Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Giao trứng cho ác

Nam Nguyên, phóng viên RFA

MG_0496-622.jpg
Đường lên Đèo Hải Vân, ảnh chụp hôm 6/7/2011.
RFA PHOTO



Dư luận bất bình



Dư luận phản ứng gay gắt về việc chính quyền Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư khu nghỉ dưỡng rộng 200 ha cho Công ty Trung Quốc Thế Diệu ở đèo Hải Vân. Đây là một vị trí chiến lược khống chế cả vùng trời vùng núi và vùng biển Đà Nẵng và có thể chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 16.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng một công dân Đà Nẵng đồng thời là một nhà hoạt động xã hội dân sự đã nhanh chóng phản ứng:
“Cũng như bạn bè và học trò, chúng tôi vô cùng sửng sốt không hiểu tại sao chính quyền Thừa Thiên Huế lại làm việc này. Chúng ta biết là Việt Nam trong quá trình mở rộng về phương Nam thì đèo Hải Vân là một trong những chướng ngại thuở xưa. Trong chiến tranh gần đây cũng thế đèo Hải Vân chia cách đất nước Việt Nam, ở đỉnh cao hiểm trở như thế mà cho người nước ngoài thuê để làm cái này cái kia thì đó là điều không thể nào chấp nhận được. Nói thật là chúng tôi vô cùng sửng sốt về chuyện này.”
Cũng như bạn bè và học trò, chúng tôi vô cùng sửng sốt không hiểu tại sao chính quyền Thừa Thiên Huế lại làm việc này.
-TS Nguyễn Thế Hùng
Đây là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine-Huế do doanh nghiệp Trung Quốc làm chủ đầu tư với tổng vốn 250 triệu USD. Người Trung Quốc được phép sử dụng diện tích 200 ha tại khu vực mũi Cửa khẻm, nơi núi Hải Vân đâm ra biển. Tại đây nhà đầu tư Trung Quốc sẽ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao với 450 phòng, một trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng với 220 căn hộ cao cấp, 350 biệt thự và khu du lịch, nhà hàng bãi tắm. Dự án này được triển khai theo ba giai đoạn từ 2013 đến 2023 trên thực tế đã bắt đầu xây dựng một số hạng mục và cơ sở hạ tầng.
Tuy vậy Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng vừa kiến nghị Chính phủ rút giấy phép đầu tư mà Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp cho Công ty Thế Diệu của Trung Quốc. Lý do Chính quyền Đà Nẵng đưa ra là dự án nằm ở vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. Hơn nữa về nguyên tắc dự án này có một vùng chồng lấn trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Đối với sự kiện một dự án trải rộng 200 ha nằm ở khu vực có vị trí chiến lược lại nằm trong tay nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc. Thiếu tướng hồi hưu Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ Hà Nội phát biểu với Đài Á Châu Tự Do:
“Những chỗ tốt đẹp có vị trí chiến lược lại cứ bán cứ để cho Trung Quốc làm dự án trong khi mình có thể làm được, Như thế là các anh ấy không suy nghĩ và chỉ thấy có tiền thôi. Tôi cho là chỉ thấy có tiền, nhiều tỉnh cũng thế thôi nghĩa là chỉ thấy có tiền mà không thấy cái nguy hiểm cho đất nước.”

Vị trí yết hầu có thể chia cắt đất nước

Đại tá Thái Thanh Hùng, nguyên chỉ huy phó Bộ chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng, đương kim Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng được báo điện tử Infonet trích lời nói rằng: “Dự án Trung Quốc trên đèo Hải Vân nằm ở vị trí yết hầu có thể chia cắt đất nước. Nắm vị trí đó là nắm cả vùng trời, vùng núi, vùng biển khu vực phòng thủ Đà Nẵng.”

MG_0498-400.jpg
Cửa Hầm Hải Vân phía nam, ảnh chụp 6/7/2011. RFA PHOTO.

Là một nhà quân sự Đại tá Thái Thanh Hùng nhấn mạnh rằng, đây là vị trí chiến lược, là địa bàn trọng điểm. Ở miền Trung thì khu vực đèo Hải Vân ai cũng biết cả…Nếu xảy ra chiến tranh, nơi này bị chiếm thì đất nước bị chia cắt liền. Do nó đặc biệt quan trọng như vậy nên Đại tá Thái Thanh Hùng cho là không nên cho nước ngoài đầu tư vào khu vực đó.
Vẫn theo Infonet và Đại tá Thái Thanh Hùng, vị trí Thừa Thiên-Huế cấp phép cho phía Trung Quốc xây dựng khu du lịch lại nằm ngay mũi Cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân đâm ra biển và coi như bao trùm cả hòn Sơn Trà con cách đó không xa. Khu vực này chính là “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng với núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà tọa thành hình cánh cung trấn giữ phía Bắc và phía Đông Bắc. Trong khi vịnh Đà Nẵng là một trong những khu vực vô cùng trọng yếu trên dọc tuyến biển Việt Nam.
Dự án khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân với chủ đầu tư là là doanh nghiệp Trung Quốc gây ra mối lo ngại về an ninh quốc phòng, là sự kiện mới nhất về việc các tỉnh trao nhiều đặc quyền cho nhà đầu tư Trung Quốc trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thiếu tướng hồi hưu Nguyễn Trọng Vĩnh nối kết các sự kiện liên quan đến nhiều dự án ở những vị trí trọng yếu được trao cho nhà đầu tư Trung Quốc. Ông nói:
Những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước, những người ấy vô hình chung tạo điều kiện để mất nước.
-Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
“Hà Tĩnh là cái yết hầu của miền Trung và hơn nữa nó xây dựng thành một thứ căn cứ, ở trong đó phức tạp lắm chứ không phải chỉ đơn giản là chỗ luyện thép đâu. Hay Cảng Đông Hà cũng vậy thôi cũng là một chỗ quan trọng cũng là bán cho nó, cho nó thuê nó có thể làm thành căn cứ quân sự, rồi từ Kỳ Anh vào tới chân đèo Ngang cũng thế thôi cũng lại cho nó thuê, phía biển nó làm gì ngoài ấy cũng không biết. Những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước, những người ấy vô hình chung tạo điều kiện để mất nước, dù là không có ý thức đi nữa thì cũng là tạo điều kiện để cho Trung Quốc nó chiếm nước mình.”
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện làm việc ở Hà Nội từng báo động về việc các nhà đầu tư Trung Quốc, lợi dụng chính sách của Việt Nam đã thuê dài hạn nhiều khu vực dọc theo biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc để trồng và khai thác lâm sản, đặc biệt là các dự án ở Vũng Áng Hà Tĩnh mang vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Ông Bùi Kiến Thành nhận định:
“Vùng Vũng Áng Hà Tĩnh đối diện gần với Hải Nam, nếu ngày nào Trung Quốc xây dựng Cảng Vũng Áng mà Hải Nam chĩa ngay qua  Vũng Áng thì có thể nói Vịnh Bắc Bộ biến thành một cái ao hồ của Trung Quốc và nó ngăn cản sự vận chuyển giao thông hàng hải của Việt Nam từ Bắc vào Nam thì sẽ ra sao. Ngoài ra nó có những nguy cơ về quốc phòng từ cảng Vũng Áng đi qua Lào chỉ 50 km thôi. Như vậy nếu có chuyện thì làm sao phòng thủ, Trung Quốc từ bên Lào đi xe ô tô qua Vũng Áng chạy ô tô vài tiếng đồng hồ là cắt đôi Việt Nam ra làm hai khúc.”
Không hiểu Chính phủ Việt Nam từ Trung ương xuống địa phương nhận thức thế nào về hiểm họa quốc phòng, khi bất chấp ý kiến của giới nhân sĩ trí thức cựu sĩ quan cao cấp, kể cả chiến lược gia quân sự Võ Nguyên Giáp khi còn sống, cũng gởi thư cho Trung ương Đảng và lãnh đạo nhà nước để cảnh báo về việc không thể cho thuê đất ở các vị trí chiến lược.
Dự án Khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine ở mũi Khẻm núi Hải Vân, nơi chia cách Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, chỉ là một mắt xích mới nhất trong chuỗi vị trí chiến lược trọng yếu về an ninh quốc phòng đã và đang được trao vào tay nhà đầu tư Trung Quốc.
------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trung Quốc trấn đèo Hải Vân: Trách nhiệm Thủ tướng

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-11-17

danang.gov.vn.jpg
Hầm Hải vân
Courtesy of danang.gov.vn



Thừa Thiên-Huế đẩy quả bóng trách nhiệm cho Thủ tướng về việc cho phép nhà đầu tư Trung Quốc khai thác 200 ha đất ở vị trí chiến lược trên đèo Hải Vân.
Nhà phản biện độc lập TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho rằng, cho dù Thủ tướng chịu trách nhiệm vì đã phê duyệt qui hoạch, thì nay cũng là lúc phải thu hồi ngay lập tức giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc, trao quyền cho họ thực hiện dự án nghỉ dưỡng nằm ở vị trí chiến lược, có thể khống chế vịnh Đà Nẵng và chia cắt đất nước. Từ Hà Nội TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh:
“Chắc chắn phải như vậy nếu ông ấy đã ký thì phải có trách nhiệm, về việc không nhìn ra thì có thể có nhiều lý do, một lý do là do sơ xuất vì sơ xuất là chuyện con người. Nếu mà là sơ xuất thì có thể bỏ qua mà chỉ có thể đánh giá là năng lực hơi kém. Còn nếu không phải là sơ xuất mà biết mà vẫn làm như thế thì trách nhiệm càng nặng hơn.”
Phát biểu gay gắt của TS Nguyễn Quang A được ghi nhận tiếp sau thông tin: ngày 14/11/2014 ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định với VnExpress rằng Thừa Thiên-Huế làm đúng qui định của Nhà nước. Suốt hai tuần qua trên báo chí, Thừa Thiên-Huế đã lập luận rằng, dự án 200 ha ở mũi cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân vươn xa nhất ra biển Đà Nẵng là nằm trong Qui hoạch chung về xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đến hết năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771 ngày 5/12/2008.
Những chỗ tốt đẹp có vị trí chiến lược lại cứ bán cứ để cho Trung Quốc làm dự án trong khi mình có thể làm được, như thế là các anh ấy không suy nghĩ và chỉ thấy có tiền thôi.
- Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Chính quyền Thừa Thiên - Huế không trả lời dư luận về việc Dự án mũi Cửa Khẻm giao cho nhà đầu tư Trung Quốc nằm ở vị trí chiến lược khống chế vùng trời, vùng núi, vùng biển Đà Nẵng và nếu xảy ra chiến tranh sẽ chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 16. Chính quyền Thừa Thiên-Huế chỉ biện giải về khu vực tranh chấp địa giới giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Theo các chuyên gia địa phương nào quản lý mũi Cửa Khẻm không phải là điều quan trọng, cốt lõi ở đây Thừa Thiên-Huế đã bỏ qua vấn đề an ninh quốc phòng trao quyền khai thác 200 ha cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 50 năm, mà cụ thể là doanh nghiệp Trung Quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc hiện nghỉ hưu ở Hà Nội đã phản ứng mạnh mẽ về điều ông là góp phần làm tăng nguy cơ mất nước. Ông nói:
“Những chỗ tốt đẹp có vị trí chiến lược lại cứ bán cứ để cho Trung Quốc làm dự án trong khi mình có thể làm được, như thế là các anh ấy không suy nghĩ và chỉ thấy có tiền thôi. Tôi cho là chỉ thấy có tiền, nhiều tỉnh cũng thế thôi nghĩa là chỉ thấy có tiền mà không thấy cái nguy hiểm cho đất nước.”
Từ đầu tháng 11, chính quyền Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng rút giấy phép đầu tư mà Thừa Thiên-Huế cấp cho Công ty Thế Diệu của Trung Quốc từ năm 2013 để xây dựng một quần thể nghỉ dưỡng du lịch chiếm 200 ha ở mũi Cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân vươn ra xa nhất trên biển Đà Nẵng. Hai lý do Đà Nẵng đưa ra là vị trí chiến lược ảnh hưởng an ninh quốc phòng và dự án nằm trên vùng tranh chấp địa giới giữa hai địa phương.
Ngày 17/11/2014, Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 được VnExpress trích lời khẳng định đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự  cấp độ 1 được Chính phủ quy định. Đất tại khu vực này muốn  làm bất cứ việc gì phải báo cáo và được sự nhất trí của Bộ Quốc Phòng để xin ý kiến của Thủ tướng. Tướng Chiêm nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế tự động cho doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng khu nghỉ dưỡng là “dứt khoát không được”.
Chuyện thu hồi giấy phép

31102-a2740-400.jpg
Vị trí dự án khu nghỉ dưỡng World Shine

Đáp câu hỏi của chúng tôi là chính quyền Việt Nam có vẻ không chú ý tới yếu tố an ninh quốc phòng khi kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế và để đến khi dư luận lên tiếng lúc đó mới tính chuyện sửa sai. Nhà phản biện TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Tôi nghĩ cũng không hẳn hoàn toàn như vậy. Nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề an ninh quốc gia, người ta có những qui trình rất chặt chẽ về những chuyện như vậy. Nhưng thực tế người ta có thể lách những qui trình ấy một cách rất ngoạn mục, hoàn toàn do ý định của người ta mà thôi. Ngay cả việc hủy một dự án, bất kỳ dự án nào cũng có hàng trăm điều kiện mà tôi tin là không có nhà đầu tư nào không vi phạm đến khoảng 30% các điều kiện qui định trong giấy phép. Nếu người ta muốn thì có thể dẫn chiếu bất kể một cái lỗi nào đấy của nhà đầu tư và người ta có thể hủy cái giấy phép ấy mà chẳng cần phải đền bù gì cả, bởi vì ông đã vi phạm qui định.”
Việt Nam có chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư để phát triển kinh tế, người Trung Quốc chọn được nhiều vị trí mà dư luận cho là nhạy cảm về an ninh quốc phòng là vì nhờ các mánh lới đặc biệt. Làm thế nào để giảm bớt tình trạng nguy hiểm này. TS Nguyễn Quang A trả lời câu hỏi này:
“Nếu chúng ta kỳ vọng vào những người cánh hẩu với Trung Quốc để người ta bớt đi thì không bao giờ cả, số người như thế ở Việt Nam không phải là ít. Chỉ có mỗi một cách như vừa rồi là dư luận của công chúng, của các giới khác nhau, kể cả những người đương quyền mà còn thực sự lo lắng cho vận mệnh đất nước. Những người ấy, các thế lực ấy phải lên tiếng và chỉ có như thế mới có thể chặn được những sự móc ngoặc với những thế lực nước ngoài mà để làm tổn hại đến đất nước mà thôi.”
Nếu người ta muốn thì có thể dẫn chiếu bất kể một cái lỗi nào đấy của nhà đầu tư và người ta có thể hủy cái giấy phép ấy mà chẳng cần phải đền bù gì cả, bởi vì ông đã vi phạm qui định.
- TS Nguyễn Quang A
Được biết, Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao 200 ha đất ở mũi Cửa Khẻm cho Công ty Trung Quốc Thế Diệu từ tháng 10/2013 với thời hạn 50 năm. Thế Diệu đã giải ngân 80 tỷ để khởi sự thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng du lịch có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Tại Cửa Khẻm nơi núi Hải Vân vươn ra biển xa nhất, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao với 450 phòng, một trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng với 220 căn hộ cao cấp, 350 biệt thự và khu du lịch, nhà hàng bãi tắm. Dự án này được triển khai theo ba giai đoạn từ 2013 đến 2023, Thế Diệu đã xây dựng trụ sở điều hành dự án tại khu vực Cửa Khẻm. Còn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã chi 50 tỷ đồng mở con đường 5 km vào Cửa Khẻm.
Cho tới ngày 17/11/2014 chưa có thông tin về việc thu hồi giấy phép dự án đầu tư trên núi Hải Vân của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng báo chí phản ứng dư luận hết sức gay gắt đòi dừng ngay dự án vì ảnh hưởng an ninh quốc phòng, đặc biệt có yếu tố Trung Quốc. Theo ý kiến chuyên gia một quyết định hợp lòng dân là điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải tính tới trong giai đoạn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét