Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Mẹ Hổ người Hoa làm rung chuyển nước Mỹ


Amy Chua: Tiger Mothers 妈的战歌

(Video clip)

http://www.youtube.com/watch?v=sBDGRKy96CU&NR=1

Mẹ Hổ người Hoa làm rung chuyển nước Mỹ


Amy Chua tự xưng là Mẹ Hổ có thể vì bà sinh năm Hổ (1962) hoặc có thể vì bà cho rằng mình đã dạy con như một Hổ mẹ – nghiêm khắc đến tàn nhẫn để chúng có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt không có chỗ cho kẻ yếu hèn. Cách dạy con ấy được một số người ủng hộ, nhưng đa số sửng sốt, kinh hãi.

Bài Vì sao các bà mẹ người Hoa giỏi thế? (Why Chinese Mothers Are Superior) đăng trên bản điện tử Nhật báo Phố Wall số ra ngày 8/1 năm nay đã lập kỷ lục hơn 1 triệu lượt người truy cập và 7743 lời bình luận đã lôi cuốn các tờ báo lớn như Time, New York Times... và các đại gia truyền thông như NPR, NBC, BBC vào cuộc. Bên kia Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, các tờ The Times, The Daily Telegraph, The Guardian... cùng hàng trăm báo đài Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan vào cuộc, cùng hàng trăm nghìn cư dân mạng người Hoa trên toàn thế giới phát biểu ý kiến.

Bài báo nói trên giới thiệu về cuốn sách Battle Hymn of the Tiger Mother (Chiến ca của Mẹ Hổ) dày 256 trang tiếng Anh này kể lại chuyện dạy con trong một gia đình người Mỹ có mẹ gốc Hoa và bố gốc Do Thái.

Tác giả bài báo và cuốn sách là bà Amy Chua – còn gọi là Mẹ Hổ người Hoa (Chinese Tiger Mother) – thực sự đã làm rung chuyển nước Mỹ, chủ yếu vì bà dám công khai trình bày cách dạy con độc đáo có phần cực đoan của mình.

Amy Chua tự xưng là Mẹ Hổ có thể vì bà sinh năm Hổ (1962) hoặc có thể vì bà cho rằng mình đã dạy con như một Hổ mẹ – nghiêm khắc đến tàn nhẫn để chúng có thể sinh tồn trong một xã hội cạnh tranh quyết liệt không có chỗ cho kẻ yếu hèn.

Cách dạy con ấy được một số người ủng hộ, nhưng đa số sửng sốt, kinh hãi. Một người viết: Tôi không thể tin bài báo này. Nhiều người gọi bà là “yêu quái”, kết tội bà “ngược đãi” con, là một “mẫu người nguy hiểm” cho xã hội...Trong hàng chục nghìn bức thư gửi về địa chỉ Amy Chua, một số người còn đe dọa tính mạng bà, khiến bà phát hoảng và cảm thấy rất khổ tâm. Đã mấy lần Amy Chua xuất hiện trên đài, báo thanh minh về bài viết ấy.

Ngay trong ngày đầu tiên phát hành, Chiến ca của Mẹ Hổ được xếp hạng bestseller thứ 6 trên mạng Amazon. Trên Facebook xuất hiện khoảng 100 nghìn lời bình sách này.




Tiếng tăm Amy Chua càng nổi hơn khi trang bìa tạp chí TIME số cuối tháng 1/2011 in hình ảnh tượng trưng “Mẹ Hổ” cao lớn đứng khoanh tay trước cô con gái nhỏ bé tay cầm chiếc vĩ cầm đang e sợ ngước nhìn mẹ; chính giữa in dòng chữ Sự thật về các Mẹ
Hổ (The Truth About Tiger Moms) – tên một bài viết dài trong tạp chí này.

Khi Amy Chua sang Thụy Sĩ dự Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (26-31/2011), các nhà báo khắp thế giới bám riết bà. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV có phát đi một đoạn băng video ngắn phỏng vấn Amy Chua [1]. Bà xuất hiện trước ống kính, tươi cười thoải mái trả lời bằng tiếng Anh, đại ý: Tôi không phải là chuyên gia giáo dục. Cuốn sách của tôi chỉ là một bản hồi ký chuyện gia đình. Một tờ báo trích dẫn vài đoạn trong sách của tôi và đặt tên là “Vì sao các bà mẹ người Hoa trội hơn?” Tôi đọc rồi và rất không thích cái tên bài báo ấy. Mỗi gia đình có một cách dạy con riêng, tôi không định nêu lên một hình mẫu dạy con cho ai cả ...

Mẹ Hổ dạy con

Hai cô con gái của Amy Chua là Sophia và Louisa, nay đã 18 và 15 tuổi, lớn lên trong sự dạy dỗ nghiêm khắc hiếm thấy, buộc phải răm rắp tuân theo bản nội quy gia đình do bà mẹ áp đặt gồm 10 điều:

- Cấm qua đêm ở nơi không phải nhà mình;
- Cấm xem phim;
- Cấm tham gia biểu diễn văn nghệ ở nhà trường;
- Không được oán trách vì điều cấm ấy;
- Cấm xem truyền hình hoặc chơi game máy tính;
- Không được tự chọn hoạt động ngoại khóa (mà do mẹ chọn);
- Điểm sát hạch, điểm thi tất cả các môn học phải đạt mức A (tức cao nhất);
- Trừ môn thể dục và sân khấu ra, thành tích học tất cả các môn khác đều phải nhất lớp;
- Trừ dương cầm và vĩ cầm ra, không được chơi bất cứ nhạc cụ nào khác;
- Phải học dương cầm và vĩ cầm.

Amy Chua viết: Các bạn phương Tây của bà cho rằng bắt con mỗi ngày tập đàn từ 30 phút đến 1 giờ là quá nghiêm khắc rồi, thế nhưng các bà mẹ người Hoa thì bắt con tập đàn liền 3 tiếng đồng hồ. Người Hoa cho rằng muốn yêu thích công việc gì thì hãy tập làm công việc ấy thật nhiều; khi làm giỏi thì sẽ thấy yêu thích việc đó.

Amy Chua kể: Bắt chước cha mẹ mình, bà thường hay mắng con là “Đồ ăn hại” mỗi khi chúng ương bướng. Trong một bữa tiệc ở nhà người bạn, Amy Chua từng mắng Sophia là “garbage (đồ rác rưởi)” khi con bé tỏ ra hỗn xược; một bà khách người Mỹ nghe thế đã mủi lòng chảy nước mắt và xin kiếu ra về. Sau đấy chủ nhân bữa tiệc phải cố gắng dàn xếp mối quan hệ giữa Amy Chua với các thực khách để họ ở lại tiếp tục dự tiệc.

Amy Chua cho rằng các phụ huynh người Hoa khác người phương Tây ở 3 điểm:

- Người phương Tây rất ngại làm tổn thương lòng tự tin, tự trọng của con, cho nên thường hay khen con quá đáng, khi con bị điểm xấu cũng vẫn khen, còn người Hoa thì mắng ngay và hỏi cho ra nhẽ tại sao bị điểm xấu;

- Người Hoa cho rằng con cái phải biết ơn cha mẹ về mọi chuyện họ làm cho chúng, do đó chúng phải nghe lời cha mẹ, phải cố làm cho cha mẹ tự hào vì con;

- Cha mẹ người Hoa tin rằng họ biết điều gì là tốt nhất đối với con mình, cho nên họ không cần để ý tới yêu cầu và thị hiếu của con mà cứ ép buộc con làm theo ý họ, dù chúng không thích.

Amy Chua kể: Hồi Lulu (tên thân mật của Louisa) lên 7, cháu phải tập piano bài Chú lừa con lông trắng của nhạc sĩ Pháp Jacques Ibert. Bản nhạc rất hay nhưng khó phối hợp hai tay, con bé tập mãi không được. Nó chán nản tức giận bỏ cây đàn, giậm chân thình thịch không chịu tập. Tôi ra lệnh: “Ngồi vào đàn ngay!” Lulu cãi: “Mẹ không được bắt con làm thế.” Tôi bảo: “Ô hay, mẹ bắt con phải làm thế đấy!”

Sau khi ngồi vào đàn, con bé phản ứng bằng cách bấm phím loạn xạ rồi xé bản nhạc vứt xuống đất. Tôi nhặt lên dán lại rồi kẹp vào bìa ni lông, như vậy nó không thể xé được nữa. Rồi tôi kéo túi đồ chơi của Lulu đến bên chiếc ô tô và bảo nó: “Nếu ngày mai con chưa tập được bài ấy thì mẹ sẽ đem chỗ đồ chơi này của con cho các bạn khác hết.” Con bé nói: “Mẹ đem cho hết đi.” Thấy vậy tôi dọa: “Thế thì hôm nay con sẽ không được ăn trưa, ăn tối... Con sẽ không được tổ chức sinh nhật, Lễ Giáng sinh này sẽ không có quà...”

Thấy tình hình căng thẳng, ông xã nhà tôi bèn kéo tôi ra ngoài khuyên tôi chớ nên mắng mỏ con bé. Tôi không nghe mà còn cự lại: “Sophia bằng tuổi này đã chơi được bài nhạc ấy; cớ sao Lulu lại không?” ....

Rốt cuộc tôi kèm Lulu tập đàn cho tới bữa ăn tối. Suốt thời gian ấy tôi không cho cháu nghỉ một phút nào, không cho uống nước, không cho đi toa-lét. Phòng tập đàn như bãi chiến trường.

Cuối cùng hai tay của Lulu dường như đã phối hợp được với nhau. Dấu hiệu thành công đây rồi. Tôi thở dài khoan khoái. Lulu cũng mỉm cười. Cháu bảo: “Mẹ xem này, chẳng có gì khó cả!” Sau khi chơi thạo bản nhạc rồi, nó còn muốn nán lại chơi thêm vài lần.

Tối hôm ấy cháu được phép ngủ chung với tôi. Hai mẹ con ôm lấy nhau tưởng như không bao giờ xa rời nữa.

Mấy tuần sau, Lulu biểu diễn độc tấu bài Chú lừa con lông trắng rất thành công. Các vị phụ huynh đến dự xúm lại chỗ tôi nức nở khen: “Ôi, Louisa giỏi quá!” Ông xã cũng khen tôi mãi




Ba mẹ con Amy Chua

Sự thật đằng sau câu chuyện Mẹ Hổ

Thực ra từ lâu phương Tây đã quá biết về phương pháp giáo dục truyền thống của phương Đông – nghiêm khắc tới tàn nhẫn, ép buộc chứ không tôn trọng sự lựa chọn của học sinh, đánh giá thành tích học qua điểm số, coi trọng thi cử, học thuộc lòng, ghi nhớ kiến thức có sẵn càng nhiều càng tốt, ít chú trọng sáng tạo, phản biện, tranh luận với thầy, với sách ...Khi dạy con, người châu Á không cần nghĩ tới chuyện chúng có vui sướng hay không mà chỉ lo làm sao cho chúng học giỏi, thi đỗ đại học, ra đời sẽ có đời sống bảo đảm.

Phương Tây có phương pháp giáo dục khác hẳn, cha mẹ tôn trọng sự lựa chọn, sở thích của con chứ không ép buộc theo ý của cha mẹ. Đứa trẻ phải tự lập từ nhỏ đến lớn. Phương Tây tự hào về truyền thống giáo dục của họ. Trên Slate.com ngày 9/2, Ray Fisman viết: Nếu Mary Gates và Karen Zuckerberg là “Mẹ Hổ” thì họ không thể nào tán thành con trai mình bỏ học ở ĐH Harvard để theo đuổi giấc mơ lập công ty riêng, và do đó chúng ta sẽ không có Microsoft và Facebook.

Vì sao dư luận Mỹ phản ứng gay gắt đến thế về cuốn Chiến ca của Mẹ Hổ? Vì tự ái chăng, khi Amy Chua nói các mẹ người Hoa “siêu” hơn các mẹ Âu Mỹ?

Trong mấy thế kỷ qua, văn minh phương Tây lấn át, thắng phương Đông, cả thế giới đều ca ngợi nền giáo dục phương Tây. Nhưng giờ đây hình như gió đã đổi chiều. Thống kê cho thấy người gốc Á chỉ chiếm 4,5% số dân Mỹ nhưng lại chiếm 12-16% tổng số thí sinh thi đỗ đại học ở Mỹ và 20% sinh viên các ĐH nhóm Ivy League; và xu thế đó ngày một tăng.

Thành tích học tập của học sinh châu Á ngày càng trội hơn phương Tây. Cuộc thi Chương trình đánh giá học sinh quốc tế ( PISA ) cuối năm 2010 cho thấy phương Đông bắt đầu chiếm ưu thế rõ rệt. Trong 34 nước và lãnh thổ dự thi, Trung Quốc tham gia lần đầu tiên lại có thành tích cao nhất, Mỹ đứng thứ 17. Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan đều đạt thành tích cao hàng đầu.

Nhiều năm qua, kinh tế Mỹ sa sút trông thấy trong khi kinh tế châu Á tăng trưởng cao. Trung Quốc nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sắp vượt Mỹ. Giáo dục có vai trò gì trong chuyện ấy? Người Mỹ bắt đầu xem xét lại các khiếm khuyết trong nền giáo dục của mình. Đây không phải lần đầu tiên họ làm như vậy.

Năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik, cả nước Mỹ rung chuông báo động: khoa học và công nghệ Mỹ đang tụt hậu, chủ yếu vì giáo dục phổ thông có vấn đề. Chưa đầy một năm sau, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Giáo dục quốc phòng Nhà nước (National Defense Education Act) đầu tư hàng tỷ USD cho cải cách giáo dục.

Thập niên 80, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và bắt đầu “mua dần nước Mỹ”. Tổng thống Reagan quyết định tái cải tổ ngành giáo dục. Hơn 400 chuyên viên bỏ ra 4 năm nghiên cứu đề xuất Dự án 2061 – Các tiêu chuẩn tố chất khoa học cho người Mỹ (Project 2061: Benchmarks for Science Literacy) nhằm mục tiêu đến năm 2061, khi sao chổi Halley trở lại Trái đất lần thứ hai (lần đầu 1985), toàn thể người Mỹ được hưởng giáo dục đại học.

Mỹ đã thắng Liên Xô và Nhật trong cả hai cuộc chạy đua nói trên, nhưng lần này thì sao? Khi đối thủ là một quốc gia gồm 1,4 tỷ người Hoa hừng hực khí thế muốn đòi lại vai trò bá chủ địa cầu thời nhà Đường xa xưa của họ.

Có người ví, nếu năm 1957, tiếng “Bíp” của Sputnik Liên Xô báo động nền giáo dục Mỹ đã tụt hậu, thì giờ đây, khi người khổng lồ Trung Quốc sắp vượt Mỹ, khúc quân hành Chiến ca của Mẹ Hổ vang lên đang đánh thức người Mỹ tỉnh dậy sau hơn nửa thế kỷ say sưa với bao nhiêu thành công đã đạt được.

Chiến ca của Mẹ Hổ được dư luận quan tâm vì nó dường như muốn gợi ý phương Tây, nếu không để bị tụt hậu, thì nên tham khảo phương pháp giáo dục của phương Đông. Không phải ngẫu nhiên mà tại Diễn đàn Kinh tế thế giới DAVOS, nhà kinh tế lừng danh Lawrence Summers lại tìm gặp và tranh luận với Amy Chua. Chắc hẳn vị Bộ trưởng Tài chính dưới thời Clinton, cố vấn kinh tế của mấy đời Tổng thống Mỹ ấy đã thấy rõ mối liên hệ giữa kinh tế với giáo dục.

Tạp chí TIME có lý khi viết: “Mẹ Hổ Trung Hoa đã chạm vào nỗi đau của nước Mỹ, siêu cường này đang lo thua Trung Quốc và các quốc gia châu Á trỗi dậy trong cuộc chạy đua kinh tế ở thế kỷ XXI. Ngòi bút sắc bén của Amy Chua khiến cho các bà mẹ phương Tây bắt đầu tự hỏi: Phải chăng chúng ta chính là kẻ thua cuộc mà bà ấy nhắc tới? Mẹ Hổ đang dạy lũ hổ con để chúng thống trị thế giới; còn thế hệ tương lai của phương Tây bị cha mẹ bỏ mặc không dạy dỗ, đang thiếu sự chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh toàn cầu ác liệt ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét