Liệu Trung Quốc Có Thể Vươn Lên Một Cách Hoà Bình?
(Can China Rise Peacefully ?)
Bản dịch phần đầu bài thuyết trình của ông John J. Mearsheimer, giáo sư Chính Trị Học của Đại học Chicago, Hoa Kỳ.
https://www.youtube.com/watch?v=0DMn4PmiDeQ
Lời Dịch giả:
Trong số 3 trường phái thông dụng về Quan hệ Quốc tế ( International Relation, IR): Duy Thực, Lý Tưởng và Mác-xit (Realism, Liberalism, and Marxism) thì Duy Thực là phái được công chúng chú ý đến nhiều hơn cả. Giáo sư Mearsheimer là một đại biểu của Realists, đúng hơn thì Ông thuộc về chi phái Offensive Realism, đã giảng dạy ở phân khoa Chính trị học của Đại học Chicago trong hơn 30 năm qua. Ông cũng viết sách nữa; nổi tiếng là quyển The Tragedy of Great Power Politics ra năm 2001, trong đó Ông trình bày quan điểm của phái Offensive Realism ,và áp dụng quan điểm đó vào việc lượng định tình hình quốc tế.
Bài dịch này là nhằm mục đích giới thiệu với những độc giả quan tâm về tình hình thời sự quốc tế, đặc biệt là những bạn trẻ trong Nước, cách nhìn của phái Duy Thực ở Mỹ về sự vươn lên của Trung Quốc. Đề tài này cũng đã từng được giáo sư Mearsheimer mang sang Trung Quốc để tranh luận với vị viện trưởng của Đại học Thanh Hoa.
(https://www.youtube.com/watch?v=wBrA2TDcNto).
(Can China Rise Peacefully ?)
Bản dịch phần đầu bài thuyết trình của ông John J. Mearsheimer, giáo sư Chính Trị Học của Đại học Chicago, Hoa Kỳ.
https://www.youtube.com/watch?v=0DMn4PmiDeQ
Lời Dịch giả:
Trong số 3 trường phái thông dụng về Quan hệ Quốc tế ( International Relation, IR): Duy Thực, Lý Tưởng và Mác-xit (Realism, Liberalism, and Marxism) thì Duy Thực là phái được công chúng chú ý đến nhiều hơn cả. Giáo sư Mearsheimer là một đại biểu của Realists, đúng hơn thì Ông thuộc về chi phái Offensive Realism, đã giảng dạy ở phân khoa Chính trị học của Đại học Chicago trong hơn 30 năm qua. Ông cũng viết sách nữa; nổi tiếng là quyển The Tragedy of Great Power Politics ra năm 2001, trong đó Ông trình bày quan điểm của phái Offensive Realism ,và áp dụng quan điểm đó vào việc lượng định tình hình quốc tế.
Bài dịch này là nhằm mục đích giới thiệu với những độc giả quan tâm về tình hình thời sự quốc tế, đặc biệt là những bạn trẻ trong Nước, cách nhìn của phái Duy Thực ở Mỹ về sự vươn lên của Trung Quốc. Đề tài này cũng đã từng được giáo sư Mearsheimer mang sang Trung Quốc để tranh luận với vị viện trưởng của Đại học Thanh Hoa.
(https://www.youtube.com/watch?v=wBrA2TDcNto).
**************************************************************
Tôi xin cảm ơn quý vị đã đến đây hôm nay để nghe tôi thuyết trình. Thật là một vinh dự cho tôi trước sự hiện diện của đông đảo nhiều người hôm nay ở đây. Tôi đã ở trường đại học này suốt 31 năm, và trong suốt thời gian đó tôi đã dạy nhiều sinh viên, nhiều người trong họ có mặt tại đây hôm nay. Thật là một điều tốt lành được thấy lại nhiều khuôn mặt quen thuộc đó ở đây.
Đề tài mà tôi sắp nói tối nay là một vấn đề mà tôi nghĩ là quan trọng nhất của thế kỷ XXI; đó là liệu Trung Quốc có thể vươn lên một cách hoà bình?
Trước khi đi sâu vào những điểm chính yếu của bài thuyết trình, tôi xin được đưa ra trước hai điểm lưu ý tiên khởi. Trước hết là tôi giả định rằng Trung Quốc (TQ) sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vài mươi năm tới như đã tăng trưỏng trong suốt những thập niên qua; nói cách khác nó sẽ không khựng lại hoặc đi xuống một cách đáng kể. Tôi giả định rằng nó sẽ trở thành như một Hong Kong khổng lồ vậy. Tôi khẳng định lại rằng đó là một giả định, chứ không nói rằng nhất quyết sẽ xảy ra như vậy. Như quý vị biết, nói về tình hình kinh tế TQ, có những nhận định trái ngược từ hai phía. Có phía cho rằng TQ sẽ tiếp tục tăng trưởng như trước đây trong vài thập niên tới; phía kia thì nghĩ ngược lại. Bản thân tôi không có ý kiến về điều đó, tôi chỉ giả định là TQ sẽ tiếp tục tăng trưởng như trước đây. Cũng xin nhớ rằng đề tài đang bàn là cho tương lai 20,30 năm tới, không phải chỉ xảy ra trong vài năm sắp đến. Điều quan tâm là viễn ảnh một TQ sẽ trở nên hùng mạnh hơn rất nhiều so với hôm nay.
Điều trên đây dẫn tôi đến điểm tiên khởi thứ hai. Đó là chúng ta không thể trả lời câu hỏi đặt ra trên đây mà không cần đến một lý thuyết. Bởi vì bản thân đề tài là một vấn đề lý thuyết. Lý do là vì chúng ta hiện nay không có những sự kiện của tương lai. Nếu quí vị bước ra Washington D.C., gặp những người ở đó, rồi hỏi họ câu hỏi trên kia , quý vị có thể sẽ gặp một số người nào đó trả lời rằng họ vừa trở về từ Bắc Kinh tuần rồi , ở đó họ nói chuyện với các ông Y, X, và Z và sau khi chuyện trò với những người đó, họ tin rằng TQ sẽ vươn lên một cách hoà bình. Tôi có thể bảo rằng những ông Y, X và Y đó là ai, những người có lẽ cao chưa quá 5 bộ thuộc về thế hệ 30 năm trước, trong khi điều hành nước TQ tương lai sẽ là những kẻ mà lúc này đang là những đứa bé. Và làm sao chúng ta biết những đứa bé ấy sau này nghĩ gì khi họ nắm quyền trong hai, ba mươi năm tới. Nói khác đi, chúng ta không có trong tay lúc này những sự kiện của tương lai, đơn giản vì tương lai chưa xảy đến. Đó là lý do khiến chúng ta cần một lý thuyết để gỉải thích, để ước đoán xem TQ sẽ hành xử ra sao khi họ trở nên hùng mạnh hơn, và Mỹ, cũng như các nước láng giềng của TQ , phải phản ứng như thế nào trong tình hình như vậy. Chúng ta cần một lý thuyết về Chính Trị Quyền Lực. Điểm thứ hai này sẽ dẫn tôi đi sâu vào cốt lõi của bài thuyết trình.
Bài thuyết trình của tôi sẽ gồm 3 phần.
Trước hết tôi sẽ trình bày về lý thuyết Chính Trị Quyền Lực của tôi. Kế đến tôi sẽ tóm lược lịch sử đối ngoại của Mỹ từ năm 1783, lúc giành được độc lập, cho đến hiện nay. Mục đích là để chứng minh rằng lịch sử đối ngoại của Mỹ trong giai đoạn đó đã diễn ra đúng như lý thuyết Chính Trị Quyền Lực của tôi; để qúy vị nhận rằng lý thuyết đó không phải là một điều vớ vẫn tôi đơm đặt ra, mà là điều đã được thực tế chứng minh. Nghĩa là phần hai của bài thuyết trình sẽ tập trung vào lịch sử đối ngoại của Mỹ từ 1783 đến nay, nhằm liên hệ giữa kinh nghiệm thực tế lịch sử với lý thuyết.
Phần thứ ba, tôi sẽ nói về TQ, dự đoán là TQ sẽ hành xử ra sao khi có trở nên hùng mạnh hơn. Luận cứ của tôi là TQ sẽ hành xử theo cung cách như Mỹ đã hành xử từ lâu nay, nghiã là như lý thuyết của tôi tiên đoán. Và tôi cũng sẽ tiên đoán rằng Mỹ sẽ phản ứng với TQ như đã từng phản ứng với đế quốc Nhật, với quốc xã Đức, và với Liên Xô trước đây. Tắt lại , mục đích là để quý vị thấy rằng lý thuyết (Chính Trị Quyền Lực) là đúng, là phù hợp với thực tế.
Lý thuyết của tôi khởi sự với 5 giả định đơn giản về cách mà thế giới vận hành. Quý vị bỏ 5 giả định đó vào một máy trộn, bấm nút, và quý vị sẽ gặp ngay những " rắc rối". Sau đây là 5 giả định giản đơn đó.
Giả định đầu tiên là nhà nước (hay quốc gia) là những diễn viên chính của chính trị quốc tế và họ diễn trong một hệ thống phi trật tự. Tôi dùng chữ phi trật tự (anarchy) không có nghĩa như nhiều người nghĩ là sát nhân hay tàn sát; trong ngôn ngữ chính trị quốc tế, từ anarchy không mang nghĩa như vậy. Anarchy chỉ đơn giản là một nguyên tắc trật tự theo đó không có thẩm quyền nào cao hơn, chễm chệ ngồi trên các quốc gia. Trái với hierarchy (trật tự theo đẳng cấp), anarchy có nghĩa rằng trong quan hệ quốc tế quốc gia là chủ tể, không còn ai cao hơn. Khi nói rằng đó là một hệ thống phi trật tự (anarchic system) thì điều đó không có nghiã rằng đó là một hệ thống hỗn loạn, rối rắm, mà chỉ đơn giản muốn nói rằng không một thẩm quyền nào cao hơn nhà nước; nhà nước là diễn viên chính trên chính trường quốc tế, trên đầu họ không còn ai khác.
Giả định thứ hai liên quan đến năng lực tấn công (offensive capability), theo đó mỗi quốc gia trong hệ thống đó ít nhiều có một khả năng tấn công quân sự nào đó. Tất nhiên mức độ của khả năng ấy rất biến thiên giữa các quốc gia. Có những quốc gia như Mỹ, Do Thái, hoặc Anh Quốc là những nước với năng lực tấn công quân sự lớn lao; trong khi những nước như Bỉ, Jordan, Guatemala lại có khả năng tấn công quân sự không đáng kể, tuy họ cũng có đôi chút. Luận điểm của tôi là bất kể lớn nhỏ, tất cả các quốc gia đều có khả năng tấn công quân sự, tuy rằng có những quốc gia có khả năng lớn hơn các quốc gia khác.
Giả định thứ ba là rất quan trọng, tôi sẽ dành nhiều thời giờ hơn cho giả định này để làm cho nó hoàn toàn rõ ràng, vì nó sẽ lèo lái toàn bộ lý thuyết. Giả định này liên quan đến ý đồ ( dự tính) (intention); lập luận ở đây là một quốc gia không bao giờ có thể biết chắc dự tính của quốc gia khác, và lại càng chắc chắn không thể biết về dự tính tương lai (future intention) của quốc gia khác.
Tôi xin nói thêm một chút về điểm này. Lý do khiến rất khó ước đoán dự tính của quốc gia khác là vì dự tính nằm trong đầu những nhà làm chính sách và quý vị không tài nào vào được trong đầu người ta để thấy những dự tính đó ra sao cả. Trường hợp này hoàn toàn khác với khía cạnh năng lực (capability), là khiá cạnh gồm những giá trị vật lý có thể đo lường được. Chẳng hạn trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh (CTL), chúng ta thường nhìn về Liên Xô, cố để ước tính mối đe doạ của nó, chúng ta thường luôn luôn có thể có một bức tranh khá rõ ràng về năng lực của họ. Chúng ta đã có thể đếm xem họ có bao nhiêu xe tăng, số lượng hoả tiển phòng không, số phi cơ ném bom, v.v...và phẩm chất của chúng. Nó khá dễ dàng để ước lượng capability của Liên Xô. Nhưng chúng ta đã chẳng bao giờ đồng ý với nhau về mưu đồ-intention-của Liên Xô (LX); những người cánh tả thường cho rằng LX, căn bản, có ý đồ tốt với chúng ta và Mỹ là phía gây ra CTL, những người cánh hữu lại nghĩ rằng LX luôn có ý xấu và là kẻ gia tăng mức căng thẳng của CTL. Chúng ta vẫn không hề biết chắc là LX đã có ý đồ tốt hay xấu đối ( benign or malign intention) với chúng ta.
Trở về Thế Chiến I, như quý vị đều nhớ rằng cuộc thế chiến này bắt đầu từ 19 tháng Tám 1914. Một năm nữa sẽ là kỹ niệm trăm năm cuộc thế chiến ấy, sẽ có nhiều sách nói về nó, và người ta sẽ tranh cãi xem ai gây ra cuộc thế chiến, và có hay không nước Đức là kẻ chịu trách nhiệm về cuộc chiến ấy. Và cuộc tranh luận sẽ đào sâu xem mưu đồ -intention-của người Đức vào lúc đó, lúc cuộc khủng hoảng tháng Bảy năma1914 là gì. Chúng ta vẫn không đồng ý với nhau ý đồ của Đức lúc đó là như thế nào, nhưng chúng ta biết rõ capability của Đức lúc đó. Như vậy, điểm chính vẫn là rất khó để lượng định ý đồ- intention của nước khác.
Có thể có vị sẽ bảo rằng, John! Tôi không đồng ý vì ngày nay, tuy không dễ, nhưng vẫn có khả năng để đoán biết ý đồ của quốc gia khác là như thế nào. Cứ cho là tôi chấp nhận lý luận đó. Nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể cho tôi biết ý đồ tương lai (future intention) của một quốc gia nào đó, vì bạn sẽ không thể cho tôi biết ai sẽ là người điều hành nước Đức trong mười năm sắp đến, hoặc ai sẽ lãnh đạo TQ trong hai mươi năm tới. Như vậy bạn sẽ không tài nào đọc được ý đồ của họ sẽ ra sao. Vậy lập luận của tôi ở đây là rằng rất khó để biết ý đồ của quốc gia khác, chúng ta có thể ước đoán, nhưng không bao giờ biết chắc chắn ý đồ đó.
Xin nêu thêm một ví dụ nữa để kết thúc điểm đang bàn. Ví dụ này không liên quan đến quan hệ quốc tế, mà là quan hệ gia đình. Đó là sự ly dị. Bất kỳ khi nào hai người kết hôn, trong hơn 99.9% trường hợp, họ đều tin rằng người kia chắc chắn có hảo ý (benign intention) với mình, bởi nếu không làm sao họ lấy nhau được? Nhưng như quý vị biết đó, chúng ta có bách phân ly dị là 50%. Và trong những trường hợp đó, các cặp vợ chồng cuối cùng đã căm ghét nhau. Nhiều cặp đã có ý đồ xấu với nhau. Điểm đó cho thấy một điều là, tuy đây là một ý tưởng đáng chán dù nó là sự thật, khi kết hôn không ai có thể bảo đảm chắc chắn là người phối ngẫu của mình sẽ giữ mải hảo ý với mình trong suốt thời gian hôn nhân. Nói vậy không có nghĩa là người phối ngẫu sẽ có ý đồ xấu với bạn, nhưng chỉ muốn nói rằng bạn không thể nắm chắc được ý đồ của người đó theo thời gian.
Đến đây, như vậy tôi đã trình bày trước quý vị 3 giả định của tôi. Giả định thứ nhất là quốc gia là diễn viên chính trong một hệ thống anarchy (phi trật tự), nghĩa là không có quyền lực nào ngồi cao hơn quốc gia. Thứ hai là mỗi quốc gia, ít nhiều , đều có năng lực tấn công quân sự. Thứ ba là không thể nào biết chắc ý đồ của quốc gia khác.
Những giả định thứ 4 và thứ năm là rất đơn giản.
Giả định thứ tư là rằng mục đích chính của mỗi quốc gia là sống còn (survival); sống còn là mục đích tối hậu. Nói vậy không có nghĩa là mục đích duy nhất của quốc gia là sống còn; nó có nhiều mục đích khác như thịnh vượng, như phổ biến các giá trị của mình ra ngoài, và nhiều mục tiêu khác. Nhưng mục đích số một vẫn là sự sống còn, bởi đơn giản là nếu không sống còn thì không thể nào theo đuổi những mục đích khác được. Vậy nên sống còn là mục tiêu chính yếu.
Giả định thứ năm là quốc gia, một cách căn bản, là những diễn viên am hiểu và thuận lý (rational actors); nói cách khác quốc gia là những nhà tính toán chiến lược (strategic calculators).
Quý vị bỏ 5 giả định trên đây vào trong một máy trộn, rồi bấm nút, rắc rối sẽ hiện ra. Tại sao? Khi quý vị trộn 5 giả định đó lại, hành vi đầu tiên quý vị sẽ nhận được là sự sợ hãi; các quốc gia sợ lẫn nhau. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ sợ nhau. Họ sợ nhau vì hai lý do. Lý do thứ nhất là mỗi quốc gia có xác suất cao là phải sống cạnh một quốc gia khác với năng lực tấn công quân sự lớn và có mưu đồ xấu (maligned intentions); một xác suất sống cạnh một Đức Quốc Xã chẳng hạn. Lý do thứ hai là vì, như tôi hay gọi là vấn đề 911, không còn quyền lực nào cao hơn quốc gia trong hệ thống phi trật tự, khi quý vị quay số cấp cứu 911 trong lãnh vực chính trị quốc tế, quý vị không có ai ở đầu dây bên kia trả lời cả . Vì đó là một anarchic system. Điều này sẽ dẫn đến một hành vi khác; đó là tự cứu (self-help). Các quốc gia nhận ra rằng mình phải tự cứu; đó là một hệ thống tự cứu. Mẹ tôi thường dạy " Chúa cứu giúp những kẻ tự cứu mình". Hành vi thứ ba là để bảo toàn, nhớ rằng tồn tại là mục tiêu chính của các quốc gia trong chính trị quốc tế, và cách tốt nhất để tồn tại, hiểu theo ngôn ngữ của bọn trẻ con chúng tôi lúc ở New York, phải làm gả to nhất và giởi hơn những đứa khác, còn nói theo ngôn ngữ xã hội học, thì mỗi quốc gia phải tối đa hoá quyền lực tương đối của mình, bởi vì khi một người mạnh lên thì khả năng bị kẻ khác quấy nhiễu sẽ giảm. Có ai trong quý vị đêm nằm thao thức lo rằng Canada, Cuba, Mexico, hay Guatemala sẽ tấn công Hoa Kỳ? Quý vị sẽ bảo đó là sự lo lắng vô lý vì có quốc gia nào trong bán cầu này dám tấn công chúng ta. Tại sao? Bởi lẽ Mỹ quá mạnh. Vấn đề chính ở đây là sức mạnh cực kỳ. Trong một hệ thống phi trật tự-anarchic system- khi không ai trả lời cú gọi 911, khi những quốc gia láng giềng lại mạnh và không làm sao biết được ý đồ của họ tốt hay xấu, thì cần phải trở nên thật hùng mạnh, bởi vì càng hùng mạnh thì càng cảm thấy an toàn hơn. Để cụ thể hơn, có thể nói rằng quốc gia cần phải trở nên một kẻ bá chủ (hegemon) trong một hệ thống như vậy.
Nhưng đúng ra thì thế nào là một kẻ bá chủ (hegemon) trong hệ thống. Lập luận của tôi là rằng vì hành tinh này quá lớn, cách trở nhiều bởi các đại dương, để cho một quốc gia nào đó có thể trở thành kẻ bá chủ toàn cầu (global hegemon). Ở đây tôi xin thêm rằng, nước Mỹ của chúng ta đã tự gây nhiều rắc rối cho mình từ sau Chiến Tranh Lạnh, vì đã muốn hành xử với ảo tưởng mình là một global hegemon. Chúng ta không thể làm được điều đó vì hành tinh này là quá lớn và chúng ta sẽ phải dính vào quá nhiều rắc rối. Điều hay nhất, theo tôi, chúng ta có thể làm được là trở thành một kẻ bá chủ khu vực (regional hegemon). Một quốc gia có thể khống chế khu vực của nó. Tôi sẽ biện luận cho việc Mỹ trở thành một bá chủ khu vực duy nhất, trong lịch sử thế giới hiện đại, ở Tây Bán Cầu. Điểm chính là một quốc gia nếu muốn sống còn mạnh, muốn tối đa hoá quyền lực của mình thì hay nhất là trở thành một bá chủ khu vực-regional hegemon. Đó là mục tiêu số một.
Mục tiêu số hai là chúng ta phải bảo đảm không để có một quốc gia trở thành đối thủ cạnh tranh ngang tầm với mình (no peer competitor); phải bảo đảm không để một quốc gia khác khống chế khu vực của nó trên thế giới y như cách chúng ta khống chế khu vực của mình. Có lẽ sẽ có người hỏi tại sao vấn đề không để có một đối thủ ngang tầm cạnh tranh với mình lại quan trọng như vậy. Ở đây, vấn đề chính là sự tự do qua lại một cách tuỳ thích (freedom to roam). Đến đây, có lẽ sẽ có vị tự hỏi là tôi đang nói gì đây về freedom to roam. Tôi chắc là phần đông quý vị có lẽ không chú ý đến điều là tại sao nước Mỹ của chúng ta lại lang thang khắp nơi trên thế giới, chỏ mũi vào chuyện người khác . Tại sao như vậy? Đó là chỉ vì chúng ta không có bất kỳ một đe doạ nào về an ninh ở Tây Bán Cầu làm chúng ta phải lo lắng, chúng ta hoàn toàn bá chủ ở đó khiến chúng ta được tự do lang thang, qua lại khắp thế giới. Nếu trong khu vực chúng ta có khoảng 5,6 cường quốc, trong đó giả sử có hai hoặc ba là kẻ không có quan hệ tốt với chúng ta thì chúng ta hẳn đã phải chú tâm và bị trói buộc nhiều vào Tây Bán Cầu hơn rồi. Nhờ vậy chúng ta được tự do đi lại khắp thế giới, vào sân sau của các quốc gia khác. Mối quan tâm của Mỹ là không muốn một cường quốc khác được thà hồ qua lại trong những vùng sân sau của mình. Hảy nhìn vào Ấu Châu, ở đó chúng ta muốn rằng đế quốc Đức, hoặc Quốc xã Đức, hoặc Liên Xô phải lo lắng trong vùng láng giềng của họ hơn là ở Tây Bán Cầu . Giả thử nếu Đức chiến thắng hết những cường quốc khác ở Âu Châu và trở thành bá chủ khu vực- regional hegemon- ở đó, như vậy có nghĩa rằng Đức sẽ có tự do để đi lại vào vùng Tây Bán Cầu . Nhưng Mỹ sẽ không bao giờ muốn bất kỳ cường quốc nào khác có sự tự do freedom to roam ấy vào Tây Bán Cầu. Chúng ta muốn có tự do qua lại- freedom to roam -vào sân sau của những nước khác, nhưng chúng ta không muốn cường quốc khác có freedom to roam vào sân sau của chúng ta.
Vậy lý thuyết của tôi là, bắt đầu bằng 5 giả định đơn giản đã nêu, chúng ta đi đến lý luận rằng trong thế giời này để tối đa hoá quyền lực, tối đa hoá viễn ảnh sống còn, cách hay nhất cho một cường quốc là, thứ nhất phải trở thành một kẻ bá chủ khu vực-regional hegemon-và thứ hai là phải bảo đảm để không có một đối thủ cạnh tranh ngang tầm với mình ( no peer competitor). Nói cách khác là phải duy trì tình trạng trong đó chỉ có mình là kẻ bá chủ khu vực duy nhất trên toàn cầu ( Only regional hegemon on the planet). Đó là lý thuyết căn bản.
Bây giờ tôi xin nói về lịch sử của Mỹ từ 1783 đến nay. Và lập luận của tôi là nhìn vào thời gian đó, tất cả hành vi của nước Mỹ chúng ta đã diễn ra phù hợp với lý thuyết của tôi. Không mấy ai trong quý vị được giáo dục để suy nghĩ theo lối này; vì sinh ra và lớn lên theo khuynh hướng lý tưởng (Liberal American), chúng ta quen tự nói cho mình những truyền thuyết sai về lịch sử, như tự nhận chúng ta là dân tộc cao cả, không làm gì khác hơn ngoài những điều tốt đẹp cho thế giới, v.v...và v.v...
Nhưng đó thật ra không phải là cách mà thực tế đã vận hành qua thời gian. Hảy trở lại từ năm 1783. Khởi đầu Mỹ chỉ gồm 13 tiểu bang nhỏ nằm dọc bờ Đại Tây Dương. Những gì xảy ra tiếp theo trong khoảng 70 năm sau đó là người Mỹ đã đi từ ven bờ Đại Tây Dương, một mạch qua tới bờ Thái Bình Dương. Trên chặng đường dài đó, chúng ta đã giết hại một số lớn người dân bản địa Da Đỏ, cướp đất của họ; chúng ta đã gây chiến với Mexico, lấy đất của họ nay là vùng Tây Nam của nước Mỹ. Chúng ta xâm lấn Canada vào năm 1812 với ý định sáp nhập Canada; người Anh và người Canadian đã lo suốt cuối thế kỷ 19 là chúng ta sẽ viếng họ lần nữa, vì họ đã biết rõ là chúng ta rất tham lam. Phần lớn vùng Caribbean ngày nay thuộc Mỹ là vì, không phải do vấn đề nô lệ, mà vì các bang miền Nam quá khao khát muốn mở mang ra vùng Caribbean và nhập những phần đất ở vùng đó của thế giới vào Mỹ, và phần khác cũng vì các bang Miền Bắc không còn muốn có nô lệ. Như quý vị đã biết, đường mía là kỹ nghệ chính ở vùng Caribbean, và là ngành cần nhiều lao động nô lệ.
Như vậy, không phải chúng ta chỉ hướng họng súng về Thái Bình Dương, nhưng còn hướng họng súng về hướng Bắc tới Canada, về Nam tới Mexico và Caribbean. Chưa có một quốc gia nào trong lịch sử hiện đại có một kỷ lục bành trướng có thể so gần bằng với chúng ta. Không phải là vô cớ khi Hitler, sau khi xâm chiến Liên Xô vào tháng ngày 22 tháng Sáu năm 1941, trong những tháng tiếp theo ông ta thường xuyên nói về việc Đức Quốc Xã sẽ thực hiện ở Liên Xô những gì Mỹ đã làm trước đó ở Bắc Mỹ.
Đó là vắn tắt về việc nước Mỹ đã được tạo lập nên ra sao; trở nên một quốc gia rất hùng mạnh và rất hiếu chiến.
Điều thứ hai trong nỗ lực thiết lập bá quyền(hegemony) của Mỹ ở Tây Bán Cầu là loại các đế quốc Âu Châu ra. Chắc quý vị nhớ Tổng Thống James Monroe. Vào năm 1823, Ông đưa ra thuyết Monroe, bảo các cường quốc Âu Châu rằng " vùng này là bán cầu của chúng tôi , từ từ thế nào chúng tôi cũng tống cổ các ngài ra, tuy chúng tôi chưa đủ mạnh để làm điều đó lúc này, nhưng các ngài nên đi đi bởi chỉ là vấn đề thời gian, và khi đã đi rồi chúng tôi sẽ không hoan nghênh sự trở lại vùng này của quý ngài." Lần nữa, có lẽ có ít người trong quý vị nhớ nhiều về Chiến Tranh Lạnh. Có nhớ rằng chúng ta đã căng với Liên Xô như thế nào thời đó? Những điều gì đã xảy ra ở những nơi như Cuba, vụ những phi đạn và quân LX ở đó, hoặc việc lập căn cứ hải quân (LX) ở Santiago (Chile)... Đó là những điều không thể chấp nhận được đối với chúng ta. Vì đây là bán cầu của chúng ta, chúng ta đã quyết tâm thiết lập cho được sự bá chủ ở đây.
Điểm chính của tôi ở đây là rằng vào khoảng 1900, sau chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, Mỹ đã thiết lập xong sự bá chủ khu vực ở Tây Bán Cầu, và như tôi đã nói, đó là kẻ bá chủ khu vực duy nhất trong lịch sử hiện đại.
Đến đây, xin nhớ lại rằng chúng ta có hai mục tiêu: một là trở nên bá chủ khu vực, và hai là không để có một đối thủ cạnh tranh ngang tầm (peer competitors) với mình. Trong thế kỷ XX chúng ta có ít nhất 4 peer competitors: Đế quốc Đức, đế quốc Nhật, Quốc Xã Đức, và Liên Xô. Mỹ đã đóng vai trò chính trong việc đưa 4 peer competitors đó vào trong đống phế liệu của lịch sử. Mỹ đã không hề để cho ai trong 4 đối thủ đó trở thành bá chủ khu vực ở Âu Châu, Á Châu, hay trong trường hợp Liên Xô, liên lục điạ Á-Âu. Chúng ta tham gia Đệ Nhất TC tháng 4/1917 để giúp loại đế quốc Đức. ( Tôi sẽ dành khoảng nửa giờ để giải thích thêm làm sao Mỹ đã làm lệch cán cân có lợi cho Anh-Pháp chống lại Đức). Trong Đệ Nhị TC, chúng ta gần như một mình đánh bại Nhật, và chúng ta cùng với Liên Xô đóng vai trò chủ chốt trong việc đánh gục Đức Quốc Xã ở Âu Châu. Và hiển nhiên trong CTL, chúng ta đóng vai trò chính trong việc ngăn chận Liên Xô và loại trừ nó, kết thúc CTL. Sau đó chúng ta đã minh định với thế giới rằng chúng ta không hề có ý định từ bỏ địa vị bá chủ thế giới của mình. Như vậy, Mỹ đã có một kỷ lục rất rõ ràng về việc không chấp nhận có một đối thủ cạnh tranh ngang tầm- peer competitor, và chúng ta đã minh thị về điều đó.
Vậy lập luận của tôi là quý vị cứ nhìn vào căn bản lý thuyết như tôi đã trình bày và đối chiếu với lịch sử để thấy rằng Mỹ đã hành xử, kể từ năm 1783 đến nay, rất phù hợp với lý thuyết đó.
Kế tiếp tôi sẽ bàn về TQ. Lập luận của tôi , một cách đơn giản, là TQ sẽ bắt chước cách hành xử đã có của Mỹ.
Trước hết, hảy nói về sự tối đa hoá quyền lực tương đối. Quý vị có nghĩ rằng TQ, với kinh nghiệm lịch sử của 150 năm qua của mình, hiểu tầm quan trọng của việc trở nên hùng mạnh? Quý vị có hiểu điều gì đã xảy ra cho TQ khi họ suy yếu? Thưa rằng nó rất khủng khiếp cho họ. Họ đã gọi đó là thế kỷ của sỉ nhục quốc gia (century of national humiliation). Họ đã bị người Nhật, người Âu Châu, và người Mỹ, bằng chính sách " Open door policies", bóc lột họ từ trái sang phải, chiếm đóng họ, giết hại vô số người của họ. Quý vị đến Bắc Kinh, hỏi bất kỳ người TQ nào với câu hỏi đơn giản như vầy: " Bạn có hai lựa chọn, hoặc là mạnh hơn Nhật mười lần, hoặc Nhật sẽ mười lần mạnh hơn bạn, bạn có nghĩ đó là vấn đề quan trọng? " . Quý vị thử đoán người TQ ấy sẽ trả lời thế nào. Chắc là người ấy sẽ bảo rằng nó là điều rất quan trọng để trở nên hùng mạnh hơn; chúng tôi hiểu những gì đã xảy ra trước đây khi chúng tôi suy yếu. Vì vậy chắc chắn là họ, TQ, sẽ nỗ lực để tối đa hoá sức mạnh tương đối của họ. Họ muốn bảo đảm rằng khoảng cách sức mạnh giữa họ và Nga, giữa họ và Nhật, giữa họ và Ấn Độ sẽ càng rộng càng tốt, cùng một cách như chúng ta rất hài lòng với sự kiện là sức mạnh của Canada, Mexico, hoặc của Guatemala chỉ là những con cá nhỏ so với chúng ta. Đó không phải vì chúng ta là ma quỷ, mà chẳng qua vì đó là cách hay nhất để sống còn trong hệ thống chính trị quốc tế.
Vậy , thứ nhất qúy vị có thể mong đợi rằng TQ sẽ muốn tối đa hoá sức mạnh tương đối của họ, để tăng trưởng và xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh. Thứ hai, quý vị có nghĩ rằng rồi ra TQ sẽ có một " Monroe doctrine"? Quý vị có nghĩ rằng nó là bình thường cho chúng ta để giận giữ khi Liên Xô đưa hoả tiển và quân lính vào Cuba, nhưng TQ lại không nên bất bình khi chúng ta cho hàng không mẫu hạm của mình thường xuyên lui tới dọc duyên hải của họ, chỉ vì chúng ta là, chẳng hạn, một loại bá chủ tốt bụng, hoặc vì một điều phi lý tương tự? Mẹ tôi dạy tôi, khi còn tôi còn là thằng bé, rằng, " cái gì tốt cho ngan thì cũng tốt cho ngỗng."; một lý luận áp dụng được cho chúng ta thì cũng nên được áp dụng cho kẻ khác. Tại sao họ lại không cần một chủ thuyết Monroe cho họ? Các cố vấn an ninh quốc gia ở Bắc Kinh hỏi tôi rằng có nên chăng họ cố gắng để có một chủ thuyết Monroe nhằm đẩy Mỹ ra khỏi vùng mà họ gọi là chuổi đảo thứ nhất (the first island chain, từ Đông bắc TQ, kéo qua phía Tây Nhật, xuống Đài Loan, Bắc Philippines, qua Biển Đông, xuống tận eo Malacca) , rồi khỏi cái gọi là chuổi đảo thứ hai ( từ phía Đông Nhật Bản, xuống cho đến Úc), cuối cùng bằng mọi cách để đẩy Mỹ ra và khống chế Á Châu như Mỹ đã khống chế Tây Bán Cầu. Như vậy có phải chỉ vì TQ là ma quỹ, hoặc chỉ vì họ có nền văn hoá khác biệt với chúng ta? Tất nhiên là không. Lập luận của tôi ở đây là lập luận về cấu trúc quyền lực quốc tế; do cấu trúc đó các cường quốc không có nhiều lựa chọn để không khống chế khu vực của mình. Vậy khi quý vị đọc báo trong 20, 30 năm tới, quý vị sẽ thấy nhiều bằng chứng về việc TQ nói đến khống chế Á Châu , cố đẩy Mỹ ra càng xa càng tốt. Chắc chắn là họ sẽ không vui việc hàng không mẫu hạm hay quân đội của chúng ta nằm ngay trước bực thềm nhà họ, cùng một lý do như chúng ta đã không bao giờ hài lòng khi kẻ khác làm như vậy với chúng ta.
Vậy thì rồi đây Mỹ sẽ làm gì, sẽ phản ứng ra sao? Ở đây hồ sơ lịch sử là rất rõ ràng, cứ nhìn lại cách chúng ta đã đối phó với Đức, Nhật, và Liên Xô trước đây thì rõ. Chắc chắn chúng ta không để cho TQ khống chế Á Châu; đây chính là căn bản của chính sách " chuyển trục về Á Châu" (pivot Asia), và nó mới chỉ bắt đầu. Chúng ta sẽ không bao giờ dung dưỡng đối thủ cạnh tranh ngang tầm. Chúng ta sẽ dốc sức để ngăn chận TQ; ngược lại TQ cũng sẽ dốc sức để đẩy chúng ta ra. Bởi một lần nữa, quý vị hẳn thấy sự nghiêm trọng nếu TQ khống chế Á Châu. Lúc đó họ sẽ đạt được free to roam-tự do qua lại. Chúng ta đã thấy họ roaming ở Á Châu, ở Vịnh Ba Tư. Tôi không phê phán họ về điều đó. Nhưng chúng ta lại không bao giờ muốn họ lang thang đi vào sân sau của chúng ta; đại cường quốc như chúng ta không thể chấp nhận một việc như vậy. Vì vậy chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để ngăn chận họ.
Và rồi quý vị có thể sẽ tự hỏi mình rằng vậy còn những láng giềng của TQ sẽ phản ứng thế nào. Vâng! Những nước láng giềng đó sẽ luôn giữ một sự cân bằng với chúng ta. Chúng ta đang thấy rồi là sự cân bằng này đang xảy ra. Quý vị cứ về nhà thử dùng google để tìm hiểu Nhật và Ấn Độ. Hai nước này, tuy cách ngăn địa lý, lại đang tìm cách đồng sàng và hôn nhau thắm thiết. Và họ làm vậy chỉ vì TQ. Và cả giữa Ấn Độ với Mỹ nữa. Tôi thường hỏi các sinh viên của tôi vì sao giữa Mỹ chúng ta và Ấn Độ lại trở nên thân thiện lúc này. Nhiều người Mỹ trả lời rằng chỉ vì cả hai đều theo chế độ dân chủ. Tôi cho rằng đó không phải là câu trả lời đúng, vì trong suốt CTL cả Mỹ và Ấn Độ cũng đều là quốc gia dân chủ, nhưng sao hồi ấy hai nước lại không thân thiện với nhau. Sự thật thì hồi đó Ấn Độ chẳng ưa gì Mỹ cả. Phía Mỹ chúng ta, trong suốt CTL, cũng chẳng dành cho họ bao nhiêu thì giờ. Nhưng bây giờ có gì đó thay đổi. Cái gì đó là TQ. Phải , bởi vì Ấn Độ đang rất lo về TQ và chúng ta cũng vậy. Điều đó khiến hai nước bây giờ xích lại gần với nhau. Liên minh cân bằng sẽ như thế này: Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore, Úc, Indonesia, Russia và Mỹ. Đó sẽ là những diễn viên chính. Câu hỏi khác là vậy còn những nước như Pakistan, Miến Điện, Lào, Cambodia. Bốn nước này có thể sẽ ở phía bên kia. Nhưng chúng ta sẽ có những cường quốc chính ở Á Châu đứng về phía chúng ta. Lý do là vì những quốc gia đó ở gần TQ hơn và bị TQ đe doạ nhiều hơn là bị chúng ta đe doạ. Cũng một thể như trước đây các quốc gia Châu Âu đã dựa vào Mỹ để cân bằng với Liên Xô chỉ vì họ sống gần LX và bị LX đe doạ nhiều hơn là bị Mỹ đe doạ. Đó là vấn đề về liên minh cân bằng (balancing coalition).
Một điểm cuối cùng quý vị nên lưu ý trong vấn đề quan hệ quốc tế; đó là vấn đề gọi là security dilemma-nghịch lý về an ninh. Nghịch lý này bảo rằng hầu hết những việc một quốc gia làm được xem, từ phía mình, là defense (phòng vệ) thì quốc gia kia, nhìn từ phía khác, sẽ xem đó như là offense ( tấn công). Nói cách khác nghịch lý an ninh là thuộc tính của niềm tin rằng rất khó để phân biệt giữa năng lực phòng vệ và năng lực tấn công. Vậy nếu bạn là TQ, còn tôi là Mỹ, và nếu tôi thấy bạn gia tăng lực lượng quân sự của bạn, thì tôi sẽ bắt đầu đem hàng không mẫu hạm và tàu ngầm vào Thái Bình Dương để bảo vệ quyền lợi của tôi chống lại bạn. Việc làm đó , từ phía mình, Mỹ, tôi cho là phòng vệ. Nhưng từ phía bạn, TQ, thì sự xuất hiện chiến hạm và tàu ngầm Mỹ ở Thái Bình Dương như vậy, về bản chất, là hành vi tấn công. Quý vị hẳn cũng thấy mỗi lần TQ tăng ngân sách quốc phòng là chúng ta lại la làng lên là TQ tăng cường khả năng tấn công. Nhưng về phía TQ thì họ lại bảo rằng không, đó chẳng qua chỉ là hành vi phòng vệ; và rằng vì lực lượng quân sự của Mỹ ở ngay trên ngưỡng cửa chúng tôi, nên chúng tôi phải tăng cường quân lực để tự vệ. Như vậy chúng ta ở vào một tình trạng rất độc hại (pernicious) ,nhưng không tránh được, vì không thể dễ dàng phân biệt được giữa phòng vệ và tấn công; những gì bên này làm xem như là phòng ngự lại bị bên kia xem là hành vi tấn công. Ở đây lý do đơn giản là vì đôi bên không biết chắc được ý đồ của của nhau (Xin nhớ rằng tôi đã bàn về vấn đề ý đồ-intention này rồi), bất kỳ một hành vi phòng vệ nào từ một bên đều được phía kia xem như một dấu hiệu tấn công. Và rồi theo thời gian, tình trạng độc hại đó sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, và sự chạy đua đó lại gia tăng nghi kỵ giữa đôi bên về sự hiếu chiến của bên kia.
Để kết thúc tôi xin nói rằng lập luận của tôi tối nay là dựa trên một lý thuyết. Như tôi đã nói từ đầu rằng chúng ta không thể bàn về sự vươn lên của TQ mà không có một lý thuyết. Và mỗi lý thuyết chỉ đề cập được một khía cạnh của một vấn đề nào đó. Lý thuyết của tôi, giống như các lý thuyết khác của khoa học xã hội, cao nhất chỉ đúng được 75% trường hợp. Có thể quý vị sẽ tự hỏi tại sao vậy. Xin thưa rằng thế giới là vô cùng phức tạp và lý do khiến chúng ta có lý thuyết là để giúp hiểu được phần nào sự phức tạp đó của thế giới. Lý thuyết là một bức tranh đơn giản về sự phức tạp của thực tại. Khi tạo ra một lý thuyết, để thuận tiện, chúng ta loại ra các yếu tố phụ thuộc. Lý thuyết của tôi không có chỗ cho các yếu tố đối nội, tôi không quan tâm một quốc gia là theo dân chủ, độc tài, cộng sản , hay phát xít; tôi chỉ để chung trong một phạm trù là quốc gia; chính sách đối nội không nằm trong lý thuyết của tôi. Có điều là trong thực tế cuộc sống, đôi khi những yếu tố phụ không gồm trong lý thuyết , trong một vài trường hợp nào đó lại trỗi dậy và trở nên quan trọng, và lúc đó lý thuyết không còn áp dụng được đối với những trường hợp như vậy. Đó là lý do vì sao tôi bảo rằng không lý thuyết nào của khoa học xã hội, theo thiển ý, đúng được hơn 75% trường hợp, không có nhiều lý thuyết đúng được 75%. Điều đó cũng có nghĩa rằng có thể có xác suất là tuy lý thuyết của tôi đã giúp giải thích rất tốt những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng nó lại không toàn hảo và tôi có thể sai. Từ tình hình nghiêm trọng mà tôi vừa trình bày, hảy hy vọng rằng lần này lý thuyết của tôi sẽ sai.
Cảm ơn quý vị.
*****************
Dịch gỉa: Khương Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét