Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Phải chăng có Khủng Hoảng Kinh Tế vào năm 2010 ?

Phải Chăng Sẽ Có Khủng Hoảng Kinh Tế Vào Năm 2010?
Hoàn Cảnh Bi Đát Của Hy Lạp Làm Chúng Ta Lo Ngại Sẽ Có Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới
CHO ĐẾN NAY, QUAN NIỆM THÔNG THƯỜNG cho rằng thế giới vừa mới thoát khỏi trận khủng hoảng kinh tế lần thứ hai bởi vì hầu hết các chính phủ đã học bài học cũ của kỳ Khủng Hoảng Kinh Tế 1930, nên họ nhanh chóng ra tay cứu vãn nền kinh tế. Ngân hàng trung ương hạ giảm lãi suất xuống thấp, cho các định chế tài chánh, và nhà đầu tư đang nguy khốn vay tiền dễ dàng để họ đứng vững lại được.Nhiều nước còn cắt giảm thuế, và kích thích chi tiêu để có thể phục hồi nền kinh tế. Sự hoảng hốt bị ngăn chặn kịp thời. Hậu quả là tuy nền kinh tế vẫn còn trì trệ nhiều lắm, nhưng ít ra thì cũng không bị rơi vào khủng hoảng kinh tế. Tóm lại, cái xấu nhất đã qua đi.
Cái xấu nhất đã qua đi, có đúng vậy không? Hoàn cảnh bi đát hiện nay của nước Hy Lạp cho thấy chúng ta chớ vội ăn tiệc mừng quá sớm. Cơn khủng hoảng đang bước sang một giai đoạn mới, trong đó chính phủ nhiều nước giầu có bị nợ nần chồng chất. Giống như hồi khủng hoảng năm 30’s, chúng ta có thể phạm lỗi lầm cũ là đã không hiểu được sự thay đổi trong trật tự kinh tế thế giới.
Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế lần thứ nhất là hậu quả của những đổ vỡ do Thế Chiến thứ Nhất để lại. Cuộc chiến tranh đó đã làm tan vỡ trật tự cũ do Anh Quốc lãnh đạo, và trật tự đó lấy vàng làm bản vị cho tiền tệ. Chiến tranh làm cho nước Anh suy yếu, nguyên cả Âu Châu bị mang nợ rất nhiều, và kim bản vị bị lung lay. Điều này khiến cho việc tái tạo trật tự kinh tế thế giới cũ trở nên vô ích. Mãi cho đến khi khó khăn kinh tế trở nên quá sức chịu đựng, nên nỗ lực cứu vãn kim bản vị để trả nợ đành bị bỏ rơi.
Có sự tương đồng kỳ cục nếu chúng ta so sánh đại khái tình hình kinh tế hiện nay với tình hình thời kỳ khủng hoảng lần thứ nhất. Những nước có chế độ "eo phe" sung túc dành cho dân chúng đang bị suy thoái giống như bản vị vàng ngày xưa. Với hoàn cảnh xã hội trở nên già nua, các quốc gia giầu có không còn có thể giữ đúng lời hứa đem lại phúc lợi cho người dân được nữa. Hy Lạp chỉ là một ánh vàng nhỏ trong cái mỏ vàng lớn. Và Hoa Kỳ, nước thay thế nước Anh trong vai trò lãnh đạo thế giới, đang suy yếu dần trong cương vị lãnh đạo đó, để lại cả một khoảng trống quyền lực hết sức nguy hiểm. Mọi người đều chứng kiến nỗ lực tiếp cứu nước Hy Lạp phải trì hoãn khá lâu. Không một nước nào dám hành động quyết liệt, khiến cho thị trường trở nên bối rối.
So sánh như trên không đủ bằng chứng để tiên đoán sẽ có một cuộc khủng hoảng kinh tế lần thứ hai. Tuy nhiên, nó cho chúng ta thấy những dấu hiệu có thể gây hiểu lầm rất nhiều trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay. Cho rằng kinh tế thế giới đang phục hồi trở lại mức bình thường vì có sự tăng mức tiêu thụ, và nhiều công ty bắt đầu gia tăng mức chi tiêu, Qũy Tiền Tệ thế giới tiên đoán mức tăng chi tiêu sẽ lên đến 4.3% trong các năm 2010 và 2011. Nhưng lại có những dấu hiệu rất đáng lo ngại, hàm chứa những nguy cơ to lớn hơn, nhất là khi để ý đến gánh nặng về phúc lợi ở những nước có chế độ "eo phe" tốt, số nợ khổng lồ của khu vực tư, và sự mất thăng bằng to lớn trong mậu dịch quốc tế, rõ rệt nhất là tương quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ bị khiếm ngạch lớn, trong khi Trung Hoa thì thặng dư.
Mỗi một vấn đề kể trên đều có thể làm phát sinh sự trì trệ kinh tế. Muốn tăng thuế, và cắt giảm chi tiêu để làm cân bằng ngân sách thì lại gây khó khăn cho nỗ lực phục hồi kinh tế, nhưng không lấy lại sự cân bằng ngân sách thì rồi đây sẽ gây ra một vụ khủng hoảng tài chánh khác. Những định chế cho vay tiền cương quyết đòi chính phủ phải tăng lãi suất trên các công trái của chính phủ. Trị giá của những công trái này ngày càng xuống thấp, làm cho ngân hàng và nhà đầu tư bị thua lỗ. Hệ thống tài chánh khi đó lại bị co thắt lại.
Tình trạng thiếu hụt ngân sách của Hy Lạp hiện nay là 14% Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) không phải là chuyện hi hữu. Chính Hoa Kỳ đây còn bị khiếm hụt đến 9.9%. Hâù hết các quốc gia tiền tiến trên thế giới, đại diện cho hơn phân nửa kinh tế thế giới đều rơi vào tình trạng khó gỡ này.Tư nhân cũng lâm tình trạng tương tự. Tại nhiều nước giầu có, nợ của gia đình tư nhân có lúc lên đến 100%, song tình trạng khủng hoảng vẫn chưa xảy ra. Điều này có nghĩa là tìm cách phục hồi mức chi tiêu của giới tiêu thụ khó lắm.
Trên giấy tờ, muốn cứu chữa tình trạng này, phải thực hiện sự phát triển cân đối – balance growth. Các nước Phương Tây cần phải kiểm soát chặt chẽ chế độ eo phe, nhất là ở Mỹ, cần phải tiết kiệm nhiều hơn, và chi tiêu bớt đi. Trung quốc và các nước Châu Á khác, nơi đây họ phát triển nhờ vào xuất cảng, cần phải khuyết khích tiêu dùng, mua thêm nhiều sản phẩm tối tân của các nước tiền tiến. Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF- nói rằng điều này có thể thực hiện được, bằng chứng là những thị trường mới đang gia tăng với tỉ lệ 6.5% vào các năm 2010 và 2011. Nhưng không rõ khuynh hướng này có thể làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới đuợc hay không.
Ý kiến cho rằng chúng ta đã ngăn chặn đuợc cuộc khủng hoảng kinh tế dựa vào quan niệm nói rằng chúng ta đã học được bài học của cuộc khủng hoảng kỳ trước. Kỳ này, thay vì ngồi thụ động quan sát nền kinh tế sụp đổ, các ngân hàng trung ương đã cấp kỳ bơm tiền vào thị trường tín dụng, để ngăn chặn kịp thời cái đà xuống dốc xoáy trôn ốc của cơn khủng hoảng, và câu giờ để từ từ giải quyết những vấn đề chìm lắng sâu trong nền kinh tế. Khi nền kinh tế phục hồi, người dân trở nên lạc quan hơn, và bắt đầu tỉnh táo để nhận định tình hình. Các nước Á châu sẽ tiêu pha cởi mở hơn, và các nước tiền tiến giầu có sẽ phải tự chế trong việc áp dụng chế độ phúc lợi eo phe. Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế kỳ vọng điều này đang xảy ra: Á châu sẽ phát triển mạnh hơn các nước phương Tây trong năm tới.
Nhưng vẫn còn một điểm quan trọng qua bài học của cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế lần trước. Đó là những thay đổi về hệ thống thường chỉ có thể làm được khi có khủng hoảng xảy ra. Kim bản vị bị các quốc gia lần lượt bỏ rơi khi nó gây ra tình trạng thất nghiệp trầm trọng, chịu không nổi; Anh quốc bị Hoa Kỳ thay thế trong vai trò lãnh đạo thế giới xảy ra trong lúc có chiến tranh, vấn đề lãnh đạo trở nên thiết yếu. Không giống như hoàn cảnh thời trước,có chiến tranh, có thất nghiệp, những vấn đề kinh tế thế giới ngày nay đáng lo ngại cần phải có những thay đổi căn bản trong hệ thống kinh tế thế giới, ngay cả trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Bài phân tích của Robert J. Samuelson trên Newsweek ngày 17/5/10
Nguyễn Minh Tâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét