Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Tin Thế Giới

Đề nghị đem chôn xác ướp Lênin

Di hài Lênin được bảo quản trong lăng ở Quảng trường Đỏ, Matxcơva.
Di hài Lênin được bảo quản trong lăng ở Quảng trường Đỏ, Matxcơva.
DR
Hoàng Dung / Thụy My

Ngày 31/3, Ủy ban Tư vấn về Nhân quyền cho điện Kremlin đề nghị Tổng thống Nga Dmitri Medvedev nên quyết định cho đem chôn xác ướp của Lênin, vẫn được quàn trong lăng Lênin tại Quảng trường Đỏ từ năm 1924 cho đến nay.

Thông tín viên Hoàng Dung - Matxcơva - 04/04/2011
04/04/2011

Ủy ban này cho rằng,qua việc chôn xác ướp Lênin nước Nga dứt khoát được với quá khứ cộng sản, 20 năm sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ. Vấn đề đem chôn xác ướp của Lênin đã được đặt ra từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, nhưng cho đến nay chưa có nhà lãnh đạo nào của Nga dám lấy quyết định.

Thông tín viên Hoàng Dung từ Matxcơva đã cho biết thêm thông tin chi tiết:

Lênin đã từ trần từ năm 1924, và đến năm 1991 mặc dù nước Nga đã thoát ra khỏi chế độ cộng sản, nhưng vấn đề di hài của Lênin vẫn là một vấn đề nổi cộm và thường xuyên được đưa ra để thảo luận vào những dịp lễ kỷ niệm ngày sinh hay ngày mất của vị lãnh tụ này. Mỗi năm vào dịp này người ta thường tiến hành thăm dò ý kiến dân chúng, và bao giờ cũng bàn bạc xung quanh việc có nên đưa di hài Lênin ra khỏi lăng hay không. Năm nay cũng không ngoại lệ. Trước đây vào thời ông Yelsine thì cuộc bàn cãi xung quanh vấn đề di hài của Lênin diễn ra hết sức sôi động. Đã rất nhiều lần người dân nghĩ rằng họ sẽ không còn được cơ hội để nhìn thấy Lênin nữa, cho nên đã tìm cách đi xem lần cuối cùng. Nhưng từ đó đến nay cũng đã hai mươi năm trôi qua, ông Lênin vẫn nằm trên Quảng trường Đỏ,chưa bị lấy mất nhà ở của mình.

Vấn đề đưa di hài Lênin ra khỏi lăng thì năm nào cũng được đưa ra để bàn bạc. Và không phải bây giờ, mà từ hôm 23/1 thì đảng Nước Nga Thống nhất đã mở hẳn một trang web riêng, tên là goodbyelenin.ru, để làm một việc duy nhất là lấy ý kiến của dân chúng về việc có nên đưa di hài Lênin ra khỏi lăng hay không. Website này khi khai trương cũng đã tạo nên một làn sóng tranh luận, bàn tán về vấn đề này. Nhưng rồi nó lại chìm vào quên lãng, vì cho đến nay ở nước Nga còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Điều quan trọng nữa là, tầng lớp người đứng tuổi có quá khứ gắn bó với thời kỳ cộng sản vẫn còn rất là nhiều, tiếng nói phản đối của họ khá là gay gắt, cho nên chính quyền vẫn chưa có một quyết định dứt khoát nào xung quanh vấn đề này.

Tuy nhiên hàng năm số người ủng hộ việc đưa Lênin ra khỏi lăng ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn như năm 2000 thì số người đó chỉ vào khoảng 50%, đến năm 2005 lên tới gần 70%, và năm nay theo thăm dò dư luận hồi tháng Giêng thì số người muốn đưa Lênin ra khỏi lăng đã lên tới trên 70% rồi. Tuy vậy vẫn chưa phải là thời điểm để mà chính phủ dám đưa ra một kết luận cuối cùng, là đưa Lênin ra khỏi lăng, trở về với cát bụi vĩnh viễn.

Như vậy lăng Lênin ở Quảng trường Đỏ vẫn được nhiều người đến tham quan ?

Không, so với thời kỳ trước đây thì số người đến thăm lăng Lênin đã không còn nhiều như vậy nữa. Nhưng có rất nhiều du khách lần đầu tiên đến Matxcơva, lần đầu tiên đến nước Nga vẫn có sự hiếu kỳ. Họ vẫn vào lăng để nhìn lại một chứng tích của lịch sử, về một thời kỳ đã không còn tồn tại nữa ở nước Nga, nhưng vẫn để lại nhiều nỗi kinh hoàng trong trí nhớ của dân chúng sống trong thời kỳ đó.

Còn phản ứng của đảng cộng sản Nga như thế nào ?

Đảng cộng sản Nga thì trong nhiều năm qua vẫn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong ý kiến của họ xung quanh vấn đề này, là họ bảo vệ di hài của Lênin đến người cộng sản cuối cùng. Cứ mỗi khi có ý kiến đưa ra xung quanh việc đưa di hài Lênin ra khỏi lăng thì các cụ già lại giương cao những lá cờ cũ kỹ của nhiều năm trước, và diễu hành trên Quảng trường Đỏ để phản đối quyết định này.

Tuy nhiên khi ông Putin lên làm Tổng thống năm 2000, thì ông cũng đã tuyên bố là ông không động chạm đến vấn đề lăng Lênin cũng như tượng đài Lênin. Ông không coi đây là vấn đề chính trị, mà là một vấn đề lịch sử, cho nên ông tôn trọng quyết định của người dân. Sẽ đến một lúc nào đó di hài của Lênin chắc chắn sẽ được đưa ra khỏi lăng, nhưng phải chờ đến cái thời điểm đó đã. Còn khi mà dân chúng còn phản đối, thì ông vẫn tôn trọng ý kiến của dân chúng, như là một thời kỳ của quá khứ còn tồn tại như vậy.

Có nghĩa là vấn đề đem chôn xác ướp của Lênin hay vẫn giữ trong lăng thì không mới, nhưng lần này Ủy ban Tư vấn đề nghị như vậy có lẽ sẽ tiếp tục gây nhiều tranh cãi dữ dội ?

Không. Bao giờ ở Nga cũng có hai cái bờ sông rất là đối xứng, đối diện với nhau. Một bên bảo vệ thì cũng sẽ có một bên chống đối. Một bên đảng cộng sản muốn giữ Lênin ở trong lăng thì cũng sẽ có rất nhiều tổ chức và đảng phái khác không muốn giữ.

Có rất nhiều nguyên nhân để người ta nghĩ đến việc đưa ông Lênin ra khỏi lăng. Thứ nhất, đó là vấn đề tôn giáo. Với một con chiên của Thiên chúa giáo, của Chính thống giáo, thì việc được trở về với cát bụi là một điều thiêng liêng. Cho nên những ai mà đã theo đạo thì rất là thương ông Lênin đã không được trở về với cát bụi. Thứ hai nữa, về vấn đề con người thì Lênin cũng có mong muốn trong di chúc của mình là được chôn cất cùng với mẹ và em gái ở Saint Pétersbourg. Và như vậy khi người ta không tôn trọng ý kiến của chính ông Lênin trong việc được yên nghỉ vĩnh hằng, thì cũng đã không tốt về mặt con người. Và sau nữa, về vấn đề lịch sử thì Quảng trường Đỏ là một trung tâm tôn giáo và lịch sử của nước Nga. Bây giờ để ở đấy một cái lăng tẩm thì không hợp về mặt kiến trúc cũng như về ý nghĩa tôn giáo.

Cho nên có rất nhiều tổ chức, chứ không chỉ có Ủy ban Tư vấn về Quyền con người đưa ra ý kiến trên. Tuy nhiên tất cả phụ thuộc vào quyết định chính trị của nhà nước Nga, vào ý kiến chung của người dân. Bởi họ không muốn vì vấn đề này mà tạo nên sự bất đồng ý kiến, và bất ổn trong đời sống chính trị của nước Nga. Chính vì thế cho nên ông Medvedev thì chưa bao giờ nêu ra ý kiến của mình xung quanh vấn đề này. Còn ông Putin thì trong suốt mười năm qua đều nói lên ý kiến là, ông cũng không ủng hộ việc chôn Lênin ở đây, nhưng mà việc dời Lênin ra khỏi lăng thì phải chờ đến thời điểm của nó. Mà theo như các nhà bình luận suy ra từ những lời nói của ông, thì « cái thời điểm đó » chính là khi nào mà phe của đảng cộng sản cũng như là tầng lớp người dân ủng hộ cho ý thức hệ cộng sản đó ít hơn, không còn là một thế lực chính trị trong xã hội nữa, thì lúc đó vấn đề đưa di hài của Lênin ra khỏi lăng sẽ được thực hiện.

Thưa chị, cũng theo báo cáo của Ủy ban Tư vấn trên, thì nước Nga nên được biết đến như là quê hương của các đại thi hào, văn hào như là Pushkin, Tolstoy, Pasternak…thay vì là quê hương của các nhà độc tài như Lênin hay Stalin. Đây có phải là cũng là ý hướng chung của nhiều người Nga không ?

Cách đây không lâu, theo một cuộc thăm dò dư luận về các nhân vật lịch sử có ý nghĩa đối với sự phát triển và được người dân yêu quý qua nhiều thời đại là ai, thì người ta đã nhận thấy là 40% người dân Nga đã nhớ đến công ơn của Pierre Đại đế đã xây dựng nên thành phố Saint Pétersbourg, và đưa nước Nga trở thành một nước đế quốc. Người thứ hai được người ta nhớ đến nhiều nhất là thi hào Pushkin và nhiều người khác nữa. Còn những người như ông Lênin và Stalin thì được một số lượng rất là nhỏ nhoi – năm, bảy phần trăm người dân nghĩ đến và đánh giá là một nhân vật quan trọng của lịch sử nước Nga mà thôi.

Như vậy là qua kết quả thăm dò dư luận này, chúng ta có thể thấy được rằng người dân Nga không coi những nhà độc tài như Lênin hay Stalin là một nhân vật quan trọng trong lịch sử phát triển của mình. Tuy nhiên trong lịch sử thì cũng không thể nào quên sự tồn tại của họ được, bởi vì họ đã gây nên nỗi đau, và tổn thất rất lớn cả về người và của, cũng như đã làm chậm bước tiến của nước Nga đi nhiều năm. Cho nên người ta cũng vẫn nhớ đến hai ông, nhưng mà nhớ đến với một cảm xúc khác.

Xin rất cám ơn thông tín viên Hoàng Dung.

viet.rfi.fr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét