Chầm chậm tới...Lào
Khách sạn Lao Plaza tại thủ đô Vientiane, mỗi sáng trong thang máy được thay một chiếc thảm đề “thứ” trong tuần. Thứ Hai là thảm Monday, thảm Chủ Nhật có tên Sunday. Ước muốn thay đổi của người Lào đã len lỏi đến cả những tấm thảm.
Bố tôi…du ngoại
Khi 13 tuổi (1932), bố tôi được ông bà nội tìm cho cô vợ mới 11 tuổi. Nếu ông còn sống thì năm nay đúng 90 tuổi. Mẹ tôi 88, tạm minh mẫn, tuy chân tay bị run và đi lại khó khăn. Sinh thời, ông hay kể về chuyến đi sang Lào, lần xuất ngoại duy nhất.
Cưới nhau xong nhưng mẹ tôi vẫn ngủ với bà nội, bố nằm trên tràng kỷ, lớn đủ tuổi mới được “động phòng”. Đợi “lúc đó” lâu quá, vả lại nhà nghèo nên mấy anh em rủ nhau đi xa kiếm ăn. Đi bộ từ Ninh Bình sang Vientiane, qua bao rừng rậm, suối sâu, gặp hổ báo hay gấu ngồi “chơi” bên đường.
Có lần ngồi nghỉ nấu cơm, bỗng cái nồi cựa quậy rồi đổ cái rụp. Hóa ra, đốt lửa ngay cạnh một chú trăn gấm khổng lồ to bằng cái cột. Chú trăn bị nóng, vùng dậy chạy mất. Nếu không có lửa, chắc gì có được ông con HM đang viết Blog từ Vientiane.
Bố tôi mở hiệu bánh cao lâu (bánh nướng, bánh dẻo) bán rất chạy. Đang làm ăn phát đạt thì lính Xiêm tấn công Lào (1940-1941?), mấy anh em bỏ của chạy lấy người, bao nhiều tiền bạc mất hết, chỉ giữ được mấy đồng bạc trắng để đánh gió. Khi tản cư, bị thất lạc, mẹ tôi tiếc mãi. Lếch thếch bị gậy đi bộ mấy tháng trời mới về đến Hoa Lư (Ninh Bình).
Ông nội tôi chán quá nên bắt đi đốt lò gạch chỗ ngã ba sông Chanh và sông Hoàng Long. Tôi suýt được sinh ra ở cái lò gạch đó, họ hàng với nhà Chí Phèo. Pháp càn, bà mẹ chạy vào núi Nhội và đẻ tôi trong hang. Có lẽ vì thế mà HM giống Tôn Ngộ Không, đi mây về gió.
Sau này tết nhất, ông già vẫn nhớ nghề bánh nướng. Tôi từ Hà nội về ông dặn mua bột mỳ bằng được. Cho nhân hành thay nho khô, tóp mỡ, đường đen, trứng gà và bột mỳ đắp bên ngoài, đóng khuôn có hoa sen hẳn hoi. 8 đứa con lít nhít quây quần xem nướng bánh, hít hà và thưởng thức. Dù đi khắp đó đây, ăn nhiều loại bánh kể cả loại 6 sao, nhưng không có thứ nào ngon bằng cái bánh tôi ăn thuở chăn trâu.
Bố tôi thường kể về người Lào…chầm chậm. Học việc chậm, nói hôm trước, hôm sau quên. Đi lại từ từ, vì thật ra quanh quẩn là núi rừng, đâu mà vội. Thói quen đi núi rừng, phải ngó nghiêng xem có cái gì chén được hay hổ báo rình không.
Vientiane ngày nay
Bây giờ xuống núi, về thủ đô Vientiane vẫn không quên. Đạp xe thong thả, “phóng” xe máy chầm chậm vì trước sau là “rừng”, nhanh mà làm gì. Khách sạn Lao Plaza do Vinaconex nhà ta xây dựng, nửa Tây, nửa ta, kính mờ, khung nhôm, cột innox nhưng trong cửa lim, nước chảy từ vòi cũng lừ khừ như ông Từ vào đền, đợi nửa tiếng không đủ nửa bồn tắm. Người ta bảo dân Lào hắt xì hơi cũng…ra từ từ, và còn nhiều cái khác chầm chậm, không tiện kể ra.
Dân Tây bên Vientiane cũng y trang, râu ria đầy mồm, cả tháng không cạo, đi lại lờ đờ như chết đói, hội nhập với Mường rất nhanh. Ăn mặc bẩn thỉu, chắc cả tháng không gội đầu, tắm rửa. Đã nhìn quen Tây mặc sang trọng comple, cravat, nên thấy họ trong bộ quần áo bụi đỏ ngầu, khoác túi thổ cẩm, đi lại ngó nghiêng ở thủ đô Vientiane, cứ nghĩ là người Mỹ sang đây từ thời giúp phỉ Vàng Pao đánh Việt Nam những năm 1960-1970.
Hẹn anh bạn, làm trong tổ chức quốc tế hẳn hoi, đến đón lúc 8 giờ đi ăn tối. Bố ta lừ lừ đến 8:30, coi bình thường, cười nhăn nhở, chả có gì đáng xin lỗi. Sao mà giống đám chúng tôi bên Hà Nội rủ nhau đi dã ngoại cuối tuần thế, hẹn 8 giờ sáng thì 10 giờ mới lên đường.
Một ông Tây, gốc xứ biển Nice đẹp mê hồn của nước Pháp sang Lào ở đã 17 năm và mở restaurant Côte D’Azur trên phố Fangoum bên cạnh sông Mekong. Lão kể chuyện thuê người Lào rất thú vị. Mọi khi vẫn đến làm, bỗng nhiên nghỉ vài ngày, chả thèm báo một câu. Mấy ngày sau lò dò đến, coi như chả có chuyện gì quan trọng, lại còn cười rất tươi, bon jour, monsieur và vào bếp rửa bát như thường.
Có một chị Lào làm Pizza Ý, nướng trong bếp lò đốt củi, không phải dùng microwave như cánh Mễ Tây Cơ (Mexico) bên Mẽo. Tay chị nhanh thoăn thoắt, vừa làm vừa cười tươi, hỏi tiếng Anh chỉ gật hay lắc. Hỏi dậy mấy năm, lão Tây cười, mất ba năm chẵn đó, dân chạy bàn cũng mất ngần ấy thời gian.
Tôi ngó nghiêng chỗ này và nghi bố tôi ngày xưa bán bánh cao lâu cũng nên (?). Quán Côte D’Azur của lão Tây béo, nói tiếng Anh, Lào, Ý và Pháp như gió, rất đông khách và thức ăn ngon tuyệt vời. Bạn nào thích đồ Pháp nên thử tới thưởng thức món ăn Nice “Made in Laos”.
Thay đổi nhanh hay chậm?
Du lịch Tây rất thích sang Lào. Dân hiền, không có trộm cắp, mua bán thật thà, cười rất tươi. Nếu chỗ nào nói thách, y như rằng dân Việt, Thái hay Tầu. Người Lào chính hiệu mà bán thì còn muốn trả thêm tiền. Đi lại buổi tối êm đềm như Hà Nội mấy chục năm về trước. Dân du lịch Tây mê mẩn vì ít nơi trên thế giới còn chỗ yên tĩnh như thế. Chầm chậm hóa hay.
Tuy nhiên, một số việc họ cũng nhanh. Cách đây chục năm, khi xây dựng đường trong thành phố, dân làm rất hăng hái và nhanh gọn, loáng cái xong một con đường nhẫn thin, chắc như đổ bê tông. Quen ở rừng nên chỉ làm cống thoát nước là cái rãnh bé tý, không có cống ngầm, mưa là ngập. Sau này phải đào lên để lắp cống. Nhanh quá cũng khổ.
Không hiểu khi phát triển Hà nội, người ta có bị bệnh quên làm cống trong phố như dân Mường bên Lào không. Mấy năm nay, mưa to chút là thành Hà “lội”, Sài “lụt”. Hay do dân Mường (Hòa Bình) được thành người thủ đô mới ra nông nỗi này.
Cách đây 8 năm, tôi sang giúp cài đặt cái chảo ăng ten thu tín hiệu vệ tinh cho văn phòng Vientiane. Chỗ đặt chảo và góc nhìn lên vệ tinh lại rơi đúng vào ngọn cây xoài 100 tuổi. Phụ trách văn phòng là mụ Linda người Pháp, thoáng trông giống phù thủy, váy dài phấp phới, mũ khoằm, cằm nhọn và cực kỳ đanh đá kiểu thực dân.
Linda rất yêu thiên nhiên nên cây xoài thế kỷ này đối với mụ như cái chổi bảo bối. Khi tôi đặt vấn đề chặt ngọn thì mụ trợn mắt, nhưng vì tín hiệu vệ tinh quan trọng hơn, nên cuối cùng được đồng ý, dặn là chỉ chặt một “tý” thôi.
Thuê hai người Lào nhỏ thó đến, tôi dặn rất cẩn thận, phát ngọn đi dăm mét. Thấy họ mang mỗi con dao rừng nên tôi tin là còn lâu mới xong việc. Bỏ đi hai tiếng, quay về, trời ơi, cây xoài trăm tuổi đã bay gần đến gốc. Linda lồng lên, chỉ mặt tôi “Anh về Việt Nam đi, tôi còn ở đây thì đừng sang nữa”. Mất chổi còn gì là phù thủy nữa.
Bay từ Vientiane về Hà Nội thấy rừng Lào đang cần chương trình 135 như Việt Nam. Có mỗi con dao mà họ chặt bay cả một cây cổ thụ trăm tuổi trong vài tiếng. Từ đó, tôi mong Lào đừng đi nhanh quá trong công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Dân trí thế thì nên đi từ từ, vừa đi vừa học, hơn là nhảy cóc, có hôm gẫy chân.
Nếu họ mở chứng khoán như Việt Nam ta thì chắc còn khổ nữa. Xem ta đó, vẻ học thức đầy mình, nhất Đông Dương, trong một năm VN Index từ 0 điểm lên tới 1200 điểm. Cả nước cứ rối tung cả lên, sao tiền đâu mà nhiều thế, thành Rồng thành Hổ đến nơi rồi. Nhưng hôm nay nhìn lại VN Index 200-300 điểm, nhiều người thấy mình đang bên ngôi lều nát của lão đánh cá.
Vientiane bắt đầu cũng nhộn nhịp. Đường xá rộng hơn, có đèn đường, tín hiệu giao thông khá nhiều. Xe máy, ô tô đông. Dân chúng thi nhau xây khách sạn mini để đón khách sang dự SEA Games vào tháng 12-2009. Đây là sự kiện rất quan trọng với nước chủ nhà vì lần đầu tiên được đăng cai, đúng vào lần thứ 25 SEA Games và cũng là lịch sử nửa thế kỷ của thể thao Đông Nam Á.
Sợ anh Lào này “chầm chậm” nên hai chàng Singapore và Malaysia đang nhòm ngó để làm chủ nhà thay thế. Tuy nhiên, Lào đã công bố bài hát SEA Games “nửa Lào nửa Anh” rồi. Sân vận động SEA Games khổng lồ, do Trung Quốc giúp xây dựng, cách Vientiane 15km sắp hoàn thành.
Cả thành phố sôi động đợi cổ động viên bóng đá của Việt Nam sang ủng hộ cho…đội Lào, vào quán đập phá, thuê xe máy, phóng bạt mạng cho dân Mường xem lác mắt. Trong đám các nước XHCN, các bạn Lào và Cuba chung thủy và yêu Việt Nam nhất, không lấn chiếm biên giới, hải đảo.
Thành phố cũng bắt đầu nhôm nhoam, nhà cao thấp, hơi hướng Phnom Penh hay Hà nội. Ôtô chen lấn, kẹt xe, còi toe toe, hơi ngửi thấy mùi ô nhiễm. Thiếu nữ Mường váy hoa phấp phới, phóng xe vù vù, không ngồi sau lấy vạt váy che miệng như mấy năm trước.
Xe túc túc vẫn bẩn thỉu và nổ như xe tăng T54, nhưng anh chàng trước cửa Lao Plaza đã nói thách từ 20.000 kíp, giá mấy năm trước, lên 40.000 kíp. Cò kè mãi mới xuống được 30.000, sau đó mới biết bị hớ, giá thật chỉ 15.000 kíp (8.500 kíp/1$). Tuy xe nào cũng có bảng giá do nhà nước qui định.
Cách đây năm rưỡi sang Vientiane, bờ sông Mekong thỉnh thoảng mới có một quán. Bây giờ khác hẳn, hàng ăn uống mở la liệt. Để phục vụ thượng đế, dân Lào làm những cái ghế nửa nằm nửa ngồi cho các ông Tây râu ria với bà Mường đen trũi, nằm xé cá rô phi Mekong nướng muối hay thịt lợn rừng thui than, đút vào miệng nhau. Cóc, nhái, lươn, rắn, rùa bán tất.
Bờ sông đang được cải tạo, bẩn bụi mù, nhưng quán cóc tạm bợ, che ni lon làm lều, ghế nhựa, nấu nướng lu bù, y trang dân Việt Nam ta. Rác rưởi cứ tương thẳng xuống sông Mekong chảy về cuối nguồn cho dân Campuchia và Việt Nam hưởng lây. Về khoản này, người Lào học nhanh và giỏi.
“Chầm chậm tới mình”
Đất nước “lừ đừ” này đã nhanh lên rất nhiều. Sợ nhất là đi quá nhanh so với sự hiểu biết. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà tầm hiểu biết của một người cầm dao phá rừng thì sợ rằng như nông dân ta chơi cổ phiếu, trong nháy mắt, cả cơ nghiệp tiêu tan vào mấy tờ giấy lộn. Bán đất trồng lúa làm sân golf, lấy tiền đi karaoke, mấy hôm là ra đứng đường.
Mong sao người Lào vẫn ngó trước ngó sau như thời đi rừng và kiếm kế phát triển, nóng vội dễ hỏng việc. Nhớ chuyện ông bà nội không cho con trai và con dâu ngủ chung khi chưa đến tuổi trưởng thành, thấy cổ nhân có lý. Chưa cứng cáp, đừng vội đẻ đái, dễ sinh con dị tật. Hay như cụ già nhà này, ngồi cạnh thú dữ mà không biết, làm ăn thất bát vì không hiểu thời cuộc, thành người đốt lò.
Tới đây về Ninh Bình, viếng mộ cha, tôi sẽ khấn rằng, con đã đến nơi bố đã định khởi nghiệp lúc 16 tuổi tại xứ người. Nước Lào đang thay đổi nhanh, không từ từ như thời bố bán bánh cao lâu những năm 1930.
Hôm nay dạo bên dòng sông Mekong êm đềm trong chiều tà, nhớ về người cha đã khuất núi, vết chân ông thời trai đã đến nơi đây.
Chợt nhớ ra thi sỹ Trúc Thông có tập thơ “Chầm chậm tới mình ” khi tuổi đã muộn, trong đó có bài “Bờ sông vẫn gió” mà cha tôi rất thích “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về/ Xin người hãy trở về quê/ Một lần cuối… một lần về cuối thôi/ Về thương lại bến sông trôi/ Về buồn lại đã một thời tóc xanh”.
Bài và ảnh: Hiệu Minh.Vientiane 23-07-2009.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét