Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Đọc báo online

Hoài niệm Ngày 30 tháng Tư : TÌM MÃI YÊU THƯƠNG

Nhà Báo : NGUYỄN THƯỢNG LONG
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 22.4.2011
Suốt 36 năm dài, một Nhà báo ở Hà Đông đi “tìm mãi yêu thương” khi hoài niệm Ngày 30.4

PARIS, ngày 22.4.2011 (QUÊ MẸ) – Cơ sở Quê Mẹ vừa nhận được bài viết của Nhà báo Nguyễn Thượng Long gửi từ Hà Đông nói lên tâm trạng của cả một thế hệ ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa khi nghe tin “chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975”. Rồi từ đó, “chiến thắng” ấy đưa dân tộc đi về đâu ? đưa nhân dân vào chốn “thiên đàng” nào ? Tác giả chỉ thấy một Pháp Trường Trắng dựng lên trên đất nước và trong lòng người. Pháp Trường Trắng, nói theo sự ví von của Nhà văn Nguyễn Tuân, là “Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết”.
Lâu nay, đa số người hải ngoại thường nghe nỗi lòng người miền Nam trước mối tang thương trầm thống của Tháng Tư Đen. Nhưng ít khi dược nghe nỗi lòng người miền Bắc về bi kịch lớn của dân tộc, thì đây là một trong những tiếng nói ấy của nhà báo Nguyễn Thượng Long.
Xin giới thiệu bạn đọc toàn văn bài viết ấy sau đây :
Hoài niệm Ngày 30 tháng Tư :
TÌM MÃI YÊU THƯƠNG
“Xin kính dâng bài viết này cho Mẹ
và Quê Hương Việt Nam thân yêu”. (NTL)
…Khi những cánh cổng sắt nặng nề của dinh Độc Lập bị các chiến xa và xe tăng Quân Giải Phóng húc đổ vào trưa 30 – 4 – 1975, thì trong một căn phòng nhỏ ở đường Yết Kiêu Hà Nội, có một người đàn ông gương mặt u uẩn, tóc trắng xoá xoã vai đang trầm ngâm bên chén rượu và cây đàn piano, ngay lúc đó, trong tay ông cây đàn đã rung lên những hợp âm làm xao xuyến lòng người :
“Từ nay người biết yêu người,
Từ nay người biết thương người ”.
Người đàn ông đó là nghệ sĩ đa tài Văn Cao và những ca từ, hợp âm trên cũng là tiết tấu chính, cảm hứng chủ đạo cho ca khúc tràn đầy tính nhân bản “Mùa Xuân Đầu Tiên”, cũng là ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác văn – thơ – nhạc – hoạ đầy trắc trở của ông.
***
Tôi nghĩ rằng đã là người Việt Nam, dù là người chiến thắng hay là kẻ chiến bại, dù ở đâu trên mặt đất này thì ai ai vào ngày tháng đó cũng thở phào và không ít thì nhiều đều có chung cảm hứng yêu thương nhau như vậy. Nhưng những gì đã diễn ra sau mốc lịch sử đó lại không hoàn toàn như vậy, đến nỗi hơn mười năm sau (1987), ngày ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, nhà văn NHT một lần phải thốt lên : “Vinh quang nào mà chẳng xây trên những nỗi điếm nhục !”. Tôi không biết tâm trạng của anh NHT lúc đó như thế nào mà lại phải thốt lên lời dữ dội như vậy.
Thế hệ chúng tôi và anh NHT sinh ra và lớn lên cùng với sự ra đời của nhà nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Độc lập Tự do Hạnh phúc”. Tuổi ấu thơ chúng tôi trôi đi cùng với những cuồng nộ của một thế thái nhân tình rất xa lạ với những phẩm chất truyền thống của một dân tộc bản chất là hiền hoà. Kí ức đầu đời của thế hệ chúng tôi chưa thể nhạt nhoà về những gì đã đến sau những phát triển quái gở của chủ thuyết “Đấu tranh giai cấp”, về con đường chuyên chính vô sản, về bạo lực cách mạng mà những người cộng sản đã du nhập vào đất nước chúng tôi. Vẫn còn nguyên đó những câu hỏi đầy ám ảnh :
- Tại sao lại phải “Đào tận gốc, trốc tận rễ” đám Trí – Phú – Địa – Hào… rồi bây giờ lại gọi đó mới chính là nguyên khí của đất nước !
- Tại sao sau CCRĐ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thay mặt Đảng thanh minh trước quốc dân đồng bào rằng : Một Đảng biết nhận ra khuyết điểm của mình, Đảng đó còn có thể tiến bộ, rồi ông lặng lẽ rút khăn tay lau nước mắt. ( !?).
- Tại sao lại phải cải tạo thực ra là đánh sập công thương nghiệp tư bản tư doanh tới 2 lần (Miền Bắc sau năm 1954 – Miền Nam sau 30/4/1975). Sau 1986 đến nay lại phải làm lại gần như từ đầu.
- Tại sao lại phải mở ra các “Pháp trường trắng” trong vụ đàn áp nhân văn giai phẩm và xét lại chống Đảng. Pháp trường trắng là : “Nơi không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết” – (Nguyễn Tuân). Thời gian và năm tháng đã trôi qua đã đủ để minh oan cho những con người tài hoa, dũng cảm và trung thực đó. Đến nay trên thực tế không ít người trong họ đã được vinh danh trở lại thì hỡi ôi người còn, người mất, người đang sống nhưng phải sống đời sống thực vật, cỏ cây, người tha hương biệt xứ mãi mãi ôm theo những kí ức đầy ám ảnh nặng nề, tại sao lại phải làm như thế ?
Hôm nay, lại một ngày kỷ niệm 30/4 nữa đến với đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta. Cái ngày lịch sử mà cựu Thủ tướng, cựu Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt đã từng ngậm ngùi mà nói : “Có triệu người vui ! Cũng có triệu người buồn !”. Không biết có phải vì đây là tiếng nói của một lãnh tụ cao cấp mà có tình trạng người vui thì gọi ngày 30 – 4 là ngày “Quốc Khánh”, còn người buồn thì gọi ngày này là ngày “Quốc Hận !”, xin được phép hỏi :
Tại sao sau ngày 30/4/1975 ngày con Lạc ở miền Bắc chiến thắng cháu Hồng ở miền Nam, người chiến thắng không thực lòng hoà hợp, hoà giải mà lại tạo ra những thương tổn không đáng có trong lòng những kẻ bại trận. Những ngày tháng tù đầy, cải tạo và phân biệt đối xử với quân nhân, viên chức chính quyền cũ và vợ con gia đình họ đến nay vẫn là những kí ức đầy hãi hùng. Vì những hãi hùng này mà ngày đó hàng triệu người con đất Việt phải liều thân bỏ xứ ra đi, mong kiếm tìm một vận hội mới. Người chiến thắng không chỉ làm ngơ mà còn không hiếm những kẻ trục lợi dựa trên cuộc tháo chạy kinh hoàng diễn ra trong nhiều năm đã làm biết bao gia đình tan nát, bao nhiêu người phải chết trong tuyệt vọng, phải khuynh gia bại sản, phải nhơ nhuốc vì hải tặc, phải hoài thân trong bụng cá, phải bỏ xác trên đảo hoang. Người sống sót không mấy ai tránh khỏi những sang chấn tinh thần không dễ bình phục.
Sau nhiều năm tha hương biệt xứ, nay người thành đạt, người không thành đạt, nhưng mỗi khi nhớ về quê hương, xứ xở bên cạnh những bồi hồi là nỗi ngậm ngùi : “Tổ Quốc ! Một dĩ vãng cần phải quên đi”. Đến nay đã có nhiều nhân vật nổi tiếng của chế độ VNCH… quyết định tìm về cố quốc với nhiều lý do, nhưng thực ra chỉ để được gửi nắm xương tàn, đã phải nhắm mắt bước qua những thị phi của người trong nước, phải bịt tai trước những la ó, của nhiều tha nhân cùng cảnh ngộ. Đặc biệt trong đoàn người ra đi năm đó, đến nay vẫn có quá nhiều người dường như vẫn chưa ra khỏi những ám ảnh của hận thù, thậm chí nhiều người vẫn thề không đội trời chung, không đứng cùng đất với cộng sản, đó chính là nguyên nhân làm nổ ra những cuộc biểu tình phản đối các vị nguyên thủ hôm nay của Việt Nam khi họ xuất ngoại, đặc biệt khi họ công cán qua những nơi có đông người đồng bào của mình ở & thực tế đã cho hay, cũng chẳng có gì là vui vẻ dành cho các nguyên thủ cũ, các nhân vật nổi tiếng của VNCH khi họ trở về Việt Nam. Sự dè bỉu đến với họ không chỉ đến từ những người Quốc Gia đang ở hải ngoại, mà còn đến từ chính những người dân trong nước. Nhiều người trong nước đã có một thái độ hợp lý đối với họ, nhưng đâu có phải người trong nước nào cũng vui vẻ với họ. Cho đến lúc này, không chỉ ở những hãng thông tấn vỉa hè, tôi chứng kiến quá nhiều người Việt Nam ở trong nước vẫn còn vô tư ngộ nhận rằng năm 1972 chính ông Nguyễn Cao Kỳ đã chỉ huy chiến dịch giải cứu tù binh Mỹ bị giam giữ ở quê hương Sơn Tây của ông ! Hãy nghe mấy ông Nhạc Sĩ Nhân Dân, đỏ ngực là huân chương, huy chương là giải thưởng nhà nước…lườm nguýt, chê bai, dè bỉu những gì về ông Phạm Duy ngay trên những trang báo lề phải.
Sau hơn 36 năm, với những gì mà chúng ta quan sát được cho thấy, ngày 30/4 đâu có hoàn toàn chỉ là biểu tượng của sự toàn bích. Bên cạnh những giá trị tự thân, ngày đó cũng làm xuất hiện những chia rẽ mới rất đáng tiếc đối với nhiều thế hệ người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước như điều mà ông Võ Văn Kiệt đã nói : “Triệu người vui – Triệu người buồn”.
Tôi tin rằng đến nay nếu phải nhắc lại cuộc chiến tranh đó, nghĩ lại những gì đã xẩy ra trong ngày 30 / 4 / 1975, người Mỹ chỉ coi đó là một kỷ niệm buồn cùng với những toan tính thành công và cả không thành công của họ. Điều gọi là“ Hội chứng Việt Nam vẫn còn là bóng ma ám ảnh nước Mỹ” chỉ là sản phẩm của tưởng tượng.
Chưa người Việt Nam nào đã quên Tuyên Bố Thượng Hải ngày 28 /2 /1972. Đó là cuộc mặc cả trên lưng người Việt Nam ở cả 2 miền của Hoa Thịnh Đốn và Trung Nam Hải, là cú “Đi Đêm” đầy tai tiếng giữa Nixon và Mao. Đặc biệt là sau khi Hội Nghị Ba Lê được các bên ký kết, Mỹ chính thức bước ra khỏi cuộc chiến, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà, Mỹ không chỉ có lỗi với đồng minh chiến lược của mình, Mỹ có lỗi với cả dân tộc Việt Nam khi dửng dưng, ngoảnh mặt đi để Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam (1974) và từ đó cho tới ngày 30 / 4 / 1975 trong tiếng gầm thét của cỗ máy chiến tranh trong tay người Việt Nam, chỉ có người Việt Nam chúng tôi ở 2 bên là ngã xuống trong cuộc lao vào nhau, chém giết nhau, thanh toán nhau chí mạng chứ đâu có người Mỹ.
Để khai thông được con đường vào Hoa Lục, ngay từ ngày đó, người Mỹ đã tạo ra một tư thế Địa Lý Chính Trị rất bất lợi cho dân tộc chúng tôi khi chúng tôi phải tồn tại bên cạnh “Anh chàng khổng lồ” đầy tham vọng Trung Quốc đã tay trong tay với Hoa Kỳ lúc mà Liên Xô đồng minh chiến lược của Việt Nam đã quá già yếu.
Hình ảnh một Đặng Tiểu Bình, 10 h sáng 29/1/1979 tại thảm cỏ trước Nhà Trắng, xúng xính trong bộ đồ của một cao bồi miền viễn tây nước Mỹ và những gì mà ông ấy đã nói ở đó về “Mèo Trắng – Mèo Đen”, về kế hoạch sẽ dậy cho bọn tiểu bá côn đồ Việt Nam một bài học đã là quá đủ để nói : Người Mỹ đâu có trắng tay sau cuộc chiến ở Việt Nam. Nếu sau ngày 30 / 4 / 1975 người Mỹ không dang tay đón nhận làn sóng Thuyền Nhân Việt Nam bỏ xứ ra đi…thì hình ảnh Hiệp Sĩ Nhân Quyền Hoa Kỳ chắc chắn sẽ hoen ố, sẽ chẳng ra gì trong con mắt của người Việt Nam.
Về một phương diện khác, tôi nghĩ : nếu người chiến thắng vẫn cứ giữ mãi nỗi hoan hỉ ngày 30 / 4 là ngày đánh dấu sự kiện “Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho nguỵ nhào”, chúng ta cũng sẽ rất khó giải thích những chuyển động chính trị trong xã hội Việt Nam những ngày gần đây.
Về mối quan hệ hôm nay giữa Mỹ và Việt Nam, bên cạnh xu thế nồng ấm thì lại mới có một sự cố thật khó hiểu. Chỉ vì đến thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý mà ngài tùy viên chính trị sứ quán Hoa Kỳ bị mấy ông an ninh Huế cho “Lên bờ xuống ruộng” mà sau đó Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng chỉ khiêm nhường bầy tỏ “Sự quan ngại…”, dường như người Mỹ thời Obama không mặn mà với quyền con người cơ bản thì phải ! Người Mỹ đang toan tính gì ? Ban lãnh đạo Việt Nam đã gửi đi thông điệp gì từ vụ ra tay này ? Không biết dân tộc chúng tôi sẽ đi về đâu trong tư thế Địa Lý – Chính Trị mới với sự xưng hùng xưng bá ngày càng công khai của Trung Quốc, sự lùi bước đã đến giới hạn cuối cùng của ban lãnh đạo Việt Nam trước Thiên Triều, sự ngày càng xa rời những mục tiêu dân chủ của nước Nga đồng minh cũ của Việt Nam, sự suy yếu trông thấy của siêu cường Nhật Bản, sự vùng lên của Bắc Phi và Trung Đông, cùng với sự hiện diện ngày càng sâu của sức mạnh Hoa Kỳ trên Biển Đông và Đông Nam Á. Đây là câu hỏi bỏ ngỏ xin dành cho tất cả mọi người Việt Nam còn quan tâm tới thời cuộc.
Chúng ta vẫn thường tự tôn về truyền thống văn hiến hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, trong khi đó nước Mỹ chỉ mới lập quốc hơn 230 năm, nhưng sau chiến tranh Nam – Bắc Mỹ (1862 – 1865), giữa bên chiến thắng và bên chiến bại … họ đã có cách hành xử hòan toàn khác chúng ta là : Lấy sự hoà hợp thay cho oán thù.
Sau ngày 30/4/1975, không làm như người Mỹ, chúng ta cũng chẳng làm như tổ tiên chúng ta đã làm trong những tình huống tương tự. Những gì đã diễn ra sau thời điểm đó được hiểu như một cuộc tính sổ không cần thiết giữa kẻ thắng và kẻ bại trận. Nhiều người thuộc thế hệ tôi đã từng đặt ra một hoán vị giả định :
Sau hiệp nghị Giơnevơ 1954, phía Bắc vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân miền Nam họ sẽ sống với Đảng cộng sản. Đảng sẽ dúi vào tay họ khẩu AK47 được sản xuất từ Liên Xô. Nam vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân của miền Bắc. Họ sẽ sống với những người quốc gia. Trong tay họ là những khẩu AR15 được sản xuất ở Hoa Kỳ hay ở Tenavip. Điều gì sẽ xảy ra đây ? Lịch sử sẽ phải viết khác đi chăng ? Tôi nghĩ rằng không thể. Người miền Nam mà sống ở miền Bắc cũng sẽ biết thế nào là đấu tố trong cải cách ruộng đất, thế nào là :
“Mang bục công an đặt giữa trái tim người,
Bắt tình cảm ngược xuôi theo luật đi đường nhà nước”
(Lê Đạt)
sẽ phải thắt lưng buộc bụng, phải làm viêc bằng 2 để xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn phải dốc sức để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” như lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh. Người miền Bắc sống ở miền Nam cũng làm sao mà tránh khỏi những ngày quân trường Thủ Đức, có học hành chút ít như trang lứa chúng tôi tránh sao khỏi những ngày võ bị Đà Lạt ! Rồi tất cả cũng phải dốc sức để “Bắc Tiến”, để “Lấp sông Bến Hải !”, dốc sức để “Kéo dài biên giới Hoa Kỳ đến vĩ tuyến 17” như lời kêu gọi của ông Ngô Đình Diệm, phải tiếp thụ những huấn thị : “Đừng nghe những gì cộng sản nói – Hãy nhìn xem những gì cộng sản làm” của ông Nguyễn Văn Thiệu, phải cầm phấn viết tên mình lên những trái bom sẽ ném xuống đầu người dân Miền Bắc như những gì mà ông Nguyễn Cao Kỳ đã từng phải làm lần ông ra sân bay Đà Nẵng.Và nếu như lịch sử lại có một kết cục ngược lại, ngày 30 /4 / 1975 lại kết thúc chiến tranh ở Hà Nội ! thì liệu người dân Miền Bắc có thoát được những cuộc tập trung cải tạo để tẩy não như ngày nào ông Diệm “Tố Cộng”, lê máy chém đi lấy đầu cộng sản theo Luật 10/ 59 ! Vậy là bi kịch vẫn đến với dân tộc chúng ta như một thứ tiền định.
Thế thì không chỉ người dân mà những kẻ buộc phải cầm súng ở cả hai bên xét cho cùng đều là những quân cờ vô tội trên bàn cờ xung đột ý thức hệ do những triết thuyết ngoại lai chi phối. Hoàn toàn đúng như những gì mà nhà thơ Nguyễn Duy đã viết trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ xa” :
“Xét cho cùng với mọi cuộc chiến tranh
Một bên thắng còn nhân dân đều bại !”
Nếu các “Đấng chăn dân” ở cả hai bên cùng nghĩ được như thế, thảm kịch đã không xảy ra. Kho tàng tiếng Việt đã không phải xuất hiện những cụm từ quá biểu cảm “Thuyền nhân” (Boat People để chỉ những người bỏ quê hương ra đi bằng thuyền). Sau này là cụm từ “Dân oan” ( Chỉ những người dân gặp phải oan ức trong đời sống Việt Nam đương đại). Vào những tháng năm ly loạn đó, không một ai nghĩ rằng lại đến lúc những kẻ : “Macô, đĩ điếm, lười lao động đáng nguyền rủa” lại được Đảng ta “Trìu mến” gọi là “Khúc ruột ngàn dặm !”… Không mấy ai nghĩ được lại có lúc nhiều tỉ USD hàng năm đã lăn ngược những con đường đầm đìa nước mắt của những thuyền nhân bỏ xứ lăn tìm trở về tiếp máu cho đất nước đang ngày càng tụt hậu với khu vực và quốc tế, đang loay hoay kiếm tìm “Chiếc Lá Diêu Bông” xã hội chủ nghĩa !. Điều này là một bất ngờ là một trớ trêu của lịch sử dân tộc. Nhưng lần này có thể nói đó là một trớ trêu có hậu.
Hôm nay, Đảng đã hạ mình nhận anh, nhận em với những người bỏ xứ. Ngay từ Xuân Mậu Tý, ông Nguyễn Minh Triết – Chủ Tịch nước, ông Phạm Thế Duyệt nguyên UVBCTĐCSVN, nguyên Chủ Tịch MTTQVN, ông Nguyễn Cao Kỳ – Nguyên Phó Tổng Thống, Nguyên Thủ Tướng VNCH, ông Đỗ Mậu – Nguyên Tổng Thanh Tra quân lực VNCH, ông Phạm Duy – Nguyên cán bộ văn hoá kháng chiến của chiến khu Việt Bắc, một trong ba nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại ( Phạm Duy – Văn Cao – Trịnh Công Sơn) đã hoà hợp dân tộc ở mức tay trong tay mà ánh mắt nhìn nhau chưa hết bẽ bàng !
Nguyên Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và Chủ Tịch CHXHCN VN Nguyễn Minh Triết đang tay trong tay.Nhạc Sĩ Phạm Duy với Sổ Hộ Khẩu và Chứng Minh Thư nhân dân.
Vào thời điểm tôi đang viết những dòng chữ này, các Fan hâm mộ các ca sĩ hải ngoại của cư dân nơi tôi ở đang vô cùng háo hức đón chờ thế hệ hậu duệ của những tài danh Chế Linh (Chế Phong), người hùng Biệt Động Quân Duy Khánh với quý tử Chế Phi cùng với những siêu sao cỡ Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Elvis Phương, Trường Vũ, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên… đã “Nối vòng tay lớn” điều mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ao ước ngay từ buổi trưa 30/ 4 của 36 năm về trước ! Sao lại phải muộn màng đến như vậy ! Đây thực sự là hoà hợp hay chỉ là một thứ chính trị thớ lợ !?…Hay đây là một dẫn chứng sinh động cho điều mà ông Võ Văn Kiệt đã từng nói : “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ Quốc Việt Nam không của riêng một ai, một Đảng, một phe phái, hay một tôn giáo nào”. Những cuộc “Nối vòng tay lớn” tương tự đã, đang và có thể sẽ còn diễn ra dồn dập hơn nữa, liệu quá trình đó có làm lu mờ đi vừng hào quang của chiến thắng 30/4/1975 ?
Câu trả lời đã quá rõ : Chúng ta đã “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của… (không) trí tuệ” ( Hà Sĩ Phu) và cái giá của cuộc tương tàn để có một xã hội như thế này…thật là thê thảm & vô nghĩa. Tôi nghĩ, nếu được làm lại thì những người Việt Nam yêu nước, thương nòi, có văn hoá, có nhân cách, có lòng tự trọng… sẽ hành xử khác những gì mà những người chiến thắng đã làm sau ngày 30 – 4 – 1975.
Thử hỏi trong lịch sử dân tộc, có giai đoạn nào, có thời kỳ nào và vì ai mà nội lực dân tộc bị huỷ hoại, suy yếu vì chia rẽ, vì ngờ vực lẫn nhau lại dai dẳng, bi thương, sâu sắc & nghiêm trọng đến như vậy ! Tương lai của dân tộc rồi sẽ ra sao ? Ai là người có lỗi trước tiền nhân ? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây ?
Thế mới biết : Con đường để Việt Nam đi đến dân chủ là không hề đơn giản như tên gọi của các loài hoa. Ngày mà người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước có được một tiếng nói chung, một lộ trình chung, một đề án chung để Tổ Quốc Việt Nam hiện diện trong thế giới nhốn nháo này ở tư thế ngửng cao đầu, xứng tầm với những gì mà dân tộc lẽ ra phải được khẳng định từ lâu rồi, những gì mà Văn Cao ao ước :
“Từ nay người biết yêu người,
Từ nay người biết thương người”.
có lẽ vẫn còn xa vời lắm và lại như một định mệnh, với “BỮA TIỆC DÂN CHỦ” của nhân loại, chúng ta sẽ vẫn chỉ “MÃI MÃI LÀ NGƯỜI ĐẾN SAU”.
Lời cuối : Khi giao tiếp với cuộc đời, tôi đã phải nhân danh rất nhiều tư cách. Khi tôi chống tiêu cực trong giáo dục, khi tôi bênh vực những người là dân oan, khi tôi cầm lá phiếu đi bầu, khi tôi tự ứng cử Quốc Hội 12, khi tôi “Sống, làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật”, khi tôi thực thi những gì trong các Tuyên Ngôn – Công Ước quốc tế mà chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện, khi tôi thực thi quyền tự do ngôn luận , tự do báo chí, quyền được phản biện và bảo lưu chính kiến của mình…đấy là tôi sống với tư cách một “Con Người Chính Trị”, “Con Người Công Dân”. Khi tôi phải gồng mình lên trước những nghịch cảnh đến từ thiên nhiên , đến từ chính đồng loại của mình theo kiểu “Con giun xéo lắm cũng quằn”, hoặc khi tôi đi theo tiếng hú gọi từ “Nơi Hoang Dã” …ấy là tôi đã sống trong tư cách của “Con Người Bản Năng – Con Người Sinh Học” và dù phải hiện diện trong trong tư cách nào thì tất cả phải chung một mẫu số CHÂN – THIỆN – MỸ. Để viết bài này, tôi đơn giản chỉ nhân danh là “Con Người Chính Trị”, “Con Người Công Dân” khi bầy tỏ những hoài niệm của tôi về ngày 30 / 4 / 1975, mốc thời gian đã đi vào lịch sử của dân tộc với biết bao hệ luỵ chi phối tới đời sống tinh thần của toàn thể cộng đồng.
Có thể lắm, khi đọc bài viết này, sẽ có người lên án tôi, bóc mẽ tôi chỉ vì tôi không suy nghĩ như họ. Xin mời ! Tôi chủ trương không đối lời, không tranh biện. Tôi “không…” không phải là tôi không dám…tất cả cũng chỉ vì tôi là một tín đồ của ĐA NGUYÊN, là tín đồ của đa nguyên, tôi chấp nhận mọi ý kiến đối lập.
Nhân đây tôi có lời minh định về việc có một số trang báo khi khai thác bài “Cách Mạng đâu có đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông” của tôi, đã có sự biên tập không chính xác so với văn bản gốc. Cụ thể, tôi viết : “Với tư cách là một con người chính trị…”, đã được biên tập lại thành : “ Với tư cách là một người hoạt động chính trị…”. Việc xuất hiện động từ “Hoạt Động” trong cụm từ “một người hoạt động chính trị” đã gây ra những ngộ nhận không đúng về tôi.
Những sai lạc này là đáng tiếc, rất cần được nhìn nhận và rút kinh nghiệm./.
Thành phố Hà Đông những ngày đầu tháng 4 năm 2011
Nhà Báo : NGUYỄN THƯỢNG LONG

Có một phản hồi

  1. Ai yêu thương ai?

    (Về bài viết của Nhà báo Nguyễn Thượng Long)

    -Đọc một đoạn đầu bài viết “Hoài niệm Ngày 30 tháng Tư: Tìm Mãi Yêu Thương” của “Nhà báo Nguyễn Thượng Long:”

    “…Khi những cánh cổng sắt nặng nề của dinh Độc Lập bị các chiến xa và xe tăng Quân Giải Phóng húc đổ vào trưa 30 – 4 – 1975, thì trong một căn phòng nhỏ ở đường Yết Kiêu Hà Nội, có một người đàn ông gương mặt u uẩn, tóc trắng xoá xoã vai đang trầm ngâm bên chén rượu và cây đàn piano, ngay lúc đó, trong tay ông cây đàn đã rung lên những hợp âm làm xao xuyến lòng người :

    “Từ nay người biết yêu người,
    Từ nay người biết thương người ”.

    Người đàn ông đó là nghệ sĩ đa tài Văn Cao và những ca từ, hợp âm trên cũng là tiết tấu chính, cảm hứng chủ đạo cho ca khúc tràn đầy tính nhân bản “Mùa Xuân Đầu Tiên”, cũng là ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác văn – thơ – nhạc – hoạ đầy trắc trở của ông.”

    -Đến đây thì tôi không muốn đọc tiếp nữa! Nghĩ rằng đây có lẽ chỉ là bài bản khéo léo kêu gọi hòa giải.

    Văn Cao là một nhạc sĩ tài ba, không ai có thể chối cãi, nhưng ông ta đã đánh mất lương tri của một người nghệ sĩ khi theo Việt Minh ám sát nhà thơ yêu nước Nhượng Tống chỉ vì nhà thơ nầy ở đảng phái khác. Nhạc sĩ Văn Cao cũng đã đánh mất hết cả tính người để kêu gọi “thề phanh thây uống máu quân thù!” qua sáng tác “Tiến(g) quân ca!” Mặc dù sau nầy bị đảng đầy đọa vì liên quan với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, Văn Cao vẫn mù quáng tin tưởng vào công cuộc “Chống Mỹ cứu nước, thống nhất bằng mọi giá” của đảng nên ông ta đã tin tưởng đây là “Mùa Xuân Đầu Tiên” (do đảng đem lại) cho riêng ông? Cho đất nước? Cho dân tộc? Tin rằng “Từ nay người biết yêu người…người biết thương người!” Văn Cao vẫn không hiểu gì về bản chất của đảng CS!

    *

    Nhưng khi nhận được bài viết trên từ “Quê Mẹ” tôi cố gắng đọc hết và thấy phán đoán của mình cũng không quá chủ quan, sai lạc!

    Mặc dù tác giả cố gắng nghiêng về “người thua” để trách khéo và kêu gọi “kẻ thắng” chủ động “hòa giải” đồng thời trách cứ người Mỹ đã bỏ Miền Nam để tạo cơ hội cho Tầu Cộng khống chế VN, tác giả cũng đã rào trước đón sau:

    “… khi đọc bài viết này, sẽ có người lên án tôi, bóc mẽ tôi chỉ vì tôi không suy nghĩ như họ. Xin mời ! Tôi chủ trương không đối lời, không tranh biện. Tôi “không…” không phải là tôi không dám…tất cả cũng chỉ vì tôi là một tín đồ của ĐA NGUYÊN, là tín đồ của đa nguyên, tôi chấp nhận mọi ý kiến đối lập.”

    -Ở đây cũng không nhằm “lên án, bóc mẽ” hoặc “đối lời, tranh biện” mà chỉ nhằm lần lượt nêu ra một số điểm mập mờ, những điều nhập nhằng lấn cấn:

    Mặc dù với:

    “Kí ức đầu đời của thế hệ chúng tôi (tác giả NTL) chưa thể nhạt nhoà về những gì đã đến sau những phát triển quái gở của chủ thuyết “Đấu tranh giai cấp”, về con đường chuyên chính vô sản, về bạo lực cách mạng mà những người cộng sản đã du nhập vào đất nước chúng tôi.”

    Tác giả vẫn thắc mắc:

    “- Tại sao lại phải “Đào tận gốc, trốc tận rễ” đám Trí – Phú – Địa – Hào… rồi bây giờ lại gọi đó mới chính là nguyên khí của đất nước !

    - Tại sao sau CCRĐ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thay mặt Đảng thanh minh trước quốc dân đồng bào rằng : Một Đảng biết nhận ra khuyết điểm của mình, Đảng đó còn có thể tiến bộ, rồi ông lặng lẽ rút khăn tay lau nước mắt. ( !?).

    - Tại sao lại phải cải tạo thực ra là đánh sập công thương nghiệp tư bản tư doanh tới 2 lần (Miền Bắc sau năm 1954 – Miền Nam sau 30/4/1975). Sau 1986 đến nay lại phải làm lại gần như từ đầu.”

    __CS phải diệt hết “trí phú địa hào”cũ vì cho rằng khó uốn nắn lớp người nầy theo cổ máy cai trị mới, có thể gây cản trở bước tiến của họ, phải xóa bỏ để đào tạo “con người mới xhcn!” Trí thức xhcn mới là “nguyên khí của đất nước” mà đất nước là đảng thì trí thức chỉ biết đảng, những ai chệch hướng vẫn bị “đào gốc trốc rễ” như thường.

    Cũng như đảng cần phải xóa bỏ “tư bản tư doanh” cũ thì mới có thể xây dựng tầng lớp tư bản Đỏ là gia nhân con cháu của đảng mà không một ai bên ngoài có thể chen vào được chứ.

    Đảng cai trị dân bằng sự lừa dối, Hồ Chí Minh là đại sư tổ bịp bợm, nước mắt cá sấu và những lời “nhận ra khuyết điểm của đảng mình” là thái độ mỵ dân giả dối của Hồ cho đến những kẻ kế thừa về sau, không có gì đáng ngạc nhiên.

    Nông Đức Mạnh, đứa con hoang của Hồ trước khi rời chức vụ mới tự thú nhận “có nhiều khuyết điểm” là gì?

    Như nhiều lần trong bài viết, tác giả nhắc đến Võ Văn Kiệt: “ đã từng ngậm ngùi mà nói ‘Có triệu người vui ! Cũng có triệu người buồn !’. Không biết có phải vì đây là tiếng nói của một lãnh tụ cao cấp mà có tình trạng người vui thì gọi ngày 30 – 4 là ngày “Quốc Khánh”, còn người buồn thì gọi ngày này là ngày “Quốc Hận!”

    -Võ Văn Kiệt chỉ nói như thế khi hắn đã rời chức vụ, khi vợ con và gia đình hắn đã có tiền tỉ đô la ở ngoại quốc, nhiều cơ ngơi trong nước. Hắn nói mà không cần làm một cuộc thăm dò để kiểm chứng. Triệu người vui, nhưng hàng chục triệu người không những chỉ buồn mà phải đau thương cùng khốn: không riêng gì những kẻ “thua trận” mà ngay cả những người trong hàng ngũ “chiến thắng.” Không riêng gì người dân Miền Nam mà hầu hết người dân Miền Bắc, đám “Mặt Trận Giải Phóng” từ Nguyễn Hữu Thọ trở xuống có được bao nhiêu đứa “vui?” Đám thân Cộng, phản chiến, đám dân đào hầm nuôi VC ở Miền Nam nay trở thành dân oan có được mấy người vui?

    -Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn An cũng chỉ là những tên CS xảo trá!

    Tác giả triển khai ý tưởng “hòa giải”:

    “Sau nhiều năm tha hương biệt xứ, nay người thành đạt, người không thành đạt, nhưng mỗi khi nhớ về quê hương, xứ xở bên cạnh những bồi hồi là nỗi ngậm ngùi : “Tổ Quốc ! Một dĩ vãng cần phải quên đi”. Đến nay đã có nhiều nhân vật nổi tiếng của chế độ VNCH… quyết định tìm về cố quốc với nhiều lý do, nhưng thực ra chỉ để được gửi nắm xương tàn, đã phải nhắm mắt bước qua những thị phi của người trong nước, phải bịt tai trước những la ó, của nhiều tha nhân cùng cảnh ngộ. Đặc biệt trong đoàn người ra đi năm đó, đến nay vẫn có quá nhiều người dường như vẫn chưa ra khỏi những ám ảnh của hận thù, thậm chí nhiều người vẫn thề không đội trời chung, không đứng cùng đất với cộng sản, đó chính là nguyên nhân làm nổ ra những cuộc biểu tình phản đối các vị nguyên thủ hôm nay của Việt Nam khi họ xuất ngoại, đặc biệt khi họ công cán qua những nơi có đông người đồng bào của mình ở & thực tế đã cho hay, cũng chẳng có gì là vui vẻ dành cho các nguyên thủ cũ, các nhân vật nổi tiếng của VNCH khi họ trở về Việt Nam. Sự dè bỉu đến với họ không chỉ đến từ những người Quốc Gia đang ở hải ngoại, mà còn đến từ chính những người dân trong nước.”

    -Con chó bị tên ăn thịt chó giết hụt một lần nó nhớ để tránh mặt chạy xa, cho tới chết. Nhưng người VN thì có nhiều người mau quên dù thằng ăn thịt chó vẫn chưa từ bỏ bản chất hung ác!

    Dù vậy, cũng không ai dư thì giờ để “la ó” những người muốn trở về chỉ nhằm “gởi nắm xương tàn” với lũ chó! Nhưng bởi vì có những kẻ để biện minh cho sự trở về của mình là “chính đáng” họ phải hết lòng ca ngợi tên ăn thịt chó và phải chửi rủa đồng cảnh của mình là “chống Cộng cực đoan, nuôi dưỡng hận thù!”

    “Nguyên nhân làm nổ ra những cuỗc biểu tình phản đối” những tên VC đầu sỏ khi chúng xuất ngoại mà nhà báo Nguyễn Thượng Long cho là vì “đến nay vẫn có quá nhiều người dường như vẫn chưa ra khỏi những ám ảnh của hận thù, thậm chí nhiều người vẫn thề không đội trời chung, không đứng cùng đất với cộng sản…” Là lời cáo buộc vô căn cứ, có tính vơ đũa! Luôn nhớ quá khứ không phải chỉ để “mãi hận thù” mà những người “chống cộng cực đoan” phải tự nhắc nhở rằng bọn cs vẫn tiếp tục gây tội ác đối với đồng bào của mình đang nằm dưới bàn tay sắt máu của chúng, nhất là tội ác bán nước! Thì sự “hận thù” kia có gì là xấu xa cần lên án?

    “…các nguyên thủ cũ, các nhân vật nổi tiếng của VNCH khi họ trở về Việt Nam.” Không những bị “dè bĩu”mà còn bị xỉ vả là vì chúng quá hèn hạ và ngu xuẩn. Ngày xưa người ta cũng tưởng chúng nó có chút thực tài, nhưng thật ra thời cuộc đã đưa đẩy chúng lên cao, nay mới lộ mặt là chúng nó chẳng biết gì về cs nên chúng nó mới mạt sát hai nền CH mà chúng từng phục vụ, từng ngồi cao, chúng nó ca ngợi CS chiến thắng nhờ tài giỏi, chúng nó nghĩ rằng uy tín và tài năng của chúng vẫn còn to lớn có thể đem thuyết phục kẻ thù cũ nghe theo “kế sách” của mình để “giữ nước” và để lấy lòng chủ mới chúng phải hạ mình tâng bốc, cũng như muối mặt chửi “bọn chống Cộng cực đoan” là “một lũ phản quốc!”

    Phê phán phía Mỹ, tác giả viết:

    “Chưa người Việt Nam nào đã quên Tuyên Bố Thượng Hải ngày 28 /2 /1972. Đó là cuộc mặc cả trên lưng người Việt Nam ở cả 2 miền của Hoa Thịnh Đốn và Trung Nam Hải, là cú “Đi Đêm” đầy tai tiếng giữa Nixon và Mao. Đặc biệt là sau khi Hội Nghị Ba Lê được các bên ký kết, Mỹ chính thức bước ra khỏi cuộc chiến, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà, Mỹ không chỉ có lỗi với đồng minh chiến lược của mình, Mỹ có lỗi với cả dân tộc Việt Nam khi dửng dưng, ngoảnh mặt đi để Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam (1974) và từ đó cho tới ngày 30 / 4 / 1975 trong tiếng gầm thét của cỗ máy chiến tranh trong tay người Việt Nam, chỉ có người Việt Nam chúng tôi ở 2 bên là ngã xuống trong cuộc lao vào nhau, chém giết nhau, thanh toán nhau chí mạng chứ đâu có người Mỹ.
    Để khai thông được con đường vào Hoa Lục, ngay từ ngày đó, người Mỹ đã tạo ra một tư thế Địa Lý Chính Trị rất bất lợi cho dân tộc chúng tôi khi chúng tôi phải tồn tại bên cạnh “Anh chàng khổng lồ” đầy tham vọng Trung Quốc đã tay trong tay với Hoa Kỳ lúc mà Liên Xô đồng minh chiến lược của Việt Nam đã quá già yếu.”

    -Vì quyền lợi của Mỹ, Nixon “Đi đêm” với Mao thì chẳng có gì gọi là “tai tiếng” cả!
    Chỉ có Cộng Sản Bắc Việt vì đặt quyền lợi của đảng chúng lên trên tất cả nên bất chấp: chúng nó đã đồng lõa với Bắc Kinh trong cuộc xâm chiếm Hoàng Sa của Tầu Cộng. Trong khi, ngay cả Liên Xô cũng lên án vụ nầy thì CS Hà Nội đã gia tăng cường độ tấn công vi phạm Hiệp định Paris khắp nơi trên Miền Nam để ngăn Quân lực VNCH lập kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa.

    Lập luận“…chỉ có người Việt Nam 2 bên ngã xuống trong cuộc lao vào nhau, chém giết nhau, thanh toán nhau chí mạng…” nhà báo Nguyễn Thượng Long đã đánh đồng kẻ xâm lăng cướp nước để bán nước với người chống cự để giữ nước: đều cá mè một lứa!

    Tác giả viết:

    “Về một phương diện khác, tôi nghĩ : nếu người chiến thắng vẫn cứ giữ mãi nỗi hoan hỉ ngày 30 / 4 là ngày đánh dấu sự kiện “Đánh cho Mỹ cút – Đánh cho nguỵ nhào”, chúng ta cũng sẽ rất khó giải thích những chuyển động chính trị trong xã hội Việt Nam những ngày gần đây.

    …cùng với sự hiện diện ngày càng sâu của sức mạnh Hoa Kỳ trên Biển Đông và Đông Nam Á. Đây là câu hỏi bỏ ngỏ xin dành cho tất cả mọi người Việt Nam còn quan tâm tới thời cuộc.”

    -Có gì mà “khó giải thích!”

    Hoa Kỳ có trách nhiệm và bổn phận gì mà phải “yêu thương” VN, để “hạ quyết tâm” lôi kéo VN ra khỏi nanh vuốt Tầu Cộng? Hay một lần nữa VN chỉ là lá bài, chỉ là con chốt để Hoa Kỳ mặc cả và chia chác quyền lợi trên Biển Đông với Tầu Cộng? Hà Nội biết rõ chuyện nầy hơn ai hết, chúng nó biết rõ sợi xích chó “16 chữ vàng và 4 tốt” mà Bắc Kinh tròng lên cổ của chúng được nới lỏng hay siết chặt là tùy thuộc thái độ trung thành mẫn cán của chúng đối với quan thầy, chúng nó được Tầu Cộng cho phép “thiết lập quan hệ chiến lược” ngoài môi với Hoa Kỳ. Nhưng những lãnh vực quan yếu khác như quân sự quốc phòng, an ninh chính trị, tư pháp thì chúng nó phải tuyệt đối trung thành với mẫu quốc: Hà Nội chẳng tiếc hay sợ gì một Điếu Cày Nguyễn Văn Hải mà không chịu thả ra khi đã hết án tù! Nhưng Tầu Cộng chưa cho phép vì Điếu Cày là một “tên phản động cực kỳ nguy hiểm” mà Bắc Kinh căm ghét!

    Đem “truyền thống văn hiến hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước” và “ nước Mỹ chỉ mới lập quốc hơn 230 năm, nhưng sau chiến tranh Nam – Bắc Mỹ (1862 – 1865), giữa bên chiến thắng và bên chiến bại … họ đã có cách hành xử hòan toàn khác chúng ta là : Lấy sự hoà hợp thay cho oán thù.”

    Tác giả cố tình không hiểu bản chất cs:

    “Sau ngày 30/4/1975, không làm như người Mỹ, chúng ta cũng chẳng làm như tổ tiên chúng ta đã làm trong những tình huống tương tự. Những gì đã diễn ra sau thời điểm đó được hiểu như một cuộc tính sổ không cần thiết giữa kẻ thắng và kẻ bại trận.

    Nhiều người thuộc thế hệ tôi đã từng đặt ra một hoán vị giả định :

    Sau hiệp nghị Giơnevơ 1954, phía Bắc vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân miền Nam họ sẽ sống với Đảng cộng sản. Đảng sẽ dúi vào tay họ khẩu AK47 được sản xuất từ Liên Xô. Nam vĩ tuyến 17 sẽ là những người dân của miền Bắc. Họ sẽ sống với những người quốc gia. Trong tay họ là những khẩu AR15 được sản xuất ở Hoa Kỳ hay ở Tenavip. Điều gì sẽ xảy ra đây ? Lịch sử sẽ phải viết khác đi chăng ? Tôi nghĩ rằng không thể. Người miền Nam mà sống ở miền Bắc cũng sẽ biết thế nào là đấu tố trong cải cách ruộng đất, thế nào là :
    …sẽ phải thắt lưng buộc bụng, phải làm viêc bằng 2 để xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn phải dốc sức để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” như lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh. Người miền Bắc sống ở miền Nam cũng làm sao mà tránh khỏi những ngày quân trường Thủ Đức, có học hành chút ít như trang lứa chúng tôi tránh sao khỏi những ngày võ bị Đà Lạt ! Rồi tất cả cũng phải dốc sức để “Bắc Tiến”, để “Lấp sông Bến Hải !”, dốc sức để
    “Kéo dài biên giới Hoa Kỳ đến vĩ tuyến 17” như lời kêu gọi của ông Ngô Đình Diệm,
    Và nếu như lịch sử lại có một kết cục ngược lại, ngày 30 /4 / 1975 lại kết thúc chiến tranh ở Hà Nội ! thì liệu người dân Miền Bắc có thoát được những cuộc tập trung cải tạo để tẩy não như ngày nào ông Diệm “Tố Cộng”, lê máy chém đi lấy đầu cộng sản theo Luật 10/ 59!

    Vậy là bi kịch vẫn đến với dân tộc chúng ta như một thứ tiền định.”

    -Cái trò “hoán vị giả định” cũng từng được bọn quản giáo cai tù nói như thế để lừa mỵ vuốt ve đám tù nhân, cũng như vài tù nhân cũng ngây ngô nói như thế: “Giả thử chúng tôi ở Miền Nam thì chúng tôi cũng phải đi lính cho Mỹ Ngụy. Giả thử các anh ở Miền Bắc thì các anh cũng là cán bộ đảng viên như chúng tôi!”

    Đó là một “giả định” không thuyết phục! Có thể, biết đâu “Các anh ở Miền Nam mà vẫn thiên Cộng, phản chiến, vô bưng theo VC. Có thể các anh ở Miền Bắc và cũng bị đấu tố, bị bắt làm thanh niên xung phong đi tải đạn Trường Sơn! Đi đánh Mỹ cho đến người Việt cuối cùng!”

    -Còn một chế độ là CS thì dù ở Miền Bắc hay ở Miền Nam, thực trạng vẫn diễn ra không mấy sai khác!

    -Giờ nầy mà nhà báo “dân chủ” Nguyễn Thượng Long vẫn tin một chuyện hoàn toàn bịa đặt: “ông Diệm ‘tố Cộng’, lê máy chém. Đi lấy đầu cộng sản.” Đến nay thì người dân Miền Nam, mà có lẽ người dân cả nước lấy làm tiếc rằng ông Diệm đã không làm công việc “lê máy chém” đúng như Hà Nội đã tuyên truyền mách nước!

    -Câu nói của ông Ngô Đình Diệm: “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17?” Vào thời điểm đó thì Hà Nội cũng như một số người ở Miền Nam cho là ông Diệm bán nước, nô lệ ngoại bang. Nhưng với cái nhìn chính trị, ông Diệm đã thấy xa, thấy trước: một Nhật Bản thua trận, một Nam Hàn bị chia cắt, được cái dù Tự Do của Hoa Kỳ che chở, không những chẳng mất tấc đất phân biển nào mà đất nước của họ ngày càng cường thịnh. Hồ Chí Minh và đảng CS suy bụng ta ra bụng người, mang tính chụp mũ! Ông Diệm không không quá lệ thuộc ngoại bang, ông đã khước từ việc Hoa Kỳ đòi đưa quân vào Nam VN.

    Tác giả “giả định” rằng “30/4/1975 kết thúc ở Hà Nội”? Có nghĩa là Miền Nam chiến thắng? “Thì liệu Miền Bắc có thoát được những cuộc tập trung cải tạo để tẩy não như ngày nào ông Diệm “tố Cộng”?

    -Phải khẳng định là không!

    Có thể có những người ở Miền Nam quá căm hận cs cũng muốn trả thù, nhưng chắc chắn thể chế VNCH sẽ không cho phép, Lập Pháp và Tư Pháp của Miền Nam tương đối độc lập. Nền báo chí truyền thông tương đối có tự do, tên VC Vũ Hạnh bị bắt, giới cầm bút can thiệp đành phải thả! Các nước Đồng minh trong khối Tự do cuả VNCH sẽ cản trở, ngăn chặn nếu có chuyện đó xẩy ra. Cuộc thống nhất nước Đức có người CS Đông Đức nào bị “tập trung cải tạo tẩy não” không?

    Sau khi chia đôi đất nước, mọi người dân Miền Nam hoàn toàn tự do làm ăn sinh sống, những người đi tập kết ra Bắc, vợ con ở lại vẫn sinh hoạt bình thường, nhiều người buôn bán trở nên giàu có, con cái vẫn tự do học hành tới nơi tới chốn, học giỏi vẫn được cấp học bỗng để đi du học ở ngoại quốc… vẫn được tham gia trong chính quyền, quân đội… không hề bị phân biệt đối xử. Luật “Tố Cộng” ra đời sau khi Hồ Chí Minh phát động chiến dịch “Giải Phóng Miền Nam” ra lệnh cho bọn nằm vùng nổi dậy bắt cóc, thủ tiêu, ám sát… khắp cùng thôn xóm ở Miền Nam, chúng sát hại bất cứ người nào làm việc cho chế độ, từ một tổ trưởng, ấp trưởng trở lên. Ngay cả người dân ở những vùng mất an ninh cũng bị chúng giết hại nếu không làm theo lệnh chúng, không đóng đủ thuế cho chúng…Nếu Miền Nam quyết liệt “Tố Cộng” một cách triệt để thì không ra nông nỗi!

    Người cs chỉ nhìn hậu quả mà không dám thấy nguyên nhân!

    Tác giả đánh đồng hai miền :

    “… không chỉ người dân mà những kẻ buộc phải cầm súng ở cả hai bên xét cho cùng đều là những quân cờ vô tội trên bàn cờ xung đột ý thức hệ do những triết thuyết ngoại lai chi phối. Hoàn toàn đúng như những gì mà nhà thơ Nguyễn Duy đã viết trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ xa” :

    “Xét cho cùng với mọi cuộc chiến tranh
    Một bên thắng còn nhân dân đều bại !”

    Nếu các “Đấng chăn dân” ở cả hai bên cùng nghĩ được như thế, thảm kịch đã không xảy ra.”

    -Nếu như người dân Miền Bắc bị Hồ Chí Minh và đảng CS lừa bịp và cưỡng bức phải cầm súng đi cướp cho bằng được Miền Nam để chúng đem dâng nộp cho Nga Tầu, thì phần đông người dân Miền Nam quyết tâm cầm súng để ngăn chặn, để chống lại quân ăn cướp bán nước! Chẳng có “triết thuyết ngoại lai” nào áp đặt lên Miền Nam ngoài một nền Tự Do tương đối khả dĩ chấp nhận được. Các “Đấng chăn dân” ở Miền Bắc là một bọn đồ tể, giết dân, bán nước không hơn không kém. Lãnh đạo Miền Nam dù có lắm kẻ bất tài, nhưng cũng có nhiều người hết lòng vì dân vì nước Cho nên Cộng Sản thắng thì “nhân dân đều bại”, nhưng Quốc Gia thắng thì không phải như thế!

    Một thực tế khác là nhờ Miền Bắc thắng mới lòi bộ mặt buôn dân bán nước của Hồ Chí Minh và đảng Cộng một cách rõ ràng chính xác. Nếu Miền Nam thắng sẽ bị cs cho là Mỹ đã “xâm lược toàn cõi Việt Nam!”

    Trò bịp “Hòa giải” của CS chỉ có mục đích duy nhất là moi Đô la, như nhà báo viết:

    “ Không mấy ai nghĩ được lại có lúc nhiều tỉ USD hàng năm đã lăn ngược những con đường đầm đìa nước mắt của những thuyền nhân bỏ xứ lăn tìm trở về tiếp máu cho đất nước đang ngày càng tụt hậu với khu vực và quốc tế, đang loay hoay kiếm tìm “Chiếc Lá Diêu Bông” xã hội chủ nghĩa !. Điều này là một bất ngờ là một trớ trêu của lịch sử dân tộc. Nhưng lần này có thể nói đó là một trớ trêu có hậu.

    Hôm nay, Đảng đã hạ mình nhận anh, nhận em với những người bỏ xứ. Ngay từ Xuân Mậu Tý, ông Nguyễn Minh Triết – Chủ Tịch nước, ông Phạm Thế Duyệt nguyên UVBCTĐCSVN, nguyên Chủ Tịch MTTQVN, ông Nguyễn Cao Kỳ – Nguyên Phó Tổng Thống, Nguyên Thủ Tướng VNCH, ông Đỗ Mậu…”

    -Vì thiển cận và ngu dốt tên Việt gian bán nước đứng hàng thứ hai sau Hồ là Phạm Văn Đồng đã gọi những người thua chạy ra ngoại quốc là “ma cô đĩ điếm”, nếu như họ không thành đạt ở xứ người để có dư tiền gởi về gián tiếp nuôi kẻ thù thì cái mũ nhơ nhớp kia khó có thể được hạ xuống để đội lên cái nón mới “khúc ruột ngàn dặm!”

    -Sự “trớ trêu lịch sử” nầy chỉ “có hậu” đối với bọn Việt gian CS, nhưng có phần “vô hậu” đối với đồng bào trong nước!

    -Đảng chưa bao giờ “hạ mình nhận anh, nhận em với những người bỏ xứ” cả, nếu có thì đó chỉ là đóng kịch bề ngoài để cho đối phương mắc lừa, một khi đã vào tròng rồi chúng nó sẽ dàn dựng thế nào để cho mọi người dân trong và ngoài nước kể cả người ngoại quốc thấy rằng chúng nó có chính nghĩa cho nên những thành phần cao cấp của kẻ thù cũ đều quỵ lụy trở về xin quy thuận. Cái trò ranh ma hạ đẳng đó chỉ lừa được rất ít người, cho nên người ta căm ghét bọn lừa đảo thì ít mà khinh bỉ kẻ bị lừa thì nhiều!

    - Những loại giòi bọ nào dễ dàng sa lưới?

    “Vào thời điểm tôi (nhà báo Nguyễn Thượng Long) đang viết những dòng chữ này, các Fan hâm mộ các ca sĩ hải ngoại của cư dân nơi tôi ở đang vô cùng háo hức đón chờ thế hệ hậu duệ của những tài danh Chế Linh (Chế Phong), người hùng Biệt Động Quân Duy Khánh với quý tử Chế Phi cùng với những siêu sao cỡ Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Elvis Phương, Trường Vũ, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên… đã “Nối vòng tay lớn” điều mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ao ước ngay từ buổi trưa 30/ 4 của 36 năm về trước ! Sao lại phải muộn màng đến như vậy ! Đây thực sự là hoà hợp hay chỉ là một thứ chính trị thớ lợ !?…Hay đây là một dẫn chứng sinh động cho điều mà ông Võ Văn Kiệt đã từng nói : “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ Quốc Việt Nam không của riêng một ai, một Đảng, một phe phái, hay một tôn giáo nào”.
    Những cuộc “Nối vòng tay lớn” tương tự đã, đang và có thể sẽ còn diễn ra dồn dập hơn nữa, liệu quá trình đó có làm lu mờ đi vừng hào quang của chiến thắng 30/4/1975 ?”

    -VC vẫn thường viện dẫn Singapore để biện minh cho chế độ độc đảng của chúng, nếu quả thật VN được 50% tự do dân chủ của Singapore thì chuyện ca sĩ trong nước ra ngoài hát và ngược lại không thành vấn đề, thực tế sinh hoạt của giới ca sĩ hải ngoại ngày càng yếu kém theo đà kinh tế suy thoái, trong khi ở VN thành phần tư bản đỏ và họ hàng quyến thuộc của chúng với tiền rừng bạc biển, sẵn sàng vung vãi cho những cuộc vui chơi giải trí, ở đâu nhiều phân thì ở đó thu hút nhiều ruồi nhặng. Câu “xướng ca vô loại.” vẫn đúng với mọi thời, không phải tất cả, cũng có một số người vẫn giữ đúng nhân cách, ngoại lệ hiếm hoi, không vì đồng tiền mà phải về ca tụng “quê hương đất nước”, bất chấp mọi thối tha tệ nạn do bọn cầm quyền gây ra triền miên! Quê hương đất nước là Đảng, quê hương đổi mới, đất nước giàu đẹp là nhờ “đảng ta” đó. Chỉ vì một bữa ăn, ca sĩ Khánh Ly, người đã từng choàng cờ Vàng thề thốt đã phải cố lê lết tới gặp bọn lãnh sự VC ở Cali để cất giọng hát hết thời cho chúng nó thưởng ngoạn!

    Đó chẳng phải là “nối vòng tay lớn” mà là thu gom của cải của đám “xì ke, đĩ điếm” biến thành phân để bẫy giòi bọ! Càng bẫy được nhiều ruồi nhặng, chim mồi, cá đói… thì càng chứng tỏ đảng có nhiều thành tích sau chiến thắng 30/4/1975, chứ sao lại “lu mờ” đi được!

    Cái lũ “Thương nữ bất tri vong quốc hận” đang bù khú “nối vòng tay lớn” với bạo quyền bán nước và đang bán phụ nữ ra ngoại quốc, hết Đài Loan, Nam Hàn… nay đến Tầu Cộng:

    “Chiều 21/4, Công an TP HCM kiểm tra quán cà phê trên đường Bình Phú (quận 6) phát hiện 5 cô gái được mai mối cho một chú rể người Trung Quốc.” (VietnamExpress 22/4/2011)
    Trong một bản tin khác: nạn bán phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng ở Miền Bắc gia tăng hơn Miền Nam.

    Hình: Các cô gái thi tuyển lấy chồng ngoại ( nối vòng tay lớn… để thực hiện ước mơ của Trịnh Công Sơn)

    Câu nói của Võ Văn Kiệt phải đưọc hiểu: “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau:
    nhưng phải quy về con đường yêu nước của đảng!

    Tổ Quốc không riêng của một ai, một Đảng, một phe phái, hay một tôn giáo nào:

    nhưng tất cả mọi người mọi phe phái, mọi tôn giáo phải phục tùng ĐCS!”

    -Khi cầm quyền Kiệt đã thực hiện như thế, khi hết quyền, hắn nói gọn lại! Bọn đàn em của Kiệt như Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng … cũng đã và đang thi hành di chỉ của hắn: yêu nước như Điếu Cày, như Phạm Thanh Nghiên, như Nguyễn Văn Đài… thậm chí như Cù Huy Hà Vũ đều phải đi tù!

    Võ Văn Kiệt chỉ là tên đại bịp!

    Tác giả lại “hoán vị thời khắc”:

    “… nếu được làm lại thì những người Việt Nam yêu nước, thương nòi, có văn hoá, có nhân cách, có lòng tự trọng… sẽ hành xử khác những gì mà những người chiến thắng đã làm sau ngày 30 – 4 – 1975.

    Thử hỏi trong lịch sử dân tộc, có giai đoạn nào, có thời kỳ nào và vì ai mà nội lực dân tộc bị huỷ hoại, suy yếu vì chia rẽ, vì ngờ vực lẫn nhau lại dai dẳng, bi thương, sâu sắc & nghiêm trọng đến như vậy ! Tương lai của dân tộc rồi sẽ ra sao ? Ai là người có lỗi trước tiền nhân ? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây ?”

    -Nếu không có cái đảng CSViệt gian ma quái, thì đâu có xẩy ra tình trạng như hiện nay! Làm gì có “người Việt Nam yêu nước, thương nòi, có văn hoá, có nhân cách, có lòng tự trọng” trong đảng CS, nhất là trong bọn đầu sỏ! Vì tin tưởng có những người như thế nên tác giả đặt những câu hỏi qui “trách nhiệm trước lịch sử” cho tất cả mọi người!

    Thực tế nếu không có đảng CS thì mọi sự đều được “hóa (dấu sắc) giải”. Như trên đã nêu là sau ngày chia đôi đất nước, ở Miền Nam đã được “hòa hợp hòa giải” kể cả những thành phần phục vụ cho Pháp, Nhật đều không bị truy tố hay phân biệt đối xử. Bởi vì Miền Nam quan niệm phần nhiều những người làm việc cho Pháp, Nhật chỉ như những công chức ăn lương, nhất là về sau nầynhiều người vì không thể sống chung với CS nên phải dựa theo Pháp, Nhật để chống lại. Tuy nhiên đây cũng là một khuyết điểm, bởi vì có một thiểu số mang bản chất đánh thuê: Pháp không thuê đánh nữa, thì đánh thuê cho Mỹ, nay Mỹ không thuê nữa thì về xin làm chim mồi cá kiểng cho CS như có kẻ tự thừa nhận! Chính thành phần nầy đã góp phần phá nát Miền Nam! Trong khi nếu chúng ở Miền Bắc mà không bị giết hại thì cuộc đời của chúng còn thua súc vật!

    Ước mơ “hòa giải”, nhà báo Nguyễn Thượng Long đúc kết:

    “…Ngày mà người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước có được một tiếng nói chung, một lộ trình chung, một đề án chung để Tổ Quốc Việt Nam hiện diện trong thế giới nhốn nháo này ở tư thế ngửng cao đầu, xứng tầm với những gì mà dân tộc lẽ ra phải được khẳng định từ lâu rồi, những gì mà Văn Cao ao ước :

    “Từ nay người biết yêu người,
    Từ nay người biết thương người”.

    có lẽ vẫn còn xa vời lắm và lại như một định mệnh, với “BỮA TIỆC DÂN CHỦ” của nhân loại, chúng ta sẽ vẫn chỉ “MÃI MÃI LÀ NGƯỜI ĐẾN SAU”.

    -Ước mong của “nhà báo” Nguyễn Thượng Long, cũng là ước mong của mọi người, là ước mong rất chính đáng, nhưng nó chỉ trở thành hiện thực khi không còn ĐCS. Chừng nào còn bọn quỷ Đỏ ngự trị trên quê hương thì ước mơ kia chỉ là viễn vông, ảo vọng. “Bữa Tiệc Dân Chủ” của VN chóng hay chầy tùy thuộc vào sự ra đi của ĐCS sớm hay muộn. Còn chúng nó thì bữa tiệc kia không những chẳng được “đến sau” mà chẳng bao giờ đến. Bởi vì:

    Cộng Sản chẳng bao giờ “biết yêu người!”
    Cộng Sản chẳng bao giờ “biết thương người!”

    24/4/2011
    nguyễn duy ân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét