Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Mao: The Unknown Story

Mao Trạch Đông, hoàng đế quái vật

Lê Diễn Đức – dịch và giới thiệu
1. Nhận diện Mao
Hai vợ chồng Jung Chiang và John Halliday - Ảnh: GoogleJung Chiang và John Halliday – Ảnh: Google
“Mao: The Unknown Story”, tạm dịch: “Những điều chưa biết về Mao” là tác phẩm của Jung Chang và chồng là nhà sử học Anh quốc Jon Halliday. (1)
“Mao: The Unknown Story” đã đứng vào vị trí hàng đầu những cuốn sách có số lượng phát hành lớn nhất và là bestseller, chiếm thứ nhì trong tháng 7/2005, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Bà Maria Kruczkowska, ký giả của nhật báo Ba Lan “Gazeta Wyborcza”, thường trú tại Trung Quốc đã phỏng vấn tác giả của cuốn sách nói trên.
Maria Kruczkowska viết: “Đặng Tiểu bình đã đóng cửa mọi cuộc thảo luận về di sản Mao tại Trung Quốc. Đặng nói rằng, cách mạng văn hoá tệ hại nhưng phần còn lại là tốt. Tư tưởng của Mao được ghi vào hiến pháp Trung Quốc và sự chỉ trích Mao là tội phạm. Nó sẽ như thế cho đến khi nào thi hài của vị chủ tịch còn yên nghỉ tại Thiên An Môn và đảng của Mao còn tiếp tục cai trị Trung Quốc”.
Trong trường học, Mao được giảng dạy là người sáng lập nên tiềm lực Trung Quốc. Con người này đã thống nhất Trung Quốc, mở đường cho sự phát triển hôm nay. Mao xứng đáng là người kế thừa Tần Thuỷ Hoàng, hoàng đế đầu tiên gần 2500 năm về trước đã kiến lập nên một Trung Quốc thống nhất từ các bộ tộc – những người ngoại quốc thường được nghe như thế. Ở Trung Quốc ngày nay, chủ nghĩa dân tộc đã thay thế chủ nghĩa cộng sản”.
Đền thờ Mao tại Shaanxi - Ảnh: People.ku.edu
Đền thờ Mao tại Shaanxi - Ảnh: People.ku.edu
Nếu như ở Việt Nam mãi đến thập niên 90 người ta bỗng nhiên phát hiện ra “tư tưởng Hồ Chí Minh”, khắp cả nước đua nhau xây bảo tàng lưu niệm Hồ Chí Minh, rồi vài năm ần đây đưa tượng Hồ Chí Minh vào chùa đặt lên bàn thờ cạnh các vị Phật tổ, thì người Trung Quốc đã đi trước một bước với Mao Trạch Đông.
Bí thư tỉnh uỷ Shaanxi từ năm 1993 đã cho xây dựng một ngôi chùa lớn trên đỉnh núi từ tiền quyên góp, nhân dịp ngày sinh thứ 100 của Mao. Tượng thạch cao của Mao trong bộ đại cán cách mạng đứng bên cạnh Phật bà Quan Âm. Người ta tới đây thắp hương thờ phụng Mao và cầu khẩn phù hộ!
Maria Kruczkowska nói:
Thế nhưng vị chủ tịch đã chết từ hơn 30 năm nay có những diện mạo khác không làm chính quyền yên tâm. – Khi chủ tịch còn sống người ta không khinh miệt người nghèo như bây giờ. – Wang Anting, nhà sưu tập các kỉ vật về Mao ở Chengdu đã nói với tôi như thế vào năm 2006. Tại nông thôn Trung Quốc có thể nhìn thấy ảnh chân dung Mao dán bên cạnh Đức Phật và sự gần gũi giữa các tấm hình này tạo nên cái nhìn đầy mỉa mai, cay đắng”.
2. Phỏng vấn Jung Chang và Jon Halliday (2)
Maria Kruczkowska: Sách báo viết về Mao rất nhiều, gần đây Philip Short, một người Anh, cho ra cuốn tiểu sử Mao dày cộm. Thế nhưng, ông bà quyết định viết theo cách riêng của mình. Để thoá mạ Mao – người Anh nói thế.
Jung Chang: Tôi nghĩ như tất cả mọi người: Mao đã làm vô vàn điều ác, nhưng cũng có nhiều công lao. Trong quá trình viết sách chúng tôi đã nhận rõ ra rằng, Mao đã được các tác giả Trung Quốc và phương Tây nâng lên thành huyền thoại. Chúng tôi quyết chí phải đi đến tận cuội nguồn, đến với các nhân chứng của kỷ nguyên này. Chúng tôi mong muốn những bạn đọc bình thường tiếp cận với thế giới cộng sản đầy bí mật. Chúng tôi dành nhiều chỗ cho việc phân tích đặc tính của Mao: tính thù vặt, độc ác, xảo trá. Đây là công việc khoa học, bản chính của sách dày gấp 5 lần cuốn được xuất bản, bởi vì bao gồm cả những phân tích đó.
Jon Halliday: Sau 8 năm, khi chúng tôi biết rằng, chúng tôi đã có những câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng nhất, thì người Nga mở kho lưu trữ. Có khoảng một phần tư triệu trang.
Jung Chang: Tôi nói tiếng Hoa nên đã nói chuyện với các nhân chứng ở Trung Quốc, còn Jon biết tiếng Nga và vài thứ ngoại ngữ khác nữa, nên Jon lo phần còn lại của thế giới. Tại London, nơi chúng tôi sinh sống, chúng tôi gặp nhau bên bàn làm việc và đàm thoại với nhau về những phát hiện của mình.
Maria Kruczkowska: Bà đã làm gì để tạo lòng tin nơi những người gần gũi Mao?
Jung Chang: Tôi đi Trung Quốc năm này qua năm khác trong 10 năm. Tấm danh thiếp của tôi là cuốn “Thiên nga hoang dã”. Mặc dù bị cấm, vẫn có vô khối người Trung Quốc biết nó. Rõ ràng họ muốn xác nhận rằng, tuy trong năm 1991, khi nhà cầm quyền khuyến cáo những người gần gũi Mao không được phép trò chuyện với tôi, nhưng họ đã không nghe lời.
Tôi không hỏi họ nghĩ gì về Mao. Tôi biết điều đó rồi. Tôi kiểm tra các sự kiện: Vị chủ tịch ở đâu trong ngày đó? Ông ta nói gì? Tôi thu thập tư liệu cho bộ sưu tập.
Maria Kruczkowska: Câu hỏi chi tiết đã mở lối cho người đối thoại?
Jung Chang: Vâng. Càng biết nhiều tôi càng nghĩ về Mao tệ hại hơn. Trước đó, tôi chẳng ảo tưởng, nhưng tôi không giả thiết rằng, ông ta quái vật đến thế.
Mao không có nhiều người phục vụ nhằm trong trường hợp cần thiết sẽ nhận biết ai là người có lỗi. Những con người này làm việc 24 giờ mỗi ngày và không lúc nào không sợ hãi. Không một ai dám hé răng nói “tôi căm ghét Mao”. Họ chỉ đưa ra sự việc.
Jon Halliday: Nói gay gắt về Mao nhất lại là các đảng viên. Họ tố cáo Mao đã phá hoại đảng và phản bội lại lý tưởng cách mạng. Người chỉ huy ngoại tuyến của Mao khi được hỏi về Cách mạng Văn hoá khoái chí nói: “Chúng ta đang nói về cái thứ đảng nào? Về cái chủ nghĩa cộng sản nào?”.
Jung Chang: Tất cả những gì mà Mao đụng tới đều biến thành tro tàn. Ông ta không mang lại hạnh phúc cho một ai trong rất nhiều vợ, nhân tình, con gái. Tôi đã nói chuyện với vô số goá phụ của các đồng chí bị Mao ghét bỏ. Mao huỷ diệt họ, cuộc sống của họ và con cái họ.
Ảnh chân dung Mao tại Thiên An Môn - Ảnh: Google
Ảnh chân dung Mao tại Thiên An Môn - Ảnh: Google
Maria Kruczkowska: Trong năm 2003, trong cuộc thăm dò dư luận của một trong các tờ báo Trung Quốc, giới trẻ thừa nhận Mao là người Hoa vĩ đại nhất.
Jung Chang: Bởi vì báo chí, phim ảnh, đài truyền hình không cho mọi người biết đời sống trong thời kỳ của Mao ra sao. Trong nhà cha mẹ cũng im lặng, bởi vì nuôi những đứa con chống đối để làm gì?
Jon Halliday: Tôi không tin vào cuộc thăm dò này. Tôi có cảm tưởng những kết quả thăm dò khác trong năm 1994 khả tín hơn. Để có đánh giá về Mao người ta đã hỏi 10 ngàn người thuộc giới tinh hoa của Trung Quốc: các tỉnh trưởng, các nhà khoa học, các ký giả. Đa số từ họ cho rằng, “tội lỗi của Mao nhiều hơn là công lao”.
Từ đầu thập niên 90 người ta đã bán ra hàng triệu CD với các bài hát cách mạng, hàng triệu người hành hương về Yanan, nơi Mao cư ngụ thời nội chiến, cứ hai taxi thì có một treo hình Mao làm bùa hộ mệnh. Nhận xét về “thời trang Mao”, có từ 60 đến 70 phần trăm số người được hỏi cho rằng đây là chuyện “bất bình thường”.
Maria Kruczkowska: Bản dịch cuốn sách của ông bà có thể mua ở Hongkong. Còn tại Trung Quốc thì bị cấm.
Jung Chang: Rất nhiều bản được phát hành lậu. Khoảng nửa triệu cách hướng dẫn tìm đọc sách trên Internet mà nhà cầm quyền luôn tay xoá bỏ.
Jon Halliday: Tôi vừa nghe về cuốn phim “Katyn” của Wajda (3). Mỗi một dân tộc cần biết sự thật về chính mình. Người Trung Quốc cũng vậy. Katyn là tội ác của người Nga với người Ba Lan, nhưng còn khó khăn hơn, khi tội ác đó gây ra bởi người của mình.
Maria Kruczkowska: Người Trung Quốc hôm nay tự hào về tiềm lực đang tăng lên của Trung Quốc. Đúng hay không đúng khi dân chúng liên hệ điều này tới Mao, người đã thống nhất Trung Quốc? Ông bà không sợ xúc phạm đến họ sao?
Jung Chang: Người Trung Quốc hài lòng rằng, kinh tế của đất nước phát triển nhưng họ kêu ca về sự bất công và nạn tham nhũng. Năm ngoái tôi đi cùng một bà mẹ thăm ngôi mộ của người cha bị chết trong cuộc cách mạng văn hoá. Bà mẹ, một người rất tự chế, đã khóc. Bảy mươi triệu nạn nhân của Mao có nhiều người thân. Họ không nói gì cả, nhưng họ biết mình và họ muốn biết sự thật.
Maria Kruczkowska: Cuốn sách của ông bà làm sụp đổ huyền thoại cuộc Vạn lý Trường Chinh lần thứ 2 trong những năm 30. Ông bà đã viết rằng, thay vì bộ hành, Mao bắt người ta khiêng mình bằng võng. Còn huyền thoại nào khác mà ông bà đã kéo sập?
Jon Halliday: Đó là vấn đề bình đẳng của Mao. Nhiều người Trung Quốc hiện nay tiếc nhớ kỷ nguyên huyền thoại. Người kế nhiệm Mao – Đặng Tiểu Bình, với học thuyết: “Hãy để một số người làm giàu trước” – là anh hùng của giới trí thức và doanh nghiệp. Còn nông dân, công nhân, nạn nhân của sự phách lối từ phía chính quyền, thì thích chủ tịch Mao hơn. Nhưng trong thực tế, với Mao, đảng chỉ là công cụ tranh giành quyền lực. Ngay khi còn là nhà cách mạng, ông ta đã vứt bỏ giá trị cơ bản của chủ nghĩa Mác-xít là quyền bình đẳng. Ông ta khinh bỉ gọi những người đòi quyền bình đẳng là những kẻ quân bình chủ nghĩa cực đoan. Ngay từ đầu, trong đảng đã có đẳng cấp và Mao thì có cần vụ riêng. Nhưng nói cho cùng, người cộng sản là cái thứ gì với Mao. Khi Mao chết, các nhà làm sử mở thư viện sách của Mao thì thấy rằng, các di sản cổ điển của chủ nghĩa Marx chẳng được đụng đến. Mao thậm chí không đọc chúng.
Jung Chang: Vào năm 1927, khi cuộc cách mạng nông dân được khởi phát bởi những người cộng sản, trong làng của Mao ở tỉnh Hunan, Mao là nhân chứng của các cuộc hành hạ và giết hại những người địa chủ. Trong bản báo cáo của mình Mao viết rằng, ông ta rất hăng hái tham gia. Những người Trung Hoa mác-xít bị giáo dục vì lý tưởng như Chen Duxiu đã phải buộc phải làm điều ác mà mình không muốn. Còn Mao không thuộc những người này, ông ta tàn ác một cách tự nhiên.
Maria Kruczkowska: Mao là người của Stalin. Thế mà hôm nay như là một người Trung Quốc đáng tự hào vì ban đầu thầm lặng nhưng sau đó công khai đối đầu với Nga.
Jung Chang: Tôi không hiểu tại sao trong những năm 20 và 30 đảng cộng sản Trung Quốc hoạt động ở Thượng Hải. Chính nơi này là thủ phủ của những người quốc gia dân tộc Trung Quốc! Sau này tôi mới nắm bắt được rằng, ở đó có toà lãnh sự quán Liên Xô và trong toà lãnh sự có đài phát sóng liên lạc giữa Moscow và các cơ sở cách mạng trong rừng.
Jon Halliday: Điều này làm chúng tôi ngạc nhiên. Từ khi thành lập đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 1921, Mao là người của Moscow. Đã hai lần đảng muốn loại bỏ ông ta, nhưng Stalin đã bảo vệ, bởi vì Stalin nhìn thấy con người thứ hai của mình trong Mao, đó là con người cứng rắn và tuyệt đối như chính ông ta. Stalin cũng biết rằng, Mao là người biết nghe lời. Cho nên trong năm 1929 Stalin đã chỉ thị cho những người cộng sản Trung Quốc ủng hộ Mao. Còn trong thời gian 1946-1953, trước và trong khi chiến tranh Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo nói chuyện với nhau hàng ngày.
Maria Kruczkowska: Một số người nói rằng, Mao điên rồ.
Jung Chang: Không, ông ta không thuộc đẳng cấp như Hitler và Stalin. Nhưng Mao không biết cách cai quản đất nước. Khi Mao chết, một người Trung Quốc bình thường ăn ít hơn người dân của Somalia. Mao là tổ sư của phá hoại trong cái truyền thống tệ hại nhất của chủ nghĩa chuyên chế Trung Hoa.
Maria Kruczkowska: Bà phải căm thù ông ta lắm!
Jung Chang: Tôi không thích từ ngữ đó, đúng hơn, tôi cảm thấy phẫn nộ.
Bản dịch ra Việt ngữ © Lê Diễn Đức
Chú thích:
- (1) Cuốn “Mao: The Untold Story”, của đồng tác giả Jon Halliday và Jung Chang do hai nhà xuất bản, Random House (ISBN 0-224-07126-2) và Knopf (ISBN 0-679-42271-4 ), phát hành từ 02/06/2005 và 18/10/2005.
- (2) Các trích dẫn và cuộc phỏng vấn được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Ba Lan đăng tải trên nhật báo Gazeta Wyborca [http://wyborcza.pl/1,76842,4666430.html], với tựa đề “Mao – Hoàng đế quái vật”.
- (3): Bộ phim “Katyn” của Andrzej Wajda, đạo diễn Ba Lan nói về tội ác của Stalin đã ra lệnh bắn bỏ và chôn tập thể khoảng 20 ngàn sĩ quan quân đội quốc gia Ba Lan vào năm 1940 tại rừng Katyn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét