Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

một ngàn năm nô lệ giặc tầu

một ngàn năm nô lệ giặc tầu

Đó là câu đầu trong bài hát "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn.

tranh vẽ: Internet
Vào những năm 1965-1970, bài ca này đã làm rúng động tâm can quân dân miền Nam. Quá chán chường chiến tranh, khao khát hòa bình.

Thời kì đó, bài ca này có tác dụng như mưu kế của Lưu Bang (Hán) cho binh sĩ của mình hát dân ca nước Sở, làm dao động dữ dội tinh thần quân đội Hạng Vũ (Sở). Trong một trăm ngàn quân Sở, đã bỏ về quê hương gần hết, chỉ còn lại mấy trăm. Chiến dịch này, lịch sử Trung Quốc gọi là "Tứ diện Sở ca". Cuối cùng, quân Hán  toàn thắng ở Cai Hạ.

Nhưng sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ở Việt Nam, người ta hầu như không còn muốn nghe bài ca "Gia tài của mẹ" nữa. Nếu không là đem ra đặt lời khác làm chuyện cười, thành bài "Gia tài của vợ" chẳng hạn:


Một trăm năm nô lệ vợ nhà
Một trăm năm nô lệ vợ ta
Hai mươi năm rửa chén giặt đồ
Gia tài của vợ để lại cho ta
Gia tài của vợ là khối việc nhà...


Tại sao vậy?


Người ta đã sớm nhận thấy một số bài hát của Trịnh Công Sơn, như bài "Huế-Sài Gòn-Hà Nội" hay bài "Gia tài của mẹ", chỉ là công cụ tuyên truyền cho Nhà nước cộng sản miền Bắc.


Trịnh Công Sơn được khen là "phù thủy ca từ". Chính vì thế mà ảnh hưởng của những lời ca này còn dữ dội hơn nữa. Sự việc Trịnh Công Sơn có phải là "bồi bút" cho nhà cầm quyền hay chỉ là nạn nhân ngây thơ của bộ máy tuyên truyền cộng sản, lịch sử sẽ còn phán xét.


Nhưng thời sự nóng bỏng đang diễn ra trong vụ tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam bỗng khơi lại câu hát trong bài "Gia tài của mẹ".


Người ta bỗng nhận thấy lời lẽ bài ca này thích ứng gần như hoàn toàn với tình huống Việt Nam ngày nay.


Chỉ khác một điều là: ngày trước nội dung bài ca nhắm vào chính quyền miền Nam trước 1975, thì ngày nay, những cái Trịnh Công Sơn tố cáo thời đó lại áp dụng vào chính Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa:


Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
(...)
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da, nước Việt xưa
Mẹ mong trông con mau bước về nhà
(...)
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
(...)
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình. 


Trước đây, hai chữ "ngụy quyền", mà bộ máy tuyên truyền cộng sản Hà Nội đã gán cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, thực ra là mượn từ Hán ngữ "ngụy chánh quyền".


Trong thời kì chiến tranh Trung Nhật, "ngụy chánh quyền" đặc chỉ chính quyền do Hán gian nắm giữ tại những vùng đất của Trung Quốc đã bị quân Nhật chiếm đóng.


Bây giờ, hai chữ "ngụy quyền" lại có thể dùng chỉ thẳng mặt Nhà nước Hà Nội năm 2014.

DTK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét