Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Việt Nam tụt hậu ?


Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-02-28
000_Hkg9479109-305.jpg
Một kỹ sư cơ khí sử dụng điện thoại thông minh khởi động chiếc xe hơi điện "Angkor EV 2014" do Campuchia sản xuất, ảnh chụp hôm 14 tháng 2 năm 2014 tại Kandal, Campuchia.
AFP PHOTO/TANG CHHIN SOTHY


Việt Nam tụt hậu với Singapore, Malaysia hoặc Thái Lan là sự thật hiển nhiên, nhưng ngay với Campuchia có một số lãnh vực mà người Việt cần tự thức tỉnh chính mình.



Còn gì để nói?

Campuchia hồi sinh sau chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, người Khmer làm lại từ đầu từ những cánh đồng chết sau khi được bộ đội Việt Nam giải cứu và lưu lại lãnh thổ Xứ Chùa Tháp một thập niên. Nhà nước Cộng sản Việt Nam xem đó là làm nghĩa vụ quốc tế, còn phương tây thì mô tả việc lực lượng Việt Nam lưu lại Campuchia là sự chiếm đóng.
Báo chí Việt Nam trong những ngày qua đưa nhiều tin bài cho thấy nước bạn Campuchia đã thể hiện sự tiến bộ đáng ngạc nhiên so với Việt Nam,  quốc gia từng bảo hộ mình. Những lãnh vực được nêu ra làm thí dụ như sản xuất thương mại ô tô điện thương hiệu Ankor giá 5.000 USD; cũng như chiến lược sản xuất và xuất khẩu gạo vào các thị trường giá cao.
Báo Lao Động ngày 25/2 đưa lên mạng bài “Tụt hậu so với Lào, Campuchia: Còn gì để nói? ” các báo mạng khác đã lấy lại như VietnamNet và mạng thông tin Yahoo góp phần phổ biến. Tuổi Trẻ Online cùng ngày có bài “Sốc với ô tô điện made in Campuchia 5.000 USD”. Báo chí Việt Nam có vẻ đụng chạm vào điều gọi là ‘tình tự dân tộc’ khi chỉ trích sự thất bại của ngành sản xuất ô tô Việt Nam, theo đó chỉ lắp ráp và ngay cả ốc vít cũng phải nhập khẩu.
Nhận định về vấn đề vừa nêu, Giáo sư Chu Hảo nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ Hà Nội phát biểu:
“Đánh giá đó là đúng mức không sai sự thật là bao và điều đó là nỗi buồn của người làm công tác khoa học và kỹ thuật. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó thì có rất nhiều và muốn phân tích cho đầy đủ thì phải có nhiều thời gian…”
Giáo sư Chu Hảo cho rằng sự thất bại trong chiến lược công nghiệp sản xuất ô tô là một thí dụ cho điều gọi là chính sách phát triển có vấn đề. Phải làm gì để tránh tiếp tục sa lầy, Giáo sư Chu Hảo tiếp lời:
Toàn bộ chính sách công nghiệp ô tô của Việt Nam là hoàn toàn thất bại, bởi vì những người hoạch định chính sách đã không nhìn thấy thế mạnh của Việt Nam là cái gì.
-TS Nguyễn Quang A
“Trước mắt, tôi nghĩ là phải có những ý kiến đánh giá một cách xác đáng và ngồi lại với nhau, kể cả những người hoạch định chính sách, những người sản xuất và giới khoa học để tìm nguyên nhân một cách rạch ròi ba mặt một lời rồi mới có thể vạch ra chiến lược.”
Trả lời chúng tôi TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS một tổ chức tư nhân ở Hà Nội đã tự giải thể , nhận định về sự phá sản của chiến lược sản xuất ô tô của Việt Nam.
“Toàn bộ chính sách công nghiệp ô tô của Việt Nam là hoàn toàn thất bại, bởi vì những người hoạch định chính sách đã không nhìn thấy thế mạnh của Việt Nam là cái gì, ở Việt Nam có thể làm cái gì để tích hợp vào toàn bộ mạng lưới sản xuất và lắp ráp ô tô của khu vực này. Chính sách phát triển ô tô của Việt Nam thời gian qua đặt vấn đề phải nội địa hóa thế này thế kia, trong khi thị trường Việt Nam gọi là có tiềm năng nhưng sức mua không phải là nhiều lắm. Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào chuyện lắp ráp để tiêu thụ trong nước là chính, chứ không phải để làm cơ sở sản xuất một phần nào đó ở trong khu vực này. Tức là thực sự chúng ta không có cách nhìn hộị nhập vào toàn bộ cấu trúc công nghiệp của khu vực và của thế giới. Đấy là nguyên nhân chủ chốt cho sự thất bại của chính sách phát triển công nghiệp ô tô. Tất nhiên nguyên nhân còn liên quan đến các lĩnh vực khác như giáo dục, vấn đề đào tạo, vấn đề nghiên cứu khoa học. Nếu nền giáo dục đào tạo đặc biệt ở các đại học không được tốt thì chuyện tụt hậu về khoa học công nghệ rất là dễ hiểu.”
Trở lại câu chuyện báo chí Việt Nam giật mình với việc Campuchia sản xuất ô tô giá rẻ vừa túi tiền giới trung lưu. Ô tô điện Angkor EV 2013 là sản phẩm cây nhà lá vườn của Cămpuchia, dù chưa phải là nội địa 100%, nhiều thiết bị được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đức. Tuy vậy nó có giá thành khá thấp chỉ 5.000 USD, Angkor EV 2013 có tốc độ tối đa 60km/g và chạy được 300 km mới cần sạc lại  điện. Đây là tác phẩm của nhà sáng chế địa phương Nhean Phatloek và chuẩn bị thương mại hóa, dự án tay ba giữa hai công ty ở Campuchia và nhà sáng chế có vốn đầu tư 20 triệu USD. Liên doanh này dự kiến xuất xưởng từ 500 tới 1000 xe mỗi năm.

Chuyện xuất khẩu gạo


000_Hkg5475705-250.jpg
Một cửa hàng bán gạo trong chiến dịch bình ổn giá gạo tại Phnom Penh vào ngày 17 tháng 11 năm 2011. AFP PHOTO/TANG CHHIN SOTHY.

Báo chí cũng chú ý đến một lĩnh vực khác là sản xuất và xuất khẩu gạo của Xứ Chùa Tháp, dù sản lượng lúa gạo của nước này không nhiều như Việt Nam. Tờ báo mạng Đất Việt ngày 21/2 đưa lên mạng bài “Gạo Campuchia tấn công Hàn, Mỹ, Việt Nam vẫn dựa Trung Quốc.” Tờ báo trích lời ông doanh nhân Song Saran Chủ tịch của Amru Rice Cambodia nói với báo Phnompenh Post là, chắc chắn doanh nghiệp ông sẽ xuất khẩu gạo sang Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Theo tìm hiểu, năm 2012 các doanh nghiệp Campuchia xuất khẩu được 200.000 tấn gạo và tiến tới xuất khẩu 1 triệu tấn vào năm 2015. Điểm khác biệt về chiến lược của Campuchia là đã tạo ra các thương hiệu gạo thơm chất lượng cao như Phka Malis, Rumduol… cách làm của doanh nghiệp Campuchia cũng đáng chú ý, họ có vùng nguyên liệu nên phẩm chất đồng nhất, chiến lược tiếp thị thành công nên hạt gạo Campuchia đã có mặt tại 34 quốc gia ở Châu âu, Châu Á và Châu Phi. Năm 2013 doanh nghiệp Campuchia đã dọ dẫm thị trường Hoa Kỳ với khoảng vài  ngàn tấn. Các loại gạo thơm của Campuchia được nông dân Việt Nam gọi là gạo sóc Miên, mỗi năm chỉ làm một vụ và sử dụng rất ít phân bón cũng như nước tưới, mùi thơm ngang ngửa gạo jasmine Thái Lan. Gạo thơm Phka Malis chào giá 890 USD/tấn giao hàng theo điều kiện FOB tại Phnompenh hoặc cảng Sihanoukville, trong khi gạo thơm Việt Nam bán vào Hong Kong chỉ 650-670 USD/tấn. Riêng loại gạo organic tức gạo sạch không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, doanh nghiệp Campuchia ra giá tới 1.375 USD/tấn. Việt Nam thì chưa nghe nói có sản xuất gạo sạch để xuất khẩu.
Từ nhiều năm qua Việt Nam chỉ chú trọng các thị trường có hợp đồng chính phủ như Philippines, Malaysia, Indonesia… Và khi các nước này càng ngày càng giảm nhập khẩu gạo thì bế tắc đầu ra. Gạo cấp thấp của Việt Nam cạnh tranh vất vả ở thị trường Trung Đông và Châu phi. Năm 2013, nhờ thị trường Trung Quốc mua nhiều gạo tiểu ngạch lẫn chính ngạch nên nông dân mới bán hết lúa.
Việc thức tỉnh thì không bao giờ quá muộn, phải tổ chức lại toàn bộ ngành nông nghiệp nhất là vấn đề lúa gạo cần trồng loại nào có giá trị tốt nhất.
-TS Nguyễn Quang A
Đất Việt Online ngày 22/2 trích lời GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia Nông Nghiệp hiện sống và làm việc ở Cần Thơ nói  rằng: “không có thương hiệu là thách thức lớn nhất với gạo Việt. Hiện, chất lượng gạo của Việt Nam kém là do cách làm ăn chụp giật của các thương lái, trộn lẫn các loại gạo cao cấp thấp cấp với nhau. Điệp khúc được mùa mất giá, nông dân bỏ ruộng vẫn tiếp diễn do các bộ, ban ngành đang bỏ mặc nông dân.
Cũng trên Đất Việt, ông Trần Công Thắng một nhà nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nói rằng, cách đây 2 năm Viện đã dự báo Campuchia sẽ là một trong những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong việc xuất khẩu gạo. Trước sự bế tắc đầu ra của hạt gạo Việt Nam, gạo cấp thấp thì không cạnh tranh được về giá, còn gạo cao cấp thì Việt Nam không thể cạnh tranh về chất lượng và không thể xâm nhập vào nhiều thị trường. Chuyên gia này đề nghị, chuyển đổi sản xuất giảm số lượng, tăng  chất lượng hay làm chiến lược thương hiệu, quảng bá để làm sao tăng uy tín, thị phần của Việt Nam. Tờ Đất Việt theo các ý kiến của ông Trần Công Thắng gộp lại một tiểu tựa “Lợi ích nhóm thao túng chính sách xuất khẩu gạo. Ông Thắng nhìn nhận chính sách lúa gạo của Việt Nam tồn tại một số vấn đề cần xem xét, đặc biệt là những chính sách can thiệp đến xuất khẩu và điều tiết thị trường.
TS Nguyễn Quang A từ Hà Nội nhận định là mấy chục năm qua các chuyên gia như GS Võ Tòng Xuân đã nói rất nhiều lần về chuyện độc quyền của hai Tổng Công ty Lương thực quốc doanh Vinafood I và Vinafood II qua lớp áo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. TS Nguyễn Quang A tiếp lời:
“Việc thức tỉnh thì không bao giờ quá muộn, phải tổ chức lại toàn bộ ngành nông nghiệp nhất là vấn đề lúa gạo cần trồng loại nào có giá trị tốt nhất. Tổ chức lại khâu xuất nhập khẩu xử lý những cái đó. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là nhà nước phải chấm dứt sự độc quyền, bất kể sự độc nào đều là không tốt. Tạo cơ sở tạo điều kiện cho các tổ chức của bà con nông dân tự vận động lên còn Nhà nước chỉ làm những việc cần phải làm như hỗ trợ giúp vấn đề vốn, vấn đề mặt bằng hay tín dụng để giải quyết những vấn đề xử lý sau thu hoạch, khuyến nông ..v..v.. Nếu nhà nước làm đúng những việc của mình thì việc tỉnh ngộ phản ứng lại tình hình thị trường thay đổi thì có lẽ sau 5-7 năm sẽ xoay chuyển được tình hình.”
Câu chuyện về chiếc ô tô điện giá thành rất thấp, sản phẩm cây nhà lá vườn của Campuchia, cho đến chiến lược sản xuất và xuất khẩu lúa gạo khôn ngoan của Xứ Chùa Tháp đã gây ấn tượng mạnh cho các nhà báo và độc giả. Câu hỏi đặt ra là các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ cảm nhận vấn đề này như thế nào, giữa khi Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét