Hãy tưởng tượng một đất nước mà khi tới đó điện thoại di động của quý vị bị tịch thu ở sân bay mà không có một lời giải thích hay xin lỗi, internet không hề tồn tại và người giám sát quý vị dõi theo từng động thái. Họ sẽ báo cho chính quyền nếu quý vị rời khách sạn một mình.
Đây là quốc gia chưa từng có chiến tranh trong nửa thế kỷ qua nhưng vẫn có một trong những lực lượng quân đội lớn nhất trên thế giới và nơi mà người dân phải thờ phụng vị chủ tịch đã qua đời cách đây 16 năm.
Đó không phải là một đất nước trong chương trình truyền hình hay trong tiểu thuyết 1984 của George Orwell – đó là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong năm 2010.
Tôi đã tới Liên Xô thời Brezhnev và đã quay phim ở Miến Điện và Tây Tạng nhưng chưa có nơi nào tôi tới mà mọi thứ bị kiểm soát, theo dõi và mọi thứ được sắp đặt tới mức như vậy.
Những mô hình kiểu mẫu có mặt ở khắp nơi. Tôi đã tới thăm các trang trại kiểu mẫu, những làng kiểu mẫu, nhà máy kiểu mẫu, trường học kiểu mẫu, nơi mà chính những người giám sát cũng trông khá bẽ bàng khi tôi hỏi một học sinh kiểu mẫu trong lớp học tiếng Anh về người mà em ngưỡng mộ nhất trong các nhà lãnh đạo thế giới hiện đại và em trả lời: "Joseph Stalin và Mao Trạch Đông".
Với sự sùng bái cá nhân, những nhà độc tài và Thiếu niên Tiền phong đi diễu hành, Bắc Hàn hoàn toàn chìm trong Thế kỷ 20.
Một cụ bà ngơ ngẩn đẩy xe mua hàng dọc đường, một công nhân nhà máy mặc áo kiểu cổ tại công xưởng, và những người bán hàng rong bị đẩy nhanh khỏi ống kính camera vì sợ rằng họ sẽ làm hỏng hình ảnh gột rửa mà các quan chức muốn chúng tôi quay phim.
Người quay camera của tôi suýt khóc khi một đám trẻ em đang chơi bời rất tự nhiên bên vệ đường bị đẩy sang một bên.
"Chúng tôi muốn thấy những người dân bình thường," ngày nào chúng tôi cũng đề nghị với những người giám sát.
Nhưng sự bình thường và tự nhiên không có chỗ ở Bắc Hàn.
Chủ tịch bất tử
Chiều hôm đó chúng tôi được đưa tới nhà hát để xem vở ballet viết mừng thắng lợi của việc xây dựng đập nước phục vụ nhà máy thủy điện.
Sáng hôm sau chúng tôi được đưa tới vườn trẻ kiểu mẫu ở Bình Nhưỡng.
Mỗi khi tôi tới lớp học trong ngôi trường rộng rãi và nguy nga, các em nhỏ ùa ra nắm tay tôi và đưa tôi tới xem lại một buổi diễn được chuẩn bị cẩn thận.
Những bé gái cười ngoác miệng và nhảy rất đều trong khi các bé trai mặc đồ vét đỏ và vẽ mặt, hát những bài ngợi ca Lãnh tụ Vĩ đại của đất nước.
Mọi thứ bắt đầu khá đáng mến nhưng những khuôn mặt như đeo mặt nạ và những nụ cười cứng nhắc làm cho cả trẻ em cũng trông có vẻ dối trá.
Nhiều em nhỏ cũng được điều tới để quét các bậc thềm dẫn tới tượng đồng cao gần 20 mét của Lãnh tụ Vĩ đại.
Ông Kim Nhật Thành qua đời cách đây 16 năm nhưng ông vẫn là chủ tịch của đất nước.
"Ông là người bất tử," hướng dẫn viên 24 tuổi giải thích. "Chúng tôi không tin rằng ông đã qua đời."
Khi tôi kéo câu chuyện về với thực tại và nói về thế giới hiện đại, cô tiết lộ cô chưa bao giờ từng nghe đến Nelson Mandela.
Sự thiếu liên hệ với thế giới hiện đại này thật nản lòng.
Bí mật quốc gia
Tôi đã gửi một "danh sách đề nghị" tới Bình Nhưỡng qua đại sứ quán Bắc Hàn ở London về những gì tôi muốn thấy và muốn làm khi tới nơi.
Tôi nghĩ có thể họ sẽ nghĩ là tôi lịch sự khi đề nghị quay phim đội tuyển bóng đá Bắc Hàn, đội đã lọt vào vòng chung kết World Cup lần đầu tiên kể từ năm 1966.
Người ta cho tôi cảm tưởng trước khi tôi rời London rằng đề nghị này cùng các đề nghị khác đã được chấp nhận.
Trong cuộc gặp đầu tiên với những người giám sát tôi ở Bình Nhưỡng, họ mới cho tôi biết sự thật. Không những tôi không được quay đội tuyển quốc gia mà, theo họ, trong suốt chín ngày tôi ở đó không có trận bóng đá nào diễn ra.
Bóng đá rõ ràng là bí mật quốc gia.
Một buổi sáng tôi thấy một cặp ngồi ăn sáng, tay cũng đeo băng nhà báo. Họ trông hoàn toàn như những kẻ bại trận.
Hóa ra họ là phóng viên bóng đá Brazil. Chính họ cũng đã đề nghị được tới Bắc Hàn để xem bóng đá và đã bay từ Rio tới London và tới Bình Nhưỡng qua ngả Bắc Kinh.
"Đi xem bóng đá à," sáng nào chúng tôi cũng tàn nhẫn hỏi họ.
"Không, chúng tôi tới nhà trẻ," họ trả lời. "Không, chúng tôi đi xem ballet" là câu trả lời cho một hôm khác.
Nhưng bất chấp sự điên cuồng, ít nhất tôi cũng đạt được một điều gì đó qua chuyến đi được dàn dựng công phu tới Bắc Hàn – qua những gì mà tôi được quay phim, Bắc Hàn đã chứng tỏ họ là nước kỳ dị nhất trên thế giới.
Người ta chỉ còn biết khóc khi nghĩ tới chuyện các phóng viên bóng đá Brazil đi xem ballet.
(theo bbc.co.uk)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét