Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Wikileaks

    KẺ KHÔNG NHÀ - Julian Assange
Năm 2006, Julian Assange tự giam mình trong một căn nhà gần Trường Đại học Melbourne để xây dựng trang web WikiLeaks.

Chiếc giường ngủ của Julian đặt ngay trong phòng bếp cho tiện. Ông viết hàng đống sơ đồ của hệ thống trên tường, trên cửa để lúc nào cũng nhìn thấy cho khỏi quên. Julian mời sinh viên của trường đại học ở lại đêm giúp ông xây dựng trang web WikiLeaks. Một trong số sinh viên đó kể lại: "Julian hầu như không ngủ cũng không ăn uống".

WikiLeaks được xây dựng theo một mô hình vô cùng phức tạp, có khả năng bảo mật tài liệu hữu hiệu hơn bất cứ hệ thống mạng nào của ngành ngân hàng gấp nhiều lần, theo lời kể của Julian Assange với nhà báo Raffi Khatchadourian của tờ The New Yorker.

WikiLeaks, theo Julian, là một dạng báo chí mới, mang tính khoa học và minh bạch. Sứ mệnh của WikiLeaks là chống bất công. Julian Assange cổ súy một "phong trào xã hội" tiết lộ các bí mật "có thể lật đổ những chính quyền tồn tại bằng cách che giấu sự thật, kể cả chính quyền Mỹ”.

Người của bí ẩn

WikiLeaks không giống một tổ chức truyền thông theo kiểu truyền thống. Nó không có nhân viên ăn lương, không có máy photocopy, không có bàn làm việc, không có ban bệ. Nó tiếp nhận các tài liệu bí mật từ những người cùng chung chí hướng với Julian Assange: Chống lại bất minh và bất công. WikiLeaks không bao giờ tiết lộ nguồn thông tin mà nó cung cấp trên mạng.

Chính Julian cũng không có nhà. Anh di chuyển từ nước này sang nước khác, ở đậu nhà bạn, nhà bạn của bạn, nhà cảm tình viên. Có những lúc, Julian sống ở các sân bay quốc tế.

Hành tung của Julian rất bí ẩn. Julian giới thiệu WikiLeaks lần đầu tại Diễn đàn Xã hội Thế giới, một hội nghị chống chủ nghĩa tư bản, tổ chức tại Kenya cuối năm 2006.

Sau đó, ông lưu lại Kenya vài tháng. Trong thời gian này, Julian thỉnh thoảng liên hệ với bạn bè qua điện thoại cầm tay hoặc mạng internet nhưng không bao giờ cho biết đích xác đang ở đâu.

Có hàng trăm người tình nguyện trên thế giới làm việc bán thời gian cho WikiLeaks, giúp bộ máy vô cùng phức tạp của nó hoạt động 24/24 giờ. Chỉ có năm ba người làm việc thường trực cho nó.

Để giữ bí mật, lãnh đạo chủ chốt của WikiLeaks chỉ được biết đến bằng âm đầu của tên, ví dụ ông M. bà C. Những người này, kể cả Julian Assange liên lạc với nhau qua dịch vụ chat mã hóa .

Kế hoạch B

Sáng 30-3-2010, một người Úc cao lớn tự xưng là Julian Paul Assange đến một ngôi nhà cổ nhỏ nằm trên đường Grettisgata, ở Reyjavik, thủ đô nước Cộng hòa Iceland , hỏi thuê.

Đi chung với người khách lạ có vài người bản xứ. Julian tự giới thiệu với chủ nhà: "Chúng tôi là nhà báo đến đây để viết về vụ núi lửa Eyjafjallajokull phun trào". Sau khi chủ giao nhà, Julian nhanh chóng kéo rèm kín mít tất cả cửa sổ, đêm hay ngày gì cũng vậy.

Ngôi nhà biến thành một phòng làm việc . Julian gọi nó là hầm trú ẩn. Hầm có chừng nửa chục máy vi tính. Dưới sự chỉ huy của Julian, các nhà hoạt động bản xứ làm việc không nghỉ. Mục tiêu của họ là xuất bản Kế hoạch B.


Đó là mật danh của một cuộn băng video được xếp hạng tài liệu mật dài 39 phút quay từ buồng lái trực thăng Apache của Mỹ tác chiến ở Baghdad , Iraq , ngày 12-7-2007. Cuộn băng mô tả lính Mỹ ba đợt bắn phá bừa bãi vào các mục tiêu dân sự, trong đó có hai vụ giết chết ít nhất 10 thường dân và 2 phóng viên hãng tin Reuters.

Cuộn băng miêu tả sự tàn ác và không minh bạch của chiến tranh hiện đại mà Mỹ ở Iraq và Afghanistan . Julian dự định trình bày Kế hoạch B trước một nhóm nhà báo tại CLB Báo chí Quốc gia ở Washington ngày 5-4-2010 với tên gọi "Sự kiện 2007". Để thực hiện ý định này, Julian và các đồng sự phân tích rất kỹ cuộn băng gốc, biên tập nó thành một cuốn phim ngắn dài 17 phút, mở một chiến dịch báo chí, chuẩn bị tài liệu. Tất cả được thực hiện trong vòng chưa đến một tuần. Cả cuộn băng gốc dài 39 phút và cuộn băng ngắn hơn đã biên tập đều được tung lên internet , tạo một bất ngờ cho Bộ Quốc phòng và chính quyền Mỹ.

Thay đổi thông tin báo chí

Julian Assange muốn khi tung cuộn băng (và các tài liệu mật khác) lên net , sẽ không có cách gì gỡ nó xuống. Anh rất tự tin khi tuyên bố: "Chính phủ hay công ty nào muốn gỡ nó xuống thì chỉ có cách phế bỏ internet". Julian cho biết nội dung cuộn băng được lưu giữ trong hơn 20 máy chủ khắp thế giới, sử dụng hàng trăm tên miền. Chi phí thuê mướn máy chủ lấy từ nguồn tài trợ của ủng hộ viên và của một số chiến hữu.

WikiLeaks không sợ bị kiện. Các luật gia đại diện cho ngân hàng Anh Northern Rock từng dọa khởi kiện khi WikiLeaks tiết lộ một văn bản nội bộ gây bối rối cho lãnh đạo ngân hàng này và cuối cùng gần như phải năn nỉ WikiLeaks tha cho.

Một chính khách Kenya cũng dọa kiện sau khi WikiLeaks tiết lộ một báo cáo mật cho thấy tổng thống nước này Daniel Arap Moi và những người cùng cánh rút ruột ngân sách nhà nước tuồn ra nước ngoài hàng tỉ USD. Kết quả, WikiLeaks được Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Anh trao giải thưởng báo chí

Sau "Sự kiện 2007", WikiLeaks tiếp tục tung ra tiếp "Nhật ký chiến tranh Afghanistan" bao gồm 76.900 tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 7 và "Nhật ký chiến tranh Iraq" với 400.000 tài liệu mật hồi tháng 10 vừa qua.

Kể từ ngày 28-11, WikiLeaks bắt đầu rò rỉ nhỏ giọt tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Julian nói lên đến hàng trăm ngàn, một sự kiện được mô tả như một vụ khủng bố 11-9 ngành ngoại giao thế giới.

Nhật báo New York Daily News gọi WikiLeaks là "một trang web có thể hoàn toàn làm thay đổi thông tin báo chí”.

Wikileaks là gì?

Biểu tượng Wikileaks

Wikileaks nổi tiếng là trang mạng chuyên tung ra những thông tin nhạy cảm

Trang mạng chuyên tung tin nội gián, Wikileaks, một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý.

Wikileaks mới tung ra một loạt các tài liệu mật của Mỹ, mà lần tung tin này, họ nói, lớn hơn rất nhiều so với các đợt tung tài liệu về Afghanistan và Iraq.

Tháng trước, Wikileaks đưa lên mạng gần 400 ngàn tài liệu cho biết chi tiết về các sự kiện tại Iraq sau cuộc chiến của Mỹ năm 2003 - chỉ vài tháng sau khi đã tung ra 90 ngàn tài liệu mật gồm các phúc trình về tình báo và các biến cố quân sự Mỹ tại cuộc chiến ở Afghanistan.

Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ “rò rỉ thông tin” của trang mạng vốn nổi tiếng vì ấn hành các tài liệu nhạy cảm của các chính phủ và các tổ chức được nhiều người biết đến.

Chẳng hạn vào tháng 4/2010, Wikileaks đưa lên trang mạng của họ video cho thấy một chiếc trực thăng Apache của Mỹ giết chết 12 người, trong đó có hai phóng viên Reuters, trong một trận tấn công ở Baghdad năm 2007. Một phân tích gia quân sự của Mỹ hiện đang đợi bị đưa ra xét xử vì tội để lộ video này, cùng các tài liệu nhạy cảm về quân sự và ngoại giao khác.

Vào tháng 9/2009, Wikileaks đưa ra một loạt danh sách và địa chỉ của những người mà họ nói là thuộc về đảng cực hữu BNP của Anh. BNP sau đó nói danh sách này là “sự giả mạo ác ý”.

Và trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2008, Wikileaks còn cho ra các bức ảnh chụp lại màn hình chứa hộp thư email, ảnh và sổ địa chỉ của ứng viên cho chức phó Tổng thống Mỹ là bà Sarah Palin.

Các tài liệu gây tranh cãi khác được trang mạng này đưa ra bao gồm một bản Quy trình Hoạt động chuẩn tại Trại Delta, là tài liệu đưa ra chi tiết những hạn chế đối với tù nhân tại vịnh Guantanamo.

Tranh chấp pháp lý

Wikileaks gây ra nhiều tranh cãi khi xuất hiện lần đầu tiên trên mạng vào tháng 12/2006 và hiện vẫn gây nhiều ý kiến chia rẽ. Một số người coi đây là tương lai của báo chí điều tra. Một số khác lại coi đây là hiểm họa.

Vào giữa tháng 3/2010, giám đốc mạng này là Julian Assange đưa ra một tài liệu được cho là của tình báo Mỹ, nói rằng Wikileaks là “mối đe dọa tới quân đội Hoa Kỳ”.

Chính phủ Mỹ sau đó khẳng định với BBC tài liệu đó là thực.

Một người phát ngôn cho quân đội Mỹ nói với BBC: “Việc ấn hành không được phép các tài liệu nhạy cảm của Bộ Quốc phòng trên Wikileaks sẽ cung cấp cho các dịch vụ tình báo nước ngoài những thông tin mà họ có thể sử dụng để gây hại cho quân đội và các lợi ích của Bộ Quốc phòng”.

Wikileaks giờ đây tuyên bố họ đã có trong tay hơn một triệu tài liệu.

Bất cứ ai cũng có thể cung cấp thông tin cho Wikileaks mà không cần nêu danh, nhưng một nhóm các chuyên gia đánh giá - là những người tình nguyện từ truyền thông chính thống, các phóng viên và nhân viên của Wikileaks - sẽ quyết định đăng tải những gì.

Ông Assange nói với BBC: “Chúng tôi sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến và kỹ thuật hợp pháp để bảo vệ các nguồn tin của chúng tôi”.

Julian Assange

Ông Assange là người sáng lập ra Wikileaks

Trang mạng này nói họ nhận các “tài liệu mật, bị kiểm duyệt hoặc bị hạn chế mà có tầm quan trọng về chính trị, ngoại giao hay đạo đức”, nhưng họ không lấy các “thông tin hay tài liệu mang tính đồn đoán, phát biểu ý kiến hay tường thuật trực tiếp vốn sẵn có đối với công chúng”.

“Chúng tôi chuyên chú vào việc cho phép những người nội gián muốn nêu ra những sai trái hay các phóng viên bị kiểm duyệt đưa thông tin ra cho công chúng”.

Trang này được một tổ chức mang tên Sunshine Press điều hành và nói là họ được “cấp ngân sách nhờ các nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên điều tra, kỹ thuật viên và công chúng”.

Kể từ lần đầu xuất hiện trên mạng, Wikileaks đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức về pháp lý, muốn họ phải bị đưa ra khỏi mạng.

Chẳng hạn vào năm 2008, ngân hàng Thụy Sỹ Julius Baer đã thắng kiện, được phép ngăn chặn trang mạng sau khi Wikileaks tung ra “vài trăm tài liệu” về các hoạt động ở nước ngoài của ngân hàng này.

Tuy nhiên, rất nhiều trang mạng anh em khác của Wikileaks - với các máy chủ khác nhau đặt tại nhiều nơi trên thế giới - vẫn tiếp tục hoạt động.

Lệnh của tòa sau đó đã bị bỏ đi.

Vai trò tương lai

Wikileaks tuyên bố cho tới nay, họ đã phải đương đầu với hơn “100 vụ tấn công bằng pháp lý”, một phần là do cái mà họ mô tả là “hệ thống máy chủ chống nổi đạn” của họ.

Ban đầu, trang Wikileaks phần lớn nằm trong hệ thống máy chủ của nhà cung cấp Thụy Điển PeRiQuito (PRQ), vốn nổi tiếng vì còn là máy chủ cho trang mạng chia sẻ dữ liệu The Pirate Bay.

Wikileaks còn có các tài liệu thuộc các ngành tư pháp, trong đó có của Bỉ.

Nhờ có kinh nghiệm xử lý với các đạo luật khác nhau trên thế giới, Wikileaks đã được các dân biểu Iceland nhờ tới để giúp thảo ra kế hoạch cho chương trình Sáng kiến Truyền thông Hiện đại Iceland (IMMI).

Kế hoạch này kêu gọi chính phủ chấp thuận các đạo luật bảo vệ phóng viên và nguồn cung cấp tin cho phóng viên.

Khi đó, ông Assange nói: “Để bảo vệ an toàn cho các nguồn tin của mình, chúng tôi phải phân bố các tài sản, mã hóa mọi thứ, và di chuyển nhân sự cũng như hệ thống viễn thông khắp thế giới để tận dụng các đạo luật bảo vệ tại các hệ thống tư pháp khác nhau”.

“Chúng tôi đã trở nên sành sỏi về chuyện này, và chưa bao giờ bị thua trong vụ kiện nào, hay để mất nguồn cung cấp tin nào, nhưng chúng tôi cũng không mong đợi tất cả mọi người sẽ phải trải qua những nỗ lực phi thường mà chúng tôi phải thực hiện”.

Mặc dù có tiếng tăm, trang mạng này đã phải đối diện với những vấn đề về tài chính. Vào tháng 2/2010, họ ngừng các hoạt động vì không thể trang trải chi phí.

Đóng góp từ các cá nhân và tổ chức đã giúp cứu Wikileaks.

Ông Assange nói với đài BBC rằng trang Wikileaks đã tăng trưởng mạnh mẽ và đã nhận được “rất nhiều tài liệu đặc biệt”.


Wikileaks có nhiều tài liệu về Việt Nam

Trang Wikileaks

Wikileaks đang công bố dần các tài liệu họ có

Tổ chức Wikileaks nói họ có nhiều thông tin từ các cuộc trao đổi giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam và chính phủ Mỹ.

Hiện tổ chức này chưa công bố nội dung của bất kỳ cuộc trao đổi nào.

Số đầu tài liệu mà Wikileaks có được liên quan tới Việt Nam ở mức trung bình cao, đứng thứ 37 so với vị trí thứ 35 của Miến Điện, 33 của Indonesia, 32 của Thái Lan và 5 của Trung Quốc.

Các tài liệu mà trang chuyên tiết lộ thông tin này có được là trao đổi giữa 250 đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ tại hơn 90 nước trên thế giới với Washington.

Wikileaks cho biết họ có hơn 2.300 bức điện tín gửi đi từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và gần 800 từ Lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trong số hơn 3100 điện tín này có cả những loại thuộc diện 'mật'.

Hoan nghênh

Cho tới nay Wikileaks mới công bố nội dung của hơn 200 bức điện tín trong số hơn 250.000 bức mà họ có.

Trong số những bức được công bố chưa có bức nào được đánh đi từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

Các điện tín này là những cuộc trao đổi giữa các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ ở trên khắp thế giới với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Mỹ.

Các quan chức Hoa Kỳ lên án việc công bố các tài liệu này và nói rằng nó đe dọa tính mạng của các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ và những người có liên quan.

Tuy nhiên ông Dan Esllberg, người đã công bố 7000 trang tài liệu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam, từng lên tiếng bảo vệ việc công bố các tài liệu của Wikileaks.

Ông hoan nghênh những người đã rò rỉ thông tin quân sự cho Wikileaks trong lần trước đây và nói:

"Tôi từng đối mặt với rủi ro cách đây 40 năm và tôi thấy hoàn toàn đáng đối mặt với khả năng phải đi tù để giúp rút ngắn cuộc chiến... mà cuộc chiến khi đó chúng ta đối mặt là cuộc chiến Việt Nam."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Chuyện này có thật hay không?

Gần đây dư luận bàn tán xôn xao về việc này, hy vọng đây không phải là sự thật. Mời các bạn bấm vào những links dưới đây để tìm hiểu thêm...


Wikileaks – Kế hoạch cho Việt nam được hưởng quy chế Khu tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc kinh

Biểu tượng Wikileaks
Kami
-
*

Và cái gì chờ đợi cũng đã đến, khi tổ chức Wikileaks công bố một tài liệu “tuyệt mật” động trời liên quan đến Việt nam. Đó là biên bản họp kín giữa ông Nguyễn Văn Linh Tổng BT Đảng CSVN, ông Đỗ Mười Chủ tịch HĐBT đại diện cho phía Việt nam và ông Giang Trạch Dân Tổng BT và ông Lý Bằng Thủ tướng Chính phủ đại diện cho phía Trung quốc trong hai ngày 3-4/9/1990 tại Thành đô.

Trong tài liệu tuyệt mật liên quan tới Việt nam này của mình, Wikileaks khẳng định thông tin dưới đây nằm trong số 3.100 các bức điện đánh đi từ Hà nội và Thành phố HCM của cơ quan ngoại giao Hoa kỳ tại Việt nam gửi chính phủ Hoa kỳ, tài liệu này có đoạn ghi rõ “… Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng thành công CNCS, Đảng CSVN và nhà nước Việt nam đề nghị phía Trung quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt nam xin làm hết mình để vun đắp tình hữu nghị lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây đắp trong quá khứ và Việt nam bảy tỏ mong muốn đồng ý sẵn sàng chấp nhận và đề nghị phía Trung quốc để Việt nam được hưởng quy chế Khu tự trị trựcthuộc chính quyền Trung ương tại Bắc kinh như Trung quốc đã từng dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng tây…. Phía Trung quốc đã đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, cho thời hạn phía Việt nam trong thời hạn 30 năm (1990-2020)để Đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung quốc”.


Những ngày này, những tin tin thời sự quốc tế thuộc hàng đầu trên các kênh truyền hình ngoại quốc nổi tiếng như BBC, CNN.. chắc chắn sẽ là tin về sự căng thẳng của hai miền Nam – Bắc Triều tiên đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên chắc chắn là vấn đề số một và vấn đề thứ hai là những thông tin mà tổ chức Wikileaks dọa sẽ công bố công khai những tin tức tuyệt mật của ngành ngoại giao Hoa kỳ.


Được biết những thông tin mà Wikileaks dọa công khai bao gồm 251.287 tài liệu mà Wikileaks có được là tin trao đổi giữa 250 đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ tại hơn 90 nước trên thế giới với Washington. Cũng theo thông báo của tổ chức Wikileaks cho biết hiện nay họ có trong tay những thông tin liên quan đến Việt nam, đó là những tài liệu từ các cuộc trao đổi giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam và chính phủ Mỹ, với hơn 2.300 bức điện tín gửi đi từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và gần 800 từ Lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo họ, trong số hơn 3100 điện tín này có cả những loại thuộc diện “tuyệt mật”.


Cho tới nay Wikileaks mới công bố nội dung của hơn 200 bức điện tín trong số hơn 251.287 bức mà họ có và trong số các thông tin ít ỏi được công bố nhỏ giọt ngày hôm nay (30/11)có hai tin liên quan đến Trung quốc và Bắc Triều tiên rất có giá trị. Đó là tin các quan chức Trung quốc tuyên bố ủng hộ thống nhất hai miền Bắc và Nam Triều tiên vào thời gian sau hai năm lãnh tụ Kim Jong Il qua đời, và chính quyền mới của nước Triều tiên thống nhất sẽ do chính quyền Soul quản lý.


Và tin thứ hai là phát biểu của một quan chức cao cấp Trung quốc nói với Thứ trưởng Ngoại giao Nam Triều tiên, khi cho biết rằng thế hệ lãnh đạo trẻ Trung quốc hiện nay không hài lòng và coi chính thể ở Bắc Triều tiên của gia đình họ Kim là đứa trẻ hư không biết nghe lời.

Hai tin rò rỉ kiểu này khác hẳn với sự hiểu biết và phán đoán của mọi người về thái độ của Trung quốc với Bắc Triều tiên, đó là ai cũng nghĩ rằng bằng mọi giá không bao giờ Trung quốc bỏ rơi nước láng giềng cộng sản đàn em này. Có lẽ những tin bí mật của Wikileak tiết lộ rất có giá trị như họ thông báo trước, vì thế sẽ còn có nhiều tin động trời trong số 3.100 bức điện từ các cuộc trao đổi giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam và chính phủ Mỹ, được gửi đi từ Đại sứ quán Hoa kỳ ở Hà nội và Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí minh.


Những ngày gần đây, không chỉ có các chính khách Hoa kỳ, mà hầu hết các chính khách trên thế giới đang ở tâm trạng hồi hộp, căng thẳng đến nghẹt thở khi chờ đón sự công bố của tổ chức Wikileaks trong đó có các chính khách hàng đầu của Việt nam cũng hết sức lo lắng khi những điều “tuyệt mật” sẽ bị Wikileaks dọa sẽ công bố.

Đoạn tin đầu nói trên về Biên bản họp kín tháng 9/1990 tại Thành Đô giữa lãnh đạo cao cấp Việt nam và Trung quốc, cũng chỉ là một tin mang tính chất giả thiết của tác giả mà nó có nhiều khả năng khi bị bạch hóa có thể xảy ra mà thôi, chứ đó không phải tin chính thức của Wikileaks.


Điều quan trọng ở đây là, những chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với đảng CSVN nếu như tin này là tin chính thức do Wikileaks công bố trong một ngày gần đây. Chúng ta có quyền phỏng đoán và chuẩn bị tinh thần cho mọi người và cá nhân mình trước sự thật không mấy tốt đẹp, mà nó liên quan tới sự tồn tại của đảng CSVN trong vai trò lãnh đạo xã hội và nhà nước. Vì nếu khi ta đối chiếu với các tin tức liên quan đến việc phía Việt nam đã cho Trung quốc thuê nhiều chục ngàn hecta rừng đầu nguồn biên giới, lá cờ Trung quốc có 6 ngôi sao (thay vì cờ Trung quốc chỉ có 5 ngôi sao)xuất hiện tại một nhà hàng Trung quốc tại Vũng tàu, hay Dự án boxit Tây nguyên và gần đây nhất là tin Trung quốc tiến hành thu hồi hàng loạt cột mốc biên giới với Việt nam có từ thời Hiệp định Pháp-Thanh (1887) … Trong đàm phán biên giới, họ ép ta làm ta mất một nửa thác Bản Giốc, dân ta cũng không được đặt chân đến Ải Nam quan nữa, tất cả ta mất hàng trăm km2 đất. Họ xóa hiệp định phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ giữa hai Chính phủ Pháp – Thanh (do lịch sử để lại) đòi chia lại, ăn hơn của ta một phần hải phận thì giả thiết trên là hoàn toàn có cơ sở xảy ra.

Những cái đó có phải là những bước tiến hành âm thầm trong kế hoạch 30 năm để đưa Việt nam trở thành một Khu tự trị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa hay không? Trong cuộc sống thì cái gì cũng có thể xảy ra, vì sẽ có những điều sự thật lại nằm trong những điều mà ta tưởng rằng không thể có hay không thể xảy ra. Vấn đề nêu trên là một ví dụ nhỏ, có thể xảy ra.


Xin vui lòng chờ tổ chức Wikileaks họ sẽ chính thức công bố trong một thời gian gần đây cho mọi người toàn thế giới rõ.Ngày 1/12/2010

-------------------------------------------------------------------------------------------------

Đài truyền hình SBTN
Bình Luận Hằng Tuần Kỳ 110: " Khi Sự Thật Được Bày Ra "
Bấm link bên dưới để xem


http://www.sbtn.net/default.aspx?LangID=3&tabId=331&ArticleID=53987&Page=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét