- 16 tháng 4 2015
Giới chuyên gia cảnh báo việc rò rỉ bụi xỉ than có thể gây tác hại đến phổi, đường hô hấp và nguồn nước, đồng thời cho rằng vụ việc thuộc trách nhiệm của cả doanh nghiệp điều hành nhà máy lẫn chính quyền địa phương.
Các cuộc biểu tình bắt đầu hôm 14/4 khá ôn hòa, với sự tham gia của hàng trăm người, nhưng sau đó đã leo thang thành bạo lực trong chiều tối 15/4.
Vụ việc đã gây tắc nghẽn 50km trên đường Quốc lộ 1A.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, 22:30 tối 15/4, lực lượng cảnh sát cơ động Bình Thuận đã phải rút lui khỏi hiện trường sau khi bị người dân "dùng gạch, đá và bom xăng tự chế ném vào".
Báo này cũng cho biết rất nhiều người bị thương trong lúc đụng độ.
Một số video đăng tải trên mạng cho thấy lực lượng an ninh cũng đáp lại bằng lựu đạn khói, hơi cay.
Đến 23:00 giờ, sau khi lực lượng cảnh sát rút lui, người dân tại đây cũng giải tán.
Tuy nhiên trong bài ngày 16/4, báo điện tử Chính phủ dẫn lời lãnh đạo địa phương cho biết người dân đã giải tán sau khi được cơ quan chức năng "thuyết phục".
Báo này cũng dẫn lời Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương nói "không có chuyện người dân đốt xe, đập phá khách sạn" như một số báo điện tử đã đưa.
Tuy nhiên một số báo điện tử đã đăng tải hình ảnh cho thấy một nhiều ô tô bị đập phá làm biến dạng và vỡ cửa kính.
Báo Thanh Niên cho biết nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 từng bị Tổng cục Môi trường xử phạt 1,4 tỷ đồng vì để khói bụi.
Lãnh đạo Bình Thuận cùng EVN đang chỉ đạo nhanh chóng khắc phục sự cố bụi xỉ từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Pháp Luật TP.HCM cho biết thêm.
Trong Thông cáo báo chí chiều 15/4, EVN cho biết các đơn vị liên quan đang làm sạch, gia cố đường dân sinh trong thời gian hoàn thiện đường vận hành chính thức, đồng thời giám sát không cho phép các xe chở xỉ che chắn không kỹ lưỡng tham gia vận chuyển.
'Trách nhiệm của doanh nghiệp và chính quyền'
Trả lời BBC ngày 16/4, Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuấn, giảng viên khoa môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, giải thích về tác hại của bụi xỉ than đối với con người và môi trường xung quanh:"Bụi xỉ than thì dễ dẫn đến các bệnh phổi và đường hô hấp", ông nói.
"Bụi kích thước càng nhỏ thì tác động hô hấp càng cao, bụi lớn cũng gây phiền toái cho người dân vì làm dơ bề mặt nước và đường xá".
"Trong trường hợp [nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2] thì bụi có hai nguồn, một là từ lò đốt thải qua ống khói thì theo như họ nói đã có hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lẽ ra có thể xử ly’ đạt tiêu chuẩn nhưng không biết họ vận hành như thế nào."
"Nguồn thứ hai là từ xe vận chuyển thì phải có các biện pháp quản lý như tuyến đường vận chuyển ,xe vận chuyển, vải che chắn".
Tiến sỹ Tuấn cho biết nguyên liệu than vẫn được sử dụng rộng rãi tại các nhà máy nhiệt điện trên thế giới.
"Nguyên liệu than thì các nhà máy nhiệt điện trên thế giới vẫn dùng rất nhiều và chỉ cần có biện pháp xử lý đúng", ông cho biết.
"Hệ thống lọc tĩnh điện vẫn là hệ thống lọc hiện đại nhất, có thể xử lý 99,9%. Tôi thấy họ có nhưng không biết là vận hành thế nào."
"Sau vụ việc này, tôi nghĩ trách nhiệm đầu tiên là trách nhiệm của doanh nghiệp, khi lắp đặt phải đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng chính quyền địa phương, với vai trò là cơ quan quản lý, phải đảm bảo các doanh nghiệp này thực hiện đúng trách nhiệm".
Cả hai công trình nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và 2 ở Bình Thuận đều do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) làm tổng thầu EPC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét