Hồ Trung Tú
Thật khó mà kể hết những cảnh tượng tang thương, đau lòng mà trận động đất và sóng thần gây ra cho người dân Nhật Bản. Sóng xé nát, bóp vụn rồi cuốn phăng nhà cửa, ô tô và có thể cả những con người trong đó rồi cuộn đi, đen ngòm trong một thứ hình hài chết chóc chưa từng thấy bao giờ.Phóng viên truyền hình Nhật Bản hoàn toàn có thể nghẹn ngào, nghẹn lời khi tường thuật những hình ảnh ấy, thế nhưng chúng ta đã thấy những khuôn mặt, giọng nói hết sức điềm tĩnh trong tường thuật.
Phảng phất một vẻ buồn đau trên khuôn mặt họ nhưng không ai nhận ra cảm xúc nào đang cuộn lên trong lòng họ. Và Thủ tướng cũng như toàn bộ hệ thống công quyền cũng vậy, ai ai cũng giữ một vẻ mặt như là không cảm xúc. Nói thì môi mấp máy, vậy thôi. Ai việc gì làm việc ấy, nói việc ấy, cứ như đây không phải là chỗ để tỏ bày cảm xúc vậy.
Người dân Nhật được huấn luyện và hướng dẫn nhiều trong ứng phó với thiên tai nên tất cả đều trật tự, không có cảnh hôi của như nhiều nơi khác và ngay cả ở Mỹ trong trận bão Katrina. Nhưng ở đây ta thấy còn có điều gì đó cao hơn là chuyện bình tĩnh, nề nếp, không để ra hoảng loạn của một xã hội văn minh, có tổ chức, kỷ luật cao, như là bản sắc của một dân tộc vậy.
Không chỉ những phóng viên hay Thủ tướng cố giữ vẻ mặt điềm tĩnh để tường thuật hoặc điều hành đất nước lúc lâm nguy, người dân Nhật cũng không thấy khóc trên tivi suốt mấy ngày kinh hoàng ấy. Nói vậy cũng không đúng, họ có khóc nhưng che mặt lại để khóc, quay vào tường để khóc, họ ghi tên người thân vào giấy đeo trước ngực, gắn lên xe, họ cầm ảnh đi tìm vợ con, ai hỏi, mắt đầy nước nhưng không khóc.
Lúc phóng viên đến phỏng vấn chính là lúc dễ khóc nhất, ở truyền hình ta, chuyện buồn có khi đã ba bốn chục năm nhưng phóng viên truyền hình hỏi đến là lại khóc, bởi đó là lúc dễ xúc động nhất, được chia sẻ nhất, thế nhưng những người dân Nhật thì không vậy, “Tôi mất đứa con gái, nó tụt khỏi tay tôi, tôi cố níu lại mà không được !”, “Tôi muốn gặp lại gia đình tôi. Tôi không tìm thấy họ ở đâu cả !”, khuôn mặt đầy vết trầy sướt, một người đàn ông nói: “Lúc chìm trong nước, hình ảnh người thân hiện ra và tôi nghĩ tôi phải sống, tôi yêu mến họ nhưng giờ không còn ai nữa cả” … Hỏi thì nói nhưng vẫn không khóc. Nước mắt chảy đầm trên mặt nhưng đó vẫn cứ không phải là khóc, giọt nào chảy ra lau vội giọt ấy, hoàn toàn không có tiếng khóc, không ai hờ và cũng không ai vật vã, không trách trời trách đất…điều ta thấy nhiều khi sóng thần tràn vào Srilanka và Ấn Độ năm 2004 !
Tại sao vậy, người dân Nhật không biết khóc ư ? Những lúc tận cùng sự mất mát này chính nước mắt sẽ giúp người ta vợi đi nỗi đau mà tiếp tục tồn tại kia mà !
Không phải là người Nhật không biết khóc, bằng chứng là những ngày sau, tin truyền hình cho thấy những cuộc đoàn viên bất ngờ, khi ôm được đứa con bé nhỏ trong tay, nhiều người đã khóc, khóc rất to. Và lúc đó họ không biết có phóng viên đang quay hình. Theo dõi thật kỹ chúng tôi thấy cứ toáng nhìn thấy máy quay là họ lại nuốt nước mắt xuống, kìm nén lại, vội lau mắt, cho dù trong đó chỉ mới vừa ướt.
Cả một dân tộc dường như xấu hổ khi để cho người khác nhìn thấy mình khóc. Điều đó thật khác với người Việt Nam mình, luôn muốn được người khác nhìn thấy mình nhạy cảm, mình khóc. Và sự nhạy cảm, biểu lộ cảm xúc lại thường được đánh giá cao như trường hợp một biên tập viên VTV đã thăng tiến sau một lần dẫn tin về bão lụt ở miền Trung.
Tại sao vậy ? Không phải là người hiểu biết về văn hóa, văn minh Nhật Bản, cũng chưa kịp tìm ra ai để hỏi, tôi truy tìm trên mạng và hiểu ra phần nào chuyện này khi bắt gặp câu châm ngôn: “ Hãy gạt tất cả nước mắt dưới mái hiên nhà, và sự chịu đựng sẽ là người bạn tốt của bạn”.
Tôi không biết người dân Nhật dạy dỗ con cái họ như thế nào về cái khóc nhưng sự nhẫn nại, chịu đựng, cam chịu kể cả lúc oan ức là có thể thấy được trong các tác phẩm văn học và điện ảnh. Như phim Osin được chúng ta yêu mến một thời. Cô bé Osin đã chịu không biết bao nhiêu oan ức và khổ nhục nhưng không một lời than vãn, không một lời tâm sự, cũng không cần sẻ chia, chỉ cam chịu và cam chịu để cố làm tốt hơn.
Tiến Sĩ sử học Đặng Thị Vân Chi sở trường đại học KHXH và NV trong một bài dịch về “Tinh thần nghệ nhân” chị kể một chuyện về đứa trẻ đi học nghề Ví dụ như việc đào tạo thợ mộc, một cậu bé 12-13 tuổi sẽ được dẫn đến nhà thầy dạy nghề và ở lại đó từ 7 đến 10 năm mà không bao giờ được phép về thăm bố mẹ mình thậm chí cho dù nhà cậu ta ở gần đó. Cậu ta làm việc dưới sự hướng dẫn ông chủ mà không phải trả tiền công và sinh hoạt cùng với gia đình của ông ta. Sự vất vả của việc học nghề được diễn tả bằng câu châm ngôn như: “Hãy gạt tất cả nước mắt dưới mái hiên nhà, và sự chịu đựng sẽ là người bạn tốt của bạn”.
Tìm hiểu bản sắc văn hóa một dân tộc là một điều khó, hiểu được đời sống tinh thần, đời sống tâm lý dân tộc đó càng khó hơn nữa, trên chỉ là những ghi vội khi thấy mọi người bàn luận nhiều về sựđềm tĩnh của người dân Nhật trong thảm họa. Nó cần được tìm hiểu nhiều hơn nếu chúng ta muốn thực sự điều chỉnh điều gì đó không hay lắm trong đời sống tinh thần của mình.
HTT
https://www.facebook.com/hotrungtu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét