Đem Con Bỏ Chợ, Rước Giặc Vào Nhà
1* Mỏ bài
Đem con bỏ chợ, rước giặc vào nhà... phản ảnh chính sách xuất khẩu lao động của đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Sau khi nhận tiền, tống công dân của mình ra khỏi nước thì phủi tay. Không theo dõi, không quan tâm đến đời sống công dân của mình như thế nào cho nên đã có rất nhiều trường hợp công nhân Việt Nam bị áp bức, bóc lột như nô lệ thời xưa. Sống chết mặc bây chỉ muốn nhận ngoại tệ gởi về nhà mà thôi.
Đó là đem con bỏ chợ.
Trái lại, để cho người Trung Hoa tự do đi lại luông tuồng trên khắp các vùng đất nước của mình. Bọn Tàu khựa xây dựng những cộng đồng của họ, bất tuân luật pháp Việt Nam. Đó là những làng Trung Quốc, những phố Tàu mọc lên như nấm đón nhận di dân vào làm trời làm đất, quậy phá nát những thôn xóm quê nghèo Việt Nam.
Việt Nam đã bị Hán hóa, đã lệ thuộc vào chính quyền Bắc Kinh theo nguyện vọng của đảng CSVN hồi năm 1990 tại Thành Đô, Trung Quốc.
Đó là rước giặc vào nhà. Đảng CSVN cho rằng Tàu khựa là những người láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt. Cái gì của Trung Cộng cũng đều tốt cả.
2* Lao động Trung Quốc vào Việt Nam
Lực lượng lao động Trung Quốc (LĐ/TQ) không phép ngày càng gia tăng ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, đã làm cho chính quyền địa phương phải đối diện với những khó khăn trong việc quản lý.
Hồi tháng 8 năm 2011, báo chí VN liên tục cảnh báo về tình trạng bất thường của lao động Trung Quốc (LĐ/TQ) tại VN, đó là lao động không phép, di trú bất hợp pháp, rất đông và đã có mặt khắp nơi từ Cà Mau đến Tây Nguyên và các công trường ở miền Bắc. Nhiều nhà quan sát cho rằng điều nầy không đơn thuần về việc làm và kinh tế, mà còn là mối đe dọa về an ninh quốc phòng nữa.
Báo Sài Gòn Giải Phóng nêu một ví dụ tại công trình xây dựng nhà máy đạm Ninh Bình, cách Hà Nội 90 km, tại đó, cả ngàn người LĐ/TQ làm việc mà chỉ có vài trăm công nhân người Việt. LĐ/TQ làm những công việc chân tay đơn giản, thuộc lao động phổ thông mà tiền lương gấp bội so với công nhân VN. Trong 2,000 LĐ/TQ của công trường thì đã có 1,500 người làm việc không có giấy phép. Họ được cung cấp nhà ở tập thể, trong khi đó, công nhân VN thi phải tự túc.
Trường hợp Ninh Bình không phải là cá biệt, mà ở khắp nơi, từ Bauxite Tây Nguyên đến Cà Mau, đều có những tình trạng như thế.
Một phóng viên phỏng vấn công nhân TQ về mức lương, thì được cho biết như sau:
- Mức lương từ 3,000 đến 5,000 tệ mỗi tháng.
- Hàng tháng nhận 1,000 tệ chi tiêu. Còn lại, được gởi về gia đình bên TQ.
Tính ra tiền đồng VN thì:
- 3,000 tệ =9,462,000VNĐ (9 triệu tư)
- 5,000 tệ=16,070,000 (16 triệu)
Chi tiêu 1,000 tệ=3,214,000VNĐ (3 triệu). Như vậy mỗi tháng còn dư từ 6 triệu đến 13 triệu đồng VN.
Trong khi đó, lương công nhân VN không quá 1,000 tệ.
Như vậy, nếu họ thuê công nhân VN thì họ còn lợi nhiều hơn, nhưng tại sao họ không làm?
Tờ Humanité (Nhân đạo) của Pháp có bài viết:” Phải chăng người TQ dùng chiến thuật “Tằm ăn dâu”, cứ từng bước đưa người của họ tràn vào những nơi xa xôi trước.
Đó là xuất khẩu lao động không cần đóng thuế, không cần xin phép, bất chấp luật lệ, tranh giành công việc với người của nước chủ nhà.
Ngay từ đầu, nếu cơ quan có trách nhiệm của VN làm việc đúng luật, thì TQ dù có 3 đầu 6 tay cũng không có thể làm việc “chui” một cách dễ dàng như thế nầy được đâu. Theo luật LĐ/VN, những LĐ dưới 6 tháng mà không có giấy phép thì bị phạt hành chánh, trên 6 tháng mà không phép thì bị công an trục xuất về nước”.
Trong năm 2011, có 74,000 LĐ ngoại quốc ở VN, trong số đó có 63,000 là LĐ/TQ mà đa số là không có giấy phép.
Vụ LĐ/TQ không có giấy phép bùng nổ nên các cơ quan chức năng gấp rút điều chỉnh tình trạng nầy.
2.1.Báo cáo đề nghị cấp giấy phép cho lao động Trung Quốc
Ngày 25-8-2011, Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Quảng Bình tiếp tục gởi văn thư đến 4 đơn vị chủ thầu VN, đề nghị cấp giấy phép lao động cho số người Trung Quốc đang làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nhưng chủ thầu VN bất lực, không làm được, bởi vì không nắm được số công nhân làm việc bất hợp pháp.
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình lại gởi văn thư lên Bộ LĐ-TB-XH và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình, xin cấp giấy phép cho 345 người TQ đang làm việc bất hợp pháp trong tổng số 369 người.
Yêu cầu cấp giấy phép trong vòng tháng 7, nhưng đến 30-8-2011 vẫn chưa có tờ giấy phép nào cả.
2.2.Đề nghị trục xuất công nhân bất hợp pháp
Tiếp theo, Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình đề nghị công an Quảng Bình, căn cứ vào luật lao động, trục xuất những LĐ/TQ làm việc trên 6 tháng mà không có phép. Nhưng công an cũng đầu hàng, chịu thua vì không nắm được chi tiết của từng cá nhân, mà lại không dám vào công trường để xác minh lý lịch của từng người.
Các quan chức nhà nước chỉ nắm chung chung danh sách mà các nhà thầu TQ gởi đến mà thôi.
Ông Vũ Viết Hoàn, Phó Tổng Giám đốc công ty quốc doanh, là chủ thầu cho biết: “Mình đã làm hợp đồng rồi, thì chỉ biết tiến độ mà thôi. Nhiều khi mình hối thúc “tiến độ” cho công tác chạy nhanh đúng theo hợp đồng quy định, thì họ đưa công nhân TQ từ đâu đến, không ai biết cả.”
Hồi cuối năm 2008, tờ New York Times đã đăng một bài về lao động trái phép của người TQ tại VN.
“Tại công trường xây cất nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Trung Sơn, Hải Phòng, chỉ có vài trăm người Việt, còn lại là 1,500 LĐ/TQ. Họ có cư xá riêng, có cơ sở dịch vụ riêng do người TQ trông coi. Chung quanh là 4 bức tường bao bọc, ngăn cách với thế giới bên ngoài. Việc ra vào được kiểm soát bởi người TQ.”
2.3.Lao động Trung Quốc không phép ở Cà Mau
Công trường xây cất Nhà Máy Phân Đạm Cà Mau xử dụng 600 công nhân TQ không có giấy phép.
Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau yêu cầu nhà thầu TQ phải làm giấy bảo lãnh về lý lịch tư pháp (Chứng tỏ người tốt không can án) cho 600 LĐ/TQ không có giấy phép.
Nhà thầu chỉ cung cấp một danh sách có 556 người mà thôi. Như vậy, số còn lại có phải là những tay gián điệp hay không? Ai biết được?
UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu 600 người nầy phải đi khám sức khỏe để thiết lập hồ sơ xin cấp giấy phép lao động. Nhưng quá hạn yêu cầu mà không có người nào đi khám cả. Việc khám sức khoẻ, lập hồ sơ đáng lẻ phải hoàn tất trước khi vào VN làm việc.
Về việc lao động bất hợp pháp, một viên chức VN giải thích:
- Do địa phương không đủ nguồn nhân lực về lao động.
- Lao động người Việt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
- Ý thức kỹ luật lao động của người Việt kém.
- Năng suất kém
Ý kiến chạy tội và trốn trách nhiệm nầy đã bị phản bác, cụ thể như sau:
- Các nhà thầu Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Úc, Hàn quốc…đã yên tâm xử dụng lao động người VN trong các công trình được thực hiện tốt. Cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Thủy điện Hoà Bình, Thủy điện Trị An… đều do công nhân VN phụ trách, tất cả đều tốt.
- LĐ/TQ đến VN đa số là những lao động phổ thông, làm việc đơn giản bằng chân tay, do đó không thể nói là LĐ/VN không đáp ứng kỹ thuật. (theo tổ chức phân công làm việc thì trong một nhóm có một kỹ sư, 4 hoặc 5 nhân viên cán sự trung cấp và có từ 10 đến 20 công nhân được huấn luyện, có tay nghề)
3* Tranh cãi về trách nhiệm của ai
Trên 60, 000 LĐ/TQ làm việc bất hợp pháp ở khắp nơi trong các công trường xây dựng do nhà thầu TQ đảm nhận.
3.1. Tác hại tiềm ẩn của đạo quân Trung Quốc
Tân Phó chủ tịch Quốc hội khoá 13, bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội), phát biểu: “Tôi rất lo ngại LĐ/TQ đã có mặt ở các vùng sâu, vùng xa như đất mũi Cà Mau”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết: “Tôi rất băn khoăn, không hiểu vì sao LĐ/TQ lại có mặt ở các công trình trọng điểm của quốc gia như thế”
Bộ trưởng, thứ trưởng LĐ-TB-XH là cơ quan chức năng về lao động mà nói như thế thì thật là không còn chỗ nào để phê bình cả. Công việc lao động của Bộ Lao động, mà các viên chức lãnh đạo Bộ không hiểu lý do, thì ai vào đây có thể hiểu được?
Một cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, “bức xúc” bày tỏ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như sau: “Đừng xem LĐ/TQ vào VN chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, chính trị và an ninh trật tự nữa. Trách nhiệm về ai, cần phải làm cho sáng tỏ”.
Tân Bộ trưởng LĐ-TB-XH, Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu: “Đây là vấn đề trong đó có trách nhiệm của chúng ta.” “Chúng ta” ở đây không xác định được ai cả.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Số LĐ/TQ sẽ về nước sau khi hoàn tất hợp đồng ở VN”. Thế nhưng, nhà nước VN không biết những tên tuổi nào, số lượng bao nhiêu, đang ở đâu, thì làm sao biết được họ sẽ về nước hay không?
Ngoài những đe dọa tiềm ẩn, còn có những tác hại cụ thể đã xảy ra về mặt xã hội, như gia tăng nạn mãi dâm ở các khu công trường, những vụ ấu đả, đập phá tài sản làm mất an ninh ở địa phương.
3.2. Tranh cãi trách nhiệm
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân bác bỏ cáo buộc cho rằng bộ của bà chịu trách nhiệm về LĐ/TQ bất hợp pháp. Bà nói:
“Đa số LĐ/TQ vào VN bằng con đường du lịch, nhưng bộ của tôi không cấp bất cứ một giấy phép nào, cho bất cứ ai vào đây cả. Vậy ai cấp giấy phép thì người đó chịu trách nhiệm”.
Bà Ngân nói với báo chí: “Chính quyền địa phương quản lý hộ khẩu và cư trú cũng phải chịu trách nhiệm nữa”.
1). Trách nhiệm của chủ thầu Việt Nam
“Chủ thầu không báo cáo số LĐ/TQ tại các công trường, không báo cáo những người TQ vào VN rồi không chịu về nước mà ở lại làm việc không phép.
Trong việc tổ chức thực hiện, có nơi nầy, nơi nọ không thực hiện đúng nguyên tắc xử dụng lao động.”
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy Ban Xã Hội của Quốc hội nói với báo chí: “Bộ Lao động có trách nhiệm chính về tình trạng lao động không phép nầy ở VN”.
2). Chưa xử lý đúng mức
Tháng 4 năm 2011, Thứ trưởng bộ Lao Động Nguyễn Thanh Hoà thừa nhận:
“Chưa có ai bị trục xuất cả, mà thường chỉ phạt hành chánh, rồi họ lại tiếp tục làm việc không phép vì không có ai quản lý. Do “nhiều nguyên nhân” cho nên chúng ta chưa xử lý nghiêm về vấn đề nầy.” (Không ai biết là “nhiều nguyên nhân” là gì?)
Một ví dụ cụ thể:
LĐ/TQ dùng đường du lịch (người TQ vào VN không cần chiếu khán nhập cảnh, Visa) vào làm việc tại công trường Tân Rai (Bauxite Lâm Đồng) do nhà thầu Chalico xây dựng. Phó bí thư tỉnh Lâm Đồng, Lê Thanh Phong thừa nhận: “Thật sự tỉnh ít quan tâm đến bởi vì con số ban đầu chỉ có 100 công nhân TQ được báo cáo mà thôi. Chính quyền địa phương chỉ có thể nhắc nhở vì do quan hệ ngoại giao Việt-Trung nên tỉnh không làm được gì cả”.
Tóm lại, do chủ trương lớn của đảng, do bang giao Việt-Trung cho nên các cơ quan chức năng đã để cho tình trạng LĐ/TQ không phép lan tràn trên đất nước VN.
Không những lao động bất hợp pháp mà người TQ còn thực hiện chính sách di dân thành lập những khu phố Tàu biệt lập trên lãnh thổ VN nữa.
Bà Phạm Chi Lan, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại VN, nói với nhà báo Mỹ Edward Wong: “Hiện nay có những làng hoàn toàn của TQ tại VN. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một hiện tượng như vậy trong các dự án của các công ty nước ngoài khác. Trong một nước VN mà nạn thất nghiệp trầm trọng, khiến nhà nước phải xuất khẩu nửa triệu ra nước ngoài để kiếm ăn, sự có mặt của trên 60,000 công nhân TQ để làm những công việc lao động phổ thông như thế, là một điều không thể hiểu nổi”.
4* Công nhân Trung Quốc quậy phá
4.1. Công trường Nghi Sơn
Nghi Sơn là khu kinh tế thuộc tỉnh Thanh Hoá, nơi có công trường xây dựng nhà máy xi măng do nhà thầu Trung Quốc phụ trách.
Đối diện với công trường là một khu nhà tập thể dành cho công nhân do nhà thầu dựng lên.
Chung quanh công trường mọc lên đủ loại dịch vụ như nhà nghỉ cho thuê phòng, quán cà phê Karaoke, dịch vụ điện thoại… chủ yếu là phục vụ cho LĐ/TQ mà phần đông là lao động phổ thông, tức là làm những công việc đơn giản bằng chân tay. Các chuyên gia không ở chung với thợ thuyền trong khu nhà tập thể, mà thuê nhà ở riêng.
Khu ăn ở của LĐ/TQ tách biệt với khu dân cư người VN ở địa phương, mà sự ra vào được bảo vệ TQ kiểm soát nghiêm nhặt, vì có nhiều vụ xô xát đã xảy ra.
4.2. Đập phá nhà anh Nguyễn Văn Len và đánh người trọng thương
Vợ anh Nguyễn Văn Len kể lại:
“Đúng vào đêm chung kết bóng đá AFF Cup, đội tuyển VN thắng đội Thái Lan. Anh Len không có ở nhà. Một người LĐ/TQ say rượu vào quán mua thuốc lá, do bất đồng ngôn ngữ, người TQ đập bể bàn ghế, xé nát bao thuốc lá, quát tháo om sòm. Vừa lúc đó thì anh Len về. Thấy thái độ ngang ngược và hung hăng của người say rượu, anh Len kéo tay người TQ đẩy ra khỏi nhà. Bất ngờ, anh Len bị người TQ túm tóc đánh túi bụi. Sự việc phức tạp hơn khi anh Len chống trả lại. Vị khách nầy chạy về khu tập thể, kéo lại khoảng 40 người, rồi tiếp theo, khoảng 100 người cầm gậy gộc, ống nước, lái xe tải đến, chiếu đèn rọi vào nhà rồi tất cả ra tay đập phá, đánh bị thương nhiều người trong gia đình. Thậm chí, hàng xóm đến can ngăn cũng bị rượt đánh.
Người bị thương nặng nhất là Nguyễn Văn Đen, em trai của anh Len. Số là người em trai hôm đó lái xe ôm vừa về đến nhà, được biết bên nhà anh Len có chuyện, nên lái xe chạy sang.
Vừa đến nơi thì bị 5, 6 tên TQ vây đánh túi bụi, đập nát mủ an toàn đang đội trên đầu, khiến anh Đen bị gảy tay, gảy chân và phải khâu 16 mũi trên đầu, trên trán”.
Việc LĐ/TQ đánh nhau với người địa phương xảy ra hà rầm. Các LĐ/TQ say xỉn, ăn nhậu không trả tiền mà còn đập phá không phải là chuyện hiếm có. Bà Hiệp, chủ quán cho biết, thời gian nầy còn đở, chứ trước kia không những nhậu say không trả tiền mà còn đập phá, doạ nạt chủ quán, thậm chí tối đến, con gái trong làng không dám ra đường, vì sợ LĐ/TQ say xỉn đuổi bắt làm ẩu.
4.3. Băng đảng xã hội đen Trung Quốc lộng hành ở Bình Dương
Cộng đồng người Hoa phát triển nhanh chóng ở Bình Dương do di dân không ngừng. Chính quyền Việt Nam không có khả năng quản lý chặt chẽ nên nhiều hiện tượng xấu cũng gia tăng.
1). Bắt cóc đòi nợ thuê
Ở thị xã Dĩ An (Bình Dương), cứ đêm đến thì băng đảng xã hội đen thường xuyên gây náo loạn và đe dọa người dân ở đó.
Công an thị xã Dĩ An đã bắt giữ một băng đảng người Trung Quốc do tên Chen Chi Yung (43 tuổi) quốc tịch Trung Quốc, cùng với ba đàn em tên Hứa Kiến Hào, Vương Gia Hào và Lý Hoàng Phong về tội âm mưu bắt cóc làm con tin để đòi nợ thuê.
Nhóm nầy đã mua roi điện, súng nhựa và kiếm để thực hiện vụ bắt cóc đòi nợ số tiền là 1.6 tỷ đồng. Ăn chia cưa đôi, 50-50.
Khi ra tay thì bị công an phát hiện và bắt giữ. Cảnh sát Trung Cộng yêu cầu được dẫn độ tên Chen Chi Yung vì đương sự đã bị tầm nã về tội cướp tài sản trước kia. Nghe vậy, hay vậy chớ làm sao biết sự thật được? Chỉ biết chắc rằng tên nầy được đưa về xứcủa nó.
2). Hành hung người Việt
Cũng tại Bình Dương, người Trung Quốc hành hung người Việt đã xảy ra.
Một đêm, hai người Tàu, có lẻ nhậu say, đã liên tục đập cửa nhà chị Lan ở chung cư Hoàng Long. Chị Lan và gia đình vô cùng hoảng sợ. Nghe ồn ào, bà Dung từ lầu 8 đi xuống thì bị họ nhào tới tấn công và bóp cổ. Bảo vệ chung cư và chồng chị Lan đến giải vây.
Sau đó, công an đến lập biên bản do không đăng ký tạm trú theo quy định, mà bỏ qua hành vi quấy nhiễu, tấn công bóp cổ.
Ban quản lý chung cư cho biết, đa số trong 40 căn hộ đã cho người Trung Quốc thuê. “Họ xả rác tràn lan. Đêm đến thì kéo nhau về chung cư ăn nhậu, la ó gây ồn ào suốt cả đêm. Khi công an đến lập biên bản thì họ nhất quyết không mở cửa, công an cũng chịu thua vì họ là người Trung Quốc”
3). Không ai quản lý đám người nầy cả
Trung tá Phạm Thành Trung cho biết, việc quản lý người Trung Quốc rất khó khăn. Họ đến bằng đường du lịch rồi tìm cách ở lại Việt Nam.
Ông Trung cho biết việc quản lý người lao động Trung Quốc thuộc thẩm quyền của Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội. Trong khi đó lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH cho rằng sở chỉ quản lý doanh nghiệp có 10 lao động trở lên mà thôi.
Vì thế không có ai quản lý cái đám người nầy cả. Cũng tại hai thành phố Nhị Đồng và Sóng Thần thuộc Dĩ An, Bình Dương, có trên 20 quán ăn, nhà hàng, tiệm massage do người Hoa kinh doanh và chỉ phục vụ cho đồng hương của họ mà thôi.
5* Những “làng Trung Quốc” ở Hải Phòng
Người Hải Phòng gọi những khu tập trung LĐ/TQ là “Làng Trung Quốc”. Hải Phòng còn hình thành một “Khu Phố Tàu” với đầy đủ cơ sở phục vụ cho người Tàu.
5.1. “Làng Trung Quốc” Ngũ Lão
Trước khi dự án Nhà Máy Điện Hải Phòng khởi công, một khu đất ở xã Ngũ Lão, gồm những ao hồ nuôi cá nước ngọt, được xây lên một khu nhà ở tập thể cho công nhân TQ. Khu nầy lại chia ra làm 3 khu vực riêng biệt dành cho công nhân của 3 nhà thầu Hồ Bắc, Đông Phương và Quảng Tây, mỗi khu có bảo vệ kiểm soát việc ra vào.
Khu Quảng Tây lớn nhất, có 130 phòng đủ sức chứa 1,000 người. Mỗi phòng có 8 chiếc giường, loại 2 tầng dành cho 8 công nhân. Trước mỗi phòng, thường có dán những tấm bảng bằng giấy viết chữ Tàu.
Trong khu có phòng hát Karaoke, một quày tạp hoá bán hàng phục vụ. Một người Việt làm việc tại công ty Quảng Tây cho biết: “Buổi tối thường có những cô gái trẻ người Việt đến chơi tại các phòng ngủ của LĐ/TQ”. Tại xã Ngũ Lão có hàng chục cửa hàng dịch vụ điện thoại quốc tế phục vụ LĐ/TQ gọi về nhà. Các cửa hàng thu cước phí trung bình 500 phút mỗi đêm.
5.2. “Phố Tàu” Thủy Nguyên
Khu Thủy Nguyên ở cạnh xã Ngũ Lão, có hàng trăm nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ cho thuê phòng, các dịch vụ giải trí, tất cả gắn bảng hiệu 100% chữ Trung Quốc khiến cho người đến tưởng chừng như bị lạc vào một khu phố bên Tàu.
Các dịch vụ Karaoke, đấm bóp, tắm rượu thuốc, tắm hơi, làm tóc: nhuộm, sấy, gội đầu. Một quán có ghi quảng cáo, là có chuyên gia từ TQ sang làm tư vấn dịch vụ. Một phụ nữ Tàu tên A Hoa cũng chạy theo LĐ/TQ sang khu phố nầy mở cửa hàng phục vụ đồng hương.
Nhiều nhà hàng quy mô lớn như Duyên Hằng, Thiên Mã, nhà nghỉ cho thuê phòng Khánh Huyền, khách sạn Mỹ Sơn, Đại Đường …phục vụ cho LĐ/TQ ở công trường.
Người dân địa phương cho biết, nhiều động mãi dâm trá hình dưới quán cà phê đèn mờ, khách sạn, nhà nghỉ trá hình…Buổi tối mùa hè, nhiều quán cà phê đèn mờ, bảng hiệu chữ Tàu với những cô gái trẻ ăn mặc hở hang ngồi ngay trước cửa, mở miệng nói tiếng Tàu, mời mọc những bóng cu li áo xanh đi qua đường. Phụ nữ VN được quảng cáo rẻ tiền đối với những anh cu li TQ.
Ông Lại Thế Minh, trưởng công an xã Tam Hưng cho biết: “Chuyện LĐ/TQ sống cặp với phụ nữ VN hoặc đến những quán cà phê đèn mờ để thư gỉản và giải quyết sinh lý là chuyện bình thường. Những phụ nữ sống cặp với LĐ/TQ thường là những cô đã được xuất khẩu sang Đài Loan làm osin nên biết chút đỉnh tiếng Tàu. Ngoài ra, những lao động nữ VN làm việc tại công trường nhiệt điện cũng có tình trạng sống cặp như vậy.
Đã có nhiều lao động nước bạn, yêu và lấy vợ VN nhưng chưa có cặp nào đến đăng ký kết hôn cả”.
5.3. Về việc quản lý lao động Trung Quốc
“Lao động TQ ở trong các khu tập thể có bảo vệ canh gác cho nên công an xã cũng không vào được để kiểm tra giấy tờ. Họ thường ra ngoài gây xích mích với thanh niên địa phương nhưng công an xã cũng chưa bao giờ vào đó kiểm tra giấy tờ cả, vì nhiều lý do khác nhau, mặc dù biết có nhiều người nhập cư trái phép. Hiện công an xã chỉ nhận được danh sách và số lượng mà nhà thầu TQ gởi đến mà thôi. Nhiều trường hợp LĐ/TQ đi chơi khuya ngoài đường nhưng công an cũng không hỏi giấy tờ vì không biết nói tiếng TQ”.
6* Quê nghèo xáo trộn
6.1. Gái quê mê cu li Trung Quốc
Hơn 200 LĐ/TQ tại khu công nghiệp Long Giang tỉnh Tiền Giang dùng tiền làm hư con gái mới lớn, đánh nhau với lao động Việt, khiến cho quê nghèo trở nên xáo trộn, làm tan nát nhiều gia đình êm ấm.
Từ khi có công trường Long Giang, nhiều chị em có chồng, thấy công nhân TQ vừa đẹp trai vừa có tiền thì bắt đầu đem lên bàn cân so sánh với chồng, là nhữnhg nông dân ở thôn quê. Đó là mở đầu những bi kịch của rất nhiều gia đình. Còn những cô gái trẻ chưa chồng cũng bắt đầu mê tít mấy anh cu li TQ mặc cho thiên hạ dèm pha, chê bai.
6.2. Gái quê thản nhiên bỏ chồng
Chị T. sinh năm 1968, được xem là một trong những người đẹp của xã Tân Lập, huyện Tân Phước, Tiền Giang, chị và anh V. cưới nhau được hơn 1 năm, có đứa con trai bụ bẫm. Cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Khi khu công nghiệp bắt đầu hoạt động, anh V. mở quán cà phê, chị T. bán thêm rượu bia và vài món nhậu.
Một ông khách TQ là “mối ruột” của quán gần 60 tuổi, luôn luôn hào hứng khen ngợi chị T. rất đẹp.
Chỉ sau 1 tháng khi người đàn ông Tàu nầy ghé quán, chị T. được chuyển từ chiếc xe gắn máy TQ cũ sang chiếc Air Blade nhập từ Thái Lan giá 60 triệu đồng.
Khi chồng gặng hỏi, chị T. công khai chê chồng thua thiệt người ta và xác nhận, chiếc xe mới là quà ra mắt làm quen của người đàn ông TQ.
Đến khi anh V. phát hiện vợ mình “tòm tem” với anh Tàu khựa đáng tuổi ông nội, thì anh mới tá hoả. Chị T làm tờ ly hôn và đuổi chồng ra khỏi nhà. Vì thương vợ, thương con, anh chồng năn nỉ xin bỏ qua và hứa sẽ chăm chỉ cố gắng làm ăn để nuôi vợ, nuôi con.
Chị T công khai qua lại với ông Tàu mà không cần để ý đến tâm trạng của chồng ra sao. Quá uất ức, anh V canh chờ vợ chạy xe trên đường, rồi lái xe chạy hết tốc lực đâm vào xe vợ để cả hai cùng chết. Cú tông khá mạnh, cả hai không chết và được chở vào nhà thương.
Ra bịnh viện, ly hôn. Anh V dọn đồ ra khỏi nhà. Chị T thì vui vầy với ông Tàu già khá nhiều tiền. Thế là một gia đình tan nát.
6.3. Mẹ cặp bồ con cũng noi theo
Khu công nghiệp Long Giang nổi sóng.
Ông Ba K. ở ấp 4 có cô con gái 16 tuổi, dáng dẻ dễ nhìn, nên đã lọt vào tầm ngắm nghía của mấy anh công nhân TQ. Thấy cô gái thường tắm ngoài cầu ao, mấy anh góp tiền lại được 20 triệu xây nhà tắm. Thấy cô gái mới lớn xiu lòng, mấy anh Tàu thay nhau ve vản, hết anh nầy chia tay, tới anh kia nhào dzô. Trong nhà rộn rịp tình hữu nghị Việt Trung bất diệt.
Còn bà M. ở ấp 5, thấy mình “hết lứa” khó cặp bồ với mấy tay cu li ngoại, nên xúi đứa con gái 17 tuổi dụ mấy anh sồn sồn cho xứng với bà để về ở chung như vợ chồng cho vui.
Chưa hết, cũng tại ấp 4 hai mẹ con cùng cặp bồ với đám công nhân ngoại. Bà còn rước đứa cháu gái 16 tuổi ở Kiên Giang lên gả cho một ông sồn sồn xấp xỉ 50.
Một viên chức hộ tịch xã Tân Lập cho biết, đã có hơn chục bà chủ động đâm đơn ly hôn với chồng. Tất cả những hoà giải đều thất bại. Ly hôn bữa trước, bữa sau công khai qua lại với mấy anh Tàu khựa làm chồng hờ.
Ông Lê Văn Rớt, viên chức tư pháp xã Tân Lập cho biết: “Tình hình phụ nữ cặp bồ với công nhân TQ gây xôn xao dư luận dữ lắm, nhưng rồi cũng lắng dịu. Theo tôi biết, không có cặp nào đăng ký kết hôn cả. Họ sống như chồng hờ vợ tạm, hết hợp đồng lao động, mấy ổng về nước, mấy chị trót bỏ chồng phải chịu thiệt thòi thôi”.
7* Nhận xét về lao động Trung Quốc
7.1. Nhận xét của Giáo sư Carl. Thayer
GS Carl Thayer, người Úc, chuyên gia về Việt Nam, nêu ý kiến:
- Có sự thông đồng giữa nhà thầu TQ với chính quyền VN.
- VN không thi hành đúng luật pháp nên không quản lý chặt chẽ được.
- Tiền phạt vi phạm quá nhẹ kèm theo quản lý lỏng lẻo khiến cho nhà thầu TQ sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục vi phạm.
- Việc quản lý bằng các Nghị định mà không thi hành nghiêm chỉnh nên không có hiệu quả.
- Phải chuẩn bị trường hợp bị TQ trả đủa. Báo chí TQ đã lên tiếng là chỉ trong tỉnh Quảng Tây mà đã có 10,000 người VN làm ăn bất hợp pháp.
7.2. Tóm tắt
Hàng vạn LĐ/TQ, không được quản lý chặt chẽ, ở khắp nơi trên đất nước VN là mối đe dọa về an ninh quốc phòng, vì nhà nước không nắm được đó là công nhân thật sự hay bộ đội, gián điệp mặc quần áo công nhân. Ngoài ra, còn có những thiệt hại về kinh tế và xã hội rất rõ ràng. Ý đồ khống chế VN về mọi mặt không thể chối cãi được, và đảng CSVN đã bằng lòng để cho ngoại bang khống chế thì thật là một chính sách ngoại giao bất bình đẳng, nhu nhược, lệ thuộc vào Trung Cộng như một truyền thống không thể thoát ra được.
Nhà nước CSVN đã xuất khẩu công nhân VN đi làm lao nô khắp mọi nơi nhưng lại nhập khẩu LĐ/TQ vào VN để bọn chúng tự tung tự tác, làm trời làm đất, khinh thường pháp luật, không những cướp công ăn việc làm mà còn giựt vợ của thanh niên VN ở các vùng quê nghèo.
8* Xuất khẩu lao động Việt Nam
Nghị Quyết của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã chủ trương xuất khẩu công nhân VN ra nước ngoài làm lao động. Quốc Hội khoá XI đã ban hành Luật ngày 29-11-2006 về “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, quy định về những hoạt động đưa công nhân ra nước ngoài gồm việc tổ chức và những cá nhân liên hệ.
Hiện nay có khoảng nửa triệu người VN được xuất khẩu đến 40 quốc gia trên thế giới. Chỉ tiêu về số lượng xuất khẩu của năm 2011 là 87,000 người, nhưng đang gặp cú sốc, là phải đưa hơn 10,000 từ Libya về nước vì chiến tranh.
Từ đầu năm đến tháng 9 năm 2011, đã có 60,530 lao động được xuất khẩu. Thị trường tiếp nhận lao động VN lớn nhất là Đài Loan (23,673 người), Hàn Quốc (14,134), Malaysia (6,664).
Theo dự đoán thì trong năm 2011, lao động VN sẽ gởi tiền về nước khoảng 1.8 tỷ đô la.
Việc xuất khẩu lao động VN đang gặp khó khăn là tình hình bất ổn ở Trung Đông, và một điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là trong năm 2011, thị trường Lào và Campuchia, cực chẳng đã là nơi đến của lao động VN (LĐ/VN). Điều nầy cho thấy kinh tế VN chưa khá lên được.
8.1. Thành phần lao động Việt Nam
Thành phần LĐ/VN đa số là người miền Bắc và người miền Trung, thuộc các gia đình nghèo và bậc trung ở nông thôn, học vấn thấp, không có tay nghề chuyên môn, không có ngoại ngữ.
Muốn ra nước ngoài làm việc, gia đình phải trả nợ hay ký giấy nợ hoặc cầm cố ruộng đất với một khoản tiền từ 4,000 đến 5,000 đô la.
8.2. Bị lừa gạt
Có rất nhiều vụ lừa gạt trong việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) được đăng lên các báo, lý do là do thiếu hiểu biết về luật lệ XKLĐ, sẵn sàng chịu mất tiền qua trung gian hoặc cò mồi. Một phần do các doanh nghiệp XKLĐ không biết rõ về công ty nhận người, không hiểu rõ nội dung của bản hợp đồng và luật lệ của quốc gia nhận người lao động. Kết quả là nạn nhân người VN không được hưởng những quyền lợi về lương bổng, bảo hiểm y tế như các công ty tuyển người đã hứa hẹn.
9* Người Việt Nam lao động chui ở Nga
9.1. Người Việt ở Nga
Tài liệu chính thức cho biết, năm 2011 có 60,000 người VN sống hợp pháp ở Nga.
Năm 1990, cộng đồng VN ở Nga tăng lên tới 200,000, trong đó có 5,000 du sinh, còn lại là thành phần lao động hợp tác XHCN và những người định cư ở Nga.
Khi Liên Xô sụp đổ, du sinh và lao động hợp tác không về nước, mà đa số sống bất hợp pháp ở Nga, làm ăn chui, buôn lậu, khiến cho chính quyền Nga rất lo ngại.
Nga đóng cửa 8 trung tâm thương mại của người Việt, mỗi trung tâm quy tụ khoảng 2,000 người.
9.2. Nga đóng cửa Chợ Vòm
Chợ Vòm ở Moscow
Cảnh sát Nga bắt 1,200 người Việt nhập cư trái phép chờ bị trục xuất khỏi Nga
Chợ Vòm là một trung tâm thương mại lớn của người Việt ở thủ đô Moscow, nó cũng giống như khu Phước Lộc Thọ của người Việt ở Cali vậy.
Chợ Vòm tên chính thức là chợ Cherkizov được xây cất trên một diện tích 25,000 m2.
Trong chiến dịch chống nạn buôn lậu đang hoành hành trên thị trường Nga, thủ tướng Vladimir Putin ra lịnh phải triệt để tận diệt nạn buôn lậu khổng lồ tại chợ Vòm của người VN. Cuộc bố ráp quy mô được thực hiện. Lực lượng an ninh bắt giữ 6,000 container chứa hàng hoá lậu trị giá 2 tỷ đô la. Thế là đường dây làm ăn bất hợp pháp giữa người Việt với người Trung Quốc bị phá vở. Hàng lậu TQ bị tịch thu. Khu chợ 25,000 m2 bị san bằng. 22 container quần áo trẻ em may từ TQ bị đem ra đốt vì có chất độc hại.
Viên chức Nga tuyên bố, “chợ Vòm là nguồn gốc của tham nhũng, bạo động và tội ác. Chúng ta cần phải có ý chí và sức mạnh để xé xác nó ra”.
Lên án chợ Vòm tức là kết án cộng đồng người Việt ở Moscow. Chợ Vòm là nơi viên chức Nga ăn hối lộ và là nơi rửa tiền. Dưới con mắt của người Nga, người Việt là một hình ảnh xấu mà đa số gốc miền Bắc XHCN hữu nghị với Cộng Sản Liên Xô trước kia.
Chợ Vòm sập tiệm nhiều người Việt trắng tay, điêu đứng.
9.3. Băng đảng đầu trọc Nga khủng bố người Việt
Sinh viên Việt Nam nào nếu may mắn thoát chết cũng bị đánh như thế này
Tiễn con đi khỏe mạnh và hy vọng. Nay đón con về, chỉ là hình hài bất động tang thương.
1). Người Việt ở Mosow bị hành hung
Hình ảnh làm ăn bất chánh của người Việt ở Chợ Vòm khiến cho chính quyền Nga bố ráp và đóng cửa san bằng ngôi chợ, đó là lý khiến cho người Nga ở thủ đô Moscow không có cảm tình với người Việt.
Nhân cơ hội đó bọn băng đảng cực đoan quá khích kỳ thị người Việt. Đầu trọc hành hung bất cứ người Việt nào mà chúng gặp.
Nhiều người Việt bị hành hung, đánh đập khiến cho cộng đồng Việt Nam ở Moscow ra thông báo yêu cầu người Việt hạn chế việc ra đường, nhất là đi một mình vào ban đêm,
Đã có hai sinh viên Việt Nam bị đâm chết, đó là Vũ Anh Tuấn và Tăng Quốc Bình.
17 bị can trong vụ hạ sát Vũ Anh Tuấn được tòa dưới tha bổng. Vụ án khiếu kiện, toà phúc thẩm tuyên bố y án với tòa dưới tức là tha bổng những hung thủ.
2). Đầu trọc ở Nga là ai?
Bọn đầu trọc là nhóm băng đảng gồm những thanh niên là học sinh và những thanh niên thất nghiệp. Họ đề cao chủ nghĩa dân tộc theo kiểu Phát xít Đức, hành động cực đoan hành hung và khủng bố.
Theo ước tính thì năm 1999 số thanh niên đầu trọc ở thủ đô Moscow là có từ 3,000 đến 3,800. Ở Petersbourg là 2,700.
Theo tài liệu của Bộ Nội vụ thì trên toàn quốc có khoảng 20,000 thành viên đầu trọc.
10. Những xưởng may “đen” ra đời
Ngày 15-11-2010, Liên bang Nga thay đổi chính sách thuế quan, đánh thuế thật nặng vào mặt hàng may mặc rẻ tiền từ TQ, cho nên các xưởng may “đen” ra đời để may hàng lậu, hàng “nhái” của TQ. Họ làm ăn phát đạt và các xưởng may bất hợp pháp phát triển mạnh.
10.1. ”Nô lệ lao động” Việt Nam
Chuyện khó tin nhưng có thật. “Nô lệ lao động” là cụm từ để chỉ hàng ngàn người lao động VN tại các xưởng may bất hợp pháp ở Nga. Những xưởng may “đen” từ vài chục máy đến vài trăm máy đã có đến 500 cơ xưởng như thế, tài liệu chính thức của Nga tiết lộ như vậy. Với số lượng công nhân 20,000 mà đa số là người từ VN sang và những người trước kia trốn ở lại, không về nước.
Đầu năm 2011, tờ Pushkino loan tin, “Nhiều công nhân VN bị phát hiện đang làm việc trong một xưởng may bất hợp pháp tại Moscow. Đó là một Getto (Getto, tiếng Nga chỉ các trại tập trung lao động của Đức Quốc Xã), trong đó những lao động người VN sống trong những điều kiện gần như nô lệ. Họ không được ra khỏi khu vực của xưởng, các phòng chật như cái nôi, thậm chí ngồi cũng khó. Họ có 8 tiếng đồng hồ để sinh hoạt và ngủ, thời gian còn lại thì phải làm việc trên máy. Xưởng may sản xuất hàng “nhái” của TQ. Người trông coi họ là người có quốc tịch VN”.
Hồi tháng 8 năm 2009, báo Nga đưa tin, một xưởng may “đen” may quần áo “nhái” thể thao có tới 600 người Việt tại Ivanteevka. Lao động VN bị bốc lột thậm tệ, bị nhốt dưới một khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài. Bị thu tất cả giấy tờ tùy thân, không được liên lạc với bên ngoài. Phải làm việc từ 12 đến 14 giờ một ngày, không có ngày nghỉ.
Họ được hứa là sẽ nhận tiền lương cao. Nhiều công nhân tố cáo là không nhận được đồng lương nào, vì chủ xưởng trừ hết khoản nầy đến khoản khác. Công nhân bị dồn 50, 60 người vào một phòng, có giường tầng. Các đội nam nữ cách nhau bằng một tấm vải chỉ rộng vài mét vuông thôi.
Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc Hội Hà Văn Hiền cho rằng, “Thực trạng khổ sai của hàng chục ngàn LĐ/VN ở Nga dường như chưa được cải thiện”.
“Người LĐ/VN rất dễ bị lừa và không có thể tìm được một công việc hợp pháp tại Nga”, ông Lê Minh Dần Sứ quán VN ở Nga cho biết như thế.
Vừa qua, trong vụ cháy kho chứa vải của một xưởng may “đen” đã làm chết 14 người VN, vì họ bị nhốt trong một căn phòng.
Số phận của những công nhân nầy không những gắn chặt với đất nước VN mà còn gắn chặt với biết bao gia đình, thân nhân của họ, khi họ bị “mất tích” từ khi bước chân lên đất Nga.
Lý do đưa đến người nô lệ VN da vàng trên đất Nga là các cơ sở ngoại giao VN đã thờ ơ đối với người lao động, không quan tâm đến công dân của mình nên không liên lạc chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan liên hệ của Nga.
Các công ty dịch vụ xuất khẩu lao động VN cấu kết với các công ty nhập khẩu lao động của Nga, đưa công nhân VN đến tình trạng lao động chui mà chính quyền VN không hay biết gì cả. Đưa càng nhiều lao động ra ngoại quốc thì càng lập được nhiều thành tích vì mỗi năm, VN thu nhận hàng tỷ ngoại tệ bằng đô la do LĐ/VN gởi về.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết, bộ chỉ nắm được một số lao động làm việc ở châu Âu, còn ở Nga thì không có con số cụ thể.
Ông Trần Du Lịch, một đại biểu Quốc hội bày tỏ, “tình cảnh của người LĐ/VN tại các xí nghiệp ở Nga thật quá đau lòng. Đó là trách nhiệm của các đơn vị tuyển người, xuất khẩu và quản lý người của nhà nước VN, đã để cho người LĐ/VN bị bán cho các xí nghiệp đen khi họ đến Nga, đã đẩy những thanh niên nghèo khổ ở nông thôn vào tình cảnh đó”.
Nhà nước CSVN đã đem con bỏ chợ. Sống chết mặc bây, tiền thì đảng bỏ túi, vì trước khi ra nước ngoài, mỗi người phải đóng một số tiền từ 4,000 đến 5,000 đô la.
10* Kết luận
Đảng Cộng Sản Việt Nam là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, thế mà đảng lại đưa công nhân của mình ra nước ngoài làm lao nô cho bọn tư bản. Đã vậy, còn phủi tay, tống khứ đem con bỏ chợ, sống chết mặc bây. Việc nầy không thấy sách vở của mấy tay tổ Cộng Sản Mác Lênin nói đến.
Có lẻ vì đảng CSVN đã phản bội giai cấp công nhân để trở thành bọn tư bản đỏ, cho nên công nhân VN bỏ trốn, hết hạn giao kèo không chịu về nước để làm công dân của chế độ XHCN ưu việt của đảng CSVN quang vinh, mà họ phải sống chui sống nhủi tha hương vô tổ quốc, sống lậu, buôn lậu, làm việc chui để bị bốc lột thêm một lần nữa.
May phước cho 10,000 VN sống lậu ở Ba Lan, là ngày 26-8-2011, Tổng thống Bronislaw Komorowski đã ký sắc luật ân xá, cho được hưởng quy chế cư trú và quyền được lao động hợp pháp trong hai năm, kể từ đầu năm 2012.
Thân phận của LĐ/VN ở Nga thì bị bốc lột như nô lệ, trái lại LĐ/TQ vào VN thì làm cha thiên hạ, nghênh ngang không xem luật pháp ra cái gì cả. Công an CSVN thì ác với dân mà hèn với mấy thằng cu li Tàu khựa.
Thảm họa Việt Nam đã hiện rõ. Đem con bỏ chợ, rước giặc vào nhà là thế.
Trúc Giang
Minnesota ngày 29-11-2014
-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét