Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Chiến tranh bùng nổ trên không gian ảo

Giới quan sát nhận định vụ tấn công mạng Hãng phim Sony Pictures mở ra một chương mới trong lịch sử chiến tranh mạng giữa các quốc gia.

Bất chấp lời đe dọa của tin tặc, Hãng Sony Pictures đã phát hành bộ phim The interview trên mạng Internet và các rạp độc lập tại Mỹ.
Bất chấp lời đe dọa của tin tặc, hãng Sony Pictures đã phát hành bộ phim The interview trên mạng Internet và các rạp độc lập tại Mỹ.
Những ngày qua, cả thế giới xôn xao với vụ nhóm tin tặc Vệ binh Hòa bình (GOP) đánh sập hệ thống mạng của Hãng phim Sony Pictures vì bộ phim The Interview với nội dung là âm mưu ám sát nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un.
Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công. Và trong vài ngày qua, Internet ở CHDCND Triều Tiên liên tiếp chập chờn khiến dư luận đồn đại rằng Washington đã phản công trả đũa Bình Nhưỡng.
"Internet là một chiến trường mới", báo mạng Tribune Review dẫn lời chuyên gia an ninh mạng Cedric Leighton, cựu quan chức Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), nhận định. Không gian ảo quá rộng lớn. Bất cứ ai sử dụng Internet cũng có thể trở thành tốt thí trên chiến trường Internet. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều sẽ trở thành nạn nhân".
Chiến trường dữ dội
Chuyên gia Mitchell Silber thuộc Hãng an ninh mạng K2 Intelligence đánh giá vụ Sony Pictures là trường hợp đầu tiên một quốc gia tấn công mạng một tập đoàn, không chỉ để thu thập thông tin mà còn phá hoại.
Trên thực tế, chiến tranh mạng giữa các quốc gia từng nổ ra vài lần. Theo báo cáo Chiến tranh mạng và Luật quốc tế của Viện Nghiên cứu giải giáp thuộc Liên Hiệp Quốc, vũ khí số hóa đầu tiên có tầm quan trọng địa chính trị là virus Stuxnet.
Stuxnet âm thầm xuất hiện trong năm 2009 và chỉ bị phát hiện vào tháng 6/2010. Các phiên bản khác nhau của Stuxnet tấn công hệ thống mạng của năm tổ chức tại Iran nhằm mục tiêu triệt phá các cơ sở làm giàu uranium ở nước này. Chỉ trong năm 2010, hơn 5.000 máy ly tâm trong các nhà máy hạt nhân của Iran bị hư hại.
Tháng 5/2011, kênh truyền hình PBS mô tả ông Gary Samore, điều phối viên Nhà Trắng về kiểm soát vũ khí, "nháy mắt thừa nhận" khi báo chí hỏi về sự dính líu của Mỹ tới virus Stuxnet.
Tháng 6/2012, báo New York Times đăng bài khẳng định Stuxnet là vũ khí chung của Mỹ và Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) trong "Chiến dịch Thế vận hội" để ngăn chặn Iran làm giàu uranium. Chiến dịch này khởi đầu dưới thời cựu tổng thống Mỹ George Bush và mở rộng khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền.
Sau đó, đến lượt virus Flame tấn công các hệ thống mạng ở Iran. Báo Washington Post khẳng định NSA và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phối hợp với Mossad phát triển virus này.
Tất nhiên Mỹ không một mình tung hoành trên chiến trường ảo. Theo Yonhap, chính quyền Hàn Quốc tố cáo CHDCND Triều Tiên đã thực hiện sáu vụ tấn công mạng quy mô lớn chống Seoul từ năm 2009, nghiêm trọng nhất là vụ đánh sập hệ thống mạng các ngân hàng Hàn Quốc hồi tháng 3/2013.
Báo cáo của Quốc hội Hàn Quốc ước tính chi phí để nước này khắc phục hậu quả các vụ tấn công từ Bình Nhưỡng đã lên đến gần 800 triệu USD. Washington cũng từng nhiều lần cáo buộc Nga và Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công mạng hạ tầng và các doanh nghiệp Mỹ. Hồi tháng 5, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố năm sĩ quan quân đội Trung Quốc vì tội tấn công mạng các doanh nghiệp Mỹ để đánh cắp bí mật thương mại. Hãng an ninh mạng Mandiant khẳng định các cá nhân này thuộc đơn vị chiến tranh mạng 61398 trong quân đội Trung Quốc.
Ước tính 7 quốc gia đã từng tấn công mạng là Anh, Trung Quốc, Israel, Iran, CHDCND Triều Tiên, Nga, Mỹ và có 12 nước khác đang phát triển năng lực chiến tranh mạng.
Miền Tây hoang dã
Hãng tin Bloomberg cho biết Bộ chỉ huy Chiến tranh mạng Mỹ (USCC) có nhân lực 5.000 người, tiêu tốn 4,65 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên các chuyên gia Mỹ cho biết bản thân Washington cũng lúng túng khi phải đối phó với chiến tranh mạng.
"Chúng ta không có các quy định giao tranh với các nước khác trên không gian ảo", báo mạng Politico dẫn lời tướng Keith Alexander, cựu giám đốc NSA kiêm chỉ huy USCC.
Theo các tài liệu mật do "người thổi còi" Edward Snowden công bố năm 2013, tháng 10/2012 Tổng thống Obama ký lệnh yêu cầu tình báo Mỹ lên danh sách các mục tiêu tấn công mạng. Khi đó truyền thông CHDCND Triều Tiên mô tả Mỹ đã sẵn sàng tấn công mạng bất kỳ quốc gia nào.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Wire hồi tháng 8/2014, Snowden tiết lộ Washington đã phát triển một phần mềm có tên MonsterMind có khả năng không chỉ ngăn chặn các vụ tấn công mạng mà còn tự động phản công.
Snowden cảnh báo hành vi tấn công hay phản công không kiểm soát có thể dẫn tới nguy cơ chiến tranh thực thụ. Các chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng những vụ tấn công trên không gian ảo có thể đánh phá hệ thống giao thông, các cơ sở dịch vụ thiết yếu, thậm chí toàn bộ nền kinh tế... Hậu quả sẽ là những tổn thất kinh tế khổng lồ, thậm chí nhiều người có thể thiệt mạng.
Theo báo cáo Cyberwarfare and international law, thế giới chưa có các quy định cụ thể về chiến tranh mạng. Hiện tại Ủy ban thứ nhất của Liên Hiệp Quốc về giải giáp và an ninh quốc tế (UNFDDIS) đang thảo luận một khung pháp lý quốc tế về chiến tranh mạng. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng sẽ không dễ lập ra một hiệp ước quốc tế về chiến tranh mạng. Đơn giản bởi chẳng quốc gia nào tấn công mạng chịu thừa nhận trách nhiệm.
Binh đoàn mạng hùng hậu của Bình Nhưỡng
Theo truyền thông Hàn Quốc, những người trốn khỏi CHDCND Triều Tiên khẳng định Bình Nhưỡng có một binh đoàn chiến tranh mạng gồm 5.000 thành viên.
Đáng sợ nhất là đơn vị 121 với 3.000 chiến binh, chuyên thực hiện các đợt tấn công. Do hạ tầng mạng CHDCND Triều Tiên yếu kém, đơn vị 121 đóng tại một khách sạn ở Thẩm Dương, Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét