Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Bà Ngô Đình Nhu qua đời ở Ý

Sunday, April 24, 2011 8:30:21 PM



Bà Ngô Đình Nhu. (Hình: LS Trương Phú Thứ gởi cho Người Việt)

ROME (NV) - Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân, cựu Đệ Nhất Phu Nhân Việt Nam Cộng Hòa, qua đời hồi 2 giờ sáng Chủ nhật, trùng ngày lễ Phục Sinh 2011, tại một bệnh viện ở Rome, Ý, theo một nguồn tin thân cận với bà.

Luật sư Trương Phú Thứ, người duy nhất phỏng vấn bà Nhu thời gian sau chiến tranh, và đang liên lạc với bà Nhu thường xuyên để thực hiện cuốn hồi ký của bà, loan báo tin này qua email hôm Chủ Nhật.

Bà Ngô Đình Nhu "trút hơi thở cuối cùng thanh thản và an bình với tất cả các con và cháu nội ngoại quây quần bên giường bệnh," theo tin của Luật sư Trương Phú Thứ. "Bà đã nhận lãnh các phép bí tích cuối cùng với tràn đầy ân sủng của Chúa Phục Sinh."

Bà Nhu, sinh năm 1924, là quả phụ ông Ngô Đình Nhu, em trai và cố vấn Tổng thống Ngô Đình Diệm. Vì Tổng thống Diệm không có gia đình, bà Nhu được xem là Đệ Nhất Phu Nhân Việt Nam Cộng Hòa.

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức quý tộc, bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, tốt nghiệp tú tài Pháp. Thân mẫu bà là cháu ngoại vua Đồng Khánh; thân phụ bà là Luật sư Trần Văn Chương, sau này là đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ.

Năm 1943, bà kết hôn với ông Ngô Đình Nhu, và chuyển sang đạo Công Giáo. Bà lấy tên thánh là Maria.

Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bà Nhu là Dân biểu, chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới. Tuy nhiên, nhiều lời phát biểu của bà trên báo chí và một số hành động khác của bà bị cho là góp phần gia tăng sự bất mãn, dẫn tới cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963.

Vào lúc cuộc đảo chánh xảy ra, bà Nhu và trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy đang công du Hoa Kỳ để vận động công chúng Mỹ ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa. Sau đảo chánh, bà không về lại Việt Nam.

Bà có bốn người con, hai trai hai gái, trong đó trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy đã thiệt mạng năm 1968 trong một tai nạn giao thông ở Paris.

CHUYỆN TRÒ VỚI BÀ NGÔ ĐÌNH NHU

Tôi đến thăm Bà Ngô Đình Nhu vào lúc 2 giờ trưa ngày 16 tháng 3 năm 2002 tại kinh thành Paris của nước Pháp. Nắng êm dịu vừa lên sau buổi sáng ẩm ướt của những ngày đầu Xuân và Paris thì lúc nào cũng chật ních những người và xe. Thành phố có cả một kho tàng bảo vật và huyền thoại. Ở đây người đi bộ đầy đường với những tiệm ăn và quán cà phê nối tiếp chạy dài cả dẫy phố. Người Paris nhàn hạ và ham muốn hưởng thụ, chậm chạp nhưng thon thẻ hơn người Seattle. Cuộc sống thư giãn chậm chạp của những ông Tây bà Đầm là niềm ước mơ của những người luôn phải vội vã lập cập với tốc độ từ sáng sớm đến nửa đêm ở Cali hay Texas.

Hình Bà Nhu trên bìa Báo Time Aug 9, 1963
Bà Nhu ở một mình trong một đơn vị gia cư (apartment) của một toà nhà mới xây gần tháp Eiffel. Nói là mới để phân biệt với những chung cư san sát ở Paris đã được xây cất cả đến vài ba thế kỷ với những đường nét hoa văn cổ kính. Chung cư Bà Nhu ở có những nét kiến trúc đương đại giống như một cái hộp khổng lồ bằng kính, có lẽ đã được tạo dựng từ 30 đến 40 năm. Bà Nhu là sở hữu chủ hai (02) đơn vị gia cư ở trên tầng lầu thứ 11 của toà nhà cao tầng ở khu vực có địa thế rất đẹp và đắt tiền nhất thủ đô Paris, ngay giữa cái nôi của văn hoá và chính trị thế giới. Nơi đây một tấc đất chẳng biết giá tới mấy chục hay mấy trăm tấc vàng. Cả vùng này hầu như là nơi cư ngụ của các nhân viên và phái đoàn ngoại giao trên đất Pháp. Bà Nhu ở một đơn vị và cái thứ hai cho thuê để lấy tiền sinh sống. Đó là lợi tức duy nhất của Bà, cũng tiệm tạm đủ sống và không cần nhờ vả đến các con. Bà sống ẩn dật, đi về lẻ loi thầm lặng đến nỗi một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt quốc gia ở Paris là cựu Trung Tướng Trần Văn Trung vẫn nghĩ là Bà Nhu sống ở bên Ý.

Trên đường đến thăm Bà Nhu, tôi vẽ ra trong đầu óc qua hình ảnh cuả những chung cư đắt tiền ở New York hay San Francisco đã xem trên những tạp chí chuyên về địa ốc ở Mỹ và nghĩ là nơi cư ngụ của Bà Nhu chắc phải sang trọng lắm. Những apartment của Jacqueline Kennedy hay John Lennon ở New York và của các tay tài phiệt ở San Francisco gợi cho tôi một náo nức mong chờ. Các cụ mình ngày xưa vẫn nói “ăn cơm Tầu, ở nhà Tây” thì chắc là đã có một so sánh cẩn trọng. Tôi bước đi vội vàng với những lung linh nơi lãnh điạ của giới thượng lưu. Những dòng họ quý tộc từ bao nhiêu đời cấu trúc nên vẻ hào nhoáng phong nhã của kinh thành Anh Sáng và dân cư ngụ dù ở chân trời góc biển nào lưu lạc tới đây cũng được nhận lãnh ấn tích của người Paris.



Chiếc thang máy nhỏ hẹp vừa đủ chỗ đứng cho một ông Mỹ quá khổ đưa tôi lên tầng thứ mười một của toà nhà cao tầng. Bà Nhu mở cửa đón khách trong chiếc áo kimono Nhật mầu xanh nước biển, khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng với giọng nói đặc Huế. Bà đón tôi trong một tư thái rất chánh trị, không vồn vã mà cũng chẳng quá lạnh nhạt. Bà Nhu sắp vào tuổi 80 nhưng rất khoẻ mạnh. Bà đi đứng nhanh nhẹn, lưng thẳng, đôi mắt to và sáng. Có người nói từ năm 1963 đến nay Bà chẳng già đi chút nào. Thật ra đó chỉ là một lối nói để diễn tả sức khoẻ sung mãn của một người tuy đã nhiều tuổi đời nhưng vẫn giữ dược vóc dáng linh hoạt và nét mặt không có những nếp nhăn theo thời gian. Tuy nhiên “cái già” cũng vất vưởng đâu đó trên khoé mắt vành môi. Khi Bà cười thì khuôn mặt trông rất tươi trẻ phô bầy bộ răng trắng vẫn còn đầy đủ trong tình trạng hoàn hảo.

Chỗ ở của Bà Nhu tuy không nghèo nàn nhưng chẳng có gì đáng nói, ngay cả không bằng cái apartment mà tôi thuê mướn ở ngoại ô thành phố Seattle vào mùa Đông năm 1975 khi vừa đến Mỹ. Đơn vị gia cư của Bà Nhu rất tầm thường, giống như những apartment rẻ tiền ở Mỹ với hai phòng ngủ và một diện tích nhỏ làm phòng khách. Phía tay trái lối đi từ cửa ra vào là nhà bếp. Trên tường phòng khách treo vài khung hình lớn có những tấm hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đức Cha Ngô Đình Thục, Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, cô trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy và nhiều người thân tộc đã quá vãng. Khoảng trống phía bên tay phải là phòng khách có một bộ xa-lông, bên cạnh kê bàn ăn với 6 cái ghế. Bộ bàn ghế này và vài cái tủ nhỏ kê ngoài phòng khách làm bằng gỗ gụ mầu đen với những nét chạm trổ Việt Nam quen thuộc. Bà Nhu cho biết trước kia thân sinh là Ông Bà Trần Văn Chương có một apartment ở Paris và những đồ đạc này được mang từ Việt Nam qua, lâu lắm rồi. Khi hai cụ thân sinh bán cái apartment đi thì cho Bà Nhu bộ bàn ăn và hai cái tủ nhỏ này. Tôi đã đọc mấy bài báo nói về khiếu thẩm mỹ của Bà Nhu qua việc sắp xếp và trang hoàng Dinh Độc Lập. Giờ này được đứng ngay giữa cơ ngơi của riêng Bà mà chẳng thấy một “công trình” nào xem cho bắt mắt, có thể vì điều kiện tài chánh hay thời trưng diện của Bà đã qua.

Ông Ngô Đình Nhu
Đứng ở nhà bếp nhìn ra ngoài có cảm tưởng như tháp Effeil sát ngay bên cạnh khung cửa kính. Tôi tiếc thầm, phải như phòng khách mà được xếp đặt ở chỗ này thì đẹp biết bao. Ngồi đây nhâm nhi ly cà phê nhìn thiên hạ từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến chân tháp chờ lên thang máy nhìn cả kinh thành Paris. Ngày như đêm lúc nào cũng là hội hè đình đám. “Vui với cái vui của thiên hạ” chắc lòng mình cũng phần nào đỡ trống trải. Có lẽ cũng vì vậy mà phòng ngủ bên cạnh nhà bếp có kê một bộ xa-lông để bù đắp lại sự thiếu sót to lớn của người thiết kế khu chung cư. Phòng ngủ thứ hai là chỗ làm việc của Bà Nhu với đủ loại sách báo. Cả đơn vị gia cư của một người sống lẻ loi một mình không có đến một cái giường nhỏ. Buổi tối Bà Nhu trải một cái chăn trên nền nhà, ở một chỗ nào đó trong “căn hộ” nhỏ hẹp để nghỉ qua đêm. Bà không ngủ trên giường nệm nên mặc dầu đã lớn tuổi mà vẫn giữ được lưng thẳng và đi đứng nhanh nhẹn mạnh dạn.

Bà Nhu mời tôi ngồi trên một cái ghế ngay đầu bàn ăn cạnh khu phòng khách. Bà ngồi ghế đối diện, chân trái gác lên một chiếc ghế thấp hơn. Bà nói kỳ này khí hậu thay đổi bất thường nên cái chân hơi bị đau vì vết thương ngaỳ trước. Bà Nhu bị gẫy chân trái trong vụ hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 27 tháng 2 năm 1962. Sau này Bà đang đi bộ thì trượt chân ngã và cũng cái chân trái này bị gẫy lần thứ hai. Mặc dầu Bà không gặp khó khăn gì khi đi đứng nhưng đôi khi cũng thấy khó chịu.

Đối với tôi đây chỉ là một cuộc thăm viếng thường tình giữa người đồng hương nơi xứ lạ. Tôi không có ý định phỏng vấn Bà Nhu và chắc chắn Bà sẽ không được tự nhiên, thoải mái khi phải đóng khung trong những câu hỏi của một cuộc phỏng vấn. Phần khác tôi cũng không muốn khơi lại những đau thương mà Bà phải gánh chịu trong cơn bão táp lịch sử và bể oan cừu cay nghiệt của cuộc đời. Tôi muốn cuộc thăm viếng không bị gò bó và trói buộc vào một chủ đề đồng thời cũng không muốn tìm tòi những gì mà cá nhân tôi và rất nhiều người được nghe đủ loại chuyện tốt xấu về Bà mà chẳng biết hư thực ra sao, và từ những mù mờ đó đã có biết bao câu hỏi về một người đàn bà một thời xe ngựa thênh thang. Tôi muốn câu chuyện được tự nhiên và để Bà chủ động bất cứ những gì Bà muốn nói. Tôi có thể dùng những tiểu xảo của kỹ thuật phỏng vấn “gài” Bà vào những sơ hở để thoả mãn những gì tôi muốn biết hoặc chỉ nghe đồn thổi. Tôi đã không làm như vậy vì lòng kính trọng đối với Bà và lương tâm ngay lành của tôi.

Tôi mở đầu câu chuyện bằng mấy lời xã giao thông thường, kính chúc Bà luôn được mạnh khoẻ an vui. Bà bắt đầu nói về lai lịch nơi hiện cư ngụ. Rất nhiều người biết qua báo chí chuyện một người Pháp giầu có biếu Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục một món tiền lớn và Đức Cha Thục đã cho Bà Nhu để mua một đơn vị gia cư trong toà nhà cao tầng này và sau đó Bà dành dụm mua thêm được một đơn vị nữa. Sự thật không phải như vậy. Bà Nhu trực tiếp nhận được một số tiền rất lớn từ một vị ân nhân ẩn danh. Có tiền trong tay, Bà đã nhờ một cựu bộ trưởng thời chính phủ De Gaulle giúp mua liền một lúc hai đơn vị gia cư này. Vào những năm mà người Việt vượt biển ra đi một cách rầm rộ gần như công khai, Bà Nhu cho mấy thanh niên mới bơ vơ đến Pháp tạm trú ở đơn vị gia cư thứ hai và không lấy tiền thuê mướn hay bất cứ chi phí điện nước nào cả. Một thời gian sau những thanh niên này tìm được thân nhân hay vì nhu cầu công việc ra đi tạo lập đời sống mới thì Bà Nhu cho một nhà ngoại giao Nhật Bản thuê mướn cho đến ngày nay. Vị ân nhân tặng Bà Nhu số tiền kếch xù đó là Bà Capaci, một cư dân thành Milan nước Ý và cũng là một trong bẩy người phụ nữ giầu nhất thế giới. Bà Nhu chưa được một lần gặp vị ân nhân này và mãi đến bốn năm sau khi Bà Capaci tạ thế Bà Nhu mới được biết tên cũng như thanh thế và sự nghiệp của người đã gia ân cho mình.

Trên bức tường ngăn phòng khách và nhà bếp có treo tấm hình đen trắng ngôi nhà của Ông Bà Nhu ở Đà Lạt, tôi kể cho Bà nghe chuyến đi về Việt Nam nhân dịp Tết Tân Tỵ, lần đầu tiên sau 26 năm vội vã ra đi lánh nạn cộng sản. Tôi đã đi Đà Lạt, ghé lại thăm ngôi nhà xưa của thời trung học, bước qua đường đứng nhìn nhà Ông Bà Nhu một lúc lâu. Ngôi nhà của Ông Bà Nhu hiện không có người ở nhưng được bảo quản khá tốt, không thấy những đổ vỡ hoang tàn vì thời gian hay qua những biến động. Hiện nay Bà Nhu không ý định về thăm Việt Nam mặc dầu Bà được nhà cầm quyền Hà Nội đánh tiếng cho biết là nếu Bà muốn về thì cũng chẳng có trở ngại gì. Những kỷ niệm về một nơi chốn thân thương xa xưa gợi lại miền ký ức dấu ái, Bà nói “tôi gặp Ông Cố Vấn năm 16 tuổi, đến năm 18 tuổi thì làm đám cưới”. Bà có vẻ buồn khi nói đến ngôi nhà ở Đà Lạt. Một vùng trời mộng mơ với những kỷ niệm của ngày tháng êm đềm nơi xứ sương mù vẫn còn vương vất đâu đây.

Bà Nhu và con gái Ngô Đình Lệ Thủy
Khi nói về những người con thì Bà Nhu có vẻ bằng lòng với chút hãnh diện. Tôi cố tình không hỏi han gì về trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy đã bị chết thảm trong một tai nạn xe cộ trên xa lộ vòng đai của Paris. Rất có thể đây là một âm mưu quốc tế còn nhiều nghi vấn chưa được sáng tỏ và tôi cũng không muốn khơi lại những kỷ niệm đau buồn để rồi những giọt nước mắt của bà mẹ lại một lần nữa ướt đẫm trên khuôn mặt đã có quá nhiều khổ đau. Ông con trai lớn Ngô Đình Trác tốt nghiệp kỹ sư canh nông, năm nay cũng đã 55 tuổi, lấy vợ người Ý và có bốn con, ba trai một gái. Bà Nhu nói về những đứa cháu nội, con trai của Ông Trác, trong niềm vui “cao một mét tám, to lớn và đẹp trai lắm”. Vợ Ông Trác thuộc giòng dõi qúy tộc rất giầu có. Ông Trác rất đam mê công việc trồng trọt chăn nuôi và đã chế tạo được nhiều dụng cụ nông cơ thích hợp cho việc canh tác những thửa đất nhỏ. Gia đình Ông Trác sỡ hữu một biệt thự to và rất đẹp trong nội thành La Mã. Ngôi biệt thự này có cách cấu trúc và dáng dấp như một tu viện. Bà Nhu đã ở đây nhiều năm nên rất nhiều người lầm tưởng rằng Bà đã tá túc ở một tu viện Công giáo trong khoảng thời gian dài.

Người con trai thứ hai là Ngô Đình Quỳnh cũng đã trên 50 tuổi, tốt nghiệp trường E.S.E.C (Ecole Superieure de l’Economie et du Commerce) chứ không phải trường H.E.C (Hautes Etudes Commerciales) như rất nhiều báo chí và sách vở đã sai lầm. E.S.E.C là trường tư đào tạo các chuyên gia kinh tế và tài chánh cao cấp, có học trình gay gắt và học phí rất cao. Sinh viên được nhận vào học trường này phải vượt qua những cuộc thi cử cam go và sau khi tốt nghiệp được các cơ quan kinh tế và tài chánh trên toàn thế giới trọng vọng. Khi Ngô Đình Quỳnh học trường này, Bà Nhu đã không đủ khả năng trả học phí nên phải làm giấy xin nợ tiền học. Hiện Ông Quỳnh làm đại diện thương mại cho một số công ty Hoa Kỳ ở Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Ông Quỳnh không lập gia đình. Bà Nhu cười nói “Ông Quỳnh giống Ông Bác”, hàm ý sống độc thân như Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đang lúc tôi nói chuyện với bà Nhu thì một thiếu nữ người Pháp gõ cửa buớc vào với một xấp hình trên tay. Cô bé 17 tuổi này vừa trở về sau chuyến đi làm công việc thiện nguyện giúp các thanh nữ Phi Luật Tân bị bệnh AIDS. Tất cả chi phí cho chuyến đi của cô bé này do Ông Ngô Đình Quỳnh đài thọ. Cô bé có những lọn tóc mầu hạt dẻ khoe những tấm hình chụp chung với các nạn nhân của căn bệnh thời đại và ước mong sẽ được trở lại thủ đô của nước Phi Luật Tân để tiếp tục công việc bác ái. Bà Nhu nói ông Quỳnh sống đạm bạc và rất tích cực trong những hoạt động từ thiện nên ước vọng của cô bé chẳng phải là một giấc mơ.

Cô con gái út Ngô Đình Lệ Quyên có bằng tiến sĩ Luật từ trường đại học Roma. Lệ Quyên là một luật gia ngành Công Pháp rất nổi tiếng nhưng chỉ được mời thỉnh giảng và tham luận ở phân khoa Luật của đại học Roma mà thôi. Lý do đơn giản là Lệ Quyên không chịu vào quốc tịch Ý. Luật lệ nước Ý lại không cho phép những người không có quốc tịch được thủ đắc hàm giáo sư và do vậy không được quyền giảng dậy một cách chính thức trong học trình. Lệ Quyên thường xuyên được mời dự các hội nghị quốc tế và có nhiều bài tham luận xuất sắc làm sửng sốt các “cây đại thụ” của ngành công pháp thế giới. Lệ Quyên có chồng người Ý nhưng đứa con trai 7 tuổi lại chính thức mang họ mẹ trên giấy tờ hộ tịch. Bà Nhu hãnh diện nói tên cháu bé là Ngô Đình Sơn, một tự hào dòng họ hay là sự giữ gìn gốc rễ gia tộc.



Mỗi buổi sáng sớm, bất kể thời tiết, Bà Nhu đều “xuống đường” đi bộ chừng độ 10 phút đến nhà thờ Saint Leon dâng thánh lễ hằng ngày. Cũng tại ngôi thánh đường này, lần đầu tiên vào tuần lễ đầu tháng 11 năm 2001, Bà Nhu tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thông thường sau thánh lễ Bà ở lại giúp dọn dẹp nhà thờ và xếp đặt trưng bầy hoa nến. Ngày chúa nhật Bà phụ trách dậy lớp thánh kinh cho các trẻ nhỏ. Bà gia nhập đạo công giáo khi lập gia đình nhưng lúc thiếu thời được giáo dục trong các trường công giáo nên có thể nói là Bà đã lớn lên và trưởng thành trong tín lý của đạo Chúa. Trong câu chuyện, Bà Nhu nhiều lần biểu lộ đức tin tuyệt đối nơi sự an bài của Thiên Chúa. Bà đặt niềm cậy trông và phó mặc tất cả mọi sự vui buồn, may rủi vào sự xếp đặt và định đoạt của Đấng Tối Cao. Khi nghe tôi nói có thân nhân đang bị bệnh và rất muốn trở về Mỹ sớm hơn, Bà Nhu đi vào phòng làm việc lấy cho tôi một tượng ảnh Đức Mẹ Maria đúc bằng kẽm to hơn đồng một xu mỹ kim. Bà nói mang tượng ảnh về cho bệnh nhân thì Đức Mẹ sẽ cứu giúp và chữa khỏi. Tôi nghĩ là vì có đức tin mạnh mẽ như vậy nên Bà đã vượt qua được bao cơn sóng gió ba đào mà sống mạnh khoẻ đến ngày nay.

Trên đường từ nhà thờ về Bà Nhu cũng thỉnh thoảng ghé lại tiệm bán hoa và cây cảnh mua vài bông hoa hay một chậu cảnh trang hoàng trong nhà. Ít khi Bà phải nấu nướng vì ăn rất ít và những bà bạn người Pháp thường mang đồ ăn đến cho nên cũng chẳng bận rộn gì việc bếp núc. Trước kia tôi nghe có người nói Bà Nhu chỉ ăn qua loa, hai ba lần một tuần. Tôi nghĩ là nếu ăn uống như vậy thì làm sao mà…thở được. Bây giờ tôi nghe chính Bà Nhu nói “hai ngày nay tôi chưa ăn gì cả, vì tôi không ăn nên không có bệnh”. Các vị tu sĩ An Độ giáo rất ít khi ăn uống nhưng người nào cũng mạnh khoẻ và sống lâu trăm tuổi. Ở các nước Âu Mỹ đa phần người ta chết vì ăn chứ có ai chết vì đói.

Bà Nhu hầu như không đi sắm sửa quần áo giầy dép. Mỗi năm một bà bạn người Nhật gửi qua cho vài cái áo kimono đủ mặc trong nhà, có việc đi đâu thì mặc mấy cái quần áo cũ cũng còn tạm được. Nói đến quần áo Bà có vẻ đăm chiêu “ở Sài Gòn nóng quá nên tôi mặc áo dài hở cổ, Tổng Thống không bằng lòng”. Chiếc áo dài hở cổ được đặt tên là “kiểu áo Bà Nhu” đã một thời là “mốt” của các thiếu nữ Sài Gòn và cũng là một đề tài xôn xao của những người vô công rồi nghề. Bà kể chuyện trước kia phải đại diện chính phủ tiếp đón phu nhân các vị quốc khách mà chẳng có đến một món trang sức nên thấy thiếu sót. Nhân có bà vợ một ông bộ trưởng muốn bán mấy món đồ trang sức làm bằng đá đỏ (ruby), Bà Nhu có trình và xin Tổng Thống số tiền sáu ngàn đồng bạc Việt Nam để mua lại. Tổng Thống nghe lời giãi bầy cũng hợp lý nhưng yêu cầu người bán phải viết một tờ giấy biên nhận với đầy đủ lai lịch của những món đồ trang sức này. Bà Nhu nói đó là lần duy nhất Tổng Thống cho tiền và cũng chẳng còn nhớ những đồ trang sức đó bây giờ thất lạc nơi đâu.

Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng Bà Nhu cũng đề cập đến những diễn biến chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu. Bà có những phân tích, lượng giá vấn đề một cách chi tiết và hợp lý đồng thời đưa ra những kết luận làm người nghe dễ dàng bị thuyết phục. Điều này chứng tỏ tuy sống khép mình trong một căn phòng nhỏ bé nhưng Bà vẫn theo dõi thời cuộc một cách cẩn thận. Bà vẫn còn giữ những liên lạc cần thiết với giới ngoại giao quốc tế trong một giới hạn cẩn trọng. Nhớ lại Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới năm xưa, Bà nắm hai tay ngước mắt nhìn lên trần nhà nói bằng tiếng Pháp “phụ nữ phải được giải phóng, phụ nữ phải được tôn trọng”. Giấc mơ của Bà là người phụ nữ phải có chỗ đứng và tiếng nói trong xã hội. Ước vọng của Bà là người phụ nữ phải có những cơ hội thuận tiện để thăng tiến trong mọi lãnh vực của đời sống. Tiếng nói của Bà rõ ràng, chắc nịch, lên xuống với những cảm xúc làm người nghe rất dễ bị lôi cuốn rồi nhiệt tình ủng hộ.

Bà Nhu và TT Hoa Kỳ Johnson (tháng 5, 1961)
Trong cả một buổi chiều, lúc nói chuyện này và đột nhiên nói sang chuyện khác nhưng Bà không hề đả động gì đến nước Mỹ, mặc dầu Bà biết tôi đến từ một tiểu bang ở vùng Tây Bắc nước Mỹ. Nhiều người nói Bà Nhu căm thù Mỹ lắm vì những sai lầm trong chính sách đối với Việt Nam và nhất là đối với Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam. Vào những ngày tháng cuối năm 1963, cả thế giới đã kinh ngạc nghe và nhìn Bà Nhu mạt sát nước Mỹ và những nhà lãnh đạo của siêu cường này ở tại một địa điểm chỉ cách Toà Bạch Oc một quãng đường. Tôi nghĩ là Bà đã không còn mang những “hận thù” đó trong tim óc nữa và thưc sự muốn quên hết để mọi chuyện nhẹ nhàng đi vào lịch sử. Bà kể chuyện vào mùa Xuân năm 1975, sau khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hoà, hệ thống truyền thanh NBC của Mỹ có xin phỏng vấn trong 30 phút. Lý do Bà chấp nhận lời yêu cầu của NBC và đòi mười ngàn (10,000) mỹ kim thù lao cộng với hai vé máy bay khứ hồi hạng nhất Paris – Washington DC, vì lúc đó Lệ Quyên rất nhớ và muốn đi gặp ông bà ngoại. Bà Nhu không có tiền trang trải cho chuyến đi nhưng vì thương con nên bằng lòng trả lời cuộc phỏng vấn để có tiền đưa con gái đi gặp Ông Bà Trần Văn Chương ở thủ đô của nước Mỹ. Đối với một tổ hợp truyền thông to lớn như NBC thì những điều kiện đó thật quá nhỏ bé và họ đã vội vàng thực hiện cuộc phỏng vấn. Đó là lần duy nhất Bà đi Mỹ và cũng là lần duy nhất Bà tiếp xúc với giới truyền thông quốc tế sau năm 1963. Ngoài ra Bà chưa từng gặp gỡ hoặc tiếp xúc với báo giới Việt ngữ dưới bất cứ hình thức nào. Trong quá khứ đã có vài tờ báo ở Đức quốc và California đăng tải bài phỏng vấn Bà Ngô Đình Nhu. Tất cả những bài “phỏng vấn” đó đều là những ngụy tạo mà độc giả rất dễ dàng nhận ra tính chất giả dối và bịa đặt của người viết.

Bà Nhu cũng không nói gì về vụ phản loạn 1-11-1963 và những người được ngoại bang thuê mướn sát hại chồng Bà. Tôi có nói xa gần đến đám quân nhân phản lọan để dò xét phản ứng của Bà nhưng không trông chờ ở một sự tức giận thường tình của một con người vì thời gian đến gần 40 năm cũng đã làm nguôi ngoai cơn thịnh nộ. Bà có vẻ buồn, nhìn qua khung cửa sổ nói một cách nhỏ nhẹ bằng tiếng Anh “đó là một bọn ngu dốt”.

Đồng hồ chỉ tám giờ rưỡi tối. Những ngọn đèn của Paris kết nối làm thành một biển ánh sáng và thành phố đã bắt đầu đi vào cuộc sống ban đêm. Hơn sáu giờ đồng hồ ngồi nói chuyện, tôi đã uống hết hai ly nước bưởi to nhưng tuyệt nhiên không thấy Bà Nhu uống một chút nước nào. Tôi sợ ngồi lâu quá Bà sẽ mệt mỏi nhưng thực sự thì chính tôi là người đã thấm mệt. Bà Nhu không tỏ ra mệt mỏi hay có một dấu hiệu nào biểu hiện sự rã rời sau một buổi chiều dài chuyện trò. Trước khi tôi xin cáo từ Bà Nhu có nói đến cuốn sách của Bà. Theo chỗ tôi được biết thì cuốn sách này sẽ được phát hành cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới bằng bốn thứ ngôn ngữ: Việt Nam, Anh, Pháp và Ý. Bà viết bằng tiếng Pháp và tự dịch sang tiếng Anh và Ý. Bản dịch tiếng Việt đang trong giai đoạn nửa chừng. Cũng vì vậy mà tôi hạn chế bài viết này trong một kích thước vừa đủ, những gì độc giả muốn biết hay những gì gọi là “bí mật lịch sử” sẽ rất có thể được nói đến hoặc phân giải trong cuốn sách mà rất nhiều người đang chờ đợi.

Tôi bước ra chỗ thang máy để xuống phố lang thang với người Paris mà trong lòng xôn xao niềm vui vì không ngờ một “bà cụ” gần 80 tuổi đã vật vã với bao sóng gió phũ phàng của cuộc đời mà lại còn có một sức khoẻ thật sung mãn, trí óc minh mẫn đến như thế. Ở vào tuổi đời như vậy mà còn giữ được thể chất và tinh thần trong một tình trạng gần như lý tưởng thì thật là hiếm có. Bà Nhu đã thực sự lánh xa những tục lụy phù phiếm của trần gian. Bà sống trong hơi thở nhịp tim cũa đời sống tận hiến và phó dâng với niềm cậy trông tuyệt đối nơi sự quan phòng của Đấng Tạo Hoá. Tôi cầu chúc Bà luôn mạnh khoẻ, an vui.

Trương Phú Thứ 11/9/2007

TRƯƠNG PHÚ THỨ: "Hồi ký" của Bà Ngô Đình Nhu
27.01.2010 22:02

Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi qua những lần gặp gỡ, điện thư, điện thọai về “hồi ký’ của Bà Ngô Đình Nhu. Người nào cũng hỏi là bao giờ ‘hồi ký” của Bà Nhu được phát hành và nếu đã có bầy bán rồi thì mua ở đâu? Ngay cả một ‘sử gia chân chính” đã từng viết trong “chính sử” rằng Bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim, hai cái thương xá ở Paris và một đồn điền ở Ba Tây cũng có câu hỏi như vậy.

Ai cũng muốn biết cuộc đời công và tư của Bà Nhu như thế nào. Bà làm gì và sống ra sao từ năm 1963 cho đến ngày hôm nay. Nhiều người cũng còn tò mò muốn biết cuộc sống tình cảm của một góa phụ nổi tiếng và xinh đẹp có gì vui buồn không?

Năm nay Bà Nhu đã trên tám mươi tuổi và bà đả xa lìa cuộc sống với những thăng trầm đã gần nửa thế kỷ. Bà đã thực sự xa lánh những phù phiếm ảo ảnh của trần thế. Bà sống đơn độc nghèo khó như một người tu hành. Đã từ hai năm nay bà không còn đi nhà thờ mỗi buổi sáng nữa vì đau chân. Tuổi già với những giới hạn về sức khỏe và đủ mọi lọai bệnh tật chẳng trừ một ai. Tuy vậy bà vẫn còn khỏe mạnh hơn đa số những người cùng lứa tuổi.

Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều người còn có những câu hỏi thật vô lối về Bà Nhu, như số tiền mười bẩy tỷ Mỹ kim bây giờ còn bao nhiêu và cất giữ ở đâu? Sau khi Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát thì bà có mối tình nào không? Tiền và tình luôn luôn là những câu hỏi và vì không có những câu trả lời nên mỗi người tin tưởng theo những cảm tình và nhận định khác nhau. Do vậy ai cũng trông chờ “hồi ký” do chính Bà Nhu viết sẽ giải tỏa những thắc mắc đó.

Click the image to open in full size.

Một nhà báo ở trong nước, Ông Phan Kim Thịnh, bút hiệu Lý Nhân, đã viết một cuốn sách nhan đề “Trần Lệ Xuân Giấc Mộng Chính Trường”. Cuốn sách được nhà xuất bản Công An Nhân Dân phát hành và đã được in lại đến ba lần chỉ trong vòng hai tháng. Như vậy thì vẫn còn biết bao người yêu kẻ ghét Bà Nhu. Quyển sách cũng chẳng có gì mới lạ. Tác giả chỉ thu góp lại những tài liệu trên báo chí và cô đọng lại thành một tập sách nhưng cũng đã lôi cuốn được rất nhiều người đọc. Tất nhiên là những tài liệu trên báo chí do nhiều người viết một cách vội vã theo nhu cầu tin tức đã có rất nhiều sai trái, nhiều khi bịa đặt trắng trợn.

Bà Nhu có viết “hồi ký” không? Câu trả lời chắc chắn và rõ ràng nhất là KHÔNG, hoàn toàn không có cái gọi là “hồi ký Bà Nhu” như nhiều lời đồn đại và cũng là trông chờ của nhiều người.

Năm 1963, thế giới có hai người góa phụ trẻ và xinh đẹp là Bà Jacqueline Kennedy và Bà Ngô Đình Nhu. Hai góa phụ này luôn luôn là những tâm điểm của báo giới quốc tế. Một tiềng nói, một bước đi của Bà Kennedy hay của Bà Nhu cũng là một đề tài nóng sốt sôi nổi. Bà Kennedy đã trải qua nhiều cuộc tình và chính thức kết hôn với tỷ phú người Hy Lạp Onassis. Những hình ảnh của Bà Kennedy với nhiều người đàn ông khác nhau đầy rẫy trên báo chí. Cuộc sống của Bà Kennedy chưa thể nói là quá vương giả nhưng cũng thật nhung lụa. Một góa phụ có bạn trai hay lấy chồng, đối với người Âu Mỹ là một chuyện rất bình thường. Bà Kennedy cũng bị dư luận chỉ trích vì đôi khi đi quá giới hạn của một mệnh phụ đã từng là đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ. Ngược lại những soi mói rất tinh vi và tân tiến đôi khi thật tàn bạo của báo giới trên toàn cầu đã không đưa ra được một hình ảnh dù rất nhỏ nhoi về những cái gọi là chuyện tình của góa phụ Ngô Đình Nhu. Bên cạnh những luật lệ tôn giáo rất khắt khe và lễ nghĩa của người phụ nữ Việt Nam thì đối với Bà Nhu chỉ có hình ảnh của một người đàn ông là Cố vấn Ngô Đình Nhu, cho dù Ông Nhu đã ra người thiên cổ. Bà Nhu góa bụa ngay vào tuổi mặn nồng của người phụ nữ nhưng bà đã ở vậy thờ chồng nuôi con và không hề có một tai tiếng ngay cả không có những lời đồn thổi vu vơ. Bên cạnh những xung khắc chính trị, những người chống đối Bà Nhu cũng không thể nào tìm ra được một tì vết để nhạo báng nhưng lại kính trọng bà như là một người phụ nữ nền nếp đoan trang.

Chuyện tình cảm không có gì để nói tới. Chuyện tiền bạc của cải cũng chỉ là một con số không. Bà Nhu sống đơn sơ thanh bạch trong một căn phòng bầy biện giản dị. Trong phòng, ngoài cái điện thọai thì chỉ có một cái máy truyền hình mầu cỡ nhỏ 13 inches mà ở Mỹ bỏ ra ngòai bãi rác chắc chắn không ai ngó ngàng tới. Bà Nhu chẳng có gì ngòai hai căn phòng trên tầng lầu thứ mười một của một chung cư. Bà Nhu ở một căn và một căn cho thuê để lấy tiền sinh sống. Chỗ ở của Bà Nhu như một cái hộp bằng kính. Khách đứng trong căn phòng này nhìn mây bay lãng đãng ngay bên cạnh sẽ có cảm giác sợ hãi như đang bay giữa trời mây. Tiền mua hai căn phòng này là do một người Ý ẩn danh bí mật trao tặng. Bà Nhu có con dâu và con rể người Ý nên chắc hẳn có nhiều liên hệ giao tiếp với người Ý. Hơn nữa bà vợ của Ông Ngô Đình Trác, con trai lớn của Bà Nhu, là người Ý thuộc một gia đình quý tộc và rất giầu có. Chỗ ở này rất bất tiện và không thích hợp với người cao tuổi. Nếu Bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim thì với tuổi đời như vậy chắc bà cũng tìm một chỗ tiện nghi thỏai mái hơn để sống những ngày còn lại trên dương thế.

Bà Nhu không viết hồi ký và bà cũng không có gì cần phải cải chính, biện minh hay tâm tình. Thực sự thì trong những lúc rảnh rỗi, bà có viết nhiếu bài tạp bút. Nếu gom góp những bài tạp bút này thì cũng có thể in thành một cuốn sách dầy đến sáu trăm trang. Bà Nhu đã viết gì? Có thể nói đây là một cuốn sách đạo. Bà Nhu viết về sự hằng hữu của Thiên Chúa và đời sống tâm linh của con người. Sau ngày Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát, Bà Nhu sống gần như là một người khổ tu hết lòng trông cậy phó thác vào sự an bài và định đọat của Thiên Chúa. Bà viết nhiều về lòng thương xót của Chúa không những đối với con người mà còn đối với những tạo vật trong vũ trụ. Bà rất có lòng yêu mến và gần gũi với Đức Mẹ Maria. Bà viết về những ân sủng đã được nhận lãnh và những mầu nhiệm huyền diệu của Đức Mẹ mà bà đã được ân hưởng những phước đức từ lòng yêu mến và cậy trông Đức Mẹ. Khi được tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát thì Đức Giáo Hòang Paul Đệ Lục và các giám mục trên tòan thế giới đang họp Công đống Vatican II đã cùng dâng thánh lễ cầu nguyện cho Tổng Thống Diệm. Đó là một sự kiện vô cùng đặc biệt và Bà Nhu đã một lần duy nhất nhắc đến tên Tổng Thống Diệm trong gần sáu trăm trang giấy.

Một ông gốc lính huyênh hoang có “hồi ký” của Bà Nhu trong tay và sẽ công bố khi cần thiết. Ai cũng biết đây chỉ là một âm mưu gian giảo bịp bợm. Ông phường chèo này nếu quả thật có cái gọi là “hồi ký” của Bà Nhu thì chắc hẳn sẽ còn nhiều đòn phép láo khóet chứ không chịu ngồi yên để nghe thiên hạ mắng nhiếc chửi bới vì những lươn lẹo phản trắc lúc cưỡng chiếm được quyền hành trong một thời gian ngắn. Một sử gia chân chính thì lại quả quyết rằng các con Bà Nhu sẽ công bố cuốn “hồi ký” sau khi Bà Nhu từ trần. Ông sử gia này chắc không biết rằng Bà Nhu viết những bài tạp bút này bằng tiếng Pháp và chỉ viết về những suy tư và tâm tình tôn giáo mà thôi. Độc giả người Việt biết đọc tiếng Pháp có là bao và chắc rằng số người muốn biết về những suy tư và tâm tình đạo giáo của Bà Nhu sẽ còn ít hơn nữa. Một tập giấy gần sáu trăm trang chỉ nói về tôn giáo và đạo đức lễ nghĩa thì phát hành lúc Bà Nhu còn sống hay đã quá vãng không phải là một vấn đề phải cân nhắc.

Bài viết này là một câu trả lời rõ ràng và chắc chắn: Không, Bà Ngô Đình Nhu không viết hồi ký.

Trương Phú Thứ

GHI CHÚ [tài liệu Wikipedia]

Trần Lệ Xuân (sinh năm 1924), cũng thường được biết đến là bà Ngô Đình Nhu, là một gương mặt then chốt trong chính quyền Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa cho đến khi anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị lật đổ và ám sát năm 1963.

Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng HòaTrần Lệ Xuân sinh tại Huế (có tài liệu ghi là Hà Nội). Bà là cháu gái của vua Đồng Khánh và là con của luật sư Trần Văn Chương. Lúc nhỏ bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đậu tú tài Pháp. Năm 1943 bà kết hôn với Ngô Đình Nhu và cải sang đạo Thiên Chúa, từ bỏ đạo Phật. Bà là dân biểu, chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới, thường được gọi là “Bà Cố vấn” và được coi là Đệ nhất Phu nhân (First Lady) của Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1955 đến năm 1963 vì Tổng thống Ngô Đình Diệm không lập gia đình.

Trong thời Đệ nhất Cộng hoà của miền Nam Việt Nam, Trần Lệ Xuân bị cho là người lộng quyền. Việc Ngô Đình Diệm để cho bà cũng như Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện và người em út Ngô Đình Cẩn tham gia sâu vào việc nước tạo nên hình ảnh gia đình trị độc đoán kiểu phong kiến.

Trong sự kiện Phật Đản năm 1963, ngày 3 tháng 8 năm 1963, trong cuộc nói chuyện với phụ nữ bán quân sự, Trần Lệ Xuân lên tiếng rằng “hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội xấu xa…” Về sự tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, bà nhiều lần công khai phát biểu “Vỗ tay hoan nghênh các vụ tự thiêu, nếu ai có thiếu xăng dầu thì tôi sẽ cho” và gọi vụ tự thiêu là “nướng sư” (nguyên văn: I would clap hands at seeing another monk barbecue show). Trả lời phỏng vấn của ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân nói: “Tôi còn thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt tỉnh, không cần biết tới”. Các hành động, phát biểu thiếu cân nhắc và quá khích của bà góp phần đổ thêm dầu vào lửa dẫn đến cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hòa của Việt Nam Cộng hòa.

Trần Lệ Xuân cũng là người khởi xướng kiểu áo dài cổ thuyền, khoét sâu (mà dân chúng vẫn gọi nôm na là “áo dài Trần Lệ Xuân”) tạo ra một làn sóng thời trang áo dài hở cổ mới mà những người cổ học lên tiếng phê phán.

Bà còn cho xây dựng tượng Hai Bà Trưng, nhưng với khuôn mẫu Trưng Trắc giống hệt bà còn Trưng Nhị giống hết con gái Lệ Thủy của bà. Ba năm sau ngày bà đi lưu vong, hai tượng này bị đập bỏ. Ngày nay, những cánh rừng do bà khởi xướng trồng trên đường từ Sài Gòn đến rừng Cát Tiên vẫn được nhân dân gọi là rừng Trần Lệ Xuân.

Sống lưu vong

Trong tháng 10 năm 1963, Trần Lệ Xuân cùng con gái Ngô Đình Lệ Thủy đi Hoa Kỳ và Roma với dự định sẽ vạch trần âm mưu lật đổ của Tổng thống Kennedy và CIA trước công chúng Mỹ.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Trần Lệ Xuân và con gái đang trú ngụ tại khách sạn sang trọng Wilshire Hotel ở Beverly Hill, California thì cuộc đảo chính xảy ra, chồng và anh chồng bà bị giết.

Ngày 15 tháng 11 năm 1963, Trần Lệ Xuân và Lệ Thủy rời khỏi Los Angeles để đi Roma sinh sống sau khi phát biểu: “Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý do đơn giản chính phủ của họ đã đâm sau lưng tôi.”

Ngày 16 tháng 10 năm 1971, tờ New York Times đưa tin bà bị đánh cướp số nữ trang trị giá trên 32 ngàn dollar tại Roma.

Ngày 9 tháng 5 năm 1975 khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình NBC Trần Lệ Xuân đã tố cáo chính quyền Kennedy can thiệp vào Nam Việt Nam là “nhằm tạo thanh thế và sự ủng hộ cho Đảng Dân chủ Hoa Kỳ”.

Ngày 2 tháng 11 năm 1986, Trần Lệ Xuân tố cáo Mỹ chơi xấu với gia đình bà trong việc bắt giữ Trần Văn Khiêm (em trai bà) về tội giết cha mẹ là ông bà Trần Văn Chương tại nhà riêng ở Washington, D.C. hồi tháng 7 cùng năm.

Những năm đầu thập niên 1990, Trần Lệ Xuân sống tại vùng Riviera Pháp và thường chỉ trả lời phỏng vấn một lần duy nhất để lấy tiền và vé máy bay khứ hồi cho con gái út qua thăm ông bà ngoại ở Mỹ.

Hiện nay Trần Lệ Xuân đang sống một mình, viết hồi ký tại một trong 2 căn hộ thuộc quyền sở hữu của bà (căn thứ hai cho thuê) trên tầng 11 của một tòa nhà cao tầng gần tháp Eiffel tại Quận 15, thủ đô Paris (Pháp) và cắt đứt mọi quan hệ với các nhân vật chính trị. Hai căn hộ này theo bà là của một nữ bá tước tỉ phú người Ý là Capici tặng mặc dù hai người chưa từng gặp nhau.

Gia đình

  • Cha: Luật sư Trần Văn Chương, đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ
  • Chồng: Ngô Đình Nhu, Cố vấn của Tổng thống

Các con:

  • Ngô Đình Trác, tốt nghiệp kỹ sư canh nông, 55 tuổi (2007), lấy vợ người Ý, có 4 con (3 trai, 1 gái)
  • Ngô Đình Quỳnh, tốt nghiệp ESSEC (Trường Kinh tế và Thương mại Pháp), hiện làm cho một công ty Mỹ tại Bruxelles, Bỉ
  • Ngô Đình Lệ Thủy, trưởng nữ, mất vì tai nạn giao thông tại Paris năm 1968
  • Ngô Đình Lệ Quyên, tiến sĩ Luật Đại học Roma, không nhập quốc tịch Ý tuy có chồng người Ý. Con trai 7 tuổi (2007) mang họ mẹ trên giấy tờ là: Ngô Đình Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét