Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Chuyện 30 tháng 4


 THÁNG TƯ ĐEN KỂ CHUYÊN CỜ VÀNG BỊ HẠ VÀ VƯƠN CAO


Nguyễn Việt Nữ - Ngày 30 tháng 4 năm 1975, quốc kỳ màu Vàng Ba Sọc Đỏ của VNCH tại dinh Độc Lập Saigon bị hạ, chính thức báo tin Việt Nam đã đổi chủ bằng khủng bố, lừa dối, chiếm đoạt. Chuyện nầy hầu hết ai cũng biết, sẽ không nói tới.
Chỉ nhắc tới chuyện ngoài biển Đông cũng có cảnh cờ Vàng bị hạ nhưng với nghi lễ trang trọng vào tháng 5 năm 1975.
 Nhưng ngay năm sau, tức năm 1976 Quốc kỳ VNCH lại được vươn cao ngạo nghễ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ, một nước đã mang tiếng phản bội đồng minh trong chiến tranh Việt Nam; một siêu cường có đảng Cộng Sản Mỹ (CPUSA) khủng bố chính phủ  Mỹ, góp công vào việc “bức tử” cờ Vàng.
Hiện nay, mỗi mùa Quốc Hận là nơi nơi trên thế giới tự do có người Việt đều có Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ xuất hiện, nhưng cần tưởng nhớ lại những ai là người đầu tiên thực hiện việc dựng lại màu cờ Vàng 38 năm trước ngay thủ đô siêu cường Mỹ quốc và cả trước trụ sở Liên Hiệp Quốc?
Trước hết, hãy tìm hiểu:


Do đâu có chuyện hạ cờ Vàng Chính Nghĩa trên Biển Đông?


Chúng tôi mới được biết chi tiết từ năm 2012, (tức 37 năm sau khi Saigon đổi chủ) khi xem phim “The Lucky Few” trong chương trình “Sống trên sóng biển” của ca sĩ Mai Vy trên truyền hình SBTN ở miền Nam California.
 Tóm tắt phim “The Lucky Few” (Những người may mắn)
Phi trường Tân Sơn Nhất bị VC tấn công vào lúc 4 giờ sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975 nên không thể sử dụng để tiếp tục di tản người Mỹ và người Việt Nam tị nạn.
Nên để thực hiện được việc lớn nầy vào hai ngày cuối tháng 4 năm 1975 phải sử dụng trực thăng vận chuyển người ra các chiến hạm thuộc Hải Quân Việt lẫn Mỹ. Một kế hoạch triệt thoái tức thời được bàn thảo trực tiếp giữa ông Richard Armitage, đại diện Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và Phó Đô đốc (Tướng 3 sao) Chung tấn Cang. Nhưng vì Phó Đô đốc mới được chuyển từ chức vụ Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô về làm Tư lệnh Hải Quân, nhậm chức ngày 24 tháng 3 năm 1975 nên Tướng Chung tấn Cang Ủy trọn quyền cho Đại Tá Hải Quân Đỗ Kiểm, đại diện cho Hải Quân Việt Nam. Chỉ thị là “tuyệt mật”, nếu không sẽ bị Cộng Sản truy đuổi nguy hiểm cho sinh mạng hàng chục ngàn người.
Lúc ấy Hạm Trưởng Paul Jacobs chỉ huy chiến hạm USS Kirk FF1087 cùng với các chiến hạm khác thuộc Đệ Thất Hạm Đội đang ở ngoài khơi Vũng Tàu và Task Force 76 được thành hình gồm 18 chiến hạm do USS Blue Ridge làm Soái Hạm để điều hành chiến dịch Operation Frequent Wind.
Sau khi tín hiệu tiếp nhận các trực thăng bằng tiếng Việt được truyền đi từ USS Kirk, thì chỉ 20 phút sau, USS Kirk đón nhận chiếc trực thăng chở người tị nạn đầu tiên đáp xuống sàn bay nhỏ bé của mình vào lúc 10 giờ sáng ngày 29-4-75.
Liên tục trong ngày 29/4, USS Kirk tiếp đón tổng cộng 13 chiếc trực thăng của Không Quân Việt Nam, gồm 12 chiếc Huey và 1 chiếc Shinook.

Lần lượt, các trực thăng Huey đã bị đẩy xuống biển sau khi đáp để lấy chỗ cho các chiếc kế tiếp. Riêng chiếc Shinook gồm trọn gia đình phi công được an toàn, vô cùng may mắn: vì quá to không thể đáp được, lại sắp hết xăng mà Thiếu Tá phi công Nguyễn Văn Ba phải quần trên sàn bay với một độ cao an toàn đủ để phi công phụ và vợ con của ông nhảy xuống kịp lúc.  Những người nhảy xuống được nhân viên của USS Kirk chực sẵn ở dưới sàn tàu đón đỡ an toàn. Sau đó, phi công Nguyễn Văn Ba bay ra khỏi chiến hạm và nhảy ra khỏi chiếc Shinook , bơi ra khỏi vùng nguy hiểm của chiếc trực thăng đang chìm xuống biển và được tàu nhỏ của Kirk vớt lên.

Thiếu Tá phi công Nguyễn Văn Ba vì bị bệnh lãng trí từ 4 năm nay nên diễn tiến việc tiếp cứu chiếc Shinook đã được người con trai lớn của ông là Miki Nguyễn và bà Nguyễn Thị Nho, vợ ông Nguyễn Văn Ba diễn tả lại  trong phần phỏng vấn.

Đến trưa ngày 30-4-75, tất cả những người tị nạn trên USS Kirk được chuyển qua USS Green Port để đến một chiến hạm lớn hơn. Đến lúc ấy thì không còn người tị nạn nào trên USS Kirk nữa. Nhưng cũng được ông Richard Armitage yêu cầu đến đảo Côn Sơn.
Hạm Trưởng Paul Jacobs vào lúc 9:30 tối ngày 30-4, nhận được lệnh từ Bộ Chỉ Huy Task Force 76, theo Soái Hạm Blue Rigde để cứu giúp các thường dân tị nạn trên các tàu Hải Quân Việt Nam.
Khi đến nơi, thì đã có 39 chiến hạm chở trên 30 ngàn người tị nạn đang tập trung tại đây. Các chiến hạm VNCH đã tập trung tại Côn Sơn sau khi rời khỏi sông Sàigòn vào chiều ngày 29-4 theo Kế hoạch triệt thoái nhẳm bảo vệ toàn bộ chiến hạm của Hải Quân VNCH không để lọt vào tay cộng sản khi Sàigòn thất thủ và Côn Sơn được chọn làm địa điểm tập trung.

Ngoài vấn đề cung cấp thực phẩm, thuốc men, Task Force của Đệ Thất Hạm Đội còn phải lo đối phó và bảo vệ cho đoàn tàu tị nạn nếu bị CS tấn công, nhưng trường hợp này đã không xảy ra, và Task Force 76 chỉ còn chú trọng vào việc đưa đoàn tàu tị nạn rời khỏi hải phận Việt Nam để đến Phi Luật Tân.

Nhiệm vụ của USS Kirk trong lúc này là tiếp nhận, phân phối thực phẩm, thuốc men và cung cấp các nhân viên y tế đến các chiến hạm đang chở dân tị nạn của Hải Quân VNCH. Thực phẩm phần lớn là gạo, và các loại thuốc men thông dụng, sữa và ngay cả tả lót được thả xuống bằng phi cơ hoặc bằng những chuyến tàu được chuyển vận đến USS Kirk.

Với những chiếc tàu nhỏ , công việc phân phối thực phẩm, thuốc men vô cùng bận rộn và được diễn ra liên tục trong chuyền hải hành kéo dài 5 ngày. Và quả thật là trên 30 ngàn người nầy quá may mắn;  vì suốt trong 5 ngày nầy, biển êm sóng lặng, bởì nếu có bảo tố, thì số dân tị nạn lớn lao nầy sẽ rất bi đát!

Cả những thai nhi chưa chào đời cũng rất “Lucky”. Chiến Hạm USS Kirk còn có một nhiệm vụ đặc biệt là chăm sóc các phụ nữ mang thai. Sáng kiến nầy của Hạm Trưởng Paul Jacobs. Ông muốn tập trung tất cả những phụ nữ mang thai đến cùng một chỗ để tiện việc chăm sóc thay vì để họ ở rải rác trên các chiến hạm. Ông cho một tàu nhỏ đi khắp nơi tìm các phụ nữ mang thai để đem về USS Kirk. Một thông dịch viên mà vợ ông cũng đang có thai là Joseph Phạm (Phạm Xuân Vinh) đã đóng góp đắc lực trong việc thông ngôn cho các bà bầu.
Lễ hạ cờ VNCH vì “khủng hoảng ngoại giao” với Phi Luật Tân
Khi đoàn tàu tiến vào hải phận Phi Luật Tân vào ngày Thứ Hai 5-5-75, thì một  “khủng hoảng ngoại giao”  xảy tới. Vì chính phủ Phi Luật Tân là Tổng Thống Marcos đã công nhận CSVN, nên Cộng Sản đòi Phi phải giao trả đoàn tàu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa lại cho họ.

Ngay lập tức các cuộc trao đổi đã diễn ra liên tục giữa Đệ Thất Hạm Đội, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Manilla, Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng tại Hoa Thịnh Đốn. Cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận: nguyên các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa là của Hoa Kỳ nên sẽ được giao trả lại cho Hoa Kỳ, các chiến hạm sẽ được giải giới, sĩ quan Hoa Kỳ sẽ chỉ huy các chiến hạm , quốc kỳ VNCH sẽ được thay thế bằng quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc và các chiến hạm này sẽ vào Subic Bay với tư cách là chiến hạm của Hoa Kỳ.

Sau 10 giờ sáng ngày 6-5-75, việc giao trả các chiến hạm cho Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành: 39 thành viên của USS Kirk gồm 9 Sĩ Quan và 30 Hạ Sĩ Quan đã đến các chiến hạm VNCH để tiếp nhận.
Tất cả vũ khí trên các chiến hạm bị vất hết xuống biển. Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà được thay thế bằng quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Khi những Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan của USS Kirk bước lên các chiến hạm VNCH để tiếp nhận và cho biết sẽ hạ cờ VNCH xuống, thì đây là giây phút đau buồn nhất.
Những người tị nạn đã mất tất cả, kể cả quốc gia của mình. Họ mong muốn lá quốc kỳ màu Vàng Ba Sọc Đỏ, lá quốc kỳ mà họ đã đổ máu ra để bảo vệ phải được hạ xuống bằng một nghi thức trang trọng. Nghi thức này là một niềm an ủi và giữ thể diện cho họ. Đại Tá Đỗ Kiểm yêu cầu được như vậy và được chấp thuận.

Lần lượt, các chiến hạm VNCH đã làm lễ hạ kỳ với nghi thức trang trọng đó. Khi bài quốc ca được cất lên, thì quốc kỳ VNCH cũng từ từ hạ xuống trong niềm đau và trong nước mắt. Sau đó, quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được kéo lên trong im lặng.

Trong phim “The Lucky Few” có một số hình ảnh ghi lại giây phút ấy, trong đó có hình Lễ Hạ Kỳ VNCH trên chiến hạm Vạn Kiếp HQ 14 có ca sĩ Minh Hiếu, phu nhân Trung Tướng Vĩnh Lộc bắt giọng  để mọi người cùng hát Quốc Ca VNCH và Hạm Trưởng HQ 14 Phạm Thành bắt tay Hải Quân Trung Uý Donald A. Swain sau khi quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc được kéo lên kỳ đài  của HQ 14.

Thủ tục giao trả các chiến hạm cho Hoa Kỳ hoàn tất trong ngày 6-5-75.

Vào lúc 12:27 trưa ngày 7-5-75, phi cơ của Phi Luật Tân bay ở phía trên đoàn tàu để xác định căn cước của các chiến hạm đang tiến vào Subic Bay. Và vào lúc 3 giờ chiều, USS Kirk cùng đoàn tàu vào đến vịnh Subic.

Những anh hùng vô danh của VNCH
Là một người có liên hệ mật thiết tới kế hoạch di tản, Đại Tá Hải Quân Đỗ Kiểm chân thành vinh danh người chiến sĩ VNCH. Ông hồi nhớ chiến hạm chót của chúng ta rời Sài Gòn vào mờ sáng ngày 30-4-75 trước họng súng đại bác của quân Cộng sản, chính thể Việt Nam đã coi như cáo chung.Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã coi như không tồn tại. Đồng số phận, Hải Quân Việt Nam không còn là một quân chủng hoạt động nữa. Hệ thống quân kỷ, quan giai không còn nữa.Cá nhân người binh sĩ lúc bấy giờ không còn hệ lụy ràng buộc vào bất cứ hệ thống kỷ luật, bổn phận hay trách nhiệm nào nữa.Cũng như hàng vạn người di tản đang nằm chật kín những con tàu, họ đang còn bàng hoàng trước những mất mát quá to lớn vừa xảy ra trong đời. Họ đã mất tất cả. Họ mất đất nước, giờ đây họ đang rời xa quê hương. Họ bỏ lại nhà cửa ruộng vườn tài sản. Họ bỏ lại ông bà cha mẹ anh em họ hàng thân thích để đi vào một chuyến lưu đầy vô định. Họ đang ở tại điểm đau khổ cùng độ của một người lính không thua trận mà phải bỏ nước ra đi.
 Cựu Đại Tá Hải Quân Đỗ Kiểm nhìn nhận phim “The Lucky Few” cho mọi người thấy lại những giờ phút bi thảm của cuộc di tản hơn 30 ngàn người Việt Nam trên hơn 30 chiến hạm của Hải Quân Việt Nam và tình nhân đạo cao cả của những thủy thủ Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt của thủy thủ đoàn của chiến hạm USS Kirk số 1087. Tinh thần vì dân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã thể hiện lần chót và cũng là lần đẹp nhất khi họ đã gạt niềm đau khổ mất mát to lớn của chính mình sang một bên để săn sóc ân cần nhường cơm sẻ cháo với hàng ngàn người dân bơ vơ lạc lõng đói khát trên biển cả.Tấm lòng vị tha hiếm có này đã nói lên bản chất đặc biệt Quân Dân-cá nước của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
 Cựu Đại Tá Hải Quân Đỗ Kiểm xin được vinh danh họ như những anh hùng vô danh trong ngày di tản lịch sử 30-4-1975. Và lễ hạ Quốc Kỳ VNCH ngày 6-5-75 trang trọng mà nhìn và nghe lại, cả người Việt lẫn Mỹ đều chảy nước mắt.
Chuyện Cờ Vàng VNCH được vươn cao tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn
Trong bài “Phản chiến Mỹ Joan Baez viết về ngày 30 tháng 4,1975”, chúng tôi có kể vắn tắt:
“Ca sĩ Joan Baez ôm hết chồng thơ từ các trại tị nạn  về Hoa Thịnh Đốn, khiếu nại với Tổng thống Mỹ lúc ấy là Jimmy Carter, rồi kéo đệ nhất phu nhân đi Thái Lan thăm  người vượt biển. Bà cùng nhiều đoàn thể khác nữa như  Đại Đức Thích Giác Đức cùng Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Ngô Vương Toại –nguyên là sinh viên rất chống Cộng thời VNCH--kêu gào Jimmy Carter phải nhận cho người tị nạn Đông Dương vào Mỹ.”
Cả 3 nhân vật Việt Nam trên đây đều không đi tị nạn trong “The Lucky Few” nhưng cũng may mắn đến được Hoa Kỳ rất sớm và bắt tay ngay vào làm việc dựng lại Cờ Vàng và tiếp trợ đồng bào mới tới định cư xứ người như mình.
Riêng nhà văn tranh đấu Ngô Vương Toại vừa tạ thế ngày 03 tháng 04 năm 2014 tại Nhà thương Fairfax, Virginia. Nhiều người thương tiếc viết về thành tích hoạt động từ trước và sau năm 1975  ở hải ngoại của người quá cố, trong đó có Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích với  bài “Toại ơi”.
 Đọc xong, chúng tôi mới thấy sự vắn tắt của mình vừa sai lầm, tuy không đáng kể, như Đại Đức Thích Giác Đức, đúng ra phải là Thượng Tọa. Nhưng không quan trọng bằng sự thiếu sót nhất là chuyện hồi sinh lại  màu Cờ Vàng mà CS tưởng là đã giết chết; chuyện lập Chùa, làm báo về Trung Thu, báo Tết, mà chuyện nào cũng có tên Việt Nam hay Lửa Việt ngay năm đầu 1976 sống lưu vong.
 Đặc biệt do người trong cuộc viết lại: Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, (nguyên Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia=RFA) rất thân cận với gia đình ông Ngô Vương Toại.
Tưởng đây cũng là một lịch sử dựng lại Cờ Vàng Quốc Gia và nền văn hóa Việt Nam đầu tiên cần nhắc lại, vì tác giả viết với tinh thần rất “Hòa đồng tôn giáo”.
Sống gần thủ đô nước Mỹ và lăn xả vào công việc cộng-đồng
Trích “Toại ơi!”:
 “Sang Mỹ, gia-đình Toại, cũng như gia-đình tôi, dọn về Virginia để ở gần thủ-đô nước Mỹ.  Bởi chúng tôi là những người năng động nên không ai bảo ai, cả hai chúng tôi đều dọn về nơi mà như người Mỹ nói, "where the action is," nơi mọi sự xảy ra, nơi mà không ít người coi là thủ-phủ của thế-giới.  Về đây, chúng tôi lăn xả vào công việc.
Tôi về đầu quân vào Trung-tâm Định-cư Kiều-bào (National Center for Vietnamese Resettlement) trên đường "H" mà ông anh tôi, Nguyễn Ngọc Linh, dựng ra với một hai người bạn Mỹ.  Trung-tâm mở ra vào tháng 7/1975 thì tháng 9, cá-nhân tôi đã được giao ngay việc ra báo tiếng Anh và tiếng Việt.  Báo tiếng Anh mang tên Vietnam Center Bulletin số đầu có chủ-đề là "Tết Trung-thu."  Bản tiếng Việt tiếp theo ngay sau đó mang tên Lửa Việt, một bản tin còn khiêm tốn, chưa đầy 30 trang mỗi số.
Nhưng cuối năm ấy, chúng tôi đã (..) ra được một số báo Tết Binh Thìn của Lửa Việt, quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng vào lúc bấy giờ (….)  hiển-nhiên, không thể thiếu Ngô Vương Toại.  Số báo này, có lẽ là số báo Tết đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ (ra tháng 1 năm 1976), giờ đây đã thành một "collection item," một tập báo quý mà người ta tìm cách sưu-tập. 
Lăn xả vào sinh-hoạt cộng-đồng
Anh em có nhau, chúng tôi tham-gia đủ thứ.  Trước hết là chuyện dựng lại cờ vàng, trước cả khi có phong trào cờ vàng của nhiều năm sau.  Như 30 tháng Tư đầu tiên trên đất Mỹ, 30/4/1976, mấy anh em chúng tôi, Lê Văn Khoa, Phó Hồng Hà, Ngô Vương Toại, Nguyễn Ngọc Bích v.v. dựng bàn thờ tưởng-niệm các chiến-sĩ chết cho lý-tưởng tự do và các đồng-bào bị hy-sinh trên đường tìm tự do. 
Chúng tôi không đông, có lẽ không quá 50 người nhưng bàn thờ, quay lưng vào Tòa Bạch Ốc và hướng về đường 16 thẳng tắp trước mặt, có cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trước gió, thật là một  hình ảnh ngạo nghễ.  Cùng lúc, dưới đất là những hình nón cờ vàng làm bằng giấy tượng-trưng cho những người đã nằm xuống vì lý-tưởng quốc gia.  Cảm-động biết mấy, ngày tang đầu tiên cho VNCH trên đất người!
Xong đến các sinh-hoạt tranh đấu cho nhân-quyền ở quê nhà.  Giai-đoạn này, Công-giáo còn làm việc tay trong tay với Phật-giáo.  Linh-mục Trần Duy Nhất của Nhà thờ các Thánh Tử Đạo VN không quản ngại lên Chùa Việt-nam vùng Hoa-thịnh-đốn họp với Thượng-tọa Thích Giác Đức để bàn chuyện lên tiếng cho những người bị tù đầy trong các trại tập trung mà CS gọi là "học tập cải tạo."  Đứng đầu Hội Nhân-quyền vùng Thủ-đô hồi bấy giờ là cụ Hoàng Thế Phiệt, một nhân-sĩ Công-giáo nổi tiếng từ ngày còn ở đất Bắc, trước 1954. 
Hội Nhân-quyền yểm-trợ cho Thượng-tọa Thích Giác Đức lên New York ngồi tuyệt thực trước trụ-sở Liên-hiệp-quốc sau vụ tự-thiêu của 12 tu-sĩ và cư-sĩ Phật-giáo ở Dược-sư Thiền-viện (Cần-thơ, tháng 12/1976)--hình của Thượng Tọa tuyệt thực còn được đăng cả lên báo New York Times.  Rồi bác Phạm Ngọc Lũy, thuyền-trưởng tàu Trường Xuân, cũng đi cùng nhiều đồng-hương lên yểm-trợ tinh-thần cho Thượng-tọa.
Rồi chúng tôi đi hát với Joan Baez, một ca-sĩ nổi tiếng phản chiến trước 1975 nhưng đã sớm có sự phản-tỉnh và lên tiếng cùng cả trăm nhân-sĩ trên nguyên-trang của tờ New York Times lên án Hà-nội sau khi đồng-bào VN túa ra biển đi tỵ nạn, vượt biên vượt biển.  Cùng thời-gian này, Jean-Paul Sartre ở Pháp cũng bắt tay Raymond Aron để phản-đối chính-sách của CS ở quê nhà, làm thành một phong trào quốc-tế rộng lớn.
Vẫn trong tinh-thần hòa-đồng tôn-giáo, Nghiêm Thị Lan, vợ của Toại, rất nhiều hôm lên Chùa Việt Nam đường 16 làm bò bía bán lấy tiền gây quỹ cho Chùa mà sau này được đổi tên thành Giác Hoàng.
Rồi đến khi cha Vàng bị bắt sau vụ nhà thờ Vinh Sơn hay hai thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) bị tuyên án tử-hình vì âm-mưu lật đổ "chính-quyền," chúng tôi cùng với anh Đặng Đình Khiết vận-động ráo riết với Quốc-hội Hoa-kỳ, sau buộc CS phải giảm án từ tử-hình xuống chung-thân.
Làm báo: Việt Chiến, Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, Diễn Đàn Tự Do
Là một phóng-viên và ngòi bút đấu tranh có hạng, Toại cộng-tác với nhiều báo ở trong nước (như các tờ Tìm Hiểu, Tin Sống và Sóng Thần dưới các bút-hiệu Thạch Miên và Tiểu Ba) từ trước năm 1975.  Sang nước người, Toại cũng không bỏ được cái nghiệp làm báo.  Khi L.M. Trần Duy Nhất ra tờ Việt Báo, anh cũng như ký-giả Phạm Trần đã có mặt ngay từ đầu.  Sau đó, Toại lại cùng Nguyễn Đình Hùng và Giang Hữu Tuyên ra Việt Chiến, một tờ báo đấu tranh; tuy không sống được lâu (chỉ ra được 13 số), Việt Chiến vẫn để lại được một dấu ấn trong lịch-sử báo chí Việt-ngữ ở vùng này.  Đến khi Giang Hữu Tuyên ra tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo (1983), Toại cũng tiếp tay làm chung ngay.  Cuối cùng, chính anh đứng ra chủ-trương tờ Diễn Đàn Tự Do và một mình lo liệu cho tờ báo sống được 12 năm, từ 1985 đến 1997.  Nhờ lập-trường dứt khoát của tờ báo, Ngô Vương Toại đã thu hút được nhiều cây bút giá-trị, trong đó phải kể Phạm Trần, Đại Dương và nhiều cây bút khác. 
Vào làm trong Đài Á Châu Tự Do
Một con người của hành-động, Toại tham-gia nhiều hội-đoàn có tính-cách đấu tranh, nhất là trên mặt trận nhân-quyền, tỵ nạn, văn-hóa.  Từ đầu, anh có mặt trong Hội Nhân-quyền vùng Hoa-thịnh-đốn qua ba bốn trào, từ thời cụ Hoàng Thế Phiệt sang đến thời tôi rồi đến thời Luật-sư Bùi Nhật Huy làm chủ-tịch.  Khi một số anh em thấy cần phải làm mạnh hơn và lập ra Vietnam Helsinki Committee, Toại cũng đứng ngay vào trong hàng ngũ với Nguyễn Tự Cường, Trần Tử Thanh, Đặng Đình Khiết, NNB, và cụ Hùynh Thanh Hưng.  (….)
Đến khi phong trào thuyền-nhân lên cao, buộc thế-giới phải có một hội-nghị quốc-tế lớn ở Genève để ra tay cứu giúp (tháng 6/1979), Toại-Lan và cả cháu Đạt lúc bấy giờ còn ngồi trong "baby stroller" cũng xuống đường như ai, biểu tình trước Tòa Bạch Ốc, trước Bộ Ngoại-giao, trước Tòa Đại-sứ Anh, v.v.  (….)     
Với cái máu làm tin không bỏ được, khi Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia, tắt là RFA) được thành-lập, và khi Ban Việt-ngữ bắt đầu phát thanh về Việt-nam (ngày 5/2/1997), không lạ là Ngô Vương Toại cũng có mặt ở trong ê-kíp đầu tiên của Ban. Và anh sẽ còn ở đây đến năm 2005, hai năm sau khi tôi về nghỉ hưu vào đầu tháng 7/2003.  Anh chỉ nghỉ khi bệnh-tình (tiểu-đường nặng) không cho phép anh tiếp-tục được nữa.
Thời-gian tám năm hơn ở RFA, Toại là phát-ngôn-viên song với khả-năng viết xã-luận rất nhanh và sắc bén dưới bút-hiệu Phạm Điền, anh đã đóng góp không ít bài sâu sắc về thời-sự, làm tăng sự uy-tín của Đài đối với các thính-giả ở trong nước.
(…)   Toại ơi, Toại ra đi nhưng lý-tưởng của Toại, lý-tưởng mà cả một dân-tộc nhắm tới, Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho hơn 90 triệu dân Việt thì không thể chết được, lý-tưởng đó bất diệt!
Và đó có lẽ sẽ là lần phục-sinh cuối cùng của một con người yêu dân, yêu nước mang tên... NGÔ VƯƠNG TOẠI!  Toại ơi, Vĩnh-biệt!
 (Trích “Toại ơi!” của Nguyễn Ngọc Bích)
                                          XXXXX
Để cho được đầy đủ về “con người yêu dân, yêu nước” bị Cộng Sản giết hụt như thế nào, xin trích thêm của nhà báo Phạm Trần:
“Sinh viên Ngô Vương Toại – Giữa cái sống và cái chết”
Đó là Tựa đề một bản tin của hãng TV (Tin Việt) viết ngày 18/11/1967 được các báo ở Sài Gòn đăng tải, hai ngày sau khi sinh viên Ngô Vượng Toại bị đặc công Cộng sản bắn trọng thương tại Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn.
Toại bị bắn vào dạ dầy, rách 4 đoạn ruột ở tuổi 20 nhưng anh đã được cứu sống để tiếp tục đấu tranh không ngơi nghỉ trên mặt trận báo chí-truyền thông và chính trị thêm 8 năm sau đó ở miền Nam và cho đến khi sức khỏe cạn kiệt ở tuổi 67 ở Hoa Kỳ (Ngô Vương Toại – Một thời khó quên, của  Phạm Trần). 
Riêng chúng tôi cầu nguyện người ra đi sớm về nước Chúa, còn người ở lại đừng quên chúng ta đã mất Ngô Vương Toại, một nhân vật trong số người có công trong việc đem Cờ Vàng VNCH đã bị hạ năm 1975 dựng lại tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngay năm 1976. Hi vọng nếu chúng ta tiếp tục đoàn kết trẻ già, và hòa đồng tôn giáo như xưa thì Cờ Vàng sẽ ngạo nghễ tung bay về cố đô Sàigòn.
Mùa Quốc Hận, 28/4/2014
Nguyễn Việt Nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét