Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Vì sao cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung?


Nguồn :http://chinhdanhhoavietnam.com/a1821/vi-sao-ca-chet-hang-loat-doc-duyen-hai-mien-trung-#.VyVpg20SqNo.facebook
Vì sao cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung?
 
Nguyễn Minh Quang, P.E.
30 tháng 4 năm 2016
SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ

Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.

PHẦN TÓM TẮT

Từ hai tuần nay, hiện tượng cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung được báo chí trong nước đặc biệt chú ý.  Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cá chết bất thường là do nước biển bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc, ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) rồi bị dòng hải lưu đẩy về phía nam lan vào tận Thừa Thiên-Huế và các tỉnh phía Nam.  Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường thì kết luận rằng: chưa có bằng chứng về sự liên hệ giữa Formosa với hiện tượng cá chết, và hai yếu tố chính được xác định có liên quan đến vụ cá chết hàng loạt bao gồm độc tố hóa học do con người thải ra từ đất liền và thủy triều đỏ tức tảo nở hoa.

Ngay sau khi hiện tượng cá chết hàng loạt được phổ biến, các cơ quan chuyên môn ở trong nước và các chuyên viên Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra những nhận xét sơ khởi để giải thích hiện tượng cá chết, chẳng hạn sự phân hủy của nước thải từ bờ và từ Khu công nghệ Vũng Áng, chất cyanide hay chất thải từ giàn khoan của Trung Quốc, độc tố hóa học do con người thải ra từ đất liền và thủy triều đỏ tức tảo nở hoa, và nhiễm độc kim loại nặng.  Nhưng những nhận xét nầy, kể cả kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì rất mơ hồ hoặc không có dữ kiện minh chứng.

Có những bằng chứng vững chắc và đáng tin cậy để kết luận rằng hiện tượng cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung là do chất ammonia ở trong nước thải do nhà máy Formosa xả ra biển qua đường ống ngầm được ngư dân phát hiện và ghi hình ảnh.  Ammonium, được phát hiện ở nồng độ vượt tiêu chuẩn cho phép ở Lăng Cô (khoảng 0,4 mg/L), phù hợp với dòng hải lưu và với nồng độ ammonia có thể có trong nước thải từ tiến trình luyện than coke của nhà máy luyện thép Formosa (có thể lên đến 668 mg/L).  Cá rất nhạy cảm với ammonia; cá nước ngọt có thể chết ở nồng độ 0,2-0,5 mg/L và cá nước mặn có thể chết ở nồng độ thấp hơn.  Trong quá khứ, ammonia đã giết khoảng 110 tấn cá trong sông Fuhe ở Hubei, Trung Hoa vào năm 2013 và khoảng 1.000 tấn cá trong nhánh phía tây của sông Nile ở Rosetta, Egypt vào năm 2015.

Ngày 25 tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương, nhưng hành động nầy dường như đã quá trễ.  Công việc quan trọng và cần thiết nhất hiện nay là ngưng hoàn toàn việc xả thải từ Khu kinh tế Vũng Áng và theo dõi phẩm chất của nước biển ở những độ sâu thích hợp trong những vùng bị ảnh hưởng trước đây và thông báo rộng rãi đến người dân cho đến khi trở lại bình thường như trước.

Việc tiếp theo là làm thế nào để “thảm họa” nầy sẽ không còn tái diễn trong tương lai, bắt đầu từ Formosa.  Trước hết, cần phải duyệt xét lại tiến trình hoạt động, phẩm và lượng của nước thải từ nhà máy luyện thép, và hiệu quả của nhà máy lọc nước thải hiện nay của Formosa.  Giấy phép xả thải hiện nay cần phải được thu hồi để thay thế bằng một giấy phép mới để có thể kiểm soát những chất ô nhiểm độc hại phát xuất từ một nhà máy luyện thép.   Tiếp theo là duyệt xét xem nhà máy lọc nước thải hiện hửu của Formosa có thể loại bỏ các chất ô nhiễm được liệt kê trong giấy phép mới hay không.  Nếu không, cần phải xây thêm một nhà máy lọc nước thải mới để lọc sơ khởi nước thải từ nhà máy luyện than coke trước khi cho vào nhà máy lọc nước thải hiện hửu.  Lọc sơ khởi bằng phương pháp yếm khí có thể cải thiện đáng kể khả năng phân hủy sinh học của nước thải từ nhà máy luyện than coke, và tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo bằng phương pháp hiếu khí.  Trong trường hợp nhà máy lọc nước thải hiện hửu không thể lọc nước thải từ nhà máy lọc sơ khởi, một nhà máy lọc nước thải hoàn toàn mới cần được xây dựng.  


PHẦN DẪN NHẬP

Từ hai tuần nay, các phương tiện truyền thông trong nước đã liên tục loan tin về hiện tượng cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung.  Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình, “… từ kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá chết, nguyên nhân bước đầu được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc. Hiện tượng cá chết bất thường là do nước biển bị ô nhiễm ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), theo dòng hải lưu Bắc cực-Xích đạo, nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy về phía nam lan vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và các tỉnh phía Nam.”  Còn ở Thừa Thiên-Huế, “… nguyên nhân cá chết hàng loạt là do pH nước thay đổi đột ngột, chất lượng phú dưỡng (PO4) tăng cao đột ngột khiến cá bị thiếu ô xy cục bộ.” [1]

Ngay sau khi được báo cáo, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã họp khẩn với các đơn vị chức năng của Bộ, vào ngày 20 tháng 4, để gấp rút làm rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung.  “Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt có nhiều nguyên nhân trong đó không loại trừ nguyên nhân cá chết là do môi trường bị ô nhiễm. Bộ trưởng khẳng định: ‘Trách nhiệm của Bộ TN&MT là phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung trong những ngày vừa qua. Phải làm rõ việc có hay không cá chết là do ô nhiễm môi trường’.” [2]

Vào ngày 27 tháng 4, Bộ TN&MT đã công bố kết quả điều tra.  Thứ trưởng TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết “… chưa có bằng chứng kết luận về sự liên hệ giữa Formosa và các nhà máy hoạt động ở Vũng Áng đối với hiện tượng cá chết hàng loạt gần đây” “… sau các khảo sát và điều tra của các cơ quan chức năng Việt Nam và các nhà khoa học, hai yếu tố chính được xác định có liên quan đến vụ cá chết hàng loạt bao gồm độc tố hóa học do con người thải ra từ đất liền và thủy triều đỏ tức tảo nở hoa.” [3]  Nguyên nhân thứ nhất thì quá mơ hồ, còn nguyên nhân thứ hai thì đã bị Hội nghề cá Việt Nam bác bỏ [4].

Vì sao cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung?  Bài viết nầy cố gắng trả lời câu hỏi đó dựa trên những dữ kiện không đầy đủ được đăng tải trên báo chí trong nước trong thời gian qua.

DIỄN BIẾN CỦA HIỆN TƯỢNG CÁ CHẾT

  
Hình 1 - Vùng duyên hải miền Trung có cá chết hàng loạt [Zing.vn]

Hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu vào đầu tháng 4, từ Kỳ Phương, Hà Tĩnh cho đến Lăng Cô, Đà Nẵng (Hình 1).  “Ngày 6/4, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã, phường của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), rồi tiếp diễn ở vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).  Những ngày sau đó, các vùng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Quang Phú và Bảo Ninh (TP Đồng Hới)… cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thủy sản) ghi nhận các loài cá chết dạt vào bờ đều sống ở tầng đáy vùng biển gần bờ.  Đến ngày 19/4, tình trạng xảy ra diện rộng hơn, ghi nhận ở vùng biển Quảng Trị, Thừa Thiên–Huế... Theo ghi nhận từ các địa phương, đến ngày 22/4, tình trạng cá chết không còn xuất hiện.” [5]

Theo Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Sản, thì “… khả năng nguyên nhân cá chết do độc chất là rất lớn.”  Ông Nghĩa đề nghị các địa phương khuyến cáo tàu cá dừng khai thác ven bờ.  Việc tác động của độc chất đối với cá nổi ít hơn so với loài sống ở tầng đáy. Các địa phương nên khuyến cáo ngư dân khai thác cá ở tầng đáy đánh bắt xa khu vực ảnh hưởng của độc tố. [5]


Hình 2 - Độ lớn và tầng sinh sống của cá chết [6]

Những loại cá chết là loại sống ở độ sâu từ 30 m trở lên.  Số cá chết dạt vào bờ có độ lớn khác nhau, có khi cân nặng đến 35 kg (Hình 2) [6].  Có khoảng 80 tấn cá chết bất thường dạt vào bờ biển miền Trung [7].  Trong số đó, khoảng 10 đến 15 tấn ở Hà Tĩnh, 25 tấn ở Quảng Bình, 30 tấn ở Quảng Trị, và khoảng 6.000 con ở Thừa Thiên-Huế (Hình 3).
  

Hình 3 - Ước lượng số cá chết dọc duyên hải miền Trung [7]

NHẬN XÉT SƠ KHỞI VỀ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT

Tính đến hôm nay, một số nhận xét sơ khởi đã được đưa ra, từ các cơ quan chuyên môn ở trong nước và các chuyên viên Việt Nam ở nước ngoài, để giải thích lý do tại sao có hiện tượng cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung.  Nhưng các nhận xét sơ khởi đó hoặc mơ hồ hoặc không có dữ kiện minh chứng.

Trước tiên, Sở NN&PTNT Quảng Bình cho rằng hiện tượng cá chết bất thường là do nước biển bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc, ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh).  Nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh, theo dòng hải lưu Bắc cực-Xích đạo, bị đẩy về phía nam lan vào tận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và các tỉnh phía Nam [1].  Nhận xét nầy có vẻ phù hợp với thực tế, nhưng mơ hồ về tình trạng ô nhiễm của nước biển và yếu tố gây độc làm cá chết.

Tiến sĩ (TS) Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và hải đảo), thì cho rằng “… lý do khiến cá biển chết hàng loạt có thể là do nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, gây nên cạn kiệt ôxy trong các tầng nước dưới mặt.”  TS Nguyễn Hữu Dũng, từng làm việc ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng có cùng nhận xét nhưng “… chỉ rõ hơn nguồn chất thải khiến môi trường biển bị biến động đột ngột khả năng cao có nguồn gốc từ khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh).” [8]  Nhận xét nầy chỉ là suy đoán vì không có dữ kiện minh chứng.

Ngoài nước thải từ bờ, chất cyanide từng được Trung Quốc sử dụng trong việc đánh bắt cá hoặc chất thải từ giàn khoan mà trước đây Trung Quốc từng đặt ở cửa vịnh Bắc Bộ cũng được xem là những nguyên nhân có thể làm chết cá hàng loạt ở ven biển miền Trung [8].  Cũng như nhận xét của TS Vũ Thanh Ca và Nguyễn Hữu Dũng, hai nhận xét nầy cũng chỉ là suy đoán vì không có dữ kiện minh chứng.

Kết quả điều tra do Bộ TN&MT thực hiện cũng không xác định được nguyên nhân trực tiếp ngoài “… hai yếu tố chính được xác định có liên quan đến vụ cá chết hàng loạt bao gồm độc tố hóa học do con người thải ra từ đất liền và thủy triều đỏ tức tảo nở hoa.” [1]  Kết quả điều tra cũng không cho biết đặc tính của độc tố hóa học (tên, nồng độ…) như thế nào và thải ra từ đâu.  Nói cách khác, Bộ TN&MT chưa xác định được nguyên nhân của hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Một nhận xét khác, từ các chuyên viên Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng “… việc cá chết liên quan đến nhiễm độc kim loại nặng và những tác hại lâu dài của nó.” Các kim loại nặng nầy gồm có chì (Pb), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd), arsenic (As), và bạc (Ag) [9].  Cũng như các nhận xét trước, nhận xét nầy cũng chỉ là suy đoán vì không có dữ kiện minh chứng.  Hơn thế nữa, kết quả phân tích các mẫu nước thu thập ở khu vực đầm Lập An ở Lăng Cô đã không phát hiện các kim loại nặng nêu trên, ngoại trừ chromium (Cr).  Tuy nhiên, kết quả phân tích cũng không phát hiện hexavalent chromium (CrVI), một hợp chất cực độc của chromium [10].

BẰNG CHỨNG VỮNG CHẮC VÀ ĐÁNG TIN CẬY NHẤT

Trước hết, nước thải từ Formosa đã được xả ra biển bằng một đường ống ngầm dưới biển.  Người đầu tiên phát giác ra việc xả thải là ngư dân Nguyễn Xuân Thành ở Hà Tĩnh.

“… Vào ngày 21/4, một ngư dân tên Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi) trú thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, trước đó vào ngày 4/4,  trong khi lặn xuống biển “săn” cá, anh bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ “cắm” xuống biển.  Theo anh Thành, đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2m, đường kính khoảng 40 cm).  ‘Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở’, anh Thành nói.  Sau khi phát hiện đường ống trên, ngư dân này đã tới Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) trình báo, đồng thời vẽ lại sơ đồ và vị trí của đường ống cho đơn vị này nắm được.” [11]

Hình 4 - Đường ống xả thải của Formosa [12]

Anh Hoàng Văn Đoán, người tự nguyện lặn xuống ghi hình các hình ảnh của cống ngầm (Hình 4), mô tả: "Họ dùng đá đè lên những ống này để dân không thể nhìn thấy được. Trong đó còn có 3 ống to và cao khoảng 2 mét phía trên đậy nắp cao su, mỗi lần xả ra thì nắp cao su lại bung lên, còn khi không xả thải thì ống cao su này đậy nắp ống lại. Mới hôm qua tôi mới lặn xuống thì không còn thấy họ xả nữa, có lẽ là sau khi thông tin báo chí đăng thì họ đã cho ngừng xả rồi". [12]

Thứ hai, nước thải từ đường ống ngầm có chứa ammonia (NH3)/ammomium (NH4+) ở nồng độ cao.  Có hai bằng chứng vững chắc và đáng tin cậy để kết luận như thế: (1) Formosa là một nhà máy luyện thép, nên phải luyện than đá thành than coke.  Nước thải trong tiến trình nầy chứa nhiều chất ô nhiễm vô cơ, trong đó có ammonia (NH3) ở nồng độ cao.  Theo một nghiên cứu cho nhà máy lọc nước thải của Công ty luyện than Coke Taiyuan ở Trung Hoa, nồng độ của ammonia (NH3-N) trong nước thải từ tiến trình luyện than coke thay đổi từ 230 đến 668 milligrams per liter (mg/L) [13]. (2) Kết quả phân tích các mẫu nước thu thập ở khu vực đầm Lập An, Lăng Cô cho thấy nồng độ của ammomium (NH4+-N) trong nước biển vượt quá tiêu chuẩn (khoảng 0,4 mg/L so với 0,1 mg/L).  Trong thực tế, nồng độ của ammonia (NH3) trong nước biển cao hơn rất nhiều vì chỉ có một phần rất nhỏ ammonia biến thành ammonium (NH4+).  Như vậy, sự hiện diện của ammonia trong nước biển phù hợp với sự hiện diện của ammonia trong nước thải từ Formosa.

Thứ ba, cá rất nhạy cảm với ammonia.  Cá nước ngọt thì ít nhạy cảm hơn cá nước mặn.  Nồng độ ammonia từ 0,2 đến 0,5 mg/L có thể giết hết cá trong bồn nuôi cá nước ngọt [14].  Trong các bồn nuôi cá nước mặn, nồng độ an toàn của ammonia là zero [15].  Cá có thể chết hàng loạt nếu nước bị ô nhiễm ammonia, và hiện tượng nầy đã xảy ra nhiều lần trên thế giới.  Vào năm 2013, 110 tấn cá trong sông Fuhe ở tỉnh Hubei, Trung Hoa chết hàng loạt vì ô nhiễm nước thải có chứa 196 mg/L ammonia từ một nhà máy hóa chất ở Yingcheng, ngoại ô của Wuhan [16].  Vào năm 2015, cá chết hàng loạt trong nhánh tây của sông Nile ở Rosetta.  Bộ Y tế phải tiêu hủy khoảng 1.000 tấn cá chết trong một số chợ cá của đồng bằng sông Nile [17].

NHỮNG VIỆC CẦN PHẢI LÀM

Theo các nguồn tin của báo chí trong nước, sau khi nghe Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo tình hình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị “… các Bộ Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp, hỗ trợ các Bộ Tài nguyên và Môi trường, NN và PTNT, khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này.” [18]  Nhưng việc truy tầm nguyên nhân của hiện tượng cá chết hàng loạt dường như đã quá trễ vì việc xả nước thải đã được ngưng từ lâu và nước thải đã được nước biển làm loãng đến mức độ không còn phát hiện được các chất ô nhiễm, nếu có.

Công việc quan trọng và cần thiết nhất hiện nay là ngưng hoàn toàn việc xả thải từ Khu kinh tế Vũng Áng và theo dõi phẩm chất của nước biển trong những vùng bị ảnh hưởng trước đây và thông báo rộng rãi đến người dân cho đến khi trở lại bình thường như trước.  Các mẫu nước biển phải được thu thập ở những độ sâu thích hợp, nhất là vùng chung quanh miệng ống xả của Khu kinh tế Vũng Áng.

Việc tiếp theo là làm thế nào để “thảm họa” nầy sẽ không còn tái diễn trong tương lai, bắt đầu từ Formosa.  Công việc nầy cần nhiều thời gian, quyết tâm, nỗ lực và khả năng kỹ thuật.

Trước hết, cần phải duyệt xét lại tiến trình hoạt động, phẩm và lượng của nước thải từ nhà máy luyện thép, và hiệu quả của nhà máy lọc (xử lý) nước thải hiện nay của Formosa.  Theo giấy phép cấp cho Formosa ngày 11/12/2013 của Bộ TN&MT, tuy phẩm chất của nước thải trước khi vào và sau khi ra khỏi nhà máy lọc nước thải được theo dõi, nhưng chỉ theo dõi những chất ô nhiễm thông thường như nhiệt độ nước xả thải không quá 40 độ C; độ pH từ 5,5-9; chất rắn lơ lửng: 117 mg/L; tổng dầu mỡ khoảng 11,7 mg/L; tổng phenol: 0,585 mg/L tổng xyanua [cyanide]: 0,585 mg/L; ni-tơ [nitrogen]: 70,2 mg/L; thủy ngân: 0,0117 mg/L [19].  Như vậy, giấy phép nầy không thích hợp để kiểm soát những chất ô nhiểm độc hại phát xuất từ một nhà máy luyện thép, chẳng hạn như nhà máy luyện thép Formosa-Hà Tĩnh.  Do đó, giấy phép nầy cần phải được thu hồi để thay thế bằng một giấy phép mới; trong đó, bao gồm các chất ô nhiễm vô cơ như ammonia, cyanogen, sulphocyanogen; các hợp chất hữu cơ đơn vòng (heterocyclic compounds) như pyridine, furan và dioxane; và các hợp chất có mùi thơm đa vòng (polycyclic aromatic compounds) như phenol, napththalene, và quinoline.  Những chất ô nhiễm nầy rất khó phân hủy sinh học trong điều kiện hiếu khí (aerobic conditions) [13].

Tiếp theo là duyệt xét xem nhà máy lọc nước thải hiện hửu của Formosa có thể loại bỏ các chất ô nhiễm được liệt kê trong giấy phép mới hay không.  Nếu không, cần phải xây thêm một nhà máy lọc nước thải mới để lọc sơ khởi (pre-treatment) nước thải từ nhà máy luyện than coke trước khi cho vào nhà máy lọc nước thải hiện hửu.  Nhiều nghiên cứu cho thấy lọc sơ khởi bằng phương pháp yếm khí (anaerobic treatment) có thể cải thiện đáng kể khả năng phân hủy sinh học của nước thải từ nhà máy luyện than coke, và tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo bằng phương pháp hiếu khí [13].  Trong trường hợp nhà máy lọc nước thải hiện hửu không thể lọc nước thải từ nhà máy lọc sơ khởi, một nhà máy lọc nước thải hoàn toàn mới cần được xây dựng.   

KẾT LUẬN

Từ hai tuần nay, hiện tượng cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung được báo chí trong nước đặc biệt chú ý.  Hiện tượng nầy bắt đầu vào đầu tháng 4, từ Kỳ Phương, Hà Tĩnh rồi lan dần về phía nam đến Lăng Cô, Đà Nẵng; đến ngày 22 tháng 4 thì tình trạng cá chết không còn xuất hiện nữa.  Có khoảng 80 tấn cá chết đã dạt vào bờ biển miền Trung.  Những loại cá chết là loại sống ở độ sâu từ 30 m trở lên và có độ lớn khác nhau, có khi cân nặng đến 35 kg.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Bình, cá chết bất thường là do nước biển bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc, ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) rồi bị dòng hải lưu đẩy về phía nam lan vào tận Thừa Thiên-Huế và các tỉnh phía Nam.  Ngay sau khi được báo cáo, Bộ TN&MT đã làm việc gấp rút để làm rõ nguyên nhân, và vào ngày 27 tháng 4, đã công bố kết quả điều tra là chưa có bằng chứng kết luận về sự liên hệ giữa Formosa và các nhà máy hoạt động ở Vũng Áng đối với hiện tượng cá chết, và hai yếu tố chính được xác định có liên quan đến vụ cá chết hàng loạt bao gồm độc tố hóa học do con người thải ra từ đất liền và thủy triều đỏ tức tảo nở hoa.  Nguyên nhân thứ nhất thì quá mơ hồ, còn nguyên nhân thứ hai thì đã bị Hội nghề cá Việt Nam bác bỏ.

Ngay sau khi hiện tượng cá chết hàng loạt được phổ biến, một số nhận xét sơ khởi đã được đưa ra, từ các cơ quan chuyên môn ở trong nước và các chuyên viên Việt Nam ở nước ngoài, để giải thích tại sao có hiện tượng cá chết hàng loạt.  Các nhận xét nầy bao gồm sự phân hủy mạnh mẽ của nước thải từ bờ và từ Khu công nghệ Vũng Áng, chất cyanide từng được Trung Quốc sử dụng trong việc đánh bắt cá hoặc chất thải từ giàn khoan mà trước đây Trung Quốc từng đặt ở cửa vịnh Bắc Bộ, độc tố hóa học do con người thải ra từ đất liền và thủy triều đỏ tức tảo nở hoa, và nhiễm độc kim loại nặng.  Nhưng những nhận xét sơ khởi nầy, kể cả kết luận của Bộ TN&MT, thì rất mơ hồ hoặc không có dữ kiện minh chứng.

Điều đó không có nghĩa là không biết nguyên nhân!  Có những bằng chứng vững chắc và đáng tin cậy để kết luận rằng hiện tượng cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung là do chất ammonia ở trong nước thải do nhà máy Formosa xả ra biển qua đường ống ngầm được ngư dân Nguyễn Xuân Thành phát hiện và thợ lặn Hoàng Văn Đoán ghi hình ảnh.  Ammonium đã được phát hiện ở nồng độ vượt tiêu chuẩn cho phép ở Lăng Cô (khoảng 0,4 mg/L), cách Vũng Áng khoảng 250 km về phía nam.  Sự kiện nầy phù hợp với dòng hải lưu và với nồng độ ammonia có thể có trong nước thải từ tiến trình luyện than coke của nhà máy luyện thép Formosa (có thể lên đến 668 mg/L).  Hơn nữa, cá rất nhạy cảm với ammonia, chỉ cần nồng độ từ 0,2 đến 0,5 mg/L có thể giết chết cá nước ngọt và cá nước mặn có thể chết ở nồng độ thấp hơn.  Trong quá khứ, ammonia đã giết khoảng 110 tấn cá trong sông Fuhe ở Hubei, Trung Hoa vào năm 2013 và khoảng 1.000 tấn cá trong nhánh phía tây của sông Nile ở Rosetta, Egypt vào năm 2015.

Ngày 25 tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương.  Tuy nhiên, việc truy tầm nguyên nhân dường như đã quá trễ vì việc xả nước thải đã được ngưng từ lâu và nước thải đã được nước biển làm loãng đến mức độ không còn phát hiện được các chất ô nhiễm, nếu có.

Công việc quan trọng và cần thiết nhất hiện nay là ngưng hoàn toàn việc xả thải từ Khu kinh tế Vũng Áng và theo dõi phẩm chất của nước biển trong những vùng bị ảnh hưởng trước đây và thông báo rộng rãi đến người dân cho đến khi trở lại bình thường như trước.  Các mẫu nước biển phải được thu thập ở những độ sâu thích hợp, nhất là vùng chung quanh miệng ống xả của Khu kinh tế Vũng Áng.

Việc tiếp theo là làm thế nào để “thảm họa” nầy sẽ không còn tái diễn trong tương lai, bắt đầu từ Formosa.  Công việc nầy cần nhiều thời gian, quyết tâm, nỗ lực và khả năng kỹ thuật.

Trước hết, cần phải duyệt xét lại tiến trình hoạt động, phẩm và lượng của nước thải từ nhà máy luyện thép, và hiệu quả của nhà máy lọc nước thải hiện nay của Formosa.  Giấy phép xả thải hiện nay cần phải được thu hồi để thay thế bằng một giấy phép mới để có thể kiểm soát những chất ô nhiểm độc hại phát xuất từ một nhà máy luyện thép.  Tiếp theo là duyệt xét xem nhà máy lọc nước thải hiện hửu của Formosa có thể loại bỏ các chất ô nhiễm được liệt kê trong giấy phép mới hay không.  Nếu không, cần phải xây thêm một nhà máy lọc nước thải mới để lọc sơ khởi nước thải từ nhà máy luyện than coke trước khi cho vào nhà máy lọc nước thải hiện hửu.  Nhiều nghiên cứu cho thấy lọc sơ khởi bằng phương pháp yếm khí có thể cải thiện đáng kể khả năng phân hủy sinh học của nước thải từ nhà máy luyện than coke, và tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn tiếp theo bằng phương pháp hiếu khí.  Trong trường hợp nhà máy lọc nước thải hiện hửu không thể lọc nước thải từ nhà máy lọc sơ khởi, một nhà máy lọc nước thải hoàn toàn mới cần được xây dựng.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]    Duy Tuấn, Hải Sâm, và Quang Thành. 20 tháng 4 năm 2016. “Cá chết trắng biển miền Trung, nghi nhiễm độc từ Vũng Áng.” VietnamNet. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/300459/ca-chet-trang-bien-mien-trung-nghi-nhiem-doc-tu-vung-ang.html
[2]    TH. 20 tháng 4 năm 2016. “Khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung.” Thanh Tra. http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/khan-truong-lam-ro-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-o-ven-bien-mien-trung_t114c1143n102609
[3]    RFA. 27 tháng 4 năm 2016.  “Việt Nam công bố kết quả điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt.” RFA. http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-announce-result-of-investigation-of-mass-fish-deaths-04272016094546.html
[4]    Mạnh Nguyễn. 28 tháng 4 năm 2016.  ”Hội nghề cá: Cá chết do chất độc, không phải do thủy triều đỏ!” BizLive. http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoi-nghe-ca-ca-chet-do-chat-doc-khong-phai-do-thuy-trieu-do-1698112.html
[5]    Phạm Hòa và Thắng Quang. 24 tháng 4 năm 2016. “5 câu hỏi vụ cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung.” Zing.vn. http://news.zing.vn/5-cau-hoi-vu-ca-chet-hang-loat-o-ven-bien-mien-trung-post644367.html
[6]    Nhóm Phóng viên. 26 tháng 4 năm 2016. “Cá chết lan rộng ở miền Trung như thế nào.” VNExpress. http://vnexpress.net/infographics/thoi-su/ca-chet-lan-rong-o-mien-trung-nhu-the-nao-3393340.html?utm_source=home&utm_medium=box_infographics_home&utm_campaign=boxtracking
[7]    Ngọc Diệp, Cấn Cường, Chiến Thắng, và Quang Phong. 28 tháng 4 năm 2016. “Toàn cảnh vụ cá chết hàng loạt tại biển miền Trung.” Dân Trí. http://dantri.com.vn/xa-hoi/toan-canh-vu-ca-chet-hang-loat-tai-bien-mien-trung-20160428081426098.htm
[8]    Phạm Hương. 23 tháng 4 năm 2016.  “Giả thiết về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung.” PhapLuatSo. http://www.phapluatso.com/gia-thiet-ve-nguyen-nhan-khien-ca-chet-hang-loat-o-mien-trung.html
[9]    Trần Thị Thanh Thỏa, Thiều Mai Lâm và Trương Nguyện Thành. 26 tháng 4 năm 2016. “Chuyện bé như hạt gạo hay thảm họa quốc gia: Nguy cơ ngộ độc kim loại nặng ở ven biển miền Trung và những tác hại lâu dài.”  Vietnam Journal of Science. http://www.vjsonline.org/news/chuy%E1%BB%87n-b%C3%A9-nh%C6%B0-h%E1%BA%A1t-g%E1%BA%A1o-hay-th%E1%BA%A3m-h%E1%BB%8Da-qu%E1%BB%91c-gia-nguy-c%C6%A1-ng%E1%BB%99-%C4%91%E1%BB%99c-kim-lo%E1%BA%A1i-n%E1%BA%B7ng-ven-bi%E1%BB%83n-mi%E1%BB%81n-trung
[10]  Châu An. 27 tháng 4 năm 2016. “Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Những điều còn che giấu.”  Đất Việt. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ca-chet-hang-loat-o-mien-trung-nhung-dieu-con-che-giau-3306926/
[11]  Bảo Khánh. 28 tháng 4 năm 2016. “Nhìn lại toàn cảnh vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.” Đời sống Pháp luật. http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tam-diem-du-luan/nhin-lai-toan-canh-vu-ca-chet-hang-loat-o-mien-trung-a143359.html
[12]  Cúc Phương. 25 tháng 4 năm 2016. “Cá chết không rõ nguyên nhân: Thuê chuyên gia nước ngoài.” Đất Việt. http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ca-chet-khong-ro-nguyen-nhan-thue-chuyen-gia-nuoc-ngoai-3306639/
[13]  Bing Li, Ying-lan Sun, and Yu-ying Li. October 28, 2005. “Pretreatment of coking wastewater using anaerobic sequencing batch reactor (ASBR).” National Center for Biotechnology Information (NCBI). http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1390660/
[15]  Robert Boumis. Accessed April 29, 2016. “How does ammonia affect my saltwater aquarium?” Demand Media. http://pets.thenest.com/ammonia-affect-saltwater-aquarium-12090.html
[16]  Jethro Mullen. September 5, 2013. “Tons of poisoned fish clog river in China’s Hubei province.” CNN. http://www.cnn.com/2013/09/05/world/asia/china-river-dead-fish/
[17]  The Cairo Post. July 22, 2015. “’Ammonia poisoning’ blamed fro mass fish die-off in Egypt’s Delta: official.”  The Cairo Post. http://thecairopost.youm7.com/news/160486/news/ammonia-poisoning-blamed-for-mass-fish-die-off-in-egypts-delta-official
[18]  Hoàng Đoan. 25 tháng 4 năm 2016.  “Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt.” Soha. http://soha.vn/thu-tuong-chi-dao-khan-truong-tim-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-20160425184551776.htm
[19]  Kiên Trung và Duy Tuấn. 26 tháng 4 năm 2016. “Giấy phép xả thải của Formosa có gì?” VietnamNet. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tam-diem/301418/giay-phep-xa-thai-cua-formosa-co-gi.html







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét