và đủ điều kiện nhưng không xin miễn dịch mà xin nhập ngũ Khóa 10 Y Sĩ Trưng Tập. Ông nhận công tác tại bệnh viện tiểu khu Bình Long ở tỉnh lỵ An Lộc ngày 13. 4. 71 và đúng ngày đó một năm sau Việt cộng tấn công Bình Long mà ông cho là với ông đó là một trùng hợp lạ lùng.

Nhật Ký An Lộc được viết với giọng văn rất thành thực, chân tình và nội dung bao chùm nhiều chi tiết khi anh hùng, khi bi thảm, đau thương trong mặt trận An Lộc mà trước nay chưa nghe ai kể.
Trong vòng vây, bác sĩ Quý tậân tình cứu chữa các chiến hữu với những điều kiện ngặt nghèo về phương tiện, có lúc ông đã phải dùng dây ny lông cột miệng bao cát để làm chỉ may vết thương sau giải phẫu và đại úy Nghi là người đầu tiên chịu sự thí nghiệm này, rồi tới các trường hợp sau nữa đều an toàn (tr. 288). Những đoạn mô tả sự tận tâm của người y tá Biệt Động Quân với đồng đội thương binh từ đơn vị xa tới (tr.115), điều ki?n làm việc trong bệnh viện khi không đèn, không điện thoại là những cảnh rất xúc động. Hãy nghe ông kể về một trường hợp thương tâm trong hàng trăm tường hợp:

Một người lính mặt mũi đầy cát bụi tới kéo áo tôi lại gần một chiếc cáng. Anh ta có vẻ xúc động lắm, nước mắt quanh tròng.
- Bác sĩ cứu giùm thiếu úy đại đội trưởng của em... Tụi nó còn nằm như rạ ngoài kia.
Tôi quỳ xuống bên băng ca. Một người nằm thiêm thiếp, mặt mũi tái xanh chắc chắn bị kích xúc rất nặng. Tôi thấy hai cẳng chân bị thương nát tới đầu gối. Vết thương đầy bùn đất. Cẳng chân trái chỉ còn là một đống thịt xương vụn nát dính vào đầu gối bằng mấy sợi gân trắng hếu. Nhìn nét mặt người thương binh thấy hơi quen quen. Tôi ngó xuống bảng tên: UY. Tôi ngửng phắt lên nắm vai anh lính:
- Có phải thiếu úy đại đội trưởng 212 không?

- Dạ phải.
Thôi rồi, tôi thấy lạnh buốt trong lòng. Một niềm thương cảm xót xa làm tôi thấy cay ở mắt. Tháng trước gặp Uy lần đầu tiên, ăn nhậu với Uy. Uy nói tôi và Uy có họ với nhau. Uy là em họ tôi ... Trong bữa tiệc tôi không tiện hỏi kỹ. Tôi nghĩ bao giờ về Sài Gòn hỏi lại người nhà cho chắc chắn (tr. 141, 143)
Thế rồi dù tận tình cứu chữa tác giả cũng đành phải cắt một phầân ba trên cẳng ngừơi em họ gặp lại ở chiến trường.
Trong hoàn cảnh bề bộn với những ca mổ, vị bác sĩ tuy mang trách nhiệm nặng nề nhưng có lúc lo sợ như ai, một tình cảm của thất tình.
Và hãy nghe tác giả dí dỏm nói tới cái sợ của người nữõ tù binh cộng sản về đạn của đồng chí của cô:

Những hôm bị pháo kích tôi đi ngang qua phòng cô ta thấy cô ta mặt mũi xanh rờn vì sợ, chui xuống gầm giường bệnh, một cánh tay vẫn bị khóa chặt vào thành giường, khiến mọi cử động của cô rất khó khăn. Tôi nghĩ bụng thì ra cô cũng sợ pháo của các đồng chí của cô (tr.157).

Trước ngày An Lộc bị bao vây, Ban An Ninh tỉnh giải tới bệnh việân tiểu khu hai tù binh bị thương có một nữ tuổi trạc 20. Tác giả đã mổ cho họ,ï săn sóc họ như người dân không phân biệt bạn, thù. Sau khi mổ họ được đưa ra phòng hậu giải phẫu.
Người nữ tù binh tỏ vẻ hoài nghi những người bắt giữ mình nhưng dần dần rồi hiểu và khi giải trở lại an ninh tỉnh cô đươc gỡ còng và đi lại tự do như mọi người thì cô vui vẻ trở lại.

Trong những trường hợp khác bộ đội Việt cộng bị còng nhưng chắc là các cấp chỉ huy của họ nói là "tự nguyện". Một hôm lợi dụng pháo kích lắng dịu, bác sĩ Quý và bác sĩ Diệm đi lên hướng Lộc Ninh quan sát chiến trường. Sau khi đi qua một dẫy mộ của chiến sĩ Biệt Cách Dù, ông chú ý tới những xác xe tăng địch gần đó.

Tôi chợt thấy một xe tăng tương đối còn mới dù đã qua gần một tháng trời mưa nắng... Tôi nhảy xuống xe, tiến về chiếc xe tăng. Vì chiếc xe bị bom thả trúng, chúi mũi xuống hố bom cũng khá sâu. Tôi thấy pháo tháp hơi bật ra về phía bên trái. Tôi và ông Diệm trèo lên nhìn vào bên trong chiếc xe tăng. Tôi thấy một bộ xương người ngay chỗ của tài xếâ. Chiếc xương sọ gục xuống bên tay lái. Cổ xương chân trái có một sợ dây xích cột vào cần lái xe (tr. 367, 368).
Thử hỏi giá dụ anh chàng lái xe tăng đó vào được An Lộc trong chiến thắng liệu cấp chỉ huy của anh trong cơn lửa đạn đã quăng mất tiêu chùm chìa khóa thì ai mở "cái còng tự nguyện" cho anh để ăn mừng?

Trong tình trạng bị bao vây đường tiếp tế duy nhất là thả dù, có những lần đồâ tiếp tế rơi vào vùng địch, đồ tiếp tế quá nặng đè chiến sĩ ta chết bẹp, hoặc đang thiếu lương thực quân sĩ reo mừng ùa ra tìm thực phẩm trong cái dù vừa rớt xuống khi mở ra lại thấy toàn là đạn và lựu đạn (tr.162).
Bên cạnh những nấm mồ chiến sĩ biệt kích đươc đồng đội không ngại hiểm nguy chôn trang trọng bên lề đường thì có những xác khác cả người lớn, trẻ em, quan, lính dồn về nhà xác của bệnh việân. Mới đầu ở nhà quàn, rồi sang tới nhà xe, rồi tới sân sau bệnh viện và ngang hông phòng y tế. Xác để lâu ngày xình thối và lên tới con số 300. Cuối cùng đành phải giải quyết bằng cách cho xe ủi đất đào hai hố lớn, mang nhữõng xác chết lên xe rồi hất xuống những hố đó. Đấy là ở tiểu khu. "Ngoài ngã ba Xa Cam dọc theo vườn cao su, trung đội chung sự tiểu khu còn đào thêm một hố chôn tập thể ... nghe nói hố đó chứa chừng gần một ngàn xác" (tr. 209).
Thấy những thương vong của quân dân ta như vậy ai cũng phải đau lòng mặc dù công trường 9 của địch bao vây An Lộc đã bị B. 52, phi pháo và viện binh ta tiêu diệt chỉ còn hơn một tiểu đoàn (tr. 313).
oOo
Miệt mài làm không kịp những việc chuyên môn của mình, nhưng lúc thảnh thơi, lúc nghỉ ngơi tác giả cũng có nhiều nhận xét tinh tếâ về sự việc quanh mình. Ông phục tổng thống Thiệu có trí nhớ khá tốt khi tác giả trả lời là đã phục vụ tại bệnh viện tiểu khu Bình Long thời gian tác giả làm trưởng đoàn chiến sĩ xuất sắc năm 1972 trong dịp kỷ niệm cách mạng 1 tháng 11. Tổng thống ngạc nhiên nói với tác giả "Tôi cũng lên đó, hình như tôi không gặp bác sĩ ". Ông Thiệu nói đúng, khi ông thăm mặt trận An Lộc tháng 7. 72 là tuần lễ Nguyễn Văn Quý được đi phép (tr. 420). N?u tác giả phục ông Thiệu có trí nhớ tốt trong cuộc tiếp tân này, thì trong dịp đó Nguyễn Văn Quý cũng nhậân thấy trong phái đoàn nữ sinh đón chiến sĩ có cả “nữ sinh lớn” là nghệ sĩ Mộng Tuyền mà tổng thống soắn suýt, cười nói hơi lâu (tr.422).
Lần trung tướng Nguyễn Văn Minh tư lệnh phó quân khu tới ủy lạo chiến sĩ, ông chỉ bắt tay bác sĩ Quý mà không nói một tiếng nào. Tác giả cho là rất lạ nhưng vẫn phải mời vị chỉ huy sang thăm phòng mổ của mình. Khi gõ cửa bên trong có tiếng xột xoạt lạ tai. Khi cửa mở thì trước mắt phái đoàn là:

Căn phòng mà tôi cứ yên chí là đã dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp và không có ai thì ngay trước mắt mọi người là một cái võng mắc xéo qua phòng trên cái bàn mổ dã chiến, vợ anh Sáu Xòm mà cái bụng chửa sắp đến này sanh to vượt ngực đang ngồi trên võng nhìn ra cửa tỉnh bơ (tr. 344).
Tác giả chỉ còn biết xin lỗi trung tướng và đã hiểu sự lạnh lùng của ông. Bác sĩ Quý biết là không thể và không đủ thì giờ để thanh minh nỗi oan Thị Kính của mình. Giá trong một cuốn hồi ký của một tác giả khác chắc chẳng ai dại gì mà kể những chuyện vô ý đó trên mặt giấy.
Là một cuốn sách đầu tiên, đã viết đã từ 30 năm tất nhiên không thể tránh được những câu trùng lặp hay những đoạn không rõ ràng gây thắc mắc.
Xin dẫn chứng một ví dụ: Khi nói tới trung tá Nguyễn Đức Liên, Nguyễn Văn Quý viết:

Nhìn năm ngôi sao đỏ chót thẳng hàng trên túi áo của anh tôi phục lắm. Trên túi áo tôi chỉ có một ngôi sao (tr. 409).

Chính tôi đã sững sờ nghĩ thầm sinh viên y khoa Nguyễn Văn Quý chỉ mới tương đương cấp thiếu úy mà sao lại đeo sao. Và trong ngành y QLVNCH đã có ông trung tướng nào đâu mà ông Nguyễn Đức Liên đeo tới 5 sao thống tướng. Tôi bày tỏ thắc mắc này với một vài anh bạn trong ngành quân y mới biết là khi học y khoa các sinh viên đeo sao theo năm học: năm thứ nhất một sao, năm thư hai hai sao v . v ... Như vậy tránh làm sao cho độc giả dân sự hoặc ngay cả sĩ quan quân đội nhưng không rõ về ngành quân y khỏi thắc mắc. Đúng là một cuốn nhật ký của riêng mình nên Nguyễn Văn Quý đã coi đó là chuyện bình thường ai cũng phải biết, ai cũng phải nhớ nội quy của Trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn, thời Việt Nam Cộng Hòa.
Về chính tả cũng còn sót nhiều lỗi chẳng hạn như: nước mắt đoanh tròng (tr. 141), bụng chữa (tr. 344), Leon Tolstoil (tr. 343) ... Nên viết nước mắt lưng tròng hay quanh tròng, bụng chửa với dấu hỏi (?). Về tên Tolstoi có trở ngại khi viết bằng tiếng Pháp với hai chấm trên chữ "I", đề nghị nên thống nhất dùng tiếng Anh Leo Tolstoy như khi viết về các tác giả ngoại quốc khác. Nhưng cái lỗi ấn loát có thể khiến tác giả buồn là tất cả các trang trong sách đều viết đúng tên NguyễnVăn Quý với chữ Y dài thì chình ình ở ngoài bìa tên tác giả viết thành Quí với I ngắn. (Ở Việt Nam Bộ Giáo Dục cộâng sản từ lâu rồi đã ra hẳn một văn bản quy định trừ một số ít từ còn đa s? Y dài bắt buộc phải thay bằng I ngắn).
Bỏ qua những lỗi lầm nho nhỏ, Nhật Ký An Lộc không còn là một cuốn hồi ký riêng tư mà chính là một phóng sự sống ba tháng trong địa ngục An Lộc. Đọc Nhật Ký An Lộc ta không gập những chuyện khô khan, chuyện đao to búa lớn của chiến lược, chiến thuật mà bị lôi cuốn vào những chuyện nhỏ hàng ngày bằng một giọng kể rất thành thực và chân tình.

Trong mười năm qua tôi đã đọc vài chục hồi ký bằng Việt ngữ viết về cuộc chiến Việt Nam nhưng chưa cuốn nào khiến tôi thích thú như Nhật Ký An Lộc mặc dù hành văn đôi lúc khiến ta phải chau mày nhưng nội dung phong phú, chân thật, không giấu diếm, không phô trương, mà chỉ là sự thật, những sự thật rất mộc mạc, không trang điểm, không cường điệu.

Nhật Ký An Lộc dày 470 trang kể cả 22 trang hình màu và đen trắng chụp ngay tại chiến trường hồi đó. Giá bán tại Mỹ: 24 mỹ kim. Liên lạc Nhà xuất bản Văn Nghệ, Westminster, CA, Hoa Kỳ. Phôn: (714) 934 - 8574.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét