Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Chiến tranh Việt Nam kết thúc sau bắt tay giữa hai siêu cường

35 năm nhận ra nhiều điều

2010-04-28

Thoáng chốc mà đã 35 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc, giang sơn Việt Nam trở về một mối. Hầu hết người Việt Nam, dù sinh ra trong chiến tranh hay hòa bình, dù đang sống ở đâu, thì ngày 30.4 đều là ngày “đặc biệt”.

AFP PHOTO

Một người đang xem hình ảnh di tản ở Sài Gòn năm 1975 được chụp bởi Hugh Van Es trên tường Câu lạc bộ các phóng viên nước ngoài tại Hồng Kông.

Vào những ngày này, trong nước lại tiếp tục những hoạt động tưng bừng kỷ niệm ngày chiến thắng, ngày thống nhất đất nước, báo chí truyền thông của nhà nước lại tiếp tục có những bài tụng ca công ơn Đảng và Nhà Nước…Còn trên báo chí hải ngoại vẫn có những bài không dấu được lòng hận thù sâu sắc nhân ngày quốc hận…Nhưng bên cạnh đó, chúng ta có thể đọc thấy những suy nghĩ khác hơn của những người từ cả hai phía, cả thể hệ sinh ra trong chiến tranh cũng như chưa hề biết đến tiếng bom đạn…

Dạo qua các trang blog cá nhân, các diễn đàn báo chí độc lập để hiểu hơn người dân Việt Nam nghĩ gì, cảm nhận gì nhân dịp kỷ niệm 35 năm một biến cố lớn trong lịch sử đất nước…

Giá của chiến tranh

Như đã nói, trừ những bài vẫn giữ quan điểm, cái nhìn cực đoan và ít chịu thay đổi từ cả hai phía, nhìn chung nhiều bài viết về ngày 30.4 năm nay có cái nhìn bình tĩnh hơn. Cái giá quá đắt của cuộc chiến tranh kéo dài hai mươi năm trên quê hương là điều đầu tiên mà nhiều người viết đều đề cập đến.

Cái giá phải trả cho sự kiện này không nhỏ: 1,1 triệu liệt sĩ và 300 ngàn người vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Ô. Vũ Ngọc Tiến

Trong bài “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm”: Sự thức tỉnh muộn màng đăng trên talawas, giới thiệu về trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn, nhà văn Phạm Đình Trọng-một người từng là đảng viên, từng mặc áo lính của phe thắng trận nhưng gần đây người đọc lại biết đến anh qua hàng loạt bài viết mạnh mẽ, sâu sắc bóc trần thực trạng xã hội, chính trị của đất nước và hành động trả thẻ đảng quyết liệt-đã viết: “Thật đau xót cho thời cuồng tín, mê muội, người Việt say sưa giết người Việt! Đau xót về một thời bi kịch của dân tộc để phải thức tỉnh về nhận thức.”

Trong “Tùy bút tháng tư” đăng trên blog quêchoa, nhà văn Vũ Ngọc Tiến xót xa:

“Giờ đã là giữa tháng 4/2010, sắp đến ngày tròn 35 năm đất nước thống nhất từ đỉnh cổng trời Hà Giang đến đất mũi Cà Mau. Cái giá phải trả cho sự kiện này không nhỏ: 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó 500 ngàn người có mộ được quy tập đủ danh tính, 300 ngàn người phải chịu nằm dưới mộ vô danh và 300 ngàn người vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Ở phía bên kia cuộc chiến, các con số tương đồng cũng đâu có thua kém và họ cũng là con dân nước Việt cả thôi!”

Gần đây khi diễn đàn Talawas mở chuyên đề “Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975” rất nhiều cây bút đã tham gia, dưới những góc nhìn khác nhau. “Vết chém chiến tranh” của Nguyễn Huỳnh Thái kể lại câu chuyện về một người lính bị ảm ánh về cuộc chiến mà mình đã tham dự đến mức dở khùng dở điên, nhà cửa tan nát và bản thân mình ôm nỗi đau đến cuối đời:

Dân chúng quá sợ, đã bỏ chạy khi thấy các đơn vị quân đội rút khỏi Huế. Photo by Trần Khiêm.
Dân chúng quá sợ, đã bỏ chạy khi thấy các đơn vị quân đội rút khỏi Huế. Photo by Trần Khiêm.
“Chiến tranh đã cướp của ông tất cả: Từ tuổi xuân, sự khôn ngoan, những người bạn, người vợ ông yêu mến đến đứa con ông thương thảo. Với ông mọi thứ đều là ảo ảnh, chỉ nhìn thấy chứ không hề đụng chạm được dầu có khẽ khàng. Ông nghĩ, người ta đã trả giá quá đắt để thay chế độ này bằng chế độ kia, để rồi nó cũng như mọi chế độ khác.”. Vết chém ấy tiếp tục khắc sâu trong lòng đứa con của ông khi chứng kiến những giờ phút cuối cùng của người cha bất hạnh: “Nó chợt hiểu, ngoài những mất mát đã đi qua, chiến tranh vẫn còn khi người ta chưa chịu tha thứ cho nhau. Cuộc chiến kia như vết dao chém thẳng vào linh hồn của những con người phải lao mình vào nó, vết thương đó còn lâu mới lành khi người ta còn đem ra xát muối.”

35 năm trôi qua, đủ cho nhiều người trong chúng ta nhìn lại và định nghĩa lại tên gọi thực sự của cuộc chiến mà có một thời, mỗi bên đều tìm cách đặt cho nó những cái tên theo quan điểm ý thức hệ của phe mình và để giành phần chính nghĩa về mình.

Trong bài “30.4 tên gọi là gì” đăng trên talawas nhà báo Bùi Văn Phú liệt kê ra hàng loạt tên gọi khác nhau về cuộc chiến 1954-1975 và cuối cùng tác giả kết luận: “Tôi gọi đó là cuộc nội chiến. Anh em hai miền đã chẳng đến với nhau để cùng tìm ra giải pháp hòa bình mà chỉ giương cao những ngọn cờ chủ nghĩa để bắn giết nhau.”

Cũng như vậy, khi viết về bản trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” của Nguyễn Thái Sơn, nhà văn Phạm Đình Trọng nhận xét: “Phải đến trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” thì cuộc chiến tranh vẫn được gọi là chống Mỹ cứu nước mới được nhận ra bản chất thực là cuộc nội chiến tương tàn, là bi kịch lớn của dân tộc Việt Nam, là sự tái diễn thảm cảnh đau thương người Việt giết người Việt đã từng xảy ra ở thời những vương triều suy vong”.

Những thái độ quá đà buổi đầu đã qua đi, nhiều người ngậm ngùi nghĩ lại số phận đầy bi kịch của đất nước và dân tộc. Nhà văn Dạ Ngân than thở trong bài “35 năm quá dài” :

“Hòa bình thật sự được tính bằng năm hay tính bằng tháng mà lòng người loạn ly quá đỗi?” Và: “Một dân tộc vừa bất hạnh và vừa cố chấp với nhau, có lẽ chính vì vậy mà nỗi bất hạnh mới dai dẳng đến thế.”

Còn blogger Mẹ Nấm, một người phụ nữ bình thường nhưng có tấm lòng luôn thao thức với vận mệnh của quê hương, thì viết cho con nhân ngày 30.4:

“Tháng Tư mà mai này con được học, sẽ không chỉ có cờ hoa rực rỡ, mà nó còn là nước mắt và máu của rất nhiều người. Tháng Tư là tháng mà mẹ sẽ dạy con, là biết nhìn nhận, biết lắng nghe và biết suy nghĩ trước những gì lịch sử đã trải qua. Đó thực sự không phải là chiến thắng, mà chỉ là một cuộc chuyển giao quyền lực đầy đau đớn của dân tộc mình. Quê hương này là của mẹ, của con, của mọi người Việt Nam. Làm gì có ai thắng cuộc, khi cả dân tộc này bị chậm tiến so với các nước bạn phải không con?”

Kêu gọi hòa hợp

Lần đầu tiên sau 35 năm kết thúc chiến tranh, báo Vietnamnet-một tờ báo “lề phải” thực hiện hàng loạt bài về chủ đề kêu gọi hòa hợp, hòa giải. Từ sự “Trải lòng của những người trở về cội nguồn, khép thương đau”, quan điểm của

Tôi không chủ trương hận thù. Tôi biết có thứ đạo đức học của sự tha thứ (ethics of forgiveness) nhưng tôi không hề tin vào thứ đạo đức học của sự quên lãng (ethics of forgetting).

Ô. Nguyễn Hưng Quốc

“Trí thức chế độ cũ và những góc nhìn về hoà giải” với hàng loạt ý kiến của cựu dân biểu chế độ cũ Hồ Ngọc Nhuận, Giáo sư Phan Văn Trường, giáo sư Lý Chánh Trung …Cả ý kiến của một số nhân vật người Mỹ trong bài “Muốn hòa giải phải tin nhau”… Nhưng không phải ai cũng bằng lòng với loạt bài này. Blogger Beo tức nhà báo Hồ Thu Hồng mà quan điểm chính trị vốn rât trung thành với chế độ hiện tại đã chỉ trích bài Muốn hòa giải phải tin nhau” này trong bài “Nghĩ về hậu chiến”, chỉ trích luôn ý kiến của nhà báo Bùi Tín đăng trên blog của ông:

“Vừa rồi, một ý kiến Beo cho là ngu xuẩn nhất của ông Bùi Tín khi yêu cầu nhà cầm quyền hiện nay xin lỗi những người vượt biên trên VOA. Bỏ qua chuyện thể diện kẻ thắng người thua, liệu nhà cầm quyền đương nhiệm có dám bất chấp 30 triệu người mất con mất cháu mất người thân, dám thay mặt họ xin lỗi 3 triệu người lưu vong và ngược lại, 3 triệu người phải bỏ nhà bỏ cửa tha hương kia một lời xin lỗi có đủ để cởi bỏ oán thù. Dĩ nhiên, ý kiến này của ông Bùi Tín, theo Beo hiểu, không phải nhằm vào thân phận những con người cụ thể mà, nhằm vào sự thừa nhận thất bại của cộng sản. Diễn đạt cách khác ý ông Bùi Tín, tức là muốn thỏa mãn một mục đích thì cần phải hành động phi nhân tính.”

Trong khi đó, đứng ở một góc độ khác, suy nghĩ từ ký ức của những ngưởi Việt lưu vong-một ký ức đầy máu và nước mắt, nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc quan niệm:

Thuyền nhân Việt Nam vượt biển để ra nước ngoài. Photo courtesy UNHCR.
Thuyền nhân Việt Nam vượt biển để ra nước ngoài. Photo courtesy UNHCR.
Tôi không chủ trương hận thù. Tôi biết có thứ đạo đức học của sự tha thứ (ethics of forgiveness) nhưng tôi không hề tin vào thứ đạo đức học của sự quên lãng (ethics of forgetting).

Theo tôi, không phải chỉ có bản sắc mà cả ý niệm về đạo đức cũng được nuôi dưỡng từ ký ức, kể cả, nếu không muốn nói, nhất là, những loại ký ức đầy máu và nước mắt.”

Đúng là để có thể thực sự hòa giải, hòa hợp, còn cần phải làm rất nhiều thứ, từ cả hai phía, chứ không thể đơn giản chỉ là lời nói hay bảo người ta quên đi, xóa sạch ký ức.

Không chỉ nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua, ngày 30.4 còn là dịp để hầu hết người dân Việt Nam thể hiện những nỗi băn khoăn day dứt cho hiện tại và âu lo cho vận mệnh của đất nước trong tương lai. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến ngậm ngùi:

“35 năm sau cuộc chiến, Việt Nam ta có: 3,2 triệu người định cư ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; 500.000 người đi làm thuê ở 40 quốc gia; 250.000 người đi lấy chồng nước ngoài, chủ yếu ở Trung quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia; 30.000 du học sinh ở châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ… Trong số 3,2 triệu người Việt định cư ở hải ngoại hiện nay, số ra đi trước ngày 30/4/1975, kể cả số di cư từ thời thuộc Pháp chỉ khoảng 1 triệu, số còn lại hơn 2 triệu người chủ yếu rời bỏ đất nước từ nửa cuối thập niên 70 và cả thập niên 80 của thế kỷ trước. Thế hệ chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, sao những người được chúng tôi giải phóng lại ào ào bỏ nước mà đi đông đến vậy?”

Nhà báo tự do Lê Diễn Đức nói thẳng:

“Sau 35 năm: “Gia tài của Mẹ một nước Việt buồn”: “…nhận định về Việt Nam sau 14 năm “cởi trói” và “đổi mới”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thừa nhận Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội phát triển vì những chính sách sai lầm sau khi thống nhất đất nước, kéo Việt Nam tụt hậu vài chục năm.

Điều đó có nghĩa rằng, nếu không bị ĐCSVN cản đường thì đất nước đã tiến xa hơn, không phải nằm trên mặt bằng hôm nay. Đất nước Việt Nam rõ ràng không vươn cao đúng với tầm vóc và khả năng của nó.

Việt Nam vẫn là một nước nghèo, nhiễu nhương và đầy nghịch lý.”

Day dứt và âu lo

Tác giả Trần Bình Nam trong bài “Suy nghĩ tản mạn về ngày 30 tháng 4” đăng trên trang web của mình cũng viết: “Nếu hôm nay, sau 35 năm hòa bình, chính quyền cộng sản đã thành công xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, bên trong có nội lực bảo vệ quốc gia, bên ngoài được sự kính nể của thế giới thì có lẽ những người Việt không may (hay may mắn tùy theo quan niệm mỗi người) sống xa quê hương sẽ chấp nhận cơn đau của lịch sử, yên tâm xây dựng tương lai cho con cháu ở nước ngoài, và lòng cùng hướng về quê hương đất nước.

Những học sinh khác thì vô tư nhìn bạn bị đánh một cách tàn nhẫn. Hình RFA chụp từ YouTube.
Những học sinh khác thì vô tư nhìn bạn bị đánh một cách tàn nhẫn. Hình RFA chụp từ YouTube.
Không may, Việt Nam hôm nay không được như vậy. Xã hội xuống cấp trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến đạo đức, dân tình ly tán, và sự vẹn toàn lãnh thổ đang bị đe dọa.”

Sự vẹn toàn lãnh thổ cũng như mối nguy hiểm cận kề trong quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là điều mà nhiều người dân lo lắng nhất. Tác giả Trần Bình Nam cảnh báo:

“Và loay hoay, sau 35 năm hòa bình, Việt Nam lại rơi vào một hoàn cảnh của những ngày đầu của cuộc chiến tranh lạnh: lần này kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bài học gì người Việt Nam cần rút ra hôm nay, đứng trước thế kỷ 21 mới bắt đầu được một thập niên và hứa hẹn nhiều biến chuyển quan trọng có thể quyết định sự mất hay còn của Việt Nam trên bản đồ thế giới?

Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ chúng ta lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn”.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nhắc lại chuyện xưa để nói đến chuyện nay: “Kê minh thập sách” dâng lên vua Trần Duệ Tông (1372- 1377), không được vua tiếp nhận nên năm 1400 nhà Trần mới mất về tay nhà Hồ, rồi cuối cùng nước cũng mất về tay giặc Minh ở phương Bắc.

Và loay hoay, sau 35 năm hòa bình, Việt Nam lại rơi vào một hoàn cảnh của những ngày đầu của cuộc chiến tranh lạnh: lần này kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ô. Trần Bình Nam


Phải chăng khi một chính thể kéo dài sự mục nát suốt mấy chục năm, quyền bính lọt vào tay lũ lưu manh hạ đẳng, chính sự nhố nhăng như phường chèo, lại khước từ minh triết Việt trong “Kê minh thập sách” thì họa diệt vong là tất yếu?

Bài học lịch sử “Kê minh thập sách” cuối thời nhà Trần, nay nhân ngày giỗthứ 633 bà Chính thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, tôi bồi hồi ngẫm lại vẫn thấy còn nguyên giá trị giữa bầu trời thủ đô tháng tư năm 2010…

Con đưởng nào cho đất nước trong tương lai? Đây cũng là câu hỏi có được sự trả lời đồng thuận từ khá nhiều người, đó là con đường trở về với chủ nghĩa dân tộc, đặt quyền lợi đất nước, nhân dân lên trên quyền lợi của một đảng phái, một ý thức hệ và quan trọng nhất: phải có tự do, dân chủ mới tập hợp được sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Nói như tác giả Trần Bình Nam:

“Nhưng không phải chúng ta không có con đường thoát hiểm. Nếu chúng ta biết học bài học tự cường của nước Nhật, biết học bài học đùm bọc yêu thương nhau trong tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” của nước Đức, và trên hết – người cầm quyền - biết huy động nội lực dân tộc qua một chương trình chấn hưng văn hóa có nội dung tôn trọng dân chủ và nhân quyền.”

35 năm so với chiều dài lịch sử của đất nước thì chỉ là một cái chớp mắt, nhưng so với tốc độ phát triển của thời đại thì đã là một quãng thời gian đủ dài, thiết tưởng cũng đủ để con người có thể nhìn lại lịch sử một cách rõ ràng, sáng suốt hơn... Mong sao người dân Việt Nam đồng lòng tỉnh táo nhìn lại con đường đang đi của đất nước, nhận ra những hiểm nguy cũng như những vận hội để quyết định con đường đúng đắn nhất đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy hiện tại và vươn ra biển lớn cùng nhân loại.


Đọc thêm

Sự Thực Về Cái Gọi Là "Đại Thắng Mùa Xuân"

Trần Bá Hợi


Tháng 7 năm 1976, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đúc kết những câu chuyện của tướng cộng sản Văn Tiến Dũng đã kể trên báo Nhân Dân và phát hành cuốn Đại Thắng Mùa Xuân. Khởi đầu, lời nhà xuất bản đã sặc mùi tuyên truyền rẻ tiền như sau: "Cuốn Đại Thắng Mùa Xuân xuất bản góp phần giúp chúng ta hiểu rõ sự chỉ đạo đứng đắn, sáng suốt, kiên quyết, nhạy bén của Bộ Chính Trị Trung ương Đảng và Quân Uỷ Trung Ương, đường lối và nghệ thuật quân sự xuất sắc của Đảng ta, đồng thời góp phần cổ vũ quân và dân ta phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao lòng tự hào, tin tưởng, tiến lên giành nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước."

Và ngay trong lời nói đầu, tướng Dũng đã bịa đặt huênh hoang: "Một năm đã qua kể từ ngày cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 giành toàn thắng, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam."

Đoạn áp kết tướng Dũng tiếp tục xuyên tạc sự thực: "Cuốn sách này còn nhằm kịp thời bác bỏ những luận điểm sai trái, phản động do những kẻ xuyên tạc lịch sử, những bọn cướp nước và bán nước thua trận đang dựng lên hòng bào chữa cho thất bại thảm hại của chúng và hạ thấp chiến thắng của dân tộc ta."

Khi phát hành cuốn sách đầy luận điệu tuyên truyền vô giá trị nêu trên 31 năm về trước, có lẽ nhà xuất bản, tướng Dũng và đảng cộng sản Bắc Việt nghĩ rằng những sự thực về cuộc chiến quốc cộng từ 1954 đến 1975 sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi theo thời gian. Do đó, họ nghĩ rằng họ có thể xuyên tạc sự thực để bóp méo lịch sử. Đảng cộng sản tại Hà Nội lại càng muốn che dấu sự vi phạm trắng trợn Hiệp Định Ba Lê và man rợ tấn công Việt Nam Cộng Hòa sau khi đã ký kết Hiệp Định tại Ba Lê ngày 27 tháng 1 năm 1973. Họ cố gắng lừa bịp hậu thế hầu trốn tránh tội lỗi cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa bằng chiêu bài chống đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, Việt Nam đã lâm vào tình trạng nghèo đói khủng khiếp. Kinh tế bế tắc trầm trọng đến độ chủ nghĩa Mác Lê và đỉnh cao trí tuệ của đảng cộng sản Bắc Việt không cứu vãn nổi. Người Việt quốc gia di tản ra hải ngoại để tránh nạn cộng sản đã phải gửi tiền và phẩm vật về để cưu mang thân nhân và bằng hữu còn kẹt lại. Dân chúng từ Nam ra Bắc đã thấy rõ Hoa Kỳ không hề xâm lăng Việt Nam để áp đặt chế độ thực dân như đảng tuyên truyền. Và toàn dân đều mong muốn Hoa Kỳ trở lại Việt Nam để đời sống được dễ thở hơn. Nếu không có nguồn tài trợ của người Việt quốc gia hải ngoại và nếu Hoa Kỳ không bãi bỏ cấm vận năm 1994 mở đường cho nhiều nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác vào Việt Nam, chắc chắn chế độ cộng sản không tránh khỏi nạn nghèo đói thảm khốc. Chiêu bài "Chống Mỹ Cứu Nước" trước đây của đảng đã lộ nguyên hình là mánh khoé tuyên truyền bịp bợm. Vì đảng và toàn dân hai miền Nam Bắc đã và đang Van Xin Mỹ Trở Lại Để Cứu Nước.

Khi viết những dòng này, một vài chiến hữu cũa tôi đề nghị nên bỏ qua chuyện cũ. Với tinh thần dân tộc cực đoan, họ muốn cứ để nhập nhằng như vậy rồi sau này lịch sử sẽ ghi rằng Việt Nam đã đánh bại quân Pháp và đập tan đế quốc Mỹ cho rạng danh dân Việt. Tôi tôn trọng ý kiến của vài bạn đó, nhưng không thể toa rập với nhóm người lãnh đạo cộng sản Bắc Việt để bóp méo lịch sử. Là người Viêt, tôi rất tự hào về quá trình chống ngoại xâm của tiền nhân. Tôi thường hãnh diện kể lại cho các bạn Hoa Kỳ đồng sở về những chiến công hiển hách của tổ tiên nhiều lần đại thắng đám xâm lăng hung hãn từ phương Bắc. Những Thành Cát Tư Hãn, Thoát Hoan, Hốt Tất Liệt và nhiều nữa đã bao phen đại bại trước những danh tướng Việt. Tôi hãnh diện vì tổ tiên tôi đã chiến đấu chống ngoại xâm thực sự và chiến đấu với lòng ái quốc chân chính cùng với chiến thuật, chiến lược vàphương tiện độc lập . Nhưng tôi không hãnh diện với nhóm lãnh đạo cộng sản Bắc Việt hay xuyên tạc và gian dối!!! Một sự thực lịch sử khó chối bỏ là nếu không có cuộc Nhật đảo chánh Pháp vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Việt Minh không thể trục được Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng nhóm lãnh đạo Việt Minh đã mạo nhận như chính họ đã giành lại độc lập cho quốc gia. Về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 họ đã lừa bịp quần chúng như chính họ đã đơn phương chiến thắng quân Pháp. Sự thực Việt Minh được Trung Cộng cố vấn và viện trợ tối đa nhưng họ đã cố tình che dấu. Với sự cố vấn của hai tướng Trung Cộng Wei Guo-qing và Li Cheng-hu, Võ Nguyên Giáp phát động chiến thuật biển người tấn công Điện Biên Phủ. Nhưng chỉ trong ba ngày đầu, từ 13 đến 16 tháng 3, tướng Giáp đã nướng 9000 quân trong đó có 2000 tử vong (1). Kể cả cái gọi là Đại Thắng Mùa Xuân mà tướng Dũng huyênh hoang cũng không đáng được coi là một chiến thắng vẻ vang. Đó thực ra chỉ là một kết quả tất nhiên khi Hoa Kỳ, đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, thay đổi chính sách đối ngoại. Để tái lập bang giao với Trung Cộng hầu khai thác thị trường to lớn trong lục địa, ngoài việc không muốn tiêu diệt hoặc đánh bại cộng sản Bắc Việt, Hoa Kỳ còn rút quân và bỏ ngỏ Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó Hoa Kỳ cắt quân viện cho Việt Nam Cộng Hòa trong khi cộng sản Bắc Việt được Nga và Tầu Cộng tiếp tục yểm trợ tối đa để cưỡng chiếm miền Nam. Trong hoàn cảnh thiếu thốn tận cùng về vũ khí và nhiên liệu, không riêng gì Việt Nam Cộng Hòa mà bất cứ quân lực của một quốc gia nào vào hoàn cảnh tương tự cũng phải chịu bó tay. Tương quan hỏa lực và phương tiện giữa hai phe lâm chiến quá chênh lệch.

Một thực tế đau lòng không phủ nhận được là Việt Nam Cộng Hòa chịu nhiều thiệt thòi từ khi Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến tại Nam Việt Nam. Về chính nghĩa, Hoa Kỳ tạo cơ hội cho Cộng sản Bắc Việt dùng chiêu bài "Chống Mỹ Cứu Nước" để lừa dối dân chúng miền Bắc. Về tâm lý, dân chúng Hoa Kỳ bị xúc động mạnh vì sự tổn thất nặng về nhân mạng. Về quân sự, kinh phí nuôi dưỡng hơn nửa triệu quân Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ thật quá cao (2). Thêm nữa, sự hiện diện của Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại miền Nam đã khiến Việt Nam Cộng Hòa gần như bị tước đoạt đi sự độc lập về quyết định chiến thuật, chiến lược của cuộc chiến. Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ được đơn phương hành quân trên không hoặc dưới bộ ra miền Bắc. Sau vụ đụng độ giữa Hoa Kỳ và cộng sản tại Vịnh Bắc Việt ngày 2 tháng 8 năm 1964, Hoa Kỳ quyết định oanh tạc miền Bắc để trả đũa nhưng rất giới hạn. Sau đó, tới ngày 8 tháng 2 năm 1965 Không Lực Việt Nam Cộng Hòa mới được tham dự chiến dịch oanh tạc miền Bắc lần đầu tiên nhưng rất hạn chế. Không Lực Việt Nam Cộng Hòa không được quyền chọn lựa mục tiêu để oanh tạc và không được vượt quá vĩ tuyến 19 đã định bởi Hoa Kỳ. Chính Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cùng Không Lực và Hải Quân cũng không được toàn quyền quyết định. Tất cả mục tiêu quan trọng dù mới hay cũ đều phải do chính Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson chấp thuận mới được oanh kích (3). Người viết đã thi hành nhiều phi vụ oanh kích ngày và đêm trên lãnh thổ Bắc Việt nhưng chưa bao giờ được phép bay qua vĩ tuyến 19. Sau đó ít lâu, Không Lực Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không được phép oanh kích trên miền Bắc. Đã không có thực quyền lãnh đạo cuộc chiến, Việt Nam Cộng Hòa còn bị ảnh hưởng tai hại bởi đám báo chí thiên tả và nội tình chính trị rối loạn của đồng minh Hoa Kỳ. Thiển nghĩ, nếu Hoa Kỳ chỉ cần trang bị hiện đại cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tăng quân số lên mức cần thiết và chỉ đóng vai trò cố vấn khách quan, kết quả cuộc chiến có thể đã khác biệt rất nhiều.

Trong khoảng hơn một thập niên vừa qua, rất nhiều tài liệu tối mật của Hoa Kỳ liên hệ tới cuộc chiến đã được giải mật. Một trong số những tài liệu vô cùng quan trọng liên hệ tới vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa là biên bản buổi họp ngày 20 tháng 6 năm 1972 tại Bắc kinh (4). Trong buổi họp này, Tiến Sĩ Henry Kissinger, Phụ Tá An Ninh của Tổng Thống Richard M. Nixon, và Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai đã thảo luận nhiều vấn đề thế giới và đặc biệt là giải quyết cuộc chiến Việt Nam. Tài liệu gồm 37 trang dưới đây cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới. Từ trang 1 đến trang 26, Hoa Kỳ và Trung Cộng bàn thảo về tương quan giữa các quốc gia cùng an ninh toàn cầu. Đặc biệt từ trang 27 đến trang chót, Kissinger và Chu Ân Lai bàn luận kế hoạch giải quyết vấn đề Đông Dương. Khai thác sự rạn nứt Trung - Nga năm 1969, Hoa Kỳ muốn tái lập bang giao với Trung Cộng. Bang giao với Trung Cộng sẽ giúp Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, lấy lại hết tù binh, giải quyết những bất ổn chính trị tại Hoa Kỳ và còn được khai thác thị trường to lớn trong lục địa. Để tái thiết ngoại giao với Trung Hoa, Kissinger đã nói với Thủ Tướng họ Chu: "Nếu chúng tôi sống chung được với một chính quyền cộng sản Trung Hoa, chúng tôi sẽ chấp nhận được ở Đông Dương". Ngoài ra Kissinger cũng gián tiếp cam kết với Chu Ân Lai Hoa Kỳ không có ý định tiêu diệt hoặc đánh bại cộng sản Bắc Việt. Hiển nhiên đây là ngôn ngữ của kẻ mạnh. Và cũng là một phản bác hùng hồn lột trần những luận điệu trơ trẽn, lộng ngôn và khoác lác của nhóm lãnh đạo cộng sản Bắc Việt cố tình thổi phồng một chiến thắng đã được Hoa Kỳ dàn xếp và bố thí. Ngoài ra tôi lại có dịp về thăm Hà Nội vào mùa hè năm 1999 sau 45 năm xa cách. Trong thời gian này tôi có dịp gặp vài sĩ quan cao cấp của quân đội nhân dân đã về hưu, và một số cư dân Hà Nội ở tuổi trên dưới 60. Trong số những sĩ quan này có người đã từng tham chiến trong trận Điện Biên Phủ. Sau khi có dịp tham quan Sàigòn họ đều tỏ ra rất ngạc nhiên vì miền Nam thịnh vượng quá. Theo nhận xét của họ, miền Nam đã đi trước miền Bắc cả mấy chục năm, đâu có nghèo đói và lạc hậu như đảng tuyên truyền. Đa số cư dân Hà Nội cho biết là vào mùa Giáng Sinh năm 1972, nếu Hoa Kỳ tiếp tục oanh tạc miền Bắc thêm vài ngày nữa, Hà Nội sẽ phải chấp nhận bất cứ điều kiện nào Hoa Kỳ đưa ra.

Là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tôi đang nghỉ hưu sau 28 năm bận rộn để tái tạo cuộc sống tại Hoa Kỳ. Ở tuổi 72, tôi dành thời giờ còn lại để tìm hiểu thêm về cuộc chiến quốc cộng năm xưa. Hàng triệu chiến hữu của tôi, và riêng cá nhân tôi đã dâng hiến 22 năm đẹp nhất của đời, để bảo vệ một lý tưởng: bảo vệ tự do và dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa. Trong suốt chiều dài cuộc chiến, Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng đập tan nhiều cuộc tổng tấn công qui mô của tập đoàn cộng sản khát máu Bắc Việt. Nhưng tiếc thay, vào những ngày tháng chót, chính trị quốc tế đã lấn áp sự hy sinh của chúng tôi khiến chúng tôi không đạt được mục đích. Hơn ba thập niên đã qua, tôi đã quên hận thù những cán binh cộng sản. Nghĩ cho cùng, đại đa số họ chỉ là những nạn nhân của một chế độ toàn trị, khắc nghiệt và tàn ác. Thêm nữa, là quân nhân họ bắt buộc phải thi hành quân lệnh. Tôi không oán trách Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ phải bảo vệ quyền lợi chính trị và kinh tế của 300 triệu công dân Hoa Kỳ. Tôi cũng không đổ lỗi cho Kissinger vì ông này chỉ là kẻ thừa hành một chính sách được giao phó. Nhưng tôi oán hận những người lãnh đạo cộng sản Bắc Việt. Vì chính họ đã đưa quê hương vào vòng binh lửa khiến cả triệu đồng bào hai miền Nam Bắc phải vong thân. Trên lý thuyết và thực tế, Bắc Việt đã hoàn toàn độc lập sau Hiệp Định Geneva ký năm 1954. Tại miền Nam, do lời yêu cầu của Việt Nam Cộng Hòa, toàn bộ quân đội Pháp triệt thoái ra khỏi miền Nam ngày 28 tháng 4 năm 1956. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Việt Minh đã dùng khẩu hiệu Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc để khích động tinh thần ái quốc của toàn dân. Và toàn dân không phân biệt già trẻ, trai gái, giầu nghèo, đã hăng say hy sinh cho đại nghĩa. Vì vậy, khi Việt Nam đã dành được độc lập, dù với hai thể chế chính trị khác nhau, Hồ Chí Minh nên chú trọng đến việc thực hiện hai phần còn lại là Tự Do và Hạnh Phúc cho toàn dân miền Bắc mới đúng. Ngược lại, Hồ Chí Minh và đồng bọn chỉ luôn luôn mưu toan thôn tính Việt Nam Cộng Hòa trong khi Việt Nam Cộng Hòa đang sống trong Tự Do và Hạnh Phúc yên lành. Nếu Hồ Chí Minh là người thực sự yêu nước thương dân và dồn tất cả nỗ lực cùng tâm huyết vào việc tái thiết miền Bắc, chắc chắn cả hai miền Nam Bắc đã rất phú cường! Tôi hiểu rằng thời gian đã trễ để nhắc lại chuyện xưa, tuy nhiên tôi nghĩ rằng không bao giờ trễ để hiệu chính dữ kiện đứng đắn hầu bảo tồn sự chính xác của lịch sử.

Vì tài liệu quá dài, tôi chỉ chuyển ngữ 10 trang quan trọng liên hệ tới Việt Nam (từ 27 đến 37) để quí độc giả theo rõi cuộc thảo luận giữa Kissinger và Chu Ân Lai. Đọc xong tài liệu này chúng ta đều thấy rõ ràng hơn, tướng Dũng đã gian dối không nói đúng sự thực. Cuộc "chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ" hoàn toàn không có như lời tướng Dũng. Thêm nữa, "Cái gọi là Đại Thắng Mùa Xuân" mà tướng Dũng khoe khoang, sự thực, chỉ là một sự bố thí của Hoa Kỳ sau khi thỏa thuận với Trung Cộng để Hoa Kỳ đạt những mục đích chính trị và kinh tế to lớn hơn. Tướng Dũng và nhà xuất bản quân đội nhân dân mới đích thực là những kẻ xuyên tạc lịch sử. Nếu quí độc giả muốn đọc nguyên bản Anh Ngữ, quí vị có thể vào một trong hai trang mạng dưới đây:

1 - www.gwu.edu/~nsarchiv/NSAEBB/NSAEBB193/HAK%206-20-72.pdf

2 - Bản Ghi Nhớ Tòa Bạch Ốc Hoa Thịnh Đốn Tối Mật / Nhậy Chỉ Để Xem Mà Thôi

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx

Bản Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại

Những Nhân Vật Tham Dự: Thủ Tướng Chu Ân; Lai Ch'iao Kuan-hua Phó Tổng Trưởng Ngoại Giao; Chang Wen-Chin, Phụ Tá Tổng Trưởng Ngoại Giao; Tang Wen-sheng, Chao-chu, Thông Dịch Viên Hai nhân viên ghi chú biên bản, Tiến Sĩ Henry A. Kissinger, Phụ Tá Tổng Thống về An Ninh Quốc Gia; Winston Lord, Nhân Viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia; John D. Negroponte, Nhân Viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

Ngày và Giờ: Thứ Ba, ngày 20 tháng 6 năm1972, 2:05 - 6:05 chiều

Kissinger và Chu Ân LaiĐịa Điểm: Đại Sảnh Đường Nhân Dân, Bắc Kinh.

Dưới đây là cuộc đàm thoại, thương lượng và trả giá giữa Henry A. Kissinger Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Richard M. Nixon và Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai về tương lai VNCH.

Từ trang 27

Tiến Sĩ Kissinger: Đó không phải là ý định của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định thành lập một chế độ công quản - - nó đòi hỏi một hoàn cảnh khác thường để chúng tôi thực hiện điều này. Không phải là ý đồ của chúng tôi để tạo ra một chế độ công quản. Chúng tôi thực có ý định tạo dựng một bức tường ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng, dù về chính trị hay là thực thể vật chất. Điều khiến chúng tôi quan ngại nhất là khi cường quốc khai thác những xung đột địa phương cho mục đích riêng của họ.

Thủ Tướng Chu: Trong những phản đối của Nga Sô về bản thông cáo giữa chúng tôi với quí quốc hình như họ đặc biệt bày tỏ sự phản đối về nguyên tắc chung: "Không bên nào nên làm bá chủ." Họ có nghĩ là điều đó nhắm vào họ không?

Tiến Sĩ Kissinger: Họ không nói, nhưng hình như họ nghĩ rằng điều đó có thể nhắm vào họ. Chúng tôi cho rằng nó nhắm vào những quốc gia muốn tạo chế độ công quản. Tôi có một thắc mắc lý thú từ Ấn Độ - không biết Thủ Tướng có nghĩ vậy không. Họ nói rằng khi Á Châu - Thái Bình Dương không bao gồm Ấ Độ, vậy những gì chúng tôi nói tức là chúng tôi thỏa thuận để Trung Hoa công quản Ấn Độ (cười). Nên tôi nói với họ là không đúng. Tôi mong Thủ Tướng không phật ý.

Thủ Tướng Chu: Ấn Độ là một quốc gia hết sức mập mờ. Đó là một quốc gia rất to lớn. Nhiều khi họ làm ra vẻ một quốc gia lớn, nhưng nhiều khi họ có mặc cảm tự ti.

Tiến Sĩ Kissinger: Họ bị khống chế bởi ngoại bang qua gần hết lịch sử của họ.

Thủ Tướng Chu: Vâng, đó có thể là một trong những nhân tố lịch sử. Và một nhân tố nữa là quá nhiều cạnh tranh vĩ đại trên thế giới. Bây giờ chúng ta sang tới vấn đề Đông Dương - - Tôi muốn nghe ông trình bày.

Tiến Sĩ Kissinger: Thủ Tướng có nói ông có vài nhận định muốn nói với tôi. Có lẽ chúng ta nên đổi vị trí để Thủ Tướng phát biểu trước.

Thủ Tướng Chu: Có những vấn đề cần tranh luận, và chúng tôi muốn nghe ông trước để biết giải pháp của ông cho vấn đề.

Tiến Sĩ Kissinger: Thủ Tướng muốn gợi ý là sau khi nghe tôi trình bày tôi sẽ thuyết phục được khiến mọi tranh luận sẽ biến mất, và sẽ không còn điều gì thêm để Thủ Tướng phải nhận định?

Thủ Tướng Chu: Tôi không có những dự tính đó, nhưng tôi thực sự mong sẽ giảm thiểu được những tranh luận.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi sẽ trình bày sự thẩm định thật vô tư của chúng tôi. Tôi biết không hợp với ý Thủ Tướng, nhưng tôi nghĩ dù sao nó cũng ích lợi để Thủ Tướng hiểu quan điểm của chúng tôi về hiện tình. Và tôi sẽ trình bày tình hình từ khi Bắc Việt bắt đầu vụ tấn công ngày 30 tháng 3.

Tôi tin rằng tôi đã giải thích vói Thủ Tướng những mục tiêu tổng quát của chúng tôi ở Đông Dương. Hiển nhiên không phải mục tiêu của chính phủ này là sẽ duy trì vĩnh viễn những căn cứ tại Đông Dương hoặc tiếp tục chính sách khởi xướng bởi vị tổng trưởng ngoại giao đã từ chối bắt tay Thủ Tướng. Không phải như vậy? chúng ta đang ở một giai đoạn lịch sử khác. Chúng tôi tin rằng tương lai quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh quan trọng vô biên cho tương lai của Á Châu hơn là những gì xảy ra tại Phnom Penh, tại Hà Nội hoặc ở Sài gòn. Chắc Thủ Tướng còn nhớ khi Tổng Thống Johnson đưa quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam ông biện minh rằng vì một phần những gì xảy ra tại Đông Dương đã được kế hoạch tại Bắc Kinh và là một phần của âm mưu thôn tính toàn cầu. Dean Rusk đã diễn đạt như vậy trong một bản tuyên bố. Rồi quí quốc tiến hành cuộc Cách Mạng Văn Hóa và không, với những gì tôi đọc, nhấn mạnh đến phiêu lưu ra ngoại bang.

Với thực tế chúng ta đang ngồi họp trong phòng này đủ thay đổi nền tảng mục đích của cuộc can thiệp đầu tiên tại Đông Dương. Là người thừa hưởng cuộc chiến vấn đề của chúng tôi là tìm cách thanh toán nó với một phương thức không ảnh hưởng đến uy tín toàn cầu của chúng tôi và - - đây không phải là mối quan tâm chính của Thủ Tướng - - để ổn định nội bộ tại Hoa Kỳ. Nên chúng tôi đã chân thành cố gắng để chấm dứt chiến tranh, và Thủ Tướng có thể biết hoặc không biết, tôi đã đích thân khởi xướng thương lượng với Bắc Việt năm 1967 khi tôi còn ở ngoại biên của chính quyền khi không được quần chúng ưa thích, vì tôi tin rằng phải có một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc chiến. Rồi từ khi chúng tôi nắm chính quyền chúng tôi đã cố gắng chấm dứt cuộc chiến. Và chúng tôi hiểu, như tôi đã thưa với Thủ Tướng trước đây là, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một nhân tố vĩnh viễn trên bán đảo Đông Dương và có thể là một thực thể mạnh nhất. Và chúng tôi đã không có ý định tiêu diệt họ hoặc ngay cả đánh bại họ. Sau khi chiến tranh chấm dứt chúng tôi sẽ triệt thoái xa 12 ngàn dậm. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn chỉ cách Sài gòn 300 dậm. Đó là một thực tế mà họ có vẻ không hiểu.

Thủ Tướng Chu: Điều mà họ quan tâm tới là vụ gọi là Việt Nam Hóa chiến tranh của quí quốc.

Tiến Sĩ Kissinger: Nhưng họ có một sự thiếu tự tin kỳ lạ. Chúng tôi đã cố gắng làm gì? Chúng ta hãy quên "họ là bậc thầy về phân tích những điểm khác nhau nhưng quên những khái niệm toàn bộ". Chúng tôi đã cố gắng tách rời hậu quả quân sự ra khỏi hậu quả chính trị để rút ra khỏi vùng và để những thế lực địa phương tự xếp đặt tương lai của họ. Thật rất kỳ lạ, phía Bắc Việt đã cố níu chúng tôi ở lại để chúng tôi giải quyết vấn đề chính trị cho họ. Thí dụ như ngày 30 tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã đề nghị là chúng tôi sẽ triệt thoái tất cả lực lượng nếu có sự ngưng bắn và hoàn trả các tù binh. Đúng là ngày 31, không phải 30. Phía Bắc Việt sẽ ở đâu ngày hôm nay nếu họ đã chấp thuận dề nghị này. Tại sao? Vì họ muốn chúng tôi lật đổ chính quyền và đặt để chính quyền của họ vào. Chúng tôi không thương lượng. Tôi cố gắng giải thích điều chúng tôi suy nghĩ. Hậu quả thực tế của những đề nghị của chúng tôi vẫn là để chúng tôi triệt thoái. Hậu quả thực tế của những đề nghị của họ là giữ chúng tôi ở lại.

Họ có hỏi chúng tôi "có một đòi hỏi họ đưa ra mà chúng tôi đã không đáp ứng, không thể đáp ứng và sẽ không đáp ứng, dù phải trả với giá nào với những quan hệ khác", và đó là chúng tôi lật đổ những nhân vật chúng tôi vẫn thường giao thiệp và cũng là những người tin tưởng ở chúng tôi, đã có một hành động nào đó. Đây không phải là sự ưa thích cá nhân của một nhân vật nào đó đối với những nhân vật liên hệ. Không phải vì chúng tôi muốn có một chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn. Tại sao chúng tôi lại muốn một chính quyền thân Mỹ ở Sài gòn khi chúng tôi có thể sống với những chính quyền không thân Mỹ tại các quốc gia to lớn hơn nhiều ở Á Châu? Vì rằng một quốc gia không thể bị đòi hỏi để ràng buộc vào một hành động phản bội to lớn và coi đó như một nền tảng cũa chính sách đối ngoại.

Thủ Tướng Chu: Ông nói triệt thoái những lực lượng. Ông muốn nói triệt thoái toàn bộ Lục quân, Hải quân, Không quân, các căn cứ và tất cả?

Tiến Sĩ Kissinger: Năm ngoái khi tôi ở đây, Thủ Tướng đã hỏi tôi điều này. Tôi đã trình Thủ Tướng chúng tôi muốn lưu lai một số cố vấn. Rồi Thủ Tướng có nói một câu rất hay về hậu quả của cái mà Thủ Tướng gọi là "để cái đuôi ở lại." Phần lớn do lời nói đó, chúng tôi, trong vòng một tháng, đã thay đổi đề nghị của chúng tôi nên bây giờ bao gồm luôn việc triệt thoái toàn bộ cố vấn trong những loại Thủ Tướng nêu lên bây giờ. Chúng tôi đã chuẩn bị triệt thoái tất cả lực lượng.

Thủ Tướng Chu: Còn về quân lực của quí quốc ở Thái Lan?

Tiến Sĩ Kissinger: Chúng tôi chưa chuẩn bị di chuyển quân lực của chúng tôi ra khỏi Thái Lan. Nhưng với những điều kiện của ngưng bắn chúng tôi đồng ý sẽ không sử dụng lực lượng này trong cuộc chiến ở Việt Nam. Và tất nhiên sẽ giảm thiểu xuống mức độ trước cuộc tấn công nếu hòa bình đạt được.

Để giải thích điều tôi muốn nói về hành động phản bội này, dù tôi biết điều này có phần nhức nhối, thưa Thủ Tướng, nhưng tôi muốn giải thích: Nếu khi tôi tới đây lần đầu vào tháng 7 Thủ Tướng nói, "Chúng tôi không thương lượng với quí quốc cho tới khi quí quốc lật đổ Tưởng Giói Thạch và thay thế bằng một nhân vật nào đó chúng tôi chấp nhận được", thì, dù tận tụy với quan hệ Trung Hoa - Hoa Kỳ như tôi, chúng tôi cũng không thể thỏa mãn được. Việc sẽ không thể xảy ra. Bí quyết của quan hệ giữa chúng ta là chúng ta chuẩn bị mở đầu một tiến trình mà Thủ Tướng đã bày tỏ với nhiều tin tưởng. Hành động như vậy sẽ hoàn toàn làm ô danh chúng tôi và biến chúng tôi thành một người bạn vô dụng của quí quốc, vì nếu chúng tôi hành xử như vậy với một cộng sự viên thì chúng tôi sẽ hành xử như vậy với tất cả.

Nhưng để trở lại vấn đề Thái Lan. Trong mọi quyết định quan trọng chúng ta đã bàn thảo, tối thiểu có hai khía cạnh, quyết định và xu hướng. Trong buổi tiệc hôm nọ với năm người Hoa Kỳ Thủ Tướng có viện dẫn đến trường hợp năm 1954. Và vào năm 1954, dù việc gì đã xảy ra, dù chúng tôi ký kết tài liệu gì. Sự thực là Tổng Trưởng Dulles đã tìm những lý do để can thiệp, vì ông ta tin rằng Trung Cộng đã có âm mưu thôn tính Á Châu. Chúng tôi đang tìm những lý do ngược lại.

Thủ Tướng Chu: Hậu quả của chính của chính sách Dulles đã kết thúc với một số thương thuyết và ký kết Hiệp Định, nhưng bây giờ ông muốn tuân thủ những Hiệp Định này. Như vậy có nghĩa là duy trì chính sách của ông ta?

Tiến Sĩ Kissinger: Duy trì ở một mức độ. Nhưng về phía khác, khi chúng ta thỏa thuận về vụ Đông Dương, chúng ta sẽ tạo một quan hệ mới. Nếu chúng tôi tạo được quan hệ mới với Bắc Kinh tại sao chúng tôi không tạo được với Hà Nội? Hà Nội có làm gì chúng tôi đến độ khiến chúng tôi không, giả tỉ trong mười năm, tạo một quan hệ mới?

Thủ Tướng Chu: Nếu sau khi quí vị triệt thoái và các tù binh đã hồi hương, nếu sau đó, nội chiến tái phát ở Việt Nam, quí quốc sẽ hành sử ra sao? Có thể vấn đề khó khăn cho ông để trả lời.

Tiến Sĩ Kissinger: Vấn đề có khó cho tôi trả lời một phần vì tôi không muốn khuyến khích để sự việc xảy ra. Nhưng để tôi trả lời với nhận định tốt nhất của tôi. Thí dụ, nếu đề nghị ngày 8 tháng 5 của chúng tôi được chấp thuận, tức có 4 tháng để triệt thoái và 4 tháng để trao đổi tù binh. Nếu vào tháng thứ năm chiến tranh tái phát, diều này có thể khiến chúng tôi cho rằng đây chỉ là một xảo thuật nhằm đẩy chúng tôi ra và chúng tôi không thể chấp nhận được.

Nếu Bắc Việt, về phía khác, tiến hành nghiêm chỉnh sự đàm phán với miền Nam, và nếu sau một thời gian dài sự việc bùng nổ trở lại sau khi chúng tôi đã hoàn toàn tách rời, ý kiến riêng của tôi là rất khó có thể khiến chúng tôi trở lại, rất khó có thể.

Thủ Tướng Chu: Năm ngoái ông cũng nói như vậy.

Tiến Sĩ Kissinger: Năm ngoái nếu họ đã chấp nhận đề nghị của chúng tôi thì bây giờ đã được một năm. Nếu Bắc Việt có thể thay đổi?

Thủ Tướng Chu: Ông có nói năm ngoái sau khi quí ông triệt thoái và lúc đó những tù binh đã được trao trả rồi những gì xảy ra lúc đó là việc của họ. Trên nguyên tắc ông có nói vậy.

Tiến Sĩ Kissinger: Trên nguyên tắc chúng tôi đang có ý như vậy, tất nhiên, tùy thuộc vào mức độ các quốc gia bên ngoài can thiệp. Nếu có ai chuyển được từ một cuộc xung đột quốc tế trong đó có nhiều thế lực lớn tham dự thành một cuộc cuộc xung đột địa phương, thì tôi nghĩ những gì Thủ Tướng nói có thể xảy ra. Nhưng đây là ý định của chúng tôi và khi chúng tôi sẽ thực hiện chính sách đó, đó là vài bảo đảm.

Hiện tại, điều khó khăn là, với những lý do dễ hiểu, phía Bắc Việt - những người tôi đã nhiều lần bày tỏ với Thủ Tướng, tôi rất kính trọng - đang phô trương bài thơ thiên anh hùng ca về cuộc đấu tranh dành độc lập qua nhiều thế kỷ và đặc biệt lại đang tái diễn những kinh nghiệm của 20 năm trưóc.

Thủ Tướng Chu: Nếu chúng ta kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, 27 năm, và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chết cho mục đích này trước khi hoàn tất. Chủ Tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, nhưng cũng là một người nhân đạo và ái quốc. Tôi quen biết thân tình với Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã biết ông ta 50 năm. Tôi đã gia nhập đảng cộng sản 50 năm và đã biết ông 50 năm.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi chưa hề gặp ông ta, nhưng tôi biết một người Pháp có nhà mà Hồ Chí Minh đã cư ngụ. Thực ra, tôi đã nhờ người Pháp này nói chuyện với Hồ Chí Minh năm 1967 -và do đó tôi đã liên hệ đến những sự việc tại Đông Dương.

Thủ Tướng Chu: Ông Salisbury cũng đã ở Hà Nội. Nhưng là một ký giả địa vị của ông ta khác với ông.

Tiến Sĩ Kissinger: Đó là một vị trí tôi không bí mật được.

Thủ Tướng Chu: Nhược điểm đó có thể là nguyên nhân sự việc vẫn chưa giải quyết được. Có thể nếu ông có hiện diện ông đã rõ ràng hơn về tình hình.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi rõ về tình hình. Nhưng giải pháp là điều tôi không được rõ.

Thủ Tướng Chu: Ông có một chuyên viên mới. Ông Smyser bị bệnh ruột.

Tiến Sĩ Kissinger: Nhưng ông ta phục hồi ngay trước khi Thủ Tướng đãi vịt Bắc Kinh. (cười)

Thủ Tướng Chu: Ông ta vẫn hợp tác với ông?

Tiến Sĩ Kissinger: Không, ông ta trở lại Đại Học một năm, nhưng sẽ trở lại sau một năm.

Thủ Tướng Chu: Phương pháp này của quí quốc thật hay, cho cộng sự viên nghỉ để dự Đại Học một năm rồi trở lại.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi không nghĩ rằng Smyser sẽ tái hoạt động về những vấn đề Việt Nam. Có thể sẽ không còn vấn đề Việt Nam để làm nữa.

Thủ Tướng Chu: Không nhất thiết như vậy. Vấn đề Sài gòn thực sự là một việc quá nhức đầu. Và đây là một trái đắng do Dulles lưu lại chưa giải quyết được. Đó là một thảm kịch do Dulles tạo nên mà bây giờ chính ông cũng đang nếm mùi trái đắng đó.

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi đồng ý với Thủ Tướng là những gì chúng ta đang phải đối phó ở Việt Nam là một thảm kịch.

Thủ Tướng Chu: Quí quốc có thể rũ sạch thảm kịch này.

Tiến Sĩ Kissinger: Không. Tùy thuộc vào Thủ Tướng có ý định gì với câu rũ sạch thảm kịch này. Việc triệt thoái chúng tôi có thể thực hiện; những đòi hỏi khác chúng tôi không thực hiện được. Xin để tôi trình bày trọn vẹn sự thẩm định tình hình của tôi.

Tôi công nhận khách quan mà nói vấn đề rất khó khăn, và tôi thú thực chúng tôi đã chứng minh trong 20 năm là chúng tôi không hiểu hoàn cảnh Việt Nam rõ lắm. Nhưng chính quyền Bắc Việt cũng đã làm cho giải pháp vô cùng phức tạp.

Trước hết, tới giờ tôi đã thương lượng 13 lần "tám lần với Lê Đức Thọ; năm lần với Xuân Thủy". Mục đích chính yếu khi tôi thương lượng là gi? Mục đích chính yếu của tôi là để có thể đi vào thực chất của vấn đề và để đạt những quyết định quan trọng - - đó là mục đích chính yếu của tôi trong những buổi thương thuyết. Tôi hữu dụng trong những quyết định lớn, không phải để giải quyết một loạt những tiểu tiết. Những tiểu tiết nên để những nhà ngoại giao thi hành.

Trong 13 buổi họp với họ, họ đã ràng buộc tôi vào những chuyện chiến tranh du kích lặt vặt trong đó chúng tôi hành sử như ở cấp luật sư trung cấp nhằm tìm kiếm những kẽ hở của những điều khoản trong những thành ngữ. Tôi lập đi lập lại với ông Lê Đức Thọ - Tôi hiểu điều này làm ông buồn phiền tiện đây, thưa Thủ Tướng, và tôi biết ông là người của nguyên tắc luôn luôn sát cánh với đồng minh, nhưng tôi đang cố gắng giải thích - hãy để chúng tôi sắp đặt một mục đích, thí dụ trong 6 tháng chúng tôi sẽ thực hiện điều này điều nọ, và rồi chúng tôi sẽ tìm một giải pháp khôn khéo. Và lần nào họ cũng từ chối. Lần nào họ cũng làm vậy với hai lý do. Một là họ e ngại thủ đoạn gian trá nên dành thêm thời giờ tìm hiểu những kẽ hở của những điều khoản thay vì tìm hiểu những điều khoản chính của bất cứ sự thỏa thuận nào. Và họ ép buộc để đòi hỏi tức thời những gì chúng tôi có thể chuẩn bị để thực hiện trong thời gian vài năm. Và thứ nữa là, tính chất chiến lược của họ. Chiến lược của họ là gì? Chiến lược của họ là theo đuổi một chiến dịch quân sự với ý đồ, một là, phá hoại chính quyền Sài gòn, mà tôi hiểu, và về phía khác, một sự phối hợp quân sự với chiến dịch tâm lý để phá hoại chính quyền Hoa Kỳ, và đó là điều chúng tôi không bao giờ chấp nhận. Họ không bao giờ quyết định được, hoặc họ muốn thương thuyết với chúng tôi hoặc tiêu diệt chúng tôi, hoặc ít nhất đẩy chúng tôi vào một vị thế bị mất sự hỗ trợ của quần chúng. Và vì vậy, họ sẽ không nhượng bộ, hoặc cho tới hiện tại không chịu nhượng bộ, với tôi hoặc với bất cứ người điều đình Hoa Kỳ nào, vì họ e ngại nếu có một giải pháp hoặc ngay cả việc ít trở ngại nhất, chúng tôi sẽ có sự ủng hộ của quần chúng và do đó họ sẽ không đat được mục tiêu chính là triệt ha sự ủng hộ của quần chúng đối với chúng tôi hầu làm tê liệt chúng tôi. Đây chính là nguyên nhân làm buổi họp giữa tôi và Lê Đức Thọ thất bại. Khi họ nghĩ họ đang thắng thế, chiến lược thực của họ là trình diễn cho quần chúng Hoa Kỳ tình trạng vô vọng, và do đó ép chúng tôi vào trường hợp tiến thoái lưỡng nan không còn sự lựa chọn nào ngoài sự nhượng bộ về những đòi hỏi của họ. Đây là tại sao họ đối xử với chúng tôi về vấn đề những tù binh, không qua chính quyền hoặc Hội Hồng Thập Tự, nhưng qua những nhóm Hoa Kỳ chống đối không hiểu tầm quan trọng của sự việc.

Thủ Tướng Chu: Nhưng cũng không chỉnh khi quí quốc đột kích trại giam tù binh của họ.

Tiến Sĩ Kissinger: Đây, trước hết tôi nghĩ đó là một việc khác mà tôi rất vui lòng thảo luận với Thủ Tướng, nhưng tôi không nói rằng tất cả những hoạt động chúng tôi làm trong cuộc chiến đều nhất thiết là đúng cả. Tôi đang nói là chúng ta đang đối diện với một hoàn cảnh cần thiết một giải pháp. Nhưng tôi nhận - tuy không trong trường hợp này - nhưng chúng tôi đã làm nhiều lầm lỗi. Đây là lý do tại sao họ đang làm lớn chuyện về việc triệu tập lại những phiên họp khoáng đại, và tuy vậy những ai chín chắn đều nhận ra là nó chẳng thay đổi được gì dù có phiên họp khoáng đại khi không có điều gì để thảo luận. Cho tới khi có một chương trình để thương lượng trong phiên họp khoáng đại, tất cả chỉ là tuyên truyền rỗng tuếch.

Chúng tôi đã chuẩn bị để tái nhóm phiên họp khoáng đại chỉ để kết thúc riêng vấn đề đó, nhưng chắc họ sẽ không đạt được nếu không có một nền tảng mói để thương lượng, và nếu họ không thay đổi sách lược. Chúng tôi cố gắng - và Thủ Tướng sẽ có nhận định riêng về việc này - chúng tôi tin rằng để thương thảo với các quốc gia khác nếu thiếu đạo đức và danh dự, dù có lợi về chiến thuật rồi về lâu dài cũng thất bại. Nhưng rất khó khăn để thương thảo với một quốc gia muốn phá hoại thẩm quyền của nhân vật đàm phán.

Giờ đây, chúng ta bàn về cuộc tấn công của Bắc Việt. Không có cuộc tấn công đó chúng tôi đã rút thêm quân và phi cơ nữa. Chúng tôi không có chút ý định nào để gia tăng mức độ hoạt động quân sự. Trái lại, chúng tôi sẽ giảm quân nhanh hơn. Nhưng cuộc tấn công của Bắc Việt đưa chúng tôi vào một vị trí mà họ muốn dùng sự việc của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ để làm khó và bắt chúng tôi phải chấp nhận đòi hỏi của họ mà chúng tôi không thể thỏa mãn. Chúng tôi có thể thỏa mãn tất cả các đòi hỏi khác, nhưng không phải điều đó.

Hiện tại tình trạng hôm nay ra sao? Tôi biết phải nói gì về tuyên truyền, nhưng với sự phán đoán của tôi thì cuộc tấn công của Bắc Việt bị ngăn chặn và không có một triển vọng quân sự nào trong năm nay. Họ đã không tạo được phong trào chống đối to lớn tại Hoa Kỳ, dù rằng có vài kẻ đi loanh quanh với cờ Việt Nam, mà cũng chẳng được bao nhiêu. Vào thời gian vụ Cam bốt đã có 200,000 người chống đối tại Hoa Thịnh Đốn, và họ cũng không ngăn chặn được việc chúng tôi làm. Sau ngày 8 tháng năm họ cố gắng lôi kéo 200,000 và họ có được 5 ngàn. Vậy tình trạng chúng ta ra sao? Hy vọng duy nhất của Bắc Việt là sự đắc cử của McGovern vào tháng mười một. Chúng tôi không nghĩ chuyện này sẽ xảy ra. Cuộc thăm dò chót cho thấy Tổng Thống trên McGovern 20 điểm.

Thủ Tướng Chu: Ngay cả nếu McGovern đắc cử, ông ta có thể loại Thiệu được không?

Tiến Sĩ Kissinger: Tôi không chắc.

Thủ Tướng Chu: Không cần thiết.

Tiến Sĩ Kissinger: Không cần thiết.

Thủ Tướng Chu: Quan niệm của tôi giống ông.

Tiến Sĩ Kissinger: Và đừng quên chúng tôi còn tại vị (cầm quyền) bẩy tháng nữa.

Thủ Tướng Chu: Đó lại là một vấn đề khác. Ngay cả nếu ông ta đắc cử liệu ông ta có từ bỏ hỗ trợ thể chế Sài gòn không?

Tiến Sĩ Kissinger: Nói thì dễ hơn làm.

Thủ Tướng Chu: Con đường chông gai quí quốc tạo nên làm khó khăn cho quí quốc thoát ra.

Tiến Sĩ Kissinger: Điều đó đúng.

Thủ Tướng Chu: Dù là Tổng Thống Nixon hay McGovern hoặc Ed Kennedy. Ngay cả nếu ông là Tổng Thống hoàn cảnh cũng khó khăn. Nhưng thật đáng tiếc, ông không có điều kiện.

Tiến Sĩ Kissinger: Chúng ta đề cử cô Tang.

Thủ Tướng Chu: Ngay cô ta cũng không thoát ra nổi.

Tiến Sĩ Kissinger: Nếu cô ứng cử và để tôi làm cố vấn, có lẽ cùng nhau chúng tôi có thể làm được việc gì đó.

Thủ Tướng Chu: Việc này ràng buộc vào việc khác và hầu hết đều bất lợi.

Tiến Sĩ Kissinger: Điều đó đúng. Nhưng những lực lượng bầu cho McGovern sẽ đem lại một định hướng mới trong chính sách Hoa Kỳ không những đối với Việt Nam, mà tất nhiên là liên quan tới Nga Sô, Ấn Độ, Nhật Bản, như Thủ Tướng đã thấy trong bài xã luận của tờ Nữu ước Thời Báo. Tôi không phải giải thích. Nếu Thủ Tướng thấy cái xu hướng của Nữu ước Thời Báo, thí dụ như lúc tôi đe dọa hủy bỏ buổi họp thượng đỉnh tại Mạc Tư Khoa hoặc trường hợp bên Ấn Độ mà không thể nhờ họ đăng bất cứ quan điểm nào khác, ngay cả trên những cột tin tức, Thủ Tướng sẽ có vài khái niệm của thực tế về những gì sẽ xảy ra nếu điều đó xảy ra. Tôi sẽ trình bày rất thực tế. Tất cả đều ủng hộ quan hệ Trung Hoa - Hoa Kỳ. Không còn có sự chống đối cơ bản nữa. Nhưng hậu quả thực tế họ chuẩn bị gặt hái và những quyết định thực họ muốn làm ngoài sự xác nhận tình cảm và trao đổi văn hóa, sẽ khác rất nhiều. Và do đó, chúng tôi tin rằng phải ngưng chiến tranh ngay vì lợi ích chung. Nếu chiến tranh tiếp diễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chắc chắn sẽ thiệt hại thêm hơn là có thể có lợi. Thế tấn công quân sự của họ đã ngưng; tình trạng nội bộ khó khăn; và chúng tôi có thể bị cưỡng bách đối sử với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa những điều trên tất cả những gì tương xứng với mục đích của chúng tôi. Chúng tôi không muốn họ yếu kém. Và chúng tôi không nhìn thấy triển vọng họ có thể đảo ngược tình hình. V à chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh, vì hiện nó đòi hỏi một nỗ lực không cân xứng với mục đích, nhưng vì nó liên hệ chúng tôi vào cuộc thảo luận với những quốc gia mà chúng tôi có nhiều dịch vụ quan trọng hơn.

Nếu chúng tôi có thể thảo luận với họ như thảo luận với quí vị, thưa Thủ Tướng - tôi không muốn nói về ngôn ngữ mà về thái độ - tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể giải quyết chiến tranh. Như một sự việc thực tế, chúng tôi nghĩ cách thức nhanh nhất để chấm dứt là trên căn bản ngưng bắn, triệt thoái, và trao trả những tù binh. Đó là giải pháp ít phức tạp nhất và tương lai tính sau. Chúng tôi sẵn sàng ngoài việc tuyên bố sự trung lập của chúng tôi trong mọi tranh chấp chính trị khi có và về chính sách đối ngoại chúng tôi chuẩn bị để thấy Nam Việt Nam thiết lập một chính sách đối ngoại trung lập. Chúng tôi củng có thể trở lại với đề nghị Tổng Thống trình bày ngày 25 tháng Giêng năm ngoái và được chính thức đệ trình ngày 27 tháng Giêng, và có thể sửa đổi điều khoản này hoặc điều khoản khác liên hệ tới thảo luận chính trị luôn. Nhưng trên thực tế, thảo luận chính trị kéo dài rất lâu. Và hậu quả thực tế của bất cứ cuộc thảo luận chính trị nào là hoặc xác nhận sự hiện hữu của chính quyền Sài gòn thì không chấp nhận được với Hà Nội, hoặc lật đổ chính quyền hiện hữu tại Sài gòn thì chúng tôi không chấp nhận được. Và gần như vô vọng để nghĩ đến một biện pháp có thể tương nhượng giữa hai phe này. Cho nên chúng ta cần tìm một phương thức để chấm dứt chiến tranh, ngăn chặn nó trở nên một vấn đề quốc tế, và để hoàn cảnh khai triển tới chỗ mà tương lai của người Đông Dương được hoàn lại cho người Đông Dương. Và tôi cam đoan với Thủ Tướng đó là mục tiêu duy nhất của chúng tôi tại Đông Dương, và tôi không tin nó khác biệt với Thủ Tướng. Chúng tôi không đòi hỏi gì cho chúng tôi tại đó. Và trong khi chúng tôi không thể đưa một chính quyền cộng sản lên nắm chính quyền, nếu, do sự xoay vần của lịch sử mà nó xảy ra sau một thời gian, thì nếu chúng tôi sống chung được với một chính quyền cộng sản Trung Hoa, chúng tôi sẽ chấp nhận được ở Đông Dương. Thủ Tướng gặp được ngày tôi nói khá nhiều. (Cười)

Thủ Tướng Chu: Vậy chúng ta chấm dứt hôm nay. Còn về sáng mai, trước hết tôi sẽ tham khảo ông Phó Chủ Tịch Yeh Chien-ying, và rồi có thể sáng hôm sau ông sẽ thảo luận với ông ta. Tôi nghe ông muốn có một buổi tiệc ngoài trời tại Cung Đình Mùa Hạ.

Tiến Sĩ Kissinger: Có người hỏi tôi muốn thăm thêm chỗ nào ngoài Cung Cấm. Tôi trả lời Cung Đình Mùa Hạ đẹp quá và tôi muốn thăm nữa. Nhưng ý kiến về buổi tiệc ngoài trời là một ý thêm rất đẹp nhưng không do tôi. Đó là ý kiến của Ban Nghi Lễ. Nhưng công việc phải ưu tiên hơn tiệc tùng.

*************************************************************************************

(1) New Perspective on Dien Bien Phu by Pierre Asselin. Volume 1, No. 2 Fall 1997.

(2) Apprentices of War - Memoir of a Marine Grunt by Gary L. Tornes. In 1967, base pay: $155.00. Combat pay: $75.00. Overseas pay: $45.00. Total gross:: $255.00. Trang 247. Căn cứ theo Global Finacial Data, hối xuất chính thức tại Nam Viet Nam August 1965: $1.00 US = $118.00 VN piastres. Như vậy lương tháng của một Hạ Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ độc thân năm 1967 = $26,550.00 đồng VN. Và một Thiếu Tá phi công Việt Nam Cộng Hòa lãnh khoảng $65,000 đồng VN trong đó có cả phụ cấp gia đình (vợ + 3 con) và phụ cấp phi hành.

(3) The Air War Against North Vietnam. USAF in S.E Asia 1961-1973 report 1984. Chapter IV. "The President retained such firm control of the air campaign against the North that no important target or new target areas could be hit without his approval. Page 1." And on page 4: "During the first two years of operations over the North, President Johnson periodically ordered bombing pauses in an effort to bring Hanoi's leaders around to discuss a political settlement of the war."

(4) The White House - Memorandum of Conversation. Top Secret/Sensitive/ Exclusive Eyes Only.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét