Theo: tuoitre.vn
Hiệp hội các giáo sư đại học toàn Mỹ (AAUP) - tổ chức học thuật uy tín bậc nhất nước Mỹ, tuần rồi đã ra một thông báo kêu gọi tất cả trường đại học phải "giữ vững những nguyên tắc tự do học thuật".
Theo đó, Hiệp hội lưu ý thông qua việc cắt đứt hoặc thương lượng lại các thỏa
thuận đã đưa gần 100 chương trình văn hóa và ngôn ngữ của Học viện Khổng Tử do chính quyền Trung
Quốc bảo trợ vào các giảng đường khắp nơi ở Mỹ và Canada.
Trong một lớp học do chương trình Học viện Khổng Tử tài trợ ở Mỹ - Ảnh: msu.edu |
Đó thật ra không phải là lần đầu tranh luận bùng lên về xung đột giữa tự do học
thuật và những quyến rũ của sức mạnh tài chính Trung Quốc cho các viện đại học ở Mỹ.
Trong thông báo của mình, AAUP lập luận rằng các trường đại học ở Mỹ đã hi sinh
tính độc lập và sự minh bạch để đổi lấy tài chính từ Chính phủ Trung Quốc, kèm theo là cho phép
Trung Quốc thiết lập những chuẩn mực trong việc tuyển dụng và giám sát những người hoạt động học
thuật, thiết kế của giáo trình và những tranh luận học thuật dân chủ.
"Học viện Khổng Tử hoạt động như một thành tố của chính quyền Trung Quốc và được
phép bỏ qua tự do học thuật - tuyên bố của AAUP viết - Hầu hết các thỏa thuận với Học viện Khổng Tử
ở Mỹ có các điều khoản không tiết lộ và những sự nhượng bộ không thể chấp nhận được vì các mục tiêu
chính trị của Chính phủ Trung Quốc".
Được coi là cơ quan ngoại giao văn hóa quan trọng và tham vọng nhất của Trung Quốc
ở nước ngoài, các chương trình của Học viện Khổng Tử được triển khai trên quy mô toàn thế giới để
giúp văn hóa và ngôn ngữ Hán xâm nhập vào giới sinh viên.
Trong không đầy một thập kỷ kể từ khi Học viện Khổng Tử đầu tiên tại nước ngoài
được thành lập ở Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 11-2004 tới nay, chương trình này, nhận tài trợ lớn từ
Chính phủ Trung Quốc, đã phát triển thành hơn 400 học viện tại hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, theo
Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã.
Với tuyên bố của mình, AAUP đã cùng các trường đại học và tổ chức học thuật trên
toàn thế giới đứng lên chỉ trích Học viện Khổng Tử trong những năm gần đây. Tháng 12-2013, Hiệp hội
các giáo viên đại học Canada cũng ra một tuyên bố tương tự kêu gọi các trường đại học cắt đứt quan
hệ với những viện Khổng Tử, trong đó nêu ra hai đại học ở Canada đã từ chối hoặc cắt đứt các thỏa
thuận vì lo ngại cho tự do học thuật.
Xâm hại tự do học thuật
Tự do học thuật (academic freedom), dù còn là một khái niệm mới ở nhiều nước, đã
là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ở phương Tây từ những năm 1930 và là nguyên tắc nền tảng của
hầu hết những tiến bộ trong khoa học, nhất là khoa học xã hội, của thế kỷ vừa qua.
Tuyên bố về những nguyên tắc của tự do học thuật, được chính AAUP đưa ra năm 1940,
nêu rõ: "Tự do học thuật là quyền tự do giảng dạy, học tập và theo đuổi tri thức, nghiên cứu của
người dạy và người học, không bị can thiệp vô lý hay bị giới hạn bởi luật pháp, các quy định chính
trị hoặc áp lực của công chúng".
Tự do học thuật đặc biệt quan trọng ở bậc đại học và sau đại học, nơi người trí
thức phải có quyền theo đuổi tri thức mà không bị ràng buộc về chính trị, ý thức hệ hay bất cứ sự
bó buộc nào khác, đặc biệt là từ nhà nước. Chính quyền tự trị của giáo dục đại học đã gây ra những
tranh luận về sự mở rộng của các học viện Khổng Tử.
Trong một ví dụ, Đại học McMaster ở Ontario, Canada, đã quyết định đóng cửa viện
Khổng Tử tại đây vào năm 2012 sau khi một trợ giảng ở viện này đệ đơn kiện trường lên Tòa án nhân
quyền Ontario cáo buộc học viện có các hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Trợ giảng Sonia
Zhao cáo buộc viện đã yêu cầu cô tiết lộ thông tin của mình về lòng tin giáo phái Pháp Luân Công,
một tổ chức bị cấm ở Trung Quốc, trong quá trình tuyển dụng và đề bạt.
Trong một bản tin cập nhật trên trang web mùa hè 2013, Đại học McMaster nói quy
trình tuyển dụng của viện Khổng Tử ở đây "đã loại ra ngoài một số nhóm ứng viên, không phù hợp và
tương thích với những giá trị của trường về bình đẳng và sự bao gồm toàn bộ cộng đồng, cũng như với
chính sách không phân biệt đối xử của trường".
AAUP đã trích dẫn một bài viết trên tạp chí về các viện Khổng Tử của Marshall
Sahlins, giáo sư danh dự của Đại học Chicago, đăng tải trên báo The Nation tháng 10-2013.
Trong đó, ông Sahlins nói các viện Khổng Tử "có vẻ bị chống đối nghiêm túc hơn ở Canada và những
nơi khác, chứ không phải ở Mỹ". Bắc Kinh đã tỏ ra nhượng bộ hơn trong các trường đại học tại Mỹ,
theo lời ông Sahlins, nhất là khi họ muốn lập viện Khổng Tử ở những đại học danh tiếng như Stanford
hay Chicago.
Nhưng ngay cả với những nhượng bộ đó, các trường đại học ở Mỹ vẫn có thể thấy
nhiều sự vi phạm tự do học thuật trong những thỏa thuận với Học viện Khổng Tử. "Họ có cả một danh
sách những đề tài bị ngăn cấm - June Teufel Dreyer, giáo sư về chính sách và Chính phủ Trung Quốc ở
Đại học Miami, nói với báo Mỹ The New York Times - Bạn không được nói về Đạt Lai Lạt Ma ở viện. Tây
Tạng, Đài Loan, sự tăng cường quân sự của Trung Quốc, đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo Trung Quốc,
tất cả đều cấm".
Những suy nghĩ của AAUP được Sahlins đúc rút lại trong kết luận bài viết của ông:
"Các trường đại học cần thấy rằng những vấn đề liên quan lớn hơn so với lợi ích cục bộ của họ. Chấp
nhận một viện Khổng Tử, họ đã tham gia vào những nỗ lực tuyên truyền và chính trị của một chính
quyền nước ngoài, đi ngược lại với những giá trị về phúc lợi miễn phí cho nhân loại mà họ theo
đuổi".
Viện Khổng Tử tự bào chữa cho sự hiện diện của họ là cũng giống như các tổ chức
văn hóa khác của phương Tây, Hội đồng Anh (British Council), Liên minh Pháp ngữ, hay Viện Goethe.
Tuy nhiên, sự khác biệt rất cơ bản: Học viện Khổng Tử không như các tổ chức đã nêu, hiện diện vật
chất trong khuôn viên các trường đại học, chứ không chỉ là một tổ chức khuếch trương văn hóa.
"Ngoại giao quyền lực mềm"
Tuyên bố của AAUP được coi là một đòn nặng giáng vào chính sách "ngoại giao quyền
lực mềm" của Trung Quốc. Với 47.000 thành viên, AAUP, được thành lập năm 1915, từ lâu đã là tổ chức
canh gác cho tự do học thuật, không chỉ ở Mỹ. Trên trang chủ của họ, tổng hành dinh Học viện Khổng
Tử ở Trung Quốc tự giới thiệu là một tổ chức "thúc đẩy và khuếch tán văn hóa và ngôn ngữ Trung
Quốc".
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói tổ chức này chỉ là một cánh tay tuyên truyền.
AAUP nói Học viện Khổng Tử "nằm dưới sự giám sát của Hanban, một cơ quan nhà nước Trung Quốc mà
người đứng đầu là ủy viên Bộ Chính trị và phó thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
Trung Quốc đương nhiên luôn tìm cách dẹp bỏ những chỉ trích. Năm 2012 đại sứ Trung
Quốc ở London (Anh) nói những chỉ trích nhắm vào Học viện Khổng Tử là "tư duy kiểu chiến tranh
lạnh" sau khi Christopher Hughes, một chuyên gia về Trung Quốc ở Đại học Kinh tế London (LSE), nêu
ra những quan ngại về việc các trung tâm tương tự có thể khiến lặp lại những vụ bê bối như khi LSE
bị phát hiện nhận tiền từ chế độ độc tài của Libya Muammar Gaddafi.
Không chỉ dừng lại ở bậc đại học, Học viện Khổng Tử còn tìm cách xâm nhập cả vào
hệ thống giáo dục phổ thông ở nhiều nước. Tranh cãi từng nổ ra dữ dội tại Mỹ hồi tháng 5-2014 khi
College Board, công ty tư nhân phụ trách thiết kế các kỳ thi chuẩn cho 6.000 trường phổ thông, đại
học và các tổ chức giáo dục thành viên, tuyên bố kế hoạch dạy tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc ở 20
trường cấp quận khắp nước Mỹ, một chương trình hợp tác với Học viện Khổng Tử.
"College Board không hề đề cập rằng Học viện Khổng Tử là một chương trình của
Chính phủ Trung Quốc, hay thừa nhận rằng Hanban, cơ quan nhà nước Trung Quốc tài trợ và cung cấp
nhân viên cho các học viện Khổng Tử, có thể bắt nạt thầy cô giáo và kiểm duyệt chương trình học
ngay trong các lớp học của nước Mỹ" - báo Mỹ The Wall Street Journal bình luận.
Tính cả các trường phổ thông, trong 10 năm hoạt động, hệ thống Học viện Khổng Tử,
dưới sự trợ giúp của Hanban, đã thiết lập 1.100 viện và lớp học ở 120 nước, bao gồm 450 cơ sở riêng
tại Mỹ. Truyền thông Trung Quốc nói hiện có hơn 220.000 học sinh Mỹ tham gia các khóa học này.
Trong bối cảnh rất nhiều nguồn tiền cho giáo dục ở Mỹ bị cắt giảm vì suy thoái
kinh tế, cam kết tài trợ từ Bắc Kinh (thường ở mức 150.000 USD/năm) được các trường phổ thông, có
rất nhiều quyền tự do ở Mỹ, đón nhận hào hứng, chưa kể các hỗ trợ vật chất như trang thiết bị giảng
dạy.
Đổi lại, Bắc Kinh muốn một chiến dịch PR hoành tráng cho chính quyền Trung Quốc.
Các học viện Khổng Tử "là một phần quan trọng trong cấu trúc tuyên truyền ở hải ngoại của Trung
Quốc" - ủy viên thường vụ Bộ Chính trị phụ trách mảng tư tưởng tuyên giáo của Trung Quốc Lý Trường
Xuân nói không úp mở năm 2009.
Hanban hiện nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng Lưu Diên Đông, một cựu
lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết toàn Trung Quốc, cơ quan có trách nhiệm trên danh nghĩa đảm bảo sự
trung thành của các tổ chức độc lập được thừa nhận.
Học giả lớn đã quá cố Samuel Huntington, trong cuốn sách bán rất chạy của ông in
năm 1996 The clash of civilisations and the Remaking of world order" (tựa tiếng Việt: Sự đụng độ
giữa các nền văn minh) từng mô tả trong một thế giới Khổng học, Trung Quốc là trung tâm của thế
giới, điều đó sẽ khiến họ xung đột với phương Tây và phần còn lại.
Các học viện Khổng Tử, cả với những sự xâm hại tự do học thuật lẫn các mục đích
trá hình khác, dù là tình báo, khuếch trương văn hóa một cách có chủ đích hay tuyên truyền, là
những ví dụ điển hình cho quan điểm đó của Bắc Kinh.
Các học viện Khổng Tử "do những người hoạt động bên ngoài các tòa đại sứ và lãnh
sự Trung Quốc quản lý", theo lời Richard Fadden - người đứng đầu cơ quan tình báo Canada.
Các giảng viên được cử tới Canada từ Bắc Kinh, ông Fadden nói, là những người thậm
chí "từng tổ chức biểu tình chống Chính phủ Canada... trong các vấn đề chính sách liên quan tới
những chủ điểm tranh cãi mà Bắc Kinh gọi là "ngũ độc" (Đài Loan, Pháp Luân Công, Tây Tạng, Tân
Cương và phong trào dân chủ)".
Hiện ông Fadden là thứ trưởng quốc phòng Canada.
|
HẢI MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét