Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và Ðịa đàng phương Ðông của Oppenheimer




Nguyễn Quang Trọng
Trong báo Thế Kỷ 21 (số tháng 12 năm 2001, nam California, USA) ông Nguyễn văn Tuấn có đặt lại vấn đề nguồn gốc (Tàu) của dân tộc và văn minh Việt Nam sau khi ông đọc cuốn "Địa đàng ở phương Đông" của Stephen Oppenheimer. Với nhiều điểm mới dựa trên sự tổng hợp tài liệu nhiều ngành (khảo cổ học, ngữ học, di truyền học, dân tộc học) và kết quả nghiên cứu của chính Oppenheimer, "Địa đàng ở phương Đông" phát giác sự đóng góp quan trọng của vùng Đông Nam Á trong lịch sử nhân loại. Ngô thế Vinh đã giới thiệu sách này trong bài "Tìm về phương Đông- Địa đàng lại đánh mất" trong Thế Kỷ 21 số tháng tư năm 2000. Việc Nguyễn văn Tuấn (NVT) tóm tắt cuốn sách đồ sộ này (560 trang với kiểu chữ nhỏ) và thêm những dữ kiện mới thông báo rất đáng ca ngợi. Những thuyết mới về nguồn gốc dân tộc khi được thông báo cho cộng đồng người Việt Nam giúp hiểu thêm về cội nguồn tổ tiên, xóa bỏ mặc cảm tự ti (nếu có). Tuy nhiên, do tầm quan trọng của vấn đề, khi sử dụng những số liệu và dữ kiện để chứng minh quan điểm của mình, có lẽ chúng ta cần thận trong để tránh các bẫy rập tự tôn, duy chủng tộc, duy dân tộc quá khí.
Tự tôn dân tộc - tự tôn chủng tộc.
Người Tàu rất tự tôn, không riêng ở cái tên Trung Quốc tự xưng, mà còn vì thói quen hay tự nhận là "người đầu tiên" sáng chế ra nhiều thứ (dù có phần nào sự thật). Tính tự tôn này đôi khi cũng thể hiện trong lãnh vực khoa học. Một số khoa học gia Trung Quốc muốn chứng minh đất Trung Hoa là nơi phát sinh ra giống dân Á châu, và văn minh tộc Hán là văn minh trung tâm thế giới. Họ cố tình che dấu, giảm thiểu, hay vơ chung vào văn minh tộc Hán những nền văn minh rực rỡ cổ xưa tìm thấy trên đất Trung Hoa nhưng không thuộc vùng ảnh hưởng Hán tộc. Điển hình là trường hợp văn minh Sanxingdui phía bắc Thành Đô (Chengdu, thuộc tỉnhTứ Xuyên), phía nam thượng lưu sông Dương tử. Năm 1986, một nhóm thợ lò gạch tình cờ tìm được một hố tế lễ chứa đầy đồ đồng, vàng và ngọc thạch. Khi đoàn khảo cổ Tứ Xuyên đến đó khai quật, họ tìm ra hố thứ hai. Tổng số đồ vật trên 800 món, với nhiều thức tuyệt xảo bằng đồng, kích thước to, trong đó có tượng người cao bằng người thật (1.72 m), nhiều đầu người và mặt nạ bằng đồng. Đây là tượng đồng to nhất tìm thấy ở Trung Hoa. Tượng có mắt to và xếch, mũi lớn, lông mày rậm dày và miệng thật rộng, rõ ràng không phải chân dung tiêu biểu người Hán. Hơn nữa nền văn minh đời Thương, là văn minh cổ nhất của Tàu, không hề có đồ đồng mang dạng người. Trung Hoa xem đó là cổ vật thuộc nhóm dân Ba- Thục, và xếp chúng vào thời đại cuối thời Thương.
Một nhóm khảo cổ Hoa Nhật khám phá ra thêm một thứ đền "kim tự tháp" ở Longma, phía tây- nam Thành Đô, có cùng những đường nét văn hóa. Đền này nằm tại trung tâm thành cổ, trong khi đền thờ, nơi tế lễ cổ và thuần Trung Quốc (Hán) đều nằm ngoài vòng thành. Các nhà khảo cổ Nhật ước tính tuổi cho nền văn minh này là 3000 đến 4700 năm về trước. Khám phá này được công bố ở Kyoto, Nhật vào tháng 10 năm 1996, hình ảnh được đăng trên những báo lớn và sau đó trong những sách, báo Anh và Pháp ngữ, trong khi báo Trung Hoa không hề đăng, và rất ít thường dân Tàu biết đến tin này. Trên thực tế, Trung Hoa không muốn chấp nhận sự hiện diện một nền văn minh khác, rực rỡ và xưa hơn văn minh Hán tộc vốn dĩ được xem là văn minh gốc của cả nước.
Vào nửa đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Ấu châu đặc biệt chú trọng đến việc khai quật các di tích tiền sử ở những nước thuộc địa. Nhưng vì dựa vào mô hình các giai đoạn phát triển kĩ thuật ở châu Ấu để nghiên cứu các dữ kiện khảo cổ nên họ đã đưa đến những kết luận nhuộm màu ưu / duy chủng tộc trong chiều hướng tôn cao văn minh dân da trắng. Nhà khoa học Áo Heine-Geldern nổi tiếng về thuyết thiên di ở Đông Nam Á, đã cố sức chứng minh văn hoá Đông Sơn bắt nguồn từ văn hoá phương tây người Kimmer, hay người Tokhara (tức người Nhục Chi) từ vùng Hắc Hải thiên di đến (thật ra người Tokhara chỉ đến vùng nam Tây Bá Lợi Á). Mansuy, người Pháp đã phát giác ra các di vật ở Bắc Sơn (vùng Cao Bằng Lạng Sơn),- theo Hà Văn Tấn- đã "gắn sự xuất hiện của kĩ thuật mài đá trong văn hoá Bắc Sơn với yếu tố tộc người da trắng có nguồn gốc phương Tây." Nhà tiền sử học Mĩ Movius xem sự kiện trường tồn của đồ đá đặc thù Á Châu "Choppers/Chopping-tools" là biểu hiện tính chất kém phát triển của văn hoá Đông phương so với Tây phương cùng thời. Coedès, hàn lâm viện sĩ Pháp, từng là Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ danh tiếng, cũng cho rằng cư dân bản địa Đông Dương vốn thiếu óc sáng tạo, ít khả năng tiến hoá và khó tiến bộ nếu không có sự đóng góp của bên ngoài.
Nói thẳng ra, tất cả các nhà khảo cứu này cho rằng cư dân Đông phương cổ mọi rợ, không văn minh bằng cư dân Tây phương cổ. Vô tình hay hữu ý, các nhà khoa học thời đó đưa ra những lí lẽ biện minh cho chính sách thuộc địa mà kết luận đưa ra là dân Tây phương (có bổn phận) đem ánh sáng văn minh đến cho những dân tộc bán khai địa phương. Đó là tính tự cao chủng tộc của người da trắng.
Nhưng Đông Nam Á thời tiền sử có thật sự kém văn minh như người ta tưởng không?
Ngày nay đa số khoa học gia công nhận rằng không thể áp dụng mô hình các giai đoạn kĩ thuật ở Ấu Châu để định tuổi cho dụng cụ đá tại Đông Nam Á, và qua đó định tuổi các nền văn hoá Đông Nam Á, là vùng có khí hậu và môi trường sống hoàn toàn khác. Dụng cụ chặt đẽo choppers sở dĩ không thay đổi trong một thời gian dài là vì người Đông Nam Á thời đó đã biết dùng tre, gỗ chế biến thành dụng cụ cần thiết cho đời sống hằng ngàỵ. Nhưng người ta không tìm ra được các thứ vật dụng này vì chúng đã bị tiêu huỷ trong môi trường Đông Nam Á nóng ẩm ; và chính công cụ đá đã được sử dụng trong việc chế tạo tre, gỗ thành đồ dùng. Đó là mô hinh gỗ / mộc , tức "lignic" model, hay bamboo-karst model. Người ta có thể khẳng định như thế nhờ những phương pháp tiếp cận khảo cổ học mới sau này (dựa vào kinh tế học, sinh thái học và xã hội học). Một trong các bằng chứng thực tiễn là cuộc sống của bộ lạc nhỏ Tasaday trên đảo Mindanao (Phi luật Tân). Dân bộ lạc này vẫn còn sống theo kinh tế săn bắt-hái lượm như người "thời đồ đá", nhưng họ hầu như không có (vì không cần) công cụ làm bằng đá.
Dân tiền sử Đông Nam Á sống thiên về hái lượm cây, trái, đào củ và săn, bắt, bẫy các loài thú nhỏ hơn là thú lớn như dân xứ lạnh Ấu châu (bò rừng, tuần lộc...), nên không cần dùng khí giới lao, cung với lưỡi ngọn lao, mũi tên làm bằng đá đẽo. Họ săn heo rừng, khỉ, nai, nhím, chim... bằng cung nỏ với tên tre chuốc nhọn hay bằng ống thổi (blow-pipe) với mũi tên (là) gân lá tẩm thuốc độc, như dân các bộ lạc miền núi Việt Nam và trong rừng Indonesia ngày nay. Trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, rừng nhiều cây lá, nếu cần che thân, sử dụng vỏ cây hay lá cây thì mát mẻ, dễ chịu và tiện lợi hơn da thú ; và vì không cần da thú nên họ không cần công cụ đá để nạo da thú như người tiền sử Ấu châu; họ bắt cá, săn thú, xẻ thịt, với các cạm bẫy, dao chế biến từ tre, lá, như thổ dân trên đảo Mentawai xứ Indonesia ngày nay. Nói chung những bộ lạc miền nhiệt đới chưa "văn minh" hiện nay vẫn chế tạo rất nhiều đồ dùng từ tre, mây, gỗ, lá. Đó là dấu vết kinh nghiệm cư dân cổ bản địa truyền lại.
Các hình vẽ thú, cảnh đi săn, trên vách nhiều hang động Ấu Châu thời tiền sử (peintures rupestres), cho biết thịt là món ăn chính của người tiền sử tại đây. Trong khi đó, người cổ Hoà Bình ăn nhiều sò ốc, bằng chứng là vỏ các loài ốc núi và ốc nước ngọt tìm thấy trong những đống rác bếp trong hang động trên mười ngàn năm trước (ở vùng Hoà Bình và vịnh Hạ Long); cũng như sau đó người sống dọc bờ biển từ vịnh đến bắc Trung Phần đều vẫn ăn sò, điệp biển và để lại hàng đống vỏ lớn. Cư dân Bắc Việt cổ đã ăn ốc từ 15 000 năm trước (và bây giờ ta vẫn ăn), điều này không thấy trong di tích người tiền sử Ấu châu.
Sau những phát hiện khảo cổ chấn động thế giới vào thập niên 60 tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, một số nhà tiền sử học đã đặt lại vấn đề tiền sử Đông Nam Á. Solheim II, giáo sư Đại học Hawaii, viết một loạt bài từ năm 1967 về sự ra đời sớm của việc trồng trọt, làm gốm, đóng thuyền, đúc đồ đồng thau... Solheim đã đi ngược lại các luận điểm của Heine-Geldern (nguồn gốc từ người Tokhara, Kimmer) về cuộc thiên di của người Nam Đảo (Austronesian) và nguồn gốc văn hoá Đông Sơn. Theo Solheim, đóng góp của văn hoá cư dân Đông Nam Á vào văn hoá Bắc Trung Quốc thật quan trọng ; ông đưa thuyết mạng lưới buôn bán đường biển liên đảo, gọi là mạng Nusantao, ở khắp vùng Thái bình Dương từ Nhật xuống đến các đảo phía nam từ trên mười ngàn năm trước. Những nhà hàng hải Nusantao này là cư dân vùng thềm Sunda phía đông Indonesia và nam Phi luật Tân, đã buộc lòng phải dùng đường biển khi mực nước dâng cao làm ngập đất họ sống. Tuy nhiên, Hà văn Tấn cho rằng luận điểm của Solheim chưa có hay không có cơ sở vững chắc, với nhiều điểm "phi lý, hỗn loạn" và dễ bị chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi lợi dụng.
Sau Solheim, một số nhà khảo cổ học khác như Meacham ở Hong Kong, Higham ở Tân Tây Lan, Pookajorn ở Thái Lan đều đồng ý là vùng Đông Nam Á, từ Thái Lan xuống Indonesia qua bán đảo Đông Dương, là cái nôi của văn minh Nam Á (Austroasiatic)- Nam Đảo (Austronesian). Và mới đây, Oppenheimer còn đi xa hơn nữa, khi đưa ra thuyết rằng văn minh Đông Nam Á là cội nguồn của văn minh phương tây, rằng khi cư dân thềm Sunda di tản tránh biển dâng, họ đã đến vùng Lưỡng Hà - Trung Đông, mang theo kinh nghiện trồng trọt, làm đồ gồm và ... sự tích Đại hồng thủy.
Bác sĩ Oppenheimer, nhà thám hiểm nhà nghiên cứu, người bạn các dân tộc Đông Nam Á.
Oppenheimer tốt nghiệp bác sĩ Đại học Oxford bên Anh năm 1971. Năm 1972 ông sang vùng Viễn Đông hành nghề tại nhiều bịnh viện trong vùng, mà độc đáo nhất là khi ông làm "bác sĩ bay" (flying-doctor) ở Borneo. Ở vùng này gần hai mươi năm, ông du hành và nghiên cứu về nhân học khắp Đông Nam Á lục địa (kể cả Việt Nam) và các đảo Thái bình Dương. Ông không ngại nguy hiểm, lặn lội nơi thâm sâu cùng cốc, tìm đến những bộ lạc còn giữ ngôn ngữ xưa hay cổ tích truyền khẩu... Trong sách nói trên có vài bức ảnh do tác giả chụp. Có một ảnh nhà sàn với hàng chữ : nhà sàn thành phố không đất Sitankai (cất trên bải san hô ngầm) giữa biển Sulu, tác giả chú thích rằng người tiếp viên trên tàu (ship's steward) ở góc phải hình đã cứu tác giả và ý trung nhân của ông thoát khỏi tay lính Phi. Ông kể giai thoại đó như sau:
Lần đó ông cùng ý trung nhân người Tàu đi du lịch, và gặp hai người Tây phương tại nam Phi Luật Tân. Hai người này khuyên đôi tình nhân trẻ đi "fun trip" bằng tàu trên vùng biển Sulu đầy đảo nhỏ phía nam Mindanao (Philippins)-bắc Borneo. Họ nghe theo, đáp một tàu lớn chuyên chở hành khách địa phương lẫn hàng hoá qua các hải đảo Sulu. Đến mỗi làng, tàu thả người xuống, và cho khuân lên những bao hải sâm (sea cucumber) món hàng đắt tiền rất được các nhà hàng ăn ở Hong Kong ưa chuộng. Tàu được một nhóm lính vũ trang đi theo bảo vệ chống hải tặc trong vùng. Một lần, đám lính ấy nhậu say, toan "dòm ngó" cô vợ sắp cưới của ông. Khi tình trạng đến hồi nguy hiểm thì thuỷ thủ đoàn đến kịp lúc, đưa hai người lánh lên boong trên, cứu họ thoát nạn. Nhờ giai thoại này độc giả biết thêm một phần đời tư tác giả, một người yêu Đông Nam Á và yêu người Đông Nam Á (cô ấy sống ở Nam Trung Hoa, có lẽ thuộc chủng Nam Mongolic, như các dân Đông Nam Á khác).
Đầu thập niên 80 ông chuyển qua ngành nhi khoa nhiệt đới, và làm việc ở Madang, vùng phía bắc New Guinea (Tân Guy nê, đảo phía bắc Úc Châu). Ông rất ngạc nhiên khi thấy quá nhiều trẻ mới sinh bị thiếu máu (anaemic) mà không thiếu sắt (iron deficiency). Đem mẩu máu lấy từ cuống rún trẻ về trường y khoa nhiệt đới ở Liverpool (ở Anh) phân tích, ông nhận thấy trẻ sơ sinh thiếu máu vì hồng huyết cầu hình dạng không bình thường, rất dễ vỡ trong một "bịnh" di truyền gọi là a-thalassaemia (aT), do thiếu một trong hai gene (di tố) tạo ra a (alpha) globin; alpha globin là một trong bốn protein a,b,d,g ; (bệnh b- thalassemea do thiếu gene b) hợp với phần tử heme chứa chất sắt tạo thành haemoglobin (viết tắt HbA, F) nằm trong tế bào máu đỏ (hồng cầu).
Khi các genes này có "vấn đề", các Hb tạo nên (A, F) không theo tỉ lệ bình thường hoặc cấu trúc bị biến dạng (HbS, HbC, HbE.) khiến cho hồng cầu biến dạng, dễ vỡ. Thí dụ hồng cầu có hình liềm (HbS) hoặc cầu tròn thay vì hình cầu lõm hai mặt. Tuỳ theo mức độ các "vấn đề" là giảm, thiếu globins hay chuyển đổi các thành phần nucleic acids tạo di tố, và tuỳ các đôi di tố tương hợp hay dị hợp mà các hậu quả mất máu nặng nhẹ khác nhau. Tính miễn nhiễm sốt rét là một hậu quả (tốt bất) ngờ của sự biến dạng và dễ vỡ của hồng cầu.
Khi nghiên cứu kĩ sự phân bố trẻ sơ sinh aT trên đảo, ông thấy trẻ có cha mẹ gốc vùng núi cao bên trong đảo ít bị sốt rét hơn trẻ trong các làng vùng thấp, ven biển hay trên đảo nhỏ xung quanh. Để biết rõ nguyên nhân, ông bỏ thì giờ đi thăm từng gia đình các em bé được phân tích máu, hỏi gốc gác và tiếng nói của họ. New Guinea là nơi có số ngôn ngữ cao nhất thế giới (750 thứ tiếng) đa số là thổ ngữ Papua, các tiếng còn lại thuộc họ Nam Đảo, tiếng nói người sống ven biển. Điểm nghịch lí là số trẻ aT không phân bố theo gốc gác tiếng nói, mà phân bố theo độ cao nơi gia đình sống. Những trẻ aT đều thuộc gia đình miền núi cao chưa hề bị sốt rét. Nhờ lấy mẩu máu này ở New Guinea đem về Anh phân tích gene mà ông thành ngườI đầu tiên khám phá ra sự liên hệ giữa a-thalassaemia và sự phân bố bịnh sốt rét trong vùng New Guinea ; kết quả này công bố trên báo The Lancet năm 1984.
Ông đi đến kết luận là những người không bị sốt rét nhờ hưởng gene aT của ông cha tổ tiên, vì chỉ những người có gene đột biến aT mới sống còn qua sự "tuyển lựa tự nhiên" của bịnh sốt rét. Bịnh sốt rét là bịnh gây tử vong cao cho loài người: ngày nay sốt rét vẫn làm chết người trên thế giới nhiều hơn các bịnh khác. Trong bệnh này, các trùng Plasmodium vào người theo vết cắn muỗi Anopheles, vào gan và hồng huyết cầu kí sinh để tiếp tục sinh sôi tăng trưởng. Oppenheimer khám phá ra là trùng sốt rét Plasmodium falciparum không tấn công được hồng huyết cầu aT, và trùng này bị chận không lan tràn được trong cơ thể người bị muỗi nhiễm trùng cắn. Đây là một kết quả quan trọng, nhất là cho dân Đông Nam Á ( hay bị sốt rét và bị "thiếu máu"-anemia- do thalassaemia), được công bố trên báo khoa học hàng đầu thế giới (Nature) năm 1997.. Những đợt đột biến đưa đến sự tuyển chọn gene kháng sốt rét thay đổi tùy nơi, nên cùng là aT mà di tố đột biến ở Việt Nam và ở New Guinea chẳng hạn, không giống nhau, gây ra hiện tượng "thiếu máu" anemia nặng hay nhẹ tùy theo di tố truyền lại cho dân đó. Căn cứ theo bản đồ những vùng có di tố "chống sốt rét" và nhiều dữ kiện văn hoá phong tục khác, ông suy ra rằng dân Đông Nam Á đã di cư đến Trung Đông (dân Trung Đông cũng hay bị thalassaemia) và lập văn minh cổ Ur và Ai cập.
Khi nghiên cứu về sốt rét, Oppenheimer để ý thấy vùng phân bố các nhóm dân New Guinea có liên hệ đến huyền thoại-cổ tích : những bộ lạc nói tiếng khác nhau nhưng có cùng cổ tích truyền khẩu thì có cùng di tố. Thế là ngoài nghiên cứu y khoa, ông còn tìm hiểu sâu về dân Á châu, về cổ tích, tiền sử, ngôn ngữ, tập quán của họ.
Từ những kiến thức đa dạng này, ông có một số ý niệm về sự hình thành của hai nhóm dân chính Đông Nam Á, là dân nói tiếng Nam Á (Austroasian) và dân nói tiếng Nam Đảo (Austronesian). Để tiếp tục công trình, ông làm giáo sư nhi khoa tại Đại Học Hongkong từ 1990 đến 1994; ông nghiên cứu về những đường thiên di đưa người nói tiếng Nam Đảo đi chiếm lĩnh các hải đảo trên một vùng biển rộng lớn, trải từ Madagascar ở bờ tây Ần độ dương đến đảo Hawaii và đảo Phục Sinh ( Iles de Pâques) phía đông Thái Bình dương. Trở về giảng dạy ở Đại học Oxford sau khi rời Hongkong, ông không ngừng tìm hiểu về hai giống dân Nam Á- Nam Đảo mà ông đã từng chung sống trong hai mươi năm. Tình cảm đặc biệt của ông đối với dân và đất Đông Nam Á đã thể hiện qua cuốn sách "Địa đàng ở phương Đông".
"Địa đàng ở phương Đông"
Như Nguyễn văn Tuấn đã nhận xét, cuốn sách này tập trung những dữ kiện nhiều mặt, cũ mới, về vùng Đông Nam Á. Ông NVT đã lược qua đầy đủ những điểm chính của sách, nên tôi không trở lại.
Nói chung, Oppenheimer tổng hợp các tài liệu trong đó có kết quả nghiên cứu của chính mình bao gồm y khoa, ngôn ngữ, nhân chủng, xã hội học để đưa ra một thuyết hoàn toàn mới mẻ về nguồn gốc một số dân tộc và văn minh Á châu cũng như thế giới.
Điểm độc đáo chính là sự kết hợp nhiều bộ môn nói trên, cổ điển và hiện đại, khoa học chính xác và khoa học nhân văn. Trong kết hợp này, các huyền thoại, cổ tích truyền khẩu giữ vai trò đặc biệt.
Việc sử dụng các truyền thuyết có một sức thuyết phục nào đó, thí dụ khi ta thấy quả thật Việt Nam, ngoài một số tập tục, cũng có những cổ tích và huyền thoại truyền miệng khá giống những vùng xa phía nam như New Guinea.
Tích Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Trầu Cau của ta nói về hai người cùng yêu, tranh chấp một cô gái với một số khúc mắc éo le tương tự như tích Kulabob và Manup của các bộ lạc trên những hòn đảo nam Thái bình Dương. Theo Oppenheimer, chuyện tích này rất dài, nhiều tình tiết, ở vùng đảo ấy người ta kể cả ngày; thỉnh thoảng phải ngưng kể để... ăn trầu.
Kulabob trong tích vùng New Guinea được xem là thuỷ tổ dân nói tiếng Nam Đảo. Manup là anh ; còn người em Kulabob, đôn hậu, giỏi giang, đã sáng chế ra thuật xâm mình, chế tàu đi biển và Kulabob lái tàu đánh cá rất điêu luyện.... Một hôm đi săn, Kulabob bắn lạc một mũi tên khắc chạm tinh vi. Lúc đi tìm mũi tên, Kulabob bị chị dâu (vợ Manup) "dụ dỗ", quyến rũ. Cô này dấu mũi tên và nằn nì Kulabob xâm một hình đẹp trên chỗ kín của mình. Kulabob không muốn nhưng cuối cùng đã xiêu lòng chìu ý chị dâu. Trong một dạng chuyện kể, hai người đã ái ân với nhau lúc đó. Khi người anh khám phá ra chuyện ngoại tình này, đi tìm giết em mình. Hai anh em đánh nhau dữ dội bằng đủ cách, kể cả pháp thuật, nhưng bất phân thắng bại. Cuối cùng để tránh huynh đệ tương tàn, Kulabob làm một chiếc tàu to bỏ đi về hướng biển cả, chở theo người, cây, thú vật và đồ đạc, từ đó lập thành các nhóm dân hải đảo Thái bình Dương.
Oppenheimer xem tích Kulabob này là cổ tích gốc của tất cả các dân liên hệ huyết thống đến giống dân Nam Đảo, vi có rất nhiều dạng kể khác nhau trong vùng đảo. Theo ông, chuyện cổ Cain/ Abel ở Cận Đông và Adonis/Attis/ Osiris ở Ai Cập được ghi lại sau đó bắt nguồn từ tích Kulabob, cũng như truyền thuyết đại hồng thủy ghi lại thành thiên trường ca Gilgamesh xứ Ur cổ xưa bắt nguồn từ một tích gốc Nam Đảo và do thảm kịch nước biển dâng ngập đại lục thềm Sunda mà ra. Từ các chuyện cổ và từ những chi tiết như dấu xâm mình, mắt xếch trên tượng Ur cổ, Oppenheimer kết luận là nền văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập đã bắt nguồn từ văn hoá Nam Đảo nông nghiệp. Sự phân chia ngôi thứ xã hội, tổ chức chính trị, tín ngưỡng, phù phép (magic) đều do những người sống trên thềm Sunda mang đến Trung Đông bằng đường biển khi Sundaland bị nhận chìm dưới nước.
Thuyết về nguồn gốc xưa của văn minh Đông Nam Á và đường thiên di người Nam Đảo nói chung rất "quyến rủ", có mạch lạc, giá trị, nhưng không thể khẳng định vì chưa có những phương pháp định "tuổi" các truyền thuyết, cho phép xếp chúng theo thứ tự trước sau, thêm vào đó những chứng minh về ảnh hưởng Nam Đảo trên hai nền văn minh cổ sáng chói này theo tôi không đủ sức thuyết phục.
Bởi vì vùng Cận Đông là vùng có người hiện- đại H. sapiens sống từ rất lâu (-100 000 năm ). Những người ở đấy cũng lập nên làng xã từ gần 10 000 năm nay, từ Turkey đến Israel, và từ lâu đã sống bằng nghề canh nông (lúa mạch, lúa mì), chăn nuôi (dê, cừu, bò...). Cái nôi các giống lúa mạch, lúa mì, dê, cừu, bò. thuần dưỡng của cả nhân loại chính là ở nơi đó. Tuy nghề làm đồ gốm ở đấy có niên đại sau đồ gốm Jomon bên Nhật (khoảng -10 000 năm ), nhưng các kĩ thuật khác (đi ngựa, làm xe, làm đồ vật bằng đồng thau, bằng sắt ) được biết rất sớm. Ngày nay người sống trong vùng này giống người Ấu hơn người Á Châu. Giả thuyết của Oppenheimer sẽ thuyết phục hơn nếu có thêm những bằng chứng khác.
Những điểm có thể gây ngộ nhận
trong bài N. V. Tuấn.
Tôi muốn bàn đến một số điểm trong bài của N..V. Tuấn dễ gây ngộ nhận, có thể đưa đến nhận định không chính xác về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
1- Thuyết "Bắc tiến" (của người cổ Việt Nam), theo kết quả mới về nghiên cứu di truyền?
Quả có "Bắc tiến" cách đây trên 50 000 năm, từ vùng Đông Nam Á lên Trung Hoa. Tuy nhiên, ở đây phải hiểu theo hiện tượng thiên di người cổ nói chung. Mới đây, nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới hợp tác nhau để so sánh genes người ở vùng Đông Á châu và đã đưa ra một kết luận quan trọng đăng trên hai bài báo (xem tác giả Chu, Su, phần sách tham khảo) : người cổ thuộc giống người hiện- đại (sapiens) đến từ Phi châu, ghé vùng Đông Dương trước, rồi từ đó thiên di lên phía bắc đến nam Trung Hoa, và sau đó hợp chủng với người Altaic (từ Trung Á đến sau qua đường thiên di bắc Á châu) thành dân "mới hơn" sống ở đông Siberia -Tây Bá Lợi Á.
Dĩ nhiên trên đường thiên di đầu tiên từ Phi châu xuống phía nam, tổ tiên dân Á Đông đã ghé bán đảo Ần Độ trước khi đến Đông Nam Á, nên người Ần Độ không thể "có gốc gác Đông Nam Á" được như Nguyễn Văn Tuấn đề nghị. Ần Độ sau đó đã đón nhận rất nhiều luồng thiên di khác, trong đó có cả chủng da trắng aryen đến từ phía tây bắc. Oppenheimer có đưa ra ý kiến là một trong những chủng sống ở đông bắc Ần Độ, chủng Munda nói tiếng thuộc họ Nam Á như người Việt và dân Đông Nam Á lục địa, là di dân Nam Á đến từ phía đông (là Thái Lan, nơi có vết tích lúa xưa) vào thời tiền sử, mang theo kĩ thuật trồng lúa.
Oppenheimer có thể có lí về điểm này, nhưng ông không hề nói dân Ần nói chung có gốc gác ở Đông Nam Á. Nhóm dân rất cổ tại Ần Độ là Dravidians (hiện còn người kế thừa ở nam Ần) gần với tổ tiên Phi châu, nhưng cũng đã lai với các chủng đến sau. Chỉ có thổ dân các hòn đảo đông Ần Độ (Nicobar...) còn nhiều nét của tổ tiên đến từ Phi châu là cổ hơn cả, vì họ ít gặp di dân khác để lai giống.
Chúng ta biết rằng càng gần gốc Phi châu, các di tố càng đa dạng. Genes của dân Đông Nam Á đa dạng hơn genes những dân phía đông bắc Á châu, nghĩa là dân Đông Nam Á gần tổ tiên Phi châu hơn Đông Bắc Á. Cần nói thêm là kết luận của bài Chu & Su (xem sách tham khảo) được rút ra từ kết quả mới về phân tích genes các giống dân thiểu số tại nam Trung Hoa (kết hợp với kết quả phân tích genes khác như thổ dân Đài Loan v..v..); genes "Đông Nam Á" là genes (một) người Kampuchia, còn genes người Việt Nam không có trong những genes nghiên cứu !. Trung Hoa đã đóng góp nhiều vào kết quả này qua chương trình "Chinese Human Genome Diversity Project".
Kết luận tương tự thật ra đã được Ballinger rút ra ở di truyền học từ 1992 (xem phần sách tham khảo). Ba mươi năm trước, Bình Nguyên Lộc cũng đề nghị là người cổ Việt Nam (ông gọi là "Mã Lai đợt I, hay Lạc bộ Trãi") đã từ phía nam tiến lên làm chủ phía bắc Trung Hoa, nhưng sau đó bị giống dân phía bắc (lai dân Nhục Chi) đẩy lùi trở xuống. Kết quả phân tích genes của các nhóm Chu/ Su cho biết nói chung dân Đông Nam Á gần "tổ" Phi châu, nhưng không đủ chi tiết để cho biết những sự lai giống trước sau nào đã đưa đến các giống dân khác nhau hiện nay. Tất cả các dân tộc trên thế giới ngày nay đều đã lai "giống" (ít) nhiều dù tất cả đều cùng gốc tổ Phi Châu, vì người hiện- đại đã không ngừng thiên di từ lúc sinh ra hơn trăm ngàn năm trước tại Phi Châu.
2- Có phải Người Hoà Bình tràn lan về phía nam (Indonesia ?) , lên hướng bắc (Trung Hoa ?) và sang hướng tây (Thái Lan ?).
Văn hoá Hòa Bình (với giai đoạn muộn từ 7000 đến 12000 năm trước đây) được bà Colani, nhà khảo cổ Pháp, khai quật, nghiên cứu và đề xuất ra vào cuối những năm 1920. Văn hoá này có những đặc trưng về dụng cụ đá cuội (pebble) ghè trên một hay hai mặt thành chopping tools và về nơi cư dân sống : hang động đá vôi. Cho đến nay người ta chưa có bằng chứng trực tiếp về sự nảy sinh nông nghiệp trong văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam, mặc dù có những bằng chứng gián tiếp, như môi trường, sự khủng hoảng về cách tìm thức ăn, sự xuất hiện của rìu đá mài. Danh từ "Hoà Bình" ngày nay được các nhà khảo cổ thế giới dùng trong khái niệm techno-complex (phức hợp kĩ thuật) để chỉ những di tích khảo cổ loại này. Nhiều hang động có di tích người tìm thấy ở Thái Lan qua những thập niên gần đây được xếp vào techno-complex loại Hoà Bình. Khi nghiên cứu phấn hoa trong tàng đất khảo cổ ở nhiều hang, đặc biệt trong Spirit Cave tại Thái Lan, người ta nghĩ là chủ nhân chúng đã bắt đầu trồng một số cây như trầu cau, bầu bí.vào giai đoạn cuối của thời săn bắt-hái lượm. Theo thói quen trong ngành, người ta dùng tên của nơi mà đặc trưng về di tích khảo cổ được tìm thấy lần đầu -Hoà Bình- để chỉ di tích có đặc trưng đó tìm được sau này, ngay cả khi chúng được tìm ra trong vùng khác. "Người Hoà Bình" là những người thuộc văn hoá đặc trưng tiền đá mới (pre-neolithic) này. Tôi nghĩ không phải dụng cụ đá tìm được ở Úc Châu là từ Hoà Bình mà ra, vì tuổi di tích Úc già hơn, bởi niên đại sớm nhất của văn hoá Hoà Bình, theo khảo cổ học Việt Nam, là 18 ngàn năm trước (với rất ít di tích trong khoảng thời gian từ đó đến 12 ngàn năm trước). Người sống ở Hoà Bình khó lòng vượt mấy ngàn cây số để đến Úc từ 14 000 đến 20 000 năm trước. Theo tôi, chữ "người Hoà Bình" dùng cho các di tích ở nơi khác không có nghiã là người ở Hoà Bình -Bắc Việt- vào thời điểm đó (7 000 đến 12 000 năm trước) đã tràn lan đến những nơi khác như Thái Lan, Indonesia, Úc, Trung Hoa.
Về văn hoá Hoà Bình, các nhà khảo cổ Việt Nam đã đóng góp rất nhiều qua các công trình nghiên cứu quan trọng được công bố, thiết tưởng không cần nói thêm. Độc giả nào muốn biết thêm về việc có một hay nhiều văn hoá Hoà Bình, văn hoá hay phức hợp kĩ thuật, có thể xem "Theo dấu các nền văn hoá cổ" của giáo sư Hà văn Tấn.
3- Kĩ thuật làm đồ đồng thau (dụng cụ, vũ khí) của cư dân Đông sơn có trình độ cao nhất nhì thế giới ?
Trình độ đúc đồng của cư dân Đông Sơn ( 700 năm trước công nguyên đến sau công nguyên) quả rất cao, nhưng không thể nói là cao hơn trình độ thợ các nơi khác, trong các nền văn minh có lâu trước Đông Sơn. Điển hình là nền văn minh Sanxingdui nói trên, xưa hơn Đông Sơn đến mấy ngàn năm. Nền văn minh bắc Trung Hoa thời Thương (thiên kỷ thứ hai trước công nguyên) đã làm ra hàng loạt đỉnh đồng to như trống Đông Sơn với nhiều khắc chạm độc đáo. Còn đồ đồng tìm thấy ở Thái Lan tuy không to bằng nhưng xưa hơn Đông Sơn khá nhiều (một ngàn năm ) và cũng có sắc thái riêng. Đó là không kể đến những đồ đồng làm tại các đô thị văn minh cổ ở Irak, vùng Cận Đông, Ai cập sớm hơn đồ đồng Đông Sơn rất nhiều. Đồ đồng Đông Sơn có mặt trễ hơn đồ đồng của rất nhiều nơi khác, tôi tự hỏi biết đâu cư dân Đông Sơn cũng đã có dịp học hỏi thêm kĩ thuật đến từ những nơi gần Việt Nam. Kết quả khảo cổ cho thấy cư dân Phùng Nguyên chỉ mới bắt đầu luyện đồng mà chưa biết đúc vật dụng. Đến thời Đồng Đậu trên dưới 3000 năm trước đây, đột nhiên cư dân sống ở đấy đúc được nhiều đồ kĩ thuật cao như lưỡi giáo, mũi tên. Phải chăng có một (hay nhiều?) thời kì cư dân bản địa được dịp tiếp xúc, gặp gỡ các kĩ thuật khác qua những sứ giả, thương khách? Hay một lí do khác? (Tôi sẽ trở lại về thay đổi này ở phần sau) Nghĩa là thợ Đông Sơn vào khoảng 2500 năm trước đã chứng minh khả năng sáng tạo kĩ thuật và mĩ thuật, khi làm được một số lượng lớn trống to giá trị cao, dùng trong lãnh vực thương mại, ngoại giao khắp cõi Đông Nam Á, nhưng khả năng nội tại này không loại trừ việc kết hợp và ứng dụng các đặc tính nhân bản là hiếu học, óc tò mò, ý muốn cách tân.
4- "Đồ gốm Việt Nam xuất khẩu khắp Đông Nam Á đến tận Melanesia, trước khi có ảnh hưởng của Ần Độ" ?.
Tôi e rằng có nhầm lẫn về điểu này: Việt Nam cổ xuất khẩu trống đồng chứ không xuất khẩu đồ gốm. Đồ gốm thời Phùng Nguyên, trước Đông Sơn, có hoa văn độc đáo, sau đó được dùng trang trí đồ đồng Đông Sơn.
Gốm Đông Nam Á nổi tiếng thế giới là gốm Lapita xưa 3500 năm, tìm được ở nhiều đảo vùng nam Thái Bình Dương. Gốm Lapita nổi tiếng không phải chỉ vì đẹp, mà còn vì dính dáng đến nguồn gốc các thuyết thiên di của giống dân nói tiếng Nam Đảo. Đó là thuyết "chuyến tàu nhanh" (express train) chở dân Nam Đảo đi từ Đài Loan đến khắp vùng biển nam Thái Bình Dương của Bellwood, và thuyết "hai chuyến tàu, nhanh và chậm" của Oppenheimer. Cả hai đều không nhắc nhở đến gốm Phùng Nguyên.
Theo thuyết "chuyến tàu nhanh" của Bellwood, người nói tiếng Nam Đảo từ Đài Loan dùng thuyền vượt biển đến chiếm lĩnh nhanh chóng chuỗi đảo hoang trong vùng nam Thái bình Dương, liên tiếp đảo này đến đảo kia trong vòng vài trăm năm ; họ mang theo đồ đạc, kĩ thuật (làm gốm Lapita), thú nuôi, cây trồng, vào 3500 năm trước đây. Còn Oppenheimer chủ trương rằng trước chuyến tàu nhanh này, đã có "chuyến tàu chậm" "chở người tị nạn hồng thuỷ" (ở thềm Sunda ), từ bắc Borneo đến vùng đảo Nam Thái Bình Dương nói trên vào 9000 hay 10000 năm trước. Ở mỗi nơi họ ngừng lại một thời gian, "lai giống" với người bản địa thuộc chủng Australoid, họ sinh sống và sinh sôi trước khi lên đường tiếp tục đi qua đảo khác.
Đồ gốm Á Châu nổi tiếng thế giới, gốm Jomon của cổ dân sống ở bắc Nhật, là gốm sớm nhất thế giới (trên 10 000 năm trước), có nét đẹp riêng biệt, không thể đến từ Hoà Bình, vì Hoà Bình là văn hoá không có đồ gốm, hay có rất ít vào thời kì cuối ( Bắc Sơn ). Nhưng người Nhật ngày nay là con cháu của người thuộc văn hoá Yayoi, không có cùng genes với chủ nhân gốm Jomon nổi tiếng này, cũng như người Thái hiện tại có gốc ở vùng Vân Nam chứ không là hậu duệ trực tiếp của chủ nhân các văn hoá cổ trên năm ngàn năm (Ban Chiang, Ban Kao.). Chủ nhân văn hoá Yayoi đến Nhật chỉ vài trăm năm trước công nguyên, mang theo nghề trồng lúa, và có khả năng là người U Việt di tản khi nước U Việt bị ngườI Hán thôn tính (xem R. Shiba).
Tôi cũng không tin rằng hai nền văn hoá Yangshao và Longshan (bắc Trung Hoa) đến từ Hoà Bình như N. V. T đã viết. Vùng Bắc Trung Hoa hầu như không có dấu vết văn hoá Hoà Bình trong nghiã "phức hợp kĩ thuật". Thật vậy, nền văn hoá Yangshao (5000 năm trước) nổi tiếng với gốm vẽ hình màu đen trên nền gốm đỏ là văn hóa gốc của tộc Hán ở Thiểm Tây (bắc Trung Hoa) vốn là những người trồng kê, sống trong nhà thấp đào sâu dưới đất, và văn hoá Longshan (tỉnh Sơn Đông) nổi tiếng về đồ gốm rất mỏng, màu đen bóng (đưa đến nền văn hoá triều Thương), là những văn hoá đặc thù, hoàn toàn khác với văn hoá sống trong nhà sàn, trồng lúa nước, ở Bắc Việt.
5- "Quê hương của kĩ thuật trồng lúa là ở quanh vùng Đông Nam Á" ?
Ngay ông Oppenheimer cũng không dám khẳng định như thế. Khi nói về vết tích hạt lúa theo ông cổ nhất thế giới ở Thái Lan, Oppenheimer hai lần nhấn mạnh "nếu phần định tuổi này được xác nhận là đúng". Thật vậy, nhà khảo cổ Thái Pookajorn, người khám phá ra dấu vết lúa cổ trong gốm thời đồ đá mới, đã định tuổi theo loại hình di vật tìm được trong các hang Sakai, Ban Kao...vào giai đoạn nối tiếp văn hoá loại Hoà Bình (tìm thấy trong lớp đất bên dưới), là khoảng 9260 - 7620 năm trước. Nhưng theo nhiều nhà khảo cổ, đa số di tích, di vật tìm thấy ở Thái Lan, khi định tuổi lại thì thấy "trẻ" hơn nhiều so với tuổi định ban đầu.
Ngoài ra, so với Thái Lan, số chỗ có di tích lúa tìm thấy dọc theo nam sông Dương tử không những nhiều hơn, mà còn rất xưa hơn. Vết tích bữa cơm tiền sử nấu với gạo từ lúa mọc hoang xưa nhất thế giới, -13 000 năm, được một nhóm khảo cổ Mỹ -Trung hoa tìm thấy trong hang Diaotonghuan phía nam sông Dương tử (bắc tỉnh Giang Tây). Cư dân sống trong vùng này đã biết thử nghiệm các giống lúa và cách trồng trong thời gian dài tiếp theo đó. Điều này đã được nhóm khảo cổ chứng minh qua sự tăng độ lớn phytolith của lúa ( phần thực vật hoá thạch, tồn tại nhờ giàu chất silica) lắng trong những lớp trầm tích theo thời gian. Tin này đã được đăng trên báo khoa học hàng đầu thế giới Science, năm 1998. Các nhà khoa học nghiên cứu về phytoliths- thạch thể lúa - này đã chứng minh rằng từ 9000 năm trước dân cổ ở vùng đó đã ăn nhiều gạo của lúa trồng hơn lúa hoang. Nhóm cư dân bản địa này cũng bắt đầu làm đồ gốm thô xốp bằng đất trộn trấu. Kinh nghiệm về trồng lúa tích tụ tại đấy trong mấy ngàn năm đã đưa đến nghề trồng lúa trong toàn vùng nam Dương tử. Di tích xưa thứ hai, chín ngàn năm trước (9000), là Pengtou, gần hồ Động Đình phía nam sông Dương tử (Trường giang). Hơn bốn mươi chỗ có di tích lúa cổ hàng ngàn năm đã được tìm thấy ở vùng nam Trường giang. Gần cửa biển nam Trường giang, di tích văn hoá Hemudu cho thấy văn minh lúa nước trong vùng lên đến trình độ rất cao vào 7000 năm trước (sớm hơn cả di tích làng trồng kê Banpo xưa nhất của tộc Hán phương bắc).
Hemudu là một làng vài trăm người sống trên nhà sàn trong vùng đầm lầy ở cửa sông Tiền Đường. Dân Hemudu đã trồng lúa, ăn cơm, để lại lớp rơm và trấu dày 25- 50 cm (còn dính một số hạt lúa), có nơi dày đến cả thước, trên diện tích 400 thước vuông. Có thể đó là lớp "rác" để lại trên sân đập lúa. Di chỉ thực vật (củ ấu, củ năng, táo.) và di cốt động vật hoang (hươu, trâu, tê giác, cọp, voi, cá sấu...) cho thấy khí hậu vùng nam sông Dương tử bấy giờ thuộc loại nhiệt đới, hoàn toàn thích hợp với việc canh tác lúa nước.
Nền văn hoá Hemudu xưa bảy ngàn năm (7000) có nhiều điểm gần gũi với văn hoá Phùng Nguyên- Đông Sơn vốn là những văn hoá trẻ/trễ hơn nhiều (sau hơn 3000 năm). Cư dân vùng nam Trường giang lúc ấy có lẽ gần với cư dân Bắc Việt về mặt chủng tộc và văn hoá hơn cư dân bắc Trung Hoa. Khuôn mặt đắp từ sọ người Hemudu trưng bày ở Viện Bảo tàng Hemudu cho thấy họ giống người thuộc chủng nam Mongolic, tức là chủng của người Việt Nam từ thời Đông Sơn về sau. Sau văn hoá Hemudu, hàng loạt văn hoá lúa nước khác đã sinh ra dọc Trường giang khoảng 4000 năm trước (Liangzhu, Majiabin, Quinshanyang, Qujialing, Daxi, Songze, Dadunze.).
6-Tổ tiên chúng ta đã phát triển và ứng dụng kĩ thuật trồng lúa, hay tổ tiên chúng ta là thầy dạy người Hán trồng lúa nước?
Theo tôi, diều này đúng. nếu ta chấp nhận rằng cư dân trồng lúa sống ở phía nam Trường giang(thuộc nhóm Bách Việt, theo sử Tàu ) là tổ tiên của dân Việt Đông Sơn hoặc là anh em ruột với tổ tiên người Việt Đông Sơn, mà vì lí do nào đó tổ tiên này đã rời vùng nam Trường Giang về trụ tại Đông Sơn. Vì người Hán đã học được nghề trồng lúa với dân nam Trường giang (Nam Trung Hoa) trước khi tiếp xúc thẳng với người Việt cổ ở Đông Sơn vào những năm trước công nguyên. Và các kết quả về di truyền lẫn hình dáng sọ cho thấy là các bộ tộc Nam Trường giang khác với chủng gốc bắc Trung Hoa. Trong các dân đã "dạy" người Hán trồng lúa, phải kể đến dân U Việt . Mà dân U Việt vùng Cối Kê lại là con cháu của cư dân trồng lúa lâu đời tại Hemudu.
Ngoài ra, tuy người Việt Đông Sơn đã biết trồng lúa, nhưng di tích lúa tìm được ở Việt Nam không xưa như di tích lúa ở Thái Lan, và không thể nào xưa hơn di tích lúa vùng nam Trường giang. Di tích xưa nhất là những hạt gạo cháy thành than tìm thấy trong văn hoá Đồng Đậu ở châu thổ sông Hồng, nằm trong trấu trộn với đất làm đồ gốm, không quá 3500 năm trước. Do đó, tôi xem vùng nam Trường Giang mới thật là quê hương đầu tiên của lúa, không như Oppenheimer, ông xem Thái Lan là quê hương của lúa nhưng Oppenheimer (xin lập lại lần nữa ) cũng lưu ý là thời điểm có lúa cổ ở Thái Lan cần được xác quyết.
7- "Trước khi tiếp xúc với người Hán, tổ tiên chúng ta có một nền văn minh rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất Đông Nam Á "?
Thế nào là văn hoá "cao nhất" Đông Nam Á, và Đông Nam Á nào, có kể luôn vùng đất rộng lớn Sundaland bị biển dâng làm chìm ngập không ?
Ta có thể nói văn hoá Việt Nam vào thiên kỷ một trước công nguyên có bản sắc riêng, không "thua kém" ai, và được lưu truyền từ cư dân cổ hơn sống trong cùng vùng, chứ không phải ngoại nhập. Điều này đã được các nhà khảo cổ Việt Nam chứng minh rõ ràng qua tính liên tục của các nền văn hoá nối tiếp nhau trên vùng Bắc Việt.
Nếu tính rằng Việt Nam có "bốn ngàn năm văn hiến" với truyền thuyết các vua Hùng ở Bắc Việt thì có thể xem giai đoạn Văn Lang tương ứng với nhiều nền văn hoá liên tục từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Văn hoá Đông Sơn cũng là nền văn hoá độc lập cuối cùng trước khi ngườI Hán chiếm Bắc Việt Nam và đô hộ một ngàn năm. Văn hoá Đông Sơn tuy nổi tiếng về trống đồng to đẹp, từng được mua bán trao đổi đến tận Mã Lai, Indonesia, nhưng lại là một văn hoá nằm trong thời kì đồ sắt, tức là thời nằm sau thời đồng thau trong quá trình tiến triển văn minh các nơi trên thế giới theo thứ tự trước sau là : đồ đá cũ, đồ đá mới (đá mài), đồ đồng thau, đồ sắt. Nghĩa là cư dân ấy vẫn còn quá "lưu luyến" đến đồ đồng thau (vì tuy đã biết nhưng không chú ý nhiều đến đồ sắt ?! ). Đồ sắt có những điểm trội hơn đồ đồng trên phương diện kinh tế và quân sự : sắt cứng chắc, kiếm sắt chặt gãy kiếm đồng, và tên sắt xuyên qua áo giáp đồng. Thời Đông Sơn quả có sản xuất nhiều đồ đồng thau chạm trổ tinh vi : vũ khí (dao găm, qua, giáp che ngực, lưỡi lao...) và cả lưỡi rìu, lưỡi cày (tuy lưỡi cày sắt đã xuất hiện). Người Hán chính nhờ phát triển mạnh kĩ thuật đồ sắt vào thời Chiến Quốc nên đã thắng các nhóm dân giáp ranh phía nam còn mãi bám vào đồ đồng thau, như nước U Việt ba trăm năm trước công nguyên. Các di tích quân Tần ( ở Xi'an) cho thấy họ mang khí giới và giáp sắt. Người Hán tiếp tục thanh toán các nước Mân Việt, Ấu Việt, rồi... diệt luôn Ấu Lạc thời Đông Sơn ! Hay nói cách khác, nếu văn hóa ta xưa kia "cao nhất", mà lại bị Hán đô hộ, ấy bởi ta "thua" họ về sức mạnh, kĩ thuật, kinh nghiệm chinh chiến; nghĩa là ta không xem kĩ thuật, quân sự như một thành tố của một nền văn hóa !
8- "Đô thị cổ xưa nhất trong vùng là do tiền nhân chúng ta xây dựng" ?
Đô thị cổ xưa nhất trong vùng? Tuỳ theo vùng xem xét có bao gồm... cả nam Trung Hoa hay Ần Độ không. Thành Cổ Loa xưa nhất Việt Nam xây vào thời An Dương Vương, hơn hai trăm năm trước công nguyên. Về kiến trúc hiện nay không còn gì nhiều. Theo truyền thuyết, thành xây hình trôn ốc, gồm 9 vòng, có hào nước thông với sông Hoàng Giang nối với sông Cầu và sông Hồng. Hiện nay chỉ còn những đoạn lẻ của ba vòng thành đất, với vòng lớn nhất chu vi 9 km.
Trong khi đó, phía bắc vùng đất Loa thành là Trung Hoa, nước lớn nhất thế giới vào thời đó. Vua Trung Hoa, Tần Thuỷ Hoàng Đế thu phục được nhiều thành trì bằng đá (còn dấu vết đến ngày nay) khi đánh bại những nước vùng bắc và trung nước Tàu. Tần Thuỷ Hoàng còn cho xây Vạn Lý Trường Thành ngăn dân phía bắc xâm lấn. Xưa hơn nữa, một ngàn năm trước đó, nhà Thương, nhà Ấn xây thành bảo vệ các thủ đô vùng bắc Trung Hoa, và ở nam sông Dương tử nền văn minh Sanxingdui cũng có thành trì rất xưa ở Tứ Xuyên, đến ngày nay vẫn còn. Đó là chưa kể đến Persepolis, thủ đô cổ 3600 năm ở Ba Tư (Iran), với thành quách bằng đá còn rất nhiều hình phù điêu cũng như tài liệu viết bằng ba thứ tiếng khắc trên đất nung. Cũng như các thành phố tối cổ có tường gạch dày với nhà hai tầng có cả phòng tắm và hệ thống cống thoát nước, ở vùng Ần hà (Mohenjo Daro và Harappa, Pakistan), tất cả đều trong Á châu.
Cổ Loa là một công trình lớn đối với dân Đông Sơn, nhưng không so sánh được với Trung Hoa và Sanxingdui thời trước đó. Theo Oppenheimer có thể cũng đã có thành quách xây trên thềm Sunda hay thềm Nam Hải nhưng chưa ai nghiên cứu được vì ngày nay các thềm này nằm dưới biển. Ông có đưa ra hình chụp những tảng đá to hình bậc thang nằm dưới đáy biển phía đông Đài Loan, nhưng lại nói các nhà khoa học chưa đồng ý với nhau là đá đó do thiên nhiên bào mòn hay nhân tạo.
Như vậy, "cổ nhất vùng" hay không, Cổ Loa là di tích (duy nhất) cho thấy ở Bắc Việt đã có một tập hợp dân đủ mạnh và đủ tài nguyên, năng lực để xây một thành trì lớn. Số lượng lớn các mũi tên đồng nhiều kiểu tìm thấy trong thành Cổ Loa là bằng chứng thủ lãnh cư dân tại đấy đã tổ chức quân đội bảo vệ thành. Thế nhưng Triệu Đà đã chiếm Loa thành và lên làm vua nước Nam Việt. Mà Triệu Đà chỉ là viên tướng nhỏ nhiều tham vọng của Tần Thuỷ Hoàng trong đạo quân mở bờ cõi phía nam Trung Hoa. Nhân dịp Tần Thuỷ Hoàng chết và tướng Nhâm Ngao cầm đầu đạo quân này cũng không còn nữa, Đà xưng vương ở Phiên Ngung, tức thị trấn Quảng Đông (Canton) bây giờ. Truyền thuyết nói rằng Triệu Đà dùng mưu phá nỏ thần giữ Loa thành nên chiếm được Ấu Lạc. Tiếc rằng nay không còn bằng chứng gì về nỏ thần Loa thành, dù có nhiều cơ bẩm nỏ đã được tìm thấy. Các cơ bẩm này tương tự như cơ bẩm nỏ cá nhân quân Trung Hoa sử dụng dưới thời Tần Thủy Hoàng, không phải là thứ nỏ có thể diệt hàng loạt địch quân như truyền thuyết để lại. Vũ khí Trung Hoa có khả năng tiến bộ hơn Đông Sơn vì người Trung Hoa đánh lẫn nhau liên miên trong thời Xuân Thu - Chiến Quốc (gần trọn thiên kỷ I BC) trên một bình diện rộng lớn. Trong lúc đó, sự tranh chấp quyền lực bằng vũ khí nếu có tại Bắc Việt chỉ có thể xảy ra ở qui mô nhỏ hơn (mức độ bộ lạc hơn là một quốc gia). Có lẽ vì vậy mà vũ khí thời Đông Sơn được chạm trỗ kĩ lưỡng, như đồ dùng trong nghi lễ hơn là khí giới giết người trong các trận chiến. Lại thêm một chi tiết về "sức mạnh kĩ thuật" (hơn Việt) của tộc Hán !
Những điểm nêu trên không nhằm mục đích "hạ uy tín" của tổ tiên dân Việt, chủ nhân các văn hoá từ Hoà Bình đến Đông Sơn. Một vùng nhỏ, ít dân như Bắc Việt không thể so sánh được với các nhóm dân quá đông đúc sống trên một vùng rộng lớn như Trung Hoa. So với cư dân khác tại Đông Nam Á, ngoài trừ kĩ thuật làm trống đồng, văn minh Đông Sơn có lẽ cũng không cao hơn nhiều. Dĩ nhiên về mặt chính trị, Trung Hoa với số dân và chủng tộc quá đông đảo, phải tìm mọi cách để tránh những nổi dậy, yêu sách sắc tộc và/hoặc để cổ động, biện minh cho chủ trương bành trướng, cũng như Việt Nam, để giữ đoàn kết dân tộc, tự vệ trước người láng giềng quá lớn và nhiều tham vọng. Một trong những phương tiện là ra sức chứng minh, khẳng định sự lâu đời và liên tục đồng nhất hoặc hơn trội về cội nguồn văn hoá, chủng tộc của mình.
Nhưng quả là liều mạng khi xem "Đông Nam Á là một trung tâm văn hoá lớn ngay từ thời cổ đại, trong đó Việt Nam là nơi hội tụ ở mức độ đầy đủ nhất mọi đặc trưng của văn hoá khu vực", như một học giả trong nước đã viết (theo Tạ Chí Đại Trường, xem phần sách tham khảo) mà không đưa ra lí luận cũng như bằng chứng thuyết phục.
Nhìn lại nguồn gốc dân Việt
Khi xét về nguồn gốc dân Việt, chúng ta cần tổng hợp các nguồn tài liệu khác nhau, trong đó có khối lượng đồ sộ về khảo cổ tích tụ từ thời Pháp thuộc. Các nhà khảo cổ Việt Nam hiện đại đã đóng góp phần rất quan trọng trong việc khai quật, sắp xếp, phân tích các di tích văn hoá cổ trên đất Việt Nam. Tuy nhiên di truyền học (có lẽ vì quá mới mẻ ? và nhiều tốn kém ?) gần như vắng mặt trong những nghiên cứu này. Di truyền học là một ngành không thể thiếu trong việc nghiên cứu gốc gác chủng tộc. Thật vậy, văn hoá có thể vay mượn, và ngôn ngữ phần lớn tuy có liên hệ với nguồn gốc, nhưng những dây liên hệ rất phức tạp; khi có sự hợp chủng, ngôn ngữ không những chịu ảnh hưởng của sự lai giống, mà còn tuỳ vào những yếu tố như sức mạnh tương đối các giống dân, số đông và khả năng chuyên chở rõ ý tưởng.
Trong tình trạng thiếu hiếm dữ kiện di truyền học về dân Việt các miền và về những sắc tộc có liên hệ gốc gác với người Việt như Tày, Mường, Ba-Na, Gia-Rai..., "Địa đàng ở phương Đông" là một nguồn tư liệu rất quý. Tính chất cổ xưa của di tố các dân tộc toàn vùng Đông Nam Á do Oppenheimer nêu ra, kết hợp với kết quả nghiên cứu sọ cổ, đưa đến kết luận là "người hiện- đại" đến từ Phi châu đã sống trong vùng Đông Nam Á từ sáu mươi ngàn năm trước cho đến thời đá mới (khoảng 8 ngàn năm trước). Họ là người thuộc chủng Australoid- Melanesian cổ. Tuy có những thay đổi đặc điểm nhân chủng theo khí hậu và môi trường (qua sự lựa chọn, đột biến tự nhiên của genes), cư dân trên đất Việt trước thời đá mới (thuộc các văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc Sơn) là những người thuộc chủng nói trên, cũng như các nhóm dân khác sống trong cùng vùng lúc ấy và cùng khí hậu (ở Ần độ, Miến Điện -Myanmar-, Thái Lan, Cao Miên -Kampuchia-....). Họ có đại diện cùng chủng ở New Guinea, nơi cư dân cổ sống trong những vùng hẻo lánh, ít tiếp xúc với các chủng khác. Họ có đặc điểm như mũi to, tóc quăn, mặt rộng, cung mày rộng, vùng chân răng (prognath ) vẩu, đầu to dài, da ngâm đen.
Xuất phát từ cùng một nhóm người với cùng ngôn ngữ gốc Austric, nhưng sống trên một vùng quá lớn, những nhóm cư dân Australoid này tất nhiên có những ngôn ngữ khác nhau. Từ tiếng nói chung lúc đầu, hai nhóm tiếng chính thành hình: nhóm nói tiếng Nam Đảo (austronesian, như tiếng Indonesia và thổ ngữ các đảo Thái Bình Dương), và tiếng Nam Á (austroasiatic) là tiếng nói của người Việt Nam, Munda, Khmer, Môn và một số thổ dân Thái Lan, Mã Lai. Phương pháp ngôn ngữ tỉ hiệu không chỉ xét những tiếng giống nhau trong những ngôn ngữ, mà còn xét giọng nói, cấu trúc và thứ tự từ ngữ trong câu. Bởi thế mà tiếng Việt được xếp vào nhóm tiếng Nam Á. Tiếng Nam Á là tiếng đơn lập (mà đơn vị cơ bản là một âm tiết có nghĩa) không "dấu" (atonal, như tiếng Khmer), nhưng do ảnh hưởng tiếng Tàu, tiếng Việt trở thành có "dấu" (tonal).
Benedict, và sau này Blust, Oppenheimer đều đồng ý rằng tiếng Austric cũng là ngôn ngữ gốc của nhóm thứ ba, là nhóm nói tiếng Thái-Kadai, trước đây sống miền cực Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa, về sau họ di cư một phần xuống Lào và Thái Lan. Thật ra tiếng Việt Nam, tuy được xếp vào nhánh Nam Á, lại có nhiều từ thuộc ngôn ngữ Nam Đảo, và rất nhiều từ Hán Việt. Từ Hán chỉ thâm nhập vào Việt Nam kể từ thời Hán Vũ Đế về sau. Trái lại các từ thuộc ngôn ngữ Nam Đảo có gốc trước đó. Bình Nguyên Lộc phân tích kĩ về tiếng Việt dân gian gốc "Mã Lai". Tiếng "Mã Lai" cổ của ông bao gồm tiếng nói thuộc hai nhánh chính Nam Á và Nam Đảo mà ông gọi là "Mã Lai đợt I" và "Mã Lai đợt II".
Vấn đề cần giải thích là cách nào tiếng Nam Đảo đã ảnh hưởng nhiều đến tiếng nói người Việt cổ (Nam Á). Những từ ngữ "Nam Đảo" trong tiếng Việt có thể do vay mượn, hoặc do quan hệ gốc gác (di truyền).
Vay mượn xảy ra khi hai nhóm dân sống chung đụng trong một thời gian. Nhưng dân Việt chỉ sống chung đụng nhiều với dân Chàm nói tiếng Nam Đảo từ khoảng ngàn năm nay, khi nước Việt bành trướng xuống phương nam. Nước Lâm Ầp nói tiếng Chàm (sau trở thành Chiêm Thành) được sử Tàu nói đến ngay từ đầu công nguyên như nước giáp ranh với nước Việt, lúc đó là quận Giao Chỉ của Tàu. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh (và tiền Sa Huỳnh) nói tiếng Nam Đảo có mặt từ lâu trước công nguyên trên bờ biển miền Trung Việt Nam hẳn đã là một trong những văn hoá gốc của những vương quốc Chàm này.
Văn hóa Sa Huỳnh là một văn hoá rực rỡ của dân nói tiếng Nam Đảo vào thiên kỷ thứ nhất trước công nguyên, với những đồ sắt tiến bộ trước cả văn minh Đông Sơn, với nhiều đồ trang sức đẹp đặc biệt bằng đá và bằng thuỷ tinh (bông tai bốn hoặc ba mấu, bông tai tạc hình đầu thú ở hai đầu, chuỗi đeo...), và tục táng người trong mộ vò. Căn cứ vào số lượng và kĩ thuật làm đồ thuỷ tinh, tôi cho là cư dân Sa Huỳnh đã làm ra thuỷ tinh đầu tiên trong vùng Đông Nam Á (không nơi nào khác có di tích thuỷ tinh vào cùng thời); và có kĩ thuật cao đến độ chế được đồ trang sức khá cầu kì : ngoài hạt chuỗi các loại, người ta tìm được một khuyên tai hai đầu thú bằng thủy tinh đang làm dở dang. Như vậy Sa Huỳnh không kém vùng Cận Đông, là nơi làm thủy tinh sớm nhất thế giới, vào thế kỷ 7 trước công nguyên. Trung Hoa mãi đến sau công nguyên mới bắt đầu sản xuất đồ thuỷ tinh, còn trước đó họ nhập từ nơi khác. Sách cổ Trung Hoa cho biết con cháu cư dân Sa Huỳnh, người nước Lâm Ầp, làm được bát thuỷ tinh, là đồ quý, đem cống vua Trung Hoa ở những thế kỷ đầu công nguyên. Việc dân Sa Huỳnh khám phá ra thủy tinh sớm xem ra hợp lý về mặt khoa học. Muốn có thủy tinh phải có cát mịn (silica) trộn vỏ sò nát (calcium carbonate), là những món có sẵn ngay trên bờ biển họ sống. Khi luyện sắt gần bờ biển, rất có thể cư dân địa phương tình cờ tạo ra trong lò những mảng thủy tinh sáng bóng, và từ đó phát minh việc chế đồ trang sức bằng vật liệu nhân tạo này.
Ngành khảo cổ chứng minh cư dân Sa Huỳnh đã buôn bán trao đổi với những dân Nam Đảo khác, như thổ dân Phi Luật Tân-Philippins-, Mã Lai-Malaysia-, Nam Dương - Indonesia -. Người cổ Sa Huỳnh bán đồ sắt, đồ gốm, đồ trang sức., và có mua trống đồng.từ Đông Sơn ! Ngành khảo cổ thế giới xem văn hoá Sa huỳnh quan trọng không kém văn hoá Đông Sơn. Từ sự có mặt của di vật văn hóa này ở vùng bờ biển hay hải đảo khác nhưng không có dấu vết chế tạo tại chỗ, ngườI ta suy ra là có sự buôn bán trao đổi. Theo Solheim, gốm Sa Huỳnh có liên hệ với gốm Kalanay của dân Phi Luật Tân cổ. Solheim đưa ra thuyết "mạng buôn bán trao đổi Nusantao" của dân Nam Đảo trên khắp biển Thái Bình Dương mấy ngàn năm trước công nguyên. Dù cư dân Sa Huỳnh sau đó chịu ảnh hưởng nặng của văn hoá Ần Độ, nhưng tiếng nói Nam Đảo vẫn còn tồn tại lâu sau đó trong dân Lâm Ầp và Chàm, cho.đến khi họ bị dân Việt đồng hoá dần vào thiên kỷ II sau công nguyên. Một số cư dân cổ này đã lên trên cao nguyên miền Trung, là tổ tiên những thổ dân nói tiếng Nam Đảo còn sống đến ngày nay như người Gia-Rai, Rha- đê. Những bộ lạc khác trên cao nguyên (cùng gọi là "Thượng" như các bộ lạc Nam Đảo) lại nói tiếng Nam Á, và có tổ tiên sống từ lâu ở vùng núi đồi khắp vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên các bộ lạc nói tiếng Nam Á này cũng biết luyện sắt từ đất quặng để chế thành dụng cụ như người tiền sử Sa Huỳnh; chắc rằng họ học kĩ thuật làm đồ sắt qua các bộ lạc Nam Đảo gốc gác văn hoá Sa Huỳnh.
Ngoài tiếng nói, người Việt còn chịu nhiều ảnh hưởng khác của văn hoá Nam Đảo. Yếu tố Nam Đảo trong phong tục người Việt gồm tục xâm mình, ăn trầu, việc trồng, ăn khoai từ, khoai môn, và gồm cả những chuyện cổ tích gốc Nam Đảo như chuyện Sơn Tinh, Trầu Cau... Theo Hà văn Tấn, văn hoá Sa Huỳnh có gốc ở văn hoá Bàu Tró (từ Nghệ An đến Thừa Thiên), và chủ nhân văn hoá Bàu Tró có thể là của "người Nam Đảo". Vậy người Nam Đảo từ đâu đến, và gốc gác thế nào?
Áp dụng lập luận Oppenheimer (về sự thiên di của dân sống trên thềm lục ra đi khi biển dâng) vào việc phân tích dữ kiện khảo cổ Việt Nam và Đông Nam Á, tôi xin phác họa hình thành của người cổ Bắc Việt Nam như sau.
Người cổ thiên di từ Phi châu về phía Đông Nam Á. Đến khi gặp biển Đông (Nam hải, nói theo Tàu) ngăn chận, họ phải theo hai hướng. Về phía bắc, họ đến sống vùng nam Trung Hoa và dần dần tràn lên Mông Cổ, khi núi băng tan bớt, càng đi dần về phía bắc. Về phía nam, họ thiên di đến trên thềm Sunda, khi đó còn nối liền lục địa với các đảo phía nam đến tận Úc châu. Tất cả đều là người thuộc chủng Australoid (da đen, tóc quăn, mũi to...).
Tại phía bắc Đông Á châu người thuộc chủng Australoid thay đổi dần nhân dạng sau thời gian dài sống trong môi trường lạnh, gió, ít nắng.
Khoảng 15 ngàn năm trước, chủng Altaic thiên di từ Tây Á, dọc theo mạn phía đông nam nước Nga đến vùng Tân Cương, lai với thổ dân đông bắc Á Châu Australoid này, thành chủng Bắc Mongoloid (da trắng vàng, mắt hí, tóc thẳng). Dân Mông Cổ thuộc chủng này và nói tiếng Altaic. Chủng Bắc Mongoloid sinh sôi, ngày càng mạnh lên, bành trướng về phía bắc và qua eo biển Beringia lúc ấy còn đóng băng, trở nên di dân đầu tiên ( thổ dân Amerindians) của châu Mỹ. Khoảng 5000 năm trước, tổ tiên tộc Hán sống ở Bắc Trung Hoa là dân trồng kê thuộc chủng Bắc Mongoloid.
Miền Nam Trung Hoa sau cuối kỳ băng tan có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Cư dân Australoid cổ có thể đã lai chủng bắc Mongoloid ít nhiều. Dân thuộc chủng Bắc Mongoloid bành trướng ngày càng mạnh về phía nam, gặp cư dân Australoid tại giữa đất Trung Hoa, sống đan xen với nhau và lai thành chủng Nam Mongoloid (da ngâm đen, tóc dợn sóng...), kết quả là càng về phía bắc và càng về sau, cư dân càng nhiều nét Bắc Mongoloid và càng về nam dân càng nhiều nét Nam Mongoloid. Chủng lai Nam Mongoloid là chủng tạo thành người Việt, Khmer, Thái, Miến, Mã Lai, Nam Dương, hải đảo Thái Bình Dương.. Người Nam Mongoloid có những nét của cả hai chủng Australoid và Mongoloid nhưng với những mức độ đậm nhạt khác nhau tuỳ theo lai nhiều ít.
Càng về phía nam Đông Nam Á, nét Australoid càng đậm, vì ảnh hưởng giống Mongoloid hãy còn mới. Ở vùng đảo Thái Bình Dương, du khách đi từ đầu tây về phía đông trên những đảo (như ở Indonesia) có thể thấy dễ dàng tỷ lệ lai Australoid tăng dần. Hiện tượng Australoid lai Mongoloid trên đất Việt Nam có lẽ không phải do lai thẳng với người Mongoloid chính cống phương bắc, mà lai qua người nam Trung Hoa, vì người ta không tìm thấy sọ thuần chủng Bắc Mongoloid nào ở Việt Nam trước thời người tộc Hán trên phía Bắc đến đô hộ. Trong thời Bắc thuộc, lai với chủng Bắc Mongoloid đến đô hộ, cư dân bắc Việt tuy có thêm nhiều từ ngữ gốc Hán, nhưng lại mất đi dần dần một số phong tục như xâm mình và kĩ thuật như tài lặn dưới nước, đóng thuyền to, đi biển, là những kĩ thuật của thành phần Nam Đảo. Nước Lâm Ầp (và sau đó là Chiêm Thành) của con cháu người nói tiếng Nam Đảo nhờ không bị người Hán đô hộ trực tiếp nên vẫn giữ được phong tục, tiếng nói, và nghề đi biển : Chế Bồng Nga đã đem chiến thuyền vượt biển đánh phá Thăng Long !
Trên đất Việt Nam, vào thời đồ đá, cư dân thuộc chủng Australoid ban đầu nói cùng tiếng gốc Austric, dần dần phân thành hai nhóm dân nói tiếng khác nhau theo vùng họ ở, vì cách sinh sống khác nhau. Nhóm nói tiếng tiền-Nam- Á sống phía trong lục địa, trú trong hang động vùng cao (văn hoá Hoà Bình). Nhóm thứ hai nói tiếng tiền- Nam- Đảo sống vùng đồng bằng ven biển, vào lúc ấy mức biển thấp, vùng này lan ra xa ngoài đường biển hiện tại trên vịnh Bắc Việt do thềm lục địa lài /thoai thoải. Tại vùng vịnh Bắc Việt, dọc từ bờ biển Móng Cái tới Quảng Ngãi qua đến đảo Hải Nam, đáy vịnh sâu nhất ngày nay không quá 100 mét . Từ bờ ra khơi 20 km, mực sâu dưới 25 m ! (trong khi ngoài khơi Trung Việt nơi núi ra tận biển và nhiều mũi, nhiều hòn như mũi Dinh, hòn Trâu, hòn Tre.bờ biển thật dốc, sụp sâu rất nhanh, không có thềm). Mười hai ngàn năm về trước, toàn vùng vịnh Hạ Long là đất liền trải dài về phía đông đến bên kia đảo Hải Nam và Đài Loan, và về phía bắc lên đến cửa sông Dương Tử. Nhờ các di tích khảo cổ thuộc văn hoá Soi Nhụ trong những hang cao trên trên bờ vịnh Quảng Ninh-Hải Phòng hay đảo Cát Bà mà ngày nay ta biết đã có cư dân sống ít nhất từ 15 ngàn năm trước, trên thềm lục địa Hạ Long, trước khi mực biển dâng cao. Những di tích khác về cuôc sống của cư dân sống trên thềm đã bị ngập ở tại đấy (Meacham gọi là Nanhailand, theo tên Nam Hải, vùng vịnh Bắc Việt), cũng như tại thềm Sunda, không thể khai quật được. Trong chừng mực nào đó, vùng vịnh Bắc Việt, kể cả (đảo) Hải Nam có thể xem là lãnh thổ của một phần tổ tiên người Việt, thuộc thành phần nói tiếng Nam Đảo, từ 15 ngàn năm trước ! Văn hoá Hạ Long và các văn hoá tiền Nam Đảo khác sau đó đã góp phần quan trọng vào sự hình thành văn hoá và con người Việt Nam.
Nhóm nói tiếng tiền-Nam- Đảo không chỉ sống giới hạn ở vùng thềm lục địa ngay trên vịnh Hạ Long mà có lẽ sống rải rác về phía bắc trên cùng thềm lục địa, vì người ta tìm thấy hàng loạt di tích con cháu họ ở vùng HongKong trên những doi cát giống như cư dân sống dọc biển Bắc và Trung Việt Nam. Đến khoảng 7 ngàn năm trước, nước đã lên cao hơn gần một trăm mét so với mức 12 ngàn năm trước. Cư dân ở đấy phải dời đi nơi khác, mang theo kĩ thuật, phong tục, tiếng nói, và . các di tố. Việc đi lại trên thềm lục địa từ nam Trường giang đến vịnh Hạ Long dễ dàng hơn trong đất liền vì không có trở ngại thiên nhiên (độ cao trung bình dưới 50 thước). Lúc nước lên cao nhất, khoảng 3 đến 5 m trên mức nước biển ngày nay, vào 4000 năm trước, các thềm lục địa đã nằm sâu dưới biển.
Như vậy trong suốt mấy ngàn năm, dân sống trên thềm lục địa đã phải dần dà, lần lượt di cư hoặc tìm cách lánh biển tiến. Theo Oppenheimer, có người lùi dần vào phía đất cao trong lục địa, có người đóng tàu đi biển, người ở lại thì phải cất nhà sàn. Có thể một số nhỏ đã vượt biển, nhưng số đông chọn giải pháp đơn giản đối với họ là tiến vào chỗ đất liền gần nhất ; đối với cư dân vịnh Hạ Long, đó là vùng bờ biển Nam Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam. Chủ nhân các văn hoá ven biển như Đa Bút, Quỳnh Văn, Bàu Tró, và cả Bàu Dủ, Sa Huỳnh do đó đều là những người Nam Đảo tị nạn biển tiến. Riêng dân sống trên thềm lục địa biển vùng đông nam Trung Hoa, một số lùi vào phía HongKong trong lục địa, một số lên chỗ cao bên ngoài là đảo Đài Loan. Di tích xưa ở bắc Đài Loan Dapengeng có gốm hoa văn thừng và hoa văn chải bằng "lược", cùng loại với nhiều di tích trên bờ biển Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam, và cư dân nơi ấy cũng ăn sò nhiều, cũng dùng chày đập vỏ cây. Ngưòi sống trên lục địa này sau đó bị Hán hoá. Xem qua di tích khảo cổ, tại Đài Loan ngoài các di tích, thổ dân trên núi còn giữ tiếng Nam Đảo và một số phong tục đến bây giờ (thí dụ ăn trầu). Những di tích nầy được Trung Hoa xem như di tích của người "Yue" (Việt) cổ.
Ngày nay các nhà khảo cổ đều đồng ý là cư dân nam Trung Hoa cổ, và thổ dân chưa bị lai hoàn toàn, không thuộc chủng tộc Hán. Cư dân vùng cực nam Trung Hoa (Quảng Đông và QuảngTây, Vân Nam, Quế Lâm) và cực bắc Việt Nam nói những thứ tiếng thuộc nhiều nhánh khác nhau của ngôn ngữ gốc Austric như Môn, Thái, Kadai, Yao, Miêu., nhưng thổ dân miền núi cao Đài Loan chỉ nói những tiếng thuộc một nhánh của ngôn ngữ Austric: nhánh Nam Đảo. Vì những thổ dân trên núi cao ít tiếp xúc với người Hán (đến trễ và chỉ ở vùng đồng bằng ven biển), nên có thể xem thổ dân này còn giữ genes nguyên thuỷ, và văn hoá cổ. Mặt khác, dân Đài Loan cổ có nhiều liên hệ văn hoá thời đá mới (xưa trên 6000 năm) với các văn hoá của cư dân vùng Phúc Kiến, đảo Quemoy (Kim Môn), Hongkong, Quảng Đông, và Bắc Việt cổ (qua di vật như gốm hoa văn thừng, rìu tứ giác và rìu có vai mài nhẵn). Nếu như ta chấp nhận những cư dân cổ này có cùng gốc, thì họ là người nói tiếng (tiền-) Nam Đảo, như thổ dân Đài Loan, và quê hương của họ là thềm lục địa chung quanh đã bị biển tràn ngập. Vậy thì tại sao không thể xem vùng thềm biển này, trước khi hồng thuỷ đến, là một trung tâm văn hoá lớn của dân nói tiếng Nam Đảo ? Đây là một trung tâm văn hoá Nam Đảo lớn vì đông dân, so với những vùng được xem như trung tâm gốc của người nói tiếng Nam Đảo theo đề nghị của Solheim (vùng nam Philippins & bắc Indonesia) hay Oppenheimer (đông bắc Borneo) hoặc Bellwood (đảo Đài Loan). Thật vậy, những người rời thềm lục địa trải dài từ vịnh Bắc Việt đến Đài Loan- Hongkong đến tị nạn ở vùng đất không bị biển ngập gần đấy đã lập nên nhiều nền văn hoá nối tiếp, để lại rất nhiều di tích khảo cổ thời đá mới trên bờ biển vịnh Hạ Long và vịnh Hongkong, cũng như trên đảo Đài Loan.
Một phần cư dân thềm biển nam Trung Hoa (nói tiếng tiền- Nam- Đảo trong thuyết tôi đưa ra ở đây) hẳn đã di chuyển trên thềm lục địa từ Trung Hoa đến Bắc Việt để tìm nơi khô ráo. Thật thế, vì núi cao ra đến tận bờ biền ở rìa lục địa gần Hongkong, nên cư dân trên thềm đi xa hơn về phía nam, xuống tận Bắc Việt. Di tích khảo cổ tại những vùng này, từ Hongkong đến Bắc Việt, cho thấy một dụng cụ đặc biệt của văn hóa Nam Đảo. Đó là chày đập vỏ cây cho mềm để làm khố che thân, chày mà ngày nay dân Đa Đảo (như Tonga), cũng như dân Toraja sống trên đảo Sulawesi vẫn còn dùng.
Bắt đầu từ thời đá mới, nghề làm rẫy phát triển với cây có củ (khoai từ, môn..), và cây ăn trái (bầu, bí, mướp.) khiến số dân nói tiếng Nam Á ở trong đất liền, và dân nói tiếng Nam Đảo dọc biển Bắc Việt tăng nhanh. Đất sống bị thu hẹp trong khi dân số tăng lên, đến một lúc nào đó, hai nhóm dân tràn lan về vùng châu thổ các sông, trồng thêm lúa, nuôi thêm lợn, và sống định canh đan xen nhau. Sự hợp chủng của hai nhóm dân này có lẽ đã xảy ra khoảng 4000 năm trước đây. Phải chăng sự gặp gỡ này đưa đến truyền thuyết Lạc Long Quân Nam Đảo từ phía biển lên và Ấu Cơ Nam Á, tiên nữ vùng núi xuống ? Và cuộc gặp gỡ & sống chung có lẽ xảy ra một cách tương đối hoà bình. Vì đôi bên đều cùng chủng tộc và ngôn ngữ gốc, và họ có những kinh nghiệm sống bổ túc cho nhau. Dân Nam Đảo đã đem nghề miền biển : đóng tàu, đi biển, đánh bắt hải sản góp vào cuộc phối hợp. Dân Nam Á thì đóng góp nghề lục địa trồng trọt (kể cả lúa gạo), bắt ốc núi, nghề luyện quặng đồng thau.
Cả hai nhóm đều biết săn bắt - hái lượm và làm đồ gốm (Bắc Sơn cho nhóm Nam Á, và Quỳnh Văn, Bàu Tró cho nhóm Nam Đảo...) Nhưng họ cũng có các kĩ thuật đặc trưng riêng. Nhóm Nam Đảo mặc đồ (khố, váy) bằng vỏ cây đập mềm : các nhà khảo cổ tìm thấy 18 cái chày trong một lần khai quật văn hoá Phùng Nguyên ở châu thổ sông Hồng. Nhóm Nam Á có lẽ dùng đồ dệt bằng sợi thảo mộc se bằng dọi ; nhiều dọi đất nung được tìm thấy ở châu thổ sông Hồng. Đấy là nơi gặp gỡ hai nhóm văn hoá biển- lục địa. Người ta tìm thấy trong địa bàn văn hóa Phùng Nguyên di tích của cả hai nhóm Nam Á & Nam Đảo : rìu tứ giác không vai và rìu có vai có nấc, chày đập vỏ cây và dọi se sợi.
Như vậy Tiên Ấu Cơ Nam Á và Rồng Lạc Long Quân Nam Đảo là tổ tiên Lạc Việt lẫn Bách Việt (phía Nam Trường giang), và những Viêm Đế hay Thần Nông của huyền thoại Hán xa xưa, nếu có, có lẽ không dính dáng đến tổ tiên tộc Việt. Cuộc phối hợp văn hóa hoàn tất vào thời Đông Sơn, tạo thành môt văn hóa chung cho cư dân bản địa, như các tượng người trên những đồ vật bằng đồng toàn vùng Đông Sơn có cùng nét mặt, cùng y phục trang sức. Cũng như trên đồ đồng, vừa có hoa văn hình kĩ hà tròn- vạch, vừa có hình thuyền to (chứa nhiều người). Những hình thuyền to khắc trên trống đồng cho thấy dân Đông Sơn đã thừa hưởng kinh nghiệm đóng thuyền từ người nói tiếng Nam Đảo. Tất cả các nhà khoa học đều đồng ý là dân nói tiếng Nam Đảo có kinh nghiệm lâu đời về nghề đóng thuyền và hàng hải vì sống nhờ nguồn lợi từ biển, và vì đã biết dùng thuyền thiên di khi biển dâng. Trong khi người Phùng Nguyên sống sâu trong đất liền nên không cần thuyền to ; cho dù họ có dùng thuyền đi trên sông, hồ, nhưng có lẽ không coi là quan trọng, vì không thấy hình thuyền lên hoa văn đồ gốm.
Như nói ở trên cuộc sống chung này tương đối hoà bình vì các di tích khai quật cho thấy tại Đồng Đậu, cư dân "đột nhiên" biết chế tạo vũ khí. Để tự vệ ? Để giải quyết những tranh chấp về quyền lợi và ảnh hưởng ? Từ đó đưa đến những khủng hoảng mất mát chia lìa (năm mươi con theo cha, năm mươi con theo mẹ?.) hoặc đến lúc suy vi sau thời kì sung mãn.
Nhờ người nói tiếng Nam Đảo mà trống đồng Đông Sơn đã được chở đi khắp Đông Nam Á bằng đường biển (người ta biết vậynhờ đào được ở Mã Lai một trống Đông Sơn còn gắn/cột dính vào ván thuyền). Dân cổ trong nhiều vùng ở Indonesia, đặc biệt là dân Toraja, đến nay còn giữ truyền thống Đông Sơn, có lẽ là di dân (khá đông, nên gia tài mang theo được lưu truyền) đi từ Bắc Việt (khi những người con xuống biển theo bên cha ? hoặc/và) trễ lắm là họ tị nạn lúc Trung Hoa chiếm Việt Nam. Bởi vì hoa văn trên đồ (trống) đồng Việt sau khi bị Hán chiếm đã bị/có ảnh hưởng mĩ thuật của người Hán. Trong khi dân Toraja ngày nay vẫn còn làm vật lưu niệm, đồ trang sức trang trí với hoa văn kĩ hà thuần Đông Sơn, và họ vẫn ở nhà rông cất đúng theo hình trên trống đồng Đông Sơn. Họ cử hành đám táng với quan tài hình thuyền kiểu Đông Sơn. Kiều Quang Chẩn gần đây nhắc lại đề nghị của nhiều học giả Tây Phương về nguồn gốc Đông Sơn của nhóm dân Dayak sống tại bắc đảo Borneo, cách khá xa dân Toraja ở đảo Sulawesi trong quần đảo Indonesia. Trong chuyến đi Indonesia khảo cứu về trống đồng, ông ghi nhận là dân Dayak cũng có nhà rông mái cong, trồng lúa nước và tục đưa linh hồn người chết bằng thuyền.
Kĩ thuật làm trống đồng còn được lưu truyền nhiều thế kỷ sau công nguyên tại Indonesia (trong đó trống nhỏ còn được làm lâu sau đó), mà Hà văn Tấn gọi là trống bản địa vì hình dáng hoặc trang trí, hoa văn trên nhiều trống đào được ở Indonesia mang nhiều ảnh hưởng địa phương (cảnh hiện thực người, ngựa, voi, công.). Kiều Quang Chẩn, cũng như nhiều học giả Indonesia cho là hầu hết các trống to (loại Heger I) nhập từ Bắc Việt thời Đông Sơn (kể cả sau khi Bắc thuộc). Chỉ tiếc là ngày nay kĩ thuật phức tạp dùng để đúc trống (cần thợ giỏi nhiều ngành) mà di dân Đông Sơn để lại tại Indonesia đã thất truyền, chỉ còn mĩ thuật hoa văn trên đồ dồng cỡ nhỏ.
Nơi xa nhất có đồ đồng Đông Sơn là đảo Flores, gần Úc châu. Đồ đồng đó là một chiếc "thuyền mỹ nghệ" giống kiểu thuyền khắc trên trống đồng Đông Sơn. Thuyền được dân địa phương xem như di sản tổ tiên họ đem đến bằng đường biển với câu chuyện kể trong một bài hát chỉ được hát trong những lễ đặc biệt. Tổ tiên ấy cũng là một số người Việt Đông Sơn (không chịu nổi ách đô hộ của người Tàu hoặc kháng chiến quân Việt bị Tàu truy nã ?) lên đường theo lối cũ của bà con vượt biển chạy lụt thuở trước hay vì óc mạo hiểm, muốn tìm miền đất hứa nào đó ? Có lẽ không bao giờ ta biết được, vì người Việt Đông Sơn không để lại chữ viết. Ngoài các huyền thoại, truyền thuyết bằng miệng, không một sự việc, lịch sử, hay câu chuyện nào ghi lại bằng chữ viết hay hình vẽ trên đá, trên gỗ- giấy, hoặc khắc trên đất nung, mu rùa. Trong khi đó người ta biết nhiều sự việc xảy ra thời "tiền sử" ở Trung Hoa, Ai Cập, hay các xứ vùng Cận Đông, Ần Độ, Trung Hoa, hay của cổ dân Trung Mỹ ngày nay, qua các chữ hay kí hiệu khắc trên các vật liệu giữ được lâu nói trên là mu rùa, đất nung, đá.
Như những dân tộc khác, dân Việt đã lai nhiều trong suốt thời tiền sử và trong thời Hoa thuộc (thời Pháp thuộc quá ngắn nên phần lai rất ít). Nhưng các di tích về gốc gác trên miền bắc Việt Nam còn rõ rệt, và gốc này có liên hệ sâu xa với những tộc nói tiếng Nam Á và Nam Đảo. Nói về chủng tộc theo di truyền học, dân Việt xa xưa có chung cội rễ với người cổ vùng Hoa Nam và người cổ Đông Nam Á. Tuy nhiên văn hoá Việt Nam biệt lập và đầu tiên thành hình từ văn hoá bản địa của những tộc nói tiếng tiền- Nam Á trong lục địa và tiếng tiền-Nam Đảo ở vùng thềm lục địa đông bắc Bắc Việt. Và vẫn giữ được độc lập quốc gia và bản sắc văn hoá riêng cho đến nay. Trong khi toàn vùng Nam Trường giang đều bị Hán hoá.
Ảnh hưởng của văn hoá Nam Đảo trên văn hoá Việt cổ đã được Hà Văn Tấn đề cập rải rác trong các bài viết tập hợp trong cuốn "Theo dấu các nền văn hoá cổ". Tôi chỉ căn cứ vào lập luận của Oppenheimer và kết quả mới về di truyền học Đông Nam Á, để làm rõ nét thêm nguồn gốc dân tộc Việt.
Ai chẳng hãnh diện về một quá khứ đặc thù tốt đẹp? Nhất là khi quá khứ tốt đẹp ấy có thể giúp một dân tộc hiện tại nghèo nàn lạc hậu phấn đấu tiến lên cho khỏi hổ thẹn với tổ tiên. Tự ti hay tự tôn đến từ những nhận xét chủ quan, dựa vào những chứng cớ và lí luận. Lí luận có thể khác nhau nhưng chứng cớ khoa học phải được tôn trọng, cho đến khi tiến bộ khoa học về sau lại phủ nhận sự chính xác hiện tại của chúng. Điều quan trọng hơn là làm thế nào cho nước Việt, dân Việt hiện nay có thể tiến bộ để bắt kịp, hay vượt qua, những nước trong cùng vùng. Đó là một thách đố cho tất cả người Việt Nam ngày nay.
Nguyễn Quang Trọng
Rouen 01/2002
• Diamond JM (1988) Express train to Polynesia. Nature 336:307-308
• Ballinger SW, Schurr TG, Torroni A, Gan YY, Hodge JA, Hassan K, Chen K-H, et al Southeast Asian mitochondrial DNA analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migrations. Genetics 130, 139- 152 (1992) Trích bản tóm tắt: Human mitochondrial DNAs (mtDNAs) from 153 independent samples encompassing seven Asian populations were surveyed for sequence variation. The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians.
• Bellwood P (1991) The Austronesian dispersal and the origin of languages. Sci Am 265:70-75
• Blust R, Subgrouping, circularity, and extinction: some issues in Austronesian comparative linguistics, Symp Ser Ins Linguist Acad Sinica, 1, 31 (1999)
• Capelli C, Wilson JF, Richards M, Stumpf M PH, Gratrix F, Oppenheimer S, Underhill P, Pascali V, Ko T, Goldstein DB, A Predominantly Indigenous Paternal Heritage for the Austronesian-Speaking Peoples of Insular Southeast Asia and Oceania Am. J. Hum. Genet., 68:432-43, 2001.
• Hà văn Tấn, Theo dấu các nền văn hóa cổ , Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội (1998)
• Hà văn Tấn, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam , Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội (1994)
• Higham C, The bronze age of southeast Asia, Cambridge University Press (1996)
• Khảo cổ học Việt Nam, I Thời đồ đá, và II, Thời đại kim khí Việt Nam, Hà văn Tấn Ed, Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội (1998)
• Kiều Quang Chẩn, Văn hoá Đông Sơn ở Indonesia- một thoáng nhìn, Thế kỷ 21, tháng 6 năm 2001
• Meacham W, On the improbability of austronesian origins in south China, Asian perspectives, 25 (1), 100 (1985)
• Nguyễn văn Tuấn, Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt, Thế kỷ 21, tháng 12 năm 2001
• Oppenheimer S, Eden in the East The Drowned Continent of Southeast Asia, Phoenix, 1999
• Solheim WGH, Southeast Asia and Korea : from the beginning of food production to the first states, in History of humanity: scientific and cultural development, vol. 1 (Prehistory and the beginning of civilization) Ch. 45, UNESCO/Rouletge, 468-80 (1994)
• The slow birth of Agriculture, trong Special section : Archeology : Transition in prehistory, Science, 282, 1446,(1998)
•Tạ Chí Đại Trường, Tham gia đối thoại sử học, Văn Học, Westminster (USA), tháng 9, 9-33
• Shiba R., Việt và Nhật, nguyên tác đăng trên Bungei Shunju tháng 2-1990, Vĩnh Sính dịch, Diễn Đàn Forum (Pháp), tháng 1-1993, 24-25
• Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mã lai Của Dân Tộc Việt Nam (The Malay origin ofVietnamesepeople),Bách Bộc,Saigon,1971)
• Hemudu, Zhonghua Yuangu Wenhua Zhiguang (Hemudu, light of ancient culture in China), ISBN 7-81035-572-4/K.066 (1998)
• Su B, Xiao J, Underhill P, Deka R, Zhang W, Akey J, Huang W, Shen D, Lu D, Luo J, Chu J, Tan J, Shen P, Davis R, Cavalli-Sforza L, Chakraborty R, Xiong M, Du R, Oefner P, Chen Z, Jin L, Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into eastern Asia during the last Ice Age, Am J Hum Genet, 65, 1718-1724 (1999)
• Chu J Y, Huang W, Huang SQ, Xu JJ, Chu Z T, Yang Z Q, Lin K Q, Li P, Wu M, Geng Z C, Tan C C, Du R F, Jin L, Genetic relatioship of populations in China, Proc Nat Acad Sci USA, 95, 11763 (1998)
(Dưới đây là bản đồ và chú thích J)
Bản đồ vùng Đông Nam Á lục địa, từ Nam Trung Hoa đến Trung Việt Nam. Bờ biển phía đông (đường liên tục __) được thềm lục địa (độ sâu dưới 100 m, đường vẽ-) bọc bên ngoài đến tận đảo Đài Loan và Hải Nam. Những mũi tên chỉ hướng đi của dân nói tiếng Nam Đảo từ ngoài thềm lục địa di tản vào đất liền dọc bờ biển Bắc Việt khi vùng vịnh Hạ Long bị biển ngập.
Địa điểm di tích các văn hóa:
1- Soi Nhụ; 2- Hạ Long; 3- Đa Bút; 4- Quỳnh Văn; 5- Bàu Tró; 6- Sa Huỳnh; 7- Hong Kong (cửa sông Châu giang); 8- Dapengeng; HB: Hoà Bình.
2- Các di tích dọc sông Dương tử, kể từ thượng nguồn (bên trái): a- Sanxingdui, b- Pengtou; c- Diantonghuan; d- Hemudu


Sách Việt Sử "11 Quyễn Sách"
ngukong

Những cuốn sách Việt Sử dưới đây được thâu lượm rải rác từ khắp nơi trên Internet. Nhận thấy rằng đây là những cuốn sách quý, rất khó tìm được nên chúng tôi xin mạn phép lấy về và tập trung tại đây để quý vị khỏi mất công tìm kiếm trên Internet.

Để xem và in được các sách sau đây, máy bạn cần phải Download ===>> Acrobat Reader
Tất cả các sách dưới đây đã được cập nhật (9/21/2001) để dùng Acrobat 5.0 trở lên và Unicode font)

Việt Nam Sử Lược <<== Click vào Đây để Download

Do học giả Trần Trọng Kim soạn thảo vào năm 1919. Trung tâm học liệu in lần thứ nhất vào năm 1971, nhóm Sách Việt chuyển sang ấn bản điện tử vào năm 1994.


Việt Sử Toàn Thư <<==Click vào Đây để Download

Do sử gia Phạm Văn Sơn soạn thảo vào năm 1960, hội chuyên gia Việt Nam chuyển sang ấn bản điện tử vào năm 1996.


Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu <<==Click vào Đây để Download
Do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng đầu thế kỷ 20.
Nhóm nghiên cứu sử địa dịch sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1972.
Nhóm bạn Lê Bắc, Doãn Vượng, Công Đệ chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001.


Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục <<==Click vào Đây để Download
Do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn thảo khoảng năm 1856-1881. Viện Sử học dịch sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1960. Nhóm bạn Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Thanh Quyên chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001.


Việt Sử Tiêu Án <<==Click vào Đây để Download

Do Ngô Thời Sỹ soạn thảo vào năm 1775. Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu dịch sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1960. Nhóm bạn Lê Bắc, Doãn Vượng, Công Đệ chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001.


Đại Việt Thông Sử <<==Click vào Đây để Download
Do Lê Quý Đôn soạn thảo vào năm 1759. Lê Mạnh Liêu dịch sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1973. Nhóm bạn Lê Bắc, Công Đệ chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001.


Đại Việt Sử Ký Toàn Thư<<====Click vào Đây để Download
Do nhiều sử gia nhà Trần và nhà Lê soạn thảo ra. Năm 1993, nhà XBKHXH ấn hành bản chữ Quốc Ngữ, dịch từ bản in năm Chính Hòa thứ 18 (1697).
Nhóm bạn Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thủy, Tuyết Mai, Hồng Ty và Nguyễn Quang Trung chuyển sang ấn bản điện tử năm 1999.


Lam Sơn Thực Lục <<====Click vào Đây để Download
Do Nguyễn Trãi soạn thảo, Lê Lợi đề tựa vào thế kỷ 15. Mạc Bảo Thần dịch sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1944. Nhóm bạn Lê Bắc, Công Đệ, Tuyết Mai và Doãn Vượng chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001.


Thiền Uyển Tập Anh <<====Click vào Đây để Download
Soạn thảo vào đời nhà Trần, khoảng thế kỷ 14. Sách viết về các thiền sư đời Lý, Trần, v.v... tuy nhiên lại cho biết rất nhiều dữ kiện lịch sử vào các thời kỳ đó. Lê Mạnh Thát dịch sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1976. Lê Bắc chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001.


An Nam Chí Lược <<====Click vào Đây để Download
Do Lê Tắc soạn thảo vào khoảng thế kỷ 14, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại Học Huế dịch sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1960. Nhóm bạn Lê Bắc, Công Đệ và Doãn Vượng chuyển sang ấn bản điện tử năm 2000.


Đại Việt Sử Lược <<====Click vào Đây để Download
Do một tác giả khuyết danh soạn thảo vào khoảng thế kỷ 14. Nguyễn Gia Tường dịch sang chữ Quốc Ngữ vào năm 1972. Nhóm bạn Lê Bắc, Công Đệ chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001


Nếu Muốn chuyễn sang Text.. Dùng Convert online bên dưới


Hoặc Có Thể Convert online Ngay Đây




Nên Convert to RTF hay hơn rất tốt 100%

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét