Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Chiếc Giường: Nơi Bắt Đầu và Kết Thúc Của Đời Người - Quốc Huy


Từ chiếc nệm cỏ cho đến nệm nước, con người sáng tạo hàng ngàn cách làm giường để làm chỗ nghỉ ngơi. Câu chuyện về chiếc giường trong đời sống con người thật phong phú, sinh động và hấp dẫn... Ngược lại với những gì mà tất cả chúng ta đã đọc khi còn nhỏ, tổ tiên của con người vào thời tiền sử không ngủ trần truồng, cuộn mình trong tấm da thú và nằm trên nền đất ẩm ướt và băng giá của hang động. Họ đã biết xây những chiếc lều, dưới những vách đá thẳng đứng, trong đó họ đặt những lớp cỏ khô hay cây bắc, rồi xếp lên nhiều lớp da thú dày để làm cho chiếc giường thô sơ này êm ái và thoải mái hơn. Loại giường này vẫn còn đến ngày nay, khi con người sử dụng những lớp nệm gồm một lớp lá hay vỏ cây mềm và đặt lên trên một lớp da động vật hay một chiếc chiếu.

Trong nhà người Masai ở miền Nam Kenya, người ta nằm ngủ theo tư thế cò súng trong một chiếc lều tròn nhỏ, trên một chiếc giường bằng lá cây có trải da bò. Người Esquimau lại nằm dài, người trần truồng, trên một mặt phẳng nhỏ đặt trong các lều tuyết. Bề mặt là một tấm thảm cây lá rậm rạp, khi có điều kiện, họ sẽ trải lên một lớp da hải cẩu để nằm êm ái hơn.

Ngủ là một kỹ thuật phản ảnh một sự đánh giá, một cách nhìn về thế giới. Nếu nhà nhân chủng học Claude Levi - Strauss dựa trên thức ăn để phân biệt các nền văn minh ăn "sống" và nền văn minh ăn "chín", thì người ta cũng có thể nói rằng nhân loại được phân ra làm hai loại: xã hội nằm giường "cứng" và xã hội nằm giường "mềm". Sự khác nhau này không dựa trên sự thoải mái - vì điều này không được định nghĩa như nhau trong mọi nền văn hóa - mà dựa trên yếu tố chính là khí hậu.

Phương Tây du nhập kiểu giường mềm từ Trung Đông.

Ở Châu Úc, người ta có thói quen ngủ trên bề mặt cứng - dù là nền đất, một chiếc chiếu, một chiếc giường củi hay một mặt phẳng có chân. Người ta dùng một chiếc ghế nhỏ để tựa đầu và không bao giờ cuộn người trong chăn để được mát mẻ và dễ chịu.

Tại Châu Phi, ngoài việc giúp người ngủ cảm thấy thoải mái, chiếc gối còn là nơi cất giấu những đồ trang sức của phụ nữ. Bằng cách cất giấu nữ trang trong gối, họ không sợ bị mất trộm trong khi ngủ say. Ở phương Tây, ngược lại, người ta lại thích chọn sự "mềm mại": giường gằn lò xo mềm, nệm, gối dài đầu giường và gối con đều bằng lông mềm. Thật ra, người phương Tây không sáng tạo nên những vật dụng này mà vay mượn chúng từ nền văn minh Ả Rập- Andalousia, và từ nền văn minh Trung Đông qua các cuộc Thập Tự chinh.

Từ ngữ "Matelas" (nệm) chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ Pháp vào thế kỷ 15, dựa theo từ Ả Rập "Matrah", nghĩa là "vật bị ném ra đất": khi màn đêm buông xuống, người Ả Rập đặt ngay cửa nhà những lớp nệm mềm mà ban ngày được cuộn tròn và cất đi.

Vào thế kỷ 17, sự hâm mộ nệm mềm "nở rộ" ở Pháp, thậm chí nhiều người còn ngủ ngồi trên hàng đống gối!

Cuối thế kỷ thứ 19, mọi chuyện diễn biến ngược lại khi các nhà khoa học phản đối loại giường mềm và đòi trở lại với giường cứng .

Ở phương Tây, người La Mã đã phát triển một nền "Văn hóa giường" thật sự. Giường là phần chính, nếu không nói là vật dụng quan trọng nhất trong nhà. Trong nhà ở của người La Mã, giường có mặt khắp nơi và có nhiều công dụng: họ không chỉ ngủ ở đó, mà còn đọc sách, tranh luận và ăn uống. Tựa khuỷu tay trái trên gối nhỏ, người ta nằm dài và nhấm nháp các món ăn đặt trên chiếc bàn một chân, trong các phòng ăn ba giường (triclinium: trong phòng này, người ta đặt 3 chiếc giường lớn hình chữ U). Nhà người giàu thường có nhiều phòng đặc biệt hoàn toàn đóng kín, gọi là "cubiculum", nơi đó có các giường nhẹ hơn dành để ngủ trưa, nghỉ đêm hay để ân ái. Nói chung, tại La Mã, mọi chuyện đều xoay quanh một chiếc giường...

Thời Trung Cổ, người ta ngủ trần truồng 10 người trên một chiếc giường lớn! Cũng như phần lớn các lãnh vực khác, nước Pháp bao giờ cũng chỉ bắt chước nghệ thuật sống trên giường của người La Mã đô hộ. Tuy nhiên, nghệ thuật này chỉ dành riêng cho các tầng lớp trên. Ở thôn quê, người dân còn rất xa lạ với sự tinh tế của chiếc giường. Quả vậy, nông dân còn giữ thói quen ngủ chung trên giường cả chục người, từ cha mẹ đến con cái và cả người thân, kẻ hầu. Thói quen ngủ chung này vẫn tồn tại trong đa số nông dân đến tận thế kỷ 12.

Trong các gia đình quý tộc, khi đêm xuống, những người hầu mang ra những tấm nệm, giường đẩy, ghế lăn. Ban ngày, các đồ vật này có công dụng khác, nhưng buổi tối đó là nơi các nhà quý tộc cởi bỏ hết quần áo và nằm dài để ngủ.

Vào lúc này, ngủ chung với người khác không có ý nghĩa giống như hiện nay. Ngủ chung giường với người khác được coi là một điều cần thiết, một vinh dự hơn là một sự thích thú. Giai thoại kể rằng Vua Louis 13 cho dọn giường nằm cạnh Hồng Y Richelieu vì muốn thể hiện sự quan tâm của mình đối với sức khỏe của vị tể tướng đang bị cơn đau bao tử hành hạ. Chia sẻ giường với một ai đó trong vài trường hợp lại là biểu tượng của hòa bình: vào thế kỷ 15, Quận Công Orleans đã chứng tỏ sự hòa giải với Charles 8 bằng cách ngủ chung giường với ông ta.

Để trở thành một chiếc giường hiện đại và cá nhân như hiện nay, giường ngủ đã tiến triển rất chậm. Vào thế kỷ 18, tại triều đình, giường còn được đặt trên một chiếc bục, chung quanh là lan can, để thể hiện quyền lực và vị trí xã hội.

Giường ngủ và khuê phòng cũng có nhiều thú vị. Không ai có thể ngờ rằng mãi đến thế kỷ 19, người ta vẫn còn ái ân trong gác xép chứa cỏ, hầm rượu, cánh đồng...gần như khắp nơi, nhưng trừ ở...trên giường! Quả vậy, hầu như không có một nền văn minh nào liên kết giường ngủ và chuyện ái ân. Theo nhà sử học Emmanuel Le Roy Ladurie, vào thế kỷ 14, tại Montaillou- ngôi làng miền Nam nước Pháp- người ta làm tình trong rừng, hành lang trong nhà... Những người theo chủ nghĩa khổ hạnh quy định nằm ngủ lưng phải sát giường, tay đặt trên khăn trải giường để chống lại những gợi ý đen tối xuất phát từ cơ thể!

Đến thế kỷ 18, "các bí mật khuê phòng" chỉ liên quan đến một phần của xã hội quý tộc và trưởng giả cấp trên, vì trên tất cả, giường là nơi nghỉ ngơi hay mời khách chứ không phải là chỗ để nô đùa.

Thực tế, phải chờ đến thế kỷ 19, tại phương Tây, thói quen ái ân trên giường mới hình thành. Đó là kết quả của lối sống đô thị khiến người ta phải thực hiện những điều này ở nơi kín đáo hơn.
Tatami và futon của Nhật Bản du nhập phương Tây vào giữa thế kỷ 18, khái niệm "phòng ngủ" mới xuất hiện. Điều đó cũng dễ hiểu vì vào giai đoạn này, các giá trị quý tộc mới bị đảo lộn và các tiêu chuẩn cá nhân được thành hình.
Tuy nhiên, phải chờ đến thế kỷ 19, giường mới được xem là một phương tiện dành riêng cho việc nghỉ ngơi. Mỗi người đều có giường riêng: các tiêu chuẩn cá nhân và riêng tư đã chiến thắng

Nếu các loại nệm len có mặt vào cuối thế kỷ 19, thì loại nệm bằng sợi cước thực vật, lấy từ cây cọ, chỉ phát triển sau chiến tranh 1914-1918, như là kết quả của việc đô hộ vùng Bắc Phi. Cũng vào thời điểm này, sự hiện đại hóa và "bình thường hóa" phòng ngủ đã diễn ra. Bước vào những năm 70, phương Tây đã du nhập những loại khăn giải giường và nệm lông từ các nước phương Bắc. Khăn trải giường được lật ra nhanh như khi mở một loại đồ hộp. Sau đó, làn sóng chủ nghĩa tự nhiên Hippy diễn ra, giường được thay bằng chiếc nệm đơn giản đặt trên đất. Do lối sống độc thân trở nên phổ biến và thiếu chỗ trong các căn nhà một phòng, giường trở thành nơi diễn ra mọi sinh hoạt: đọc sách, gọi điện thoại, xem truyền hình, ái ân và ăn uống... Ngày nay, giường đã quay lại với chức năng truyền thống của nó và phòng ngủ cũng được hiểu đúng nghĩa hơn.
Nhân loại sắp bước vào thế kỷ 21, song dù con người đã biết đến nhiều loại giường độc đáo và thoải mái. Nhân loại (đặc biệt CHXHCNVN) một số vẫn chưa biết giường là gì, đó là người dân các nước nghèo khổ, họ vẫn còn thói quen ngủ trên võng, trên rơm rạ, thậm chí cả ngoài vỉa hè.

Quốc Huy
(TVVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét