Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm

“Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm”: Sự thức tỉnh muộn màng

“…Thật đau xót cho thời cuồng tín, mê muội, người Việt say sưa giết người Việt! Đau xót về một thời bi kịch của dân tộc để phải thức tỉnh về nhận thức…”

Viết về cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm đòi hỏi phải có cái nhìn công bằng, khách quan, lý trí, thoát khỏi thân phận công cụ tuyên truyền. Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn đã có được cái nhìn đó trong trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm”, tập trường ca vừa được Nhà xuất bản Văn Học phát hành cuối năm 2009.

Những năm sáu mươi, bảy mươi thế kỷ hai mươi, hầu hết đàn ông Việt Nam đã trưởng thành đều mặc áo lính của cả hai bên chiến tuyến, đều là lính của hai đội quân đang đối đầu tiêu diệt nhau, lính Quân đội Việt Nam Cộng hòa và lính Quân đội Nhân dân Việt Nam khi còn ở miền Bắc, lính quân giải phóng khi vào chiến đấu ở miền Nam. Không là lính, họ là đồng bào, nhiều người còn là họ hàng, anh em ruột thịt. Nhưng chiến tranh hút họ vào lính, đẩy họ thành kẻ thù đối kháng của nhau:

“Bộ đội nghĩa vụ quân sự
Chọi nhau với lính quân dịch Cộng hòa!”

PDT-01.jpg

Những học trò vừa tốt nghiệp trung học, những sinh viên đang học dở đại học bị động viên vào lính cầm súng ra trận. Những người lính có chữ đó, nhiều người có năng khiếu văn chương và tâm hồn nhạy cảm đã cầm bút viết về cuộc chiến, viết về thân phận con người, thân phận quê hương đất nước trong chiến tranh và họ đã làm nên đội ngũ nhà văn, nhà thơ quân đội của cuộc chiến tranh đó. Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Văn Lê, Thái Thăng Long, Chu Lai, Thái Bá Lợi, Trần Nhương, Nguyễn Thái Sơn… Họ đều là bầu bạn thân thiết cùng thế hệ với tôi và tôi đã đọc đầy đủ trường ca của họ viết về cuộc chiến tranh mà chúng tôi là người lính ngoài mặt trận. Phải đến trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” thì cuộc chiến tranh vẫn được gọi là chống Mỹ cứu nước mới được nhận ra bản chất thực là cuộc nội chiến tương tàn, là bi kịch lớn của dân tộc Việt Nam, là sự tái diễn thảm cảnh đau thương người Việt giết người Việt đã từng xảy ra ở thời những vương triều suy vong:

“Lính họ Trịnh Đàng Ngoài
Đánh lính họ Nguyễn Đàng Trong
Lính Tây Sơn Nguyễn Huệ
Chém giết lính Nguyễn Ánh Gia Long”.

Thời công nghiệp, điện tử, chiến tranh không còn chỉ là động tác của cơ bắp chém, đánh như thời Trịnh, Nguyễn, thời Tây Sơn nữa mà là ấn nút, nhấn cò, động tác nhẹ nhàng cuối cùng sau chuỗi những thu nạp dữ liệu, phân tích, tính toán điện tử:

”Lọat hỏa tiễn rời bệ phóng
Nổ tung trong căn hầm bên trại giặc chen chúc người”.

PDT-02.jpg

Hiệu quả hủy diệt, chết chóc của động tác nhẹ nhàng ấn nút ấy không còn tính bằng hàng đơn vị mà phải tính bằng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn nhân mạng:

“Người Việt miền Bắc
Người Việt miền Nam
Mỗi ngày
Bao nhiêu bom đạn
Mấy ngàn người chết!”

Trước đó, trường ca viết về chiến tranh của Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo… chỉ mới soi rọi vào góc khuất trong đời sống tâm hồn tình cảm của người lính, người mẹ, người vợ, mới khám phá những hoàn cảnh nghiệt ngã, những tâm thế chênh vênh của con người cá thể trong xoáy lốc chiến tranh:

“Vắng anh, chị bị thừa ra
Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại
(Hữu Thỉnh – Trường ca “Đường tới thành phố”)

Thử thách với người chồng ngoài mặt trận là bom đạn, còn thử thách với người vợ ở quê lại chính là nhan sắc của chị:

“Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì chị còn nhan sắc!”
(Hữu Thỉnh – Trường ca “Đường tới thành phố”)

Trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh mang rõ dấu ấn của ngòi bút tài hoa và bộc lộ tấm lòng hồn hậu nhân văn của người viết và sự hồn hậu nhân văn ấy dành cho những thân phận cá thể. “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” của Nguyễn Thái Sơn là nỗi bận tâm, nỗi đau đáu cho số phận dân tộc bị xô đẩy vào cuộc nội chiến thảm khốc, lâu dài!

Vì mối quan tâm là số phận cả dân tộc, “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” không có nhân vật cụ thể mà chỉ có hai nhân vật ước lệ: Người đàn ông ra trận và người đàn bà ở lại làng quê. Hai nhân vật ấy như hai cá thể ước lệ cho thủy tổ loài người, ông Adam và bà Eva, như hai ông bà ước lệ cho tổ tiên dân tộc Việt Nam, ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Những tâm trạng sâu kín, những tình cảnh quẫn bách được nhắc đến trong trường ca là cuộc sống không bình thường, trái tự nhiên mà người đàn ông và đàn bà ước lệ phải chịu đựng do họ phải sống thiếu nhau vì chiến tranh. Người đàn ông ngoài mặt trận không phải chỉ khổ vì nằm gai nếm mật, sốt rét, bom đạn mà còn khổ vì:

“Chúng tôi
Những người lính đàn ông con trai
Mười chín, ba mươi tuổi
… Chúng tôi không e ngại bất kể điều gì
Chỉ khổ vì dư thừa năng lực đàn ông!”

Nỗi khổ của người đàn bà ở làng quê vắng bóng đàn ông càng âm ỉ thiêu đốt:

“Những người đàn bà khao khát tình yêu
Da thịt có gai, có lửa
… Những người đàn bà sung mãn
Đêm uống “nước sông”
Ngày ăn “cơm nhạt”!”

Khao khát mà chỉ có “nước lã”, “cơm nhạt”, chỉ có cuộc sống chay tịnh! Họ phải khỏa lấp sự trống vắng, thiếu thốn, xả nỗi khát khao vào những công việc bất thường, nặng nhọc:

“Gánh nước nửa đêm tưới đầm vườn nhãn
Xay vài thúng thóc
Giã nửa nong ngô!”

Bom đạn khốc liệt! Cái chết đến từng phút từng giây:

“Không ai từ cõi sinh chìm vào cõi tử
Dễ như người lính
Nhanh như người lính
Nhiều như người lính
Đương nhiên, mặc nhiên, tất nhiên, hồn nhiên như người lính!”

PDT-03.jpg

Chết chóc như thế nên người đàn ông trở thành hồn ma cũng là lẽ đương nhiên:

“Chúng tôi sống bình thường rồi chết
Chưa xấu cũng chưa kịp tốt
Không thành ma quỉ, chẳng hóa thánh thần
Không phải xuống địa ngục
Không được lên Thiên Đàng
Tụ tán trên tàn cây ngọn cỏ
Ẩn trong giọt sương, tiêu dao trên ngọn sóng!”

Người đàn bà lấy chồng ở với chồng được hai đêm:

“Mười chín năm con gái
Làm đàn bà hai đêm!”

Người đàn ông thành hồn ma rồi thì người đàn bà đành sống cô quả:

“Có chồng hai đêm
Chị chỉ là người đàn bà tập sự
Mười năm
Mười lăm năm
Hai mươi mốt năm
Vẫn chỉ sống như thời con gái!”

Cuộc nội chiến đau lòng như vậy thì đâu có gì để ồn ào khoe khoang, để lỉnh kỉnh huân chương, xênh xang mũ áo phô trương nhỉ?

Người lính miền Bắc mang súng AK, nói tiếng Việt. Người lính miền Nam mang súng AR15, cũng nói tiếng Việt. Hai người lính cùng một tiếng mẹ đẻ Việt Nam mà tìm mọi cách tiêu diệt nhau, mang cái chết đến cho nhau. Cái chết đến từ khẩu AR15:

PDT-04.jpg

“Chùm đạn AR15 bắn gần khoan vào trán
Găm giữa ngực
Những người lính đội mũ tai bèo đổ gục!”

Cái chết đến từ khẩu AK:

“Tốp lính Sài Gòn lò dò đặt chân lên sườn đồi
Hứng trọn những lọat đạn AK vào đầu, vào ngực!”

Người giết và người bị giết đều là người Việt:

“Người Việt thắng trận huy hoàng
Bại trận
Cũng là người Việt!”

Người bị giết dù ở phía nào thì người Mẹ Việt Nam vẫn phải nhận lấy nỗi đau chết chóc:

“Năm Nhâm Tý – bảy hai
Máu binh sĩ Sài Gòn
Máu quân giải phóng
Đỏ sông Thạch Hãn
Ướt sũng gạch vụn Cổ Thành!”

Thật đau xót cho thời cuồng tín, mê muội, người Việt say sưa giết người Việt! Đau xót về một thời bi kịch của dân tộc để phải thức tỉnh về nhận thức.

“Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” là sự thức tỉnh đó. Sự thức tỉnh cần thiết mà muộn màng!

Phạm Đình Trọng
© Thông Luận 2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét