Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Ngô Đình Diệm, Qua Suy Nghĩ Của Một Hậu Sinh


Ngô Đình Diệm, Qua Suy Nghĩ Của Một Hậu Sinh
October 26, 2013
Chu Tất Tiến
Khi biến cố 1963 xẩy ra, cũng như những người cùng thời vừa mới xong bậc Trung Học, còn đang phân vân trước tương lai, tôi không có một ý thức gì về chính trị, chỉ biết ngơ ngác nhìn những sự kiện thay đổi dồn dập xẩy ra chung quanh mà không biết phản ứng như thế nào. Có lần đang lang thang gần khu chợ Bến Thành, chợt thấy tiếng chân dồn dập, tiếng người gọi nhau í ới, tôi nhìn lại thì thấy một nhóm chừng hơn hai chục thanh niên nam nữ áo trắng học sinh chạy xớn xác tản ra khắp ngã đường, tay vẫn còn cầm vài cái biểu ngữ nhầu nát. Cũng có lần, tôi chứng kiến một cuộc biểu tình ngồi trên đường Lê Lợi gồm mấy vị tu sĩ Phật Giáo và nhiều người thanh niên khác.

Cảnh sát bao vòng tròn trong im lặng, không có hành động gì, trong khi đó thì một bà trung niên cầm loa tay hô khẩu hiệu um trời. Hò la một lúc thì bà tiến đến gần một anh cảnh sát, giật mũ anh ném xuống đất. Người cảnh sát lẳng lặng cúi xuống nhặt, phủ bụi, và đội lại lên đầu. Rồi thời gian sau, chán những cuộc biểu tình, xuống đường lan rộng làm rối loạn sinh hoạt cả thành phố, tôi bỏ đi khỏi thành phố, xuống miền Tây làm việc cho qua một thời khủng hoảng.

Khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết, tôi xúc động và buồn bã vì trong ký ức non trẻ của tôi, bài hát “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người” mà tôi thường hát trước giờ vào học vẫn âm hưởng trong tôi, và hình ảnh vị Tổng Thống hiền hòa nhìn nghiêng trong một khung hình bầu dục hiện lên trên màn hình trước giờ chiếu phim trong các rạp xi-nê đã hiện diện trong tôi như hình ảnh một anh hùng dân tộc, người đã cứu chúng tôi ra khỏi miền Bắc Cộng Sản, đã cho chúng tôi an cư trên miền đất mới đầy Tự Do và no ấm. Khi trở về Saigon, tôi thấy không khí ngột ngạt dễ sợ.

Trong khu tôi ở, thỉnh thoảng có nhiều người lạ mặt đeo kính đen lảng vảng, và nếu tôi có buột mồm hỏi về chuyện đảo chánh hồi trước, thì người bên cạnh vội “suỵt” tôi, không cho nói nữa. Không khí Saigon hồi đó rất căng thẳng, nhất là tại các khu Bắc Kỳ di cư như Tân Sơn Nhất, Gò Vấp, Xóm Mới… đâu đâu cũng có những kẻ đeo kính đen đi chầm chậm trên các ngõ hẻm, liếc ngang liếc dọc… Trong khi đó, thì nhật báo Saigon lại phát tài với những bài chửi chế độ cũ tan nát. Nhiều chuyện dài kể về thâm cung bí sử của họ Ngô. Tôi nhớ có đọc nhiều câu chuyện kể y như thật về cách làm tình của Bà Nhu với Tướng Đôn, với những cận vệ của bà, và với Đại Sứ Mỹ. Những tường thuật thật lâm ly, làm người đọc có cảm tưởng là tác giả đang nằm dưới gầm giường bà Nhu nên chứng kiến thật rõ những cử chỉ, lời nói dâm đãng của bà, không sót một chi tiết nào.

Lại có chuyện ông Diệm và bà em dâu tình tứ với nhau, chuyện ông Diệm đi chơi bời mặc dầu ông Diệm là đồng tính luyến ái….Có một tờ báo nào đã viết ông Diệm bị hoạn! Kinh hoàng nhất là chuyện ông Diệm giết người không gớm tay, từng lê máy chém đi khắp nơi, gặp đâu chém đấy, cả ngàn mạng vô tội! Nhưng người đao phủ đáng gờm nhất chính là ông Cẩn. Theo bài báo, thì đằng sau nhà ông Cẩn có một vườn cam, mà dưới mỗi gốc cam là xác một Phật Tử, do đó, cam của ông Cẩn ngọt lạ lùng! Rồi những hầm nhốt người bất đồng chính kiến, hầm giam dưới lòng đất của Thảo Cầm Viên đầy đầu lâu, xương cốt… Cứ theo mấy tờ báo Loạn thời đó, thì quả thật, gia đình họ Ngô là những kẻ tử thù của Dân Tộc, cần phải tru di tam tộc!

Điều lạ lùng, là cá nhân tôi, khi đọc những bài báo láo lếu đó, lại dửng dưng như không, và còn nghĩ ngược lại nữa. Tôi khinh ghét những tác giả đó. Có lẽ vì sự thổi phồng quá đáng đã gây nên phản ứng ngược với những ai có chút suy nghĩ.

Rồi thời gian trôi qua… Tôi chứng kiến những vụ lật đổ nhau, tranh dành chức chưởng, gây nên xáo trộn nặng nề về kinh tế. Mới hôm trước còn là Thủ Tướng, Quốc Trưởng, Quốc Vụ Khanh, Bộ Trưởng… mà ngày hôm sau đã ra tòa, hoăc bị đẩy đi xa. Đất nước xáo trộn kinh hoàng. Saigon cứ chứng kiến những cuộc xuống đường lộn xộn như những kẻ chạy đèn trên sân khấu Hồ Quảng. Căng thẳng nhất là lần học sinh, sinh viên đòi Nguyễn Khánh phải bỏ Hiến Chương Vũng Tầu cho ông ta đời đời kiếp kiếp làm Vua. Hôm đó, tôi có tham dự, và thấy rõ Nguyễn Khánh, với bộ râu dê, cầm tờ Hiến Chương vừa cười vừa xé trước mặt sinh viên. Từ lâu, tôi vẫn khinh bỉ nhân vật này, vì đã nghe kể một lần ông ta tổ chức nhẩy đầm ở truồng tại Đà Lạt, bị bà vợ lên bắt gặp, Nguyễn Khánh vù lên máy bay bỏ chạy.

Và biết bao sự kiện thanh toán lẫn nhau, Tôn Giáo tấn công lẫn nhau… làm cho dân chúng chán nản tột cùng. Riêng tôi, thì thất vọng não nề, khi biết Việt Cộng đã nhân cơ hội Tướng Tá giành dật chức vụ, bỏ ngỏ mặt trận, xóa Ấp Chiến Lược, nên đồng loạt tấn công những trận lớn, công đồn đả viện, với vũ khí nặng làm quân Cộng Hòa lao đao. Đài phát thanh báo tin chiến trường, với những bản báo cáo đếm xác ta, xác địch, mỗi ngày đưa ra một con số lớn hơn…

Từ những sự kiện như thế, trí óc ngây thơ với chính trị của một thanh niên mới lớn đã dần dần trở thành dầy dạn. Tôi tự lắp ráp lại những sự việc xẩy ra từ 1954 đến 1963, rồi giai đoạn kế tiếp, để nhận ra rằng chính Tổng Thống Diệm mới thực sự là một Anh Hùng Dân Tộc, người đã bị bức tử bởi bầy tôi hèn hạ, tham tiền, chối thầy, giết chủ.

Nhớ lại những ngày chiến dịch Bình Xuyên, hình ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ôm Đại Tá Dương Văn Minh rồi thăng cấp tại mặt trận, hình ảnh Tổng Thống thảo luận trên phóng đồ hành quân mà Nguyễn Khánh đứng cung kính nghe lệnh, tự dưng, tôi muốn phẫn nộ vì tâm địa phản trắc của con người.

Nếu không có Ngô Đình Diệm, thì Đỗ Mậu vẫn chỉ là tên lính khố vàng, Minh, Khánh vẫn là những tên lính Tây… Nếu không có Ngô Đình Diệm, thì sòng bài khổng lồ Đại Thế Giới vẫn còn là nơi giết hại bao gia đình, các khu Bình Khang vẫn đầy dẫy trong Saigon, nơi điếm đĩ, ma cô lượn lờ như những thây ma đầy phố.

Đêm đêm, các chủ nhà hàng, tiệm ăn, tiệm buôn vẫn phập phồng lo sợ chờ tiếng gõ cửa của tay chân bộ hạ Bẩy Viễn, Bình Xuyên, với cái đinh 10 phân trong tay, đòi tiền mãi lộ, nếu không muốn cái đinh dài kia xuyên qua óc. Những tên chỉ huy Cảnh Sát lại là những tên cướp có quyền uy thấu trời, có sòng bài, ổ đĩ riêng mà không quyền lực nào dám đụng tới. Các Tướng chỉ huy quân đội đa số là “bồi Tây”, nói tiếng Việt không rành, miệng ngậm xì gà, tay chống ba toong, bụng đầy bơ Tây, không có chút tinh thần Việt Nam nào. Và tại miền Tây, những chúa tể hùng cứ một phương, Năm Lửa, Ba Cụt, Nguyễn Bình… là những ông Con Trời, đặt ra luật lệ riêng, bắt dân phục vụ như nô lệ.

Miền Nam ruộng thẳng cánh cò bay vẫn còn những tên Hương Quản, Hương Cả… có quyền hành hạ dân như chó, ngựa… Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một tay trác tuyệt, đã đương đầu một lúc với hàng vạn thù trong, giặc ngoài. Một mặt thì lo dẹp loạn Sứ Quân, thâu hồi quyền lực vào chính phủ trung ương để vãn hồi trật tự quốc gia, mặt khác lo an sinh cho dân chúng, cải tổ hệ thống tiền tệ, thuế khóa, xây dựng một nền văn hóa Dân Tộc, hỗ trợ cho các chương trình Bình Dân Giáo Dục, dậy chữ và dậy nghề, thêm chương trình Công Dân Giáo Dục vào học đường để dân chúng cùng tiến bộ, văn minh. Quan trọng nhất là cải tiến Trường Hành Chánh do Tây Thực dân xây dựng từ 1952, biến thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để đào tạo môt lớp viên chức đầu Tỉnh, đầu Quận, và các Trưởng Ty mọi ngành theo quỹ đạo Việt Nam, thay đổi các viên chức từng quen với lề lối Tây cổ điển bằng các chuyên viên tốt nghiệp từ Mỹ về. Từ đó, người dân không còn sợ công chức hơn cha mẹ nữa. Với hệ thống hành chánh mới cải tổ, thủ tục hành chánh đã giúp dân chúng thỏa mãn mọi nhu cầu trong đời sống hàng ngày một cách tốt đẹp. Về phương diện quân đội, cũng thay dần lớp “Quan Sáu, Quan Năm, Quan Tư, Quan Ba, Quan Hai, Quan Một” bằng Đại Tá, Trung Tá, Thiếu Tá… và cấp Úy, chỉ huy các Hạ Sĩ Quan và binh sĩ theo đường lối mới. Tinh thần quân đội lên cao, cho nên cuộc chiến chống Cộng, bảo vệ Tự Do đã dần dần tiến tới thành công.

Việt Cộng dần dần bị chính sách Ấp Chiến Lược làm cho tan rã. Chúng phải rút dần vào rừng sâu, núi thẳm, không có tiếp trợ từ dân chúng. Nếu không có ngày đảo chính 1963, có lẽ chỉ vài năm sau, Việt Nam đã thống nhất với thế thượng phong về phía Việt Nam Cộng Hòa. Cũng trong tình thế đó, Tổng Thống Diệm không quên ra sức củng cố các liên lạc ngoại giao với nước ngoài, để được toàn thế giới công nhận. Cờ Việt Nam Cộng Hòa bay khắp nơi. Tổng Thống Diệm đi đến đâu cũng được tiếp đón với nghi lễ cao nhất dành cho quốc khách.

Sinh hoạt xã hội cũng tiến bộ. Tham nhũng bị cấm chỉ. Các sinh hoạt vũ trường, hủ hóa cũng bị giới hạn tối đa. Dân chúng sống trong tinh thần Dân Chủ, Văn Minh rất thoải mái. Dưới chế độ Ngô đình Diệm, với chủ trương Hữu Sản Hóa dân chúng, đời sống dân miền Nam thật thanh bình. Chương trình Hữu sản Hóa Taxi đã biến bao dân làm thuê thành chủ chiếc xe Taxi của mình mà không phải làm trâu ngựa cho chủ. Những chiếc xe Taxi Renault cũ kỹ nhả khói um trời được thay thế bằng loạt Dauphine xinh xắn. Song song với việc hữu sản hóa công nhân, thì chương trình Người Cầy Có Ruộng đã giúp bao thợ cấy trở thành người chủ của miếng ruộng của mình. Chính phủ đã bỏ tiền ra cho các nông dân được mua 3 mẫu đất rồi trả góp khiến cho chế độ tá điền, cầy thuê bị bãi bỏ dần. Các Khu Trù Mật đã lần lượt ra đời, mang lại cơm no áo ấm cho dân nghèo.

Một khi mà nông thôn ổn định, thì thành phố phát triển nhanh hơn. Tôi nhớ những năm 54-63, chị tôi làm công chức, anh tôi từ Thiếu Úy lên Trung Úy, đóng ở Long Xuyên, mẹ tôi đi buôn bán nhỏ, mà gia đình chúng tôi sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi, không bao giờ nghe phàn nàn về vật giá, muốn ăn phở, uống bia thì ra tiệm lúc nào cũng được. Ngoài ra, mẹ tôi còn để dành được khá nhiều, tiền anh tôi gửi về thì cất để dành đám cưới cho anh. Đó là những ngày huy hoàng nhất cho miền Nam, kể cả hơn một triệu người Bắc di cư đã dần dần có cơ ngơi đầy đủ như ở quê nhà.

Trong những ngày bận rộn vô cùng ấy, Tổng Thống Diệm lại vẫn đi thăm dân chúng, hỏi thăm từng người xem đời sống có khá không. Ông rất ghét những kẻ xu nịnh lấy điểm, chỉ biết dàn cảnh lấy lòng cấp trên. Có lần, ông đến một khu trù mật, thấy trồng chuối đầy hai bên đường, nhưng lá chuối thì héo. Ông tiến thẳng đến, cầm hai tay lắc lắc thân chuối, thấy nhẹ, ông nhổ ngay lên. Hóa ra, tay tỉnh trưởng xu nịnh ra lệnh cho trồng gấp rút chuối để lấy lòng Tổng Thống, không ngờ ông phát giác ra được, tay tỉnh trưởng mất chức ngay.

Tính ông rất thẳng. Nghe kể lại là có lần ông ra Vũng Tầu, nghỉ ngơi ở Bạch Dinh Vũng Tầu, nhìn qua cửa sổ về phía biển, thấy một rừng mai do Bảo Đại trồng rất đẹp nhưng lại chắn tầm nhìn ra biển. Ông chỉ cười nói “rừng mai này che mất tầm nhìn ra biển”. Tay Thị Trưởng Vũng Tầu nghe thấy, muốn lấy điểm với Tổng Thống, nên ra lệnh chặt hết rừng mai. Lần sau, khi Tổng Thống đến nghỉ ở Bạch Dinh thì không thấy rừng mai nữa. Ông tìm hiểu và biết được lý do, nên nổi cơn thịnh nộ, gọi Thị Trưởng, và khi thấy tay nịnh bợ kia vừa bước vào, Tổng Thống chụp ngay cái gạt tàn thuốc ném vào mặt và quát: “Ai cho mi phá cái di tích lịch sử đó?” Dĩ nhiên, sau đó, thì có Thị Trưởng mới, nhưng rừng hoa mai mãi mãi không còn.

Cũng theo Nhật Ký Đỗ Thọ, tùy viên (Phật Giáo) của Tổng Thống, thì trong một lần kinh lý Trà Vinh, trước khi máy bay đáp xuống phi trường, Tổng Thống đột nhiên thấy trưng toàn cờ Công Giáo! Ông cũng nổi giận ghê gớm, cầm gậy đập ầm ầm xuống sàn phi cơ và nói: “Ai cho nó trưng cờ Công Giáo? Tỉnh này toàn là Phật Giáo mà?” Rồi ông ra lệnh cho máy bay bay vòng vòng chờ dẹp hết cờ Công Giáo đi, ông mới chịu cho đáp xuống. Tay Tỉnh Trưởng nịnh bợ đó dĩ nhiên là chịu một phen mắng mỏ, nếu không có Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục năn nỉ, nhận lỗi là đã ra lệnh cho Tỉnh Trưởng thi hành, thì ông Tỉnh đó đã bay chức.

Hồi đó, có một số cấp Tá vì muốn nịnh Tổng Thống nên đã cải đạo sang Công Giáo, những tưởng phen này thăng chức. Nhưng rồi, nghe nói, những vị đó đã uổng công, vì Tổng Thống có tính ghét ai nịnh bợ, nên không chiếu cố đến ai mới vào đạo Công Giáo cả. Khi biết tin một vị linh mục thân thiết với Tổng Thống đã lợi dụng sự quen biết này mà lớn lối với các cấp Sĩ Quan khác, Tổng Thống đã ra lịnh cấm ông linh mục này vào dinh cho đến khi vị linh mục này năn nỉ, xin lỗi và hứa không tái phạm nữa, ông mới được phép vào, nhưng cũng chỉ trong phạm vi giới hạn.

Cũng vì tính tình liêm khiết, cương trực đó, cũng như sự tận tình phục vụ đất nước mà Tổng Thống Diệm đã được thế giới kính nể. Tổng Thống Eishenhower đã gọi ông là “Miracle Man” và đã đón tiếp ông, một lãnh tụ Á Châu nhỏ bé, tận phi cơ. Khi Tổng Thống Diệm đi xe hơi vào thủ đô, ông đã được đón tiếp bằng hàng triệu triệu những bông hoa giấy từ mọi Bin-đinh, cửa hàng của thủ đô Hoa Kỳ. Điều muốn nói là tính ông ngay thẳng, không sợ người bạn Khổng Lồ và cũng là Ân Nhân của mình, nên mỗi khi bắt tay người Mỹ, ông cứ để thẳng tay xuống, bắt người Mỹ cao kều kia phải cúi đầu trước ông. Nhiều tấm hình chụp các chính khách Hoa Kỳ cúi thấp người trước một ông Tổng Thống thấp bé vẫn còn lưu trữ tại Quốc Hội Mỹ.

Việc ông chịu ơn người Mỹ nhưng không chấp nhận Mỹ đóng vai trò “cha, chú” của mình đã thể hiện trong nhiều cơ hội, nhất là việc ông không chịu cho Mỹ đổ quân vào Việt Nam ào ạt. Theo suy nghĩ của ông đã được nói với các cộng sự viên, thì một khi người Mỹ cho lính vào ào ạt, thì Việt Nam sẽ mất đi chính nghĩa chống Cộng. Do đó, ông luôn cự tuyệt việc Mỹ yêu cầu cho đổ quân thêm vào, chỉ cho có một số lượng giới hạn các cố vấn quân, dân sự Mỹ mà thôi. Điều đó làm cho Kennedy tức giận, và đã cho soạn chính sách “thay ngựa giữa dòng”, nhưng Đại Sứ Mỹ Frederick Nolting cương quyết không chịu, vì sau một thời gian làm việc với Tổng Thống Diệm, Đại Sứ Nolting đã nhận thấy ông Diệm là người yêu nước thật sự đáng kính. Khi bị Nhà Trắng ép buộc, Nolting đã từ chức, và Kennedy lập tức cử ngay một chuyên viên đảo chính là Cabot Lodge sang để tính chuyện lật đổ Diệm. Âm mưu này, Tổng Thống Diệm biết rõ, nhưng không sợ.

Tôi còn nhớ đã nghe thấy trong một lần họp Quốc Hội Lưỡng Viện, có sự hiện diện của Cabot Lodge, Tổng Thống Diệm đã đọc một bài diễn văn dài, đại khái nói là “Có một người bạn của chúng ta ở bên kia bờ đại dương xa lắc, nhưng lại cứ muốn lèo lái chúng ta theo ý của bạn đó. Chúng ta cương quyết không để cho chuyện đó xẩy ra…” Nghe tới đó, Cabot Lodge hậm hực đứng dậy và ra về.

Cabot đã từng thử thách Tổng Thống Diệm bằng cách yêu cầu Tổng Thống đến phi trường Tân Sơn Nhất tiễn đưa 6 thi hài lính Mỹ chết trận về nước. Tổng Thống từ chối, nói “sinh mạng của người Mỹ đáng quý, nhưng vì tôi không đến tiễn đưa linh cữu của các binh sĩ của tôi được, thì tại sao tôi lại phải tiễn đưa hài cốt lính Mỹ về nước?” Cabot đòi phải có Ngoại Trưởng Việt thay thế. Tổng Thống không nhận lời và cũng không từ chối. Khi Cabot đứng chờ ở phi trường rất lâu mà không thấy ai đại diện Việt Nam đến, ông ta nổi nóng, đọc một bài diễn văn dài, đổ tội cho Việt Nam là vô ơn, bạc bẽo. Từ đó, mà Cabot mới tiến hành gấp rút việc đảo chánh Tổng Thống Diệm, để thực hiện việc đổ quân tràn lan vào Việt Nam.

Theo cuốn “The Ambassador” viết dưới tên một nhà văn Mỹ lạ, mà người ta biết là tên hiệu của Cabot Lodge, vì đó là cuốn tự thuật lại vai trò của một Đại Sử Mỹ trong suốt quá trình đảo ch1nh Tổng Thống Diệm, thì tác giả cho biết, “Diệm là người liêm khiết, sống thanh bần, và món xa xỉ duy nhât mà Diệm xài là một điếu xì gà, ngoài ra, ông chỉ nằm giường phản gỗ không có nệm, đầu giường có một bàn quỳ đọc kinh, trên tưởng có treo một hình Thánh Giá đơn sơ. Diệm không thích ăn uống linh đình, món ăn mà Diệm vẫn hay ăn thường là món cá kho Huế và rau cải mà thôi.”

Cuốn này cũng kể lại sự liên hệ giữa Tổng Thống và cô em dâu rât khô khan. Có lần Tổng Thống đã đuổi bà Nhu ra khỏi cuộc họp, và nói “Chỗ này không phải là chỗ của thím!”, bà Nhu phải len lén đi ra vì bà vẫn luôn kính sợ Tổng Thống và chưa bao giờ dám trái lệnh anh chồng. Cũng trong cuốn này, Đại Sứ Mỹ đã tưởng trình lên Kennedy những điều căng thẳng giữa Tổng Thống Diệm và người Mỹ, nhất là sau sự việc Phật Giáo miền Trung có bàn tay của CIA nhúng vào mà Diệm vẫn khăng khăng không chịu nước lép với Mỹ, rồi Đại Sứ đã xin chỉ thị sau cùng. Sau khi biết chắc rằng không thể lung lạc được Diệm, Bạch Cung đã gửi bức điện vẻn vẹn có mấy chữ nhưng lại là lưỡi dao của đao phủ thủ, kết thúc tính mạng của một gia đình Tổng Thống cũng như số phận của dân Việt: “Nuôi một con chim mà nó không hót theo ý chủ, thì nuôi để làm gì” (What was the use of raising a bird that did not sing as the owner ordered?”)

Nhận được lệnh này, Cabot Lodge đã bật đèn xanh cho nhóm tướng lãnh ham tiền làm phản và Tổng Thống Diệm đã bị giết chỉ vì tính cương trực của một người yêu nước, hoàn toàn không phải bị giết vì vụ Phật Giáo. Theo Cụ Cao Xuân Vỹ, tính yêu nước và tinh thần dân tộc đã theo Tổng Thống Diệm đến giây phút cuối. Khi bọn phản tướng tấn công vào dinh, Cụ Cao Xuân Vỹ đã đề nghị Tổng Thống ra lệnh cho những đơn vị trung thành tấn công bọn phản, nhưng Tổng Thống cương quyết không chịu. Tổng Thống quát: “Lấy quân đội dẹp quân đội thì còn chính nghĩa gì?” Cụ Vỹ nài nỉ, “nếu không dẹp bọn phản, thì không lẽ để tụi nó giết mình sao?” Tổng Thống quát lần này to hơn: “Chết thì đã sao?”

Và như thế, một vị anh hùng Dân Tộc đã ngã xuống, cho Tổ Quốc tồn vinh. Điều đau lòng nhất chắc Tổng Thống Diệm mang đi khi ông lìa trần là mối lo Cộng Sản thôn tính miền Nam. Trước ngày đảo chánh chừng một tháng, ông đã nói với các tướng lãnh ở Tổng Tham Mưu rằng “chế độ này còn nhiều khuyết điểm, nhưng nếu sụp đổ, thì miền Nam chắc chắn sẽ mất vào tay Cộng Sản”. Điều đó, quả thực đã xẩy ra như lời tiên liệu. Sau khi Tổng Thống Diệm mất, miền Nam rơi vào tình trạng hỗn quân, loạn quan, rồi chế độ độc tài, tham nhũng của Thiệu ra đời, lệ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của ngoại bang, cho nên khi quân ngoại quốc và Mỹ rút đi, thì nước Việt hoàn toàn bị nhuộm đỏ. Giờ đây lại sắp mất vào tay Trung Cộng.

Dân Việt Nam đã hơn 4000 năm kiêu hùng với những chiến công lừng danh thế giới, bây giờ chỉ còn là nhóm thỏ con bên cạnh những con thú ăn thịt đồng loại là Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đang khúm núm dâng thỏ cho con cọp đói Trung Cộng. Mối nhục này biết đến thế hệ nào mới trả được? Thật đau lòng cho lịch sử Việt Nam.

Nhân ngày giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm sắp đến, chúng tôi, những người Việt Nam biết ơn Người, xin kính dâng lên Người một đóa hoa lòng, nguyện xin Đấng Tối Cao cho linh hồn Người Anh Hùng Dân Tộc được yên nghỉ ngàn thu.

Chu Tất Tiến
26 tháng 10 năm 2013
---------------------------------------------------------------------------------------------------------

 Những lời phát biểu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Nhân dịp năm mươi năm ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu bị sát hại trong cuộc đảo chính đẫm máu vào ngày 2 tháng 11, 1963, chúng tôi sưu tầm và trích dịch một số lời phát biểu sau của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Phát biểu tại National Press Club ở Washington, Hoa Kỳ với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thích chủ nghĩa trung lập, tức phong trào không liên kết, Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói:
“ Vì cộng sản không trung lập, chúng ta không thể trung lập.”
New York Times, ngày 11 tháng Năm, 1957
Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu nhân dịp kỷ niệm bảy năm ngày cầm quyền tại Sài Gòn:
“Liệu ta có thể vẫn còn trung lập khi đối diện với sự quyết tâm hủy diệt có hệ thống này? Ta phải cương quyết bác bỏ và chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản cuồng tín hiếu chiến, kẻ thù của nhân loại, thay vì để cho mình bị tê liệt bởi sự tuyên truyền dối trá của cộng sản.”
New York Times, ngày 8 tháng Bảy, 1961
Tổng Thống Ngô Đình Diệm:

“Mục đích duy nhất của tôi là nước Việt Nam độc lập thật sự.”
New York Times, ngày 12 tháng Năm, 1957
Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu tại Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Viễn Đông-Hoa Kỳ ở Detroit về chương trình cải cách ruộng đất qua đó ruộng đất được cấp cho những nông dân không có ruộng:
“Qua chương trình này, chúng tôi đáp lại những lời tuyên bố dối trá của cộng sản về cải cách ruộng đất. Chúng tôi cấp ruộng đất cho nông dân và chúng tôi thực hiện được điều này mà không cần đến những cách thức cưỡng chế và tịch thu vô nhân đạo.”
Harrison E. Salisbury, New York Times, ngày 15 tháng Năm, 1957
Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu tại Sài Gòn vào ngày 29 tháng Ba 1957 nhân dịp đón tiếp các đoàn đại biểu tham dự Đại hội lần thứ ba của Liên Minh Các Nhân Dân Chống Cộng Châu Á:
“Đối diện với nỗ lực phá hoại của cộng sản, chúng ta phải tuyên bố rằng những quy luật chi phối sự tiến bộ của nhân loại không chỉ mang tính chất kinh tế, rằng sự tiến bộ như thế cũng và trên hết được chi phối bởi những quy luật về đạo đức.

Chúng ta hãy dùng tình thương để chống lại sự căm thù mà cộng sản rao giảng. Lịch sử dạy chúng ta rằng sớm hay muộn cuối cùng chính sẽ thắng tà, sự thật sẽ thắng dối trá, tình thương sẽ thắng hận thù.”

Nguồn: Wilson Center Digital Archive
http://digitalarchive.wilsoncenter.org/document/118361

Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát biểu nhân dịp khánh thành Đập Đồng Cam ở Tuy Hòa vào ngày 17 tháng Chín, 1955:
“Chúng ta hiện nay đang tiếp tục cuộc chiến đấu lớn lao để hoàn thiện nền độc lập của quốc gia chúng ta và để đảm bảo tự do của nhân dân chúng ta. Cuộc đời của chúng ta, tự do của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta và cuộc đời, tự do, và hạnh phúc của con cháu chúng ta đều phụ thuộc vào cuộc chiến đấu này. Nếu Việt Minh thắng trong cuộc đấu tranh này, quốc gia thân yêu của chúng ta sẽ biến mất và nước chúng ta sẽ chỉ được đề cập đến như là một tỉnh phía nam của Trung Cộng. Hơn nữa nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi sống dưới ách độc tài do Mạc Tư Khoa tạo ra và sẽ bị tước mất tôn giáo, tổ quốc và gia đình.”
Nguồn: Major Policy Speeches by President Ngo Dinh Diem
Vietnam Center and Archive.
Trần Quốc Việt
__________________________________
Phụ lục:
1. Cộng Sản vui mừng trước cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm
“Nhà báo Úc Wilfred Burchett kể rằng những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam chào đón cuộc đảo chánh như “món quà”. “Người Mỹ đã làm chuyện mà chúng tôi đã không thể nào làm được trong chín năm trời, đó là loại bỏ Diệm.”
Nguồn: Mark Moyar, JFK and the Seeds of Disaster in Vietnam, The Wall Street Journal 11/1/ 2013
2. Lời cảm ơn của Đức Đạt Lai Lạt Ma về sự giúp đỡ của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với sáu chục ngàn người Tây Tạng vượt núi Hymalayas sang tị nạn ở Ấn Độ vào năm 1959 sau khi Trung Cộng xâm chiếm Tây Tạng
“Các tổ chức cứu trợ thiện nguyện ở nhiều nước đã giúp đỡ tiền bạc, hay thực phẩm, áo quần, hay thuốc men. Chính phủ các nước Anh, Mỹ, Úc, và Tân Tây Lan đã gởi quà để giúp chúng tôi giáo dục trẻ em, và chính phủ Nam Việt Nam đã gởi cho chúng tôi gạo. Chúng tôi rất cảm ơn tất cả những tấm lòng nhân ái này.”
Nguồn: My Land and My People, Memoirs of the Dalai Lama of Tibet, Potala Corporation, New York 1962, trang 225.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét