Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Đất nước bán dần

Hải Phòng 'vào dự án Con đường Tơ lụa'

  • Báo Nhật nói nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đồng ý đưa cảng Hải Phòng vào chương trình xây dựng Con đường Tơ lụa trên biển do Trung Quốc khởi xướng.

Bài của Tetsuya Abe và Atsushi Tomiyama trên trang Nikkei Asian Review hôm 8/04/2015 cho rằng hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng “đồng ý hợp tác về sáng kiến Con đường Tơ lụa, một nỗ lực của Trung Quốc thu hút Việt Nam và để tăng cường ảnh hưởng kinh tế trong vùng”.
Theo báo Nhật Bản, hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã “đồng ý lập các nhóm công tác về hạ tầng cơ sở và hợp tác tài chính” cho dự án Con đường Tơ lụa.
Hai bên có ý định “xây cơ sở cảng, đường cao tốc và các dịch vụ hạ tầng khác” với sự trợ giúp của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB).
Ông Tập “hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam vào sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển”, theo Nikkei Asian Review.
Tờ báo này cũng viết:
“Việt Nam là phần trọng yếu trong kế hoạch Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc, một mạng lưới thương mại từ Phúc Kiến sang Đông Nam Á, Nam Á và châu Âu.”
Vẫn các nhà báo Nhật cho rằng “cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam có thể được xây dựng thành cảng đón tàu chuyên chở container lớn ở miền Bắc Việt Nam vào cuối năm 2017” như một phần của dự án này.
Từ Hải Phòng, hàng hóa có thể đưa lên bộ và chuyển vào nội địa Trung Quốc ngắn hơn từ cảng Hong Kong và Thượng Hải.



Cạnh tranh sáng kiến

Con đường Tư lụa trên biển hay 'Maritime Silk Road (MSR)' là sáng kiến do ông Tập Cận Bình tung ra hồi tháng 9/2014 nhằm đưa hàng hóa và ảnh hưởng của Trung Quốc vươn xuống Đông Nam Á, sang Nam Á và Đông Phi, thậm chí châu Âu.
Đây là hai mặt của cùng một dự án chiến lược gọi là 'Vành đai và Con đường' (Belt and Road), cả trên bộ và trên biển của Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Trên bộ, Trung Quốc muốn lập một vành đai phía Tây kết nối với các nước Trung Á, kéo sang tận Tây Á như Iran.
Đây là vành đai thu hút năng lượng về cho Trung Quốc và cũng mang ý nghĩa an ninh trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa Hồi giáo phía Tây Trung Quốc.
Trên biển, việc xây dựng tuyến đường Tơ lụa vốn chỉ có trên bộ thời cổ, thành Con đường Trên biển gợi lại các chuyến viễn du của Trịnh Hòa từ thời Minh.
Nhưng ngày nay, Trung Quốc muốn có một mạng lưới cảng liên kết các nước trong các vùng biển Đông Nam Á và Ấn Độ Dương để đưa hàng Trung Quốc ra thế giới.
Đáp lại, hiện Ấn Độ cũng đang nêu ra dự án Gió Mùa (Project Mausam) và cổ vũ cho 'Thế giới Ấn Độ Dương', từ châu Phi đến Đông Nam Á và lên cả Đông Á.
Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ muốn dùng dự án cạnh tranh với Trung Quốc để đưa nước ông trở lại vị trí chủ đạo trên các tuyến đường thương mại qua Ấn Độ Dương thời cổ, trải từ các nước Ả Rập sang tận Indonesia.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/04/150408_xi_trong_haiphong_silk_road#_=_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét